Kẻ Học Lướt Sóng Chương 3

Chương 3
“Hoa Mười Giờ”

Cuộc sống bủa vây con người với những thăng trầm không lường trước được. Thấy trước mắt là vậy nhưng khi dấn thân vào thì lại ra một kết quả khác; trước khổ sau quen dần dà tự khắc cảm thấy sung sướng. Câu nói này không có nghĩa rằng một người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt khổ đau, sau này lớn lên chịu khó vươn lên để tiến đến bờ giàu sang hạnh phúc. Thực chất của nó là sống trong cái khổ, ngâm sâu trong cái buồn, riết rồi cũng thành quen; cái gì quen thuộc thì con người ta không còn thấy xa lạ, khó chịu nữa, biến cảm giác tiêu cực thành tích cực mà thôi!

Giờ Hương cũng đã trở thành người mẹ vĩ đại của năm đứa con và trụ cột của gia đình như bao “người mẹ Việt Nam”khác. Cảnh “gà mái nuôi con” không bao giờ được tuyên dương vì đó là nhiệm vụ muôn thuở hiển nhiên dành cho phận đàn bà.“ Gà trống nuôi con” là khi người vợ mất hoặc tạm mất và để lại bầy con thơ cho người chồng chăm móm; trái lại, gà mái này vẫn có gà trống bên cạnh đấy chứ, thế nhưng chỉ để làm cảnh và không muốn nơi “ họ tên cha” bị bỏ trống khi điền thông tin học sinh của sổ liên lạc cho mấy đứa con vào mỗi dịp đầu năm học mới. Tất tần tật từ chăm lo cơm nước, săn sóc bệnh tật cho năm đứa con cho đến thức khuya dậy sớm quào bớt từng miếng cơm manh áo cho tổ ấm, Hương chưa hề thấy mệt mỏi.Có những lúc Hương tưởng chừng mình đang bên bờ tuyệt vọng bởi cho dù người phụ nữ có mạnh mẽ thế nào thì khó có thể thiếu vắng hình bóng của người đàn ông. Hương và chồng không hòa hợp, gây gỗ nhau là chuyện thường nhật thế nhưng chính những mối nhợ rối răm ấy lại lặng lẽ siết chặt hai người họ bên nhau. 

Chuyện đau lòng không tưởng nhất của Hương được kỷ niệm bằng việc đặt tên cho đứa con trai đầu lòng: Trang. Rất nhiều người hỏi: “Sao con trai lại tên Trang?” Hương cười gượng rồi cho qua bằng câu trả lời cụt ngủn “Tại thích”. Trong sâu thẳm suy nghĩ của Hương, không ai ngoài Hương hiểu rõ lý do đó; thậm chí Trí cũng không thể giải thích được vì toàn quyền quyết định đặt tên cho con đầu lòng là mẹ, chứ không phải cha như bao gia đình thời mà tư tưởng gia trưởng ám nặng mùi phong kiến còn lẩn quẩn và trì trệ mọi thứ. Cha mẹ chồng mặc dù đã “tạm ứng” bỏ tiền ra mang sính lễ trầu cau dạm hỏi đứa con dâu này thì cả hai cũng không thể nhúng tay. Vì sao? Con dâu khó thuần? Nhà chồng dễ dãi? Hay chồng bàn giao quyền lực cho vợ trước mặt cha mẹ? Dĩ nhiên không vì nguyên nhân nào liệt kê bên trên cả! Đơn giản chỉ vì khi con người ta làm chuyện sai trái, cảm thấy có lỗi với bản thân thì tự nhiên sinh lòng lui thoái. Nhưng cha mẹ chồng là người thuộc địa vị cao trong xã hội, ít nhiều gì cũng sở hữu một tư tưởng tiến bộ hơn dân đen chân lắm tay bùn thì phần trăm họ làm sai chiếm khá nhỏ.  Khá nhỏ không có nghĩa là tuyệt đối không có. Họ làm đúng khi không cho người ngoài xen vào chuyện gia đình như chú Tư sang dập tắt đám lửa vũ phu của Trí; họ yêu thương con ruột họ và xem xét phân chia rạch ròi hai giai cấp “mâm trên- mâm dưới” khi chỉ cho người thuộc dòng máu của họ dùng chung một mâm cơm ngồi nhà trước, ngoe ngẩy chân với conmèo mướp vàng đang chầu chực, còn dâu rể và bọn ở đợ phải ngồi ăn sau cái bếp. Họ âm thầm bán rẻ cái lương tâm phẩm hạnh cao quý con người để đổi lấy oai phong hào nhoángcủakẻ giàu xưa trước thiên hạ.

Đã hơn một tuần sau cơn vượt cạn, bé Trang vẫn chưa biết hơi ấm của người cha là gì. Y tá thì cứ hối thúc Hương trong việc đặt tên để làm một số giấy tờ sau khi xuất viện.Hỏi cha mẹ chồng thì họ cứ “tùy con” cho qua vì trong quan niệm kỳ quoặc của họ, con của dâu không phải là cháu ruột, chỉ có con của con gái ruột mình đẻ mới được sắc phong hoàng tử công chúa.Đã vậy thì Hương còn ngần ngại gì mà không sử dụng cái quyền lực mới có? Trang – là chữ rút gọn từ hai chữ Nha Trang – một thành phố biển tuyệt vời của các cặp tình nhân mới cưới, một ước mơ xa xôi của thân phận đầy tớ đội lớp dâu con như Hương. Nhưng đặt tên cho con cốt không phải để trông mong một ngày nào đó Hương bước ra thế giới mộng mị hay được chính tay mình chạm những nắm cát vàng mịn rồi tung bay trong gió vào một chiều mát lộng cùng chồng ở bờ biển Nha Trang, mà Hương chỉ muốn ghi khắc cái ngày này, ngày bé Trang ra đời: Trí đang du hí với người đàn bà khác ở Nha Trang.

Tài xế đi đó đi đây, phong lưu bụi trần, khó tránh được những mảnh tình gieo rớt ở những nơi mình từng đi qua. Đó là những gì người ta nói về Trí trước mặt Hương. Thừa biết về điều đó nhưng lòng Hương vẫn tự an ủi, phấn chấn bản thân và lấy mục tiêu sống vì con mà làm chổ dựa tinh thần sau những lần ngã quỵ: Lần gần nhất là Trí lái xe hướng về phía ngoại ô, chuẩn bị rời thị xã, và người ngồi bên cạnh anh là cô gái mặc áo tím, “không phải là Hương? ” – một lời chất vấn vô tình của chị Thúy bán nước dạo ở bến xe khi đến thăm Hương trong bệnh viện.

Màu tím – màu áo mà Trí thích Hương mặc trong những lần hẹn hò của buổi đầu quen nhau. Đến tận bây giờ, Hương vẫn hay hát vu vơ trong nhà với mấy đứa nhỏ:


“ … nổ sầm bên tai khi em chợt trông thấy anh cùng ai bước chung đường. Người đẹp của anh bên anh màu áo tím, em nghe quá chua cay, em thương thầm con gái như hoa mười giờ nở chỉ đẹp giây phút ban đầu…”  ( bài hát Hoa Mười Giờ )

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t115039-ke-hoc-luot-song-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận