Thoáng đây cũng đã mười mấy năm kể từ ngày Hương rời khỏi ghế nhà trường, từ giã chiếc áo dài trắng ngà hôm nào còn nôn nao mặc lên người cho chuỗi ngày thiếu nữ, xếp gọn vào quá khứ khoảng không gian chật hẹp ngồi canh lửa phụ mẹ nấu bánh trong cơn ngáp bất tận, xóa nhòa đi khúc thời gian phơi nắng tắm mưa của những lúc bánh còn đầy mâm, năn nỉ từng người xung quanh khu chợ Sóc Trăng để mua giúp mẹ con Hương, kịp lúc ông mặt trời đi ngủ.
Thời gian trôi nhanh thật, nó tàn nhẫn và bất cần, không đoái ngoài đến kẻ nào dù giàu sang hay bần tiện, sung sướng hay khúc khuỷu đường đời như Hương – thoáng suy nghĩ vu vơ vụt ngang đầu khi đang được Trí chở đi chơi trong một buổi chiều chủ nhật. Tiếng bịch bịch của cái bô xe ba-bích-ta (đọc trại chữ từ babetta) làm phân tâm cuộc trò chuyện của đôi vợ chồng – giờ đây đã bước sang tuổi trung niên. Nó kêu lên như ra lệnh cho những người nó đang thồ vui lòng yên lặng, bởi tiếng khóc của bé Mi-la cứ óe lên, rộn vang đường phố, thu hút bao nhiêu ánh nhìn của người dân xung quanh: cô bán bún nước lèo phải chậm thao tác bóc rau vào tô, chị bán hàng rong chùn chân vài bước, ông cụ xin ăn lề đường phải gượng mặt lên khi đang nằm ườn bên gốc cây bàng vàng lá, thậm chí khiến cho chú công an ngoái cổ lại nhìn, chắc hẳn chú đang nghi vấn liệu đứa bé kia đang bị bắt cóc?!
Đáng lẽ hôm nay là ngày đôi giọt hạnh phúc mỉm cười với Hương, lòng chị nhè nhẹ một cảm giác được quan tâm, che chở, và là một người vợ được chồng chở đi chơi giống các cô vợ cùng lứa, chứ không phải ngồi ở nhà, nếu không quần quật với “chăn con” thì cũng phải cặm cụi với mớ quần áo cũ, mà Hương nhận lãnh sửa vá. Thế nhưng giây phút khoan khoái chưa được bao lâu thì Trí vừa chạy xe vừa xoay mặt sang bên và tằn hắn một tiếng, làm bé Mi-la đang khóc cũng phải tạm ngưng để nghe cha căn dặn:
“Giờ anh qua nhà thằng Quá nhậu”
“Nay chủ nhật cũng không ở nhà với vợ con trọn vẹn nữa. Anh đi chút thôi rồi về, hay là…em ngồi đợi anh nhậu”
Không nói không rằng, Trí quẹo vô một con hẻm, đá đường lỏm chỏm, làm giật nảy bé Mi-la lên trong khi nó vừa mới thiu thỉu ngủ vì mệt lừ sau bản trường ca khóc. Mặt Hương lúc này chuyển sắc thái rõ rệt, tất cả đường nét trên khuôn mặt nhợt nhạt không chút son phấn đã ủ rủ đi, đôi mắt buồn vời vợi trong ánh nhìn cây trứng cá bên đường, đến độ cơn gió của hoàng hôn ném trái trứng cá chín rục xuống đầu mình, Hương cũng không buồn mà để tâm, hay tia nắng của bầu trời đỏ cam đang cố tình chỉa thẳng vào mặt Hương, xem xem khuôn mặt này chứa bao nhiêu nỗi buồn uất ức mà tại sao lúc nào chị ta cũng than vãn “trời ơi” mỗi tối khi người đàn ông đang chở chị về nhà muộn. Cảm giác lúc này của Hương là vui, buồn hay tức tói? Bên cạnh chồng, song hành cùng Trí trên cả sòng nhậu, có mấy phu nhân nào mà được cơ hội này, phải vui lên mới đúng chứ! Hay là Hương nên buồn vì thời gian trong tuần Trí buôn ba trên xa lộ, chỉ còn ngày cuối tuần mà Hương cũng không được quyền tận hưởng giây phút “có vợ có chồng”. Tức tói thì làm được gì trong khi Trí muốn là trời muốn, Trí nói đi thì Hương không dám hé răng kêu dừng, bởi chị không muốn mất thêm cây răng thứ 5 kể từ trận đòn năm ấy. Chỉ biết ôm cục tức trong lòng vì Hương thật sự không hiểu chồng mình, đã có gia đình rồi mà tại sao vẫn còn đặt bạn bè lên trên hết, hễ ai rủ là tức tốc đi nhậu ngay, cho dù đang ngồi trên mâm cơm cùng vợ con.
“Khóc, khóc, khóc hoài, tối ngày khóc với la” – Trí kéo giọng ám nặng mùi rượu trong cơn say mèm, quần áo đi chơi chưa thay, nằm phè trên giường, phía dưới, lũ muỗi lần lượt đua nhau ai sẽ làm bé Mi-la thét tiếng khóc lớn nhất. Tín hiệu “võng ngừng” nhanh chóng thôi thúc người mẹ từ bếp chạy ra đưa con vào giấc tiếp.
“Thì thích kêu nó Mi-la mà! – Chị trừng mắt vào khung cảnh ông chồng xỉn say, nhắm mắt vài giây để đầu óc được thư thản, coi như không có cảnh này, Hương nuốt trọng thứ gì đăng đắng ở cổ, vô hình mà hữu hình, chắc là cái “nghẹn ngào” mà nhân gian hay gọi, nó nghẹn nên mới khó nuốt, đôi mắt khép chặt, vắt ra vài giọt “tọt… tọt… rồi tọt”, như thế mà tâm trạng của người mẹ càng náo loạn. Đứa con thứ ba này tên ở nhà Mi, nhưng vì nó khóc đêm nhiều nên ba nó gán chữ “la” vào thành “Mi-la”, ngụ ý “bé Mi hay la hét”.
Đưa võng mạnh tay trong cơn mất hồn, người mẹ cận trung niên này vô tình va người bé vào giường, làm bé khóc không ngớt, mãnh liệt hơn tiếng khóc mà lũ muỗi gây ra. Trí bật người ngồi dậy, gật gù với tay lấy nùi giẻ dưới đất, tóm cái võng, nhét vào cái miệng đang há to khóc của bé trước mặt mẹ nó. Động tác dứt khoát đến nỗi mẹ nó không can thiệp kịp. Hương không nghĩ rằng Trí sẽ dùng cái nùi giẻ đó để làm một việc tài trời như vậy với sản phẩm mình làm ra. Chị chỉ biết la toáng lên “Trời ơi” khi cố ẳm bé ra khỏi võng và chạy nhanh ra ngoài sân. Trí nằm ình xuống và ngáy khò như bò rống, say giấc dễ dàng chẳng màn đến thế sự!
Mẹ chồng Hương nghe tiếng cháu mình khóc ẫm ỉ kế bên nhà, thản bước ra xem, tóc bà xõa dài chấm lưng, làm tôn thêm vẻ quý tộc của bà trong bộ đồ pi-gia-ma:
“Gì vậy bây?” – Bà hỏi.
Hương kể chi tiết cho mẹ chồng nghe rồi kết thúc câu chuyện bằng hai hàng nước mắt, rớt tỏm lên khuôn mặt ngây thơ của bé Mi-la. Ấy vậy mà bà Nga không hề lay động, hay thương cảm bằng một vòng tay vỗ về đứa cháu, hoặc giã an ủi mẹ nó. Ngược lại, bà ngoảnh mặt đi, thái độ thản nhiên, bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra vì:
“Chuyện vợ chồng tụi bây, tao không biết!”
Hương ngước nhìn ánh trăng, lúc này trăng lên cao từ độ nào, cây xoài trước nhà cũng ngủ, lá cành của chúng rủ xuống, gió thổi hù qua, không chỉ rung rinh cây lá, mà còn rung rinh đôi chân của Hương khi đang đứng trên đỉnh núi của nỗi cô đơn, lạc lõng, trên đỉnh tuyệt vọng của hành trình ra khơi, xung quanh là biển nước mắt, phía xa xa chỉ toàn mù tịt, không một bóng dáng ốc đảo nào để cho chị ghé. Bé Mi-la cọ quậy vì bực bội cái ngực thút thít của mẹ nó. Hương nhìn con, hít thật sâu luồng không khí vương mùi sương đêm, khép cửa rào, chài then, và tạm biệt một ngày chủ nhật nữa của nỗi phẫn uất đau thương.