Tuyết sắp rơi.
Đó là mùa đông thứ ba của tôi ở đất nước của Những chiếc quạt. Như mọi khi, mũi tôi lại biến thành Trà hoa nữ, xì ra máu ở mức độ quá đà.
Tuyết là thứ duy nhất có thể che giấu vẻ xấu xí của Bắc Kinh. Và tuyết làm được điều đó trong mười tiếng đồng hồ đầu tiên của cuộc đời mình. Bê tông Trung Quốc, thứ bê tông kinh khủng nhất thế giới, biến mất dưới một màu trắng đồng nhất. Đồng nhất theo nghĩa kép, vì màu trắng còn nối liền bầu trời và mặt đất: nhờ có màu trắng tuyệt đối, ta có thể tưởng tượng ra cảnh những mảng hư vô khổng lồ đã xâm chiếm nhiều phần của thành phố - và ở Bắc Kinh, cái hư vô hoàn toàn không phải là điều bất đắc dĩ, mà được coi là đấng cứu thế.
Với những mảng trống và những chỗ vẫn nguyên hình được đặt cạnh nhau trong chốc lát, Tam Lý Đồn mang dáng vẻ như một bức tranh in từ khuôn gỗ khắc.
Ta gần như cảm thấy như thể mình đang ở Trung Quốc.
Mười tiếng sau, sự xâm chiếm đổi chiều.
Bê tông đẩy lùi tuyết, nét xấu xí đẩy lùi vẻ đẹp.
Và trật tự được lập lại.
Cả những đợt tuyết mới cũng không thay đổi được gì. Thật ấn tượng khi nhận thấy rằng sự xấu xí luôn là kẻ mạnh nhất: vì vậy, ngay khi những bông tuyết mới vừa chạm xuống mặt đất Bắc Kinh, chúng trở nên thật gớm ghiếc.
Tôi không thích phép ẩn dụ. Thế nên tôi sẽ không nói tuyết thành phố là phép ẩn dụ về cuộc đời. Tôi sẽ không nói điều đó vì không cần thiết: ai cũng hiểu rồi.
Một ngày nào đó, tôi sẽ viết một quyển sách tên là Tuyết thành phố. Đó sẽ là cuốn sách buồn nhất trong lịch sử các cuốn sách. Nhưng thôi, tôi sẽ không viết cuốn này. Kể lại những điều khủng khiếp mà ai cũng biết thì ích gì kia chứ?
Vì vậy, nên dứt khoát vứt bỏ nó đi: một thứ đẹp đẽ, êm ái, mềm mại, xoay tít và nhẹ bẫng như tuyết lại có thể nhanh chóng biến thành một thứ đối lập - một mớ hỗn độn xám xịt, dính dớp, đặc quánh, nặng trịch, sần sùi - tôi không chịu đựng nổi chuyện tệ hại này.
Ở Bắc Kinh, tôi ghét mùa đông. Tôi thực sự ngán cảnh dùng cuốc và cào để dọn dẹp lớp băng tuyết dày đang làm tê liệt khu biệt cư.
Và những đứa trẻ khác bị huy động cũng nghĩ như tôi.
Cuộc chiến tạm ngừng cho đến khi tan băng - điều này có vẻ ngược đời.
Để đền bù cho chúng tôi sau khi xong việc đào xới, người lớn đưa chúng tôi đi trượt băng trên hồ trong Cung điện Mùa hè vào Chủ nhật: những chuyến đi chơi này thật đẹp như mơ. Mặt hồ rộng lớn đã đóng băng ánh lên thứ ánh sáng của Bắc cực và phát ra những tiếng ầm ầm dưới những đôi giày trượt, khiến tôi phấn khích đến mức bị đau đầu. Tôi không được miễn dịch trước cái đẹp.
Những ngày còn lại, ngay khi chúng tôi từ trường về, là xẻng và cuốc.
Tất cả bọn trẻ con đều phải tham gia.
Chỉ có hai ngoại lệ mà thôi, nhưng không phải là hai đứa bé nhất: mà là Claudio và Elena cao quý.
Mẹ chúng tuyên bố hai đứa con của bà ấy quá yếu ớt đối với một công việc nặng nhọc như thế.
Với trường hợp của người đẹp, không ai phản đối.
Nhưng chuyện anh cô ấy được miễn càng khiến mọi người đặc biệt ác cảm với nó.
Cuộn mình trong chiếc áo măng tô cũ và chiếc mũ sáp ca Trung Quốc làm bằng da dê, tôi gắng sức đập tan băng. Vì Tam Lý Đồn quá giống nhà tù nên tôi có cảm giác mình đang bị bắt lao động khổ sai.
Sau này, khi đoạt giải Nobel Y học hoặc trở thành chiến sĩ cảm tử, tôi sẽ kể rằng, sau các chiến công, tôi đã phải chịu hình phạt ở nhà tù Bắc Kinh.
Tôi chỉ còn thiếu một cục sắt kéo lê ở chân nữa thôi.
Xuất hiện: một tạo vật xinh đẹp trong chiếc áo choàng trắng tiến lại trước mặt tôi. Mái tóc đen rất dài để xõa của cô ấy ló ra dưới chiếc mũ nồi nhỏ bằng dạ trắng.
Cô ấy đẹp đến mức tôi tưởng mình sắp ngất, đáng lẽ đó là một giải pháp có lợi.
Nhưng mệnh lệnh vẫn không đổi. Tôi vờ như không nhìn thấy cô ấy và bổ một nhát cuốc thật mạnh xuống lớp băng.
- Tớ buồn quá. Ra đây chơi với tớ đi.
Giọng nói của cô ấy thật nhẹ nhàng.
- Cậu không thấy tớ đang phải làm việc à? tôi trả lời một cách khó chịu nhất có thể.
- Có đầy người khác làm rồi, cô ấy nói về vô vàn đứa trẻ đang dọn băng tuyết xung quanh tôi.
- Tớ không phải là tiểu thư. Tớ thấy xấu hổ nếu không làm gì cả.
Tôi rất xấu hổ khi nói ra câu đó, nhưng đó là mệnh lệnh.
Im lặng. Tôi tiếp tục công việc khổ sai.
Thế rồi Elena diễn thành công một vở kịch.
- Đưa tớ cái cuốc, cô ấy nói.
Sửng sốt, tôi nhìn cô ấy mà không nói được gì.
Cô ấy giằng lấy cuốc của tôi, lấy hết sức bình sinh để giơ nó lên trời rồi bổ xuống đất. Rồi cô ấy làm ra vẻ sẽ tiếp tục.
Dường như tôi chưa bao giờ thấy cảnh phạm thượng không thể chịu nổi như thế.
Tôi giằng lại cái cuốc từ cô ấy và ra lệnh với giọng rất cứng rắn:
- Không! Không phải cậu!
- Tại sao? con chồn nhỏ hỏi với vẻ mặt thiên thần.
Tôi không trả lời rồi tiếp tục bổ cuốc, mặt cúi gằm xuống đất.
Người yêu dấu của tôi chậm rãi bỏ đi, ý thức rõ rằng cô ấy đã ghi được một điểm.
Trường học làm cho chiến tranh càng trở nên có tính thanh lọc hơn.
Chiến tranh dùng để triệt hạ kẻ thù, và như vậy, là để không hủy hoại chính bản thân mình.
Trường học là nơi giải quyết mâu thuẫn với quân Đồng minh.
Như vậy, chiến tranh dùng để xả hết sự hung bạo cuộc đời tạo ra.
Và trường học là nơi thanh lọc sự hung bạo chiến tranh tạo ra.
Nhờ có điều này, chúng tôi rất sung sướng.
Nhưng vụ việc Werner gây ra rắc rối giữa người lớn với nhau.
Bố mẹ của bọn Đông Đức thông báo với bố mẹ của quân Đồng minh rằng lần này, con cái họ đã đi quá xa.
Vì không thể yêu cầu trừng phạt những kẻ phạm tội, nên bố mẹ của bọn Đông Đức đề nghị đình chiến. Nếu không, các biện pháp “trả đũa ngoại giao” sẽ tiếp nối nhau.
Bố mẹ chúng tôi đồng ý với họ ngay lập tức. Chúng tôi xấu hổ vì bố mẹ mình.
Một phái đoàn người lớn đến cảnh cáo các tướng lĩnh của chúng tôi. Họ khẳng định rằng chiến tranh lạnh không ăn nhập gì với cuộc chiến cam go của chúng tôi. Cần phải dừng lại.
Không có cách nào để thương lượng. Các bậc phụ huynh là những người nắm giữ thức ăn, giường ngủ và xe hơi. Không thể không nghe lời được.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh của chúng tôi vẫn cả gan đòi phải có kẻ thù.
- Tại sao?
- Thì để cho chiến tranh chứ gì nữa!
Chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì họ lại có thể đặt ra một câu hỏi trùng lặp đến thế.
- Các con thực sự cần chiến tranh à? người lớn hỏi với vẻ mệt mỏi.
Chúng tôi hiểu họ đã suy yếu đến mức nào và chúng tôi không trả lời.
Dù sao, chừng nào băng còn chưa tan, chiến sự còn bị gác lại.
Người lớn tưởng chúng tôi đã ký hiệp định đình chiến. Thực ra, chúng tôi đang đợi đến lúc tan băng.
Mùa đông là một thử thách.
Thử thách đối với người Trung Quốc, những người chết cóng vì lạnh - phải thú nhận rằng chuyện này chẳng khiến bọn trẻ ở Tam Lý Đồn bận tâm.
Thử thách đối với những đứa trẻ ở Tam Lý Đồn bị bắt phải dọn băng tuyết ở khu biệt cư mỗi khi rảnh rỗi.
Thử thách đối với sự hung hăng của chúng tôi, vốn đang bị kìm giữ đến tận mùa xuân: đối với chúng tôi, chiến tranh dường như là thứ Chén Thánh phải đi kiếm tìm. Nhưng lớp băng cần phải dọn dẹp cứ tăng thêm mỗi tối và chúng tôi có cảm giác mình cứ xa dần tháng Ba. Chúng tôi tưởng khi phải dọn dẹp băng, cơn đói bạo lực của chúng tôi sẽ dịu đi: ngược lại. Đúng là đổ thêm dầu vào lửa. Một vài tảng băng cứng đến nỗi, để tăng thêm sức mạnh, chúng tôi tưởng tượng rằng mình đang bổ cuốc vào da thịt bọn Đức.
Cuối cùng là thử thách đối với tôi trên tất cả các mặt trận yêu đương. Tôi tuân thủ triệt để mệnh lệnh và tôi đối xử với Elena lạnh lẽo như mùa đông Bắc Kinh.
Ấy thế mà, tôi càng tuân theo mệnh lệnh, cô bé người Ý lại càng dành cho tôi ánh mắt mênh mang, trìu mến. Đúng thế, trìu mến. Trước đây tôi chưa từng tưởng tượng được rằng một ngày nào đó cô ấy có thể biểu hiện cảm xúc này. Mà lại dành cho tôi nữa chứ!
Tôi không thể biết rằng cô ấy và tôi, chúng tôi là hai kiểu người khác nhau. Elena thuộc nhóm người càng yêu mãnh liệt hơn khi người khác lạnh lùng với họ. Còn tôi thì ngược lại: càng thấy mình được yêu, tôi càng yêu nhiều hơn.
Tất nhiên, tôi không đợi đến khi người đẹp nhìn tôi âu yếm mới đem lòng yêu nàng. Nhưng thái độ mới của cô ấy đối với tôi khiến tình yêu của tôi tăng lên gấp bội.
Và đến mức tôi mê sảng vì yêu. Ban đêm, nằm trên giường, tôi nhớ lại đôi mắt dịu dàng đã âu yếm tôi và tôi rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nửa run rẩy, nửa ngất ngây.
Tôi tự hỏi đến khi nào mình mới xuống nước. Tôi không còn nghi ngờ gì về tình cảm của cô ấy nữa. Tôi chỉ việc đáp lại nữa thôi.
Tôi không dám. Tôi cảm thấy đam mê của tôi đã đạt đến độ rất lớn. Tỏ tình là việc quá sức đối với tôi: phải cần thứ gì đó vượt lên trên ngôn ngữ, phải cần điều gì đó hơn thế, điều gì đó mà tôi bất lực trước nó vì không hiểu được, điều gì đó mà tôi chỉ lờ mờ nhận thấy nhưng không hiểu được.
Và tôi vẫn tuân theo mệnh lệnh dù ngày càng khó khăn hơn, nhưng cách sử dụng đã không còn gì bí ẩn nữa.
Và những cái liếc mắt của Elena ngày càng trở nên van vỉ hơn, ngày càng khiến người khác đau xé lòng hơn, vì khi một khuôn mặt được tạo ra không phải để thể hiện sự âu yếm, thì vẻ âu yếm trên khuôn mặt ấy lại càng khiến người ta bối rối hơn. Nét dịu dàng trong đôi mắt giống thần Nhân mã và vẻ âu yếm trên cái miệng tinh nghịch của cô ấy khiến tôi nghẹt thở.
Vì vậy, tôi thấy mình cần phải dạn dày hơn nữa, và tôi trở nên lạnh giá và sắc lẹm như mưa đá - và ánh mắt của người đẹp trở nên mượt mà đầy trìu mến.
Thật không thể chịu được.
Tuyết là đỉnh điểm của sự hung ác.
Dù đã cố gắng xấu xí và xám xịt như Thành phố Quạt, nhưng tuyết vẫn là tuyết.
Tuyết, nơi tôi mò mẫm mù mờ và nhận ra hình ảnh của tình yêu hoàn hảo, và điều đó chắc chắn không phải là vô cớ.
Tuyết, hoàn toàn không vô hại dưới vẻ hạnh phúc thơ ngây của nó.
Tuyết, nơi tôi đọc thấy những câu hỏi khiến tôi nóng bừng và rồi lại rét run.
Tuyết, bẩn và cứng, thứ rốt cuộc tôi đã ăn với hy vọng tìm được câu trả lời, nhưng vô ích.
Tuyết, là thứ nước đã nổ tung, là cát bị đóng băng, là thứ muối không sinh ra từ đất mà từ trời, là thứ muối không mặn có vị đá lửa, có cấu tạo như nhựa cây giã nát, với mùi của giá lạnh và sắc tố trắng, màu sắc duy nhất rơi xuống từ những đám mây.
Tuyết là thứ xóa mờ mọi thứ - những tiếng động, những cú ngã, thời gian - để tôn lên những thứ vĩnh cửu và bất biến như máu, ánh sáng, ảo tưởng.
Tuyết là tờ giấy đầu tiên trong Lịch sử, ghi dấu rất nhiều bước chân và những cuộc rượt đuổi không thương tiếc. Như vậy, tuyết là thể loại văn chương đầu tiên, là cuốn sách bao la dưới mặt đất, với nội dung chỉ là những dấu vết khi đi săn hoặc đường đi của kẻ thù. Tuyết là một loại sử thi địa lý, trong đó từng dấu hiệu nhỏ nhất cũng trở thành một điều bí mật - dấu chân này là của anh trai ta hay là của kẻ đã giết anh ấy?
Cuốn sách dài bất tận và chưa hoàn thành ấy có thể được đặt tên là Cuốn sách lớn nhất thế giới. Không còn sót lại một mảnh nào của cuốn sách này - không giống như ở thư viện Alexandrie: tất cả các cuốn sách ở đây đều đã tan chảy. Nhưng vẫn phải còn lại một thứ cho chúng ta, đó là một hồi ức xa xăm cứ trỗi dậy mỗi khi có đợt tuyết mới, nỗi lo lắng về trang sách trắng thôi thúc ta đặt chân đến những vùng còn hoang sơ, bản năng thôi thúc ta tìm lời giải đáp mỗi khi bắt gặp dấu vết của một người khác.
Thực ra, chính tuyết đã tạo ra điều bí ẩn. Cũng vì thế nên chính tuyết đã tạo ra thơ, tranh in bằng khuôn gỗ khắc, và dấu chấm hỏi - và cái trò chơi lần theo dấu vết ấy, nó chính là tình yêu.
Tuyết là lớp che phủ giả tạo, là một chữ tượng hình khổng lồ và trống rỗng, trong đó tôi giải mã ra vô vàn những xúc cảm muốn dâng tặng cho người yêu dấu của mình.
Tôi không cần biết mong muốn lạ lẫm của tôi có trong sáng hay không.
Tôi chỉ cảm thấy thứ tuyết này khiến cho Elena càng trở nên quyến rũ khó cưỡng lại, điều bí ẩn càng gây run sợ hơn và mệnh lệnh của mẹ càng trở nên không thể chịu nổi.
Chưa bao giờ mùa xuân lại được mong chờ đến thế.
Phải dè chừng những bông hoa.
Nhất là ở Bắc Kinh.
Nhưng đối với tôi, chủ nghĩa cộng sản là chuyện về những chiếc quạt, và phong trào Trăm hoa đua nở cũng xa lạ đối với tôi y như Hồ Chí Minh hay Wittgenstein.
Dù sao, với những bông hoa, những lời cảnh báo chẳng có tác dụng gì: người ta luôn bị sa vào bẫy.
Hoa là gì? Một cơ quan sinh dục khổng lồ đang diện bộ cánh đẹp nhất.
Sự thật này đã được biết đến từ rất lâu rồi; nhưng chúng ta, những kẻ khờ khạo, vẫn nói về vẻ tinh tế của hoa với những từ ngữ hoa mỹ. Người Pháp gọi những kẻ si tình ngốc nghếch là những “bông hoa xanh”: nghĩa là kẻ ủy mị, như thế thật bất lịch sự và không thích hợp, giống như nói họ là những “cơ quan sinh dục xanh”.
Ở Tam Lý Đồn có rất ít hoa và đều là hoa xấu.
Nhưng dù sao đấy cũng là hoa.
Những bông hoa trồng trong nhà kính đẹp như những người mẫu, nhưng không có hương thơm. Những bông hoa trong khu biệt cư có vẻ luộm thuộm: một số bông trông xấu xí y như các bà nông dân ra thành phố, một số khác ăn mặc kém tinh tế y như các bà, các cô thành phố khi về vùng nông thôn. Tất cả dường như đều lạc đề.
Tuy nhiên, nếu dí mũi vào tràng hoa, nhắm mắt và bịt tai lại, ta lại muốn phát khóc - vậy thì, có thể có cái gì ở đáy những bông hoa tầm thường nhất, với mùi hương dễ chịu đến vô vị, có thể có thứ gì đau lòng đến thế, tại sao lại có hồi ức về những kỷ niệm không phải của ta, về những khu vườn mà ta chưa bao giờ biết đến, về những vẻ đẹp cao quý chưa bao giờ nghe nói đến? Tại sao cuộc Cách mạng văn hóa lại không cấm những bông hoa được có mùi giống hoa?
Dưới bóng khu biệt cư đã điểm những bông hoa, rốt cuộc chiến tranh cũng tiếp tục trở lại.
Đã đến lúc tan băng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.
Năm 1972, người lớn đã can thiệp vào cuộc chiến của chúng tôi. Chúng tôi thực sự không bận tâm vì chuyện đó.
Mùa xuân năm 1975, họ phá hoại nó. Điều này làm chúng tôi thấy ghê tởm.
Ngay khi băng vừa tan, khi công việc khổ sai của chúng tôi vừa mới chấm dứt, khi chúng tôi vừa bắt đầu chiến đấu trở lại, say mê và cuồng nhiệt, thì các bậc phụ huynh tức giận xuất hiện làm chúng tôi mất vui:
- Thế còn hiệp định đình chiến thì sao?
- Chúng con chưa bao giờ ký gì hết.
- Các con cần chữ ký chứ gì? Tốt thôi. Bố mẹ sẽ lo chuyện này.
Đó đúng là một cơn ác mộng vô cùng lố bịch.
Người lớn đánh máy một hiệp định hòa bình tối nghĩa theo ý họ.
Họ triệu tập tướng lĩnh của các phe đối đầu đến ngồi vào “bàn đàm phán”, nơi chẳng có gì để đàm phán. Họ đọc to bản hiệp định bằng tiếng Pháp và tiếng Đức: chúng tôi chẳng hiểu thứ tiếng nào cả.
Quyền duy nhất mà chúng tôi có, đó là quyền ký.
Nhờ có buổi bêu xấu tập thể này, chúng tôi chưa bao giờ lại đồng cảm sâu sắc đến thế với kẻ thù của chúng tôi. Và rõ ràng đây là mối đồng cảm qua lại.
Ngay cả Werner, đứa khơi mào dẫn đến bản hiệp định nực cười này, cũng tỏ ra chán ngấy.
Sau màn ký kết như diễn kịch, người lớn nghĩ nên cho chúng tôi nâng ly chúc mừng với nước chanh có ga đựng trong ly có chân. Họ có vẻ hài lòng và trút được gánh nặng, họ mỉm cười. Viên bí thư của Đại sứ quán Đông Đức, một người Arian nhã nhặn và ăn mặc rách rưới, đã hát một bài ngắn.
Và bằng cách đó, sau khi tịch thu cuộc chiến của chúng tôi, người lớn đã thu nốt hòa bình của chúng tôi.
Chúng tôi xấu hổ thay cho họ.
Kết quả ngược đời của hiệp định giả tạo này là mối đồng cảm giữa hai phe.
Những kẻ trước đây là kẻ thù của nhau giờ ôm chầm lấy nhau, khóc than vì giận những bậc cha chú.
Chưa bao giờ người Đông Đức lại được mọi người yêu mến đến thế.
Werner khóc nức nở. Chúng tôi ôm lấy nó: nó đã phản bội, nhưng đấy là một cuộc chiến tốt đẹp.
Ở đây có lỗi thừa từ: đấy là một cuộc chiến, vì vậy chắn chắn là nó tốt đẹp.
Hồi ức đã bắt đầu ùa về. Chúng tôi kể cho nhau nghe, bằng tiếng Anh, những kỷ niệm đẹp về các trận đánh và những lần tra tấn. Người ta cứ ngỡ như đang xem một cảnh giảng hòa trong phim Mỹ.
Việc đầu tiên - không, việc duy nhất cần làm là tìm ra kẻ thù mới.
Không phải bất kỳ kẻ thù nào cũng được, mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn.
Thứ nhất là tiêu chuẩn về địa lý: nước được chọn phải có mặt tại Tam Lý Đồn.
Tiêu chuẩn thứ hai là lịch sử: không được chiến đấu chống lại các nước Đồng minh cũ. Đúng là người ta chỉ bị chính người thân phản bội, đúng là không có mối nguy hiểm nào tệ hơn bạn bè của chính mình: nhưng ta không thể tấn công anh em của mình, không thể gây gổ với người mà, khi ở ngoài mặt trận, đã nôn bên cạnh ta, đã cùng ta xả vào một chiếc thùng. Như thế là chống lại ý Chúa.
Tiêu chuẩn thứ ba gần như là điều vô lý: kẻ thù phải có điểm gì đó đáng ghét. Và thế là mọi thứ đều có thể.
Vài đứa đề xuất chọn người Anbani hoặc Bungari, vì một lý do tầm phào là họ theo chế độ cộng sản. Gợi ý này không nhận được sự đồng tình nào: chúng tôi đã từng tấn công các nước phía Đông và đã thấy mình phải trả giá như thế nào.
- Thế còn người Pêru thì sao? ai đó nói.
- Sao lại đi ghét người Pêru nhỉ? một người hỏi, một câu hỏi đơn giản nhưng trừu tượng.
- Bởi vì họ không nói cùng một thứ tiếng với chúng ta, một công dân Babel xa tổ quốc nói.
Đương nhiên, đây là một lý do đúng đắn.
Một đứa nhóc chuộng số đông lưu ý rằng nếu theo tiêu chí này, chúng tôi cũng có thể tuyên chiến với ba phần tư khu biệt cư, và thậm chí với toàn bộ nước Trung Quốc.
- Như vậy đây là một lý do đúng đắn, nhưng chưa đủ.
Chúng tôi tiếp tục rà soát tỉ mỉ các quốc tịch cho đến khi có ý nghĩ lóe lên trong tôi:
- Người Nêpan, tôi hớn hở.
- Tại sao lại ghét người Nêpan?
Trước câu hỏi xứng tầm Montesquieu này, tôi đưa ra một câu trả lời gây chấn động:
- Bởi vì đấy là nước duy nhất trên thế giới không có quốc kỳ hình chữ nhật.
Sự im lặng sững sờ đột nhiên bao trùm cả hội nghị.
- Thật không? một giọng đã hơi khàn khàn hỏi.
Tôi bắt đầu miêu tả lá cờ của Nêpan, là sự kết hợp giữa nhiều hình tam giác, giống hình đồng hồ cát bị cắt đôi theo chiều dài.
Người Nêpan bị coi là kẻ thù ngay lập tức.
- A, bọn đểu giả!
- Chúng ta sẽ dạy cho bọn Nêpan một bài học, chúng ta sẽ dạy cho chúng thế nào là không có quốc kỳ hình chữ nhật, như mọi người!
- Bọn Nêpan, chúng tưởng chúng là ai cơ chứ?
Lòng thù hằn nảy sinh.
Nhóm Đông Đức cũng tức giận như chúng tôi. Chúng đề nghị được gia nhập quân Đồng minh trong cuộc viễn chinh chống lại những lá cờ không có hình chữ nhật. Chúng tôi quá sung sướng vì được kết nạp họ. Chiến đấu bên cạnh những người đã đánh bại chúng tôi, và là những người mà chúng tôi đã từng tra tấn, thật cảm động.
Người Nêpan là những kẻ thù thiểu số.
Họ ít hơn rất nhiều so với quân Đồng minh. Thoạt tiên, chúng tôi có vẻ thích chi tiết này. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện cảm thấy xấu hổ vì tương quan lực lượng quá chênh lệch. Ưu thế về số lượng này khá dễ chịu thì đúng hơn.
Lứa tuổi trung bình của họ cao hơn chúng tôi. Một số đã mười lăm tuổi: ngưỡng tuổi suy thoái. Thêm một lý do nữa để ghét họ.
Chúng tôi tuyên chiến với họ một cách ngang nhiên chưa từng có: hai tên người Nêpan đầu tiên đi ngang qua đã bị sáu chục đứa trẻ tấn công.
Khi chúng tôi thả chúng ra, người chúng toàn là vết thương và cục sưng u.
Những đứa trẻ vùng núi tội nghiệp đó mới vừa từ dãy Himalaya xuống và không hiểu gì trước tình cảnh này.
Bọn trẻ đến từ Cátmanđu bàn bạc với nhau, chắc chúng có tối đa bảy đứa. Chúng thông qua chính sách duy nhất có thể: đấu tranh - xét phương pháp của chúng tôi, chúng hiểu các cuộc đàm phán ngoại giao chẳng giúp ích được gì.
Phải công nhận là hành vi của bọn trẻ ở Tam Lý Đồn là sự phủ định hoàn toàn các quy luật di truyền. Nghề nghiệp của bố mẹ chúng tôi nhằm giảm thiểu những căng thẳng quốc tế càng nhiều càng tốt. Còn chúng tôi lại làm chính điều ngược lại. Có con là như thế đấy.
Nhưng chúng tôi có sáng tạo: một liên minh hùng mạnh đến thế, một cuộc chiến tranh thế giới như thế, tất cả những điều này chỉ để chống lại một đất nước nghèo khổ, bé nhỏ, không có tầm vóc tư tưởng, và không có chút ảnh hưởng nào, thật là độc đáo.
Nhưng người Nêpan khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi phát hiện ra chúng là những chiến binh khủng khiếp: sự tàn nhẫn của chúng vượt qua tất cả những gì chúng tôi từng biết đến trong ba năm chiến đấu chống lại người Đông Đức, mà người Đông Đức hoàn toàn không phải những kẻ yếu ớt.
Bọn trẻ Cátmanđu có nắm đấm và cú đá nhanh nhẹn, chính xác vô song. Với quân số bảy người, chúng là một kẻ thù đáng gờm.
Chúng tôi không biết đến điều Lịch sử đã nhiều lần chứng minh: không một châu lục nào bằng được một phần của châu Á về khoản bạo lực.
Chúng tôi đã bị tóm, nhưng không bực bội vì điều đó.
Elena tránh xa khỏi đám lộn xộn.
Về sau, tôi đọc được một câu chuyện khó hiểu về một cuộc chiến giữa thành Troy và người Hy Lạp. Mọi chuyện bắt đầu là do một tạo vật tuyệt vời tên là Hélène.
Chi tiết này làm tôi bật cười, tất nhiên.
Đương nhiên, tôi không thể nghĩ có sự tương đồng. Cuộc chiến ở Tam Lý Đồn không bắt nguồn từ Elena. Và cô ấy không bao giờ muốn dính líu tới nó.
Thật kỳ lạ, sử thi Iliát cho tôi biết về Tam Lý Đồn ít hơn là Tam Lý Đồn cho tôi hiểu về Iliát. Trước hết, tôi chắc chắn rằng mình sẽ không nhạy cảm với Iliát đến thế nếu chưa từng tham gia vào cuộc chiến ở khu biệt cư. Đối với tôi, điều khởi nguồn không phải là câu chuyện huyền thoại, mà là kinh nghiệm. Và tôi dám chắc rằng kinh nghiệm này đã giúp tôi hiểu được một số chi tiết trong huyền thoại. Đặc biệt là về nhân vật Hélène.
Liệu có câu chuyện nào tâng bốc phụ nữ hơn Iliát không? Hai nền văn minh đánh giết nhau không thương tiếc và đến tận cùng, các vị thần trên đỉnh Olympia phải can thiệp, nghệ thuật quân sự được tôn vinh, một thế giới biến mất - tất cả những điều này là vì cái gì, vì ai? Vì một mỹ nhân.
Người ta dễ dàng hình dung ra cảnh người đẹp khoe khoang với đám bạn gái:
- Đúng vậy, các cậu ạ, một cuộc tàn sát và sự can thiệp của các thần đều vì một mình tớ đấy! Mà tớ chẳng làm gì để xảy ra chuyện đó. Các cậu muốn gì chứ, tớ xinh đẹp, tớ chẳng thể làm được gì.
Các phiên bản của câu chuyện đã lặp lại hình ảnh nhân vật Hélène phù phiếm quá mức, người đã trở thành bức biếm họa về người đẹp ích kỷ, vì cô ta cho rằng thật bình thường và thậm chí thật thú vị khi người ta chém giết lẫn nhau nhân danh cô ta.
Nhưng còn tôi, khi tham gia vào cuộc chiến, tôi đã gặp Hélène xinh đẹp, và tôi đem lòng yêu nàng, và chính vì thế tôi có cái nhìn khác về Iliát.
Bởi tôi đã thấy nàng Hélène xinh đẹp trông như thế nào, cô ấy phản ứng ra sao. Và điều đó khiến tôi tin rằng người hậu duệ xa có cùng tên với cô ấy cũng giống như cô ấy.
Vì vậy, tôi nghĩ Hélène xinh đẹp coi thường cuộc chiến thành Troy đến mức khó có thể tưởng tượng được. Tôi không nghĩ là cô ấy lấy làm hãnh diện về cuộc chiến này: như thế thì quá vinh hạnh cho những đội quân con người.
Tôi nghĩ rằng cô ấy giữ mình tránh xa chuyện này và tập trung ngắm mình trong gương.
Tôi nghĩ cô ấy có nhu cầu được ngắm nhìn - và chẳng quan trọng đó là ánh mắt của các chiến binh hay ánh mắt của những người dẹp loạn: những cái nhìn, cô ấy mong đợi những cái nhìn sẽ kể cho cô ấy về chính cô ấy, và chỉ về cô ấy mà thôi, chứ không phải về những người dành những cái nhìn đó cho cô.
Tôi nghĩ cô ấy cần được yêu. Chứ không phải cần yêu: điều này không nằm trong khả năng của cô ấy. Mỗi người có kiểu riêng của mình.
Yêu Pâris ư? Tôi không tin. Nhưng muốn Pâris yêu cô ấy và không bận tâm đến chuyện Pâris còn có thể làm gì khác.
Vậy cuộc chiến thành Troy là gì? Đó là hành động bạo lực khủng khiếp, đẫm máu, nhục nhã và vô nghĩa, được thực hiện nhân danh một người đẹp, trong khi cô ấy không hề màng tới nó.
Và tất cả các cuộc chiến tranh đều là cuộc chiến thành Troy, và tất cả những nguyên nhân cao quý đều mặc kệ chúng, dù người ta gây chiến vì đôi mắt đẹp của các nàng ấy.
Vì nét chân thật nhất của chiến tranh là điều người ta không nói ra: sở dĩ người ta gây ra chiến tranh, là vì người ta thích nó và vì đấy là một thú tiêu khiển hay ho. Và họ sẽ luôn tìm được một nguyên nhân cao cả có đôi mắt đẹp.
Thế nên Hélène xinh đẹp có lý khi không thấy mình có liên quan và khi tự ngắm nhìn trong gương.
Và tôi rất thích cô ấy, nàng Hélène đó, người mà tôi đã yêu, năm 1974, ở Bắc Kinh.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !