Hủy Hoại Vì Yêu Phần 5


Phần 5
Tôi yêu quý chốn vui chơi này, nhưng cứ nghĩ đến chuyện một tạo vật như cô ấy lạc vào một nơi nguy hiểm đến thế, là tôi lại lo sợ. Cô ấy vốn ghét bạo lực!

Vì trường rất nhỏ nên chúng tôi dễ dàng tiêu diệt lẫn nhau: chẳng cần phải đi tìm kẻ thù, chúng ở khắp nơi, ngay trong tầm tay, với khoảng cách thích hợp để cắn, đá, khạc nhổ, cào cấu, đập vào sọ, ngáng chân, đái và nôn. Thật là dễ dàng.

Ngôi trường này càng tuyệt vời hơn vì một phần tư số học sinh ở đây không biết một từ tiếng Pháp nào và thậm chí, chưa từng có ý định học lấy một từ. Bố mẹ chúng nhốt chúng vào đây vì họ thực sự không biết phải gửi chúng ở đâu, và vì họ muốn được yên thân để cùng nhau, chỉ những người lớn mà thôi, hưởng những sung sướng của chế độ đương thời.

Vì vậy, trong số chúng tôi có cả những đứa người Pêru và cả người Sao Hỏa. Chúng tôi tra tấn chúng để mua vui và những tiếng kêu khiếp sợ của chúng vô cùng khó hiểu. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm đẹp nhất ở Trường Pháp.

 

Đối với Elena cũng vậy, đây là ngôi trường đầu tiên.

Tôi run rẩy. Tôi yêu quý chốn vui chơi này, nhưng cứ nghĩ đến chuyện một tạo vật như cô ấy lạc vào một nơi nguy hiểm đến thế, là tôi lại lo sợ. Cô ấy vốn ghét bạo lực!

Dù thế nào đi nữa, tôi tự hứa nếu kẻ nào dám đụng đến một sợi tóc của cô ấy thì sẽ bị tôi cho một trận nên thân. Đây sẽ là cơ hội để tôi chiếm được cảm tình của cô ấy, vì chắc chắn tôi không ngang sức với kẻ tấn công, hắn sẽ nghiền tôi thành bột và khiến tôi trở nên thật quyến rũ trong mắt của cô gái được che chở.

Không cần thiết phải như thế.

Điều kỳ diệu xảy ra ở mọi nơi Elena đến. Ngay từ hôm khai giảng, một bong bóng hòa bình, dịu dàng và lịch sự hình thành xung quanh người yêu dấu của tôi. Cô ấy có thể đi qua những cuộc chiến đẫm máu nhất, bong bóng vẫn theo sát cô ấy. Đó là phản ứng của tất cả mọi người, một cách tự nhiên và bản năng: không ai nỡ làm hại một thứ đẹp đẽ và cao sang đến thế.

Lúc bốn giờ, cô ấy trở về khu biệt cư, vẫn sạch sẽ và tinh tươm như buổi sáng.

Không khí náo loạn ở trường học không làm cô ấy khó chịu: cô ấy không để ý điều đó. Ít nhất là cô ấy tìm cách để không để ý đến điều đó. Suốt giờ ra chơi, cô ấy bước chậm rãi trong khoảng sân nhỏ đáng sợ, với vẻ lơ đãng, sung sướng vì đơn độc.

Điều gì phải đến sẽ đến: nỗi đơn độc ấy không kéo dài.

Một vẻ đẹp kiêu kỳ như vẻ đẹp của cô ấy khiến người ta phải giữ một khoảng cách nhất định. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được lại có một kẻ đủ liều lĩnh tiến đến gần cô ấy. Vì vậy, dù tình yêu này gây cho tôi nhiều nỗi đau khổ, nhưng không hề có sự ghen tuông.

Tôi vô cùng sững sờ khi, một buổi sáng, trong khoảnh sân, tôi thấy một thằng bé đang vui vẻ kể vô vàn chuyện cho cô gái người Ý bé nhỏ.

Và cô ấy đã dừng lại để nghe nó nói.

Và cô ấy nghe nó nói. Cô ấy đã hướng mặt về phía mặt thằng bé kia. Và đôi mắt cùng cái miệng của cô ấy cho thấy rõ cô ấy đang chăm chú nghe.

Tất nhiên, cô ấy không có vẻ nhiệt tình hoặc say mê. Nhưng cô ấy đang lắng nghe thật sự. Cô ấy đã hạ cố chú ý đến một người.

Trước mắt tôi, thằng bé đó đang tồn tại đối với cô ấy.

Và nó tồn tại suốt ít nhất là mười phút.

Và vì nó ở cùng lớp cô ấy, nên có Chúa mới biết được nó sẽ tồn tại bao lâu nữa mà tôi không hề hay biết.

Một sự sỉ nhục không tên.

Ở đây cần phải có vài lời giải thích về bản thể học.

Cho đến lúc mười bốn tuổi, tôi chia nhân loại ra làm ba kiểu: phụ nữ, trẻ em gái và những kẻ nực cười.

Tất cả những khác biệt khác đối với tôi chỉ là giai thoại: giàu hay nghèo, người Trung Quốc hay người Braxin (không tính tới người Đức), chủ hay tớ, đẹp hay xấu, người trưởng thành hay người già, những cách phân biệt này đúng là cũng quan trọng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của mỗi người.

Phụ nữ là những người không thể thiếu. Họ nấu ăn, mặc quần áo cho bọn trẻ, dạy chúng buộc dây giày, họ dọn dẹp, họ tạo ra những đứa trẻ từ bụng của mình, họ mặc những bộ quần áo thú vị.

Những kẻ nực cười là những kẻ vô dụng. Buổi sáng, những kẻ nực cười đã trưởng thành đến “cơ quan”, đó là trường học dành cho người lớn, tức là một nơi vô dụng. Buổi tối, họ đi gặp bạn bè - đấy là hoạt động chả vẻ vang gì mà tôi đã nhắc đến ở đoạn trước.

Thực ra, những kẻ nực cười trưởng thành vẫn giống y như lũ nực cười trẻ con, chỉ có điểm khác biệt lớn là họ đã mất đi kho báu của tuổi thơ. Nhưng chức trách của họ không hề thay đổi và cả thể xác của họ cũng vậy.

Ngược lại, giữa phụ nữ và trẻ em gái là cả một sự khác biệt lớn. Trước hết, họ không cùng giới tính - chỉ cần nhìn qua là đủ để hiểu. Ngoài ra, vai trò của họ thay đổi rất nhiều theo lứa tuổi: từ những đứa bé gái vô dụng, họ biến thành những người phụ nữ với vai trò chủ chốt, trong khi những kẻ nực cười thì suốt đời vô dụng.

Trong đám nực cười trưởng thành, những người duy nhất có ích chính là những người bắt chước phụ nữ: đầu bếp, người bán hàng, giáo viên, bác sĩ và công nhân.

Bởi lẽ, trước tiên, đây là những nghề dành cho phụ nữ, nhất là nghề cuối cùng: trên vô vàn áp phích tuyên truyền treo ở khắp nơi trong Thành phố Quạt, công nhân luôn là phụ nữ, má phính và vui vẻ. Họ sửa chữa những cột tháp với vẻ hân hoan đến mức mặt họ ửng hồng.

Vùng nông thôn càng khẳng định những sự thật trên thành phố: các pa nô chỉ toàn vẽ hình các nữ nông dân vui vẻ và kiên cường đang say mê thu hoạch lúa.

Người nực cười trưởng thành thường làm những công việc giả vờ. Ví dụ như quân lính Trung Quốc canh gác xung quanh khu biệt cư làm ra vẻ như họ rất nguy hiểm, nhưng lại chẳng giết ai cả.

Tôi thông cảm với những kẻ nực cười, nhất là vì tôi thấy số phận của họ thật bi thảm: họ sinh ra đã nực cười rồi. Họ chào đời với cái thứ lố bịch đó ở giữa hai chân, thứ khiến họ vô cùng tự hào, điều này khiến họ càng trở nên nực cười hơn.

Thông thường, lũ nực cười trẻ con hay giơ thứ đó ra cho tôi xem, hành động này luôn làm tôi cười chảy nước mắt. Phản ứng của tôi khiến chúng bối rối.

Một hôm, tôi không thể kìm được nữa và đã nói với một trong số chúng với vẻ thực sự tử tế:

- Tội nghiệp!

- Tại sao? nó sửng sốt hỏi.

- Chắc phải khó chịu lắm.

- Không, nó đảm bảo.

- Có chứ, bằng chứng là khi người ta đánh vào đấy...

- Ừ, chỉ thế thôi, nhưng tiện lợi lắm.

- Thế à?

- Bọn tớ đứng tè.

- Thế thì sao?

- Như thế tốt hơn.

- Cậu nghĩ thế à?

- Nghe này, để tè được vào các hộp sữa chua của bọn Đức, thì phải là con trai.

Lý lẽ này khiến tôi suy nghĩ rất lung. Tôi biết là có một lối thoát, nhưng lối nào đây? Tôi phải tìm ra nó sau vậy.

Tinh hoa nhân loại chính là các bé gái. Cả nhân loại tồn tại để chúng tồn tại.

Phụ nữ và những kẻ nực cười đều là người dị tật. Cơ thể họ có khiếm khuyết, mà hình dạng của những khiếm khuyết này không gợi lên điều gì khác ngoài những tràng cười.

Chỉ có các bé gái mới hoàn hảo mà thôi. Không có gì nhô ra trên cơ thể chúng, không có phần nào thừa ra đầy lố bịch, không có những chỗ u lên tức cười. Các bé gái được tạo ra một cách tuyệt đẹp, được nhào nặn sao cho không hề có khả năng chống lại cuộc đời.

Các bé gái không đem lại lợi ích cụ thể nhưng lại cần thiết hơn ai hết, vì chúng là vẻ đẹp của nhân loại - vẻ đẹp thực sự. Vẻ đẹp ấy là sự thoải mái thuần túy khi tồn tại trên đời, là vẻ đẹp không có gì vướng bận, là một vẻ đẹp với cơ thể chỉ mang đầy hạnh phúc từ chân đến đầu. Phải từng là một bé gái thì mới biết sẽ tuyệt diệu đến thế nào khi có một cơ thể.

Cơ thể là gì? Một vật mang lại niềm vui thích thuần khiết và sự hoan hỉ thuần khiết.

Kể từ lúc cơ thể có gì đó vướng víu - ngay khi cơ thể đầy đặn hơn -, là nó trở nên xấu xí.

Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng không có danh từ nào tương ứng với tính từ “trơn nhẵn”. Không có gì đáng ngạc nhiên cả: trường từ vựng liên quan đến hạnh phúc và niềm vui thích luôn nghèo nàn nhất, trong mọi thứ tiếng.

Tôi tự cho phép mình tạo ra từ “sự trơn nhẵn” để giúp tất cả những người đầy đặn hiểu được thế nào là một cơ thể hạnh phúc.

Platon coi cơ thể là một màng chắn, một nhà tù, và tôi thấy ông ấy vô cùng có lý, trừ trường hợp các bé gái. Nếu có ngày Platon là một bé gái, hẳn ông ấy đã biết được rằng cơ thể có thể là cái gì đó ngược lại hoàn toàn - đó là công cụ của mọi sự tự do, là bước đà cho những cám dỗ ngọt ngào nhất, là những bước nhảy của tâm hồn, là trò nhảy ngựa của các ý nghĩ, là kho báu của tài năng và tốc độ, là cửa sổ duy nhất của bộ não nghèo nàn. Nhưng Platon thậm chí còn chưa bao giờ nhắc đến các bé gái, nhóm thiểu số trong Nhà nước Lý tưởng.

Tất nhiên, không phải bé gái nào cũng xinh đẹp. Nhưng ngay cả các bé gái xấu xí cũng khiến người khác thích thú khi ngắm nhìn.

Và khi một bé gái xinh xắn, và khi một bé gái xinh đẹp, thì thi sĩ vĩ đại nhất nước Ý dành toàn bộ các tác phẩm của mình cho cô ấy, một nhà lô gíc học lỗi lạc người Anh mất lý trí vì cô ấy, một nhà văn Nga rời bỏ đất nước mình để lấy tên cô ấy đặt cho một tiểu thuyết nguy hiểm... Bởi lẽ các bé gái khiến người ta phát điên.

Cho đến lúc mười bốn tuổi, tôi yêu quý phụ nữ, tôi yêu quý những kẻ nực cười, nhưng tôi nghĩ rằng thật chẳng có nghĩa lý gì nếu yêu một thứ gì đó khác ngoài một bé gái.

 

Vì vậy, khi tôi thấy Elena dành sự chú ý cho một kẻ nực cười, tôi phẫn nộ.

Tôi thấy chuyện cô ấy không yêu tôi có thể chấp nhận được.

Nhưng chuyện cô ấy thích một kẻ nực cười hơn tôi thì đã vượt quá giới hạn của sự phi lý.

Vậy cô ấy có mù quáng không?

Cô ấy có anh trai đấy chứ: cô ấy không thể không biết khuyết tật của bọn con trai. Và cô ấy không thể yêu một kẻ dị dạng được.

Yêu một kẻ dị tật chỉ có thể là một hành động xuất phát từ tình thương. Mà tình thương là thứ xa lạ đối với Elena.

Tôi không hiểu nổi.

Cô ấy có yêu hắn thật không? Không thể biết được. Nhưng với hắn, cô ấy chấp nhận không bước đi với vẻ hững hờ, cô ấy chịu dừng lại để lắng nghe hắn. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy tỏ ra quan tâm đến ai đó như thế.

Hiện tượng này lặp đi lặp lại trong nhiều giờ ra chơi. Thật không thể chịu đựng nổi.

Thằng bé nực cười này là đứa quái nào thế? Tôi không quen biết nó.

Tôi điều tra. Đó là một đứa người Pháp, sáu tuổi, sống ở Đại lộ Ngoại giao - ít nhất là thế đã: nếu nó sống cùng khu với chúng tôi, thì thật là quá lắm. Nhưng nó vẫn thường xuyên gặp Elena ở trường, nghĩa là sáu tiếng mỗi ngày. Thật không thể chịu được.

Nó tên là Fabrice. Tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên này và ngay lập tức tôi cho rằng không có gì nực cười hơn. Càng nực cười hơn ở chỗ nó để tóc dài. Đó là một kẻ nực cười vô cùng nực cười.

Than ôi, tôi có vẻ là người duy nhất nghĩ như thế. Fabrice có vẻ là thủ lĩnh của lớp dưới.

Người yêu dấu của tôi đã chọn kẻ có quyền thế: tôi xấu hổ thay cho cô ấy.

Theo một cơ chế lạ lùng, tôi chỉ càng thấy yêu cô ấy hơn mà thôi.

 

Tôi không hiểu rõ tại sao bố tôi lại bứt rứt như thế. Hồi ở Nhật Bản, ông rất vui vẻ. Còn ở Bắc Kinh, ông trở thành một người khác.

Ví dụ, ngay khi đến đây, ông tìm mọi cách để biết được thành phần chính phủ Trung Quốc.

Tôi tự hỏi liệu nỗi ám ảnh này có quan trọng không.

Dù sao thì nó quan trọng đối với bố tôi. Thật không may: mỗi lần ông đặt ra câu hỏi đó, chính quyền Trung Quốc lại trả lời rằng đó là bí mật.

Ông phản kháng một cách lịch sự nhất có thể:

- Nhưng không có nước nào trên thế giới lại giấu thành phần chính phủ cả!

Lý lẽ này có vẻ không lay động được các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Vì vậy, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đành phải liên hệ với các bộ trưởng tưởng tượng và vô danh: một nhiệm vụ thú vị đòi hỏi khiếu trừu tượng cao và khả năng suy đoán táo bạo đáng ngưỡng mộ.

Chúng ta đều biết lời cầu nguyện của Stendhal:

- Cầu Chúa, nếu Người tồn tại, xin hãy thương lấy tâm hồn con, nếu con có tâm hồn.

Tiếp xúc với chính phủ Trung Quốc là việc giống y như vậy.

Nhưng hệ thống đương nhiệm còn tế nhị hơn cả môn thần học ở chỗ nó không ngừng khiến người khác hoang mang vì sự không thống nhất: ví dụ, nhiều bản thông cáo chính thức có những câu kiểu như: “Nhà máy dệt mới xây ở xã... vừa được đồng chí X, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, khánh thành...”

Và tất cả các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đều nhảy xổ tới bên hệ phương trình chính phủ hai mươi ẩn của họ và ghi rằng: “Ngày 11 tháng 9 năm 1974, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp là ông X...”

Bức tranh ghép hình về hệ thống chính trị có thể hình thành dần dần, tháng này qua tháng khác, nhưng luôn với mức độ không chắc chắn rất cao, vì bản thân thành phần của chính phủ rất bất ổn định. Và hai tháng sau, không được báo trước về bất kỳ điều gì, người ta lại vớ được một bản thông cáo chính thức, trong đó có ghi: “Sau những tuyên bố của đồng chí Y, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp...”

Và lại phải làm lại mọi việc từ đầu.

Những người có đầu óc thần bí nhất tự an ủi bằng những lý do khiến họ mơ mộng:

- Ở Bắc Kinh, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của cái mà người Cổ đại gọi là deus absconditus(1).

Những người khác thì đi chơi bài brit.

 

Tôi không bận tâm đến những chuyện đó.

Có chuyện khác còn quan trọng hơn.

Đó là tên Fabrice, uy thế của hắn tăng lên thấy rõ, và Elena ngày càng tỏ ra ít hững hờ với hắn hơn.

Tôi không tự hỏi hắn có gì hơn tôi. Tôi biết rõ hắn có gì hơn tôi.

Và đó là điều khiến tôi bối rối: liệu có thể nào Elena lại không nghĩ rằng cái thứ đó nực cười chăng? Liệu có thể nào cô ấy thấy thứ đó quyến rũ chăng? Mọi thứ đều nghiêng về hướng đó.

Khi nào mười bốn tuổi, tôi sẽ thay đổi quan niệm về điều này và tôi sẽ rất ngạc nhiên về sự thay đổi đó.

Nhưng khi mới bảy tuổi, có vẻ như tôi khó có thể hình dung được khuynh hướng này.

Tôi kinh hãi kết luận rằng người yêu dấu của tôi đã mất trí rồi.

Tôi thử được ăn cả, ngã về không. Kéo cô bé người Ý ra một chỗ, tôi thầm thì vào tai cô ấy về chuyện Fabrice bị dị dạng ra sao.

Cô ấy nhìn tôi và cố nén cười - và rõ ràng là tôi, chứ không phải cái vật đó, làm cô ấy có thái độ như thế.

Tôi hiểu ra rằng không thể giành lại Elena được.

Tôi khóc suốt đêm, không phải vì tôi không được sở hữu thứ dụng cụ đó, mà bởi vì người yêu dấu của tôi có khiếu thưởng thức thật là tệ.

 

Ở trường, một thày giáo liều lĩnh đề xướng hướng dẫn chúng tôi làm một việc khác, ngoài việc gấp máy bay.

Thày tập hợp ba lớp lại và như vậy tôi được đứng cùng Elena và đám triều thần của cô ấy.

- Các em, thày có ý này: chúng ta sẽ cùng nhau viết một câu chuyện.

Ngay lập tức, đề xuất này khiến tôi vô cùng nghi ngờ. Nhưng tôi là đứa duy nhất có phản ứng như thế: những đứa khác mừng rối rít.

- Những ai biết viết thì hãy viết một câu chuyện. Sau đó, chúng ta sẽ cùng chọn ra chuyện hay nhất và chúng ta sẽ làm một quyển sách lớn với nhiều hình vẽ dành cho câu chuyện đó.

“Lố bịch”, tôi nghĩ thầm.

Kế hoạch này hẳn phải khiến vô vàn đứa chưa biết chữ ở những lớp dưới muốn học viết.

Nếu phải mất thời gian vào chuyện này, chi bằng chọn một câu chuyện mà tôi thích.

Tôi đắm chìm trong một câu chuyện thật nóng bỏng.

Một nàng công chúa người Nga xinh đẹp tuyệt trần (tại sao lại là người Nga? đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi) khỏa thân bị vùi trong một núi tuyết. Cô ấy có mái tóc dài đen nhánh và đôi mắt sâu, rất phù hợp với nỗi đau khổ của mình. Vì giá lạnh khiến cô ấy phải chịu những đau đớn tồi tệ. Chỉ có mỗi phần đầu của cô ấy ló ra ngoài đống tuyết và cô ấy thấy rõ rằng không có ai đến cứu mình. Sau đó là một đoạn dài tả cảnh cô ấy khóc lóc và đau đớn. Tôi hoan hỷ. Và rồi một công chúa khác xuất hiện, dea ex machina(1), kéo cô ấy ra khỏi đó và tìm cách sưởi ấm cho thân thể đã đông cứng của cô ấy. Tôi không có hứng thú để kể xem cô ấy đã làm thế nào.

Tôi nộp bài với vẻ mặt bối rối.

Không hiểu sao bài làm của tôi ngay lập tức bị rơi vào quên lãng. Thày giáo thậm chí còn không nhắc đến nó.

Thế nhưng thày lại đọc tất cả các bài khác, trong đó có những chú lợn con, có chó đốm, có chiếc mũi bị dài ra mỗi khi ai đó nói dối - tóm lại, toàn là những câu chuyện nghe quen quen.

Thật là xấu hổ, tôi phải thú nhận rằng tôi đã quên mất câu chuyện của Elena.

Nhưng tôi không quên ai đã chiến thắng và nó đã chiến thắng nhờ trò mị dân như thế nào.

Nếu so sánh, một chiến dịch tranh cử ở Rumani còn trung thực hơn.

Fabrice - tất nhiên, chính là nó - kể một câu chuyện về việc thiện. Chuyện xảy ra ở châu Phi. Một thằng bé da đen thấy gia đình mình đang chết dần vì đói nên bỏ nhà đi tìm thức ăn. Nó ra thành phố và trở nên giàu có. Mười năm sau, nó trở về làng, đem rất nhiều thức ăn và quà về cho gia đình, rồi xây một bệnh viện.

Thày giáo đã giới thiệu câu chuyện đầy tính cảm hóa đó như thế này đây:

- Thày đã để dành câu chuyện của bạn Fabrice để đọc cuối cùng. Thày không biết các em sẽ cảm nhận câu chuyện như thế nào, nhưng với thày, đây là chuyện mà thày thích nhất.

Rồi thày đọc bài đó lên, và nó được hoan hô nhiệt liệt vì đây là câu chuyện vô vị cuối cùng rồi.

- Vậy là, thày nghĩ chúng ta đã đồng ý với nhau.

Tôi không thể diễn tả được thủ đoạn này khiến tôi chán chường đến thế nào.

Trước hết, tôi thấy câu chuyện của Fabrice thật ngớ ngẩn và đần độn.

“Đúng là trò đánh vào lòng nhân ái!”, tôi thốt lên trong thâm tâm mình khi nghe thày đọc, tôi sững sờ đến nỗi đáng lẽ có thể kêu lên là: “Đúng là trò tuyên truyền!”

Sau đó, sự ủng hộ bột phát của người lớn kia ngay từ đầu đã báo trước sự tầm thường.

Ấn tượng này đã được khẳng định với màn thao túng tư tưởng đầy bỉ ổi diễn ra sau đó.

Phần còn lại cũng thật tương xứng: biểu quyết bằng cách vỗ tay chứ không phải bỏ phiếu, chiến thắng của những ước tính đại khái...

Và cuối cùng, đỉnh điểm: vẻ mặt của người chiến thắng khi tiến lên bục giảng để chào các cử tri và trình bày chi tiết hơn về dự định của mình.

Nụ cười bình thản và thỏa mãn của nó!

Giọng nói ngu ngốc của nó khi kể rõ hơn câu chuyện thú vị về đứa bé nghèo đói dũng cảm!

Và nhất là những tiếng kêu đồng thanh đầy vui mừng của đám nhóc ngu xuẩn!

Người duy nhất không kêu eo éo là Elena, nhưng vẻ mặt hãnh diện của cô ấy khi nhìn người anh hùng không làm tăng giá trị của cô ấy chút nào.

Thực ra, tôi chỉ thoáng buồn khi câu chuyện của tôi bị ém nhẹm đi. Tôi chỉ có tham vọng chiến đấu và yêu đương thôi. Còn viết lách, tôi nghĩ đây là việc dành cho người khác.

Ngược lại, tôi phát buồn nôn khi vẻ nhu nhược ghê người của thằng nhóc nực cười đó lại chiếm được cảm tình đến thế.

Sự phẫn nộ của tôi gồm phần lớn là lòng ghen tị và ác ý, nhưng điều đó không mâu thuẫn với bản chất của sự việc: tôi thấy ghê tởm khi người ta tâng bốc một câu chuyện mà trong đó, những tình cảm tốt đẹp thay thế cho trí tưởng tượng.

Từ hôm đó, tôi kết luận rằng văn chương là một thế giới mục nát.

 

Âm mưu bắt đầu được thực hiện.

Chúng tôi gồm khoảng bốn mươi đứa trẻ - trong ba lớp học - cùng nhau tham gia vào công việc này.

Tôi rất muốn đảm bảo rằng chỉ có tối đa ba mươi chín nhà chép sử. Bởi tôi thà chết còn hơn là tham gia, dù ở mức tối thiểu, vào cái nhóm cảm hóa quần chúng này.

Nếu không tính mấy đứa người Pêru hoặc những đứa từ cung trăng xuống và không hiểu nổi một từ tiếng Pháp nào, chỉ còn ba mươi tư đứa.

Trong số này, phải trừ ra những kẻ theo đuôi luôn im lặng mà hệ thống nào cũng có, với những đứa này im lặng cũng là tham gia rồi. Vậy là còn hai mươi nhà chép sử.

Trong đó có Elena, người không bao giờ nói, để bảo toàn hình tượng nhân sư của cô ấy. Mười chín.

Trong đó có chín đứa con gái hâm mộ Fabrice và chỉ mở miệng để ồn ào hưởng ứng những đề xuất của gã thần tượng tóc dài. Sĩ số giảm xuống còn mười.

Trong số đó có bốn đứa con trai coi Fabrice là hình mẫu, hoạt động của chúng chỉ gói gọn trong việc há hốc miệng vì ngất ngây mỗi khi Fabrice cất lời nói. Sáu.

Trong đó có một đứa người Rumani luôn gào lên rất trịnh trọng rằng nó thích hoạt động này đến thế nào và nó muốn tham gia đến thế nào. Nhưng đấy là tất cả những gì nó làm để tham gia. Năm.

Trong đó có hai đối thủ của Fabrice, chúng rụt rè cố gắng phản bác lại Fabrice, nhưng những phản bác nhỏ nhoi của chúng ngay lập tức bị nhấn chìm trong tiếng la ó. Ba.

Trong đó có một trường 17eb hợp kỳ lạ, chỉ nói theo kiểu thu tiếng từ trước. Hai.

Trong đó có một thằng bé luôn than phiền, có thể là thật lòng, rằng nó không có một chút trí tưởng tượng nào.

Và tình địch của tôi đã một mình viết nên tác phẩm tập thể của chúng tôi như thế đấy.

(Thực ra đây là tình trạng chung của phần lớn các tác phẩm tập thể.)

Và những đứa trẻ được cho là sẽ được học đọc và học viết nhờ trò chơi đóng kịch này đã chẳng học được thứ gì.

 

Âm mưu diễn ra trong ba tháng.

Trong quá trình ấy, thày giáo nhận ra một số sai sót trong việc vận hành cái nhóm ngày càng ít tính tập thể này.

Nhưng thày không hề hối tiếc về ý tưởng của mình, vì chúng tôi không giết ai trong suốt ba tháng, đấy đã là một thành công to lớn rồi.

Song, một hôm, thày nổi giận khi thấy đám câm như hến đông lên trông thấy. Và thày ra lệnh tất cả những ai không tham gia viết lách sẽ phải vẽ minh họa cho câu chuyện lý thú này.

Vậy là một ủy ban được thành lập, gồm khoảng hai chục đứa trẻ với nhiệm vụ vẽ nên những cử chỉ tuyệt diệu của người anh hùng.

Vì những lý do khó hiểu nhưng, tóm lại, hợp với tính chất dỗ dành trẻ con và vui nhộn của câu chuyện nhân ái này, thày giáo quyết định chúng tôi sẽ vẽ nên những kiệt tác hội họa bằng những que khoai tây sống nhúng trong mực Tàu.

Gợi ý này có vẻ mang tính tiên phong và đặc biệt lố bịch, nhất là khi ở Bắc Kinh, giá khoai cao hơn giá bút vẽ rất nhiều.

Các thành viên trong ủy ban được chia thành hai nhóm: nhóm họa sĩ và nhóm gọt-cắt khoai tây. Tôi chắc chắn là mình không có chút tài năng gì và tôi gia nhập nhóm gọt khoai. Tại đó, tôi đã tìm ra, với sự cuồng nhiệt kín đáo, vô vàn kỹ thuật để ngầm phá hoại khoai. Tôi có thể phá hỏng các que khoai bằng mọi cách, từ chỗ cắt quá mỏng hoặc vẹo, đến chỗ sử dụng một phương pháp cổ xưa, nếu cần thiết, đó là ăn sống để thủ tiêu.

Tôi chưa bao giờ đặt chân đến một Bộ Văn hóa nào. Nhưng khi cố gắng có được một ý niệm về Bộ Văn hóa, tôi nghĩ đến lớp học ở Thành phố Quạt, với mười người gọt khoai tây, mười họa sĩ đang sáng tác những vết màu trên giấy, mười chín nhà trí thức không đem lại lợi ích gì rõ ràng và một thủ lĩnh đang một mình viết nên một câu chuyện tập thể vĩ đại và cao quý.

 

Trung Quốc gần như không được nhắc đến trong suốt các trang trước, không phải là vì đất nước này không thu hút tôi: không cần thiết phải là người lớn mới bị nhiễm loại vi rút có tên gọi thay đổi theo từng trường hợp, như là đam mê Trung Quốc, nói về Trung Quốc, thiện cảm với Trung Quốc, tôn sùng Trung Quốc hoặc thậm chí là ăn Trung Quốc - vi rút này được gọi tên tùy theo người ta sử dụng đất nước này vào việc gì. Người ta vừa mới bắt đầu hiểu ra rằng quan tâm đến Trung Quốc nghĩa là quan tâm đến chính mình. Vì những lý do kỳ lạ, chắc hẳn liên quan đến những đặc điểm của Trung Quốc như diện tích bao la, lịch sử lâu đời, mức độ phát triển vô song của nền văn minh, sự kiêu hãnh, sự tinh tế cao độ, sự cáu bẩn, những nghịch lý tột độ hơn ở bất kỳ nơi nào khác, sự im lặng, vẻ đẹp huyền thoại, quyền tự do diễn giải do đất nước này thật bí ẩn, sự toàn vẹn, danh tiếng về trí thông minh, quyền bá chủ ngầm, tính vĩnh cửu, niềm đam mê mà đất nước này gợi lên, cuối cùng và rất đặc biệt là sự thiếu hiểu biết - tóm lại, chính vì những lý do ít chính đáng này, mỗi người có xu hướng tự thân là đánh đồng bản thân với Trung Quốc, tệ hơn, họ coi Trung Quốc là hiện thân về địa lý của chính mình.

Bọn trẻ con còn thích coi mình là trung tâm hơn cả người lớn. Chính vì thế, Trung Quốc mê hoặc tôi ngay khi tôi đặt chân đến đây, lúc năm tuổi. Bởi vì ảo ảnh này, thứ có thể xảy ra với cả những bộ óc đơn giản nhất, không phải vô cớ mà có: đúng là tất cả chúng ta đều là người Trung Quốc. Ở nhiều mức độ khác nhau, tất nhiên: trong mỗi người đều có một tỷ lệ Trung Quốc nào đó, giống như tỷ lệ cholesterol trong máu hay mức độ thần tượng bản thân trong ánh mắt. Tất cả các nền văn minh đều bắt nguồn từ mô hình Trung Quốc. Trong hệ thống các cụm từ bị trùng lặp ý, nên bổ sung cụm từ tiền sử-Trung Quốc-văn minh vì không một từ nào trong cụm này không bao hàm hai từ còn lại.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !



Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29473


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận