Kẻ Học Lướt Sóng Chương 4

Chương 4
Mười Ký Gạo

Năm đó là 1988, Hương nhớ như in khoảng thời gian ấy, độ chừng một tháng sau Tết ta của năm: Mẹ Hương đến thăm Hương. Một thân hình gầy guộc, tóc muối tiêu đi và bị gió thổi lất phất vài cọng tóc mai trên vầng trán gợn đầy sóng. Chắc hẳn vì năm tháng nhọc nhằn buôn bán ngoài đường xá, lại còn chắt mót từng phút giây khách vắng để về nhà vun vén gia đình, nấu cơm cho đàn con mọn, Hương thấu hiểu mẹ hơn ai hết:

“Mẹ lúc này ngủ không được hay sao mà ốm đi vậy? Mẹ xuống chơi là con vui lắm rồi, còn nê theo bao gạo chi cho mệt vậy?”Quệt mồ hôi, buông tay khỏi bao gạo để Hương xách vào nhà, mẹ Hương ngồi ịch xuống cái ghế gỗ để sẵn trước sân, hì hụt nói:

“Chẳng lẽ đi xuống nhà chị sui mà không có quà cáp gì, đi tay không kỳ lắm, sao mà coi được? Huống chi nhà người ta ông này bà nọ”Hương chỉ biết nhìn thẳng vào đôi mắt mẹ một cách trìu mến, cảm động đến độ suýt trào nước mắt ra vì tấm lòng mẹ già thương con, lặn lội đường xa thăm đứa con gái bất hiếu này, nhưng chợt khựng lại và nở nụ cười mím môi thôi, vì không muốn mẹ thấy nước mắt cam chịu kiếp làm dâu xứ lạ của mình. Hương vội đỡ mẹ vào nhà. Uống nước xong, hôn nhẹ lên má của bé Mi-la vừa chào đời cách đây gần hai tháng, mẹ Hương cười mãn nguyện vì mùi thơm trên làn da của em bé lẫn mùi sữa mẹ lúc nào cũng để lại cho người phụ nữ từ bi này một cảm giác khoan khoái, xua tan bao mệt nhọc lo toan của đời sống thường nhật.

“Thôi chết, nãy giờ quên qua thăm anh chị sui. Để mẹ qua chào một tiếng” – mẹ Hương giật bắn người và lật đật khều đôi dép cũ rích dưới đất, mang vội và đứng lên.

“Dạ, để con dắt mẹ qua” - Hương rối rít

Mẹ Hương nhanh nhảu chỉnh đốn chiếc áo bà ba, phủi phành phạch cái quần đen thùng thình, bộ đồ này là mẹ ưng ý nhất mà Hương cảm nhận được trong những năm tháng bên bà.Và đi đâu, hễ dịp nào quan trọng là chúng nó bị lấy ra nhào nặng với bụi gió.

“Mẹ ơi !Bữa nay mẹ con ở Sóc Trăng xuống thăm ba mẹ nè” – Hương gọi í ới khi vừa bước qua ngưỡng cửa rào của nhà chồng. Tiếng người đàn ông nói vọng ra:

“Mẹ mày đi đánh bài rồi”

Đó là ba chồng của Hương, ông đang nằm trên võng cọt kẹt đung đưa, đôi chân mày víu lại, mắt thì không buồn mà mở lên để chào đón vị khách không mời mà đến này.

“Em chào anh sui, anh sui khỏe không?” - mẹ Hương cố gượng nụ cười thật tươi và chủ động chào hỏi ba chồng Hương. Bà biết, thân phận nghèo nàn như bà thì có ai mà rảnh hơi đón tiếp chứ, mong sao cho ông đáp lại một lời là quý lắm rồi. Cuối cùng, y như mong đợi, ông từ từ thả đôi chân xuống đất, gượng người dậy, ngáp một cái, ngước mặt lên thả một tiếng “ừ” đâu đó trong vòm họng, không phải ra tiếng.

“Chị sui đi ra ngoài rồi hả anh? Bữa nay em xuống đây, trước là thăm anh chị, sau là nhớ đứa con gái nàymuốn gặp nó” – Mẹ Hương nói trong tiếng run run, chắc hẳn bà đang đối đầu với một con sư tử, vì lúc này, khuôn mặt của ông già ngồi trên võng kia không thân thiện cho lắm, chân mày cứ châu lại, đầu thì hướng ra cửa rào, ngó nhìn cái nắng gắt gao đang hừng hực không gian nói chuyện.

“Ùm, bả đi đánh bài với mấy bà bạn, chồng con đói không lo, tối ngày nhiêu đó đó. Giờ này còn chưa cơm nước gì hết” – ông già giải bày tâm sự mà lâu nay cứ uốn nắn đôi chân mày của ông theo kiểu “khó tính”

“Em có đem ít gạo đặc sản ở Sóc Trăng, tặng anh chị, chút quà mọn, mong anh chị đừng chê, của ít lòng nhiều” – đặt bao gạo 10 ký xuống bên cạnh chiếc võng, mẹ Hương như trút gánh nặng vì cuối cùng bà cũng có chút cơ hội đền đáp công ơn mà anh chị sui nuôi nấng che chở đứa con gái mình ở xứ Minh Hải này.

Cuộc hội thoại chưa đi đến đâu, món quà vừa trao chưa kịp nguội thì nó lại bị nhấc lên. Mẹ chồng Hương chuyền đến tay Hương và khư khư rằng nhà bà nhiều gạo lắm rồi, tấm lòng của mẹ Hương bà xin nhận, nhưng quà thì bà sẽ để lại cho Hương, để nuôi con mau lớn.

Vậy là khạp gạo của nhà Hương được đong đầy, thằng Trang, con Trinh (đứa con thứ hai của vợ chồng Hương) không còn phải ăn khoai lang hay cháo đại dương nữa. Con Mi-la thì có sữa nhiều hơn để bú. Vo gạo nấu cơm, Hương vừa vui vừa buồn, vui vì có chén cơm để tiếp tục tồn tại, sống không vì chồng nữa mà để nuôi con, buồn vì thân mẹ mòn mỏi kia phải chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của mình, chắc bà đau lòng lắm thì phải. Hương thấy mà, mẹ Hương nêm nếm thức ăn, chắt lưỡi rồi vội vã đi ra đầu đường mua đường, muối, nước tương và những thứ mà Hương xài sạch ráo.

Tiếng chắt lưỡi của sự đồng cảm, đáng thương, vì cảnh có chồng con nghèo sơ nghèo sát này mẹ Hương từng trải…và đang trải; tiếng chắt lưỡi vì sự bất lực của người mẹ khi không cho con cuộc sống hôn nhân như mong muốn; và nó còn là tiếng oán than, oán trách số phận “trâu bò” mà mẹ con ta phải mang lấy trong kiếp này khi chịu cảnh chồng bỏ bê, hời hợt, đàn con thơ dại thì chẳng thấy tương lai.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t115040-ke-hoc-luot-song-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận