Jên Erơ Chương 38


Chương 38
Bạn đọc ạ, tôi đã lấy ông Rôchextơ. Đám cưới của chúng tôi rất đơn giản.

Chỉ có tôi, ông Rôchextơ, vị mục sư và người phụ lễ. Khi chúng tôi ở nhà thờ về, tôi bước vào trong căn bếp của trang thự, lúc ấy Mary đang nấu ăn và Jôn đang lau dao dĩa. Tôi nói:

- Thế ư, thưa cô? Vậy thì hay lắm!

Một lát, bác lại nói tiếp: "Ban nãy tôi có trông thấy cô và ông chủ đi ra, nhưng không biết là ra nhà thờ để làm lễ cưới, và bác lại tiếp tục rưới mỡ. Lúc tôi quay lại nhìn bác Jôn thì thấy bác đang cười, mép xoạc ra đến tận mang tai. Bác nói:

- Tôi đã bảo Mary rằng thể nào rồi cũng thế mà, tôi biết ông Êđua sẽ làm thế (Jôn là một lão bộc, và đã biết ông chủ từ lúc ông còn ở địa vị con thứ trong gia đình, cho nên vẫn gọi ông bằng tên rửa tội). Tôi đã biết chắc là ông ấy không chịu đợi lâu đâu. Và tôi cho như thế là phải lắm. Xin cầu Chúa cho cô mọi điều sung sướng.

Rồi bác lễ phép sờ tay lên mớ tóc trên trán.

- Cảm ơn bác, bác Jôn. Ông Rôchextơ bảo tôi đưa biếu bác và bác Mary cái này - tôi đặt vào tay bác tờ giấy năm bảng, rồi không đợi họ cảm ơn, tôi rời khỏi bếp. Một lát sau, đi qua cửa bếp, tôi thoáng nghe thấy hai người nói với nhau: "Cô ấy có khi lại hợp với ông nhà hơn chán vạn các bà quý tộc khác", rồi "Cô ấy không đẹp lắm, nhưng được cái tốt bụng, không kiêu kỳ, mà ông nhà thì cho cô là đẹp nhất đời, ai cũng thấy thế".

Tôi liền viết ngay thư gửi đi Mua Hadơ và Cambrigiơ để nói về những việc tôi đã làm. Đyana và Mary tán thành hành động của tôi không chút dè dặt, Đyana báo rằng cô chỉ chờ chúng tôi hết tuần trăng mật là đến thăm chúng tôi ngay. Nghe tôi đọc bức thư, ông Rôchextơ nói:

- Bảo cô ta đừng nên chờ đến lúc ấy thì hơn, Jên ạ - nếu thế thì sẽ chậm quá vì tuần trăng mật của chúng ta sẽ sáng mãi suốt đời ta, tia sáng của nó chỉ phai lạt trên nấm mồ của em hay của tôi thôi.

Xanh Jôn tiếp nhận tin ấy ra sao, tôi không rõ, anh không trả lời bức thư tôi báo tin cho anh. Tuy vậy sáu tháng sau anh có viết cho tôi, nhưng không hề đả động gì đến tên ông Rôchextơ, cũng không nói gì đến cuộc hôn nhân của tôi. Bức thư của anh lời lẽ bình thản và ngọt ngào, tuy hơi nghiêm trang. Từ đó anh vẫn đều đặn viết thư cho tôi tuy không viết luôn. Anh mong tôi được hạnh phúc và tin rằng tôi không thuộc loại người sống không có đức tin ở Chúa, mà chỉ chú ý đến những điều trần tục.

Chắc bạn đọc cũng chưa quên hẳn Ađen? Tôi cũng vậy, tôi đã xin phép ông Rôchextơ và ông đồng ý cho đến trường thăm nó. Gặp lại tôi, con bé mừng rối lên, làm tôi cảm động quá. Coi bộ nó gầy và xanh, nó bảo rằng ở đấy nó không thích. Tôi nhận thấy nội quy trường này quá nghiệt ngã, chương trình học quá nặng đối với lứa tuổi nó, tôi bèn đem nó về nhà. Tôi định lại làm bảo mẫu cho nó một lần nữa, nhưng rồi tôi nhận thấy ngay là không thể được, bây giờ thì giờ và sự chăm sóc của tôi phải dành cho một người khác, chồng tôi đang cần đến cả hai. Tôi bèn tìm một trường có quy chế tương đối rộng rãi và ở gần hơn, để tôi tiện đi lại thăm nom Ađen và thỉnh thoảng đón nó về nhà chơi. Tôi chú ý để nó không thể thiếu thốn một thứ gì có thể làm cho nó được thoải mái. Chẳng bao lâu con bé thấy thích hợp với trường mới, sống vui vẻ và học hành tấn tới rõ rệt. Nó lớn dần lên, và nền giáo dục lành mạnh của người Anh đã sửa chữa cho nó rất nhiều khuyết điểm của người Pháp và khi rời khỏi nhà trường, nó đă trở thành một người bạn rất ngoan ngoãn và dễ chịu của tôi, dễ bảo, tính tình tốt, có đạo đức. Từ lâu, bằng thái độ biết ơn và quan tâm đến tôi và những người thân của tôi, nó đã đền đáp lại chút lòng tử tế mà tôi đối xử với nó, trong phạm vi khả năng của nó.

Câu chuyện của tôi sắp chấm dứt. Tôi chỉ xin nói thêm đôi lời về cuộc đời làm vợ của tôi, và nhìn qua số phận của những người mà tên tuổi thường được nhắc đến luôn trong câu chuyện này, rồi tôi xin ngừng bút.

Tính đến nay tôi đã lấy chồng được mười năm. Tôi hiểu thế nào là sống hoàn toàn cho người mình yêu nhất trên đời. Tôi tự cho mình đã được sung sướng cực kỳ, sung sướng không lời nào tả xiết. Vì tôi là cuộc đời của chồng tôi, hoàn toàn như chồng tôi là cuộc đời của tôi.

Không có một người đàn bà nào gần gũi chồng mình hơn tôi. Sống chung với Êđua của tôi, tôi không bao giờ thấy chán, mà chồng tôi cũng vậy, cũng như không bao giờ mỗi người chán nghe tiếng đập của hai trái tim trong hai lồng ngực riêng biệt; do đó lúc nào chúng tôi cũng ở bên nhau. Đối với chúng tôi, ở bên nhau vừa có nghĩa là tự do như khi chỉ có một mình, vừa có nghĩa là vui vẻ như khi sống cùng bầu bạn. Có thể nói là chúng tôi trò chuyện với nhau suốt ngày được, nói chuyện với nhau đối với chúng tôi chỉ là một cách suy nghĩ náo nhiệt hơn, suy nghĩ thành lời thành tiếng mà thôi. Nhà tôi hoàn toàn tin cẩn tôi, cũng như tôi hoàn toàn tin cẩn ông. Chúng tôi tâm đầu ý hợp về mọi mặt, kết quả là chúng tôi sống rất hòa thuận.

Hai năm đầu trong cuộc sống chung của chúng tôi, Rôchextơ vẫn bị mù. Có lẽ vì hoàn cảnh ấy mà chúng tôi rất gần gũi nhau, ràng buộc chặt chẽ với nhau, vì hồi đó tôi là mắt, cũng như hiện nay còn là cánh tay phải của nhà tôi. Nói đúng theo nghĩa đen thì hồi ấy tôi là con ngươi của mắt ông (như ông thường gọi tôi), ông ngắm thiên nhiên, ông xem sách đều thông qua tôi. Vì tôi không bao giờ thấy chán vì phải nhìn thay ông, và diễn tả lại bằng lời nói cảnh tượng đồng ruộng cây cối, thành thị, sông ngòi, mây bay, nắng sáng - phong cảnh trước mặt và thời tiết chung quanh chúng tôi - in vào tai ông bằng âm thanh những gì ánh sáng không thể rọi vào mắt ông được nữa. Không bao giờ tôi thấy chán vì đọc sách cho ông nghe, vì dắt ông đi đây đi đó theo ý ông thích, vì làm những việc ông muốn tôi làm. Trong khi giúp ông, tôi thấy một niềm vui thú đầy đủ nhất, tuyệt đích nhất, tuy có đượm buồn, vì khi nhờ tôi làm hộ, ông không hề lấy làm xấu hổ hay tủi nhục, ông yêu tôi hết sức chân thực, nên nhờ giúp đỡ mà không ngại ngùng, ông cảm thấy rằng tôi yêu ông cũng hết sức đằm thắm, nên được giúp đỡ ông là niềm sung sướng êm dịu nhất đối với tôi.

Một buổi sáng, khoảng cuối hai năm ấy, đang đọc cho tôi viết một bức thư, bỗng ông lại gần cúi xuống bên tôi nói:

- Jên, em đeo một vật trang sức óng ánh quanh cổ phải không?

Tôi có đeo một sợi dây chuyền vàng thật, tôi trả lời:

- Vâng.

- Em mặc áo màu xanh nhạt phải không?

- Đúng thế.

Lúc đó ông mới cho tôi biết rằng, từ ít lâu nay ông có cảm tưởng cái đám mây đen che một bên mắt ông đã bớt dày đặc đi nhiều, và bây giờ thì ông chắc chắn là như thế rồi.

Tôi và ông bèn cùng đi Luân Đôn, ông được một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng thăm bệnh, và chẳng bao lâu sau lấy lại được ánh sáng cho một bên mắt. Bây giờ thì ông cũng không nhìn được rõ ràng lắm, không viết hay đọc nhiều được, nhưng có thể đi một mình không cần ai dắt tay, bầu trời cũng như mặt đất đối với ông không còn là trống rỗng nữa. Khi người ta đặt đứa con đầu lòng vào tay ông, ông đã có thể nhìn thấy rõ đứa bé đã thừa hưởng được chính đôi mắt của ông khi xưa, to sáng và đen. Nhân dịp này, một lần nữa, với tâm hồn tràn ngập niềm vui, ông cảm tạ Chúa đã có lòng nhân từ giảm nhẹ sự trừng phạt cho ông.

Êđua và tôi đều có hạnh phúc, chúng tôi càng sung sướng hơn vì những người mà chúng tôi yêu quý nhất cũng đều có hạnh phúc. Đyana và Mary Rivơ đã lấy chồng cả, mỗi năm một lần, họ đến thăm chúng tôi, và chúng tôi cũng đến thăm họ. Chồng Đyana là một thuyền trưởng thủy quân, một sĩ quan dũng cảm, một người rất tốt. Chồng Mary là một mục sư, bạn đồng học của anh trai cô, cuộc hôn phối cũng xứng đáng, vì ông này có tài và có đạo đức. Fitjêmx và Wactơn rất yêu vợ, và cũng rất được vợ yêu.

Còn về Xanh Jôn, anh đã rời nước Anh, anh đi Ấn Độ. Anh đã bước vào con đường anh tự vạch ra, và hiện vẫn tiếp tục theo con đường ấy. Ở những nơi nguy hiểm gian khổ, chưa bao giờ thấy một người lính tiền phong nào kiên quyết, không mệt mỏi như anh. Vững vàng, trung thành, tận tụy, đầy nghị lực, nhiệt tình và trung thực, anh làm việc cho người đồng loại. Anh phá quang con đường tiến bộ đầy gian khổ cho họ. Như một người khổng lồ, anh phá tan những thành kiến về tôn giáo, và đẳng cấp cản đường họ. Có thể là anh khắc khổ, khe khắt, nhiều tham vọng thực, nhưng đó là sự khắc khổ của người chiến sĩ có tâm hồn lớn, bảo vệ cho đoàn người hành hương khỏi bị bọn ngoại đạo tấn công. Đó là sự khe khắt của vị sứ đồ đã thay lời Chúa phán bảo. "Ai thánh giá và đi theo ta". Đó là tham vọng của đấng Tuyệt vời nhằm chiếm lấy một chỗ ở hàng đầu trong đội ngũ của những người đã thoát khỏi trần tục, những người tham dự vào đại thắng lợi cuối cùng của Jêsu, những người đã được vời gọi, được lựa chọn, và trung thành.

Xanh Jôn không lấy vợ, và bây giờ thì không bao giờ anh còn lấy được vợ nữa. Từ trước đến nay mình anh đã đủ làm tròn công việc gian khổ của mình, và công việc gian khổ ấy sắp đến ngày chấm dứt, vừng mặt trời quang vinh của anh đang xế nhanh đến hoàng hôn. Bức thư cuối cùng tôi nhận được của anh làm tôi phải nhỏ những giọt nước mắt thương người, nhưng lại khiến tâm tôi tràn ngập một niềm vui sướng thần tiên. Anh đang chờ đợi cái phần thưởng chắc chắn, cái vòng hoa không bao giờ hủy diệt. Tôi biết rằng sắp tới đây tôi sẽ nhận được bức thư do tay người khác viết, để báo cho tôi biết rằng người tôi con trung thành ấy cuối cùng đã được vời đến tham dự niềm vui của Chúa. Và tại sao lại khóc vì sự đó? Những giờ phút cuối cùng của Xanh Jôn sẽ không bị u ám vì sợ cái chết, tâm hồn anh sẽ không bị mây mù che phủ, trái tim anh sẽ không bị mây mù che phủ, trái tim anh sẽ không bị sự hãi hùng ám ảnh, hy vọng của anh chắc chắn sẽ thực hiện, đức tin của anh rất vững vàng. Chính lời nói của anh là bằng chứng cho những điều đó.

- Chúa của tôi - anh đã nói - đã báo trước cho tôi hàng ngày Người càng được nhắc lại rõ ràng hơn: "Chắc chắn là ta sẽ đến ngay!" và hàng giờ tôi vẫn tha thiết đáp lại: "Amen, Chúa Jêsu, xin Người hãy tới!".

The end!

 

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86040


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận