Kẻ Phụng Sự Thầm Lặng Chương 5


Chương 5
Amsterdam
Tên tôi là Ibrahim”.
“Ibrahim gì?”
“Ibrahim Fawaz”.
“Ông theo tôi như thế là ngốc lắm, Ibrahim Fawaz”.
“Hiển nhiên rồi”.
Họ đi bộ dọc theo bờ sông Amstel tối đen như mực. Ibrahim lấy một tay ấn vào thận còn tay kia quắp tay của Gabriel để được giúp sức đứng lên. Tuyết nặng hạt bắt đầu rơi, không khí mong manh vì lạnh. Gabriel chỉ vào một quán cà phê còn mở cửa và đề nghị đến đó nói chuyện.
“Những người như tôi không uống cà phê ở những nơi như vậy, đặc biệt đi với những người như anh. Đây không phải là nước Mỹ, đây là Amsterdam”. Ông ta lắc đầu quầy quậy rồi liếc nhìn Gabriel bằng nửa con mắt. “Anh nói tiếng Arập như người Palestine. Tôi cho rằng những lời đồn về Giáo sư Rosner là có thật”.
“Tin đồn gì”.
“Rằng ông ấy là con tốt của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và những người ủng hộ Do Thái ở Mỹ. Rằng ông ấy là tình báo của Israel”.
“Ai nói thế”.
Ibrahim nói. “Những thanh niên giận dữ và cả những thầy tế nữa. Họ còn tệ hơn những cái đầu nóng bồng bột của tuổi trẻ. Họ từ Trung Đông đến, từ Arập Xêut sang. Họ rao giảng Wahabi. Thầy tế trong nhà thờ kể cho chúng tôi rằng Giáo sư Rosner đáng chết vì những gì ông ấy đã viết về Hồi giáo và Đấng tiên tri. Tôi đã cảnh báo ông ta liệu mà tìm nơi ẩn nấp nhưng ông ấy đã từ chối. Ông ấy rất cứng đầu”.
Ibrahim dừng lại tựa người vào lan can nhìn xuống dòng sông đen đang uể oải chảy. Gabriel nhìn vào bàn tay phải của người đàn ông Arập và thấy thiếu mất hai ngón cuối cùng.
“Ông có bị đau không?”.
“Tôi không đau lắm”.
“Ông đi bộ được không Ibrahim? Tốt hơn là chúng ta nên đi bộ”.
Người đàn ông Arập gật đầu và họ đi bộ chầm chậm dọc theo bờ sông. “Tôi nghĩ anh là người sử dụng Giáo sư? Đó là lí do anh và bạn anh đang điên cuồng xới tung các hồ sơ của ông ấy”.
“Những việc tôi đang làm trong ngôi nhà của ông ấy không phải việc của anh”.
Người đàn ông Arập nói. “Hãy giúp tôi một việc. Nếu anh thấy tên tôi xin hãy làm ơn bỏ tài liệu đó vào trong máy huỷ ngay. Tôi rất tôn trọng Giáo sư Rosner. Nhưng tôi không muốn kết thúc của mình giống như ông ấy. Những người ở Amsterdam sẵn sàng cắt cổ tôi nếu họ biết tôi đang giúp ông ấy”.
“Ông làm việc cho ông ấy được bao lâu?”.
Ibrahim nói. “Một thời gian dài. Nhưng đó không phải là công việc. Chúng tôi là đối tác, Giáo sư Rosner và tôi. Chúng tôi có cùng niềm tin. Chúng tôi tin tưởng những kẻ thánh chiến đang huỷ hoại tôn giáo của mình. Chúng tôi biết rằng nếu không ngăn họ lại, họ cũng sẽ huỷ hoại đất nước Hà Lan thôi”.
“Tại sao anh làm việc cho Rosner? Sao không làm cho cảnh sát?”.
“Có lẽ từ giọng nói của tôi anh cũng biết rằng tôi là người Ai Cập. Người Ai Cập thường sợ cảnh sát, sợ mật vụ hay những cơ quan tương tự. Tôi đã sống ở Hà Lan được hai mươi lăm năm. Tôi là công dân của đất nước này, cũng như vợ và con tôi. Nhưng đối với cảnh sát Hà Lan và những đồng bào khác, tôi sẽ luôn là một người nhập cư. Một người ngoại lai”.
“Nhưng anh đã đoán Rosner đang chuyển một số thông tin của anh cho cảnh sát và cơ quan an ninh Hà Lan”.
“Và còn cho cơ quan mật vụ Israel nữa…”. Hắn ta nhìn Gabriel và cố nở một nụ cười nghiêm nghị. “Tôi phải thú nhận rằng người Israel không được yêu thích lắm ở quê hương tôi. Vợ tôi là người Palestine. Cô ấy đã chạy trốn sang Ai Cập với gia đình năm 1948 sau vụ Al Nakba và định cư ở Cairo. Mỗi tối, trên bàn ăn tôi đã nghe về những nổi đau của người Palestine gần ba mươi lăm năm nay. Con trai tôi tiếp thu điều đó từ dòng sữa mẹ. Nó vừa là người Ai Cập vừa là người Palestien, một sự pha trộn kỳ quặc”.
“ Đấy có phải là lí do ông theo tôi tối nay không, Ibrahim – để tham gia vào cuộc tranh luận về đề tài lưu vong của người Palestien và những tội ác của những người sáng lập nước Israel”.
Người đàn ông Ai Cập nói. “Có lẽ để lúc khác. Hãy tha lỗi cho tôi. Giờ anh không còn tấn công tôi, nên tôi đang cố gắng để có một cuộc chuyện trò lịch sự. Tôi là giáo sư ở Ai Cập trước khi di cư qua Hà Lan. Vợ và con trai tôi lại kết tội tôi vì tôi là giáo sư. Họ đã dành cả cuộc đời để lắng nghe tôi diễn thuyết. Tôi e là họ không còn chịu đựng nổi tôi nữa. Khi có cơ hội dạy học, tôi sẽ nắm lấy”.
“Thế ông cũng là thầy giáo ở Hà Lan chứ?”.
“Ở Hà Lan ư?”, ông ta lắc đầu. “Không, ở Hà Lan tôi chỉ là công cụ. Năm 1982 chúng tôi quyết định rời Ai Cập vì nghĩ rằng con trai mình sẽ có nhiều cơ hội hơn ở phương Tây. Tôi là người có giáo dục nhưng nền giáo dục của tôi là nền giáo dục của Ai Cập nên ở đây tôi không có giá trị gì cả. Tôi làm nghề xây dựng cầu đường cho đến khi bị bệnh ở lưng. Sau đó tôi làm nghề quét đường trên các con phố cổ ở Rotterdam. Cuối cùng, khi không còn đẩy nổi cây chổi, tôi vào làm việc cho một phân xưởng làm đồ nội thất ở Tây Amsterdam. Quản đốc xưởng cho tôi làm 14 tiếng một ngày. Một đêm, trong lúc ngủ gật, tôi đã làm lưỡi cưa hình tròn đi sai hướng”.
Ông ta nhấc bàn tay bị huỷ hoại lên cho Gabriel xem. “Trong thời kỳ nghỉ dưỡng thương, tôi quyết định tận dụng thời gian của mình bằng cách học nói tiếng Hà Lan cho chuẩn. Khi giám đốc nhà máy nghe nói về việc của tôi, ông ấy bảo tôi đừng lãng phí thời gian vì một ngày nào đó không xa, tất cả những đứa con tha phương sẽ trở về quê nhà. Tất nhiên ông ấy sai”.
Một làn gió thổi những bông tuyết vào mặt họ. Gabriel kéo cổ áo khoác lên. Ibrahim xỏ tay trở lại vào túi áo khoác.
“Con cái chúng tôi phải nghe nhiều lời lăng mạ của dân gốc Hà Lan. Chúng chứng kiến cách người Hà Lan đối xử với chúng tôi, và chúng cũng bị làm nhục. Chúng trở nên giận dữ và phẫn uất, không chỉ đối với người Hà Lan mà còn với chúng tôi, cha mẹ của chúng. Con cái của chúng tôi bị kẹp giữa hai thế giới, không phải hoàn toàn Arập, cũng không phải hoàn toàn Hà Lan. Chúng đang cư ngụ ở Ghurba, vùng đất của những người lạ, và vì thế chúng tìm kiếm sự che chở ở một nơi an toàn”.
“Hồi giáo”, Gabriel nói.
Ibrahim gật đầu và lặp lại. “Chính là Hồi giáo”.
“Ông vẫn làm đồ nội thất để kiếm sống chứ, Ibrahim?”.
Ông ta lắc đầu. “Tôi đã về hưu nhiều năm rồi. Nhà nước Hà Lan trả lương cho tôi hậu hĩnh cũng bởi vì tôi bị mất hai ngón tay. Tôi tìm cách làm một ít việc phụ thêm. Điều đó tốt cho lòng tự trọng của tôi và giúp tôi chậm già”.
“Bây giờ ông làm ở đâu?”.
“Cách đây ba năm, nhà nước tài trợ cho tôi mở một trung tâm cho cộng đồng Hồi giáo ở khu vực Oud West của thành phố. Tôi làm bán thời gian ở vị trí tư vấn viên. Tôi giúp những người mới đến tìm nơi nương tựa. Tôi giúp dân tộc của mình học nói tiếng Hà Lan cho chuẩn. Và tôi còn theo dõi cả những thanh niên đang bức xúc. Đó là nơi lần đầu tôi nghe đồn về âm mưu bắn hạ một chiếc máy bay của người Do Thái”. Hắn liếc sang Gabriel để xem phản ứng của anh. “Khi tôi nhìn vấn đề xa hơn, tôi thấy nó còn hơn cả một tin đồn, do đó tôi nói với Giaó sư Rosner. Anh phải cảm ơn tôi vì cái vụ hai trăm năm mươi người Do Thái không bị thổi tung lên từng mảnh ở sân bay Schiphol”.
Một cặp đồng tính nam tuổi trung niên tiến về phía họ dọc theo bờ sông. Ibrahim bước chậm lại và nhìn xuống phía những viên đá lát đường.
“Tôi còn có một công việc khác nữa”, ông ta nói khi hai người đàn ông kia đi khỏi. “Tôi làm việc cho một người bạn bán xoong chậu ở chợ Ten Kate. Anh ta trả công cho tôi và cho tôi lấy quầy hàng làm chỗ cầu nguyện. Có một nhà thờ Hồi giáo nhỏ ở góc đường Jan Hazenstraat gọi là nhà thờ Al Hijrah. Nó nổi tiếng vì thầy tế ở đó rất quá khích. Ở đền Al Hijrah có nhiều thanh niên, những kẻ luôn nung nấu hình ảnh thánh chiến và khủng bố, những thanh niên sẵn sàng tử vì đạo, những kẻ coi Osama Bin Laden là người Hồi giáo thực thụ. Những thanh niên này tin vào takfiri. Anh có biết từ này không? Takfiri?”.
Gabriel gật đầu. Takfiri là một khái niệm do dân Hồi giáo tạo nên ở Ai Cập vào thập niên 1970, một mánh khoé thần học để cho phép những tên khủng bố giết hầu như bất kỳ ai họ muốn nhằm đạt được mục tiêu áp đặt sharia và phục hồi Caliphate. Mục tiêu ban đầu là những người Hồi giáo. Một lãnh tụ Hồi giáo lâu năm, người không cai trị bằng luật sharia sẽ bị giết bằng takfiri vì đã xa rời Hồi giáo. Do đó công dân của một nhà nước Hồi giáo cổ hay một người Hồi giáo cư ngụ ở một nước phương Tấy dân chủ có thể làm điều đó. Đối với Takfiri, dân chủ chính là dị giáo, vì nó thay thế những luật lệ của Chúa bằng luật lệ của con người. Do đó, những công dân Hồi giáo ở một nước dân chủ là người bội giáo và có thể bị hành hình. Chính khái niệm Takfiri đã thôi thúc Osama Bin Laden lái máy bay lao thẳng vào các toà nhà hay đánh bom các Đại sứ quán ở Châu Phi, dù nhiều nạn nhân của hắn là người Hồi giáo. Nó còn cho phép những kẻ khủng bố người Sunni ở Irắc dược giết bất kỳ người nào chúng muốn, hòng ngăn chặn nền dân chủ ở Bátđa. Nó còn thôi thúc những thanh niên Hồi giáo được sinh ra tại Anh sẵn sàng cho nổ tung mình trên xe điện ngầm và xe buýt ở Luân Đôn, thậm chí một số còn sẵn sàng đưa những người Hồi giáo khác lên thiên đường.
Ibrahim nói tiếp. “Những thanh niên này có kẻ cầm đầu. Hắn chưa ở Amsterdam lâu đâu – chỉ mười tám tháng, có thể lâu hơn một chút. Hắn là người Ai Cập, làm việc cho một cửa hàng internet và trung tâm điện thoại ở khu Oud Uwest, nhưng hắn thích tự nghĩ về mình như một nhà rao giảng Hồi giáo vĩ đại và là nhà báo tài năng. Hắn viết bài cho những tạp chí và website của người Hồi giáo”.
“Tên hắn là gì?”.
“Samir ai Masri – ít ra đó là cái tên hắn tự gọi mình. Hắn cho rằng mình có liên hệ với du kích quân ở Irắc. Hắn nói với thanh niên của chúng tôi rằng bổn phận của họ là phải giết những kẻ ngoại đạo đã làm ô uế đất đai của người Hồi giáo. Hắn diễn thuyết cho họ nghe về Takfiri và thánh chién. Đêm đến họ tập trung ở nhà hắn đọc kinh Sayyid Qutb và Ibn Taymiyyah. Họ tải xuống những băng video từ internet để xem những kẻ ngoại đạo bị chặt đầu. Vài người đã đi Ai Cập với hắn. Hiện có cuộc tranh cãi về Samir ở đền Al Hijrah. Thường là bàn luận trong đền nhưng cách bàn luận cũng không giống ai. Samir là một người nguy hiểm. Nếu không phải là al-Qeada thì hắn cũng là một người bà con thân thuộc”.
“Hắn sống ở đâu?”.
“Trên phố Hudsonstraat. Số 37. Căn hộ D”.
“Ở một mình?”.
Ibrahim vừa giật râu vừa suy nghĩ và gật đầu.
“Ông đã kể cho Solomon về Samir chứ?”.
“Đúng, cách đây nhiều tháng”.
“Thế thì tại sao tối nay ông theo dõi tôi?”.
“Vì cách đây hai ngày, Samir và bốn thanh niên khác từ nhà thờ Al Hijrah đã biến mất”.
Gabriel dừng lại nhìn Ibrahim. “Thế họ đị đâu?”
“Tôi cũng đang hỏi thăm, nhưng hình như không ai biết”.
“Ông có biết tên của bốn người kia không?”
Người đàn ông Ai Cập đưa cho Gabriel một mảnh giấy. Anh ta nói. “Tìm họ đi. Nếu không, tôi e là những ngôi nhà này sắp sụp đổ đấy”.
Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81737


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận