Một tháng sau, Thanh Trì cư bỗng nhiên có rất nhiều đại phu ra vào, những lão đại phu đó đều bị bịt mắt, từng người thay nhau được cáng đưa vào phòng Oanh Ca, không lâu sau lại được cáng ra. Con lạch thoát nước chảy từ trong ra ngoài có màu bã thuốc, bã thuốc màu nâu mỗi ngày một đậm. Cả Thanh Trì cư vẫn tĩnh mịch như chết trong dòng đời cuộn chảy. Một tháng yên tĩnh như vậy, những vết thương cũ trên cơ thể Oanh Ca đã biến mất như kỳ tích, có thể thấy kỹ thuật chỉnh hình của Trịnh quốc thời đó quả rất cao siêu.
Có lẽ Dung Tầm muốn Oanh Ca biến thành Cẩm Tước từ trong ra ngoài. Về cốt cách thì không thể, nhưng ít nhất thân thể phải giống Cẩm Tước, nghĩa là tuyệt đối không thể có một vết sẹo. Cho dù có, cũng không thể là vết đao, vết kiếm, cùng lắm chỉ là vết đứt tay do dao gọt hoa quả gây ra mà thôi, như thế mới giống thiếu nữ xuất thân thanh bạch, đáng để Dung Viên vừa gặp đã yêu.
Dung Viên trị quốc xưa nay thái bình, hầu như không xảy ra cố sự. Oanh Ca vào cung trở thành đại sự của nước Trịnh năm đó, các sử quan rất phấn khởi, cũng phải thôi, thử nghĩ, nếu Oanh Ca không vào cung, năm đó họ biết viết gì vào Trịnh sử.
Có thể dẫn Mộ Ngôn bước qua mộng kiều vào giấc chiêm bao của Oanh Ca là do viên giao châu khiến tôi và cô thần trí tương thông ở mức độ nhất định, nhưng cho dù vậy, tôi cũng không thể đoán được cái đêm vào cung, Oanh Ca ngồi trong điện Chiêu Ninh phía tây vương cung thực ra trong lòng nghĩ gì.
Lúc đó rõ ràng là mùa thu tháng mười, tay cô vẫn cầm chiếc quạt ngà chỉ dùng trong mùa hạ. Đôi mắt bẩm sinh hơi lạnh giờ đây trở nên vừa nhu mì vừa e dè nhẫn nhịn, hoàn toàn không nhận ra bóng dáng sát thủ. Khi cô cầm cái quạt gõ lên đầu con báo gấm dưới chân, ý bảo nó nhích xa một chút, chúng tôi hiểu công dụng cụ thể của chiếc quạt đó, chỉ là chưa kịp nghiên cứu thêm đã thấy Dung Viên xuất hiện ở cửa tẩm điện.
Thực ra, từ chỗ tôi và Mộ Ngôn đứng, quả khó có thể nhìn thấy Dung Viên xuất hiện, chỉ cảm thấy bầu không khí khác thường phả đến, ngẩng đầu đã thấy thân hình dong dỏng của Trịnh hầu vương ở ngay trước mặt, làm lu mờ ánh nến trước điện.
Điều đó chứng tỏ Dung Viên là mệnh đế vương. Một người khí chất mạnh mẽ tự lộ phát như vậy chính là bậc đế vương, chiếc quạt gõ trên đầu con báo hơi dừng lại, biến thành động tác vuốt ve âu yếm. Đối với Oanh Ca, những vật mềm mại được chia làm hai loại, có thể ăn được và không thể ăn được, nhưng lúc này, trước mặt Dung Viên, trong mắt Dung Viên cô là Cẩm Tước dịu hiền đã cứu con báo, một Cẩm Tước thân thiết ân cần với cả con kiến, còn bản thân cô ghét nhất những trò yểu điệu như cưng nựng vuốt ve động vật, tuy nhiên Dung Viên không biết cô không phải là Cẩm Tước.
Do ngược sáng, mặc dù khoảng cách gần mấy thước cũng không nhìn rõ biểu hiện trên mặt Dung Viên, chỉ thấy chiếc áo chùng màu trắng lóng lánh ánh sao, giống như một thân cây màu bạc, mỗi bước đi đều lóng lánh phát sáng trong ánh nến.
Oanh Ca miễn cưỡng ôm con báo gấm đang ư ử vùng vẫy trong lòng ngồi bên mép giường, đầu hơi cúi, vẻ như e thẹn, có lẽ vốn muốn tỏ vẻ e thẹn nhưng cố gắng lâu như vậy vẻ mặt cô lại không hiện ra nét ửng hồng e lệ như ý mà khuôn mặt xinh đẹp dưới làn tóc mai càng trắng xanh. Dung Viên đứng trước mặt, đôi mắt đen như đầm sâu lướt qua con báo gấm đang cố vùng vẫy trong lòng cô, lại lướt qua mái đầu cúi thấp của cô: "Hầu nữ đâu?".
Con báo cuối cùng thoát ra được, luồn qua đầu gối cô lẻn ra ngoài, cô ngây người: "Đông người khiến thiếp nhức đầu, thiếp cho bọn họ lui rồi".
Chàng gật đầu, giơ tay kéo bức rèm trước giường, ánh nến từ giá nến cao hắt lên bức rèm in bóng hai người áp sát vào nhau, giọng chàng trầm trầm phía trên đầu cô: "Vậy đêm nay nàng thay áo cho quả nhân".
Ánh nến hồng lờ mờ, những ngón tay thon thả của Oanh Ca từ từ nắm lấy dải đai áo của Dung Viên, tiếng ngọc bội rung nhè nhẹ.
Chàng đột nhiên trở tay nắm tay cô, cô ngẩng đầu ngạc nhiên nhìn chàng, môi chàng lướt trên má cô.
Trên bức rèm in bóng hai người giao vào nhau, xiêm áo Dung Viên vẫn còn trên người chàng, chiếc váy tím dài trên người Oanh Ca đã trượt từ vai xuống, lộ ra làn da trắng tuyết.
Rõ ràng đang hôn, nhưng mắt hai người vẫn mở to, chứng tỏ cả hai đều tỉnh táo. Hơn nữa ép vào nhau lâu như vậy, tư thế hai người vẫn không thay đổi, đối với cả hai đều là một đòn đau, buông ra giữa chừng, Oanh Ca thở gấp, đôi môi vốn hơi tái chuyển màu hồng rất đẹp, khóe mắt nhòe ướt. Ngón tay Dung Viên chạm vào đuôi mắt cô, hỏi nhỏ: "Khóc ư?". Cô nhìn chàng không nói. Chàng chống tay bên gối, hơi cau mày: "Sợ hả?". Không chờ cô trả lời đã quay người nằm thẳng, gối lên chiếc gối khác. "Sợ thì ngủ đi".
Tôi thất vọng thở dài, chưa thở hết một hơi, lại thấy Oanh Ca nửa người để trần ngồi trên bụng Dung Viên: "Bệ hạ để thiếp tự làm, thiếp sẽ không sợ".
Mắt đỏ hoe, môi mím, thần sắc kiên định... nhìn không giống đang nói đùa...
Mặc dù Oanh Ca thuận theo lời Dung Viên thừa nhận mình sợ, nhưng tôi hiểu không phải cô khóc vì sợ, một người ngay sự sống chết cũng xem thường, thì cũng có thể xem thường trinh tiết, huống hồ Dung Viên là một người đàn ông ưu tú, dung mạo ngời ngời.
Thần trí của tôi và Oanh Ca lúc thông lúc không, khiến tôi hiểu cô chỉ đột nhiên nghĩ đến Dung Tầm, lòng thấy buồn. Nhưng cô buồn không phải do Dung Tầm thay lòng đổi dạ yêu Cẩm Tước, mà là do chàng biết đêm nay sẽ xảy ra chuyện gì, vô số đêm sau này sẽ xảy ra chuyện gì nhưng chàng vẫn đưa cô vào cung dâng cho Dung Viên, cô khóc vì lẽ đó.
Đôi mắt Dung Viên sâu thẳm, mở to nhìn cô. Cô vùi đầu vào vai chàng, mái tóc xõa theo sống lưng, như dòng thác đen đổ xuống, một lúc sau, cô cười, "Nhất định có ngày cùng bệ hạ như vậy, chi bằng ngay đêm nay, bệ hạ thấy đúng không?". Nói xong quả quyết, ngẩng đầu cởi áo chùng gấm không một nếp nhăn trên người chàng, bàn tay quen cầm đao run run, nhưng vẫn không dừng lại.
Thần sắc Dung Viên chìm trong bóng cô phủ lên người chàng, lát sau chàng hỏi: "Nàng có thể không?".
Theo bản năng, thực lòng tôi muốn xem tiếp. Người luyện Hoa Tư dẫn nhất định không được sợ máu, sợ bạo lực, sợ chuyện phòng the, và bạo lực phòng the.
Luyện Hoa Tư dẫn thành bại quyết định ở chỗ phải biết quan sát nhận ra ẩn tình trong rất nhiều chi tiết của mộng cảnh. Nhưng lúc này có Mộ Ngôn bên cạnh, nhất định chàng sẽ cho rằng như vậy là đáng xấu hổ, từ khi Dung Viên hôn Oanh Ca tôi đã nghĩ chàng sắp kéo tôi ra khỏi điện Chiêu Ninh.
Và tôi cũng đã nghĩ xong câu ứng phó với chàng. Có thể chàng sẽ nói: "Cô còn nhỏ không nên nhìn cảnh người ta ân ái, đi theo tôi". Tôi sẽ nói: "Mỗi người một khác, hôm nay họ động phòng, cái huynh nhìn thấy chỉ là chuyện ân ái hoan lạc hay sao? Xin lỗi, cái tôi nhìn hoàn toàn khác, tôi muốn nhìn để biết cái gì khiến Oanh Ca chìm mãi vào giấc mơ không tỉnh, nhìn thấy trăm mối tâm tư trong lòng cô ấy". Chàng nhất định xấu hổ hỏi tôi: "Vậy tâm tư của cô ấy là gì?". Tôi sẽ trả lời: "À, hiện chưa tìm hiểu toàn diện, để tôi xem hết đoạn này hẵng hay".
Lúc Oanh Ca ôm cổ Dung Viên, cuối cùng Mộ Ngôn lên tiếng, nhưng lời nói khác hẳn giả định của tôi. Chàng phe phảy cái quạt, chậm rãi hỏi tôi: "Hay không?".
Đương nhiên không tiện nói là hay, ấp úng một hồi, tôi trả lời, "Không, không hay".
Chàng vẫn phe phảy quạt: "Đã không hay, vậy sao còn xem tiếp?".
Tôi nói: "Cũng tạm...".
Chàng hỏi: "Sao, cô nói gì? Cô cảm thấy chuyện đó rất hay?".
Tôi nói: "Không, không xem, cái đó rất khó coi, không hợp tuổi tôi chút nào".
Chàng gật đầu: "Vậy ta đi thôi".
Chàng đi mấy bước về phía cửa điện, ngoái đầu nhìn tôi nửa cười nửa không: "Sao còn chưa đi?".
Tôi liếc nhìn bức rèm trước giường, bực mình chạy đuổi theo chàng: "Đi đây".
Năm Dung Viên gặp Oanh Ca, chàng mới hai nhăm tuổi âm, hậu cung có tám vị phu nhân, năm trước một vị lâm bệnh qua đời, còn bảy vị, Oanh Ca vào cung, vừa may bổ sung chỗ trống trên bàn mạt chược, khiến hậu cung Trịnh quốc luôn vang tiếng cười, mọi người hòa hợp vui vẻ...
Tuy nhiên đấy là hình dung của tôi, kỳ thực Oanh Ca không chơi mạt chược, bảy vị phu nhân cũng không chơi mạt chược.
Có thể hình dung, nếu Quân Vỹ hai nhăm tuổi, lấy tám bà vợ, anh ta sẽ chỉ còn là bộ xương, nhưng Dung Tầm hai nhăm tuổi có tám vị phu nhân, thiên hạ lại cảm thấy quân vương Trịnh quốc thật là thanh tâm quả dục, thích thanh tịnh. Có thể thấy yêu cầu của thiên hạ đối với quân vương quả là rất thấp.
Nhưng nói vậy, cho dù hậu cung chỉ có tám vị phu nhân, cạnh tranh vẫn vô cùng ác liệt, vị nào cũng bận chải chuốt, trang điểm, chăm sóc dung nhan, ngay lúc ngủ cũng không lơ là. Ai cũng muốn dùng diện mạo đẹp nhất hấp dẫn quân vương, cho dù có khi Dung Viên nửa đêm canh ba chạy đến cung nào đó cũng phải xinh đẹp rạng ngời trước mắt chàng ta, thậm chí cả khi chàng ta đến lúc họ đang bận đi vệ sinh.
Lâu dần họ trở thành những người đi vệ sinh nhanh nhất Trịnh quốc.
Tình trạng đó kéo dài đến khi Tâm Liễu phu nhân sau khi sinh hạ công chúa Hy Hòa lâm bệnh qua đời.
Tâm Liễu phu nhân lâm bệnh qua đời, để lại công chúa Hy Hòa năm tuổi, Hy Hòa công chúa Dung Đàm là tử tức duy nhất của Dung Viên.
Một bên là quân vương thanh tâm quả dục, đế dạ khó dò, chiếm được lòng cũng không dễ. Một bên là tiểu công chúa còn nhỏ mất thân mẫu, không có bất kỳ uy hiếp nào, chỉ cần nuôi dưỡng công chúa, nhất định tương lai được đảm bảo.
Vậy là bảy vị phu nhân trong cung từ bỏ lối sống cũ, lao vào cuộc chiến tranh giành nuôi dưỡng tiểu công chúa. Nhưng sự đời nhiều khi tranh tức là không tranh, không tranh tức là tranh, kết quả cuộc đấu hậu cung là Dung Tầm thân chinh đưa tiểu công chúa đến điện Chiêu Ninh giao cho Oanh Ca mới vào cung vài tháng.
Tiểu công chúa mặt buồn bã ôm một con thỏ bị thương đứng trước Oanh Ca: "Phụ vương nói phu nhân có thể băng bó vết thương cho thỏ. Ở đây, ở đây, ở đây, con thỏ bị nô tài xấu đánh đau, một, hai, ba, ba vết thương. Phu nhân, mau băng cho nó đi".
Hai cây anh đào trước điện Chiêu Ninh đã rụng hết lá, cô ngẩng đầu bắt gặp ánh mắt Dung Viên đứng sau tiểu công chúa, dáng thanh tú như ngọc, dưới cây anh đào trụi lá, đôi mắt đen như đầm sâu bình thản khó dò. Chưa làm mẹ đã làm mẹ kế là một chuyện phiền phức.
Cũng may Oanh Ca không mơ hồ về cuộc sống như những cô gái đẹp thông thường, không ôm ảo tưởng lãng mạn về cuộc sống vương giả trong cung. Từ lúc bước vào hậu cung của Dung Viên, cô vẫn luôn chờ đợi thời cơ, một thời cơ để cô có thể bỏ trốn trót lọt.
Nửa đời trước cô là sát thủ, sống vì Dung Tầm, nhưng Dung Tầm không đắn đo đem cô vứt vào hậu cung hưu quạnh của Trịnh quốc. Cô mới hiểu mình sống bằng ấy năm thực ra chỉ là một công cụ, công cụ chỉ cần hoàn thành sứ mệnh của công cụ, một công cụ không nên yêu cầu chủ nhân suốt đời có trách nhiệm với mình, một công cụ tốt không cầu báo đáp, chỉ một lòng hoàn thành tâm nguyện của chủ, lúc chết còn muốn hóa thành bùn bón cho cỏ cây trong hoa viên của chủ.
Lúc này, Oanh Ca cảm thấy cô đã làm đủ sứ mệnh của một công cụ, giờ rơi vào chiếc lồng khổng lồ này, không ai cứu cô, cô sẽ tự cứu mình, không ai tốt với cô, cô phải tự tốt với mình.
Trong ánh mặt trời ấm áp hiếm hoi của mùa đông, trong điện Chiêu Ninh cô đưa ra một quyết định xem ra không tồi: Nếu có cơ hội rời khỏi thành Tứ Phương cô sẽ tìm một ngôi làng nhỏ có sông có suối, mua vài mẫu đất, học nghề dệt vải như những người đàn bà khác, tự nuôi sống mình mà không phải giết người.
Thời cơ đó đến rất nhanh.
Mùa đông tháng mười hai, vào ngày giỗ của Tâm Liễu phu nhân, mẫu thân tiểu công chúa, Oanh Ca dẫn công chúa lên linh sơn thắp hương tế bái, Dung Viên phái một toán cấm vệ quân đi theo. Chiếc kiệu đi đến lưng chừng núi bất thần gặp một toán thích khách không biết từ đâu ra, mặc dù được cấm vệ quân bảo vệ chu đáo, nhưng sơ sẩy vẫn khó lường, lại thêm thế núi hiểm trở, Oanh Ca ôm công chúa ngã lăn xuống núi.
Thực ra theo ý Oanh Ca không nên đem theo công chúa, nhưng không có cách nào khác, tất cả xảy ra quá nhanh, cô còn chưa kịp chớp đúng thời cơ, chuẩn bị chủ động lăn xuống núi, đã thấy Hy Hòa công chúa ôm con thỏ lăn xuống trước, nếu cô không cứu công chúa sẽ chết, làm mẹ kế hai tháng cô cũng không đành lòng.
Rơi thẳng từ sườn núi xuống, tay ôm đứa trẻ, thân thủ tốt đến mấy cũng không dễ làm gì để giảm nhẹ hậu quả. Nhưng may núi cũng không quá cao, trong khi lăn xuống cô đã cố một tay ôm công chúa, tay kia cởi thắt lưng quăng móc vào thân cây để làm chậm đà rơi, vì vậy khi tiếp đất chỉ có xương bàn chân phải bị gẫy. Tiểu công chúa nằm trên người cô, tay vẫn ôm chặt con thỏ con bị thương hai tháng trước, công chúa không bị thương, chỉ sợ quá ngất đi.
Dưới chân núi bóng đêm đặc dần, cô chống người bò dậy, bế công chúa vào một cái hang gần đó, đốt lửa, làm thịt con thỏ, xiên cành cây nướng vàng ươm, xong xuôi bóc hết xương, chỉ còn thịt nạc để trên chiếc lá to đặt cạnh công chúa.
Rừng núi đêm đông, chim náu trong tổ, mọi sinh vật sống đều đã ngủ, tiếc là giờ cô đã bị què chân, cho dù tứ chi vẹn toàn, trong cảnh ngộ thế này cũng khó tìm cái ăn, may khi ngã công chúa vẫn ôm con thỏ, như vậy cho dù cô bỏ đi, thị vệ của Dung Viên cũng chưa thể tìm được cô ngay, có chỗ thịt thỏ nướng, tiểu công chúa sẽ không bị đói, chắc chắn sáng ngày mai họ sẽ tìm thấy công chúa.
Khi lê được cái chân đau ra ngoài, Oanh Ca kiếm một cành cây to làm gậy chống, hình dung ra bộ dạng của mình, cô bất giác bật cười.
Nhưng chưa được hai bước nụ cười đã đông cứng trong mắt.
Phía trước, bên một cái đầm bốc khói mù mịt, đột nhiên hiện ra một bóng người như từ trên trời rơi xuống, áo chùng gấm màu bạc lóe sáng. Mấy con chim trên ngọn cây chí chóe cãi nhau, nửa vầng trăng ló khỏi đám mây, tỏa ánh sáng trắng mờ lạnh lẽo, xung quanh không có chỗ nào có thể trốn, cô nắm chặt cái gậy, mắt tối sầm, trân trân nhìn Dung Viên khoác ánh trăng bước đến. Ủng mềm đạp trên cành lá khô, chàng dừng trước mặt cô cách hai bước, ống tay áo dính đất và vụn cỏ, nét mặt tư lự, dáng thanh tao, khuôn mặt đẹp của chàng dưới ánh trăng như dát bạc, đôi mắt đen trầm tư lướt qua cái gậy trong tay cô, lướt qua bàn chân đau của cô: "Sao lại ra nông nỗi này?".
Cô ngẩng đầu, mắt lại nhìn về đầm nước bốc khói: "Hy Hòa không sao, chỉ bị kinh động vẫn đang ngủ, thiếp đi ra...". Cô dừng lại: "... kiếm nước cho công chúa".
Chàng nhìn cô không nói.
Cô ngây người, gượng cười: "Chân thiếp... cũng không sao...".
Đôi mắt đen bỗng lóe lên giận dữ, vừa trở tay đã ép cô vào vách núi bên cạnh, bàn chân gãy bị kéo đi đột ngột, đau xói đến tận óc, nhưng Oanh Ca chỉ nghiến chặt răng, hơi cau mày. Truyện được copy tại TruyệnYY.com
Chàng khóa cô giữa hai cánh tay mình, "Đau không?".
Cô cắn môi không đáp, chỉ có làn hơi lạnh lọt qua kẽ răng. Mắt chàng tối lại, bỗng giơ tay giật dải lụa buộc trên búi tóc, nhét vào miệng cô, mái tóc xõa xuống, chàng cúi đầu, hai tay nắm chặt bàn chân gẫy của cô: "Nếu đau cứ kêu lên".
Một tiếng "rắc" nhẹ, chỗ xương gãy bị chệch đã được kéo về đúng vị trí, trán cô toát mồ hôi, cơn đau từ chỗ xương gẫy như làn sóng lập tức lan ra toàn thân, đau ứa nước mắt, nhưng cô cắn môi không để bật ra tiếng rên, nộ khí trong mắt chàng càng tăng, nhìn cô đăm đăm: "Ai dạy nàng như thế, chân gẫy cũng không nói, đau mấy cũng cố chịu?".
Cô ngây người nhìn chàng.
Chàng cau mày đón nhận ánh mắt đó, ngón tay đưa lên chạm vào đuôi mắt cô, nét mặt dịu dần, lại trở về là một Dung Viên thâm trầm, mắt cô vừa chớp, long lanh ngấn nước, cô vội ngẩng đầu.
Chàng giữ chặt đầu cô không cho động đậy, cứ vậy nhìn thẳng vào đôi mắt ngấn nước của cô, nhìn giọt nước lăn ra từ khóe mắt, áp trán vào trán cô, nhẹ nhàng nói: "Cẩm Tước, hãy khóc đi".
Tiếng khóc khi đã bật ra không thể kìm lại, sụt sùi, sau đó bật thành tiếng, nức nở, đau đớn, có lẽ Oanh Ca cũng không biết tại sao mình khóc, nhưng ít nhất cũng khiến chúng tôi hiểu, thì ra các cô gái trên đời không có ai sinh ra đã không biết khóc.
Chàng ôm chặt cô, dưới ánh trăng, bên mặt đầm khói phủ, giọng trầm trầm: "Được rồi, có ta ở đây".
Oanh Ca khóc to như vậy, tôi nghĩ nguyên nhân một nửa là do khó khăn lắm mới tìm được cơ hội bỏ trốn, cuối cùng lại bị Dung Viên phá hỏng, niềm tiếc nuối cần được xả ra, khi tôi nói suy nghĩ đó với Mộ Ngôn, chàng phán một câu: "A Phất, cô là người rất thực tế".
Chung quy tôi là người làm ăn, mặc dù tự biết vẫn là người đa sầu đa cảm. Nhưng khi thần trí bất tương thông, tôi hầu như không hiểu được suy nghĩ của Oanh Ca, đây là một cô gái rất thực tế, có ý thức cảnh giác cao nhất mà tôi từng gặp.