Tàu Nau-ti-lux đi hoài về phía nam theo kinh tuyến 50. Chẳng lẽ nó hướng về Nam Cực? Thật là vô lý! Mọi ý đồ lọt vào điểm đó của trái đất đều đã bị thất bại.
Ngày 13 tháng 3 ở vùng Nam Cực tương ứng với ngày 13 tháng 9 ở vùng bắc khi bắt đầu thời kỳ xuân thu phân.
Ngày 14 tháng 3 ở gần độ vĩ 55o xuất hiện những tảng băng trôi màu xám như chì, cao chừng sáu, bảy mét, tạo thành những vật chướng ngại mà sóng biển xô vào ào ào. Tàu Nau-ti-lux chạy trên mặt đại dương. Nét đã nhiều lần đến vùng biển Bắc Cực, nên đối với anh ta cảnh băng trôi chẳng có gì lạ. Còn tôi và Công-xây thì mới được thấy lần đầu.
Từ chân trời phía nam kéo dài lên một dải trắng toát. Dù mây có dày đến đâu cũng không thể làm lu mờ được ánh cực quang đó. Cực quang là do đồng băng phản chiếu lên.
Chẳng bao lâu xuất hiện những tảng băng lớn hơn. Ánh sáng phát ra khi mạnh khi yếu và bị một làn sương dày bao phủ.
Càng đi về phía nam, tàu càng hay gặp những đồng băng trôi, những núi băng ngày càng lớn. Hàng ngàn con chim Nam Cực làm tổ trên đó. Chim báo bão kêu choáng tai. Những con chim khác tưởng tàu chúng tôi là cá voi, liền đậu lên, rồi lấy mỏ mổ boong boong xuống vỏ thép.
Trong thời gian tàu chạy giữa đồng băng, thuyền trưởng Nê-mô hay lên boong. Ông ta đăm đăm nhìn cảnh băng giá mênh mông. Thỉnh thoảng mắt Nê-mô lại sáng ngời lên. Ông ta nghĩ gì trong giây phút đó? Ông ta cảm thấy mình là người chủ duy nhất của vùng biển Nam Cực này, của vùng băng hiểm trở và vô tận này chăng? Có lẽ thế. Nhưng Nê-mô im lặng. Ông ta đứng hàng giờ để t rầm tư cho tới khi linh tính của người thủy thủ kéo ông ta về thực tế. Lúc đó Nê-mô đích thân cầm lái khéo đưa con tàu tránh những núi băng dài tới mấy hải lý và cao hơn mặt biển bảy, tám mươi mét. Nhiều khi băng tạo thành những bức tường chặn ngang đường. Gần độ vĩ 60o thì không còn nước tinh khiết nữa. Nhưng Nê-mô thường nhanh chóng tìm ra được một khe nhỏ giữa những tảng băng và mạnh dạn lái tàu vào...
Nhiệt độ không khí xuống khá thấp. Nhiệt kế chỉ -2o, -3o. Nhưng chúng tôi có đủ quần áo ấm may bằng da gấu và hải cẩu. Tàu Nau-ti-lux được sưởi nóng bằng điện, nhiệt độ trong tàu được điều hòa và không phụ thuộc vào nhiệt độ không khí bên ngoài. Hơn nữa, chỉ cần tàu lặn xuống mấy mét là chúng tôi thấy dễ chịu ngay.
Ngày 15 tháng 3 tàu đến vùng đảo Nam Sét-len và Nam Oóc-cơ-nây. Thuyền trưởng Nê-mô kể với tôi rằng trước đây ở chỗ này có rất nhiều hải cẩu. Nhưng bọn thợ săn cá voi Anh và Mỹ đã giết hại bừa bãi những hải cẩu lớn, tiêu diệt hoàn toàn loài thú này ở một vùng biển xưa kia đầy sự sống và giờ đây chỉ còn một sự im lặng ghê người.
Tàu Nau-ti-lux chạy dọc kinh tuyến 55 và vượt qua vòng Nam Cực. Băng tấn công nó từ bốn phía, thu hẹp dần đường chân trời lại. Nhưng thuyền trưởng Nê-mô vẫn cho tàu chạy về phía nam.
- Ông ta đi đâu vậy? - Tôi hỏi.
- Đi lung tung, - Công-xây trả lời. - Bao giờ bươu đầu sứt trán thì sẽ dừng lại.
- Tôi không dám đoán chắc như vậy! - Tôi nói.
Thật tình, chuyến đi đầy gian nguy này rất hợp ý tôi. Tôi không thể tả sao cho hết được sự mê thích của mình trước cảnh hùng vĩ của miền Nam Cực!...
Nhiều khi bị băng vây hãm, chúng tôi chẳng thấy lối ra. Nhưng nhờ có bản năng tuyệt vời, thuyền trưởng Nê-mô chỉ thoáng nhìn là tìm ngay được những khe hở đưa tàu ra khỏi chỗ hiểm. Những tia nước màu xanh nhạt trên đồng băng đã chỉ đường cho Nê-mô. Ông ta không bao giờ lầm lẫn trong việc lựa chọn đường đi. Chắc chắn là Nê-mô đã đến vùng biển băng Nam Cực này nhiều lần!
Tuy vậy, ngày 16 tháng 3 tàu cũng bị băng vây chặt không đi được. Đây chưa phải là băng vĩnh viễn mà chỉ là những cánh đồng băng rộng được gắn liền với nhau. Nhưng trở ngại đó không làm thuyền trưởng Nê-mô chùn bước. Ông ta cho tàu lao thật mạnh vào đồng băng. Vỏ tàu Nau-ti-lux bằng thép đâm thẳng vào khối băng giòn làm băng vỡ ra kêu răng rắc. Những mảnh băng bắn tung lên trời, rồi rơi rào rào xuống quanh tàu. Do quán tính mà đôi khi tàu chồm lên băng, rồi nhờ sức nặng mà phá vỡ nó.
Trong những ngày này ở đây có gió giật mạnh. Sương mù dày đặc phủ xuống băng. Từ đầu này của boong tàu không thấy đầu kia. Gió hay đổi hướng đột ngột. Tuyết rơi ban đêm phủ lên boong tàu một lớp băng phải dùng cuốc chim nậy lên. Nói chung, khi nhiệt độ không khí xuống tới -5o thì tất cả các bộ phận bên ngoài của tàu đều bị băng phủ. Trong điều kiện đó, tàu buồm không thể hoạt động được. Chỉ tàu có động cơ điện không cần buồm và than mới có thể chạy ở vùng độ vĩ này.
Phong vũ biểu chỉ rất thấp. Kim địa bàn chẳng đáng tin chút nào. Càng gần Nam Cực nó càng chỉ linh tinh. Đành phải mang địa bàn đến các nơi khác nhau của tàu rồi lấy những thông số trung bình...
Cuối cùng, ngày 18 tháng 3, sau nhiều lần cố gắng mở đường không có kết quả, Tàu Nau-ti-lux đã bị kẹt chặt vào băng. Đó chẳng phải là băng khối, băng trôi, đồng băng, mà là một dải núi băng sừng sững như trường thành.
Đến giữa trưa, mặt trời ló ra. Thuyền trưởng Nê-mô xác định tọa độ con tàu. Té ra chúng tôi đã tới 51,30 độ kinh và 67,39 độ vĩ nam, nghĩa là đã tiến rất sâu vào châu Nam Cực.
Ở đây chẳng thấy một chỗ nào không đóng băng, chẳng có một chút nước tinh khiết nào! Trước mũi tàu Nau-ti-lux trải ra một dải băng mênh mông, sừng sững những tảng băng khổng lồ hình hộp có cạnh thẳng đứng. Cảnh thiên nhiên buồn tẻ chìm trong vắng lặng khắc khổ, thỉnh thoảng mới có tiếng chim báo bão vỗ cánh. Mọi vật, kể cả tiếng động đều biến thành băng.
Tàu Nau-ti-lux buộc phải ngừng lại giữa đồng băng.
- Thưa giáo sư, - Nét bảo tôi, - nếu thuyền trưởng của ngài vượt qua được chỗ này và đi tiếp...
- Thì sao?
- Thì ông ta cừ lắm!
- Sao lại cừ, ông Nét?
- Vì chưa ai vượt qua được trở ngại này bao giờ. Thuyền trưởng của ngài rất giỏi. Nhưng khốn thay, ông ta giỏi hơn thiên nhiên thế nào được! Ở nơi mà thiên nhiên đã định ranh giới thì dù muốn hay không cũng phải dừng lại.
- Đúng thế, ông Nét ạ! Tôi tôi vẫn muốn biết sau chỗ băng đóng này là cái gì. Bức tường trước mặt làm tôi bực mình vô cùng!
- Giáo sư nói phải, - Công-xây nhận xét. - Những bức tường đó được dựng lên là để làm hỏng thần kinh của các nhà bác học. Ở đâu thì tường cũng là trở ngại.
Nét nói:
- Ai chẳng biết đằng sau chỗ băng này là cái gì?
- Là cái gì? - tôi hỏi.
- Là băng, chỉ là băng thôi!
- Ông có tin như vậy không, ông Nét? Tôi thì không tin. Chính vì vậy mà tôi muốn vượt qua chỗ băng này.
- Xin giáo sư hãy nghe tôi mà từ bỏ ý đồ ấy đi! - Nét trả lời. - Chúng ta đã đi tới chỗ băng đóng liền, thế là đủ rồi. Ngài, thuyền trưởng của ngài và tàu Nau-ti-lux không thể nhích lên một bước nào nữa đâu. Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải quay về phương bắc, nghĩa là quay về những nước có những người tử tế ở.
Tôi phải thừa nhận Nét nói đúng về một mặt: một khi tàu thuyền chưa được trang bị để hoạt động giữa đồng băng thì chúng phải dừng lại ở ranh giới này.
Thực vậy, mặc dù đã tìm mọi cách phá băng, tàu Nau-ti-lux vẫn không nhúc nhích được chút nào. Trong những điều kiện bình thường, nếu tàu không thể tiếp tục hành trình thì nó quay lại. Nhưng ở đây tàu không tới không lui được vì bị kẹt vào giữa biển băng. Và nếu tàu cứ đứng mãi một chỗ thế này thì nó sẽ biến thành băng nốt! Phải thừa nhận rằng hành động của Nê-mô là quá liều lĩnh.
Tôi đứng trên boong, Nê-mô hỏi tôi:
- Giáo sư thấy tình hình chúng ta thế nào?
- Thưa thuyền trưởng, tôi thấy chúng ta đang bị kẹt giữa biển băng.
- Bị kẹt? Tôi chưa hiểu ý giáo sư?
- Tôi muốn nói, chúng ta sẽ không thể nhích lên hay lùi xuống, không thể sang phải hay sang trái được nữa. Thế nghĩa là “bị kẹt” ạ.
- Như vậy ngài cho rằng tàu Nau-ti-lux không thể thoát ra khỏi biển băng chứ gì?
- Thưa thuyền trưởng, khó khăn lắm! Bây giờ đang ngày đông tháng giá, khó có thể trông cậy vào chuyện phá băng mà đi.
- Giáo sư quả là người rất trung thành với mình! - Nê-mô trả lời có vẻ hơi mỉa mai. - Ở đâu ngài cũng thấy khó khăn và trở ngại! Tôi xin tuyên bố rằng tàu Nau-ti-lux chẳng những sẽ ra khỏi biển băng mà còn tiếp tục tiến lên phía trước.
- Tiến về phía nam ạ? - Tôi nhìn Nê-mô.
- Vâng, đến tận Nam Cực.
- Tận Nam Cực? - Tôi sửng sốt và không giấu được sự nghi ngờ của mình.
- Vâng, - Nê-mô lạnh lùng trả lời, - đến tận Nam Cực, đến một điểm chưa ai biết, nơi tất cả các kinh tuyến trên trái đất giao nhau. Ngài biết tôi có thể điều khiển tàu Nau-ti-lux hoàn toàn theo ý muốn của mình.
Vâng, tôi đã biết! Tôi biết con người này dũng cảm đến mức liều lĩnh! Chỉ có người mất trí mới hy vọng vượt qua được những trở ngại chặn ngang đường đi tới Nam Cực, là nơi còn khó đến hơn Bắc Cực, nơi mà những người đi biển gan góc nhất đã tốn bao công sức mà vẫn phải bó tay.
Tôi nảy ra ý định hỏi Nê-mô xem thực ông ta đã tìm ra cái cực gớm ghiếc này chưa.
- Thưa giáo sư, chưa, - Nê-mô trả lời. - Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc này. Cái gì người khác chưa làm được thì tôi sẽ làm được. Chưa bao giờ tàu Nau-ti-lux của tôi lại tiến sâu vào vùng biển miền Nam thế này. Nhưng, tôi xin nhắc lại, nó sẽ còn vào sâu hơn nữa.
- Thưa thuyền trưởng, tôi rất muốn tin ngài, - tôi hơi mỉa mai. - Và tôi vẫn tin ngài! Chúng ta cứ tiến lên phía trước! Đối với c húng ta chẳng có gì là trở ngại! Chúng ta sẽ phá vỡ biển băng này. Nếu nó không vỡ thì chúng ta sẽ chắp cánh cho tàu Nau-ti-lux bay lên trên băng!
- Lên trên băng? - Nê-mô bình thản. - Không, không lên trên băng. Mà xuống dưới băng!
- Xuống dưới băng? - Tôi ngạc nhiên.
Tôi bỗng hiểu rõ hết ý của Nê-mô. Những đặc tính của tàu Nau-ti-lux sẽ được việc cả trong ý đồ táo bạo này của ông ta.
Nê-mô mỉm cười:
- Tôi thấy chúng ta bắt đầu hiểu nhau. Cái mà tàu bình thường không làm nổi thì tàu Nau-ti-lux sẽ thực hiện được. Nếu gần vòng đai Nam Cực mà có lục địa thì tàu sẽ dừng lại. Nếu không, nghĩa là nếu Nam Cực là đại dương bao quanh, thì chúng ta sẽ đến tận nơi!
- Có lẽ ngài nói đúng, - tôi bị Nê-mô lôi cuốn. - Nếu mặt biển bị đóng băng thì dưới vẫn là nước. Và nếu tôi không lầm thì phần băng nổi bằng một phần tư phần băng chìm, phải không ạ?
- Thưa giáo sư, gần như vậy! Những núi băng này không cao quá một trăm mét thì bề dày của phần chìm dưới mặt biển không quá ba trăm mét. Đối với tàu Nau-ti-lux thì ba trăm mét có nghĩa gì!
- Thưa ngài, chẳng có nghĩa gì!
- Tàu Nau-ti-lux có thể lặn xuống chỗ sâu nhất, nơi nhiệt độ ở tất cả các độ vĩ đều bằng nhau. Ở đó chúng ta chẳng sợ gì băng giá, -30o hay -40o làm mặt biển đóng băng lại.
- Thưa ngài, đúng vậy, hoàn toàn đúng vậy, - tôi phấn khởi.
- Chỉ có một khó khăn duy nhất là tàu phải ở dưới mặt biển mấy ngày liền, không thể nổi lên để lấy không khí được.
- Chỉ có thế thôi ạ? - Tôi hỏi. - Các bể chứa trên tàu rất lớn. Chúng ta sẽ bơm đầy không khí vào đó và sẽ không thiếu đâu!
- Ngài A-rô-nắc nói rất chí lý, - Nê-mô cười. - Nhưng tôi không muốn ngài trách là liều lĩnh, nên xin nói trước rằng phải dè chừng một điều.
- Điều gì ạ?
- Chỉ một điều thôi! Nếu Nam Cực có biển thì biển có thể bị đóng băng dày. Lúc đó sẽ không cho tàu nổi lên được đâu!
- Thưa thuyền trưởng, ngài quên rằng tàu Nau-ti-lux có sức húc rất mạnh rồi sao? Lẽ nào không thể cho tàu chạy ngược lên theo đường chéo và xuyên thủng lớp băng trên mặt?
- Chà chà! Hôm nay giáo sư thật là nhanh trí.
Tôi càng phấn khởi nói tiếp:
- Biết đâu chẳng gặp một vùng biển không bị đóng băng ở Nam Cực?
- Tôi cũng nghĩ như vậy, ngài A-rô-nắc ạ. Nhưng ngài cho phép tôi nhận xét là sau bao nhiêu lời phản bác lại dự án của tôi, giờ đây ngài lại hết lời chứng minh là nó hợp lý.
Thuyền trưởng Nê-mô nói đúng. Tôi đã vượt ông ta về sự dũng cảm. Giờ đây tôi đang lôi cuốn ông ta đến Nam Cực. Nhưng tôi thật ngu dốt! Thuyền trưởng Nê-mô còn biết rõ những điểm mạnh điểm yếu trong kế hoạch của mình hơn tôi nhiều? Thấy tôi say sưa với những ước mơ viển vông, chắc ông ta phải buồn cười.
Nhưng Nê-mô không để mất thì giờ. Ông ta gọi thuyền phó đến. Hai người trao đổi ý kiến rất sôi nổi bằng một thứ tiếng khó hiểu. Chẳng biết vì được báo trước hay thấy đề nghị đó có thể thực hiện được, nhưng viên thuyền phó chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào.
Công-xây còn thản nhiên hơn viên thuyền phó khi nghe nói về ý định cho tàu chạy đến Nam Cực. “Xin tùy giáo sư” - anh ta trả lời bằng câu cửa miệng như vậy và chẳng nói gì thêm nữa. Còn Nét thì nhún vai và bảo tôi:
- Thưa giáo sư, ngài và thuyền trưởng của ngài làm tôi phải ái ngại.
- Chúng tôi sẽ tìm ra Nam Cực, ông Nét ạ!
- Có thể như vậy, nhưng chẳng có đường về đâu!
Rồi Nét lui về phòng riêng.
Trong khi đó, việc chuẩn bị cho đoàn thám hiểm của chúng tôi bắt đầu. Những máy bơm rất mạnh trên tàu Nau-ti-lux bơm đầy không khí vào các bể chứa dưới áp suất cao. Đến gần bốn giờ, thuyền trưởng Nê-mô báo rằng nắp tàu sắp đóng lại. Tôi đưa mắt nhìn lần cuối biển băng mênh mông mà chúng tôi chuẩn bị vượt qua. Trời quang mây tạnh, không khí trong lành, mặc dù khá lạnh -12o, nhưng vì lặng gió nên không buốt lắm.
Mười thủy thủ mang cuốc chim lên boong, rồi bắt đầu nậy lớp băng bám quanh vỏ tàu. Việc này không vất vả lắm vì lớp băng đó mỏng. Khi mọi việc đã xong, chúng tôi lui vào trong tàu. Theo lệ thường, các bể chứa được bơm đầy. Tàu bắt đầu lặn.
Tôi và Công-xây vào phòng khách. Qua cửa sổ để ngỏ, chúng tôi có thấy được những lớp nước sâu của Nam Băng Dương. Thủy ngân trong nhiệt kế lên dần. Kim đồng hồ chỉ độ sâu lệch về bên phải.
Ở độ sâu ba trăm mét, như Nê-mô đã dự kiến, tàu xuống tới mặt dưới của lớp băng hình sóng. Nhưng tàu vẫn lặn tiếp xuống sâu đến tám trăm mét. Nhiệt độ nước không còn là -12o như trên mặt biển nữa mà là -11o. Thế là bớt đi được một độ. Tất nhiên nhiệt độ trong tàu được các máy điện sưởi ấm còn cao hơn nhiều. Tàu Nau-ti-lux hoạt động chính xác vô cùng...
Ở độ sâu không bị đóng băng này, tàu Nau-ti-lux hướng thẳng về Nam Cực với tốc độ trung bình là hăm sáu hải lý một giờ, nghĩa là bằng xe lửa chạy nhanh. Nếu tàu không giảm tốc độ thì bốn mươi tiếng đồng hồ nữa chúng tôi sẽ tới Nam Cực.
Tôi và Công-xây ở lại phòng khách đến khuya. Cảnh vật mới lạ làm chúng tôi không rời mắt khỏi ô cửa. Nước biển lấp lánh dưới ánh đèn pha. Nhưng xung quanh h oang vắng, chẳng có một chú cá nào sống ở vùng nước đóng băng này. Thỉnh thoảng cá mới qua đây để tới những nơi ít băng giá hơn. Tàu chạy rất nhanh, nhưng chúng tôi chỉ cảm thấy qua sự rung động của vỏ tàu bằng thép.
Đến gần hai giờ sáng, tôi về phòng ngủ mấy tiếng. Công-xây cũng vậy. Khi đi dọc hành lang, tôi hy vọng gặp Nê-mô, nhưng chắc ông ta đang ở phòng hoa tiêu.
Hôm sau, 19 tháng 3, từ năm giờ sáng, tôi đã sang phòng khách. Đồng hồ điện cho biết tàu chạy với tốc độ trung bình. Tàu từ từ bơm nước ra khỏi các bể chứa và thận trọng nổi dần lên.
Tim tôi đập thình thịch. Liệu tàu có lên tới mặt biển không? Biển ở Nam Cực có bị đóng băng không?
Nhưng tàu bỗng va mạnh vào mặt dưới của biển băng. Thế là phía trên tàu chúng tôi là cả một lớp băng dày hơn sáu trăm mét, dày hơn lớp băng nơi tàu lặn xuống! Tình hình gay go thật!
Hôm đó, tàu Nau-ti-lux mấy lần cố xuyên thủng lớp băng, nhưng đều thất bại. Tới chiều tối tình hình vẫn không thay đổi. Chiều dày của lớp băng xê dịch giữa bốn và năm trăm mét. Băng có mỏng đi nhiều, nhưng từ con tàu đến mặt đại dương vẫn còn một khoảng cách khá lớn.
Tám giờ tối. Theo quy định thì tàu Nau-ti-lux phải nổi lên để lấy không khí từ bốn tiếng đồng hồ trước đó. Tuy vậy, tôi chưa cảm thấy thiếu không khí lắm, và thuyền trưởng Nê-mô cũng chưa dùng tới các bể chứa dự trữ.
Đêm hôm đó tôi ngủ không ngon, trong lòng vừa hoảng sợ vừa nhen nhóm một niềm hy vọng. Mấy lần tôi bật dậy khỏi giường. Tàu Nau-ti-lux thỉnh thoảng lại thăm dò lớp băng phía trên.
Đến gần ba giờ sáng, các máy móc trong phòng khách cho tôi biết phần dưới của đồng băng chỉ dày có năm mươi mét. Chúng tôi chỉ còn cách mặt biển có năm mươi mét!
Tôi không rời mắt khỏi đồng hồ chỉ độ sâu. Tàu đang nổi dần lên theo một đường chéo. Lớp băng mỏng dần.
Cuối cùng, sáu giờ sáng ngày 19 tháng 3 đáng ghi nhớ ấy, cửa phòng khách mở ra. Thuyền trưởng Nê-mô bước vào và nói:
- Biển!(1)
(1) Lục địa Nam Cực được hai nhà đi biển người Nga là Ph.Ph. Ben-lin-xhao-den và M.P.La-da-rép tìm ra trong chuyến đi năm 1819-1821. Tuy vậy, nhiều năm sau người ta vẫn nghi ngờ về sự tồn tại của lục địa đó (Chú thích của bản tiếng Nga).