Jên Erơ Chương 37


Chương 37
Trang thự Fơcđin là một tòa nhà rất cổ, quy mô vừa phải, kiến trúc không có gì cầu kỳ, nằm lọt trong một cánh rừng, trước đây tôi đã nghe nói đến.

Ông Rôchextơ thường nhắc tới luôn và đôi khi cũng đến đấy. Cha ông đã mua trang trại này vì có những đất đai săn bắn chung quanh, ông cụ cũng muốn cho thuê lại tòa nhà, nhưng cũng chẳng có ai thuê vì nơi ấy hẻo lánh và khí hậu cũng độc. Vì vậy Fơcđin không có ai ở và cũng không được trang hoàng gì cả, trừ vài ba phòng được đặt lấy chỗ ở tạm mỗi khi ông cụ đến đấy vào mùa săn bắn.

Tôi đến tòa nhà đó, vừa vặn trước khi trời tối, vào một buổi chiều gió rét, mưa rả rích nhỏ hạt nhưng thấm lạnh dưới một bầu trời buồn thảm. Dặm đường cuối cùng tôi đi bộ, sau khi đã trả người đánh xe gấp đôi số tiền thuê như tôi đã hứa. Ngay khi đã đến thật gần trang thự, người ta cũng vẫn không thể nhìn thấy gì, vì rừng cây bao quanh rất rậm và tối. Nhìn hai cánh cổng sắt giữa hai cột đá hoa cương, tôi biết đó là lối vào, bước qua cổng, tôi lọt vào ngay một vùng ánh sáng âm u vì các rặng cây mọc quá sát nhau. Một lối đi đầy cỏ dại, giữa những thân cây cổ thụ xù xì và cành lá um tùm, dẫn sâu vào rừng. Tôi đi theo con đường đó, cứ tưởng một chốc sẽ đến chỗ ở, ai ngờ con đường uốn lượn quanh co cứ dài ra mãi, không hề thấy dấu hiệu là có nhà cửa hay vườn tược gì hết.

Tôi đã tưởng mình đi lầm đường và bị lạc. Bóng chiều và bóng rừng cây đổ xuống quanh tôi. Tôi nhìn quanh tìm một lối khác, không có lối nào hết, chỉ có những cành lá chằng chịt, những thân cây to như cột nhà, những đám cành lá sum suê của mùa hè... không có một lối nào quang đãng.

Tôi vẫn tiếp tục đi, cuối cùng con đường cũng quang dần, cây cối thưa đi ít nhiều, tôi đã trông thấy một hàng rào sắt, rồi một tòa nhà, trong bóng chiều chạng vạng này, khó phân biệt được tòa nhà với cây cối xung quanh vì những bức tường long lở ẩm thấp phủ đầy rêu. Đi qua cánh cổng, chỉ đóng bằng một gióng ngang, tôi bước vào khu đất có rào bao quanh, chỗ này rừng cây được phát quang thành một hình bán nguyệt. Không có hoa và các bồn cây, chỉ có một con đường rộng rải sỏi vòng quanh một sân cỏ, tất cả đều nằm lọt giữa cây rừng âm u. Mặt trước nhà có hai đầu hồi nhọn hoắt, cửa sổ hẹp chăng mắt cáo, cửa chính cũng hẹp, có một bực để đi lên. Toàn bộ, đúng như ông chủ quán "Rôchextơ Arms" đã nói, thực là "một chỗ vắng vẻ tiêu điều". Cảnh lặng lẽ như một nhà thờ vào ngày thường, chung quanh chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi đều đều trên lá rừng.

- Ở đây mà có người ở được sao? Tôi tự hỏi.

Có, thế mà cũng có đấy, vì tôi nghe có tiếng động. Cánh cửa kính nhỏ hẹp nọ hé mở, và một bóng người sắp từ trong nhà bước ra.

Cửa mở từ từ, dưới bóng hoàng hôn, bóng người bước ra đứng trên bậc thềm. Đó là một người đàn ông đầu để trần, ông ta giơ tay ra như xem trời có mưa không. Lúc ấy tối lắm, nhưng tôi cũng nhận ra được ông, chính là ông chủ của tôi, Êđua Fefăc Rôchextơ, chứ còn ai nữa.

Tôi dừng bước, gần như nín thở, đứng lặng nhìn ông, chăm chú quan sát ông, mà chính mình không bị nhìn thấy, và hỡi ôi! Ông không thể nào còn nhìn thấy tôi được nữa. Đây là một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một cuộc gặp gỡ mà niềm hoan lạc bị kìm hãm bởi nỗi đau thương. Tôi cũng dễ dàng giữ được mình khỏi bật lên tiếng kêu, và kìm được chân khỏi vội vã bước lên.

Vóc người ông vẫn khỏe mạnh, cường tráng như trước, dáng đi thẳng, tóc vẫn đen như lông quạ, trông ông không có vẻ suy biến hay sút kém. Trong vòng một năm, mọi nỗi đau buồn không thể nào làm giảm sức lực hay phá hoại vẻ tươi trẻ của ông. Nhưng trên mặt ông, tôi cũng nhận thấy một nét đổi thay, ông có vẻ u uất tuyệt vọng, khiến tôi liên tưởng đến những giống chim hay giống thú hoang dã mang thương tật và bị giam giữ, đến gần thì nguy hiểm trong khi nó đang đau đớn. Con chim ưng bị nhốt, mà đôi mắt điểm vòng vàng đã bị một bàn tay độc ác chọc thủng, hẳn phải có cái nhìn như cái nhìn của chàng Sam Sơn mù lòa này thôi.

Và bạn đọc ơi, bạn có nghĩ rằng tôi sợ ông, vì thấy ông có vẻ mù lòa dữ tợn không? Nếu nghĩ như thế, thì bạn hiểu tôi ít quá. Một niềm hy vọng êm đềm pha lẫn với nỗi đau buồn khiến tôi mong sớm được đặt một chiếc hôn lên vầng trán như phiến đá kia, và lên cặp môi mím chặt một cách khắc khổ kia, nhưng chưa được, tôi chưa muốn lại bên ông vội.

Ông bước xuống bực thềm duy nhất, và chậm chạp dò dẫm đi về phía sân cỏ. Bây giờ còn đâu bước đi hiên ngang thuở xưa nữa? Rồi ông dừng lại, dường như không biết nên quanh về ngả nào. Ông giơ tay ra và giương to mắt, nhìn trơ trơ một cách khó khăn lên bầu trời và đám cây cối um tùm chung quanh, nhưng rõ ràng tất cả đối với ông chỉ là tối tăm trống rỗng. Ông dang cánh tay phải ra (còn cánh tay trái bị cụt, ông giấu dưới áo trước ngực), hình như ông muốn có ý niệm về những vật quanh mình bằng cách sờ soạng. Nhưng ông chỉ thấy một sự trống không, vì cách chỗ ông đứng vài thước mới có cây. Ông thôi không cố gắng nữa, khoanh tay lại và đứng lặng lẽ trong mưa, lúc này đang rơi nặng hạt xuống mái tóc để trần của ông. Lúc đó, chẳng hiểu từ đâu, bác Jôn tiến đến bên ông nói:

- Thưa ông, trời sắp mưa to rồi, ông nên vịn tay tôi mà vào nhà thì hơn.

- Cứ để mặc tôi một mình - ông trả lời.,

Jôn lui vào, không nhìn thấy tôi. Bây giờ ông Rôchextơ lại cố gắng đi loanh quanh, nhưng vô cảm chung quanh, ông không thấy cái gì chắc chắn. Ông đành mò mẫm quay vào nhà, và đóng cửa lại. Bấy giờ tôi mới lại gần và gõ cửa, vợ bác Jôn mở cửa cho tôi "Mary" - tôi nói "bác vẫn mạnh khỏe chứ?".

Bác giật mình như nhìn thấy một bóng ma, tôi phải làm cho bác yên lòng. Bác hối hả hỏi tôi: "Có thực là cô không? Trời tối thế này mà cô còn đến được nơi "hẻo lánh" này ư?". Tôi nắm tay bác để trả lời, rồi theo bác vào bếp. Bác Jôn trai đang ngồi bên lửa hồng. Bằng vài lời vắn tắt tôi cho họ biết rằng tôi đã rõ hết mọi chuyện xảy ra từ ngày tôi rời bỏ Thornơfin, và bây giờ tôi đến thăm ông Rôchextơ. Tôi bảo bác Jôn trai đi lấy cái hòm tôi để lại ở chỗ xuống xe; rồi trong lúc cởi bỏ khăn và mũ ra, tôi hỏi Mary xem tôi có thể nghỉ đêm được ở trang thự không, và khi thấy cũng có thể thu xếp được chỗ ngủ tuy có hơi khó khăn, tôi bèn bảo bác rằng tôi ở lại. Đúng lúc ấy có tiếng chuông trên buồng khách gọi.

Tôi dặn:

- Khi vào, bác nhớ bảo ông chủ là có một người muốn nói chuyện với ông, nhưng chớ có nói tên tôi nhé.

- Tôi không chắc ông đã cho cô gặp - bác trả lời - Ông từ chối không tiếp ai hết.

Lúc bác trở ra, tôi hỏi ông nói thế nào.

- Cô phải nói rõ họ tên và cho biết gặp về việc gì - bác trả lời, rồi đi rót một cốc nước, đặt trên khay cùng với mấy cây nến.

- Ông gọi chuông bảo lấy những thứ này à? - tôi hỏi.

- Vâng, bao giờ tối đến ông cũng đòi mang nến vào, tuy ông đã bị mù.

- Đưa khay cho tôi, để tôi mang vào.

Tôi đỡ lấy chiếc khay ở tay bác, bác chỉ lối vào phòng khách cho tôi. Chiếc khay cứ run lên trong tay tôi, nước trào cả ngoài cốc, tim tôi đập thình thịnh trong lồng ngực. Mary mở cửa cho tôi rồi khép lại.

Phòng khách có vẻ buồn tẻ. Một ngọn lửa nhỏ leo lét cháy trong lưới sắt, người chủ mù ngồi trong phòng đang cúi xuống lửa, đầu tựa vào cái lò sưởi cao cổ lỗ. Con chó già Pilôt của ông nằm một bên, khoanh mình lại, xa hẳn lối đi, dường như sợ bị người vô ý giẫm phải nó. Lúc tôi bước vào, Pilốt dỏng tai lên nghe ngóng, rồi nó chồm dậy, rít lên một tiếng, và khẽ rên rỉ nhảy chồm đến gần tôi, suýt làm cho tôi đánh rơi cả khay nước. Tôi đặt khay lên bàn, rồi vỗ vỗ vào mình nó, khẽ bảo: "Nằm yên". Ông Rôchextơ bất giác quay lại để nhìn xem có chuyện gì mà ồn ào vậy, nhưng vì không trông thấy gì, nên ông lại thở dài quay đi.

- Đưa nước cho tôi, Mary - ông nói.

Tôi đến bên ông với cốc nước chỉ còn một nữa. Pilôt theo tôi, nó vẫn chưa hết mừng rỡ.

- Có chuyện gì thế? - ông hỏi.

- Pilôt, nằm xuống! Tôi lại nói.

Đang đưa cốc nước lên môi, ông chợt dừng lại, và hình như nghe ngóng. Ông uống, rồi đặt cốc xuống.

- Có phải bác Mary đấy không?

- Bác Mary đang ở dưới bếp, - tôi trả lời.

Ông đưa tay ra trong một cử chỉ vội vàng, nhưng vì không trông thấy tôi đứng ở chỗ nào, nên ông không chạm phải người tôi.

- Ai đấy? Ai đấy? - ông hỏi, và hình như cố gắng nhìn với cặp mắt mù của ông, thực là một cố gắng vô ích và đau lòng!

- Hãy trả lời tôi đi, hãy nói nữa đi. Ông lớn tiếng khẩn khoản ra lệnh.

- Thưa ông, ông có muốn uống thêm ít nước nữa không? Em đã đánh đổ mất một nửa rồi, tôi nói.

- Ai đấy? Gì đấy? Ai nói đấy?

- Pilôt nhận ra em, Jôn và Mary biết có em ở đây. Em vừa mới đến lúc chiều tối - tôi trả lời.

- Trời ơi! Ảo tưởng nào ám ảnh ta đây? Cơn điên êm đềm nào xâm chiếm con người ta đây?

- Không phải ảo tưởng, không phải cơn điên nào hết, thưa ông, tâm trí ông sáng suốt lắm, ảo tưởng nào ám ảnh nổi, ông khỏe mạnh lắm, điên làm sao được.

- Vậy người đang nói đứng ở chỗ nào đấy? phải chăng đó chỉ là một tiếng nói? Ồ, ta không thể nhìn được, nhưng ta phải sờ thấy, nếu không tim ta ngừng đập, và đầu óc ta đến vỡ tung ra mất. Người là ai, người là cái gì... xin hãy cho tôi sờ thấy, nếu không tôi đến chết mất.

Ông quờ quạng, tôi đưa cả hai tay ra nắm lấy tay ông.

- Đúng là những ngón tay của nàng! - ông kêu lên, - những ngón tay nhẹ nhàng, nhỏ bé! Nếu thế, nhất định không phải chỉ có ngần này.

Bàn tay gân guốc của ông giằng ra khỏi tôi, ông nắm lấy cánh tay tôi, vai tôi, cổ tôi, người tôi, tôi bị ông ghì chặt và kéo đến sát bên mình.

- Có phải Jên không? Cái gì đây nhỉ? Đúng là hình dáng nàng... Đúng là vóc người nàng...

- Và đây là tiếng nói của cô ấy - tôi nói thêm - Cô ấy đang ở đây, cả trái tim của cô ấy nữa. Cầu trời phù hộ cho ông! Em rất sung sướng lại được gần bên ông như thế này.

- Jên Erơ! - Jên Erơ! - ông chỉ nói được có thế.

- Ông chủ thân yêu của em, - tôi trả lời - em là Jên Erơ đây, em đã tìm ra ông, em đã trở lại với ông.

- Sự thực đấy chứ? Em bằng xương bằng thịt đấy chứ? Em Jên còn sống của tôi?

- Thưa ông, ông đã mó vào người em, đã ôm lấy em, ôm chặt là khác, em không lạnh toát như một xác chết, cũng không trống rỗng như không khí, có phải không?

- Em yêu quý của tôi, em còn sống! Đúng rồi, đây là chân tay nàng, đây là đường nét người nàng. Nhưng ta không thể nào được hưởng diễm phúc này sau bao đau khổ. Đây là một giấc mơ, cũng như ban đêm đã bao lần ta mơ thấy lại được ghì nàng vào ngực, như lúc này, và hôn nàng, như thế này, và cảm thấy nàng yêu ta, và tin rằng nàng sẽ không rời bỏ ta.

- Kể từ hôm nay, em sẽ không bao giờ rời bỏ ông nữa.

- Cái ảo ảnh nói là không bao giờ nữa? Nhưng ta vẫn thường tỉnh dậy để thấy đó chỉ là một sự mỉa mai trống rỗng, ta lại cô độc, bị bỏ rơi, đời ta lại tối tăm, trơ trọi, vô vọng, tâm hồn ta khao khát hạnh phúc mà không được uống, trái tim ta đòi hỏi mà không bao giờ được thỏa. Hỡi giấc mơ êm nhẹ, hiện đang náu trong cánh tay ta, rồi người cũng sẽ bay đi, như những giấc mơ khác trước đây thôi, nhưng hãy hôn ta trước khi bay đi nhé... hãy hôn tôi, Jên.

- Thưa ông, em hôn đây nhé... và đây nữa!

Tôi hôn lên cặp mắt khi xưa trong sáng mà bây giờ u tối, tôi gạt mớ tóc phủ trên trán ông, và cũng đặt lên đấy một cái hôn nữa. Đột nhiên ông hình như tỉnh hẳn ra, ông đã tin chắc rằng tất cả đều là sự thật.

- Đúng là em, phải không Jên? Vậy là em trở về với tôi.

- Vâng.

- Thế ra em không chết trong một hố sâu, hay một dòng sông nào ư? Em không bị đầy đọa héo hon giữa những kẻ xa lạ ư?

- Thưa ông, không, hiện nay em là một phụ nữ độc lập.

- Độc lập? nghĩa là thế nào, Jên?

- Cậu em ở Mađêra mất rồi, và để lại cho em năm ngàn đồng bảng.

- À, đây là thực tế!... đây là chuyện thực! - ông kêu lên - Ta sẽ không bao giờ nằm mơ thấy như vậy được. Ngoài ra, đây chính là giọng nói đặc biệt của nàng, vừa rộn ràng, vừa dí dỏm, mà lại êm đềm, dịu ngọt, giọng nói làm cho trái tim héo hắt của ta vui lên, làm cho nó được sống lại. Thế nào, Jên? Em là một phụ nữ độc lập và giàu có ư?

- Giàu lắm, thưa ông. Nếu ông không muốn cho em sống chung, thì em có thể xây riêng một tòa nhà sát ngay cửa nhà ông, và buổi tối, khi cần có người trò chuyện, ông có thể sang ngồi chơi ở phòng khách của em.

- Nhưng, Jên ạ, nay em đã giàu rồi thì hẳn là em chẳng thiếu gì bạn hữu săn sóc em, và họ sẽ chẳng chịu để em hy sinh vì một người đui mù què quặt như tôi?

- Thưa ông, em đã nói với ông rằng em là một người phụ nữ độc lập, và giàu, em làm chủ thân em.

- Thế em sẽ ở lại với tôi?

- Dĩ nhiên, trừ phi ông không cho phép. Em sẽ là người hàng xóm, người hộ lý, người quản gia của ông. Em thấy ông sống cô đơn, em sẽ làm người bạn của ông, để đọc sách cho ông nghe, để dạo chơi với ông, để ngồi với ông, để trông nom ông, để làm tay làm mắt cho ông. Thôi đừng buồn như thế nữa, ông chủ yêu dấu của em. Chừng nào em còn sống thì sẽ không bao giờ ông còn bị trơ trọi lẻ loi nữa.

Ông không trả lời, ông có vẻ nghiêm trang, mải suy nghĩ đâu đâu, ông thở dài, và hé môi như định nói, nhưng lại mím miệng lại ngay. Tôi hơi bối rối. Có lẽ tôi đã vượt qua những nghi thức thông thường một cách thiếu thận trọng, và ông cũng như Xanh Jôn, cho rằng thái độ thiếu suy nghĩ của tôi là bất nhã chăng. Quả thực, tôi đã nói ra đề nghị của tôi vì cho rằng ông mong muốn và sẽ ngỏ lời hỏi tôi làm vợ, tôi yên trí ông sẽ đòi hỏi tôi ngay - niềm tin này tuy không diễn đạt thành lời nhưng không phải là không vững chắc. Song thấy ông không đả động gì tới chuyện đó, và vẻ mặt ông càng trờ nên rầu rĩ, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ tôi đã lầm hoàn toàn và vô tình đã hành động vô ý thức. Tôi bèn nhẹ nhàng tuồn mình ra khỏi tay ông, nhưng ông nồng nàn ghì lấy tôi mạnh hơn nữa.

- Không, không, Jên ạ, em không được đi đâu cả. Không, tôi đã nắm được người em, tôi đã nghe thấy em nói, tôi đã sung sướng cảm thấy em có mặt, cảm thấy sự êm ái được em an ủi, tôi không thể từ bỏ những niềm vui ấy. Nó chẳng còn lại được là bao ở trong lòng tôi, tôi cần phải có em. Người đời có thể chê cười, bảo tôi là kỳ quái, ích kỷ, tôi cũng chẳng cần. Linh hồn tôi đòi hỏi em. Nó phải được thỏa mãn, nếu không nó sẽ phá tung cái khung thể xác của nó để trả thù.

- Vâng thưa ông, em sẽ ở lại với ông, em đã nói thế.

- Phải, nhưng em hiểu ở lại với tôi theo một nghĩa, mà tôi lại hiểu theo một nghĩa khác. Có lẽ em định sẽ luôn ở bên tôi, là người hộ lý hiền hậu săn sóc tôi (vì em vốn có tình thương người, và lòng đại độ khiến em hy sinh cho những kẻ được em thương xót). Đối với tôi như thế hẳn phải coi là quá đủ rồi. Tôi cho bây giờ tôi chỉ nên giữ một tình cảm cha con với em thôi, em có nghĩ như thế không? Lại đây, em hãy nói đi.

- Ông muốn như thế nào thì em sẽ nghĩ như thế, thưa ông. Em vui lòng chỉ làm người hộ lý của ông thôi nếu ông thấy như vậy là hơn.

- Nhưng Jên ơi, em không thể làm hộ lý cho tôi mãi, em còn trẻ, một ngày kia em phải lấy chồng chứ.

- Em không nghĩ đến chuyện lấy chồng.

- Không, em phải nghĩ tới, Jên ạ, giá thử tôi còn được như trước kia, thì tôi sẽ cố làm cho em nghĩ tới, nhưng bây giờ tôi chỉ là... một kẻ đui mù!

Ông lại chìm đắm vào nỗi u buồn, còn tôi, trái lại, tôi rất vui và có thêm can đảm. Mấy câu sau cùng của ông làm cho tôi thấy rõ sự khó khăn ở chỗ nào, và vì đối với tôi thì chẳng phải là chuyện khó khăn, nên tôi nhẹ hẳn mình, không bối rối như trước nữa. Tôi nối lại câu chuyện một cách vui vẻ hơn.

- Đã đến lúc phải có người nhận lấy việc giúp đỡ ông trở lại làm người mới được - tôi vừa nói vừa gạt những món tóc của ông, vừa dài vừa rậm, để lâu không cắt - vì em thấy ông đã biến thành một con sư tử hay đại loại như vậy. Trông ông có vẻ hơi giống Nêbusanida(1) sống trong rừng, đúng thế rồi, tóc ông làm cho em nhớ đến lông chim đại bàng, còn móng tay ông có dài như vuốt chim hay không thì em chưa để ý đấy.

- Trên cánh tay này, tôi không có bàn tay mà cũng chẳng có móng - ông vừa nói vừa rút cánh tay cụt ở ngực ra và chìa cho tôi xem, nó chỉ còn là một mẩu thịt thôi... trông đến khiếp! Jên, em có thấy thế không?

- Trông thương lắm, trông mắt ông cũng vậy... cũng như trông vết sẹo bỏng trên trán ông. Và nguy hiểm hơn cả là chính vì thế mà có người lại càng yêu ông, càng quan tâm đến ông hơn.

- Jên ạ, tôi cứ nghĩ lúc em trông thấy cánh tay tôi và bộ mặt đầy sẹo của tôi, thì em phải kinh sợ lắm.

- Thực ư? Thôi đừng nói thế nữa nhé, nếu không em sẽ phải nói câu gì bất nhã về sự xét đoán của ông đấy.Thôi, bây giờ để em rời ông một lát, đi nhóm lại lửa và quét lò sưởi cái đã. Ông có thể nhận thấy lúc nào lửa cháy to không?

- Được, qua mắt phải, tôi thấy một ánh sáng sáng - một đám hồng hồng.

- Ông có nhìn thấy những cây nến không?

- Mờ lắm, mỗi cây chỉ là một vệt sáng đục.

- Thế có nhìn thấy em không?

- Không, cô tiên của tôi ạ. Nhưng được nghe tiếng em và sờ thấy người em tôi cũng sung sướng lắm rồi.

- Bao giờ thì ông ăn tối.

- Tôi không bao giờ ăn tối.

- Nhưng tối nay thì phải ăn, em đói lắm, mà chắc ông cũng thế, có điều ông quên đấy thôi.

Gọi Mary lên, tôi dọn dẹp một chốc làm cho căn phòng vui mắt hơn. Tôi cũng sửa soạn cho ông một bữa ăn ngon lành. Tinh thần được kích thích, phấn khởi, trong bữa ăn, cũng như sau đó rất lâu, tôi trò chuyện với ông một cách hoan hỷ thoải mái. Ngồi với ông, tôi không cần phải dè dặt khó chịu, không cần phải kiềm chế tính vui vẻ hoạt bát, vì với ông, tôi cảm thấy hoàn toàn dễ chịu, bởi vì tôi biết mình rất hợp với ông, điều gì tôi nói hay làm hình như cũng an ủi ông hoặc khiến ông vui hơn. Cảm tưởng thích thú biết bao! Nó hồi sinh và soi sáng toàn thể bản chất tôi, ở trước mặt ông, tôi sống đầy đủ và đối với ông cũng vậy. Tuy ông mù, song những nụ cười luôn nở trên môi, một niềm vui sướng rạng rỡ trên vầng trán ông, vẻ mặt ông đầm ấm dịu dàng hơn.

Sau bữa ăn, ông hỏi tôi rất nhiều chuyện, nào là tôi đã ở đâu, đã làm gì, làm thế nào mà tìm ra được ông, nhưng tôi chỉ trả lời qua loa, kể lại hết mọi chi tiết ngay đêm nay thì quá muộn. Vả chăng tôi cũng không muốn đụng tới những vết thương lòng, gây thêm những xúc cảm mạnh cho tim ông. Mục đích duy nhất hiện thời của tôi là làm ông vui lên. Ông có vui thật nhưng chỉ được từng lúc. Nếu chuyện ngừng lại một lát thì ông lại lo lắng, sờ vào người tôi, rồi gọi "Jên".

- Em là người thực đấy chứ, Jên? Em có chắc thế không?

- Ông Rôchextơ, em hoàn toàn tin chắc như vậy.

- Nhưng sao vào một buổi tối âm thầm buồn bã như hôm nay, tự nhiên em lại hiện lên trong gian phòng hiu quạnh của tôi? Tôi giơ tay ra định cầm chén nước của người ở đưa cho thì lại do chính em đưa cho tôi. Tôi hỏi một câu, những tưởng vợ bác Jôn sẽ trả lời, ngờ đâu lại nghe tiếng nói của em.

- Bởi vì em đem khay vào thay cho Mary.

- Và như vậy mới có cái giờ phút sung sướng này, mà tôi với em đang chung hưởng. Trong bao tháng qua, tôi đã kéo lê một cuộc đời tối tăm, bi thảm, vô vọng không sao tả xiết. Không làm gì, không đợi chờ gì, lẫn lộn ngày với đêm, chỉ biết lạnh khi để cho lửa tắt, chỉ biết đói khi quên ăn, tôi chỉ có một nỗi đau buồn liên miên không dứt, và đôi khi mong muốn điên cuồng được nhìn lại Jên của tôi. Phải, tôi mong lấy lại được nàng hơn là mong lấy lại được ánh sáng cho cặp mắt đui mù của tôi. Làm sao mà Jên lại đến được với tôi, và nói rằng nàng yêu tôi? Liệu rồi đột nhiên nàng có lại bỏ đi như đã đột nhiên đến không? Tôi sợ rằng ngày mai tôi sẽ không còn thấy nàng đâu nữa.

Ông đang có những ý nghĩ hoang mang như vậy, tôi nghĩ rằng tốt nhất là cứ trả lời bằng một câu thật thông thường, thật thực tế, thì mới khiến ông an tâm được. Tôi xoa ngón tay lên lông mày ông và nhận thấy nó đã bị cháy rụi, tôi phải tìm một thứ thuốc gì dịt vào đó cho nó mọc lại đen và rậm như trước mới được.

- Chăm nom tôi bằng cách nào đi nữa cũng vô ích, cô tiên cứu khổ của tôi ạ, nếu đến một giây phút ác nghiệt nào đó, cô sẽ lại từ bỏ tôi, biến đi như một cái bóng, cũng sẽ không sao hiểu được?

- Ông có cái lược bỏ túi đấy không?

- Để làm gì, Jên?

- Để chải lại cái bờm bù xù này. Nhìn gần em mới thấy là trông ông sợ thật. Ông cứ bảo em là cô tiên nhưng điều chắc chắn là trông ông giống một con quỷ hơn.

- Tôi xấu lắm à, Jên?

- Xấu lắm, ông ạ, bao giờ mà ông chả thế, ông cũng biết đấy.

- Hừm, dù em đã ở đâu, em cũng không bỏ được cái thói ác khẩu.

- Ấy thế mà em đã ở với những người rất tốt đấy, tốt hơn ông nhiều, tốt hơn gấp trăm lần, họ có những ý nghĩ và quan điểm mà suốt đời ông chưa hề bao giờ có được, những ý nghĩ tế nhị và cao thượng hơn ông nhiều.

- Thế em đã ở với những ai nào?

- Nếu ông cứ xoay mình như thế thì em đến rứt đứt cả tóc của ông mất, và lúc ấy chắc ông hết ngờ rằng có em thật hay không.

- Em đã ở với những ai, Jên?

- Đêm nay thì ông chưa thể bắt em nói được, phải chờ đến mai. Để câu chuyện còn dở dang mới chắc rằng em sẽ còn ăn điểm tâm với ông để kể tiếp chứ. À, mà em phải nhớ hiện ra bên lò sưởi của ông không phải chỉ với một cốc nước, mà ít nhất cũng có một quả trứng, ấy là chưa nói đến jăm bông rán.

- Em đến là tinh quái! Sinh ra là tiên mà thể chất là người! Em làm cho tôi có những cảm nghĩ suốt mười hai tháng trước đây tôi không hề có. Nếu Xôn mà có được em thay cho Đavit, thì chẳng phải cần đến cây thụ cầm mới đuổi được tà ma(1).

- Đấy, bây giờ ông đã khá rồi đấy. Thôi, em đi ra nhé. Ba ngày vừa qua, em hoàn toàn đi xe nên người mệt lắm. Chúc ông ngủ ngon.

- Cho tôi hỏi một câu nữa thôi, Jên. Nơi em đã ở chỉ có toàn các đàn bà cả thôi chứ?

- Tôi cười và bước ra, đi lên cầu thang mà vẫn còn cười. Tôi vui vẻ tự nhủ: "Hay đấy! Mình thấy có cách trêu trọc để cho ông ấy đỡ buồn trong một thời gian đấy".

Hôm sau mới sáng tinh mơ, tôi đã nghe thấy ông Rochextơ trở dậy và mò mẫm đi khắp buồng này sang buồng khác. Mary vừa mới xuống, tôi đã nghe ông hỏi: "Cô Jên vẫn ở đây chứ? "Rồi ông lại bảo: "Bác để cô ấy ngủ ở đâu? Buồng có khô ráo không? Cô ấy dậy chưa? Lên hỏi xem cô có cần gì không, và lúc nào cô xuống".

Tôi xuống vào lúc thấy rằng sắp đến giờ ăn điểm tâm. Bước vào phòng thật nhẹ nhàng, tôi đã nhìn thấy ông trước khi ông biết tôi có mặt. Quả thực nhìn một con người cường tráng như thế mà bị tàn phế thì làm sao không mủi lòng cho được, ông ngồi trên ghế, lặng lẽ nhưng không có vẻ thư thái, rõ ràng là đang chờ đợi. Những nỗi đau buồn thường xuyên giày vò đã để lại trên bộ mặt rắn rỏi của ông những vết nhăn. Gương mặt ông làm tôi liên tưởng đến một ngọn đèn đã tắt, đang chờ được thắp lại - và, than ôi! không phải chính bản thân ông có thể lấy được vẻ rạng rỡ, tinh anh như cũ, mà ông cần có người khác giúp. Tôi đã định nói chuyện thật vui vẻ tự nhiên với ông, nhưng nhìn sự bất lực của con người mạnh mẽ ấy lòng tôi bỗng xót xa, tuy vậy tôi cố làm bộ hoan hỉ đến bên ông:

- Thưa ông, sáng nay trời nắng rực rỡ. Mưa đã tạnh rồi, và bây giờ sáng sủa dịu dàng, ông đi chơi quanh đây nhé.

Tôi đã thức tỉnh được nhiệt khí, nét mặt ông tươi lên.

- Ồ, em ở đây thực đấy ư, con sơn ca của tôi? Hãy lại đây. Em đã không đi, không biến mất chứ? Vừa rồi tôi có nghe thấy một con sơn ca cất tiếng hót trong rừng; nhưng tiếng hót của nó không phải là nhạc, cũng như mặt trời mọc không có tia sáng đối với tôi. Mọi âm điệu du dương trên thế gian này chỉ có trong tiếng nói của Jên đối với tai tôi thôi, (may được cái bản tính em không hay im lặng). Và chỉ lúc có mặt nàng tôi mới cảm thấy ánh sáng mặt trời.

Nghe những lời thú nhận lệ thuộc vào tôi đó, mắt tôi bỗng ứa lệ, cảnh ngộ ông giống như cảnh ngộ con phượng hoàng vương giả bị xích vào cột đành phải van xin con chim sẻ kiếm thức ăn cho. Nhưng tôi không muốn khóc. Tôi gạt vội những giọt nước mắt và bắt tay vào sửa soạn bữa điểm tâm.

Gần suốt buổi sáng hôm ấy, chúng tôi chơi ở ngoài trời. Tôi dắt ông ra khỏi cánh rừng ẩm ướt hoang dã đến nơi có ruộng nương vui mắt. Tôi tả cho ông nghe những cánh đồng ấy xanh tốt thế nào, hoa lá trên hàng giậu tươi thắm, bầu trời trong xanh xán lạn ra sao. Tôi tìm cho ông một chỗ ngồi kín đáo và thích thú, một gốc cây khô, khi ông ngồi rồi, tôi cũng ưng chịu để ông bế tôi lên đùi, mà sao tôi lại phải từ chối, một khi được gần nhau chúng tôi thấy sung sướng hơn là phải xa nhau? Con Pilôt nằm bên chúng tôi. Mọi vật đều im lặng. Đột nhiên ông ghì chặt lấy tôi mà nói:

- Em đã bỏ tôi mà đi, ồ, em ác nghiệt, ác nghiệt thật! Jên ạ, khi biết rằng em đã rời Thornơfin, khi không làm sao tìm ra được em nữa, và sau khi xem kỹ phòng của em, biết chắc em không mang tiền nong hay một thứ gì khác thay tiền, tôi đã cảm thấy thế nào! Chuỗi ngọc tôi tặng em vẫn nằm nguyên trong chiếc hộp nhỏ, hòm xiểng của em vẫn khóa chằng dây như khi được sửa soạn mang theo trong tuần trăng mật. Tôi tự hỏi không có một xu nào như thế thì em xoay xở ra làm sao? Em đã làm gì? Em hãy kể cho tôi nghe đi.

Bị thúc giục như thế, tôi bèn kể lại những chuyện xảy ra trong năm vừa rồi. Tôi bỏ qua nhiều chi tiết về mấy ngày lang thang đói khổ, vì kể hết chỉ thêm gây cho ông một nỗi đau đớn vô ích. Tôi chỉ mới nói qua mà đã đủ khiến lòng chung thủy của ông bị vò xé sâu sắc hơn tôi nghĩ nhiều.

Ông nói đáng lẽ tôi không nên bỏ ông mà đi, không đem một chút gì để bảo đảm sinh kế như thế, đáng lễ tôi phải cho ông rõ dự định của tôi, tôi phải thổ lộ hết với ông, không bao giờ ép tôi phải làm tình nhân của ông. Tuy trong cơn tuyệt vọng, ông có vẻ thô bạo thật, nhưng thực ra, vì yêu tôi tha thiết quá nên ông không thể nào làm một bạo chúa đối với tôi. Thà ông cho tôi một nửa tài sản mà không đòi hỏi đền đáp gì, dù chỉ một cái hôn, còn hơn là để tôi lao mình vào cuộc sống mênh mông, không người trông cậy. Ông chắc tôi đã phải chịu nhiều gian khổ hơn là tôi kể lại với ông.

- Vâng, nhưng dù em có khổ thế nào chăng nữa, thì cũng không phải khổ lâu - tôi trả lời, rồi tôi lại kể tiếp ông nghe, tôi đã được tiếp đãi ở Mua Haodơ như thế nào, tôi tìm được việc dạy học ra sao v.v... Rồi tuần tự kể đến chuyện bỗng trở nên giàu có, chuyện tìm ra họ hàng thân thích, cố nhiên cái tên Xanh Jôn được nói đến luôn trong khi kể chuyện. Tôi vừa kể xong thì ông nhắc lại ngay cái tên ấy.

- Vậy anh chàng Xanh Jôn này là anh họ em à?

- Vâng.

- Em nói đến anh ta luôn, thế em có ưa anh ta không?

- Thưa ông, anh ấy là người rất tốt, làm sao em lại không ưa anh ấy được.

- Một người rất tốt, nghĩa là một người đứng đắn đáng trọng, vào trạc năm mươi tuổi? Hay là thế nào?

- Xanh Jôn mới có hai mươi chín tuổi, thưa ông.

- "Jeune encore"(1) như người Pháp thường nói. Anh ta là một người thấp lùn, lạnh lẽo, tầm thường ư? Một người mà cái tốt là ở chỗ không có những tật xấu hơn là có những hành vi đạo đức đặc biệt chứ?

- Anh ấy là một người hoạt động không biết mệt. Anh ấy sống là để thực hiện những việc vĩ đại cao quý.

- Nhưng trí tuệ anh ta thế nào? Chắc là cũng tầm thường? Anh ta có những ý nghĩ tốt, nhưng nghe anh ta nói, em chỉ nhún vai?

- Anh ấy ít nói lắm, nhưng đã nói điều gì thì đều là đúng đắn. Trí tuệ anh thì vào bậc nhất, có lẽ không dễ cảm, em nghĩ thế, nhưng cứng mạnh.

- Vậy là một người có tài ư?

- Thực có tài.

- Một người học thức sâu rộng?

- Xanh Jôn hoàn toàn là một học giả uyên thâm.

- Còn cử chỉ, thì hình như em nói là em không ưa? Mô phạm và ra vẻ nhà tu lắm phải không?

- Em có nói gì về cử chỉ anh ấy đâu, trừ khi em là kẻ không biết gì, chứ em không thể chê trách anh ấy vào đâu được, nhã nhặn, điềm đạm, rất lịch sự.

- Bộ dạng thì... tôi quên không nhớ em đã tả như thế nào... hẳn là thuộc loại mục sư mới tập nghề, cứng nhắc trong cái cổ áo trắng tinh, lênh khênh trên đôi giày cao đế, phải không?

- Xanh Jôn ăn mặc chỉnh lắm, anh ấy là một người đẹp trai, cao, tóc vàng, mắt xanh, khuôn mặt nhìn nghiêng giống người Hy Lạp.

- (Ông nói riêng) Đồ chết toi! (Quay ra nói với tôi) - Thế em có ưa anh ta không, Jên?

- Có chứ, ông Rôchextơ, em quý anh ấy lắm, nhưng ông hỏi đã hỏi em câu ấy rồi kia mà.

- Cố nhiên, tôi biết ngay ông bạn tôi muốn đi đến đâu.

Ông đang nổi cơn ghen, nó đang giày vò ông, nhưng không sao, như thế càng tốt, nhờ có nó ông đỡ bị u sầu dằn vặt. Vì vậy tôi không muốn làm mê hoặc ngay con rắn ấy.

- Có lẽ cô không muốn ngồi lên đùi tôi lâu hơn nữa. Cô Jên nhỉ? - Ông nói tiếp, câu nói có phần hơi bất ngờ.

- Tại sao lại không, thưa ông?

- Bức chân dung cô vừa vẽ đó bầy ra một sự trái ngược rõ ràng quá rồi. Cô vừa mô tả một vị thần Apôlông(1) đẹp đẽ và duyên dáng quá, hình ảnh ấy còn in trong trí não cô - những là cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, mặt Hy Lạp. Thế mà mắt cô lại đang phải nhìn một anh Vunkanh(1)... một anh thợ rèn thật sự, đen đủi, vai u thịt bắp, lại thêm nỗi đui mù què cụt.

- Trước kia em chưa nghĩ đến điều đó bao giờ, nhưng kể ra ông chắc cũng giống Vunkanh thực đấy.

- Thôi, vậy thì cô có thể bỏ mặc tôi được rồi, nhưng trước khi đi (và ông càng ghì chặt tôi hơn bao giờ hết), cô hãy vui lòng trả lời tôi một hai câu hỏi đã.

Ông ngừng lại.

- Hỏi gì, ông Rôchextơ?

Rồi cuộc thẩm vấn diễn ra như sau:

- Xanh Jôn cho cô giáo ở Mortơn trước khi biết cô là em họ phải không?

- Vâng.

- Cô thường gặp anh ta luôn? Anh ta thường thỉnh thoảng đến thăm trường?

- Đến hàng ngày.

- Anh ta thường tán thành các kế hoạch của cô chứ, Jên? Tôi biết các kế hoạch của cô thường hay lắm, vì cô là người có tài.

- Vâng, anh ấy tán thành.

- Hẳn anh ta phải thấy ở cô nhiều cái mà anh ta không ngờ tới chứ? Cô có một số khả năng không phải tầm thường.

- Cái đó thì em không rõ.

- Cô nói rằng cô ở trong một ngôi nhà nhỏ cạnh trường, anh ta có bao giờ lại đấy thăm cô không?

- Thỉnh thoảng.

- Vào buổi tối?

- Có một hai lần.

Ngừng một lát.

- Sau khi biết có họ với nhau thì cô còn ở với anh ta cùng hai cô em trong bao lâu?

- Năm tháng.

- Rivơ có để nhiều thì giờ sống với các cô ở nhà không?

- Có phòng khách nhỏ cũng là phòng đọc sách của cả anh ấy lẫn chúng em. Anh ấy ngồi bên cửa sổ còn chúng em ngồi ở bàn.

- Anh ta có học nhiều không?

- Nhiều lắm!

- Học gì?

- Tiếng Hinđi.

- Thế còn cô trong lúc ấy làm gì?

- Mới đầu em học tiếng Đức.

- Anh ta dạy cô à?

- Anh ấy không biết tiếng Đức.

- Anh ấy không dạy cô học gì à?

- Một ít tiếng Hinđi.

- Rivơ đã dạy học cô học tiếng Hinđi?

- Thưa ông, vâng.

- Cả các cô em cũng học?

- Không ạ.

- Chỉ một mình cô thôi?

- Chỉ một mình em thôi?

- Cô đã xin học à?

- Không.

- Anh ta muốn dạy cô à?

- Vâng.

Lại ngừng một lát.

- Tại sao anh ta lại muốn thế? Cô thì dùng tiếng Hinđi làm gì?

- Anh ấy muốn cùng em đi sang Ấn Độ

- À, tôi đã lần được đầu mối của vấn đề đây. Anh ta muốn lấy cô ư?

- Anh ấy có hỏi em làm vợ.

- Cô lại bịa chuyện để làm phật lòng tôi chứ gì?

- Xin lỗi ông, nhưng đó là sự thực hoàn toàn. Anh ấy đã nhiều lần hỏi lấy em, và còn khăng khăng giữ vững ý định của mình hơn ông nữa kia.

- Cô Erơ, tôi đã bảo là cô có thể bỏ mặc tôi ở đây. Sao cô cứ bắt tôi phải nhắc lại câu ấy nhiều lần? Tại sao tôi đã giục cô đi mà cô cứ ngồi lì trên đùi tôi thế?

- Vì em thấy ngồi đây dễ chịu.

- Không, Jên ạ. Cô không dễ chịu đâu, vì trái tim cô không ở với tôi nữa, mà ở bên người anh họ cô, cái anh chàng Xanh Jôn ấy! Ồ! Cho đến lúc này tôi vẫn cứ tưởng cô Erơ bé nhỏ là của tôi hoàn toàn! Tôi đã tin rằng dù rời bỏ tôi, cô vẫn yêu tôi, đó là một chút an ủi cho tôi giữa bao niềm cay đắng. Dù xa cách nhau lâu như thế, dù tôi đã nhỏ bao nhiêu nước mắt nóng hổi vì sự phân ly, tôi cũng không bao giờ ngờ rằng trong khi tôi thương nhớ cô, thì cô lại đi yêu một kẻ khác! Nhưng thôi, phiền muộn cũng chẳng ích gì. Cô Jên, cô hãy rời bỏ tôi đi, hãy đi mà lấy Rivơ.

- Cứ xua em đi, cứ đuổi em đi, ông ạ, vì không bao giờ em lại tự ý rời bỏ ông.

- Jên! Bao giờ tôi cũng thích giọng nói của cô, nó khơi lại nguồn hy vọng, nghe nó chân thực quá. Nghe giọng cô nói, tôi sống lại quá khứ trước đây một năm! Tôi quên mất là cô đã có một dây ràng buộc mới, nhưng tôi không phải là ngu ngốc. Thôi, hãy đi đi!

- Thế em phải đi đâu, thưa ông?

- Theo con đường của cô... với người chồng cô đã chọn.

- Ai thế nhỉ?

- Cô biết thừa rồi - Xanh Jôn Rivơ chứ còn ai.

- Anh ấy có phải là chồng em đâu, mà cũng không bao giờ là chồng được. Anh ấy không yêu em. Em cũng không yêu anh ấy. Anh ấy yêu (yêu theo lối của anh ấy, không giống ông) một thiếu nữ rất đẹp tên là Rôdamơn. Anh ấy muốn lấy em chỉ vì anh ấy nghĩ em làm vợ một nhà truyền giáo thì rất thích hợp, còn cô kia thì không thể như thế được. Anh ấy tốt và cao cả, nhưng nghiêm khắc, và đối với em thì lạnh lẽo như núi băng. Anh ấy không giống ông đâu, ông ạ, ở bên anh ấy, gần anh ấy, sống với anh ấy, em không sung sướng. Đối với em, anh ấy không có lòng khoan dung, không có tình âu yếm. Anh ấy không thấy em có gì đáng hấp dẫn, kể cả tuổi trẻ, mà chỉ thấy có một vài điểm hữu ích về tinh thần. Vậy mà em lại phải bỏ ông, để đi với anh ấy sao?

Tự nhiên tôi rùng mình và bất giác ôm chặt lấy ông chủ mù nhưng yêu dấu của tôi. Ông mỉm cười.

- Sao, Jên, có thực không? Giữa cô và Xanh Jôn tình trạng đúng như thế à?

- Hoàn toàn đúng như thế! Ồ ông không cần phải ghen. Em chỉ muốn trêu ông một tí cho đỡ buồn thôi. Em nghĩ thật giận dữ còn hơn là đau khổ. Nhưng nếu ông muốn em yêu ông, nếu ông có thể thấy rõ em yêu ông đến thế nào thì ông sẽ hài lòng và lấy làm kiêu hãnh nữa. Thưa ông, trái tim em hoàn toàn thuộc về ông, nó là của ông, và nó vẫn cứ ở bên ông, dù số phận có đầy đọa em phải xa ông mãi mãi.

Một lần nữa, khi ông hôn tôi, những ý nghĩ đau đớn lại khiến gương mặt ông tối lại.

- Mắt tôi mù, sức lực tôi bị hủy diệt - ông lẩm bẩm, giọng đầy tiếc hận.

Tôi vuốt ve ông cho ông nguôi lòng. Tôi biết ông đang nghĩ gì và muốn nói ra hộ ông, nhưng tôi không dám. Lúc ông quay mặt đi trong một phút, tôi thấy một giọt lệ ứa ra từ con mắt đã khép kín, chảy ròng ròng trên gò má rắn rỏi. Lòng tôi se lại.

- Tôi cũng chẳng khác gì cây dẻ già nua bị sét đánh trong vườn quả Thornơfin, - lát sau ông nói tiếp. - Gốc cây điêu tàn ấy có quyền gì đòi một cây kim ngân hoa đang hé nụ lấy sự tươi tốt che cho cái thân tàn tạ của nó?

- Thưa ông, ông không phải là một gốc cây tàn tạ, bị sét đánh, ông vẫn xanh tươi và đầy nhựa sống. Rồi đây quanh rễ của ông, dù ông muốn hay không, những cây con cũng sẽ cứ mọc lên, vì chúng sung sướng được hưởng bóng râm độ lượng của ông và khi chúng mọc rồi, chúng sẽ nương tựa vào ông, quấn quít lấy ông, vì sự vững chãi của ông mang lại cho chúng một chỗ tựa vững chắc.

Ông lại mỉm cười, tôi đã làm cho ông phấn chấn lên.

- Em nói đến tình bạn ư, Jên? - Ông hỏi.

- Vâng, tình bạn, - tôi trả lời, hơi ngập ngừng, vì tôi biết tôi muốn nói đến một tình cảm thân thiết hơn tình bạn, nhưng chưa biết dùng chữ gì cho tiện. Ông đã giúp tôi.

- Nhưng, Jên ạ. Tôi cần có một người vợ.

- Thật ư, thưa ông?

- Phải, em lạ lắm sao?

- Cố nhiên, trước đây ông có đả động gì đến chuyện ấy đâu.

- Em không hoan nghênh tin đó ư?

- Cái đó còn tuỳ, thưa ông... tuỳ ở sự lựa chọn của ông.

- Em sẽ chọn hộ tôi, Jên ạ. Tôi sẽ vâng theo quyết định của em.

- Vậy thưa ông, ông hãy chọn... Người nào yêu ông nhất.

- Ít nhất tôi cũng sẽ chọn... Người nào tôi yêu nhất. Jên ơi, em có vui lòng lấy tôi không?

- Thưa ông. Có!

- Một người mù khốn khổ, mà đi đâu em cũng sẽ phải cầm tay dắt?

- Thưa ông, vâng!

- Một người què quặt, già hơn em đến hai chục tuổi, mà em sẽ phải chăm nom săn sóc?

- Thưa ông, vâng!

- Thực ư, Jên?

- Rất thực, thưa ông.

- Ồ, em yêu dấu của tôi! Cầu Chúa phù hộ và ban phúc lành cho em!

- Ông Rôchextơ ơi, nếu trong đời em, có khi nào đã làm được một việc gì tốt, có khi nào em đã có một ý nghĩ tốt, có khi nào em đã cầu nguyện một cách thành khẩn, mà không có gì đáng trách, có khi nào em đã biết ước mong đúng đắn, thì bây giờ đây em đã được hưởng công, được làm vợ ông, đối với em đó là hạnh phúc tối cao trong cuộc sống.

- Vì em thấy sung sướng trong hy sinh.

- Hy sinh! Em có hy sinh gì đâu? Em chỉ hy sinh cái đói khát để có thức ăn, hy sinh sự chờ đợi để được thỏa mãn. Được có đặc quyền vòng cánh tay ôm lấy người mà em vẫn quý trọng... được đặt môi hôn người mà em vẫn yêu, được nương tựa vào người mà em vẫn tin cậy, như vậy sao gọi là hy sinh? Nếu thế, thì nhất định em thấy sung sướng trong sự hy sinh.

- Và phải còn đeo lấy những phế tật của tôi nữa chứ, Jên ạ, phải nhắm mắt bỏ qua cho những khuyết điểm của tôi.

- Đối với em, thì là không có, ông ạ. Bây giờ em lại yêu ông hơn, vì bây giờ em thực sự có ích cho ông hơn là hồi ông là người độc lập, kiêu hãnh, hồi ông coi rẻ hết thảy mọi cương vị, trừ phi là người ban ơn và che chở.

- Cho đến nay tôi vẫn ghét để cho người khác giúp đỡ, dẫn dắt. Nhưng từ nay tôi cảm thấy sẽ không ghét như thế nữa. Trước kia, tôi không ưa đặt tay tôi vào bàn tay một người làm công. Nhưng tôi vui sướng thấy nó được ấp ủ trong những ngón tay nhỏ nhắn của Jên. Trước kia tôi ưng được hoàn toàn cô độc hơn là được bọn đầy tớ luôn chăm sóc, nhưng sự săn sóc của Jên sẽ là một niềm vui bất tuyệt cho tôi. Jên hợp với tôi, liệu tôi có hợp với Jên không?

- Hợp đến cả từng đường gân thớ thịt của em, ông ạ.

- Nếu như vậy, thì chẳng có sự gì trên đời này khiến chúng ta phải chờ đợi nữa. Chúng ta phải kết hôn ngay.

Ông nhìn và nói một cách nhiệt tình hăng hái, cái tính sôi nổi cố hữu của ông lại trỗi dậy.

- Chúng ta phải kết hôn với nhau luôn không chậm trễ được nữa. Jên ạ, chỉ cần có tờ giấy phép là chúng ta kết hôn thôi.

- Ông Rôchextơ, em vừa nhận ra rằng trời đã xế chiều, con Pilôt hiện đã về nhà để ăn rồi. Đưa em xem đồng hồ của ông nào.

- Jên, em hãy đeo nó vào dây lưng, từ nay em cứ giữ lấy, tôi không dùng gì đến nó.

- Gần bốn giờ chiều rồi ông ạ, ông có thấy đói không?

- Hai hôm nữa, chúng ta phải làm lễ cưới, Jên ạ. Bây giờ thì chả cần chú ý đến áo đẹp hay đồ trang sức, tất cả những thứ đó không còn ý nghĩa gì nữa.

- Nắng đã làm khô hết các giọt nước mưa. Gió nhẹ cũng đã lặng, trời nắng quá đi mất.

- Jên, em có biết hiện giờ tôi vẫn đeo chuỗi ngọc nhỏ của em quanh cái cổ đồng đen của tôi, dưới chiếc cà vạt này không? Tôi đã đeo nó từ ngày tôi mất cái kho tàng quý nhất của tôi, để giữ một kỷ niệm về em đấy.

- Chúng ta sẽ đi qua rừng để về nhà đi, đường ấy có nhiều bóng râm.

Ông vẫn theo đuổi ý nghĩ riêng, không để ý đến lời tôi nói.

- Jên ạ, tôi dám chắc em vẫn cho tôi là một con chó vô đạo, nhưng trong phút này, lòng tôi đang tràn ngập một niềm tri ân đối với Chúa nhân từ đã dựng nên trái đất này. Người nhận xét không như chúng ta, mà công minh hơn nhiều. Tôi đã hành động sai lầm, tôi đã muốn làm ô uế bông hoa trong trắng của tôi, định hà hơi thở tội lỗi vào sự tinh khiết của nó. Đấng vạn năng bèn lấy nó đi, không cho tôi nữa. Còn tôi, trong cơn phản kháng ngoan cố tôi hầu như nguyền rủa thử thách của Người. Đáng lẽ phải tuân theo quyết định của Người, tôi đã thách đố lại. Bánh xe công lý thần thánh cứ quay, thảm họa đã gieo nặng lên đầu tôi. Tôi đã bắt buộc phải đi qua thung lũng đầy bóng tối của cái chết. Những trừng phạt của Người thực là mạnh mẽ, và một trừng phạt đã giáng xuống tôi, và khuất phục tôi mãi mãi. Em biết tôi rất kiêu hãnh về sức mạnh của tôi, nhưng ngày nay sức mạnh ấy còn có nghĩa gì, khi tôi phải để cho người khác dẫn dắt, cũng như đứa trẻ yếu đuối vậy. Mới đây, Jên ạ, mới gần đây thôi, tôi bắt đầu nhìn thấy và biết rằng có bàn tay của Chúa trong vận mệnh của tôi. Tôi bắt đầu thỉnh thoảng cầu kinh, những đoạn kinh rất ngắn thôi, nhưng thực là chân thành.

"Trước đây mấy hôm à, mà tôi có thể nói rõ hẳn... bốn hôm, tức là tối thứ hai vừa rồi, tôi thấy trong người bứt rứt khác thường, mộ 1be1 t nỗi buồn bã thay thế cho cơn giận dữ, một nỗi đau đớn thay thế cho tính cáu kỉnh. Đã lâu, từ khi tôi không sao tìm thấy em, tôi vẫn có cảm tưởng rằng em đã chết. Đêm đó, trời đã khuya, có lẽ vào khoảng giữa mười một và mười hai giờ, trước khi trở về với giấc ngủ cô liêu, tôi cầu xin Chúa, nếu Người thấy là nên, thì xin Người hãy sớm cho tôi được từ bỏ thế giới này và bước sang thế giới bên kia, nơi tôi còn có hy vọng được gặp Jên.

"Tôi đang ở trong buồng riêng, ngồi bên cửa sổ mở rộng. Cảm thấy khí đêm thơm ngát, tôi thấy tâm hồn thanh thản, tuy tôi không thể nhìn được một ngôi sao nào, mà chỉ thấy một đám sáng lờ mờ, tôi biết là có trăng. Tôi khao khát có em Jên ạ! Ồ, cả linh hồn và xác thịt tôi khao khát có em! Vừa lo âu vừa kính cẩn, tôi bỗng cầu hỏi Chúa xem tôi bị cô độc, đau đớn, giày vò trong bao lâu như thế đã đủ chưa, và liệu tôi có sớm được hưởng hạnh phúc và sự thanh thản một lần nữa không? Tôi rất đáng phải chịu đựng tất cả những tai họa ấy, tôi thừa nhận điều đó, nhưng tôi van vỉ rằng khó lòng tôi chịu đựng được hơn nữa, và toàn bộ ước vọng của lòng tôi vô tình buột ra khỏi miệng thành tiếng "Jên! Jên! Jên!".

- Ông có nói to những tiếng ấy?

- Tôi nói to, Jên ạ. Nếu lúc ấy có ai nghe thấy tôi, hẳn phải cho tôi là điên. Tôi thốt ra những tiếng ấy với một nghị lực cuồng nhiệt.

- Vào đêm thứ hai vừa rồi, lúc gần nửa đêm phải không?

- Đúng, nhưng thời gian không quan trọng, sự gì xảy ra tiếp theo mới thực lạ kỳ. Em sẽ cho là tôi mê tín - có phần nào sự mê tín đã có ở trong máu tôi và xưa nay vẫn có - nhưng đó là sự thật, ít nhất thì sự thật cũng là tôi đã nghe thấy những gì bây giờ tôi kể lại đây.

"Tôi vừa thốt ra mấy tiếng: "Jên! Jên! Jên!" thì bỗng có tiếng trả lời: "Tôi đến đây, chờ tôi với"- tôi không thể nói tiếng ấy từ đâu lại, nhưng tôi biết đó là tiếng ai - một lát sau lại có mấy tiếng thì thầm trong gió: "Ông ở đâu?".

"Nếu có thể thì tôi sẽ kể em nghe những ý nghĩ, những cảnh tượng mà mấy tiếng nói kia đã gợi lên trong óc tôi, song những điều tôi muốn thực khó diễn tả quá, Fơcđin, như em thấy, chìm sâu trong một khu rừng rậm, ở đó mọi tiếng động bị kìm lại và tắt dần đi không một tiếng vang. Câu "ông ở đâu" hình như được nói lên trong núi, vì tôi nghe thấy tiếng đồi núi vọng lại. Gió lướt trên trán tôi lúc ấy hình như có mát lạnh hơn. Tôi có cảm tưởng rằng trong một khung cảnh hoang vu, hiu quạnh nào đó, tôi và Jên đã gặp nhau. Tôi tin rằng nhất định tinh thần chúng ta đã gặp nhau. Vào giờ đó, chắc là em đang ngủ mê mệt, có lẽ linh hồn em đã thoát ra khỏi thể xác giam giữ nó để tới an ủi tôi, vì đúng là giọng nói của em, điều đó tôi có thể chắc chắn như hiện giờ tôi đang sống!".

Bạn đọc ạ, cũng đúng vào đêm thứ hai, khoảng gần nửa đêm, tôi cũng đã nghe thấy cái tiếng gọi bí mật kia. Chính tôi đã đáp lại bằng những câu ông nghe thấy. Tôi lắng nghe ông Rôchextơ kể chuyện, nhưng không tiết lộ điều đó. Sự trùng hợp này đối với tôi vừa đáng sợ, vừa khó hiểu quá, thành thử không thể đem ra bàn bạc hay nói cho ông biết. Nếu tôi nói thì câu chuyện của tôi tất nhiên sẽ gây trong tâm trí ông Rôchextơ một ấn tượng sâu sắc mà tâm trí ông vì những đau đớn mới đây, đã quá rầu rĩ rồi, không nên để sự huyền bí phủ thêm bóng tối âm u nữa. Tôi giữ kín những điều đó trong lòng và nghiền ngẫm một mình, ông chủ tôi lại nói tiếp:

"Bây giờ thì em không còn phải ngạc nhiên tại sao tối qua, khi em đến trước mặt tôi một cách bất ngờ như thế, tôi đã khó khăn lắm mới tin được rằng em không phải chỉ là một tiếng nói, hay một ảo ảnh, nghĩa là một cái gì sẽ tan biến trong hư không và im lặng, như tiếng thì thầm và tiếng vọng của núi đồi đã tan biến đi đêm trước. Bây giờ tôi xin cảm tạ Chúa! Tôi biết mọi sự an bài khác hẳn. Phải, tôi xin cảm tạ Chúa.

Ông nhấc tôi từ trên đùi xuống, đứng lên, kính cẩn bỏ mũ ra và cúi đầu, cặp mắt không ánh sáng của ông hướng xuống đất, ông đứng yên lặng sùng kính. Tôi chỉ nghe rõ mấy câu cuối trong lời ông tạ ơn Chúa:

- Tôi cảm tạ đấng Sáng tạo ra tôi vì giữa cuộc phán xử Người đã tỏ lòng thương xót. Tôi cúi xin đấng Cứu thế cho tôi sức mạnh để từ nay sống một cuộc đời trong sạch hơn cuộc đời từ trước đến nay tôi đã sống!

Rồi ông chìa tay ra cho tôi dắt. Tôi nắm lấy bàn tay thân yêu ấy, ấp vào tôi một lúc, rồi quàng qua vai tôi, vì tôi thấp hơn ông nhiều, nên tôi vừa là người nâng đỡ vừa là người dẫn đường cho ông. Chúng tôi đi vào rừng và trở về nhà.



1. Nêbusanida là một nhà vua thời cổ ở Babylon, theo truyền thuyết, đã sống bảy năm trong rừng cùng với thú vật.

1. Theo Kinh thánh, vua Xôn bị tà ma ám ảnh. Đavit, một người chăn cừu hát giỏi, chơi thụ cầm để đuổi tà ma cho nhà vua.

1. Hãy còn trẻ.

1. Apôlông: trong thần thoại Hy Lạp, thần trông coi về thi ca, nghệ thuật, người rất đẹp; Vukanh là thần thợ rèn, người xấu xí, què chân, và hay ghen.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86039


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận