Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển Chương 17

Chương 17
Từ mũi hoóc đến a-ma-dôn

Tôi không biết vì sao tôi lại có mặt trên boong tàu. Có lẽ Nét đã vác tôi lên đó. Dù sao tôi cũng đang thở hít không khí trong lành của biển. Các bạn tôi cũng đang thở hít say sưa như vậy.

- Chà chà! Dưỡng khí quả là của quý! - Công-xây nói. - Thưa giáo sư, giờ thì giáo sư đừng e dè gì cả. Có đủ không khí cho tất cả mọi người.

Nét Len chẳng nói chẳng rằng. Anh ta chỉ ngoác miệng ra để thở đến nỗi cá mập nom thấy cũng phải mất tinh thần!

Chúng tôi lại sức rất nhanh, nhưng khi quay lại, ngoài chúng tôi ra, tôi chẳng thấy bóng một thủy thủ nào. Cả thuyền trưởng nữa. Những thủy thủ kỳ dị của tàu Nau-ti-lux chỉ cần chút không khí trong tàu là đủ.

Những lời nói đầu tiên của tôi là lời cảm ơn hai người bạn cùng đi. Trong những giờ hấp hối kéo dài, Công-xây và Nét đã cố giữ cho tôi sống. Ân nghĩa này biết lấy gì trả được!

- Giáo sư nói đến chuyện ân huệ làm gì! - Nét trả lời. - Có gì đáng gọi là ơn đâu. Đó chỉ là một con tính đơn giản. Tính mệnh giáo sư quý hơn chúng tôi nhiều. Vì vậy cần bảo vệ.

- Không đúng đâu, ông Nét ạ, - tôi trả lời. - Không có gì cao quý hơn tấm lòng tốt và cao thượng như tấm lòng của ông!

- Giáo sư quá khách khí! - Nét ngượng nghịu.

- Cả anh nữa, Công-xây ạ, anh cũng rất mệt.

- Không ạ, không mệt lắm đâu ạ. Thú thực, tôi cũng thiếu chút ít không khí, nhưng tôi đã quen rồi. Hơn nữa, tôi thấy giáo sư bị ngất, nên bản thân cũng chẳng muốn thở nữa.

Tôi hết sức xúc động:

- Các bạn, từ nay chúng ta mãi mãi gắn bó với nhau. Đối với tôi, các bạn có đầy đủ quyền hạn...

- Và tôi sẽ sử dụng quyền đó, - Nét ngắt lời tôi.

- Ấy ấy! - Công-xây nói.

- Đúng, - Nét nói tiếp, - tôi sẽ sử dụng quyền mang giáo sư đi theo, khi tôi rời bỏ cái tàu Nau-ti-lux quỉ quái này.

- Thực ra, chúng ta chẳng đang theo một chiều hướng tốt là gì, - Công-xây nói.

- Đúng vậy, - tôi trả lời,- chúng ta đang hướng về mặt trời, mà mặt trời ở đây là phương bắc.

- Nhưng vấn đề là ở chỗ tàu sẽ chạy về Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, nói khác đi là sẽ chạy đến một vùng biển có nhiều tàu qua lại hay hoang vắng, - Nét nói.

Tôi không giải đáp được câu hỏi đó. Bản thân tôi cũng sợ thuyền trưởng Nê-mô sẽ đưa chúng tôi về Thái Bình Dương nằm giữa bờ biển châu Mỹ và châu Á. Tới đó ông ta sẽ kết thúc chuyến đi vòng quanh thế giới của mình và sẽ quay về những vùng biển, nơi tàu Nau-ti-lux được độc lập, tự do nhất. Nhưng nếu tàu quay lại Thái Bình Dương, xa miền đất có người ở thì kế hoạch của Nét sẽ ra sao?

Một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ được biết chính xác về điều này. Tàu chạy rất nhanh, vượt qua vòng Nam Cực rồi hướng về mũi Hoóc. Bảy giờ tối 31 tháng 3, tàu chạy ngang qua điểm cực nam của châu Mỹ.

Tới đây, tất cả những gian khổ vừa qua của chúng tôi đã bị quên đi. Chúng tôi chỉ nghĩ đến tương lai. Thuyền trưởng Nê-mô không xuất hiện trên boong tàu cũng như trong phòng khách. Viên thuyền phó hàng ngày đánh dấu trên bản đồ bán cầu, giúp tôi theo dõi chính xác đường đi của tàu. Tối hôm đó, tôi rất sung sướng khi thấy tàu đang rẽ sóng Đại Tây Dương mà chạy về hướng bắc. Tôi báo cho Nét và Công-xây biết kết quả quan sát của tôi.

- Rất tốt, - Nét nói, - nhưng tàu chạy về đâu?

- Cái đó thì tôi chịu, ông Nét ạ.

- Biết đâu sau chuyến đi Nam Cực, thuyền trưởng chẳng cho tàu chạy lên Bắc Cực, rồi quay về Thái Bình Dương qua cái eo biển tây bắc gớm ghiếc ấy?

- Biết ông ta thế nào mà nói trước! - Công-xây trả lời.

- Thôi kệ ông ta, - Nét nói, - chúng ta sẽ chuồn trước.

- Dù sao, - Công-xây nói thêm, - thuyền trưởng Nê-mô cũng là một người chân chính, và chúng ta sẽ không phải ân hận gì vì đã làm quen với ông ta.

- Đặc biệt là khi phải chia tay với ông ta! - Nét nói.

Hôm sau, mùng 1 tháng 4, mười hai giờ kém mấy phút, tàu nổi lên mặt biển. Chúng tôi thấy ở phía tây có bờ biển. Đó là miền Đất Lửa. Sở dĩ những người đi biển gọi như vậy là vì họ thấy nhiều khói từ những túp lều của thổ dân bốc lên. Đất Lửa là một nhóm đảo trải ra trong khoảng ba mươi dặm chiều dài và hai mươi dặm chiều ngang, giữa 53o và 56o độ vĩ nam, giữa 67o50’ và 77o15’ độ kinh tây. Bờ biển có vẻ thấp, nhưng phía xa sừng sững những ngọn núi lớn. Tôi phân biệt được cả ngọn Xác-mi-en-tô nhọn hoắt. Nét cho tôi biết là tùy theo đỉnh núi có bị mây che phủ hay không mà người ta dự đoán được thời tiết xấu hay tốt.

- Thật là một phong vũ biểu tuyệt vời, - tôi nhận xét.

- Vâng, đó là phong vũ biểu tự nhiên. Nó chưa lừa dối tôi lần nào khi tàu chạy qua eo Ma-gien-lăng.

Đúng lúc đó, đỉnh núi Xác-mi-en-tô nổi lên trên nền trời, báo trước thời tiết tốt.

Tàu Nau-ti-lux lặn xuống, rồi tiến đến gần bờ, nhưng chỉ chạy dọc theo bờ có mấy hải lý. Đến chiều tối, tàu đã tới gần nhóm đảo Phôn-clen. Sớm hôm sau, tôi nhìn thấy những ngọn núi trên nhóm đảo này. Biển ở đây không sâu lắm. Lưới trên tàu thả xuống lấy được mấy loài tảo đặc biệt. Từng đàn ngỗng trời và vịt trời bay đến bờ biển. Thế là bữa ăn trưa trên tàu lại được cải thiện.

Tôi ngắm nhìn nhiều loài sứa rất đẹp mắt và muốn giữ lại mấy tiêu bản của những động vật hình cây này, nhưng tiếc là ở ngoài môi trường nước biển, chúng sẽ bị phân hủy nhanh chóng.

Khi những ngọn núi cuối cùng của đảo Phôn-clen khuất sau chân trời, tàu Nau-ti-lux lặn xuống sâu hai mươi, hăm nhăm mét rồi chạy dọc bờ biển Nam Mỹ. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn không xuất hiện.

Tối mùng 3 tháng 4, tàu vẫn chạy dọc bờ biển Pa-ta-gô-ni-a. Cuối cùng, tàu vượt qua vùng cửa sông La Pla-ta, rồi ngày 4 tháng 4 thì chạy ngang U-ru-goay, nhưng cách bờ năm mươi hải lý. Tàu lượn theo bờ biển ngoằn ngoèo kỳ dị của Nam Mỹ, nhưng vẫn hướng về phía bắc.

Thế là từ khi đặt chân lên tàu Nau-ti-lux ở biển Nhật Bản, chúng tôi đã đi được một vạn sáu nghìn dặm.

Đến 11 giờ trưa, tàu vượt qua chí tuyến nam rồi chạy ngang qua mũi Phri-ô ra khơi. Thuyền trưởng Nê-mô không ưa quãng bờ biển Bra-xin có người ở này nên cho tàu phóng nhanh vun vút khiến Nét rất bực mình. Chẳng một chú cá nào, chẳng một con chim nào theo kịp tàu, và tất cả những kỳ quan của vùng biển này đều chỉ lướt qua chúng tôi.

Tàu phóng nhanh như vậy mấy ngày liền. Chiều mùng 9 tháng 4, chúng tôi nhìn thấy điểm cực đông của Nam Mỹ là mũi Xanh Rốc. Nhưng tàu Nau-ti-lux lại chạy về phía khác và lặn xuống lớp nước sâu nhất của lòng chảo nằm giữa mũi  đất đó và dãy núi Xi-e-ra Lê-ôn trên bờ biển châu Phi. Dưới đáy lòng chảo đó nổi lên mấy ngọn núi tô điểm thêm cho cảnh vật biển sâu. Tôi nói vậy chủ yếu là dựa vào những bản đồ do chính tay thuyền trưởng Nê-mô vẽ và căn cứ vào những quan sát riêng của ông ta.

Suốt hai ngày tàu băng qua quãng biển sâu vắng lặng đó. Nhưng ngày 11 tháng 4, tàu bỗng nổi lên, chúng tôi trông thấy bờ một vũng biển lớn do cửa sông A-ma-dôn tạo nên. Con sông này đổ vào biển một khối nước lớn đến nỗi nước biển bị nhạt đi trong khoảng nhiều dặm.

Tàu vượt xích đạo. Cách chúng tôi hai mươi hải lý về phía tây là Guy-an thuộc Pháp, nơi chúng tôi có thể tìm được nơi nương náu. Nhưng gió đang thổi mạnh làm nổi lên những đợt sóng cồn hung dữ. Với một chiếc xuồng mỏng manh thì sao có thể bơi tới bờ được! Nét Len hiểu rõ điều đó nên không đả động gì đến chuyện chạy trốn cả. Còn tôi thì cũng lờ đi chẳng nói một lời về những kế hoạch của Nét, sợ anh ta sẽ làm những việc liều lĩnh chắc chắn sẽ đưa tới thất bại.

Tôi được đền bù đầy đủ về sự trì hoãn đó bằng công việc nghiên cứu khoa học rất thú vị. Hai ngày vừa qua, 11 và 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lux không lặn xuống. Chiếc xuồng con đã đem về tàu đủ loại động vật, hình cây, cá và bò sát.

Có lần một con cá đuối rất dẹt bị mắc lưới. Con cá này tròn và dẹt đến nỗi nếu chặt đuôi đi thì nó sẽ giống hệt một cái đĩa. Nó cân nặng hai mươi ki-lô-gam, dưới trắng, trên hơi đỏ có xen những chấm xanh thẫm lớn, da nhẵn. Khi đặt nó lên boong, nó quẫy mạnh hòng thoát xuống biển, nhưng Công-xây rất quý con cá đuối đó, nên nhào tới. Tôi chưa kịp ngăn lại thì hai tay anh ta đã nắm lấy con cá. Công-xây tức khắc bị tê liệt, ngã bổ chửng và la gọi tôi:

- Giáo sư! Giáo sư cứu tôi với!

Tôi và Nét nâng anh ta dậy, rồi xoa bóp cho. Công-xây vừa tỉnh lại thì miệng đã lắp bắp:

- Lớp có sụn, bộ cá mập có mang di động, họ cá đuối, giống cá đuối điện.

- Đúng là cá đuối điện, anh bạn ạ. Chính nó đã làm anh đau đấy.

- Thưa giáo sư, ngài có thể tin là tôi sẽ trả mối thù này.

- Trả thù bằng cách gì?

- Bằng cách ăn thịt nó!

Anh ta thịt con cá to ngay chiều tối hôm đó, nhưng chỉ ăn qua loa cho hả giận vì nói thực, thịt nó cứng như đế giày.

Ngày 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lux đến gần Guy-an thuộc Hà Lan, cách cửa sông Ma-rô-ni không xa. Ở đây có mấy nhóm bò biển. Những con vật đẹp đẽ, hiền lành này dài sáu, bảy mét, nặng bốn tấn. Thiên nhiên đã dành cho loài bò biển này một vai trò quan trọng. Cũng như hải cẩu, bò biển tìm thức ăn ở những đồng cỏ ngầm, do đó chúng dọn sạch những đống cỏ chất đầy cửa những con sông nhiệt đới.

Tôi nói thêm :

- Các bạn có biết, từ khi con người tiêu diệt gần hết giống vật có ích này thì xảy ra chuyện gì không? Hiện nay cỏ chất đống lại bị thối rữa, làm ô nhiễm không khí. Không khí bị ô nhiễm gây ra bệnh sốt vàng là một tai họa cho đất nước này. Bệnh sốt tự do hoành hành từ cửa sông Ri-ô đờ La Pla-ta đến eo Phlo-ri-đa.

Tuy thủy thủ tàu Nau-ti-lux không dám coi thường điều này, nhưng họ vẫn hạ sáu chú bò biển. Bếp ăn quả là đang rất cần dự trữ thịt tươi, mà thịt bò biển thì ngon tuyệt, ngon hơn thịt bò nhà nhiều. Cuộc săn bò biển chẳng có gì thú vị. Chúng cứ để người ta giết mà không chống đỡ lại. Thế là mấy tấn thịt được sấy khô, rồi đưa vào kho thực phẩm trong tàu.

Cũng hôm đó, chiếc xuồng con thả lưới bắt được một số cá bám, một loài cá ở đầu có một cái “đĩa” bầu dục. Cái “đĩa” này gồm những bản sụn nằm ngang di động, cá có khả năng tạo nên giữa những bản sụn này một khoảng chân không giúp nó bám vào các vật khác như một ống giác.

Khi việc bắt cá đã kết thúc, tàu Nau-ti-lux tiến lại gần bờ. Ở đây có mấy con rùa biển đang ngủ bập bềnh trên mặt nước. Bắt giống rùa này rất khó vì chúng rất thính và có mai rất cứng. Nhưng nếu dùng cá bám thì có thể bắt dễ dàng.

Loài cá bám này thực là những lưỡi câu sống. Thủy thủ trên tàu buộc vào đuôi cá một cái vòng rộng để cá bơi được thoải mái. Chiếc vòng này được buộc vào thuyền bằng một đoạn thừng dài.

Được thả xuống biển, cá bám liền bơi đến bám chặt lấy mai rùa. Chúng bám chặt đến nỗi thà bị vỡ nát ra chứ không chịu buông tha con mồi. Sau đó, cá được kéo về thuyền, kèm theo cả những chú rùa bị chúng bám.

Thế là chúng tôi tóm được mấy chú rùa dài một mét, nặng tới hai tạ. Mai rùa được phủ nhiều lớp sừng mỏng, trong suốt, màu nâu xám, đốm trắng và vàng, là vật rất hiếm. Ngoài ra, thịt rùa biển cũng ngon như rùa thường.

Tới đây, chúng tôi kết thúc những ngày ở gần vùng bờ biển A-ma-dôn và ngay đêm ấy tàu Nau-ti-lux ra khơi.

Chương 18


BẠCH TUỘC

Tàu Nau-ti-lux rời bờ biển châu Mỹ đã mấy ngày. Rõ ràng là nó không muốn vào vịnh Mếch-xích và vùng đảo Ăng-ti. Vùng biển này rải rác nhiều đảo và có nhiều tàu bè qua lại nên thuyền trưởng Nê-mô không thích.

Ngày 16 tháng 4, chúng tôi làm quen với đảo Gua-đơ-lúp và Mác-ti-ních, nhưng ở khoảng cách độ ba mươi hải lý. Trước đây Nét Len định thực hiện ý đồ của mình ở vịnh Mếch-xích bằng cách nhảy thẳng lên bờ hoặc bằng cách bơi đến một chiếc tàu nào đó trong số tàu thuyền chạy con thoi giữa các đảo. Trước tình hình này, Nét hết sức thất vọng. Cuộc chạy trốn của chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Nét bí mật chiếm được chiếc xuồng trên tàu. Nhưng ở giữa biển khơi này thì còn nói chi đến chuyện ấy!

Nét Len, Công-xây và tôi đã trao đổi ý kiến khá lâu với nhau về vấn đề này. Chúng tôi bị cầm tù trên tàu Nau-ti-lux đã được nửa năm. Trong thời gian ấy, chúng tôi đã vượt một vạn bảy ngàn dặm và, như Nét nói, chư a biết bao giờ mới kết thúc chuyến đi này. Cuối cùng, Nét yêu cầu tôi hỏi thẳng thuyền trưởng Nê-mô lần nữa xem ông ta có ý định giam giữ chúng tôi vĩnh viễn không.

Biện pháp này tôi không tán thành lắm. Theo tôi, làm như vậy sẽ không đạt được mục đích. Không thể trông chờ gì ở Nê-mô, mọi sự đều tùy thuộc ở chúng tôi. Hơn nữa, Nê-mô càng ngày càng trầm lặng, xa lánh chúng tôi và không niềm nở như trước. Ông ta muốn tránh mặt tôi. Trước  kia, Nê-mô vui vẻ giải thích cho tôi về những kỳ quan dưới biển. Giờ đây, ông ta để mặc tôi làm việc một mình và không lui tới phòng khách nữa.

Tâm tư Nê-mô có gì thay đổi? Và vì sao thay đổi? Tôi tự thấy mình chẳng có gì đáng trách. Có lẽ sự có mặt của chúng tôi trên tàu đã làm Nê-mô phiền lòng? Nhưng tôi cũng không hy vọng một người như Nê-mô có thể trả tự do cho chúng tôi.

Vì vậy, tôi xin Nét cho tôi thì giờ để suy nghĩ chín chắn trước khi hành động. Nếu việc tôi làm không đem lại kết quả gì thì sẽ khiến Nê-mô nghi ngờ, tình hình của chúng tôi sẽ xấu đi và có hại cho kế hoạch của chính Nét. Lấy cớ sức khỏe bị sút kém tôi thấy cũng không ổn. Nếu không kể trường hợp bị thử thách gay go ở Nam Cực thì Công-xây, Nét và tôi chưa bao giờ khỏe mạnh, dễ chịu như bây giờ. Ăn uống đầy đủ, thở hít không khí trong lành, sinh hoạt điều độ đã loại trừ khả năng ốm đau. Tôi hiểu rõ tính chất ưu việt của kiểu sống như thế này đối với con người đã vứt bỏ không thương tiếc những kỷ niệm về mặt đất, đặc biệt là đối với một người như thuyền trưởng Nê-mô coi con tàu Nau-ti-lux là nhà, cho tàu chạy đi khắp nơi theo ý muốn và vươn tới mục đích của mình bằng những con đường chỉ riêng mình biết.

Nhưng chúng tôi thì không cắt đứt quan hệ với nhân loại. Về phần tôi, tôi không muốn mang theo xuống mồ những công trình rất mới lạ và kỳ thú của mình. Đúng là giờ đây tôi có quyền viết một cuốn sách thực sự về biển cả và tôi muốn cuốn sách đó được xuất bản càng sớm càng tốt.

Ở ngay đây thôi, trong vùng đảo Ăng-ti này, chỉ dưới mặt biển mười mét, nhìn qua ô cửa phòng khách, tôi đã thấy được biết bao tác phẩm kỳ diệu của thiên nhiên!...

Tàu Nau-ti-lux lặn xuống sâu hai, ba ngàn mét và ngày 20 tháng 4 lại lên cách mặt biển một ngàn năm trăm mét. Gần chúng tôi nhất là quần đảo Lu-cai. Từ đáy biển nổi lên những mỏm đá lớn dựng đứng, phủ đầy những loài tảo khổng lồ...

Khoảng 11 giờ trưa, Nét Len lưu ý tôi là giữa đám tảo đó có một con vật gì đó rất đáng sợ. Tôi nói:

- Đúng, ở đây có nhiều hang thích hợp với bạch tuộc. Nếu có gặp những quái vật đó ở đây, tôi cũng chẳng ngạc nhiên chút nào.

- Có gì mà gọi là quái vật? - Công-xây thắc mắc.

- Không, - tôi trả lời, - đó là loài bạch tuộc lớn. Nhưng chắc ông bạn Nét của chúng tôi trông lầm, tôi chẳng thấy gì cả.

- Thật tiếc, - Công-xây nói. - Tôi muốn được nhìn tận mắt một con thuộc loại ấy. Người ta kể rằng chúng có thể kéo theo cả một chiếc tàu xuống đáy biển.

Nét phản đối :

- Tôi không bao giờ tin rằng trên đời này lại có một giống vật như vậy.

- Sao lại không? - Công-xây cãi.

- Không thể phủ nhận rằng trong số bạch tuộc có những con rất lớn tuy không bằng cá voi, - tôi nói. - Anh em dân chài thường gặp những con bạch tuộc hơn một mét tám. Ở viện bảo tàng Tơ-ri-ét và Mông-pe-li-ê còn giữ được những bộ xương bạch tuộc dài hai mét. Theo tính toán của các nhà tự nhiên học thì bạch tuộc dài hai mét phải có vòi dài hai mươi bảy mét. Thế là đủ khủng khiếp lắm rồi!

- Thế bây giờ người ta còn bắt được những con to như vậy nữa không? - Nét hỏi.

- Dù không bắt được, nhưng dân đánh cá vẫn gặp luôn. Một ông bạn tôi là thuyền trưởng Pôn Bốt ở Ha-vrơ nhiều lần cam đoan với tôi rằng ông ta đã thấy những quái vật đó ở Ấn Độ Dương. Nhưng trường hợp kỳ lạ nhất khiến người ta không thể nghi ngờ gì về sự tồn tại của loài bạch tuộc này, đã xảy ra cách đây mấy năm.

- Trường hợp đó thế nào? - Nét hỏi.

- Năm 1861, về phía tây-bắc Tê-nê-ríp, cũng ở khoảng độ vĩ này, thủy thủ tàu A-lếch-tôn phát hiện ra một con bạch tuộc khổng lồ đang bơi cùng tuyến đường. Thuyền trưởng Bu-ghe cho tàu chạy sát con vật và dùng các loại súng bắn nhưng vô hiệu vì lao nhọn và đạn đều xuyên qua thân bạch tuộc như qua một khối thịt đông. Sau mấy lần thất bại, cánh thủy thủ bèn dùng thòng lọng để bắt. Thòng lòng mắc vào thân bạch tuộc nhưng tới vây đuôi mới thắt lại được. Lúc đó, mọi người cố sức kéo con vật lên tàu, nhưng nó nặng quá đến nỗi đuôi bạch tuộc bị đứt ra. Thế là nó lặn xuống biến mất.

- Thế nó dài bao nhiêu? - Nét hỏi.

- Có phải chừng sáu mét không? - Công-xây hỏi. Anh ta đứng bên cửa sổ và nhìn vào các hốc đá.

- Đúng vậy, - tôi trả lời.

Công-xây hỏi tiếp:

- Có phải trên đầu nó có tám vòi, ngọ ngoạy trong nước biển như một bầy rắn không?

- Đúng vậy, Công-xây ạ.

- Có phải hai hàm của nó rất giống mỏ vẹt, nhưng lớn hơn nhiều không?

- Rất đúng.

- Thế thì, thưa giáo sư, có phải nó kia không ạ?

Tôi nhìn Công-xây, còn Nét Len thì lao đến cửa sổ.

- Con vật khủng khiếp quá! - Nét la lên.

Tôi cũng đưa mắt nhìn qua ô cửa và bất giác lùi lại. Trước mắt tôi, một quái vật đương bơi tới.

Đó là một con bạch tuộc dài chừng tám mét. Nó bơi lùi rất nhanh về phía tàu. Mắt nó màu xanh xám nhìn thẳng không động đậy. Tám cánh tay, hay đúng hơn, tám chân từ đầu mọc ra dài gấp đôi thân và luôn luôn uốn cong. Nhìn thấy rất rõ hai trăm rưởi cái giác ở phía trong vòi. Hai hàm răng bạch tuộc giống cái mỏ vẹt bằng sừng, luôn luôn mở ra khép lại. Lưỡi nó cũng bằng chất sừng có mấy hàng răng nhọn, rung lên bần bật mỗi khi thò ra khỏi mồm. Thân nó hình thoi phình ở giữa, là một khối thịt nặng chừng hai mươi, hăm nhăm tấn. Màu sắc nó thay đổi rất nhanh từ màu xám chì sang màu nâu đỏ.

Vì sao con bạch tuộc tức giận? Hẳn là vì sự xuất hiện của tàu Nau-ti-lux to lớn hơn nó và vì vòi cũng như hai hàm răng của nó chẳng làm nên chuyện gì...

Được gặp một con bạch tuộc như thế này đối với tôi thật là dịp may hiếm có, nên tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nghiên cứu nó cặn kẽ. Tôi cố nén sự sợ hãi mà cầm bút chì vẽ nó.

- Có lẽ đây chính là con bạch tuộc mà tàu A-lếch-tôn đã gặp? - Công-xây hỏi.

- Không, - Nét trả lời, - con này còn nguyên vẹn, còn con kia đã mất đuôi.

- Không phải thế đâu, - tôi phản đối. - Vòi và đuôi bạch tuộc có khả năng mọc lại. Trong bảy năm, con bạch tuộc mà tàu A-lếch-tôn gặp tất nhiên có khả năng mọc một cái đuôi mới.

Ở bên phải cửa sổ xuất hiện thêm bảy con bạch tuộc nữa. Chúng bơi theo tàu. Tôi nghe tiếng chúng lấy mỏ mổ chan chát vào vỏ tàu. Chúng tôi được một phen vô cùng khoái chí.

Tôi tiếp tục vẽ. Lũ quái vật bám sát con tàu đến nỗi dường như chúng đứng yên tại chỗ và giúp tôi vẽ chúng trực tiếp trên tấm kính ô cửa. Hơn nữa, con tàu chỉ chạy ở tốc độ vừa phải.

Tàu Nau-ti-lux bỗng dừng lại, toàn thân rung lên.

- Chẳng lẽ chúng ta lại vấp phải cái gì? - Tôi hỏi.

Nét trả lời:

- Dù có vấp phải cái gì, ta cũng không ngại vì tàu đang đỗ ở chỗ nước trong.

Đúng là tàu đang đỗ ở chỗ nước trong, nhưng đứng yên không nhúc nhích. Chân vịt không quay nữa rồi. Một phút trôi qua. Thuyền trưởng Nê-mô và viên thuyền phó bước vào phòng khách.

Đã mấy hôm nay tôi không gặp Nê-mô. Ông ta không nói chuyện với chúng tôi, có lẽ chẳng nhìn thấy chúng tôi nữa. Ông ta bước tới cửa sổ, nhìn lũ bạch tuộc, rồi nói mấy câu với thuyền phó. Ông này đi ra. Cửa sổ lập tức đóng lại. Đèn trên trần bật sáng.

Tôi đến chỗ Nê-mô.

- Thật là một “bộ sưu tập” bạch tuộc thú vị, - tôi nói.

- Vâng, thưa nhà tự nhiên học, giờ đây chúng ta sắp giáp chiến với chúng.

Tôi hoang mang nhìn Nê-mô. Tôi cho rằng mình không hiểu ý ông ta.

- Giáp chiến ạ? - Tôi hỏi lại.

- Vâng. Chân vịt đã ngừng quay. Tôi đoán rằng hàm răng bằng sừng của một con bạch tuộc đã mắc vào cánh chân vịt làm tàu không chạy được nữa.

- Thế ngài định làm thế nào?

- Cho tàu nổi lên mặt nước rồi tiêu diệt sạch lũ quỷ này.

- Khó đấy.

- Đúng là khó. Những viên đạn có điện khi xuyên vào thân bạch tuộc mềm không thể nổ được vì không gặp đủ sức cản. Nhưng ta sẽ tiến công bằng rìu.

- Và bằng lao nhọn, thưa thuyền trưởng, - Nét bổ sung, - nếu ngài không từ chối sự giúp đỡ của tôi.

- Xin đồng ý với ông.

- Chúng tôi cũng sẽ giúp ngài một tay, - tôi nói, rồi cùng đi với Nê-mô đến cầu thang trung tâm.

Ở đó đã tập hợp chừng hai mươi người cầm rìu sẵn sàng chiến đấu. Nét cầm lấy lao nhọn, còn tôi và Công-xây thì dùng rìu. Tàu Nau-ti-lux đã nổi lên mặt nước. Một thủy thủ vừa vặn ê-cu ra thì nắp tàu đã bật lên rất mạnh, rõ ràng là do sức hút của một con bạch tuộc nào đó. Lập tức một cái vòi dài trườn xuống dưới thang như một con rắn, còn độ hai chục vòi nữa thì ngoằn ngoèo ở phía trên. Thuyền trưởng Nê-mô lấy rìu chặt đứt phăng cái vòi khủng khiếp đó khiến nó lăn xuống.

Trong khi chúng tôi cố mở đường lên boong thì hai cái vòi khác lao tới một thủy thủ đứng trước Nê-mô, rồi nhấc bổng anh ta lên.

Thuyền trưởng vừa kêu vừa nhảy vọt ra ngoài. Chúng tôi vội lao theo.

Cảnh tượng thật đáng sợ! Người thủy thủ khốn khổ bị vòi bạch tuộc quấn chặt, đang chới với trên không. Anh ta bị nghẹt thở, kêu lên: “Cứu tôi với! Cứu tôi với!” Anh ta kêu bằng tiếng Pháp khiến tôi sửng sốt. Trên tàu có một đồng bào của tôi và có lẽ không phải là người duy nhất! Tiếng kêu xé ruột xé gan đó tôi sẽ còn nghe thấy suốt đời.

Người xấu số đang ngắc ngoải. Ai có thể giằng anh ta ra khỏi cái vòi bạch tuộc bây giờ? Nhưng Nê-mô đã xông đến và chặt đứt luôn một cái vòi. Viên thuyền phó, các thủy thủ và ba người chúng tôi cũng dùng vũ khí chiến đấu quyết liệt với những con bạch tuộc khác đang bò trên thành tàu. Thật là khủng khiếp!

Có lúc tôi tưởng người bị nạn sắp được cứu thoát khỏi sức hút của vòi bạch tuộc. Con quái vật có tám vòi thì bảy đã bị chặt đứt. Cái vòi còn lại vẫn quấn chặt người thủy thủ và ngoe nguẩy trên không. Khi Nê-mô và viên thuyền phó vừa lao tới thì quái vật liền phun ra một chất lỏng màu đen. Chúng tôi lập tức bị tối tăm mặt mũi chẳng nhìn thấy gì. Khi đám “mây” đen tan đi thì quái vật đã biến mất, mang theo cả người đồng hương xấu số của tôi!

Chúng tôi xông đến lũ bạch tuộc. Ai nấy đều sôi sục căm thù! Trên boong tàu và ở thành tàu có độ mười, mười hai con. Chúng bị chém đứt ra từng đoạn và quằn quại trong máu đỏ và “mực” đen. Nét Len phóng lao nhọn vào những cái mắt xanh xám của lũ quái vật, lần nào cũng trúng đích. Tuy vậy, khi anh bạn dũng cảm của tôi chưa kịp quay lại thì đã bị một đối thủ dùng vòi quật ngã.

Cái mỏ đáng sợ của quái vật đã há hốc ra ở phía trên Nét. Tôi lao tới cứu anh ta. Nhưng Nê-mô đã đến trước tôi. Lưỡi rìu của Nê-mô cắm phập vào mồm quái vật. Nét thoát chết liền đứng dậy và phóng ngập mũi lao vào tim kẻ thù.

- Tôi có bổn phận trả ơn ông! - Nê-mô bảo Nét.

Nét chỉ nghiêng mình đáp lại.

Cuộc chiến đấu kéo dài mười lăm phút. Lũ bạch tuộc chiến bại, phần bị giết, phần bị thuơng, cuối cùng phải bỏ chiến trường mà lẩn xuống biển sâu.

Thuyền trưởng Nê-mô, mình nhuốm đầy máu, đứng lặng người bên chiếc đèn pha mà nhìn xuống biển cả vừa nuốt mất một người đồng chí của mình. Mắt Nê-mô ứa lệ.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t86010-hai-van-dam-duoi-day-bien-chuong-17.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận