Hồng Bào Quái Nhân Chương 45

Hồng Bào Quái Nhân
Tác giả: Cổ Long

Hồi 45: BIỆT DU LANG QUẬN CHÚA ĐAU LÒNG

Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Nguồn: vietkiem.com





Chân chàng đã đụng phải vật gì. Chàng chú ý nhìn lại thì thấy những đống xương trắng rải rác dưới đất, khó mà đếm được có bao nhiêu đống.

Du Hữu Lượng bất giác hít một hơi khí lạnh, miệng lẩm bẩm:

- Vừa rồi ta ngó thấy một làn ánh sáng lờ mờ thì ra chính là lân tinh ở những đống xương này phát ra. Nơi đây bí ẩn ghê gớm thế này lại có nhiều người đã bỏ mạng, hiển nhiên tiền đồ còn lắm sự nguy hiểm ...

Chàng đi quanh qua những đống xương trắng. Cảnh vật trước mắt đột nhiên biến đổi. Một khuôn cửa đá sừng sững cản lối đi.

Du Hữu Lượng quan sát kĩ lại tình thế chung quanh thì ngoài cách mở cửa đá này chẳng còn đường nào để đi được nữa. Chàng ngần ngừ một lúc rồi giơ tay đẩy cửa. Cánh cửa mở ra.



Trong bóng tối đột nhiên có những ánh sáng rực rỡ hiện lên.

Du Hữu Lượng giật mình kinh hãi lùi lại hai bước. Chàng chờ đợi một lúc không thấy động tĩnh gì mới chậm chạp bước vào trong cửa.

Vào nhà rồi chàng mới phát giác ánh sáng lóa mắt bên này cùng với bầu không khí tối đen bên ngoài tạo thành hai thái cực. Chàng hải nhắm mắt lại hồi lâu mới mở ra được.

Du Hữu Lượng mở mắt coi rõ cảnh vật trong nhà, chàng không nhịn được nữa bất giác la hoảng.

Gian thạch thất này rộng chừng ba trượng vuông, trên nóc dốc chênh chếch xuống. Bốn bức vách đều khảm đá trắng, giữa nhà treo một tấm thạch bình, trước tấm thạch bình là một đống minh châu, mã não, ngoài ra còn có những xâu bảo ngọc, phỉ thúy. Những châu báu để thành ba tảng đá hình tròn. Ánh sáng giao nhau thành ngũ sắc, coi rất rực rỡ ngoạn mục.

Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình thình, nghĩ thầm:

- Chẳng lẽ bao nhiêu kì trân dị bửu trong thiên hạ đều đem cất cả vào đây?

Người đời chỉ được một phần mười chỗ này cũng đủ phú xưng địch quốc thì ai ngó thấy mà chẳng động tâm?

Du Hữu Lượng thò tay ra nhấc lấy một xâu bảo thạch toan nhìn kĩ lại thì đột nhiên sau tấm thạch bình có tiếng thở dài vọng ra.

Du Hữu Lượng giật mình kinh hãi liệng xâu bảo ngọc xuống, vội hỏi:

- Ai đó?

Sau tấm thạch bình một âm thanh ấm ớ cất lên tự nói một mình:

- Úi chà, lại thêm một người nữa đến tống tử.

Du Hữu Lượng vội đi quanh tấm thạch bình ngõ vào thì thấy ba người ngồi dưới đất. Người nào cũng râu tóc bù xù, cặp mắt sâu hoắm, áo mặc không đủ che thân, để lộ tay chân gầy khẳng khiu như que củi. Xương sườn phơi ra có bao nhiêu rẻ đếm được hết.

Ba người kia thấy Du Hữu Lượng tiến vào đều lộ vẻ phức tạp khó hiểu.

Người ngồi ở mé hữu hỏi:

- Tiểu tử, ngươi đã sờ vào đống trân châu rồi phải không?

Du Hữu Lượng gật đầu. Người kia lại nói:

- Vậy ngươi ra ngoài chờ chết đi.

Du Hữu Lượng cực kì kinh hãi nhưng vẫn đứng yên.

Người kia tức giận lớn tiếng hỏi:

- Ngươi còn chờ gì nữa mà không ra ngoài? Chẳng lẽ ngươi muốn chết trước mặt bọn ta?

Người ngồi giữa nhìn Du Hữu Lượng một cái rồi lên tiếng:

- Tam đệ hãy khoan. Vụ này có điều ngoắt ngoéo. Người ta trúng phải Nam Trung Ngũ Độc là chết ngay lập tức. Nhưng gã này ...

Du Hữu Lượng không đường né tránh. Cổ tay chàng bị lão nắm được, lão la lên:

- Ngươi không hiểu võ công ư?

Du Hữu Lượng cười hỏi lại:

- Các hạ làm thế là có ý gì?

Lão già đáp:

- Ý của bọn ta mà ngươi vẫn chưa rõ sao? Ha ha! Lệnh chủ nhân phái ngươi tới đây, tưởng bọn ta ...

Du Hữu Lượng càng nghe càng lơ mơ không hiểu gì, hỏi xen vào:

- Các hạ trước nay vẫn ăn nói úp úp mở mở như vậy sao? Có điều chi xin nói rõ ra. Các hạ bảo ai phái tại hạ tới đây?

Lão già mé tả cười đáp lại:

- Hay cho kẻ muốn nói rõ ràng! Ta hỏi ngươi. Chủ ngươi có bao giờ nói rõ ràng không? Chà chà! Một cốt một đồng mà còn dám hỏi thế ư?

Du Hữu Lượng trầm giọng đáp:

- Tại hạ tuy bất tài như chẳng để ai sai khiến.

Lão già ngồi giữa sa sầm nét mặt nói:

- Mình ngươi đã bị trúng Nam Trung Ngũ Độc mà vẫn bình yên vô sự thì hiển nhiên là ...

Du Hữu Lượng không nhẫn nại được ngắt lời:

- Các hạ càng nói càng xa xôi. Tại hạ bị trúng Nam Trung Ngũ Độc từ bao giờ và đã cấu kết với ai mà bảo là một đồng một cốt?

Lão già kia siết chặt hai ngón tay nắm uyển mạch Du Hữu Lượng đáp:

- Những châu báu này đầy đủ ngũ độc. Ngươi đã sờ vào mà bảo chưa trúng độc thì ra ngươi dám hí lộng quỷ thần trước mặt lão phu chăng?

Du Hữu Lượng nghe nói dường như đã tỉnh ngộ, liền chậm rãi đáp:

- Nếu các hạ tin được tại hạ thì xin buông tay để tại hạ lấy một vật cho coi.

Lão già sửng sốt một chút rồi ngẩng mặt lên cười. Hai lão già ngồi bên cũng cười theo. Hồi lâu tiếng cười mới nhỏ dần đi.

Du Hữu Lượng vẫn giữ vẻ mặt trang nghiêm. Lão già ngồi giữa đột nhiên ngừng tiếng cười. Cặp mắt lão chiếu ra những tia thần quang nhìn chòng chọc vào mặt Du Hữu Lượng một lát rồi từ từ quay sang mé tả nói:

- Suốt đời tiểu huynh coi người đã nhiều mà chưa thấy ai thần khí lẫm liệt như thằng nhỏ này.

Lão mé tả gật đầu. Lão ngồi giữa lại nói:

- Không chừng anh em mình phải đem tính mạng ra mà đánh cuộc, đây là một lần phải tin người ngoài.

Du Hữu Lượng cảm thấy bầu máu nóng sôi lên. Hồi lâu chàng không nói gì thò tay vào bọc móc ra một hạt châu nhỏ vung lên trước mặt ba lão già.

Ba lão già nhìn hạt châu hồi lâu. Lão mé hữu buột miệng la lên:

- Đại Hùng Châu! Phải chăng ngươi là truyền nhân của Đại Thiền Tông bên Tây Vực?

Lão già ngồi giữa biến đổi sắc mặt mấy lần, thủng thẳng nói:

- Thảo nào Nam Trung Ngũ Độc cũng không xâm phạm được vào người gã.

Đó là ý trời! Đó là ý trời!

Lão nói câu sau cùng bất giác lộ vẻ vui mừng. Lão nhìn Du Hữu Lượng há miệng toan nói thì lão mé tả xua tay cản lại:

- Đại ca nên thận trọn! Đại Thiền Tông ở Tây Vực là một vị cao tăng ngoài đời. Nếu gã này là truyền nhân của y thì sao lại ...

Du Hữu Lượng nghe tới đây đã biết lão muốn nói gì rồi liền ngắt lời:

- Trước khi tại hạ vào động đã giao thủ với một vị mặc áo hồng bào, năm mạch đứt mất ba rồi ...

Lão ngồi giữa không nói gì nữa, đột nhiên phóng chưởng nhằm đánh xuống đầu Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng không có đất lùi, cảm thấy mốt luồng nhật khí nóng như lửa từ bàn tay lão tiết ra đẩy xuống. Chàng cả giận quát lên:

- Thật là đê hèn! Lão ...

Chàng chưa kịp dứt lời đã hôn mê đi.

Sau một lúc chàng dần dần hồi tỉnh mở mắt ra nhìn thì thấy ba lão già lưng bàn tay đặt vào nhau. Bàn tay lão ngồi giữa đặt trên đỉnh đầu chàng. Những giọt mồ hôi trên trán của ba lão đang nhỏ xuống tong tong.

Chàng lập tức hiểu ra vụ này là thế nào. Lão ngồi giữa rút tay về thở phào một cái nói:

- Ba anh em ta đã hợp lực mà thủy chung luồng chân khí không xung phá được huyệt Huyền Quan trong mình ngươi. Hỏng rồi! Thế là hỏng rồi!

Du Hữu Lượng trong lòng buồn rầu, chàng gượng cười đáp:

- Đa tạ tiền bối đã giúp sức. Tiểu nhân đã thử dùng khẩu quyết của thiền môn để tự mình điều trị, đúng là tiểu nhân bị thương nặng quá.

Lão mé hữu khẽ nói:

- Nội công của ngươi không phải là nông cạn, chưa đến nỗi tuyệt vọng đâu.

Ngươi hãy mau mau dời thạch động này.

Du Hữu Lượng nhăn nhó cười đáp:

- Tiểu nhân đã nghĩ tới điều đó, nhưng hiện giờ Hồng Bào Quái Nhân tất còn chờ ở bên ngoài. Trong thạch cốt động này lại không có thông lộ nào khác ...

Ba lão đưa mắt nhìn nhau. Bỗng lão mé tả giơ tay lên đập loạn vào bức vách một hồi. Một viên đá rớt xuống đất đánh "kịch" một phát. Tiếp theo lão lấy ra từng khối một, để lộ một lỗ hổng rộng chừng năm thước.

Lão từ từ quay lại nói:

- Bọn lão phu phải làm hết sức mất mấy tháng mới đào được thông lộ này, không ngờ hôm nay lại đắc.

Lão ngồi giữa lấy trong bọc ra một cái hộp gỗ đen đưa cho Du Hữu Lượng nói:

- Tiểu huynh đệ ra khỏi thạch động mà còn sống thì xin nhận một sự ủy thác của lão phu.

Du Hữu Lượng bâng khuâng đón lấy hộp gỗ. Lão già lại nói tiếp:

- Xin đem cái hộp gỗ này đến Thừa Thiên ở cửa nam Ngân Xuyên.

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần buột miệng hỏi:

- Thừa Thiên cư ở Ngân Xuyên ư? Tiến bồi là ...

Lão già ngắt lời:

- Bọn lão phu là Thừa Thiên tam tượng.

Du Hữu Lượng biến sắc thầm than:

- Thừa Thiên tam tượng ư? Thừa Thiên tam tượng nổi tiếng xảo đoạt tiên cơ mà bị hãm trong động thạch này. Vậy những pho tượng đá ở bên ngoài ...

Lão già mé hữu ngắt lời:

- Chính là bọn lão phu đã điêu khắc.

Du Hữu Lượng những muốn la lên:

- Tại sao vậy? Tại sao vậy?

Lão già ngồi giữa thở dài nói:

- Vụ này câu truyện hơi dài. Một đêm trăng tròn bảy tháng trước đây, lão phu ở Thừa Thiên đàn chế một thứ Kim diện cơ trong đại nội thì đột nhiên một người mặc áo hồng bào tới nơi đưa ra một đống châu báu mà chỉ đòi bọn lão phu đến đây điêu khắc mấy pho thạch tượng ...

Lão chưa dứt lời bống nghe phía ngoài có tiếng bước chân rất khẽ vọng vào.

Lão lộ vẻ cấp bách nói:

- Tiểu huynh đệ hãy do lỗ hổng này mà chạy cho lẹ.

Du Hữu Lượng hỏi:
truyện được lấy từ website tung hoanh
- Sao lão tiền bối không cùng dời khỏi nơi đây?

Ba lão nở nụ cười thê thảm đứng dậy. Bỗng nghe những tiếng loảng xoảng.

Ba lão đã bị người ta dùng dây sắt xuyên qua gân chân rồi đóng đinh xuống đất.

Du Hữu Lượng ngó thấy phẫn nộ vô cùng. Lão đại trong bọn Thừa Thiên tam tượng nói:

- Thứ sắt này không phải là thứ sắt tầm thường mà là bạch cương sản xuất ở Thiên Sơn, nó cứng rắn hơn cả kim thạch.

Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. Ba lão già thôi thúc, Du Hữu Lượng đành chuồn qua lỗ hổng bên vách.

Chàng đi mấy bước quay đầu nhìn lại thấy ba lão đang vội vàng lấp những khối đá vào nguyên chỗ. Lòng chàng không khỏi buồn rầu.

Du Hữu Lượng sờ mò trong bóng tối từ từ tiến bước. Đường hầm này rất nhỏ hẹp. Mình chàng đã mấy lần đụng phải mỏm đá, áo quần bị rách toạc. Nhưng cuối cùng chàng cũng đi hết được đường hầm.

Trước mặt có ánh sáng thấp thoáng lọt vào, Du Hữu Lượng chạy lẹ ra cửa.

Chàng đảo mắt nhìn hình thế xung quanh thì thấy mình đang đứng ở dưới đáy hang núi cách chòi đá cao ngất chừng mấy chục trượng.

Lúc này trời vừa sáng tỏ, mặt trời mới mọc. Du Hữu Lượng ngó thấy trời xanh, tự nói một mình:

- Vừng thái dương vẫn lên xuống như thường mà mình cơ hồ không được nhìn thấy nữa.

Chàng từ từ đi về phía tây hết khe núi nhỏ hẹp, chân mỏi rã rời. Chàng tự nhủ:

- Chỉ cần vượt qua khỏi trái núi này sang bên kia là có người ở, ta sẽ tìm cơm ăn cho dỡ đói rồi kiếm một nơi tĩnh mịch điều trị nhưng liệu ta còn sức vượt qua trái núi này chăng?

Ọe một tiếng! Du Hữu Lượng thổ ra một búng máu tươi. Chàng cố sức tiến về phía trước, nhưng đi tới chân núi thì cảm thấy trời đất quay cuồng rồi té xỉu.

Qua một ngày, Du Hữu Lượng dần dần hồi tỉnh. Chàng cảm thấy một bàn tay mềm mại sờ vào trán mình. Chàng muốn mở mắt nhìn nhưng mí mắt nặng tựa ngàn cân, không sao mở ra được.

Đột nhiên có thanh âm thiếu nữ lọt vào tai.

- Ta nên đi thôi, y cũng sắp tỉnh lại rồi.

Thanh âm này rất khẽ, tựa như nói để mình nghe. Tiếp theo có tiếng bước chân dần dần ra xa.

Du Hữu Lượng cố gắng mở mắt thì bóng sau lưng một người tha thướt lọt vào.

Chàng nhìn kĩ lại thì thấy bóng người đó rất quen, bỗng chàng cất tiếng gọi:

- Quận chúa!

Thiếu nữ đã đi khá xa. Nàng nghe thanh âm người bỗng run lên từ từ quay lại.

Cặp sóng thu ẩn hiện mối sầu u uất. Cặp môi mấp máy tựa hồ muốn nói mà không thốt ra lời. Nét mặt nàng vẫn trầm mặc bi ai. Sau cùng nàng gắng gượng quay đầu đi.

Du Hữu Lượng ngơ ngẩn ráng cất tiếng gọi:

- Quận chúa! Quận chúa! ...

Chàng cố gắng nhảy một cái cao đến hơn ba trượng. Chàng ngạc nhiên đến trợn mắt há miệng, trong bụng reo thầm:

- Ta đã khôi phục được công lực rồi. Vụ này là thế nào đây?

Huyền Hồ Quận Chúa ngần ngừ một chút rồi lại cất bước tiến về phía trước.

Vù một cái, Du Hữu Lượng vọt đi như tên bắn đến trước mặt nàng lớn tiếng hỏi:

- Tại sao? Tại sao Quận chúa lại trị nội thương cho tại hạ?

Huyền Hồ Quận Chúa vẫn nhìn về phía trước hững hờ đáp:

- Ta ngẫu nhiên qua đây, chợt thấy một người bị trọng thương cơ hồ nguy đến tính mạng thì ta phải điều trị. Đó là bổn phận của con nhà võ, ta chẳng cần nhận biết người đó là ai.

Tuy nàng cố giữ vẻ bình thản mà giọng nói câu sau cùng dường như có vẻ hơi run.

Du Hữu Lượng cúi xuống, trầm mặc một lúc, khẽ nói:

- Phải rồi! Quận chúa không nhận biết tại hạ. Chúng ta không nên gặp nhau.

Tại hạ như giọt sương buổi sáng. Móc trời mọc lên nó sẽ tan đi ...

Chàng cúi đầu cất bước.

Đến lượt Huyền Hồ Quận Chúa không nhịn được, buột miệng hô:

- Du lang! ...

Du Hữu Lượng quay đầu lại. Huyền Hồ Quận Chúa nhìn ra chỗ khác. Dưới hàng lông mi nàng còn đọng lại hạt châu trong suốt. Nàng nói:

- Du lang! Phải lẽ ra thì người biết nhau quý ở tấm lòng. Không ngờ Du lang biết ta mà lại bảo ta là yêu nữ như rắn rết. Du lang hỡi Du lang! Ta tưởng thế là hết rồi.

Du Hữu Lượng thấy bầu nhiệt huyết trồi ngược lên. Chàng không ngớt la thầm:

- Té ra ta nói câu đó là để gạt Thiệu cô nương đã bị nàng nghe thấy. Nhưng sao nàng còn trị thương cho ta? Chính ta muốn nàng giết ta đi.

Huyền Hồ Quận Chúa cất giọng ảo não:

- Tình trước hận xưa gửi vào đâu? Người đã đứt từng khúc ruột sao còn gặp nhau? Bữa nay trạm chán chính là duyên nợ từ kiếp trước. Từ đây xin cáo biệt ...

Du Hữu Lượng ấp úng không nói nên lời. Chàng biết nói sao đây? Chàng lại không hiểu có nên nói nữa hay thôi? Chàng nhìn Huyền Hồ Quận Chúa cất bước mỗi lúc một sa. Những bước chân này để lại vết trong lòng chàng rửa sạch mãi không đi.

Tình trước hận xưa gửi vào đâu? Ngoảnh đầu nhìn lại trái tim đã tan nát. Bữa nay trùng hội chỉ tăng thêm phần hối hận.

Du Hữu Lượng muốn cười. Chàng nở nụ cười thê lương tự nói một mình:

- Ta gieo vết thương vào trái tim nàng. Ta đã hại một người thiếu nữ ...

Dần dần chàng cũng đi xa, đem theo nỗi thốn khổ bên lòng.

Vừng trăng tỏ mọc lên, soi ánh sáng xuống sườn núi thoai thoải.

Lúc này Du Hữu Lượng đã bình tĩnh lại nhưng Huyền Hồ Quận Chúa đau khổ muốn ngất đi, có điều chàng không ngó thấy mà thôi.

Du Hữu Lượng tự thống trách mình về vụ này, chàng càng nghĩ tới càng hối hận. Chàng chạy suốt ngày để phát tiết bớt mối tình cảm ai oán.

Du Hữu Lượng đi chẳng có mục đích gì. Chàng đang bồi hồi trong dạ thì đột nhiên trong rừng mé tả vọng lại:

- Lão nhị! Chạy lẹ thêm ít nữa, không thì chẳng thể kịp miếu hội được.

Du Hữu Lượng liền đi nhẹ bước, chàng lại nghe thanh âm người khác nói:

- Cái gì mà miếu hội với chẳng miếu hội? Lão gia chỉ muốn nằm ngủ say sưa một giấc cho thích chí.

Người nói trước lại cất giọng ấm ớ:

- Lão nhị! Giáo chủ đã có lệnh mà ngươi muốn bỏ ngoài tai chăng?

Lão nhị đáp:

- Nói thì nói thế thôi. Dù lão gia có ý nghĩ như vậy, nhưng chân vẫn bước đều là gì?

Hắn ngừng một chút rồi lại tiếp:

- Tình thực mà nói thì mấy bữa nay chúng ta chạy lâu cũng mệt. Từ Quan ngoại ngựa không dừng vó trở đi trở về. Đáng lẽ chúng ta phải nghỉ một lúc, nhưng giáo chủ lại bắt chúng ta đi cho kịp miếu hội gì đó, ai lại không cụt hứng?

Thanh âm ấm ớ nói:

- Nếu không bảo ngươi đi tới miếu hội thì chẳng hóa ra tiện nghi cho ngươi quá. Này! Ngươi có đem theo Độc thanh nhi bên mình không?

Du Hữu Lượng nghe nói tới đây không khỏi động tâm. Chàng rón rén không một tiếng động theo dõi hai người thì thấy một người mặc hoàng bào, một người mặc bạch bào. Người mặc bạch bào lưng đeo cái giỏ tre lớn đang cặm cụi bước mau tiến về phía trước.

Lại nghe người mặc hoàng bào nói:

- Đem theo rồi, không biết trong cái hồ lô này, giáo chủ bán thứ thuốc con mẹ gì? Đến miếu hội chẳng được ăn bàn ăn giải, chỉ có việc coi miếu điền mà phải đem theo cái của nợ này, chán thật!

Du Hữu Lượng trong lòng không ngớt suy nghĩ tự hỏi:

- Độc thanh nhi là cái gì nhỉ? Phải chăng bọn này chính là người trong Bách Độc giáo?

Hán tử áo trắng dặng hắng một tiếng rồi nói:

- Người lèo nhèo làm gì vô ích. Ngươi không nhìn thấy Tứ Đại Thiên Vương đã đi hành động rồi sao? Người ta làm gì, dễ thường để ngươi phải quan tâm? Tới lúc ấy ngươi chỉ cần biết nghe mệnh lệnh rồi động thủ là xong.

Hán tử áo vàng nói:

- Vụ này thật khiến cho người ta khó lòng dò được manh mối. Đêm qua giáo chủ tự nhiên vô cớ vì hai con nhỏ mà chật vật suốt đêm. Không ngờ hiện giờ cả Tứ Đại Thiên Vương cũng phải đi công tác. Giáo chủ hàng đông càng ngày càng thân thiết không biết đâu mà lường.

Hán tử áo trắng đáp:

- Cái đó không thể trách ngươi sinh dạ hoài nghi. Đêm qua khi giáo chủ đưa hai con nhỏ về, ta cảm thấy lão nhân gia hoàn toàn biến đổi thành người khác ...

Hai hán tử vừa đi vừa trò chuyện. Du Hữu Lượng theo sau nghe thấy bèn tự nhủ:

- Hai con nhỏ mà họ nói tới đây có phải là Thiệu Quyên và Sính Đình Tiên Tử? Nhưng vụ này co liên quan gì đến chuyện miếu hội?

Chàng không nhịn được vẫn theo dõi phía sau hai tên Bách Độc giáo đồ.

Chàng thấy chúng đi xuống núi, xuyên qua một cánh đồng tiến về tó tiểu trấn.

Du Hữu Lượng cũng theo vào thị trấn thì thấy các phố xá ở thị trấn này rất náo nhiệt. Trên đường phố chỗ nào cũng dựng miếu, người đi chen vai thích cánh, hiển nhiên họ cũng đều đi coi miếu hội.

Trong tòa miếu lớn đầu đường có tiếng chuông nổi lên từng hồi, đây là tin báo sắp đến giờ miếu hội.

Tiếng chuông vùa nổi lên, bao nhiêu người liền di tản vào trong miếu. Du Hữu Lượng cũng theo làn sóng người di động bước chân mối lúc một tiến đến gần một tòa miếu cổ rất lớn.

Đột nhiên Du Hữu Lượng nhìn thấy một người trung niên thấp lùn và mập ú ăn mặc theo kiểu phú thương, bị làn sóng người xô đẩy vào trong. Trong cái nhà rạp mây khói mù mịt đã chật ních những người. Du Hữu Lượng tựa vào vách nhìn nhà buôn lùn mập, miệng lẩm bẩm:

- Người kia hiển nhiên là Diệu Ưng. Quả nhiên Tứ Đại Thiên Vương của Bách Độc Giáo đến rồi.

Lúc này, trong nhà tiếng đàn tình tính vang lên, một cô khuê nữ chải tóc cất tiếng hát:

Ai ơi! Ta đi về phía đồng nội thê lương.

Cỏ áy màu vang sớm đón sương Nàng luống thương tâm từ biệt Hán chúa Ta dắt tay đến cõi Hà Lương.

Nàng vào nơi hoang dã Ta trở về Hàm Dương ...

Khuê nữ hát mỗi lúc một mau và càng lộ vẻ thê lương.

Ả ca xong khúc hát, quần chúng vây quanh có người cảm động khóc nức nở.

Nguồn: tunghoanh.com/hong-bao-quai-nhan/chuong-45-aC6aaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận