Hồng Bào Quái Nhân
Tác giả: Cổ Long
Hồi 14: NHAN BÁCH BA QUYẾN LUYẾN DU LANG
Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Nguồn: vietkiem.com
Du Hữu Lượng nói:
- Lúc đó ...
Chàng chưa dứt lời Triệu Phụng Hào như chợt nhớ ra điều gì lớn tiếng hỏi:
- Tiểu huynh đệ! Xin tiểu huynh đệ cho biết trường hợp ngộ hại của những nhân vật đó ra làm sao?
Du Hữu Lượng đáp:
- Không hiểu vì lẽ gì mấy nhân vật tuyệt đỉnh thiên hạ đó đồng thời tụ họp ở một chỗ, dường như có cuộc hội đồng thì phải ...
Triệu Phụng Hào nghe tới đây lẩm nhẩm gật đầu.
Du Hữu Lượng lại nói tiếp:
- Điều đáng sợ là ngay lúc ấy những nhân vật võ công cái thế chỉ trong giây lát đều bị tê chồn ngã lăn ra không nhúc nhích được.
Triệu Phụng Hào la lên:
- Trúng độc chăng?
Du Hữu Lượng kể tiếp:
- Thế rồi một quái nhân mình mặc áo hồng bào xuất hiện, dùng thủ đoạn rất tàn độc hạ sát năm tay cao thủ thượng thặng.
Triệu Phụng Hào hỏi:
- Năm người ư?
Du Hữu Lượng ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Đúng năm người.
Triệu Phụng Hào buột miệng la lên:
- Thế rồi Tô Bạch Phong ...
Lão nói tới đây ngừng lại một chút, quay ra hỏi:
- Tiểu huynh đệ vừa nhắc đến Tô Bạch Phong mà chưa nói hết câu chuyện Tô Bạch Phong làm sao?
Du Hữu Lượng đáp:
- Sau khi Hồng Bào Quái Nhân giết năm tay cao thủ đệ nhất thiên hạ, dường như trong lòng còn có quỷ kế gì, lão bỏ đi một lúc rồi trở lại. Khi đó Tô Bạch Phong xuất hiện. Kết quả là Hồng Bào Quái Nhân bị Tô Bạch Phong đánh một chưởng phải bỏ chạy.
Triệu Phụng Hào hơi lộ vẻ đắc ý. Da mặt lão nở ra một chút. Lão nhìn Du Hữu Lượng, khóe mắt lộ ra oai phong lẫm liệt. Lão thủng thẳng hỏi:
- Sao tiểu huynh đệ lại trông thấy?
Du Hữu Lượng không kịp suy nghĩ gì đáp ngay:
- Khi đó vãn bối ở gần hiện trường, đành ẩn nấp để ngó trộm.
Triệu Phụng Hào cười lạt hỏi:
- Tiểu huynh đệ khẳng định là Hồng Bào Quái Nhân đã sát hại năm người kia?
Du Hữu Lượng không hiểu lão hỏi câu này có dụng ý gì? Chàng đáp:
-Đúng thế!
Chàng giấu nhẹm mình cũng trà trộn trong đám người này và phải chịu đựng một nhát kiếm cực kỳ đau đớn. Thực ra Du Hữu Lượng bất cứ việc gì cũng thích giấu giếm vài phần. Chàng đành khẳng định Hồng Bào Quái Nhân đã dùng độc đánh ngã năm người.
Triệu Phụng Hào lạnh lùng hỏi:
- Tiểu huynh đệ không nói dối đấy chứ?
Du Hữu Lượng đáp:
- Dĩ nhiên không có chuyện đó.
Triệu Phụng Hào chau mày ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: nguồn truyện t u n g h o a n h . c o m
- Chăng phải lão phu có ý hoài nghi tiểu huynh đệ. Chuyện này quan hệ rất lớn. Nếu quả tiểu huynh đệ nói đúng sự thật thì việc quan hệ thứ nhất là cái chết của Vô Vi Đạo Trưởng. Mấy chục năm trước đạo trưởng đã tỉ đấu chín ngày với Tháp Hải Lão Quái ở trên núi Kỳ Bàn. Lão Quái thất bại rồi lập tức tiến vào Trung Nguyên ... Vì thế lão phu cần hỏi cho biết rõ ...
Du Hữu Lượng hỏi:
- Tháp Hải Lão Quái ư?
Triệu Phụng Hào gật đầu đáp:
- Tháp Hải Lão Quái một đời tung hoành trên chốn giang hồ đã đấu với Vô Vi Đạo Trưởng trên núi Kỳ Bàn trong chín ngày. Kết quả là Đạo Trưởng thắng được nửa chiêu. Lão Quái ước hẹn là Đạo Trưởng còn sống ngày nào là lão không được lê chân đến Trung Nguyên ngày ấy ... lại còn nhiều ảnh hưởng trọng đại khác vì thế mà lão phu cần điều tra cho biết rõ ...
Du Hữu Lượng ngắt lời:
- Sự tình đúng như thế. Khi nào vãn bối dám lừa dối lão nhân gia?
Chàng yên trí Võ Đương Đạo Trưởng đã chết rồi, nên nói bằng một giọng rất thành khẩn, cả vẻ mặt cũng lộ ra chân thực. Bất luận là ai cũng không tài nào đo lường được tất dạ thâm trầm của chàng còn ẩn dấu những ý nghĩ gì nữa.
Triệu Phụng Hào trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu nói:
- Vụ này thật là kỳ! Trước khi Tô Bạch Phong chưa đến sao Hồng Bào lão quỷ Du Nhất Kỳ không hạ thủ đi? Thế mới khó hiểu ...
Du Hữu Lượng nghe lão nói câu này không khỏi ngẩn người. Ba tiếng "Du Nhất Kỳ" khác nào ba ngọn trùy đập mạnh tai chàng, nên ngoài ba tiếng đó chàng không nghe thấy gì nữa.
Chỉ trong khoảnh khắc người chàng tưởng chừng phân làm bốn đoạn, lại giống như đụng phải lửa điện. Bất giác chàng xoay mình co giò chạy tuốt.
Kẻ thù đúng là Hồng Bào Quái Nhân kia, đã đủ chứng cớ rồi.
Du Hữu Lượng ngẩng đầu trông lên trời, thấy trời cao mà tối mò, lác đác có mấy chấm sao nhỏ.
Triệu Phụng Hào đi rồi nhưng thanh âm của lão hãy còn văng vẳng bên tai.
Chàng vừa tức giận vừa kinh khủng, cảm thấy trong đời chàng ngoài sự trả thù không còn lạc thú gì nữa.
Đêm đông lạnh lẽo, lòng chàng đột nhiên phanh phui ra sự bí mật thì một mối khủng khiếp mới chưa từng có lại bao phủ lên người chàng. Chàng là một người tự kiềm chế được mọi ngoại cảnh mà lúc này cũng cảm thấy khắp mình giá lạnh.
Chàng toan rả bước vào thành thì đột nhiên một bóng trăng thấp thoáng, một người thân hình nhỏ bé lướt qua bên người chàng chuồn vào trong khu rừng cách đó không xa.
Du Hữu Lượng định thần chợt nhớ ra người đó chính là Nhan Bách Ba ở phái Võ Đương. Chàng toan rượt theo để chuyện trò cho có bạn, nhưng vừa bước đi hai bước, bỗng trong rừng có tiếng kêu khóc rất bi thương vọng lên theo chiều gió đưa đi rất xa.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm trong bụng:
- Nhan Bách Ba còn nhỏ tuổi quá mà ân sư gã nhất đán bị uổng mạng thì gã khóc lóc bi thương chẳng có gì đáng trách. Ta phải đến khuyên giải gã mới được.
Chàng liền chạy vào rừng, đi chưa bao xa, đã thấy Nhan Bách Ba mình mặc áo trắng, đứng tựa vào gốc cây mà khóc. Vì trời tối gã chưa phát giác ra Du Hữu Lượng đến bên.
Du Hữu Lượng chờ gã khóc một lúc rồi cất giọng ôn nhu nói:
- Nhan huynh nên giảm mối bi thương. Chớ khóc nhiều để hại cho sức khỏe.
Nhan Bách Ba vội ngửng đầu lên thấy Du Hữu Lượng đang nhìn mình một cách rất thân thiết. Gã tưởng chừng mình đang chơi vơi trong biển cả, tìm được vật để níu lấy. Chàng văn nhược thư sinh trước mắt gã lúc này tựa hồ là con người tâm phúc duy nhất để nương tựa.
Nhan Bách Ba gạt lệ hỏi:
- Bữa nay Du huynh đã nhìn thấy cuộc đại hội Trường An rồi chứ?
Du Hữu Lượng cất giọng thâm trầm đáp:
- Đúng thế!
Chàng nói tiếp:
- Lệnh sư bất hạnh gặp thảm họa. Bây giờ tưởng nên nghĩ ngay đến việc trả thù. Nhan huynh có tiết chế nỗi bi ai thì mới nghĩ được kế hoạch. Có đúng thế không?
Nhan Bách Ba nghĩ đến ân sư bất giác lại khóc òa lên.
Du Hữu Lượng suốt đời nếm mùi đau khổ đã nhiều. Chàng trải qua những trận thương tâm thê thảm gấp mười, nhưng nghĩ tới Nhan Bách Ba còn nhỏ tuổi lại quen được cưng chiều nên gã không nhịn được mối đau đớn này, chàng cũng đồng tình với gã.
Hồi lâu Nhan Bách ba bỗng dương mắt lên nhìn Du Hữu Lượng nói:
- Họ gạt người ta rồi. Gã họ Tô nguyền rủa gia sư tất chẳng được chết yên lành.
Du Hữu Lượng ngơ ngác chẳng hiểu gì. Nhan Bách Ba lại la lên:
- Tiểu đệ không tin, chết cũng không tin. Gia sư đã luyện thành tấm thân sắt thép thì trên cõi đời này còn ai hại được lão nhân gia. Gã họ Tô nói càn, chắc hắn không được chết tử tế.
Nhan Bách Ba lúc la lúc khóc rất ồn ào. Du Hữu Lượng thấy gã thần trí thất thường, trong lòng sinh mối đồng tình mà không biết an ủi gã bằng cách nào.
Nhan Bách Ba kêu la một lúc rồi dần dần khôi phục lại nghiêm nghị nhìn Du Hữu Lượng hỏi:
- Du huynh! Chẳng lẽ trên đời có người sát hại được Vô Vi Đạo Trưởng? Có phải hắn nói bậy không? Du huynh thử suy nghĩ và phán đoán vụ này chân hay giả?
Gã ngưng thần chú ý nhìn Du Hữu Lượng, chỉ mong chàng đồng ý với mình.
Du Hữu Lượng trong lòng buồn thảm nghĩ thầm:
- Chú nhỏ này tinh thần đã đến chỗ băng sắp hoại. Ta phải làm cho gã yên tâm lại mới được.
Chàng liền gật đầu đáp:
- Nhan huynh nói đúng đó. Tiểu đệ cũng nghĩ như vậy.
Nhan Bách ba cả mừng, nét mặt lộ ra ngây thơ, muốn nhẩy lên luôn miệng khen ngợi:
- Du huynh quả là kiến thức cao minh! Cao minh hơn đời!
Còn chàng thư sinh này sao mà biết võ công của Tử Dương chân nhân đến trình độ nào thì gã không nghĩ tới.
Du Hữu Lượng hỏi:
- Nhan huynh! Bây giờ đêm đã khuya rồi. Chúng ta hãy về thành nghỉ một đêm rồi sẽ liệu. Nhan huynh tính sao?
Nhan Bách Ba lắc đầu đáp:
- Tiểu đệ muốn đi ngay để tìm kiếm đại sư ca.
Du Hữu Lượng nói:
- Việc này không khẩn cấp trong một vài giờ. Nhan huynh cứ nghỉ một đêm cho khỏe, sáng mai sẽ thượng lộ cũng chẳng chậm mất bao nhiêu.
Nhan Bách Ba ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Du huynh nói cũng phải, nhưng đây cách thành đã xa rồi. Tiểu đệ không muốn trở về thành cho mất thời gian và hao tốn sức lực. Chúng ta nghỉ đêm trong rừng được không?
Gã không muốn dời xa Du Hữu Lượng, vì chàng cũng như gã không tin sư phụ bị hại, khiến cho hắn vững tâm hơn nhiều. Gã xa chàng một bước là tín tâm lại giảm đi một phần.
Du Hữu Lượng cười đáp:
- Như vậy càng hay.
Hai người chật vật một lúc cắt hết đám cỏ xung quanh một cây lớn. Mỗi người ngồi một bên tựa gốc cây mà ngủ. Hai người đã đốt đống lửa cháy đùng đùng nên không rét nữa.
Du Hữu Lượng hôn mê đi vào giấc ngủ, bỗng nghe người bật ngón tay rồi khẽ hỏi:
- Du huynh! Du huynh đã trông thấy chưa?
Du Hữu Lượng lắc đầu.
Nhan Bách Ba kề gần lại nói:
- Tiều đệ thấy tình trạng này trong lòng khắc khoải không yên nên không sao ngủ được.
Du Hữu Lượng khuyên nhủ:
- Nhan huynh đừng nghĩ vơ nghĩ vẩn. Cứ ngồi tĩnh tâm một lúc là ngủ được ngay.
Chàng vừa nói vừa phát giác ra mối cảm tình thân thiết. Chàng quen nói câu đó rồi nên lúc này buột miệng thốt ra đã quen tai lắm. Lúc này chính chàng cũng không ngủ được nữa.
Sau chừng nửa giờ lại nghe tiếng Nhan Bách Ba bật ngón tay. Thanh âm gã vừa khẽ vừa nhỏ, tựa hồ sợ làm kinh động cả mình, nhưng gã lại hi vọng mình đừng ngủ để nghe cho rõ.
Du Hữu Lượng lẩm bẩm ; - Gã này còn tính trẻ nít.
Chàng ngồi dậy hỏi:
- Nhan huynh có tâm sự gì vậy?
Nhan Bách Ba ra chiều bẽn lẽn ấp úng đáp:
- Du huynh cũng không ngủ nữa ư? Chúng ta ... chúng ta ... Trong đầu tiểu đệ rất hoang mang, chúng ta nói chuyện được chăng?
Du Hữu Lượng đáp:
- Tiểu đệ cũng muốn thế.
Nhan Bách Ba thấy vành mắt chàng nặng chĩu, mà vẫn chiều theo ý mình.
Lúc này gã cảm thấy mình yếu ớt, trong lòng vừa đau thương vừa mừng thầm, hai mắt đỏ hoe.
Gã ngập ngừng hỏi:
- Du huynh! Xem chừng Du huynh đầy bụng kinh luân mà sao cũng thích nghe chuyện giang hồ.
Du Hữu Lượng cười đáp:
- Bản tính tiểu đệ ưa náo nhiệt, lần trước nghe Nhan huynh nói đến cuộc Trường An đại hội, trong lòng không nhẫn nại được, cũng trà trộn vào hội trường.
Nhan Bách Ba thở dài nói:
- Trên chốn giang hồ hung hiểm trá ngụy rất nhiều, ơn oán liên miên không ngớt. Thật khiến cho người ta khó chịu, đâu có cuộc sống thanh cao như người đọc sách?
- Huynh đài đừng dính vào chuyện giang hồ nữa hay hơn.
Du Hữu Lượng mỉm cười không nói gì. Sau chàng hỏi:
- Nhan huynh! Nhan huynh coi Thiệu nữ hiệp ở phái Hoa Sơn thế nào?
Nhan Bách Ba hắng dặng một tiếng rồi đáp ; - Y là người nhỏ nhen kiêu ngạo vì được bọn sư huynh cưng chiều như bảo bối, khiến người ta phải chán ngán.
Du Hữu Lượng ra vẻ thần bí nói:
- Nhưng y rất quan tâm đến Nhan huynh.
Nhan Bách Ba mặt đỏ lên hỏi:
- Tiểu đệ muốn y quan tâm đến mình làm chi? Tiểu đệ đã ngán nói chuyện với y.
Du Hữu Lượng nói:
- Tiều đệ thấy cô ta lòng dạ thiện lương, người lại xinh đẹp. Thực là con phụng hoàng trong loài người.
Nhan Bách ba lạnh lùng đáp:
- Xem chừng Du huynh mê cô nhỏ đó rồi. Ha ha! Du huynh ơi! Bước công danh chưa đạt, lấy gì an ủi song thân? Tiểu đệ tưởng hãy lưu tâm vào việc đọc sách là hơn.
Du Hữu Lượng gật đầu khen phải. Nhan Bách ba đổi sang nét mặt tươi cười nói:
- Tiểu đệ nói thực tình, xin Du huynh đừng trách.
Du Hữu Lượng đáp:
- Lời nói của Nhan huynh là khuôn vàng thước ngọc, khi nào tiểu đệ dám ân hận?
Nhan Bách Ba cất giọng ôn nhu nói:
- Tiểu đệ thực tâm mong Du huynh đỗ cao, ngày sau làm nên quan lớn. Tiểu đệ ... cũng có phần vinh hạnh.
Du Hữu Lượng nói:
- Tiểu đệ thực tình chẳng thể phân thân, không thể bồi tiếp Nhan huynh đi dò la cho ra sự thực. Dù tiểu đệ không giúp được gì, nhưng cũng muốn chiếu cố Nhan huynh.
Nhan Bách Ba trong lòng rất cảm động nghĩ thầm:
- Anh chàng này tuy là một gã thư sinh, nhưng lòng dạ chân thành nghĩa hiệp.
Y quả là ... một nam nhi rất tốt ...
Gã nghĩ tới đây trong lòng vừa vui vừa buồn, không hiểu là mùi vị gì.
Du Hữu Lượng lại nói:
- Đêm đã khuya rồi, Nhan huynh nên yên nghỉ một lúc là hơn.
Nhan Bách Ba nói:
- Chúng ta vừa được một phen gặp gỡ, đã phải chia tay, chẳng biết ngày nào lại được tái hội. Chúng ta hãy nói chuyện lúc nữa để làm những ký ức về sau há chẳng hay hơn ư?
Gã nói câu này khóe mắt lộ ra tình quyết biệt.
Du Hữu Lượng nhìn thần sắc gã tưởng chừng nát ruột, nhưng ngoài mặt vẫn lạnh lùng. Gã than thầm trong bụng:
- Ta không nên quen biết một người bạn tốt nào nữa để phải thêm gánh nặng tình cảm.
Nhan Bách Ba thấy chàng không nói liền cất giọng ôn nhu:
- Du huynh mỏi mệt rồi, tiểu đệ không tiện quấy nhiều để Du huynh nghỉ ngơi. Xin Du huynh tùy tiện ... Người đọc sách lao thân tổn trí, chứ không như tiểu đệ suốt ngày tựa hồ chẳng có việc gì.
Du Hữu Lượng mỉm cười đáp:
- Nghe Nhan huynh nói mà trong lòng hứng thú quên cả nhọc mệt. Đêm dài có người trò chuyện ý hợp tâm đầu là một điều mà tiểu đệ mong còn không được.
Nhan Bách Ba thực tình muốn nói chuyện với Du Hữu Lượng cho đến sáng để giết thì giờ. Gã cả mừng nói:
- Du huynh! Lòng dạ Du huynh rất thân thiết, học thức lại hơn người. Sau này tất thành tựu lớn lao. Hỡi ơi! Trong chiều kẻ quyền thần lộng hành mà hoàng đế lại nhu nhược đa nghi, nếu không có cây cột chống trời thì e rằng ... e rằng ...
Du Hữu Lượng bỗng nghe gã bàn tới quốc gia đại sự, phê bình việc triều chính thì trong lòng run rẩy lên nghĩ bụng:
- Ta cũng nghe nói hoàng đế bản triều vốn tính đa nghi. Nếu ngài nghe câu chuyện này có khi nguy đến tính mạng. Gã thiếu niên này đem lời tâm phúc bàn bạc với ta, không hiểu vì lẽ gì?
Nhan Bách ba lại hỏi:
- Bậc đại trượng phu sinh vào thời loạn chính là lúc để mình lập công. Du huynh nghĩ sao?
Du Hữu Lượng vâng dạ đáp:
- Nhan huynh nói phải lắm, Nhan huynh bản lãnh phi thường lại vẻ người tuấn nhã. Đúng là tinh anh của đất nước. Sao không tiến thân theo đường sĩ hoạn để thỏa trí bình sinh?
Nhan Bách Ba thẹn đỏ mặt lên nói:
- Du huynh quá khen! Dù tiểu đệ có lòng như vậy thì ... thì tệ phái cũng không ưng cho theo đường sĩ hoạn.
Du Hữu Lượng mỉm cười đáp ; - Dù ở triều đình hay ở ngoài nội mà giữ lòng trung nghĩa thì cũng là một đấng hảo nam nhi.
Nhan Bách Ba cười hỏi:
- Hảo nam nhi ư? Du huynh mới là hảo nam nhi.
Du Hữu Lượng nói:
- Nhan huynh! Tiểu đệ đọc sách của cổ nhân, trước kia cũng có chút hoài nghi về hành động của du hiệp, kiếm sĩ, nhưng từ lúc giao kết với huynh đài mới biết cổ nhân nói thực không sai.
Nhan Bách Ba nở một nụ cười ngon ngọt. Vẻ người gã đã tuấn nhã nụ cười thành thục lại càng xinh. Du Hữu Lượng nhìn thấy không khỏi ngây người.
Nhan Bách Ba hổ thẹn ngoảnh đầu đi. Đột nhiên gã thấy một con chim lớn trắng bạch đậu trên cành cây, coi rất khả ái.
Nhan Bách Ba bỗng vung hai tay áo, rồi nhảy vọt lên.
Du Hữu Lượng thấy gã lúc hạ mình xuống, trong tay đặt một con chim Anh Vũ, nó xòe cánh muốn bay đi mà không đủ lực lượng.
Nhan Bách Ba cười nói:
- Không ngờ nơi đây lại có con chim đẹp thế này đến đậu. Cổ nhân có nói:
Lương cầm chọn cây mà đậu, hiền thần chọn chúa mà thờ. Không chừng cây cổ thụ này sống đến mấy trăm năm rồi.
Du Hữu Lượng thấy con Anh Vũ đứng ở trong lòng bàn tay Nhan Bách Ba, dường như nó bị hấp lực giữ lại, muốn vùng vẫy bay lên mà không được thì trong lòng rất bội phục nội lực của gã đã đến độ phi thường.
Nhan Bách Ba thấy cặp mắt đỏ hang của con Anh Vũ lấp loáng chiếu ánh sáng có vẻ thần tuấn dị thường càng sinh lòng yêu quí. Tấm lòng trẻ thơ lại nổi lên, bụng bảo dạ:
- Ta còn đi đường xa, khó lòng nuôi được con chim này muốn gởi chàng họ Du nuôi giùm cho. Ngày sau hội ngộ đã có nó để làm tín vật.
Nhưng rồi gã nghĩ lại thấy bẽn lẽn vô cùng!
Gã còn đang ngần ngừ bỗng con Bạch Anh Vũ lớn tiếng la:
- Buông tha ta mau! Buông tha ta mau!
Nhan Bách Ba thấy con Anh Vũ biết nói tiếng người, trong lòng lại càng vui thích. Bỗng nghe con chim lại la:
- Buông tha ta mau! Sính Đình Tiên Tử sắp tới đó.
Nhan Bách ba trong lòng kinh ngạc. Con Bạch Anh Vũ thừa cơ vỗ cánh bay đi.
Nhan Bách Ba lẩm bẩm:
- Sính Đình Tiên Tử! Té ra con chim này được Sính Đình Tiên Tử nuôi dưỡng. Thảo nào nó thông tuệ phi thường.
Gã nhìn Du Hữu Lượng nói:
- Du huynh! Chúng ta tránh đi quách. Tiểu đệ không muốn chạm trán Sính Đình Tiên Tử.
Du Hữu Lượng lượm cái bọc lên. Hai người đi vào khu rừng mé hữu. Đi chừng nửa giờ, cả hai người cùng dừng lại trước một cây lớn ngồi xuống.
Du Hữu Lượng hỏi:
- Sính Đình Tiên Tử là nhân vật thế nào?
Nhan Bách Ba giải thích:
- Không phải tiểu đệ sợ Sính Đình Tiên Tử, nhưng nhân vật này có mối liên quan với gia sư, tiểu đệ không tiện động thủ với y.
Du Hữu Lượng lấy làm kỳ hỏi:
- Sao gặp y lại nhất định phải động thủ?
Nhan Bách Ba đáp:
- Du huynh! Du huynh không biết tính khí y tệ lắm. y còn nhỏ tuổi hơn tiểu đệ nhưng rất điêu ngoan cổ quái, đến đâu gây sự tới đó. Y gây chuyện phiền phức cỗ này rồi bỏ đi lại đến quấy nhiễu nơi khác. Những nhân vật võ lâm, phải điên đầu với y mà chẳng có cách nào đối phó được, nên đành nhường nhịn y cho xong.
Du Hữu Lượng hỏi:
- Võ công của Sính Đình Tiên Tử cao thâm lắm hay sao?
Nhan Bách Ba đáp:
- Võ công y đúng là lợi hại. Nhưng điều trọng yếu là y mang trong mình thanh kim kiếm của gia sư, nên ai cũng nể mặt, không tiện làm khó dễ với y.
Du Hữu Lượng hỏi:
- Chẳng lẽ lệnh sư không biết đến hành vi của y?
Nhan Bách Ba đáp:
- Gia sư là người rất nghiêm nghị, nhưng rất cưng chiều y. Mỗi năm y lên nói Võ Đương mấy lần, phần nhiều bị người ta uy hiếp, thì y phải chạy về. Nhưng lạ thay, mỗi lần y ra đi là gia sư buồn bã mấy ngày. Vụ này đại sư huynh cũng không hiểu được.
Gã nói tới đây lại nghĩ đến chuyện sư phụ sống chết thế nào chưa rõ, trong lòng nẩy mối thương tâm, vành mắt đỏ hoe, dừng lại không nói nữa.
Hai người lặng lẽ nhìn nhau. Đêm đã hầu tàn, nhưng trong rừng sương mai mù mịt, khí lạnh ghê người. Nhan Bách Ba cất giọng ôn nhu hỏi:
- Du huynh có lạnh không?
Du Hữu Lượng lắc đầu:
Nhan Bách Ba thở dài hỏi:
- Trời sắp sáng rồi. Thời giờ đi mau quá.
Du Hữu Lượng nghe giọng nói của gã đầy vẻ quyến luyến thương cảm, chàng không khỏi động lòng.
Nhan Bách Ba lại hỏi:
- Du huynh! Nếu Du huynh coi tiểu đệ như tình cố cựu thì tiểu đệ có lời tình nguyện xin kêu huynh đài bằng Du huynh được chăng?
Du Hữu Lượng sửng sốt, nhưng thấy vẻ mặt Nhan Bách Ba rất tha thiết chân thật liền đáp:
- Tiểu huynh chỉ sợ xưng hô như vậy là làm nhục hiền đệ.
Nhan Bách Ba cả mừng cất tiếng hô:
- Du đại ca! Tiểu đệ xin thi lễ.
Gã kính cẩn vái Du Hữu Lượng ba vái. Du Hữu Lượng vội đáp lễ.
Nhan Bách Ba nói:
- Du đại ca! Đại ca hứng lấy một tiểu đệ chẳng ra gì, chắc ngày sau còn gặp nhiều phiền phức.
Du Hữu Lượng thấy gã nói một cách thành khẩn, trong lòng rất khoan khoái.
Chàng cười ha hả đáp:
- Chỉ cần tiểu huynh gánh vác nổi. Nếu Nhan đệ xẩy chuyện thị phi thì dù tiểu huynh chỉ là kẻ văn nhược thư sinh cũng hết sức bảo vệ cho Nhan đệ.
Nhan Bách Ba hỏi:
- Trong nhà đại ca còn các vị huynh đệ tỷ muội nào không? Khi nào có thì giờ rảnh, đại ca đưa tiểu đệ đến giới thiệu.
Du Hữu Lượng đáp:
- Tiểu huynh chỉ có một mình.
Nhan Bách Ba vừa kinh hãi vừa vui mừng nói:
- Tiểu đệ lỡ lời làm cho đại huynh mất hứng. Đại ca coi kìa! Trời đã sáng bạch rồi.
Du Hữu Lượng đứng dậy nói:
- Nhan đệ! Tiểu huynh tiễn chân Nhan đệ một quãng.
Nhan Bách Ba trong lòng vui sướng nên chẳng khước từ. Hai người song song ra khỏi rừng cây, nhìn thấy từ phía xa xa đã có khói bốc lên. Bốn bề yên lặng như tờ, chỉ nghe chim hót líu lo. Mặt trời dần dần đi lên tỏa ánh sáng khắp trần gian.
Hai người đi chừng nửa giờ thì trước mặt hiện ra một tòa thị trấn lớn. Du Hữu Lượng nói:
- Chúng ta vào thành uống vài chung rượu gọi là đại ca tiễn hành cho hiền đệ.
Nhan Bách Ba cười đáp:
- Tửu lượng của tiểu đệ kém đại ca xa lắm.
Hai người lên tửu lâu. Lúc này trời còn sớm quá, trên lầu lác đác chỉ có mấy người khách.
Du Hữu Lượng gọi lấy điểm tâm. Chàng rót rượu vào chung nói:
- Hiền đệ cùng ta cạn chén này để chúc hạ cuộc kết giao bữa nay.
Nhan Bách Ba cũng bắt chước Du Hữu Lượng, hăng hái cầm chung rượu đưa lên môi. Mùi rượu mãnh liệt, gã phấn khởi tinh thần uống rượu một hơi cạn sạch.
Miệng còn miễn cưỡng khen ngợi:
- Rượu ngon quá! Rượu ngon quá!
Du Hữu Lượng cười thầm. Chàng biết Nhan Bách Ba không uống được rượu nên không mời nữa.
Nhan Bách Ba tự rót lấy một chung nói:
- Đại ca! Té ra uống rượu cũng thú lắm. Tiểu đệ trước không biết uống rượu thật là uổng.
Du Hữu Lượng thấy mặt gã đỏ bừng càng tăng thêm vẻ tuấn tú. Chàng sợ gã uống say lỡ việc, toan tìm lời khuyên can, bỗng nghe thanh âm khàn khàn của một lão già cất lên ngâm:
"Tướng quân bách chiến thân tan nát.
Sông Dịch Tây Phong thổi lạnh lùng.
Tân khách áo xiêm dường tuyết phủ.
Bi ca tráng sĩ ngẩn ngơ lòng ...".
Giọng ngâm rất thê lương tịch mịch như của một vị tướng quân đến lúc tuổi già đang cưỡi con ngựa mà hét trong lúc lộng gió tây, khiến người nghe không khỏi cảm xúc.
Nhan Bách Ba bất giác nổi dạ thê lương, không uống rượu nữa.
Du Hữu Lượng liếc mắt nhìn về phía phát ra tiếng ngâm thì thấy lão già ngồi trong góc lầu lối tuổi, tướng mạo thanh tú, mặt vuông chữ điền, cặp lông mày đi chênh chếch lên đến mớ tóc mai.
Lão không giận mà oai nghiêm, nhưng mí mắt ảm đạm dường như có vẻ lo âu. Lão rót rượu hết chung này đến chung khác mà uống.
Nhan Bách Ba khẽ nói:
- Lão kia tướng mạo buồn rầu. Hiển nhiên là người có lai lịch, không hiểu sao lại vào tiểu điếm này để bán say?
Du Hữu Lượng chú ý nhìn vào thấy lão già uống hoài, uống mãi, hết chung này đến chung khác.
Điếm tiểu nhi đến gần hai người nói:
- Lão già này uống rượu suốt đêm qua cho đến sáng, hết hai chục cân rượu rồi. Thật là một dị nhân.
Lão già đột nhiên dương mắt ngó về phía Du Hữu Lượng.
Du Hữu Lượng cảm thấy mục quang lão rất oai nghiêm, không dám nhìn nữa liền cúi đầu xuống.
Lão già trên môi hé nụ cười lạt miệng lảm nhảm đọc:
- Người đều say khướt thì ta tỉnh mà chi?
Biết không làm được hề sao lại chưa hề?
Lão đọc hai câu này rồi đứng dậy muốn dời khỏi chỗ ngồi thì đột nhiên dưới lầu có tiếng nhộn nhịp. Ba tên tráng hán đang hối hả đi lên.
Ba tráng hán này tướng mạo đường đường, mặt đầy chính khí. Chúng lên lầu đến trước mặt lão già rồi phục xuống.
Lão già kinh ngạc hỏi:
- Đại Thọ! Hoành Bân! Bách Nguyên! Các ngươi đến đây làm chi?
Một tên tráng hán đáp:
- Bẩm đại soái! Phía trước quân lệnh rất gấp! Tiểu tướng ...
Lão già xua tay ra hiệu. Tráng hán nét mặt đầy vẻ bi thương không nhịn được hỏi:
- Đại soái không ra thì bỏ mặc lê dân hay sao?
Lão già lắc đầu đáp:
- Các ngươi không ở Tiền phương chạy cả đến Trung Nguyên làm chi? Việc thiên hạ, hỡi ơi ...
Lão hạ thấp giọng mà chữ nào cũng nặng trịch.
Nhan Bách Ba đang lắng tai nghe thì Du Hữu Lượng khẽ bảo:
- Chúng ta xuống lầu thôi.
Nhan Bách Ba không hiểu ngơ ngác nhìn Du Hữu Lượng thấy chàng trỏ tay xuống dưới lầu.
Nhan Bách Ba nhìn theo thấy ba người đứng dưới rất quen mặt. Cô đang ngẫm nghĩ lại nghe tráng hán khẽ nói:
- Đại soái không về thì bọn ta cũng đi theo lão quách.
Lão già lộ vẻ giận dữ. Đại hán nói trước đột nhiên rút bảo kiếm ở sau lưng ra đánh "Soạt" một tiếng.
Lão già biến đổi vẻ mặt luôn mấy lần rồi thở dài nói:
- Hay lắm! Thanh bảo kiếm này ngươi đem đến đây, ta dùng nó để chém kẻ tặc tử vô thiên vô pháp.
Tên tráng hán hoan hô nói:
- Đại soái nói phải lắm! Thanh Thượng Phương Bảo Kiếm chuyên để chém kẻ bất trung bất dũng.
Tiếng gã hô vang như sấm. Vị đại soái kia không ngớt lấy mắt ra hiệu.
Du Hữu Lượng khẽ nói:
- Nhan đệ! Chúng ta xuống coi xem lai lịch họ thế nào.
Nhan Bách Ba gật đầu.
Ba tên tráng hán kính cẩn đứng tránh sang một bên. Lão già nói:
- Ba ngươi lật đật tới đây chắc là đói rồi. Hãy ăn cơm rồi sẽ đi.
Ba tên tráng hán liền gọi lấy mấy cân thịt bò chín. Tên nào cũng ăn nghiến ngấu mấy tấm bánh lớn.
Du Hữu Lượng coi một lúc rồi thõng tay lên lầu. Nhan Bách Ba chợt nhớ ra điều gì liền nhìn Du Hữu Lượng lộ vẻ khẩn trương hỏi:
- Phải chăng ba người đó ở Bách Độc Giáo!
Du Hữu Lượng ồ một tiếng rồi đáp:
- Tiểu huynh xuống lầu thì không thấy chúng nữa.
Nhan Bách Ba nhìn ra ngoài cửa sổ, quả nhiên không thấy bóng mấy người kia đâu.
Bọn tráng hán ăn xong rồi, một tên kính cẩn nói:
- Thưa đại soái! La tham tướng ở phía Tây Thành. Tiểu tướng tới đó thông tri tham tướng thay đại soái mở đường trước.
Đại soái xua tay lia lịa đáp:
- Đại Thọ! Ngươi làm nhộn quá. Đội thân binh cũng sắp tới rồi. Nếu bị ngự sử tham hặc thì phiền lắm đó!
Đại Thọ nói:
- Đại soái là thành trì của quốc gia. Dọc đường trộm cướp như rươi, vạn nhất xẩy ra điều gì thì bọn tiểu tướng không đảm đương được.
Đại soái thở dài nói:
- Lão phu cũng đã muốn quy ẩn mà không được vì không tiện bỏ mặc mấy vạn anh em ở tiền phương, nên phải cúc cung tận tụy cho đến chết. Viên Sùng Hoán này chịu thâm ân của quốc gia, chỉ có thể lấy cái chết để báo đáp.
Lão cảm khái nói mấy câu này, thanh âm đê trầm mà Nhan Bách Ba và Du Hữu Lượng nghe rất rõ, hai người không khỏi chấn động tâm thần.
Nhan Bách Ba tưởng Du Hữu Lượng không nghe rõ liền dúng ngón tay vào chung rượu viết lên bàn:
- Tùng Liêu đốc sư Viên đại soái.
Du Hữu Lượng gật đầu.
Lại thấy Viên đại soái đi trước, ba đại hán lẽo đẽo theo xuống lầu.
Nhan Bách Ba chờ bốn người đi xa rồi lộ vẻ khâm phục nói:
- Viên đốc sư mấy lần đánh bại giặc Nữ Chân. Đất Trung Nguyên được như ngày nay quả là công của Viên soái.
Du Hữu Lượng lẩm nhẩm gật đầu.
Nhan Bách Ba nói:
- Nghe nói Viên đại soái kiếm thông văn võ. Kể từ Hùng Đình Bạt đại soái cho đến nay mới lại có vị này chống được giặc Nữ Chân.
Du Hữu Lượng hỏi:
- Vừa rồi lão có vẻ lo âu không hiểu vì chuyện gì?
Nhan Bách Ba thở dài đáp:
- Trong triều đầy kẻ tiểu nhân, Viên soái ở ngoài một mình tận trung chống giặc. Thế mà bọn tiểu nhân còn tìm hết cách gièm pha, trách nào anh hùng chẳng chán nản.
Đáng giận đức hoàng đế đã bản tín đa nghi, dùng người không tín nhiệm. Hỡi ơi! ...
Du Hữu Lượng đưa mắt ra hiệu cho gã mấy lần, gã liền im miệng không nói nữa. Hai người uống thêm mấy chung rượu, nhưng mặt Nhan Bách Ba đã đỏ gay.
Da dẻ gã mịn màng như con gái, khiến ai ngó thấy cũng luyến ái.
Du Hữu Lượng không dám khuyên gã uống rượu nữa. Chàng lẳng lặng ngồi đối diện. Nhan Bách Ba trong lòng có muôn ngàn điều muốn nói mà không biết mở miệng nói sao.
Sau một lúc, tửu lâu dần dần náo nhiệt, đông đảo. Nhan Bách Ba nghĩ thầm trong bụng:
- Ngồi với Du huynh thêm một khắc, trong lòng dễ chịu hơn. Nhưng mình phải đi kiếm sư ca. Nếu còn dùng dằng thì trưa mất.
Gã liền đứng dậy, mượn hơi men vỗ vai chàng, cất giọng sảng khoái từ biệt:
- Đưa người ngàn dặm rồi cũng phải chia tay. Tiểu đệ xin đi thôi.
Du Hữu Lượng nói:
- Tiểu huynh thi cử xong, nhất định sẽ lên núi Võ Đương kiếm Nhan đệ hàn ôn mấy bữa.
Nhan Bách Ba cười khanh khách đáp:
- Đại ca là người đa tình. Tiểu đệ xong việc sẽ trở về núi Võ Đương ngay để chờ đón đại ca.
Gã nổi lên tràng cười lớn ra chiều hào sảng, nhưng không hợp với vẻ mặt tuấn nhã.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm:
- Tai nạn của rượu thật là ghê gớm! Vị tiểu huynh đệ này ngày thường ôn văn nhã, nay mới uống mấy chung mà đã biến thành người say sưa.
Du Hữu Lượng thấy Nhan Bách Ba đầy vẻ khẩn khoản liền đáp:
- Nhan đệ cứ yên tâm. Tiểu huynh chẳng bao giờ thất tín.
Nhan Bách Ba miệng reo:
- Hay lắm! Hay lắm!
Gã lảo đảo bước xuống lầu. Ngọn gió ban mai thổi vào mặt, gã cảm thấy choáng váng. Nhưng gã bản tính quật cường, chẳng lẽ lại ra chiều khiêm nhường trước mặt một chàng văn nhược thư sinh. Gã gắng gượng rảo bước tiến về phía trước.
Du Hữu Lượng không yên tâm đưa mắt nhìn gã đi mỗi lúc một xa.
Bỗng Nhan Bách Ba quay lại vẫy tay. Du Hữu Lượng chạy lại hỏi:
- Nhan đệ còn điều chi dặn bảo?
Nhan Bách Ba đột nhiên thu hào khí lại, cúi đầu xuống nói không ra lời.
Du Hữu Lượng cho là gã quyến luyến không nỡ dời tay nên cũng cảm thông lòng gã. Chàng nắm chặt tay Nhan Bách Ba nói:
- Tiểu huynh đưa Nhan đệ một đoạn đường nữa.
Nhan Bách Ba lắc đầu đáp:
- Không được! Không được!
Du Hữu Lượng chưng hửng. Nhan Bách Ba mỉm cười ngập ngừng:
- Đại ca ơi! Những điều liên quan ... đến tiểu đệ ... ngày sau ngày sau đại ca gặp đại huynh của tiểu đệ là Thái Bình đạo trưởng sẽ biết rõ.
Du Hữu Lượng vẫn không hiểu mà cũng không tiện hỏi, chàng chỉ mỉm cười.
Nhan Bách Ba nhắc lại:
- Tệ đại sư ca nhất định sẽ nói rõ cho Du đại ca hay.
Du Hữu Lượng liền đáp theo chiều:
- Được rồi! Được rồi! Tiểu huynh nhất định sẽ thỉnh giáo ở nơi Thái Bình đạo trưởng.
Nhan Bách Ba tựa hồ đã hết tâm sự, liền rảo bước đi mau. Nhưng gã mới được vài bước lại quay lại nhìn Du Hữu Lượng cười nói:
- Vị tiểu thư phái Hoa Sơn kiêu ngạo kia đang chờ đại ca đó.
Du Hữu Lượng cười đáp:
- Hiền đệ đừng vờ lối muốn ăn gắp bỏ cho người. Tiểu huynh sẽ để ý đến Thiệu nữ hiệp giùm cho Nhan đệ là xong.
Nhan Bách Ba động tâm nghĩ thầm:
- Vị đại ca này là người trung hậu. Nếu y ở với Thiệu nữ hiệp một chỗ thì ...
có điều bất diệu ... vì thị rất xinh đẹp.
Nhưng gã đã nói ra miệng không thể vãn hồi được nữa, trong lòng không khỏi phiền muộn. Gã đá mạnh vào một viên đá nhỏ bên đường rồi lướt đi mất hút vào nơi hoang dã ở ngoài thị trấn.
Du Hữu Lượng thở phào một cái. Chàng cảm thấy trong lòng ấm áp, tự nhủ:
- Ai bảo ta không có thân nhân? Trong vài ngày ngắn ngủi, ta đã kết giao được với một cô em xinh đẹp, lại có một gã đệ đệ tuấn nhã.
Rồi chàng lẩm bẩm:
- Trên đời còn có chuyện lên hương, nào phải chỉ một bề sâu nào? Du Hữu Lượng ơi Du Hữu Lượng! Phải chăng ngươi đã cải biến tâm tư, chứ không đa nghi như trước.
Bản tính thâm trầm của chàng lại dần dần nổi lên. Chàng nghĩ nhiều và nghĩ rất lâu. Một mình chàng lủi thủi đi ra ngoài thị trấn đến khe suối bên rừng, nước chảy róc rách. Chàng ngồi xuống để tinh thần chìm đắm vào trong luồng tư tưởng mông lung.
Bỗng trong rừng có tiếng âm thanh trong trẻo nổi lên:
- Diêu Thiên Vương! Thử xem coi ai đã hạ thủ!
Thanh âm khác trầm trọng đáp lại:
- Thủ pháp đả huyệt nhỏ như hạt gạo, nhận huyệt chính xác như vậy thì công lực thật là đáng sợ ... Tôn huynh thấy thế nào?
Âm thanh sang sảng lại cất lên:
- Trên đời còn có thứ công phu đến Diêu Thiên Vương cũng không nhận ra được thì thật là kỳ.
Nguyên Diêu Thiên Vương là người biết nhiều hiểu rộng. Bao nhiêu môn võ công các phái trong thiên hạ y chỉ trông qua là biết.
Diêu Thiên Vương đáp:
- Người này chắc là hán tử Trung Nguyên mà mấy bữa trước đây đã đối một chưởng.
Người họ Tôn nói:
- Tiểu đệ cũng đoán thế, nhưng lai lịch hắn thế nào thì mình tuyệt không hiểu chút gì mới thật là đáng sợ.
Du Hữu Lượng ở ngoài rừng bụng bảo dạ:
- Tôn quân sư và Diêu Thiên Vương ở Bách Độc Giáo đều đến cả rồi. Ta thử nghe xem họ có âm mưu gì.
Chàng ngồi sau tảng đá lớn bên sau khe suối, nên hai người ở trong rừng chưa phát giác.
Lại nghe Diêu Thiên Vương nói:
- Hán tử Trung Nguyên kia công lực đến trình độ cao thâm khôn lường.
Chúng ta tìm cách đối phó với hắn trước đi là hơn.
Tôn quân sư trầm ngâm đáp:
- Phải rồi! Chúng ta hãy đi báo cáo cho giáo chủ hay.
Diêu Thiên Vương ngẫm nghĩ rồi nói:
- Lần trước Tôn huynh và hán tử Trung Nguyên đối chưởng đã suy xét mấy ngày thì người đó xuất chưởng có chỗ tương tự như một người khác, nhưng nghĩ lại thì không thể là y được.
Tôn quân sư hỏi:
- Diêu Thiên Vương có cao kiến gì?
Diêu Thiên Vương trầm giọng đáp:
- Chưởng thức của hán tử Trung Nguyên đó tương tự như Triệu Phụng Hào, một nhân vật chí tôn trong võ lâm ngày trước.
Tôn quân sư nghe Diêu Thiên Vương nói câu này không khỏi kinh hãi hỏi:
- Phải chăng họ Triệu đã cùng thất hiền trong võ lâm liều mạng cùng đi đến chỗ chết? Nhưng lão Triệu bình sinh chưa thu đồ đệ thì vụ này không thể được.
Diêu Thiên Vương nói:
- Tiểu đệ cũng nghĩ như vậy. Có điều hán tử Trung Nguyên kia hiển nhiên đã phóng Bá quyền thập tam thức mà Triệu gia nhờ nó để độc bá võ lâm.
Tôn quân sư lắp bắp hỏi:
- Bá quyền? Bá quyền? Chẳng lẽ trong thiên hạ không ai ngăn cản được Bá quyền? Bá quyền lại xuất hiện ở võ lâm rồi ư?
Diêu Thiên Vương đáp:
- Bá quyền do Kim cương đại hàng ma chưởng nơi cửa phật mà ra. Ai giỏi lắm là đưa đến chỗ hai bên cùng thất bại.
Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình tự hỏi:
- Chàng hán tử họ Tô kia có liên quan gì với Triệu lão gia? Bá quyền ư? Phải chăng Bá quyền là võ công cương mãnh duy ngã độc tôn ở đời?
Lại nghe Diêu Thiên Vương hỏi:
- Còn ba người kia thì làm thế nào?
Tôn quân sư đáp:
- Nếu trong mười hai giờ mà không giải khai được huyệt đạo thì e rằng sẽ thành tàn phế.
Diêu Thiên Vương nói:
- Trong năm vị đại hương chủ của bản giáo chỉ sót một mình Huỳnh y hương chủ còn thì kẻ chết người bị thương, chúng ta phúc bẩm giáo chủ bằng cách nào?
- Tình thế bữa nay chỉ có thể đi từng bước rồi tới đâu hay tới đó.
Hai người trầm mặc một lúc rồi ra khỏi khu rừng.
Đột nhiên bên khe suối một cô gái cất tiếng sợ hãi la lên:
- Trời ơi! áo quần trôi hết rồi? Đại ca sau phiến đá kia! Xin giữ lại giúp giùm tiểu muội được không?
Du Hữu Lượng kinh hãi nhìn ra thấy một tấm áo lam xuôi dòng trôi xuống đến trước chỗ chàng đứng. Chàng không rảnh để suy nghĩ gì nữa. Đứng dậy đưa tay ra vớt tấm áo lên. Chàng ngửng đầu nhìn ra thì phía thượng lưu có một vị tiểu cô nương đứng đó. Nét mặt cô đầy vẻ bồn chồn đứng nhìn chàng.
Du Hữu Lượng đang vắt tấm áo cho hết nước định liệng lại trả cô. Bất thình lình chàng nghe sau lưng có tiếng gió quạt tới. Hai lão Diêu, Tôn đã đến đứng ở phía sau.
Tôn quân sư lạnh lùng hỏi:
- Tiểu tử! Ngươi vừa đến ngồi đây phải không?
Du Hữu Lượng ngấm ngầm phòng bị. Miệng chàng hỏi lại:
- Tiên sinh có điều chi dạy bảo?
Tôn quân sư cất giọng âm trầm nói:
- Tiểu tử! Chúng ta lại gặp nhau đây. Bữa nay ngươi phải lộ chân tướng.
Du Hữu Lượng làm bộ bâng khuâng không hiểu hỏi:
- Tiên sinh bảo sao? Tiểu nhân chẳng hiểu chi hết.
Tôn quân sư đáp:
- Thuốc độc đánh ngươi không chết, bữa nay tin là sẽ kết quả được mạng ngươi.
Vị tiểu cô nương kia lại giục:
- Này! Mau liệng áo lại đây cho tiểu muội. Tiểu muội về chậm là bị lão gia đánh mắng.
Du Hữu Lượng tiện tay liệng tấm áo lại cho cô bé.
Bỗng thấy Tôn quân sư mặt lộ sát khí. Hắn tiến lại gần thêm một bước. Song chưởng để trước ngực toan phóng ra, nhưng Diêu Thiên Vương bỗng cất tiếng la:
- Tôn huynh hãy thong thả!
Tôn quân sư ngơ ngác. Diêu Thiên Vương hỏi:
- Tôn huynh! Gã này là ai?
Hấn thấy Tôn quân sư muốn hạ sát thủ, nhưng Du Hữu Lượng con người thanh tú khiến tâm địa tàn ác của hắn bỗng nẩy lòng từ thiện. Hắn thấy một chàng văn nhược thư sinh sắp bị chết uổng liền lên tiếng cản trở.
Tôn quân sư khẽ nói vào tai Diêu Thiên Vương mấy câu. Diêu Thiên Vương giật mình kinh hãi, miệng hỏi:
- Có chuyện đó thực ư? Để tiểu đệ thử coi.
Hắn không nói gì nữa phóng chưởng đánh ra. Phát chưởng còn cách Du Hữu Lượng vài tấc đột nhiên biến chưởng thành trảo chộp tới.
Roạt một tiếng! Vạt áo trước ngực Du Hữu Lượng bị rách một miếng lớn.
Du Hữu Lượng cả kinh thất sắc la lên:
- Ô hay! Các vị sao lại động thủ đánh người?
Diêu Thiên Vương quay lại nhìn Tôn quân sư nói:
- Tôn huynh! Gã này không hiểu võ công. Buông tha cho gã quách.
Tiểu cô nương bỗng thét lên:
- Ô hay! Các vị đừng khinh người quá thế! Coi chừng! ... Coi chừng! ...