- Mày cầm lấy, rồi kiếm lấy con vợ. - Bố gã chẳng biết nói thế nào, nên chỉ cụt ngủn mỗi vậy rồi lôi điếu cày ra rít xềnh xệch.
- Thôi thì bố mẹ nghèo túng, chẳng lo được cho con bằng anh, bằng em. Con cầm lấy làm chỗ phòng thân. Mày ở trên thành phố, chắc rồi cũng túng lắm đấy. Chịu khó vậy con ạ.
Mẹ gã nói xong rồi ngồi thừ ra, nhìn đống lá khô ngổn ngang trên nền nhà.
Gã phấp phỏng cầm năm triệu lên thành phố. Phúc cho gã là tìm được chỗ làm lương khởi điểm một triệu
đồng - coi như tạm ổn. Khối đứa bạn gã còn nằm chổng queo đấy mà hít không khí. Có đứa làm lương dăm sáu triệu nhưng lúc nào cũng như người máy định sẵn chương trình, bữa ăn không được phung phí quá năm phút. Đứa khác thì làm không lương; hay lương bèo vài trăm, nay làm mai đuổi, nhục như con chó. Thành phố với gã giống chiếu bạc, lúc nào cũng có vài chục kẻ ngồi chầu rìa, chờ đến lượt vào và cũng chừng ấy kẻ phải lặng lẽ rút lui. Trong chiếu bạc ấy, gã không thắng, không thua, gã ở nước hòa. Ngon lành! Gã cứ ngồi lì mãi, thế mà ăn.
1.000.000 đồng gã phân chia thế này: 250.000 đồng trả cho cái chỗ chui ra chui vào 6m2, trên tầng hai làng trọ Trung Hòa, mái phi - bro xi măng. Mỗi ngày, tiêu chuẩn ăn của gã là 20.000 đồng, vị chi một tháng là 600.000 đồng. Các chi tiêu lặt vặt như xà phòng, áo quần, thăm hỏi đám ma, đám cưới... quy tất về 150.000 đồng, đôi khi cũng được thêm vài chục hoặc vài trăm nghìn tiền họp hành, lễ lạt. Gã căn cơ trong khoản ấy, thừa thì bỏ hòm, thiếu thì không tiêu nữa. Nghĩa là gã không hề xâm phạm vào năm triệu đồng của cha mẹ, điều này khiến gã tự hào. Gã không định gửi tiết kiệm vì sợ người ta cười vào mũi rằng: “Gớm, tí tởn được vài cái triệu bọ mà cũng bày đặt gửi tiết kiệm. Chẳng bõ ngồi đếm tiền lẻ.”
Không có chum cất tiền như ở quê, gã lấy giấy báo gói chặt rồi kê ở đầu giường. Tối tối, rời cơ quan về phòng trọ như cái tổ chim, nằm ềnh xuống giường, thấy đầu hơi cồm cộm là gã yên tâm.
Cuộc sống của gã khá suôn sẻ.
Một hôm, gã dẫn một thằng bạn cùng cơ quan về nhà trọ. Thằng bạn vừa bước vào cửa đã la oai oái như phải bỏng:
- Mày ở chỗ như cái lò sấy thịt thế này?
Gã định nện cho thằng bạn một trận nhưng lại nghĩ tủi thân. Nó nói đúng quá đi chứ. Nhưng mà ác. Nó cũng lương có triệu bạc, chi tiêu còn phải ngửa tay xin vợ mà cứ lên mặt.
- Mày định ở thế này cả đời đấy à? Phải mua lấy một cái nhà!
“À, nó định dạy khôn mình đây!” Gã nghĩ bụng. “Nó cứ như cướp tiền của thiên hạ dễ lắm ấy!”
- Tao nói thật đấy! Mày mua nhà đi. Năm mươi
- Họa có mà bãi tha ma! - Gã bật cười.
- Cái thằng này, tao nói thật mà lại! Chịu khó đi xa mươi cây số, có đầy nhà rẻ. Bà xã nhà tao vừa mua một lô đất ở làng Vạng, cách đây 38 km, bỏ ra 95 triệu được 200 m2 đất vuông vắn. Mày muốn mua vẫn còn nhiều đất lắm, hôm nào tao dẫn mày đi.
Chẳng thèm chào, thằng bạn ác khẩu nhưng tốt tính thun thút đi ra khỏi “cái lò sấy thịt” của gã.
Bạn về, còn gã cứ bần thần suy tính về ngôi nhà 70m2 với một cô vợ không cần xinh lắm, nhưng phải đảm đang và hiền thục. Rồi gã sẽ đưa cha mẹ ra ngoài phố, thoát khỏi xứ quê nghèo nàn, để được hưởng những cái tiên tiến của nơi đô hội. Cả làng gã sẽ tha hồ mà bàn tán chứ không còn cám cảnh cho gã như cái thưở xa xưa.
Ngày xưa, mấy đứa bạn học cùng làng gã bỏ giữa chừng đi buôn, xây nhà ba, bốn tầng, xe máy phóng tới tới, còn gã cứ lọ mọ với cái sự học hành đến quắt cả người, chẳng biết công danh sự nghiệp rồi đi đâu về đâu. Có lúc nản, gã định bỏ đi buôn theo chúng nó, nhưng đắn đo mãi lại thôi. Gã tự hứa phải học hành tử tế mới mong thoát ra khỏi đít trâu.
Nhưng bây giờ có khi gã nên nghĩ lại. Chả cứ gì gã cũng đã quá cái tuổi “tam thập” mà công danh sự nghiệp chưa thấy đâu. Tiền thì ki ca ki cóp mãi không khá lên được. Vậy là gã cứ đăm đăm chiêu chiêu. Đến cơ quan sáng thứ Hai, thằng bạn giục giã: “Thế nào bố trẻ? Quyết đi chứ!” - làm gã cứ bấn cả lên. Ông trưởng phòng nhìn vẻ mặt bí rị của gã, thương hại:
- Thiếu tiền tiêu hả? Thôi có công mài sắt, có ngày nên kim chàng trai ạ! Thích thì kỳ này tao cho tham gia làm đề án quy hoạch hệ thống thoát nước thủy nông huyện Xuân Canh. Huyện này nó chịu chơi lắm. Chắc cũng kiếm được tí ti. Làm chứ, thanh niên?
Khổ cho gã, phải lúc khác gã đã nhảy dựng lên vì sung sướng. Có mấy khi sếp xởi lởi với gã thế đâu. Mọi lần gã đều cung cúc làm không công mà chẳng dám ho he. Mới đây sếp biết gã đồng hương, nhà nghèo, nên ông ta tỏ ra tử tế tợn. Nhưng lần này, có ăn được mấy triệu cũng phải đợi đến khi công trình nghiệm thu, vậy thì có đến mùng thất. Gã lại cần nhiều tiền hơn thế, mà phải tiền tươi, nên tỏ vẻ không hào hứng lắm.
- Tùy cậu thôi. - Ông trưởng phòng lạnh nhạt bỏ
ra ngoài.
Bí bách, gã tìm gặp thằng bạn nối khố hồi tiểu học. Thằng này mới học hết lớp Năm, nhưng nay đã là một ông chủ khét tiếng ngoài Hà Nội nhờ buôn bán ba thứ quần áo nhăng nhít của chị em. Nó kiếm đâu được nhiều loại quần áo độc nên chị em thi nhau đến, tắc nghẽn cả đoạn đường trước cửa hàng. Gặp lại gã ốm o tiều tụy, thằng bạn ái ngại:
- Mày có đủ can đảm đi ngửi quần áo lót, cài coóc sê cho lũ đàn bà thì mới buôn bán được với tao. Chứ cứ cái kiểu khinh khỉnh hay sĩ hão, tao đ… thèm.
Sau ba ngày học cách lăn lê quanh váy đàn bà nhưng không nổi, gã biết mình phải biến. Cái kiểu nửa trí thức nửa nông dân của gã làm cho phụ nữ nó tởm. Sầu não, gã dạt vào một quán bia xộc xệch, nồng nồng mùi thịt bò ôi và hành tươi. Gã gọi bia và uể oải nốc cạn. Gã cứ ngồi lết bết một mình như thế đến lúc có một bàn tay bổ thẳng vào vai. Gã giật thót, quay sang: một thằng cha nhỏ thó với hai mắt - đúng hơn là hai hột mắt bé tẹo, nhờn nhợt. Cạnh đấy là một người đàn bà xanh xao đang nhẩn nha gặm cánh gà, khuôn mặt thờ ơ.
- Chú em chơi đỏ đen không? - Thằng cha Mắt Bé nhìn gã vờn vờn khiến gã nôn nao muốn ói.
Gã cảnh giác, cười nhạt để đáp lại. Bài học vỡ lòng của gã khi rời nhà lên thành phố là phải tránh xa đám đỏ đen lừa bịp.
- Đảm bảo không hề có gian lận. Chú em chơi chứ? Chú em đưa bật lửa của chú em đây tớ xem!
Thằng cha chộp lấy chiếc bật lửa từ trên tay gã, chậm rãi bật thử vài cái rồi gật gù:
- Vẫn còn tốt đấy. Nếu chú em muốn chơi thì rất đơn giản. Chú em hãy bật lấy mười cái. Nếu mười lần đều có lửa, tức là chú em thắng, và ngược lại. Giá do chú em tùy chọn. Một chục, hai chục hay một triệu, hai triệu và nhiều hơn đều được. Mọi việc đều do chú em quyết!
Gã thấy ngạc nhiên: chưa ai chơi đỏ đen theo kiểu này cả. Gã đưa mắt nhìn người phụ nữ ngồi cạnh thàng cha Mắt Bé, chị ta vẫn đang mải mốt với cái cánh gà, khuôn mặt chẳng có tí phản ứng gọi là. Nhưng gã sẽ không điên mà vào bẫy. Suy cho cùng vẫn chỉ là trò lừa bịp! Gã hài lòng với việc suy đoán này nên tỏ vẻ kẻ cả:
- Ông anh thiếu tiền thì tôi xin mời một chén. Còn cái trò con nít kia, xin dẹp đi cho!
Đôi mắt nhờn nhợt như mắt người chết của Mắt Bé nhìn gã chưng hửng. Gã gọi thêm hai cốc bia, đẩy một về phía người lạ rồi cầm lấy một cốc, nhạt nhẽo đưa lên miệng.
- Chú em có chuyện buồn hả? - Mắt Bé uống ực hết cốc bia, khuôn mặt thỏa mãn, quay sang vỗ vai gã, thân tình - Gọi tớ là Huy cho tiện. Chú em có vẻ không máu mê lắm nhỉ? Nhưng có vẻ đang chán đời. Tớ đoán là chuyện tiền nong thôi. Mặc cha đời. Chú mời thì tớ uống. Trò bật lửa này do tớ nghĩ ra đấy, quái chiêu không? Tớ chén được ối chú rồi đấy, nhưng mà cũng bị thịt mất hai ngón tay. Thế mới đau chứ! Dào ôi đời, biết đâu rồi tớ thành tỉ phú ấy chứ... khớ... khớ...
Bây giờ gã mới để ý xuống bàn tay của Huy Mắt Bé. Bàn tay trái của hắn chỉ còn ba ngón.
- Rồ dại. Ngớ ngẩn! - Gã nhổ toẹt ngụm bia trong mồm ra với vẻ kinh hãi.
- Ầy dà, chú cho anh xin cốc nữa? Vấn đề vẫn là tâm lý thôi. May rủi mà lại. Mà anh trông chú vẫn còn nặng nợ lắm. Dào ôi đời. Cứ phải liều chú em ạ.
Gã gọi thêm hai cốc bia. Lần này gã đẩy cả sang cho Huy Mắt Bé. Người phụ nữ ngồi bên ngừng ăn, liếc gã rồi chộp lấy một cốc, uống lấy uống để.
Trong quán xuất hiện thêm khách mới: hai người đàn ông cao ngỏng như cái đòn gánh. Huy Mắt Bé quay phắt người lại, im lặng quan sát như một con mèo già rình mồi. Chờ cho cánh mới an tọa, hắn bèn vác cốc bia sang làm quen.
- Hai ông anh chơi đỏ đen không? Trò mới hoàn toàn. Hai ông anh cho em mượn cái bật lửa...
Gã phì cười, bỏ dậy ra về.
An tọa trong “lò sấy thịt”, gã bần thần gỡ năm triệu ra đếm lại. Không thừa lấy một xu. Gã thầm trách cha mẹ nghèo khiến gã phải khổ. Bây giờ gã biết làm cách nào để kiếm cho được bốn mươi ba triệu, thực hiện ước mơ đưa cha mẹ ra phố? Và gã chợt nảy ra sáng kiến. Gã nhớ đến những ngón tay cụt của Huy Mắt Bé. Gã phải liều,
đúng vậy!
Sáng thứ bảy, gã bắt xe ô tô về quê từ sớm. Cha gã đang thùm thũm tát cá dưới ao và be lại bờ để trồng khoai ngứa. Mẹ gã đang cập rập trong bếp với nồi cám lợn to vật. Trước sân, chó gà đuổi nhau quàng quạc, bụi tốc mù mịt vào tận bàn thờ.
- Con tính rồi, bố mẹ bán nhà ra phố ở với con! Có tuổi thì phải có con cái bên cạnh. Với lại... - Gã ngần ngừ không nói nữa.
Mẹ gã ngơ ngác:
- Sao lại bán nhà hở anh cả? Cha mẹ đã đến mức phải ăn bám anh đâu?
Bố gã thản nhiên vét bùn bên ống chân, rồi lôi điếu cày ra rít một chặp dễ đến năm phút, sau mới nheo nheo mắt nhìn khuôn mặt bắt đầu đỏ lên của gã:
- Đến lúc cha mẹ được nhờ anh rồi nhỉ?
Gã chưng hửng:
- Bố mẹ chỉ muốn con khổ, con hèn thôi chứ gì? Bố mẹ giữ cái nhà để cho ai nào? Con thì con không thèm. Nhưng cứ thế này, con sẽ...
- Ô hay, có chuyện gì thì anh cứ nói cho thầy mẹ nghe xem nào? - Bà mẹ cuống quýt vỗ về con.
Nhưng quả thực gã không biết nói gì. Chả lẽ đòi chia phần trong ngôi nhà nghèo nàn của tổ tiên? Cha mẹ gã nói đúng quá. Gã tự nuôi mình đã đủ méo mặt rồi,
nghĩ lại nhiều lúc xử sự không khác nào một kẻ ti tiện chỉ bởi không có tiền, vậy mà gã còn đòi cha mẹ bán nhà lên thành phố. Gã thấy xấu hổ. Hóa ra gã không có máu liều.
- Mày không quyết nhanh, thằng khác nó nẫng mất rồi. - Thằng bạn tặc lưỡi - Các cụ nói cấm có sai: “Lấy vợ phải lấy liền tay, mua nhà thì phải quyết ngay tức thì” chứ. Thôi bao giờ có mối khác tao sẽ nhắm cho. Nhưng cứ phải lo đủ tiền đi mới nói chuyện nhớn được, nghe chưa bố trẻ lẩm cẩm!
Gã thấy hẫng hụt ghê gớm. Thầy tử vi cho biết gã sẽ phát đạt ngay thời trẻ, nhưng cứ cái đà này thì chắc mãn đời gã cũng không khá lên được. Gã chán nản quay về nhịp sống cũ: sáng bảy giờ đến cơ quan, chiều năm giờ lóc cóc đạp xe về nhà. Cuối tháng chờ lĩnh lương, cuối quý chờ tiền thưởng.
Thằng em nuôi của gã đột ngột xuất hiện. Hồi gã bảy tuổi nó còn là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng nhà gã. Bố mẹ gã hiếm hoi, sinh thêm mấy lần đều không đậu, vậy là nuôi nó cho có anh có em. Gã là Nhân, còn nó là Hậu. Khác với gã, nó nóng nảy, quyết việc gì là
làm bằng được. Nhưng nó đã thành người nhà binh rồi kia mà?
- Cũng được bảy năm đấy anh nhỉ. Em tiện đường qua thăm anh rồi mới về quê. Anh thế nào?
Gã ngạc nhiên:
- Tôi tưởng chú…
- Ở trong quân ngũ luôn chứ gì? Em bị lao cột sống nặng nên phải ra quân.
Gã không dám dẫn cậu em quý hóa về cái “lò sấy thịt” sợ nó kể cho mẹ, bà lại xót. Hai anh em đi ăn bữa cơm bụi thân mật ở quán gã vẫn ăn hằng ngày.
Nó ào đến và lại ào đi, không chút nghi ngờ về cuộc sống dễ chịu nơi đô hội mà ông anh nó thêu dệt.
Bẵng đi hơn nửa năm, gã mới về thăm nhà. Lòng gã vẫn dấm dứt buồn về chuyện nhà cửa. Gã gặp thằng em ngay lối rẽ vào làng. Nó sùm sụp đội một cái nón bung cả vành, quần xà lỏn, áo phông loang lổ dầu mỡ, mồ hôi mồ kê tướt mướt, bặm môi bẻ lái chiếc công nông lệch xệch làm xiếc trên con đường gồ ghề sống trâu. Mấy phen những xóc lúa trên xe suýt trượt xuống.
- A, anh Nhân! - Chiếc xe hộc lên mấy tiếng rồi đứng khựng lại. Thằng em gã lăn qua đống lúa rồi nhảy phắt xuống. - Lâu lắm không thấy anh về, bố mẹ ngóng lắm. Thôi anh lên xe đi, em tiện đường đưa anh qua nhà luôn.
Thấy gã còn ngần ngừ, thằng em cười phá lên:
- Anh cứ yên trí nhớn, không sợ xuống ruộng đâu mà lo. Em chạy xe được bốn tháng rồi đấy.
Gã thấy mình bị lôi xềnh xệch lên xe, giữa ngờm ngợp những bó lúa ram ráp, ngất ngư. Gã chẳng hiểu thằng em suy dinh dưỡng của gã định làm cuộc đổi đời chăng?
Về đến trước cửa nhà, gã thấy mình đã thành người lạ. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, cứ như gã bị lạc. Cả vườn cây ăn quả bị “mất tích”, thay vào đó là hoa hòe, dễ có đến ba chục gốc. Mấy luống hoa chơi Tết gã cất công kiếm toàn giống đẹp bị bật lên để trồng rau. Nửa cái ao quây kín, bu đặc vịt là vịt. Nhà được sửa toàn bộ. Bên trái nhà, năm cái chuồng lợn xây san sát nhau, mỗi chuồng bốn con, đang phẩy đuôi ngủ ngon lành. Thấy gã, cả đàn chó hộc lên, định sủa, nhưng con chó già kịp nhận ra chủ cũ, vội thè lưỡi liếm quanh chân gã để làm lành. Gã cú tiết đạp cho nó một quả chí chết, đúng là đồ có mới nới cũ!
Trong nhà tịnh không một bóng người. Gã ngồi phịch xuống bậc thềm. Một đứa bé gái hớt hải xé rào chạy về:
- Chú là ai thế ạ?
“Lại còn thế nữa!”, gã bực dọc nhìn đứa trẻ:
- Gọi ông bà về đây!
- Dạ, ông bà đi hội cùng các cụ trong làng rồi ạ.
- Bao giờ về?
- Chắc chiều mai ạ. Thế chú là ai?
- Là chủ cái nhà này, mày biết chưa! - Gã giận dữ quát lên.
- Dạ,… thế ạ… - Con bé len lén chui tọt vào bếp ngồi, chốc chốc lại đưa mắt nhìn gã vẻ cảnh giác.
Trong nhà, hai chiếc giường kê sít vào nhau lấy chỗ để quây thóc. Mệt mỏi, gã nằm vật xuống giường. Vậy mà ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
- Dậy ăn cơm anh Nhân ơi! Dậy thôi nào!
Gã lơ mơ mở mắt ra. Thằng em gã đang nhăn nhở đứng bên giường. Gã chậm chạp ngồi dậy, cất giọng kẻ cả:
- Chú về rồi đấy hử?
- Dạ. Anh ra ăn cơm kẻo nguội.
Gã lẹt xẹt lê dép ra bàn. Mâm cơm đầy tú hụ, nào thịt chó, nào lòng lợn.
- Còn ai nữa mà nhiều thế này?
- Không, chỉ có hai anh em ta thôi ạ.
- Còn con bé con đâu?
- À, nó ăn trước rồi ra ngoài máy trông thóc. Việc ngoài ấy cũng bề bề. Chắc anh đã nói chuyện với nó. Em thấy nó mồ côi, đi ăn mày tha phương, nghĩ tội quá nên đưa nó về nhà.
- Vậy hử? Thế còn cái gì chú muốn làm ở cái nhà này nữa? - Thấy thằng em đương ngơ ngác, gã càng bực bội. Nó cứ như nó là chủ cái nhà này không bằng. Mọi thứ bị đảo lộn tùng phèo, vậy mà nó còn tỏ ra vô tội. Máu nóng bắt đầu dồn lên mặt gã. - Chú định để bố mẹ thành người làm thuê cho chú nữa hử? Chú phải biết chú là ai chứ?
Toàn thân gã nóng bừng bừng như nồi nước sôi bị đậy kín vung. Gã thấy cổ họng nghẹn tắc lại nên đùng đùng bỏ ra ngoài sân. Thằng em gã không buồn chạy theo. Nó lấy cái lồng bàn, úp sập mâm cơm lại rồi lặng lẽ đánh cái công nông ra ngoài cổng, để lại một luồng khói đen sì, khét lẹt.
Chán chường, gã lại bỏ lên giường nằm suy nghĩ mông lung. Đến chiều, gã tay nải, xuôi về thành phố.
Vớ vẩn thế nào gã lăn đùng ra ốm.
Gã nằm mê man suốt ba ngày ba đêm, cảm thấy sức lực đang bị rút rỗng. Thằng bạn phải gọi cho gã một
bác sĩ.
- Trời ơi, bệnh đến thế này còn không chịu vào viện mà nằm. Bảo người nhà đến chăm sóc chứ cứ nằm như con chó già thế này đợi chết à?
Viên bác sĩ to như một con gấu cắp gã xuống xe cấp cứu. Gã thấy người mình mềm nhũn, như sắp chảy ra thành nước. Không ai bảo cho gã biết gã bị bệnh gì. Người ta đi qua đi lại trước mắt gã và chỉ thầm thì với nhau. Gã thấy hoang mang. Từ bé gã trèo cây bị gãy chân một lần, chết đuối hụt một lần, xô xe máy một lần, nhưng gã không thấy hoảng hốt, sợ hãi như
lần này.
- Mày đánh điện về quê cho bố mẹ tao. Tao sắp
chết rồi.
Gã cầu cứu thằng bạn. Nó bị vợ quản chặt nên chỉ dám tranh thủ vào thăm gã.
- Được rồi! Mà chết thế quái nào được. Phải khỏe để mua nhà, cưới vợ nữa chứ!
Gã thấy nó nói có vẻ không được vui lắm.
Rồi bố mẹ gã cũng lên. Họ làm thủ tục cho gã đi mổ. Nằm viện được một tháng, họ đưa gã về quê để tiện chăm sóc. Gã nghe loáng thoáng tiền viện phí của gã hết đâu cỡ dăm triệu.
“Còn người là còn của con ạ.” - Mẹ gã an ủi.
Nhưng gã ngạc nhiên vì bọc tiền gói giấy báo cũ của gã không ai động đến. Mẹ gã lấy số tiền ấy về nhưng không kê dưới đầu gã vì kiêng, mà cất vào tủ. Thằng em gã sợ anh vẫn giận nên ít xuất hiện trước mặt gã. Nhưng gã vẫn nghe tiếng nó cắt đặt công việc trong nhà, nhận giờ chở hàng cho khách, đưa tiền cho mẹ để thuốc thang cho gã. Gã thấy phân vân...
Số gã chưa phải đã mãn, nên qua Tết gã lại bước thấp bước cao lên thành phố đi làm. Mẹ gã tất bật lận năm triệu vào quần đùi cho gã mang theo phòng thân. Bố gã ngồi phệt bên hiên nhà, nói bằng cái giọng
tưng tửng:
- Không sống được thì cứ về quê. Chả ai chết vì ở quê đâu.
Gã hồi hộp về khu nhà trọ. “Lò sấy thịt” vẫn chưa có ai thế chỗ. Gã dọn dẹp qua loa rồi tất tả đến cơ quan. Ông trưởng phòng tỏ vẻ thương hại:
- Thế cậu không biết gì à? Cậu hợp đồng, nghỉ việc thì thôi hưởng lương. Chỗ làm cũng đã có người thay. Tôi đã cố giữ chỗ cho cậu nhưng mà những ba, bốn tháng, tôi đành chịu thôi.
Gã hoang mang chạy lên phòng Giám đốc. Ông già nhăn nhó uống hết cốc nước thuốc đen sì và nghe gã phân trần. Cuối cùng, khi gã không biết nói gì nữa ông ta mới mệt mỏi phán:
- Thôi, vì cậu không có khuyết điểm, công tác ở đây cũng lâu, nay tôi chuyển cậu về phòng Lưu trữ. Lương tám trăm nghìn đồng. Làm tạm hai tháng để xem xét đã.
Ở phòng Lưu trữ, cả ngày gã không gặp một ai. Gã trở thành một con gián, đi đi lại lại trong căn phòng ẩm thấp và hôi mù. Các khoản chi tiêu của gã bị sụt giảm ghê gớm. Tiền nhà vẫn 250.000 đồng không đổi. Gã cố gắng rút tiền ăn xuống 450.000 đồng/tháng - nghĩa là mỗi ngày 15.000 đồng không hơn, như vậy gã còn lại 100.000 đồng để chi trả các khoản vặt vãnh khác. Gã mua mì tôm và bánh mì để giải quyết bữa trưa. Bữa tối, gã mua gạo về nhà và xì xụp nấu dư cho cả buổi sáng hôm sau. Cả ngày toan tính về các bữa ăn khiến gã trở thành kẻ ít lời và ít mơ mộng. Dăm ba tháng gã mới lủi thủi về thăm cha mẹ một lần. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt nơi quê cũ khiến gã hoang mang. Thành thử gã chẳng dám ngồi mâm trên, nói vỗ mặt thằng em nuôi như dạo đầu.
Một bữa, thằng em tay nải đến cơ quan tìm gã. Nó lặng đi khi nhìn thấy cơ thể xanh rớt, tiều tụy của ông anh. Gã cuống lên, kéo tụt nó vào trong góc phòng như sợ có người nhìn thấy.
- Chết, đang giờ làm, chú xộc vào đây làm gì?
- Ôi dào, thì đã làm sao. Em mang tiền lên xem anh có cần đầu tư phát triển sự nghiệp gì không.
Gã thấy hơi buồn cười nhưng thèn thẹn, nên cứ ngồi thần người ra. Thằng em gã vẫn hồn nhiên trình bày “chủ trương” của quê hương:
- Ở quê ba đập hai xoa thế nào cũng xong, bố mẹ bảo anh học hành giỏi giang nên mọi sự cứ phải trông gương anh cả để dạy dỗ con cháu sau này. Vì vậy từ nay cả nhà sẽ dốc toàn lực, đầu tư cho anh phát triển sự nghiệp. Tiền nong anh khỏi phải lo. Anh chỉ cần kiếm cho họ nhà mình cái bằng phờ tờ sờ (PTS) hay tờ sờ (TS) gì gì đấy mang về thắp hương tại nhà thờ họ là cả làng tha hồ lác mắt. Tiền ai kiếm chả được, mà kiếm mấy cho vừa, nhưng học hành có phải ai cũng học được đâu, phải không anh? Nay anh là người nhà nước, rồi có khi còn làm sếp nữa ấy chứ! Ối chà chà!
Cái thằng em quê kệch của gã xếch cái quần lên tận đầu gối rồi thượng cả hai chân giày lên bàn mà cười ồ ồ. Gã giật mình vì cũng nghe thấy những tiếng cười khác rúc rích ngay sau cánh cửa khép hờ.
- Thôi chú cứ cầm tiền về đi, tôi đang giờ làm việc. Có gì cuối tuần tôi về quê rồi nói chuyện sau cũng được.
Câu chuyện của hai anh em gã chẳng mấy chốc đã lan ra khắp cơ quan. Gã đi đâu cũng nghe người ta nheo nhéo gọi: “Anh Nhân phờ tờ sờ ơi! Bao giờ đổi đời thì nhớ đến em nhé!”, khiến gã chỉ còn nước độn thổ xuống đất. Gã giận thằng em chém to kho mặn, ăn nói bô lô ba la, làm xấu mặt thằng anh. Bây giờ gã giữ chỗ làm còn chẳng nổi nữa là mơ tưởng ba cái thứ danh hão. Quả thực gã muốn an phận, với đồng lương đủ sống và không phải ganh đua. Gã sợ cuộc sống nơi thành thị. Như thế họa chăng chỉ có về quê mà sống. Bây giờ nếu tự nhiên gã tò tò về làng thì thế
nào nhỉ?
- Trời đất, thế thì nhất chứ còn gì! Xã mở lớp dạy nghề cho bọn thanh niên, anh về giúp một tay. Rồi còn hệ thống tưới tiêu, xây dựng trường sở. Việc thì không sợ thiếu. - Thằng bạn học hồi lớp Một, bây giờ trông như một cây cải bắp lăn ra đón gã ngay chỗ ô tô trả khách - Mà đời nào mày chịu về?
Gã bật cười. Chẳng hiểu sao gã có thể quyết một cách chóng vánh như vậy được. Không day dứt. Chỉ bồi hồi nhớ về thuở sinh viên gặm mì tôm khô trả thi. Vậy mà ra đi làm cũng vẫn cảnh gặm mì tôm. Thì ra tạng gã không phải là người của thành thị. Thôi thì về quê. Chả ai chết đói trên mảnh đất của mình cả.
- Thế còn cái p 138 hờ tờ sờ? - Thằng em gã sốt sắng.
- Rồi sẽ có thôi.
Đêm ấy cha gã ngồi hút thuốc lào trông trăng. Trăng mười sáu sáng vằng vặc.