Kẻ Trộm Sách Phần 8. Người lay từ ngữ

Phần 8. Người lay từ ngữ
Gồm có: Những quân cờ domino và bóng tối - ý nghĩ về một thằng Rudy trần truồng - hình phạt - vợ của một người giữ lời hứa - nhà sưu tập - những người ăn bánh mì - một ngọn nến giữa những cái cây – quyển sổ phác thảo được giấu kín – và bộ sưu tập qu

NHỮNG QUÂN CỜ DOMINO VÀ BÓNG TỐI

Theo lời đứa em gái nhỏ nhất của Rudy Steiner, thì có hai con quái vật đang ngồi trong nhà bếp. Giọng nói của bọn họ cứ đều đặn va vào cánh cửa khi ba đứa trẻ nhà Steiner đang chơi cờ domino ở phòng phía bên kia của căn nhà. Ba đứa còn lại đang nghe đài trong phòng ngủ, một cách lơ đãng. Rudy hy vọng rằng việc này sẽ không liên quan gì đến điều đã xảy ra ở trường tuần trước. Đó là một điều mà nó đã không kể cho Liesel nghe, và cũng không nói cho ai biết khi về nhà.

š MỘT BUỔI CHIỀU XÁM XỊT ›

MỘT VĂN PHÒNG NHỎ Ở TRƯỜNG

Ba đứa con trai đứng thành một hàng.

Những thông số và cơ thể chúng

được kiểm tra từ đầu đến cuối.

Khi ván domino thứ tư kết thúc, Rudy bắt đầu dựng đứng những quân cờ lên thành nhiều hàng, tạo ra những hoa văn trải dài ra trên mặt sàn phòng khách. Theo thói quen cố hữu, nó chừa lại một vài khoảng trống, phòng trường hợp một ngón tay xỏ lá của em nó can thiệp vào, và đây là một điều vẫn thường xảy ra. “Em có thể gạt chúng xuống được không Rudy?”

“Không.”

“Còn em thì sao?”

“Không. Không ai trong chúng ta được làm thế cả.”

Nó tạo ra ba nhóm quân cờ riêng biệt cùng dẫn đên một cái tháp được xây bằng những quân domino ở giữa. Chúng sẽ cùng nhau chứng kiến mọi thứ đã được lên kế hoạch vô cùng cẩn thận sụp đổ, và tất cả sẽ mỉm cười, trước cái đẹp của sự tàn phá.

Những giọng nói trong nhà bếp lúc này đã lớn hơn, giọng nói này chồng chất lên giọng nói kia để được đối phương nghe thấy. Những câu nói khác nhau tranh giành sự chú ý của người ta, cho đến khi một người, trước đó vẫn im lặng, xen vào giữa chúng.

“Không,” bà ta nói. Câu ấy lại được lặp lại. “Không.” Ngay cả khi những người còn lại quay về với cuộc cãi vã trước đó, thì họ lại phải im lặng một lần nữa bởi cùng một giọng nói ấy, nhưng lần này nó đã có được chút lực. “Làm ơn đi,” Barbra Steiner van xin họ. “Không phải là con trai của tôi.”

“Chúng ta có thể thắp một ngọn nến lên không hả, Rudy?”

Đó là một điều mà cha chúng vẫn thường làm cho chúng. Ông sẽ tắt đèn đi, và rồi họ sẽ nhìn những quân cờ domino sụp đổ trong bóng tối. Làm thế nào đó mà việc tắt nến khiến cho sự kiện này trở nên lớn lao hơn, tạo ra một quang cảnh vĩ đại hơn.

Đằng nào thì chân cẳng thằng nhóc cũng mỏi nhừ rồi. “Để anh tìm diêm cái đã.”

Công tắc đèn ở chỗ cửa.

Một cách khẽ khàng, Rudy bước về phía đó với một tay cầm hộp diêm, tay kia cầm ngọn nến.

Phía bên kia phòng, giọng nói của ba người đàn ông và một người đàn bà trèo đến chỗ bản lề cửa. “Điểm cao nhất trong lớp.” Một trong số hai con quái vật nói. Một giọng nói sâu thẳm và khô khốc. “Ấy là chưa nói đến năng khiếu thể thao của cháu nó.” Khốn kiếp thật, tại sao nó lại phải thắng tất cả những cuộc đua ở kỳ đại hội lần đó chứ?

Deutscher.

Cái gã Franz Deutscher khốn kiếp ấy!

Nhưng sau đó nó hiểu ra.

Đây không phải lỗi của Franz Deutscher, mà là lỗi của chính nó. Nó muốn cho cái kẻ trước đó luôn hành hạ nó thấy rằng nó có thể làm được những gì, và nó còn muốn chứng tỏ bản thân mình cho mọi người thấy. Bây giờ thì mọi người đang ở trong nhà bếp.

***

Nó thắp ngọn nến lên rồi tắt đèn.

“Sẵn sàng chưa?”

“Nhưng tôi đã nghe nói về những điều xảy ra ở đó.” Đó là giọng nói cứng rắn không thể lẫn vào đâu được của bố nó.

“Coi nào, Rudy, nhanh lên nào.”

“Phải, nhưng hãy hiểu cho, ông Steiner, tất cả là vì một mục tiêu cao cả hơn. Hãy nghĩ về những cơ hội mà con trai ông có thể có được. Đây thực sự là một đặc ân đấy.”

“Rudy, nến đang chảy ra rồi kìa.”

Nó xua tay ra hiệu hai đứa em hãy im lặng, rồi lại chờ đợi Alex Steiner lên tiếng. Ông ấy đã lên tiếng.

“Đặc ân ư? Kiểu như chạy chân trần trên tuyết ấy hả? Hay nhảy từ một cái bục cao mười mét xuống một hồ sâu một mét nước?”

Lúc này thì tai của Rudy đã dán chặt vào cánh cửa. Sáp nến đang chảy lên tay nó.

“Đó chỉ là những tin đồn thôi.” Giọng nói khô khốc, trầm đục và trần trụi ấy dường như luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề. “Trường của chúng tôi là một trong những ngôi trường tốt nhất từng được mở. Nó còn tốt hơn cả tiêu chuẩn quốc tế nữa. Chúng tôi đang hình thành một nhóm công dân Đức cao quý...”

Rudy không thể nghe thêm được câu nào nữa.

Nó khều sáp nến ra khỏi tay mình và rút lui khỏi luồng ánh sáng lọt qua khe cửa. Khi nó ngồi xuống, thì ngọn lửa vụt tắt. Đã có quá nhiều chuyển động. Bóng tối ùa vào. Tia sáng duy nhất là khuôn trắng hình chữ nhật, cái khuôn trắng có hình cánh cửa nhà bếp.

Nó đánh một que diêm khác lên và nhen lại ngọn nến. Mùi thơm ngọt ngào của lửa và than bốc lên từ que diêm vừa tắt.

Rudy và hai đứa em gái, mỗi đứa đều rút ra một quân cờ domino khác nhau, và rồi chúng nhìn những quân cờ đổ sụp xuống cho đến khi cái tháp xây bằng những quân cờ domino ấy chỉ còn là một đống quân cờ lộn xộn. Hai đứa con gái reo lên.

Kurt, anh nó, bước vào phòng,

“Trông họ như những thây người chết vậy,” nó nói.

“Cái gì kia?”

Rudy săm soi gương mặt tối om ấy, nhưng Kurt không trả lời. Nó đang chú ý đến tiếng cãi nhau vọng ra từ trong nhà bếp. “Chuyện gì đang xảy ra trong đó vậy?”

Người trả lời là một trong hai đứa con gái. Đó là đứa bé nhất, Bettina. Con bé năm tuổi. “Có hai con quái vật,” con bé nói. “Chúng đến để bắt Rudy.”

Một lần nữa, những đứa trẻ đã chứng minh cho tôi thấy là chúng khôn ngoan hơn người lớn rất nhiều.

Sau đó, khi những người đàn ông mặc áo khoác đã ra về, hai đứa con trai, một đứa mười bảy tuổi, đứa kia mười bốn tuổi, mới có đủ can đảm để đối mặt với căn bếp.

Chúng đứng nơi ngưỡng cửa. Ngọn đèn bếp như đang trừng phạt đôi mắt chúng.

Kurt là người lên tiếng. “Họ có bắt nó đi không?”

Cánh tay của mẹ chúng đang ép chặt xuống mặt bàn. Lòng bàn tay bà ngửa lên.

Alex Steiner ngẩng đầu lên.

Cái đầu thật nặng.

Vẻ mặt của ông rất sắc bén và kiên quyết, như vừa đươc cắt ra vậy.

Một bàn tay bằng gỗ quét trên những mảnh vụn của hàm râu và ông cố gắng cất tiếng nói vài lần mà không được.

“Bố ơi?”

Nhưng Rudy không bước về phía cha nó.

Nó ngồi xuống chỗ bàn bếp và nắm lấy đôi bàn tay đang ngửa lên của mẹ.

Alex và Barbra Steiner sẽ không tiết lộ những điều mà người ta đã nói ra khi đám quân cờ domino sụp đổ như những thây người chết trong phòng ngủ. Giá như Rudy vẫn tiếp tục lắng nghe ở chỗ cửa, chỉ trong vài phút nữa thôi...

Nó tự nhủ với bản thân mình trong suốt những tuần lễ tiếp theo - hay thực ra, là nài nỉ bản thân mình tin - rằng nếu nó nghe được Phần còn lại của buổi nói chuyện tối hôm đó, thì nó đã bước vào nhà bếp sớm hơn nhiều. “Con sẽ đi,” nó sẽ nói như thế. “Làm ơn, hãy đưa cháu đi, bây giờ cháu đã sẵn sàng rồi.”

Nếu nó đã xen vào như thế, thì điều này có thể sẽ thay đổi mọi thứ.

š BA KHẢ NĂNG CÓ THỂ XẢY RA ›

1. Alex Steiner sẽ không phải hứng chịu một hình phạt

giống như Hans Hubermann.

2. Rudy sẽ đến học ở ngôi trường ấy.

3. Và, chỉ có thể thôi nhé, nó sẽ sống sót.

Dù vậy, sự phũ phàng của số phận đã không cho phép Rudy Steiner bước vào nhà bếp vào cái khoảnh khắc đúng lúc ấy.

Nó đã quay lại với hai đứa em gái của mình và những quân cờ domino.

Nó đã ngồi xuống.

Rudy Steiner đã không đi đâu cả.

Ý NGHĨ VỀ MỘT THẰNG RUDY TRẦN TRUỒNG

Có một người đàn bà.

Đang đứng trong góc nhà.

Bà ta là người có tóc tết đuôi sam dày nhất mà tôi từng thấy. Nó buông thõng xuống lưng bà, và thi thoảng, khi bà vắt cái đuôi tóc ấy qua vai, thì nó ẩn náu giữa hai bầu ngực khổng lồ của bà ta như một con thú cưng được cho ăn quá nhiều. Quả thực là mọi thứ thuộc về người đàn bà này đều được thổi phồng lên. Đôi môi bà, hai cẳng chân của bà. Hàm răng đều tăm tắp của bà. Bà ta có một giọng nói sang sảng, xốc thẳng vào mặt bạn. Bà thuộc týp người không có thời gian để mà lãng phí. “Komm,” bà hướng dẫn mấy thằng nhóc. “Đến đây nào. Đứng ở đây.”

So với người đàn bà này, thì vị bác sĩ giống như một loài gặm nhấm bị hói đầu vậy. Ông rất nhỏ nhắn và lanh lẹ. Ông bước trong văn phòng trường với những chuyển động và cung cách thất thường nhưng lại đầy vẻ bận rộn. Và ông đang bị cảm lạnh.

Trong số ba thằng nhóc, thật khó quyết định xem đứa nào lưỡng lự hơn cả trong việc trút bỏ quần áo của mình, khi chúng được ra lệnh phải làm như thế. Đứa đầu tiên nhìn hết người nầy đến người kia, từ người giáo viên già nua, sang đến bà y ta khổng lồ, cho đến ông bác sĩ nhỏ thó. Đứa đứng giữa thì chỉ nhìn chằm chằm xuống chân mình, còn đứa đứng ở góc xa bên trái thì đang bận cảm tạ cái ân điển của mình, vì nó đang ở trong văn phòng trường chứ không phải trong một thung lũng tối tăm nào đó. Bà y tá, Rudy đã quyết định như thế, là người đáng sợ hơn cả.

“Ai trước đây?” bà ta hỏi.

Ông thầy giám thị, ông Heckenstaller, là người trả lời. Ông ta trông giống một bộ quần áo màu đen hơn là một con người. Gương mặt ông là một hàm râu mép. Khi vừa kiểm tra sơ qua những thằng nhóc, lựa chọn của ông ta đã đến ngay lập tức.

“Schwarz.”

Cái thằng Jurgen Schwarz xui xẻo cởi bỏ bộ đồng phục của mình ra một cách hết sức lúng túng và ngượng ngập. Trên người nó chỉ còn độc có mỗi đôi giày và đồ lót. Một vẻ cầu xin vô vọng như bị mắc cạn lại trên gương mặt Đức thuần chủng của nó.

“Và?” Ông Heckenstaller hỏi nó. “Cả đôi giày nữa chứ?”

Nó cởi cả hai chiếc giày và hai cái tất ra.

“Und die Unterhosen,” bà y tá nói. “Cả quần lót nữa.”

Rudy và thằng nhóc còn lại, Olaf Spiegel, lúc này cũng đã bắt đầu trút bỏ quần áo, nhưng chúng không đến mức phải lâm vào tình thế hiểm nghèo như của Jurgen Schwarz. Thằng nhóc này đang run rẩy. Nó nhỏ hơn hai đứa còn lại một tuổi, nhưng cao hơn. Khi quần lót của nó tụt xuống đất, thì thằng bé ấy đứng trong văn phòng nhỏ xíu, mát lạnh này một cách thật nhục nhã và đáng xấu hổ. Lòng tự tôn của nó đang ở xung quanh mắt cá chân nó.

Bà y tá chăm chú nhìn nó, hai tay bà ta khoanh tròn trước bộ ngực kinh dị của bà.

Heckenstaller ra lệnh cho hai đứa kia nhúc nhích.

Vị bác sĩ gãi da đầu và ho. Cơn cảm lạnh đang giết ông ta.

Ba thằng nhóc trần truồng ấy được kiểm tra từng đứa một trên sàn nhà lạnh lẽo.

Chúng lấy tay che dương vật của mình lại và run lẩy bẩy như thể biết trước tương lai đang chờ đợi chúng vậy.

Giữa những tràng ho và tiếng thở khò khè của ông bác sĩ, chúng được thử tài.

“Hít vào đi.” Xì mũi.

“Thở ra đi.” Tiếng xì mũi thứ hai.

“Bây giờ thì đưa tay ra.” Một cái ho. “Tôi đã nói là đưa tay ra kia mà.” Một loạt ho khủng khiếp dồn dập kéo đến.

Theo cái cách mà con người vẫn thường làm, thì mấy thằng nhóc thi thoảng lại nhìn nhau, để nhận thấy được một vài dấu hiệu nào đó của sự đồng cảm. Chẳng có sự đồng cảm nào ở đây cả. Ba đứa buông những bàn tay đang nắm chặt ra khỏi dương vật của mình rồi chìa tay ra cho vị bác sĩ. Rudy không cảm thấy mình là một Phần của một chủng tộc thượng đẳng chút nào.

“Chúng ta đang dần thành công,” bà y tá nói với ông giám thị, “trong việc tạo ra một tương lai mới. Rồi đó sẽ là một đẳng cấp người Đức tiên tiến hơn cả về thể xác lẫn tinh thần. Một đẳng cấp được sinh ra để chỉ huy.”

Không may, bài thuyết giảng của bà ta đã bị cắt ngắn lại, khi vị bác sĩ nọ như gập người làm đôi và ho thật lực về phía đống quần áo đã bị cởi ra của mấy thằng nhóc. Những giọt nước mắt vương đầy trên đôi mắt ông ta, và Rudy không thể ngăn mình tự đặt ra một câu hỏi.

Một tương lai mới sao? Giống như ông ta à?

Thằng bé đã khá khôn ngoan khi không nói điều đó ra.

Đợt kiểm tra hoàn tất, và thằng bé đã làm thế nào đó mà nói ra được cái câu Heil Hitler đầu tiên của mình trong tình trạng khỏa thân. Một cách ngang bướ, nó thừa nhận rằng việc này không làm nó thấy tệ tí nào.

Sau khi đã lột truồng lòng tự trọng của mình ra, mấy thằng nhóc lại được phép mặc quần áo vào. Và khi đã ra khỏi văn phòng, chúng vẫn còn kịp nghe thấy cuộc thảo luận giữa những người lớn sau lưng.

“Chúng trông hơi già trước tuổi,” vị bác sĩ nói, “nhưng tôi đang nghĩ mình sẽ chọn ít nhất là hai đứa trong bọn chúng.”

Bà y tá đồng tình. “Đứa đầu tiên và đứa thứ ba.”

Ba thằng nhóc đứng bên ngoài.

Thứ nhất và thứ ba.

“Đứa thứ nhất là mày đấy, Schwarz,” Rudy nói. Sau đó nó hỏi Olaf Spiegel. “Thế ai là đứa thứ ba nhỉ?”

Spiegel tính toán một chút. Bà ta có ý nói là đứa thứ ba trong hàng hay đứa được kiểm tra thứ ba vậy? Điều đó không quan trọng. Nó biết điều mà nó muốn tin. “Tao nghĩ là mày đấy.”

“Nhảm cứt quá, Spiegel à, thằng đó phải là mày chứ.”

š MỘT BẢO ĐẢM NHỎ ›

Những người đàn ông mặc áo khoác biết đứa thứ ba là ai.

Một ngày sau chuyến viếng thăm của họ đến phố Thiên Đàng Rudy ngồi trên bậc cấp trước nhà mình cùng với Liesel và thuật lại toàn bộ thiên tiểu thuyết của mình, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất, cho con bé nghe. Nó đã đầu hàng và thừa nhận điều đã xảy ra ở trường vào ngày hôm đó, khi nó bị gọi ra khỏi lớp. Thậm chí còn có một vài tiếng cười phát ra từ hai đứa về cái bà y tá khổng lồ nọ, và về vẻ mặt đáng thương của Jurgen Schwarz. Dù vậy, nhìn chung thì đó là một câu chuyện đầy rẫy nỗi lo lắng, đặc biệt là khi câu chuyện ấy nói về những giọng nói trong nhà bếp và mấy quân cờ domino giống như những xác chết.

Trong nhiều ngày, có một suy nghĩ cứ ám ảnh tâm trí của Liesel mãi.

Đó là suy nghĩ về đợt kiểm tra sức khỏe ba thằng nhóc nọ, hay nếu nói một cách thành thật, thì đó là về Rudy.

Con bé nằm trằn trọc trên giường, nhớ Max, tự hỏi xem anh đang ở đâu, cầu nguyện rằng anh vẫn còn sống, nhưng đâu đó, giữa tất cả những chuyện này, là Rudy.

Thằng bé như tỏa sáng trong bóng tối, hoàn toàn trần truồng.

Có một cái gì đó đáng sợ vô cùng với cảnh tượng này, đặc biệt là lúc mà thằng bé bị buộc phải lấy tay ra. Nói một cách nhẹ nhàng nhất, thì việc này làm con bé thấy thật lúng túng, nhưng vì một vài lý do nào đó, nó không thể ngừng suy nghĩ về chuyện này được.

HÌNH PHẠT

Trên những tấm thẻ phân phối của Đức Quốc xã không liệt kê những hình phạt, nhưng mỗi người đều phải đón nhận hình phạt của mình. Đối với vài người, hình phạt này là cái chết ở một đất nước xa lạ nào đó trong thời gian xảy ra chiến tranh. Đối với những người khác, thì đó là sự nghèo đói và cảm giác cắn rứt khi chiến tranh qua đi, và có sáu triệu thi thể đã được tìm thấy trên khắp châu Âu. Rất nhiều người hẳn đã thấy hình phạt của mình đang đến gần, nhưng chỉ có một Phần nhỏ trong số này chào đón nó. Một người như thế là Hans Hubermann.

Bạn không được giúp người Do Thái trên phố.

Tầng hầm của bạn không nên che giấu một người Do Thái.

Ban đầu, hình phạt của ông là lương tâm. Việc trục xuất Max Vandenburg ra khỏi nhà một cách đầy ngớ ngẩn đã khiến ông thấy vô cùng dày vò. Liesel có thể nhìn thấy điều này đang ngồi bên cạnh chiếc đĩa của ông, khi ông bỏ bữa ăn tối, hay khi nó đứng với ông ở trên cây cầu bắc qua sông Amper. Ông không còn chơi đàn xếp nữa. Sự lạc quan trong đôi mắt màu bạc của ông đã bị tổn thương và trở nên bất động. Dù như thế đã là tệ lắm rồi nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu.

Vào một ngày thứ Tư đầu tháng Mười một, hình phạt thực sự đã vào đến hòm thư của gia đình Hubermann. Nhìn bên ngoài thì có vẻ như nó là một tin tốt lành.

š TỜ GIẤY TRONG NHÀ BẾP ›

Chúng tôi rất vui mừng được báo cho ông biết rằng đơn xin gia nhập NSDAP của ông cuối cùng đã được chấp nhận...

“Đảng Quốc xã ư?” Rosa hỏi. “Tôi cứ ngỡ là họ không muốn nhận ông chứ.”

“Thì họ đâu có muốn.”

Bố ngồi xuống và đọc lại lá thư một lần nữa.

Ông không bị bắt đi vì tội phản quốc hay vì đã giúp đỡ người Do Thái, hay vì bất cứ điều gì đại loại như vậy. Hans Hubermann đã được thưởng, ít nhất là tới chừng mực mà vài người biết như thế. Làm sao điều này có thể xảy ra được?

“Ắt phải còn có việc gì khác nữa đây.”

Đúng thế.

Vào ngày thứ Sáu, một sắc lệnh đã được gửi đến để nói rằng Hans Hubermann sẽ được tuyển vào quân đội Đức. Một thành viên của đảng sẽ lấy làm hạnh phúc khi được góp Phần công sức của mình vào cuộc chiến, tờ sắc lệnh kết luận như thế. Nếu ông không chấp nhận, thì chắc chắn ông sẽ phải hứng chịu những hậu quả.

Liesel vừa mới về nhà sau khi đọc sách ở nhà của bà Holtzapfel.

Căn bếp thật nặng nề với hơi súp và gương mặt thất thần của Hans và Rosa Hubermann. Bố đang ngồi. Mẹ thì đứng bên cạnh ông, khi nồi súp đã bắt đầu cháy khét.

“Lạy Chúa, làm ơn đừng bắt con phải đến Nga,” Bố nói.

“Mẹ ơi, nồi súp đang khét kìa.”

“Cái gì?”

Liesel bước vội đến và nhấc nồi ra khỏi bếp. “Món súp.” Khi nó đã cứu thành công nồi súp, con bé quay lại và nhìn bố mẹ nuôi nó. Gương mặt của họ trông như những thành phố ma vậy. “Bố ơi, có chuyện gì thế?”

Ông đưa cho con bé bức thư, và tay nó bắt đầu run lên khi đọc lá thư ấy. Những từ ngữ đã được dộng thẳng xuống mặt giấy.

š NỘI DUNG TƯỞNG TƯỢNG CỦA LIESEL MEMINGER ›

Trong căn bếp tràn ngập sự bàng hoàng, đâu đó gần bếp lò, có hình ảnh của một cái máy đánh chữ cô độc, phải làm việc quá sức.

Cái máy ngồi đó, trong một căn phòng rộng, xa xăm.

Những phím chữ của nó đã mờ đi và tờ giấy trắng đang chờ đợi một cách kiên nhẫn ngay bên trên, ở vị trí kẹp giấy.

Tờ giấy nhẹ nhàng ve vẩy trong luồng gió thổi vào từ cửa sổ.

Một tách cà phê đang ở gần đó.

Một chồng giấy cao bằng chiều cao của một con người đang đứng vẩn vơ ở chỗ cửa ra vào. Có thể chồng giấy ấy đang hút thuốc.

Sự thực là, Liesel chỉ nhìn thấy cái máy chữ sau này, khi nó bắt đầu viết. Con bé tự hỏi có bao nhiêu lá thư như thế đã được gửi đi như một hình phạt, đến những người Đức như Hans Hubermann và Alex Steiner - những người đã giúp đỡ những kẻ khốn cùng, và những người đã không chịu từ bỏ đứa con của mình.

Đó là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng đang ngày càng tăng lên của quân đội Đức.

Họ đang thua trận ở Nga.

Những thành phố của họ đang bị đánh bom.

Người ta cần có nhiều người hơn, cũng như cần nhiều cách tuyển thêm quân hơn, và trong hầu hết trường hợp thì những công việc tồi tệ nhất sẽ được trao cho những người tồi tệ nhất.

Khi mắt nó lướt trên lá thư, Liesel có thể nhìn xuyên qua những cái lỗ dộng chữ để thấy chiếc bàn gỗ. Những chữ như bắt buộc và trách nhiệm được dập vào tờ giấy. Tuyến nước bọt của con bé bị kích thích. Nó thấy buồn nôn. “Cái gì thế này?”

Bố đáp khẽ. “Bố nghĩ là bố đã dạy con đọc rồi kia mà, con gái?” Ông không nói với sự giận dữ, hay mỉa mai. Đó là một giọng nói trống rỗng, để cho tương xứng với gương mặt ông.

Lúc này Liesel nhìn sang Mẹ.

Rosa có một vết rách nhỏ bên dưới con mắt bên phải, và chỉ trong một khắc thôi, gương mặt nhàu nhĩ như giấy các-tông của bà vỡ ra. Không phải từ giữa, mà từ bên phải. Nó chạy dài xuống má bà theo một đường cong, và kết thúc ở cằm của bà.

š 20 PHÚT SAU: ›

MỘT ĐỨA BÉ GÁI TRÊN PHỐ THIÊN ĐÀNG

Nó nhìn lên. Nó thì thầm. “Bầu trời hôm nay rất mềm mại, Max ạ. Những đám mây mới mềm mại và buồn làm sao, và...” Con bé nhìn đi chỗ khác rồi khoanh tay lại. Nó nghĩ về việc bố nó sắp sửa ra trận, và kéo áo khoác lại để che kín cơ thể hơn. “Và trời thật là lạnh, Max ạ. Rất lạnh...”

Năm ngày sau, khi Liesel tiếp tục thói quen quan sát thời tiết của mình, thì nó không có cơ hội để nhìn thấy bầu trời nữa.

Ở nhà kế bên, Barbra Steiner đang ngồi trên bậc cửa với mái tóc được chải chuốt cẩn thận. Bà đang hút một điếu thuốc và run rẩy. Trên đường đi qua, Liesel bị cắt ngang bởi hình ảnh của K urt. Nó bước ra và ngồi xuống với mẹ mình. Khi thấy đứa bé gái ngừng lại, nó cất tiếng gọi.

“Đến đây nào, Liesel. Rudy sắp ra rồi đấy.”

Sau một khắc ngừng lại, con bé tiếp tục bước về phía bậc cấp. Barbra hút thuốc.

Một nếp nhăn tàn thuốc đang chơi bập bênh ở cuối điếu thuốc của bà. Kurt lấy điếu thuốc, gạt tàn xuống đất, hút một hơi, rồi trả lại cho mẹ mình.

Khi điếu thuốc được hút xong, mẹ của Rudy nhìn lên. Bà lấy tay vuốt những nếp tóc gọn ghẽ của mình.

“Bố của anh cũng sẽ phải đi,” Kurt nói. Sau đó, chỉ còn sự im lặng.

Một nhóm trẻ con đang chơi đá bóng, chỗ gần cửa hàng của mụ Diller.

“Khi người ta đến và bắt bạn giao nộp một trong những đứa con của mình,” Barbra Steiner giải thích cho không-riêng-ai-cả, “thì lẽ ra bạn nên đồng ý.”

VỢ CỦA MỘT NGƯỜI GIỮ LỜI HỨA

šTẦNG HẦM, CHÍN GIỜ SÁNG›

Còn sáu tiếng đồng hồ nữa là tới lúc chia tay:

“Bố đã chơi một cây đàn xếp, Liesel ạ. Của một người khác.”

Ông nhắm mắt lại:

“Và điều đó đã khiến nhà này sụp đổ.”

Không tính đến ly rượu champagne vào mùa hè trước, Hans đã không đụng đến một giọt bia rượu nào trong suốt mười năm qua. Rồi sau đó là cái đêm trước khi ông lên đường đi huấn luyện.

Chiều hôm ấy, ông tới quán Knoller cùng Alex Steiner và ở đó đến tận tối mịt. Tảng lờ những lời cảnh báo từ những người vợ của họ, cả hai đã uống đến mức chẳng còn nhớ gì nữa. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi chủ của quán Knoller, Dieter Westheimer đã cho họ uống thêm vài cốc miễn phí.

Hình như là, khi vẫn còn tỉnh táo, Hans đã được mời lên sân khấu để chơi đàn xếp. Một cách rất thích hợp, ông đã chơi bản nhạc Ngày Chủ nhật u ám đầy tai tiếng - bản quốc ca của những người tự tử có xuất xứ từ Hungary - và mặc dù ông đã gợi lên tất cả nỗi buồn mà nhờ đó bài hát trở nên nổi tiếng, thì ông vẫn đã làm cho mọi người vỗ tay vang dội. Liesel hình dung ra cảnh tượng đó, và âm thanh đó. Những cái mồm đầy nghẹt. Những ly bia rỗng vằn vện bọt. Cái ống bễ của cây đàn thở dài, và rồi bài hát kết thúc. Người ta vỗ tay. Những cái lỗ mồm đầy bia của họ reo hò, gọi ông quay lại quầy bar.

Khi họ tìm được đường về nhà, Hans không thể tra chìa khóa vào lỗ khóa được. Thế là ông gõ cửa. Gõ liên hồi kỳ trận.

“Rosa!”

Ông đã gõ cửa nhầm nhà.

Bà Holtzapfel không hề rung động.

“Schweine! Ông gõ nhầm cửa rồi.” Bà ta nhồi nhét những từ ngữ qua lỗ khóa. “Nhà bên cạnh cơ. Đồ con lợn ngu ngốc.”

“Cảm ơn, bà Holtzapfel.”

“Ông biết ông có thể làm gì với mấy câu cảm ơn của mình mà, đồ lỗ đít.”

“Bà nói gì cơ?”

“Cút về nhà đi.”

“Cảm ơn, bà Holtzapfel.”

“Tôi vừa bảo ông hãy cút đi cùng với mấy câu cảm ơn phải gió của mình kia mà?”

“Bà đã bảo tôi thế à?”

(Thật đáng ngạc nhiên khi bạn có thể ghép lại cùng nhau cuộc đối thoại trong tầng hầm và buổi đọc sách trong căn bếp bẩn thỉu của một người đàn bà.)

“Ông cút đi cho tôi nhờ!”

Sau cùng, khi về được đến nhà, Bố không đi lên giường, mà đi vào phòng của Liesel. Ông đứng nơi ngưỡng cửa, say rượu, và ngắm nhìn con bé ngủ. Nó thức dậy và ngay lập tức nghĩ rằng đó là Max.

“Có phải anh đó không?” Nó hỏi.

“Không,” ông đáp. Ông biết chính xác điều nó đang nghĩ trong đầu. “Bố đây.”

Ông ra khỏi phòng, và con bé nghe thấy tiếng những bước chân ông đang đi xuống tầng hầm.

Trong phòng khách, Rosa đang ngáy một cách rất hăng hái.

Gần chín giờ sáng hôm sau, trong nhà bếp, Liesel nhận được một mệnh lệnh từ Rosa. “Đưa cho tao cái xô đằng kia.”

Bà đổ đầy nước lạnh vào xô rồi xách nó xuống tầng hầm. Liesel theo sau, cùng một nỗ lực vô ích để ngăn bà ấy lại. “Mẹ ơi, Mẹ không thể làm thế này được!”

“Tao không thể làm thế à?” bà đối mặt với nó một thoáng ở chỗ những bậc thang dẫn xuống hầm. “Ta có bỏ qua điều gì không thế, đồ con lợn? Giờ thì mày là người ra lệnh ở đây đấy à?”

Cả hai hoàn toàn bất động. Không có tiếng trả lời từ con bé.

“Tao nghĩ là không.”

Họ tiếp tục đi xuống, và tìm thấy Bố đang nằm sấp mặt trên một cái giường làm bằng những tấm phủ che bụi. Ông cảm thấy mình không xứng đáng với tấm đệm của Max.

“Bây giờ, hãy xem nào” - Rosa nâng xô lên - “để xem lão ta có còn sống không.”

“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph!”

Dấu thuỷ ấn hình ô-van, từ giữa ngực cho đến đầu ông. Tóc của ông bị dính bết sang một bên, và thậm chí nước còn rỉ ra từ lông mi của ông nữa. “Xô nước ấy là vì cái gì thế?”

“Cơn say của ông hôm qua!”

“Lạy Chúa...”

Những dòng nước đang dâng lên một cách kỳ lạ từ quần áo ông. Dư vị của rượu nơi ông vẫn còn có thể thấy được. Nó tự mình trèo lên vai ông và ngồi ở đó như một bao xi măng ướt.

Rosa chuyển cái xô từ tay trái sang tay phải. “Ông sẽ gặp may khi ra trận,” bà nói. Bà ấy giơ một ngón tay của mình lên không trung và không hề sợ sệt việc vẫy vẫy nó. “Nếu không thì chính tôi sẽ giết ông, ông biết điều đó mà, phải không nào?”

Bố chùi sạch một dòng nước đọng nơi cổ họng. “Bà có buộc phải làm như thế không?”

“Có, tôi buộc phải làm thế.” Bà đã bắt đầu đi lên những bậc thang. “Nếu ông không lên trên đó trong vòng năm phút nữa ông sẽ nhận được một xô đầy nước khác.”

Khi chỉ còn lại dưới tầng hầm một mình với Bố, Liesel làm mình bận rộn với việc chùi chỗ nước còn lại bằng vài tấm phủ tránh bụi.

Bố lên tiếng. Với bàn tay ướt của mình, ông khiến con bé ngừng lại. Ông nắm lấy cánh tay nó. “Liesel?” Gương mặt ông níu lấy nó. “Con có nghĩ là anh ta vẫn còn sống không?”

Liesel ngồi xuống. Nó bắt chéo chân.

Một tấm che bụi sũng nước dính chặt vào đầu gối nó.

“Con hy vọng thế, Bố ạ.”

Nó cảm thấy mình thật ngu ngốc khi nói ra điều này, rõ ràng là thế, nhưng dường như nó không có nhiều sự lựa chọn.

Để nói ít nhất là một điều gì đó đáng nói, và để họ quên đi những suy nghĩ về Max, nó quỳ xuống và đặt một ngón tay vào một vũng nước nhỏ trên sàn nhà. “Guten Morgen, Papa.”

Để đáp lại, Bố nháy mắt với nó.

Nhưng đó không phải là cái nháy mắt thông thường. Nó nặng nề hơn, vụng về hơn. Cái nháy mắt thời hậu Max, cái nháy mắt khi còn ngầy ngật hơi men. Ông ngồi dậy và kể cho nó nghe về cây đàn xếp tối hôm qua, và bà Holtzapfel.

š NHÀ BẾP: MỘT GIỜ CHIỀU ›

Còn hai giờ nữa là tới lúc chia tay: “Đừng đi, Bố ơi. Làm ơn đi mà.” Bàn tay đang cầm thìa của con bé run rẩy. “Đầu tiên thì chúng ta đã mất Max. Bây giờ con không thể mất luôn cả Bố nữa.” Đáp lại, người đàn ông vẫn còn ngà ngà hơi men cắm chặt hai khuỷu tay của mình xuống mặt bàn và che con mắt bên phải của ông lại. Bây giờ con đã là phụ nữ được một nửa rồi, Liesel.” Ông như muôn đổ gục xuống nhưng vẫn cầm cự được. Ông đã vượt qua được nó. “Hãy chăm sóc Mẹ, được chứ?” Đứa bé gái chỉ có thể hơi gật đầu một chút, để đồng ý. “Vâng, thưa Bố.”

Ông rời khỏi phố Thiên Đàng với một cái đầu váng vất hơi men và một chiếc vali.

Alex Steiner vẫn còn được ở lại thêm bốn ngày nữa. Ông ghé qua độ một giờ trước khi họ đến nhà ga và chúc Hans mọi điều tốt lành. Cả gia đình Steiner đã đến. Tất cả đều bắt tay ông. Barbra ôm lấy ông, hôn lên cả hai bên má ông. “Hãy sống sót trở về nhé.”

“Được, Barbra,” và cách mà ông nói câu này ra đầy tự tin. “Dĩ nhiên là tôi sẽ sống.” Thậm chí ông còn bật ra được một tiếng cười khan. “Nó chỉ là một cuộc chiến tranh thôi, bà biết đấy. Tôi đã sống sót một lần trước đây rồi.”

Khi họ đi ngược trên phố Thiên Đàng, người đàn bà như một sợi dây điện ở nhà bên bước ra và đứng trên vệ đường.

“Tạm biệt, bà Holtzapfel. Tôi xin lỗi vì chuyện đêm qua.”

“Tạm biệt, Hans, đồ con lợn say xỉn,” nhưng bà ta cũng mang lại cho ông thấy một dấu hiệu của tình bạn. “Hãy sớm quay về nhé.”

“Vâng, thưa bà Holtzapfel. Cảm ơn bà.”

Thậm chí bà ta còn đùa cợt thêm tí nữa. “Ông biết mình có thể làm gì với mấy câu cảm ơn của mình mà.”

Ở góc phố, mụ Diller quan sát trong tư thế phòng thủ từ cửa sổ cửa hàng mụ, và Liesel nắm lấy tay của bố nó. Con bé cứ nắm lấy bàn tay ấy suốt dọc trên con phố Munich, tới Bahnhof. Đoàn tàu đã ở đó rồi.

Họ đứng trên sân ga. Rosa ôm lấy ông trước.

Không có lời nào được nói ra cả.

Mái đầu của bà như được chôn vùi vào ngực ông, rồi biến mất.

Sau đó là đứa bé gái.

“Bố ơi?”

Không có gì cả.

Đừng đi, Bố ơi. Xin đừng đi. Hãy để họ đến bắt Bố nếu Bố ở lại.

Nhưng xin Bố đừng đi, làm ơn đừng đi.

“Bố ơi?”

š GA XE LỬA, BA GIỜ CHIỀU ›

Không giờ, không phút tính đến lúc chia tay: ông ôm lấy con bé. Để nói một điều gì đó, để nói bất cứ điều gì đó, ông nói qua vai nó. “Con có thể trông nom cây đàn xếp của Bố được không, Liesel? Bố đã quyết định không mang nó theo.” Bây giờ ông đã tìm thấy điều mà ông thực sự muốn nói. “Và nếu có thêm những đợt oanh kích nữa, hãy cứ đọc sách trong hầm trú ẩn nhé.” Đứa bé gái cảm thấy dấu hiệu của bộ ngực đang dần nhú lên của nó. Nó thấy đau khi chạm vào xương sườn ông. “Vâng, thưa Bố.” Cách đôi mắt ông một milimét, con bé nhìn chằm chằm vào sợi vải trên áo ông. Nó nói vào tai ông. “Bố sẽ chơi đàn cho cả nhà mình nghe bài gì đó khi Bố về nhà chứ?”

Sau đó, Hans Hubermann cười với con gái mình, và đoàn tàu đã sẵn sàng chuyển bánh. Ông vươn người ra và nhẹ nhàng ôm lấy gương mặt nó trong lòng bàn tay mình. “Bố hứa,” ông nói, và ông đi vào toa hành khách.

Họ nhìn nhau khi đoàn tàu chuyển bánh.

Liesel và Rosa vẫy tay chào tạm biệt.

Hans Hubermann ngày càng nhỏ dần, và lúc này tay ông không nắm gì khác ngoài không khí.

Trên sân ga, người ta biến mất xung quanh họ, cho đến khi chẳng còn ai nữa. Chỉ còn người đàn bà có hình cái áo choàng và đứa bé gái mười ba tuổi.

Trong vòng vài tuần lễ tiếp theo, khi Hans Hubermann và Alex Steiner đang ở những trại huấn luyện cấp tốc khác nhau, thì phố Thiên Đàng như sưng vù lên. Rudy không còn như trước nữa - nó không chịu nói một câu nào. Mẹ cũng không còn như trước nữa - bà không chửi rủa hay xỉ vả ai. Liesel, cũng thế, cũng cảm thấy những ảnh hưởng đến mình. Nó không còn khát khao ăn trộm một quyển sách, dù con bé có cố gắng thuyết phục mình rằng điều đó sẽ khiến nó cảm thấy khá hơn đến thế nào đi chăng nữa.

Mười một ngày sau khi Alex Steiner ra đi, Rudy quyết định rằng nó đã chịu đựng đủ rồi. Nó bước vội về phía cánh cổng và gõ lên cửa nhà Liesel.

“Kommst[1]?”

[1] Đi chứ?

“Ja[2].”

[2] Đi.

Con bé không quan tâm đến việc thằng bạn mình đi đâu hay đang toan tính điều gì, nhưng rõ ràng là thằng nhóc sẽ không đi néu không có nó đi cùng. Chúng đi hết phố Thiên Đàng, sang phố Munich và ra khỏi Molching. Chúng cứ đi như thế khoảng một giờ đồng hồ thì Liesel mới hỏi câu hỏi quyết định; cho đến tận lúc đó, thi thoảng nó chỉ liếc sang gương mặt đầy quyết tâm của Rudy, hay kiểm tra hai cánh tay cứng cáp và hai nắm tay cho vào túi áo của thằng bạn.

“Chúng ta đang đi đâu vậy?”

“Điều đó chẳng rõ ràng lắm sao?”

Phải khó khăn lắm con bé mới không mất bình tĩnh. “Để tớ nói cho cạu biết sự thật nhé - không, không rõ ràng lắm đâu.”

“Tớ đang đi tìm ông ấy.”

“Bố cậu ư?”

“Đúng.” Thằng nhóc đã suy nghĩ về việc này. “Thực ra là không. Tớ nghĩ là thay vào đó thì tớ sẽ tìm lão Quốc trưởng “

Những bước chân gấp hơn. “Tại sao?”

Rudy ngừng lại. “Bởi vì tớ muốn giết chết lão ta.” Thậm chí nó còn đi xa hơn để nói cho cả Phần còn lại của thế giới biết điều này. “Các người có nghe thấy chưa, hả lũ khốn kiếp?” thằng bé hét lên. “Tôi muốn giết chết lão Quốc trưởng!”

Chúng lại đi tiếp khoảng vài dặm. Đó là lúc Liesel cảm thấy rằng phải quay lại. “Trời sắp tối rồi, Rudy à.”

Thằng bé vẫn bước tiếp. “Thế thì sao?”

“Tớ về đây.”

Rudy ngừng lại và nhìn nó như thể con bé đang phản bội lại mình vậy. “Đúng rồi, đồ trộm sách. Cứ bỏ tớ ở đây đi. Tớ cuộc là nếu có một quyển sách thối tha ở cuối con đường này thì câu sẽ đi tiếp. Có phải không hả?”

Trong một lúc không ai trong hai đứa lên tiếng cả, nhưng Liesel nhanh chóng tìm thấy đủ ý chí để lên tiếng. “Cậu nghĩ là chỉ có một mình cậu thôi sao, hả đồ con lợn?” Con bé quay mặy đi. “Và cậu chỉ mất có mỗi bố cậu mà thôi sao...?”

“Điều đó có nghĩa là gì?”

Liesel ngừng lại một khoảnh khắc để đếm.

Mẹ nó. Em trai nó. Max Vandenburg. Hans Hubermann. Tất cả bọn họ đều đã ra đi. Và thậm chí nó còn chưa bao giờ có một người cha thực sự.

“Có nghĩa là,” nó đáp, “tớ đi về nhà đây.”

Con bé đi một mình trong mười lăm phút, và ngay cả khi Rudy đến bên cạnh nó với hơi thở sau khi vừa mới chạy xong và hai má ướt đẫm mồ hôi, thì hai đứa cũng không nói lời nào với nhau suốt một giờ đồng hồ tiếp theo. Chúng chỉ đi về nhà cùng nhau, với những bàn chân đau nhói và những quả tim mệt mỏi rã rời.

Có một chương gọi là “Những trái tim rã rời” trong quyển Bài hát trong bóng tối. Một cô gái lãng mạn đã tự hứa sẽ trao thân mình cho một chàng trai trẻ, nhưng rồi cô phát hi ện ra chàng ta đã ra đi cùng với người bạn thân nhất của cô. Liesel chắc rằng đó là chương Mười một. “Trái tim ta mới rã rời làm sao,” cô gái đã nói như thế. Khi đó cô ta đang ngồi trong một ngôi nhà thờ nhỏ, viết nhật ký.

Không, Liesel nghĩ như thế trong lúc nó bước đi. Trái tim của ta đây mới rã rời. Một quả tim mười ba tuổi lẽ ra không nên cảm thấy như vậy.

Khi về đến ngoại ô Molching, Liesel ném vài lời sang bên cạnh mình. Con bé đã có thể nhìn thấy sân Hubert Oval. “Có nhớ cái lúc mà chúng ta chạy đua ở đây không, Rudy?”

“Dĩ nhiên rồi, tớ cũng đang nghĩ về việc đó đây - cậu có nhớ là chúng ta đã cùng nhau ngã thế nào không?”

“Cậu nói là người cậu toàn cứt là cứt.”

“Đó chỉ là bùn thôi.” Lúc này thì thằng nhóc đã không kìm được sự phấn khởi của mình nữa. “Người tớ đã dính toàn cứt là cứt ở chỗ trung tâm Thiếu niên Hitler. Cậu lẫn lộn hết cả rồi, đồ con lợn.”

“Tớ chẳng lẫn lộn tí nào cả. Tớ chỉ đang nói với cậu điều cậu đã nói mà thôi. Điều ai đó đã nói và điều đã xảy ra thường là hai điều khác nhau, Rudy ạ, đặc biệt là những điều liên quan đến cậu.”

Như thế thì tốt hơn.

Khi chúng lại bước trên phố Munich, Rudy nhìn qua cửa sổ cửa hiệu của bố nó. Trước khi Alex ra đi, ông và Barbra đã bàn bạc với nhau xem bà ấy có nên tiếp tục giữ cho cửa hiệu hoạt động khi vắng mặt ông hay không. Họ đã quyết định là không, sau khi xét đến việc đằng nào thì gần đây công việc của cửa hiệu cũng thưa thớt nhiều, và ít nhất thì cũng có một thoáng sợ hãi đối với việc những đảng viên Quốc xã khiến người ta cảm thấy sự hiện diện của họ. Việc làm ăn chưa bao giờ tốt đẹp cho những kẻ kích động quần chúng cả. Gia đình họ sẽ phải phụ thuộc vào trợ cấp quân đội thôi.

Những bộ quần áo được treo trên sào, và mấy con ma-nơ-canh vẫn giữ nguyên những tư thế kỳ quặc của chúng. “Tớ nghĩ là cái con đằng kia thích cậu đấy,” một lúc sau Liesel lên tiếng. Đó là cách của nó để bảo với thằng nhóc rằng đã đến lúc đi tiếp rồi.

Trên phố Thiên Đàng, Rosa Hubermann và Barbra Steiner đứng cùng nhau trên vệ đường.

“Ôi, lạy đức mẹ Maria,” Liesel nói. “Trông họ có lo lắng không?” “Trông họ rất giận dữ.”

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi chúng về đến nơi, chủ yếu là câu hỏi hiển nhiên, “Hai đứa chúng mày đã ở chỗ quái nào vậy?”, nhưng sự giận dữ đã nhanh chóng nhường chỗ cho những cái thở phào nhẹ nhõm.

Barbra là người theo đuổi những câu trả lời. “Sao nào Rudy?”

Liesel đã trả lời thay cho thằng bạn. “Cậu ấy muốn đi giết chết Quốc trưởng,” con bé nói, và Rudy trông có vẻ thực sự hạnh phúc trong một khoảnh khắc đủ lâu để làm con bé cảm thấy hài lòng.

“Tạm biệt, Liesel.”

Vài tiếng đồng hồ sau, có một tiếng ồn trong phòng khách. Tiếng ồn vọng đến tận giường của Liesel. Con bé thức dậy và cứ nằm yên như thế, miên man nghĩ về những bóng ma và Bố và những kẻ xâm lược, và Max. Có tiếng của thứ gì đó bị mở ra, kéo lê đi, rồi sau đó chỉ còn lại sự im lặng mờ mịt. Im lặng luôn là sự cám dỗ mạnh mẽ nhất.

Đừng nhúc nhích.

Con bé nghĩ về việc này rất nhiều lần, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.

Chân nó mắng nhiếc sàn nhà.

Không khí luồn vào hai ống tay áo ngủ của nó.

Nó đi dọc theo bóng tối hành lang, về hướng sự im lặng đã từng là sự ồn ào, về phía sợi ánh trăng đang treo trong phòng khách. Con bé ngừng lại, cảm nhận được sự trần trụi của mắt cá và những ngón chân mình. Nó quan sát.

Con bé mất nhiều thời gian hơn nó tưởng để mắt nó quen với bóng tối, và khi mắt nó đã quen với bóng tối, thì con bé thấy rõ ràng Rosa Hubermann đang ngồi trên mép giường và ôm chặt cây đàn xếp của chồng bà vào ngực. Những ngón tay bà lượn lờ trên các phím đàn. Bà không cử động. Thậm chí trông bà như đã ngừng thở.

Hình ảnh đó tự tìm đến với đứa bé gái đang đứng nơi hành lang.

š MỘT HÌNH ẢNH ›

Rosa với cây đàn xếp.

Ánh trăng trong bóng tối.

Một thước rưỡi x cây đàn xếp x im lặng.

Liesel đứng yên đó và quan sát.

Nhiều phút đồng hồ nhỏ giọt trôi qua. Kẻ trộm sách rất muốn được nghe một nốt nhạc, dù vậy, nốt nhạc ấy vẫn không tới. Những phím đàn không được ai bấm cả. Cái ống bễ không thở. Chỉ có ánh trăng như một sợi tóc dài vương trên tấm màn, và chỉ có Rosa mà thôi.

Cây đàn xếp vẫn kẹt cứng nơi ngực bà. Khi bà gục đầu xuống, thì cây đàn chìm dần vào lòng bà. Liesel quan sát. Con bé biết rằng trong vài ngày sắp tới, Mẹ sẽ đi vòng quanh nhà với dấu ấn của một cây đàn xếp trên thân thể bà. Con bé cũng có một nhận thức rằng có một vẻ đẹp kỳ lạ ở điều mà nó đang chứng kiến, và nó đã chọn cách không làm điều ấy tan biến.

Con bé quay lại giường và ngủ thiếp đi với hình ảnh của Mẹ cùng âm vang của những bản nhạc câm lặng phát ra từ cây đàn xếp. Sau đó, khi nó thức dậy khỏi cơn ác mộng hằng đêm của mình và lại rón rén đi ra hành lang, thì Rosa vẫn ở đó, và cây đàn xếp cũng vậy.

Như một cái neo, cảnh tượng kéo con bé tới gần. Cơ thể của bà đang chìm dần. Trông bà như đã chết rồi.

Hẳn là bà không thể thở được trong tư thế đó, Liesel nghĩ thầm, nhưng khi con bé bước đến gần hơn, thì nó có thể nghe thấy âm thanh ấy.

Mẹ lại đang ngáy.

Ai cần những cái ống bễ cơ chứ, con bé nghĩ thầm, khi bạn đã có hai buồng phổi như thế?

***

Sau cùng, khi Liesel quay trở về giường, hình ảnh của Rosa Hubermann và cây đàn xếp vẫn không chịu từ bỏ nó. Cặp m eff8 ắt của kẻ trộm sách vẫn mở thao láo. Con bé đang chờ đợi sự nghẹt thở của giấc ngủ đến với mình.

NHÀ SƯU TẬP

Cả Hans Hubermann lẫn Alex Steiner đều không được gửi ra tiền tuyến. Alex được gửi sang Áo, đến một bệnh viện quân y ở ngoại ô thành phố Vienna. Vì là một chuyên gia trong lĩnh vực may vá, ông được giao cho một công việc mà ít nhất cũng có Phần nào tương tự với chuyên môn của mình. Rất nhiều xe đẩy chứa đầy đồng phục, vớ và áo sẽ được chuyển đến mỗi tuần và ông sẽ chữa lại những gì cần phải chữa, thậm chí ngay cả khi chúng chỉ có thể được dùng làm đồ lót cho các quân nhân đang phải chịu trận ở Nga.

Mỉa mai thay, ban đầu Hans được chuyển đến Stuttgart, và sau đó là Essen. Ông được giao cho một trong những vị trí ít được mong muốn nhất ở hậu phương. Đơn vị LSE.

šMỘT GIẢI THÍCH CẦN THIẾT›

LSE

Luftwaffen Sondereinheit -

Đơn vị không lực đặc biệt.

Công việc của LSE là ở trên mặt đất trong thời gian xảy ra những cuộc không kích và dập tắt lửa, đỡ cho những bức tường của các tòa nhà khỏi sụp đổ và cứu sống bất cứ ai bị mắc kẹt trong khi cuộc không kích xảy ra. Như Hans sẽ sớm phát hiện ra, thì sẽ còn có một định nghĩa khác cho mấy chữ viết tắt này. Những người trong đơn vị đã giải thích cho ông vào ngày đầu tiên ông nhập hội, rằng thực ra nó là chữ viết tắt của cụm từ Leichen Sammlereinheit - Những người thu nhặt xác.

Khi ông đến, Hans chỉ có thể đoán mò xem những người này đã làm gì để đến nỗi phải nhận một nhiệm vụ như vậy, và ngược lại, họ cũng thắc mắc điều tương tự nơi ông. Người chỉ huy bọn họ, trung sĩ Boris Schipper, đã hỏi thẳng ông điều này. Khi Hans giải thích về miếng bánh mì, những người Do Thái và trận đòn bằng roi da, viên trung sĩ có gương mặt tròn trĩnh ấy cười một tiếng gọn lỏn. “Ông vẫn còn sống là may đấy.” Đôi mắt ông ta cũng tròn xoe, và cứ chốc chốc ông lại lấy tay dụi chúng. Cặp mắt ấy vừa mệt mỏi, vừa ngứa ngáy, hoặc là đầy khói và bụi. “Chỉ cần nhớ rằng ở đây kẻ thù không phải ở đằng trước anh đâu.”

Hans sắp sửa hỏi thêm cho rõ thì một giọng nói đã vang lên sau lưng ông. Gắn cùng với giọng nói đó là gương mặt hốc hác của một thanh niên trẻ với nụ cười như một cái nhếch mép nhạo báng. Đó là Reinhold Zucker. “Với chúng ta,” anh ta nói, “kẻ thù không phải ở phía bên kia đồi hay ở bất cứ phương hướng cụ thể nào cả. Nó ở xung quanh ta.” Nói rồi anh ta lại tiếp tục tập trung vào lá thư đang viết dở. “Rồi ông sẽ thấy.”

Vài tháng sau, Reinhold Zucker sẽ chết. Anh ta sẽ bị giết bởi chỗ ngồi của Hans Hubermann.

Khi cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt hơn trên toàn nước Đức, Hans sẽ biết được rằng mỗi người trong kíp làm việc của ông đều bắt đầu theo cùng một kiểu. Người ta sẽ tập hợp lại ở chỗ xe tải để được truyền đạt ngắn gọn về cái gì đã bị trúng bom trong lúc họ đang nghỉ ngơi, nơi nào sẽ có nhiều khả năng là mục tiêu oanh kích kế tiếp nhất, và ai sẽ làm việc với ai.

Ngay cả khi không có cuộc oanh kích nào diễn ra, vẫn sẽ có một khối lượng công việc lớn cần phải hoàn thành. Họ sẽ phải lái xe qua những thị trấn đổ nát, để dọn dẹp. Trong xe tải sẽ có mười hai người lúc nào cũng ở tư thế ngồi xổm, tất cả đều nảy lên rồi lại rơi xuống cùng với nhịp điệu mấp mô của mặt đường.

Ngay từ ban đầu thì rõ ràng là tất cả đều sở hữu một chỗ ngồi. Chỗ của Reinhold Zucker là ở giữa hàng bên trái.

Hans Hubermann ở mãi tận đằng sau, nơi ánh sáng ban ngày như đang vươn rộng ra. Ông nhanh chóng học được cách để mắt đến bất cứ thứ rác rưởi nào được vứt đi từ bất cứ nơi đâu ở bên trong xe tải. Hans đặc biệt chú ý đến những mẩu đuôi thuốc lá, vẫn còn âm ỉ cháy khi chúng bay vèo qua.

š MỘT LÁ THƯ HOÀN CHỈNH GỬI VỀ NHÀ ›

Rosa và Liesel thân mến của ta, mọi thứ ở đây vẫn ổn cả.

Bố hy vọng cả hai mẹ con đều khỏe.

Thương nhiều, Bố.

Vào cuối tháng Mười một, lần đầu tiên ông được nếm vị khói của một cuộc oanh kích thực sự. Cái xe tải chở đơn vị ông bị tấn công bởi đám gạch đá vụn, và có rất nhiều người chạy qua chạy lại, la hét. Có những ngọn lửa đang cháy và những tòa nhà đổ nát chồng chất lên nhau thành từng đống. Những cột nhà xiêu vẹo. Những quả bom tỏa khói nghi ngút đứng trên mặt đất như những que diêm, hun đầy khói vào hai buồng phổi của thành phố.

Hans Hubermann đang ở trong một nhóm bốn người. Họ xếp thành một hàng. Trung sĩ Boris Schipper đi đầu, đôi tay ông ta biến mất trong làn khói mịt mù. Sau ông là Kessler, kế đến là Brunnenweg, rồi cuối cùng là Hubermann.

Khi viên trung sĩ tưới vòi nước vào đám cháy, thì hai người kia tưới vòi nước vào viên trung sĩ, và để cho chắc ăn, thì Hubermann tưới vòi nước vào cả ba người bọn họ.

Đằng sau ông, một tòa nhà rên lên rồi ngã xuống.

Nó ngã sấp mặt xuống, chỉ cách gót chân ông có vài mét. Mùi bê tông còn mới toanh, và bức tường vữa lao thẳng vào họ.

“Gott verdammt[1]! Hubermann!” Một giọng nói chật vật thoát ra từ những ngọn lửa. Theo ngay sau nó là ba người đàn ông. Cổ họng họ đã chất đầy những Phần tử của tro tàn. Thậm chí khi họ đi vòng qua góc phố, cách xa khỏi trung tâm của vụ đổ nát ấy, thì làn sương mù của tòa nhà đổ nọ vẫn cố gắng bám theo họ. Nó có màu trắng, ấm áp, và nó bò theo sau lưng họ.

[1] Khốn kiếp thật! (tiếng Đức)

Khi đã tạm thời an toàn, có rất nhiều tiếng ho và chửi thề được phát ra. Viên trung sĩ lặp lại câu cảm thán trước đó của mình. “Khốn kiếp thật, Hubermann.” Ông cào cào môi mình, để làm da nó tróc ra. “Cái quái gì thế?”

“Tòa nhà ấy đã đổ sập xuống, ngay đằng sau chúng ta.”

“Tôi biết chuyện đó rồi. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nó to bằng chừng nào thế? Hẳn là tòa nhà ấy phải cao mười tầng chứ chả vừa.”

“Không, thưa ngài, tôi nghĩ là chỉ có hai tầng thôi.”

“Lạy các đấng Jesus…” Một cơn ho. “…Maria và Joseph.” Lúc này ông ta đang khều cái dung dịch nhớp nháp gồm mồ hôi và vữa trát tường từ trong hõm mắt của mình ra. “Anh không thể làm được gì nhiều với nó cả.”

Một trong hai người đàn ông còn lại vuốt mặt và nói, “Tôi muốn được có mặt ở đó khi chúng oanh kích một quán rượu, dù chỉ một lần thôi, vì Chúa. Tôi thèm một cốc bia đến chết được.”

Từng người một nằm ngả ra đằng sau.

Tất cả đều có thể nếm được cốc bia ấy, họ khạc những đám cháy trong cổ họng mình ra, và làm mềm khói trong đó đi. Đó là một giấc mơ đẹp, và là một giấc mơ hão huyền. Tất cả đều nhận thức được rằng bất cứ cốc bia nào chảy ra từ những con đường như thế này thì sẽ chẳng còn là bia nữa, mà trở thành một loại sữa lắc hay cháo đặc nào đó thì đúng hơn.

Cả bốn người đều bị phủ đầy một lớp bụi dày màu xám và trắng. Khi họ đứng thẳng dậy để quay trở lại với công việc bạn chỉ có thể nhìn thấy những mảng nhỏ trên bộ đồng phục của họ mà thôi.

Viên trung sĩ bước đến chỗ Brunnenweg. Ông ta lấy tay phủi mạnh lên ngực người đồng đội của mình. Vài cú phủi. “Tốt hơn rồi đấy. Anh dính chút bụi ở đây này, anh bạn.” Khi Brunnenweg bật cười, viên trung sĩ quay sang người tân binh của mình. “Lần này anh đi đầu nhé, Hubermann “

Họ dập lửa trong vòng vài giờ đồng hồ, và họ đã làm bất cứ điều gì có thể để thuyết phục một tòa nhà đứng trụ lại. Trong một vài trường hợp, khi những cạnh bên đã bị hư hại, thì những cạnh còn lại của tòa nhà chìa ra như mấy cái khuỷu tay vậy. Đây là điểm mạnh của Hans Hubermann. Ông gần như thích thú với việc tìm ra một thanh xà đang cháy âm ỉ hay một phiến bê tông nham nhở để chống hai khuỷu tay lên đó, cho chúng có cái gì đó mà tựa vào.

Đôi tay ông bị bám chặt bởi những mảnh vụn, và hàm răng ông như đóng khuôn với đám cặn bẩn. Đôi môi ông phủ dày một lớp bụi ẩm đã cứng lại, và chẳng có cái túi nào, một sợi dây nào hay một nếp vải gấp nào trên người ông mà không bị che phủ một lớp phim mỏng do bầu không khí nặng nề ấy để lại.

Phần tệ hại nhất của công việc này là những con người.

Thỉnh thoảng lại có một con người đi lang thang một cách ngoan cường qua làn sương mù, hầu hết bọn họ chỉ nói ra có một từ. Họ luôn hét lên một cái tên nào đó.

Đôi khi cái tên đó là Wolfgang.

“Anh có thấy Wolfgang của tôi đâu không?” Những dấu tay họ sẽ lưu lại trên áo khoác của ông. “Stephanie!”

“Hansie!”

“Gustel! Gustel Stoboil!”

Khi mật độ những tiếng kêu giảm bớt, thì loạt điểm danh những cái tên ấy đi khập khiễng qua những con đường gãy nát, đôi khi kết thúc bằng một cái ôm đầy tro, hay một tràng rú đau thương ở tư thế quỳ. Chúng cứ chất đống lại, như những giấc mơ ngọt ngào hay chua xót đang chờ xảy ra vậy.

Những mối nguy hiểm hòa nhập lại làm một. Bột và khói và những ngọn lửa dữ dội. Những con người bị tổn thương.

Cũng giống như những người còn lại trong đơn vị, Hans cần phải luyện tập đến mức hoàn hảo cái nghệ thuật của sự lãng quên.

“Anh thế nào rồi, Hubermann?” Có lúc viên trung sĩ hỏi ông như thế. Một đốm lửa đang cháy trên vai ông ta.

Hans gật đầu, một cách gượng gạo, với cả hai.

Khi ca làm việc đã trôi qua một nửa, có một ông già lảo đảo bước qua những con phố, không còn chút mảy may sức lực nào để tự vệ. Sau khi Hans cố định cho vững một tòa nhà xong, ông quay lại và nhìn thấy ông già ấy đằng sau lưng mình, đang chờ đến lượt. Trên mặt ông vẫn còn vương một vệt máu. Nó chảy dài xuống họng và cổ ông. Ông mặc một áo sơ mi màu trắng có cổ màu đỏ bầm, và ông ôm lấy cẳng chân mình như thể nó đang ở bên cạnh ông vậy. “Bây giờ anh có thể đỡ tôi dậy được không, chàng trai?”

Hans đỡ ông già dậy và dìu ông ra khỏi làn bụi mù mịt.

š MỘT LƯU Ý NHỎ, ĐÁNG BUỒN ›

Tôi đã ghé thăm con phố của thị trấn nhỏ ấy, khi ông già nọ vẫn còn đang ở trong vòng tay của Hans Hubermann.

Bầu trời có màu xám của một con bạch mã.

Mãi đến khi ông đặt ông già xuống một mảng cỏ phủ đầy bụi bê tông, thì Hans mới nhận ra rằng ông ta đã chết.

“Cái gì vậy?” Một trong những người đồng đội của Hans hỏi.

Hans chỉ có thể chỉ tay vào ông già ây.

“À.” Một bàn tay kéo ông ra chỗ khác. “Hãy làm quen với việc này đi, Hubermann ạ.”

Trong Phần còn lại của ca làm việc đó, ông tự ném mình vào công việc. Ông cố gắng lờ đi những tiếng vọng xa xa của những con người đang cất tiếng gọi.

Sau khoảng chừng hai giờ đồng hồ, ông lao ra từ một tòa nhà đến trước mặt viên trung sĩ và hai người đồng đội khác. Ông không nhìn xuống đất, và vấp ngã. Chỉ khi ông quay lại và thấy những người khác đang nhìn một cách đau đớn vào chướng ngại vật mà ông đã vấp phải, thì Hans mới nhận thức được toàn bộ sự việc.

Cái xác chết ấy đang nằm sấp mặt xuống đất.

Nó nằm trên một tấm mền được dệt bởi bột vữa và bụi và nó đang ôm chặt lấy đôi tay của mình.

Đó là một thằng bé.

Chừng mười một hay mười hai tuổi gì đó.

Cách đó không xa lắm, khi họ đang đi trên phố, họ tìm thấy một người đàn bà đang gọi cái tên Rudolf. Bà ta như bị hút về phía bốn người đàn ông nọ, và bắt gặp họ trong làn sương mù. Cơ thể bà trông rất yếu đuối và đang cong gập lại vì lo lắng.

“Các ông có thấy con trai tôi đâu không?”

“Thằng bé mấy tuổi?” viên trung sĩ hỏi.

“Mười hai.”

Ôi, lạy Chúa, lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác. Tất cả đều nghĩ như thế, nhưng viên trung sĩ không làm sao mà nói cho người đàn bà ấy biết được, hay chỉ lối cho bà ta đi được.

Khi người đàn bà cố gắng len qua lối họ đi, Boris Schipper giữ lấy lưng bà lại. “Chúng tôi vừa ra khỏi con phố đó,” ông ta cố làm cho bà ấy tin. “Bà sẽ không tìm thấy con mình ở đằng đó đâu.”

Người đàn bà cong queo ấy vẫn bám víu lấy chút hy vọng mỏng manh. Bà gọi với qua vai mình khi bà nửa đi, nửa chạy về hướng khác. “Rudy!”

Và rồi Hans Hubermann nghĩ về một thằng Rudy khác. Thằng Rudy trên phố Thiên Đàng. Hãy làm ơn đi, ông nói với một bầu trời mà ông không thể nhìn thấy, hãy phù hộ cho Rudy được an toàn. Một cách tự nhiên thôi, những suy nghĩ của ông tiếp tục hướng về Liesel và Rosa và gia đình Steiner, và Max.

Khi nhóm của họ về được chỗ tập trung, ông ngã phịch xuống và nằm ngửa mặt lên trời.

“Dưới đó thế nào rồi?” ai đó cất tiếng hỏi.

Phổi của Bố đầy bầu trời.

Vài giờ đồng hồ sau, khi đã tắm rửa, ăn uống và nôn xong, ông thử viết một lá thư nhiều chi tiết hơn để gửi về nhà mình. Dường như ông không thể kiểm soát được đôi tay mình, và nó buộc ông viết một lá thư ngắn. Nếu có thể, thì Phần còn lại của lá thư sẽ được nói bằng miệng, khi và trong trường hợp ông về được đến nhà.

Gửi Rosa và Liesel yêu quý, ông bắt đầu.

Ông phải mất nhiều phút đồng hồ để viết những chữ này xuống mặt giấy.

NHỮNG NGƯỜI ĂN BÁNH MÌ

Một năm dài và nhiều biến động đang diễn ra ở Molching, và cuối cùng thì cái năm ấy cũng sắp sửa kết thúc.

Liesel dành ra vài tháng cuối cùng của năm 1942 để tiêu hóa những suy nghĩ về điều mà con bé gọi là ba con người tuyệt vọng. Con bé tự hỏi họ đang ở đâu và đang làm gì.

Một buổi chiều nọ, con bé lấy cây đàn xếp ra khỏi hộp và lau chùi nó bằng một miếng giẻ. Chỉ một lần thôi, trước khi cất cây đàn đi, con bé mới thực hiện điều mà Mẹ đã không thể làm. Nó đặt ngón tay mình lên một phím đàn và nhẹ nhàng kéo cái ống bễ. Rosa đã đúng. Điều này chỉ làm cho căn phòng thêm ngập tràn cảm giác cô đơn mà thôi.

Bất cứ khi nào con bé gặp Rudy, nó đều hỏi xem có thư từ tin tức gì của bố thằng này không. Đôi khi thằng bé miêu tả chi tiết cho nó nghe một trong những lá thư của Alex Steiner gửi về. So với lá thư này, thì lá thư mà bố con bé đã gửi về nhà là một thứ gì đó hơi đáng thất vọng.

Còn Max, dĩ nhiên, là hoàn toàn phụ thuộc vào sự tưởng tượng của con bé.

Phải vô cùng lạc quan thì con bé mới hình dung ra được cảnh anh đang bước đi một mình trên một con đường hoang vắng. Có lúc, nó hình dung ra cảnh anh ngã vào một ngưỡng cửa an toàn, tấm thẻ căn cước của anh đủ để lừa một người nhẹ dạ cả tin nào đó.

Ba người đàn ông này sẽ xuất hiện ở bất cứ đâu.

Con bé nhìn thấy bố mình ở trên ô cửa sổ lớp học. Max thì thường ngồi cạnh con bé ở chỗ lò sưởi. Alex Steiner thì xuất hiện khi con bé đang ở bên cạnh Rudy, ông đang nhìn hai đứa chằm chằm sau khi chúng vứt những chiếc xe đạp ngã xuống mặt phố Munich và nhìn vào trong cửa hàng.

“Hãy nhìn những bộ quần áo kia kìa,” Rudy có lần nói với nó, đầu và hai tay của thằng nhóc đang áp chặt vào ô cửa kính. “Tất cả sẽ bị bỏ phí.”

Lạ lùng thay, một trong những sự xao lãng ưa thích của Liesel là bà Holtzapfel. Những buổi đọc sách bây giờ đã được bổ sung thêm cả ngày thứ Tư nữa, và họ đã đọc xong quyển Người huýt sáo, quyển sách đã bị mất một số trang vì ngâm nước, và đang đọc đến quyển Người mang giấc mơ. Thi thoảng bà già ấy lại pha trà, hay cho Liesel ít súp mà rõ ràng là ngon hơn món súp mẹ nó nấu. Món súp này ít lõng bõng nước hơn.

Giữa tháng Mười và Mười một, có một cuộc diễu hành khác của những người Do Thái, và sau đó lại là một cuộc diễu hành khác nữa. Cũng như lần trước, Liesel đã lao xuống phố Munich, lần này là để xem Max Vandenburg có ở trong số những người diễu hành không. Con bé bị giày vò giữa niềm thôi thúc muốn được nhìn thấy anh - để biết rằng anh vẫn còn sống - hay để thấy anh vắng mặt, điều này có nghĩa là rất nhiều trường hợp có thể xảy ra, và một trong những trường hợp ấy là anh vẫn còn tự do.

Vào giữa tháng Mười hai, một nhóm nhỏ những người Do Thái và những tên vô lại khác lại được dẫn đi trên phố Munich để đến Dachau. Cuộc diễu hành thứ ba.

Rudy bước một cách đầy quyết tâm trên phố Thiên Đàng và quay ra từ nhà số ba mươi lăm với một cái túi nhỏ cùng hai chiếc xe đạp.

“Có muốn chơi không, đồ con lợn?”

š NHỮNG VẬT TRONG TÚI CỦA RUDY ›

Ba mẩu bánh mì cũ mốc, đã bị nát vụn ra thành những miếng nhỏ.

Chúng đạp xe lên trước đoàn diễu hành, về phía Dachau, và dừng lại ở một đoạn đường trống. Rudy đưa cho Liesel cái túi. “Hãy bốc một nắm đầy đi.”

“Tớ không chắc đây là một ý kiến hay đâu.”

Thằng nhóc đập một miếng bánh mì vào tay bạn nó. “Bố cậu đã làm như thế.”

Làm sao con bé có thể cãi lại đây? Nó đáng được nhận một roi.

“Nếu ra tay nhanh thì chúng ta sẽ không bị bắt đâu.” Thằng bé đã bắt đầu chia mấy miếng bánh mì ra. “Thế nên hãy nhúc nhích đi, đồ con lợn.”

Liesel không thể đừng được. Có dấu vết của một nụ cười trên gương mặt nó khi nó cùng Rudy Steiner, người bạn thân nhất, rải những miếng bánh mì lên mặt đường. Khi làm xong, chúng đi lấy mấy chiếc xe đạp của mình và nấp đằng sau những cây thông Giáng sinh.

Con đường lạnh lẽo và thẳng tắp. Không bao lâu sau thì đám lính và những người Do Thái đã đến nơi.

Trong bóng đổ của những tán cây, Liesel quan sát thằng bạn mình. Mọi thứ đã thay đổi nhiều làm sao, từ một kẻ ăn trộm trái cây đến một người đi cho bánh mì. Mái tóc vàng của nó, dù đang sẫm màu lại dần, cũng giống như một ngọn nến vậy. Con bé nghe thấy dạ dày thằng bạn mình kêu ùng ục vì đói - vậy mà nó lại đang cho người ta bánh mì.

Đây có phải là nước Đức không?

Có phải là nước Đức Quốc xã không?

Người lính đầu tiên không nhìn thấy những mẩu bánh mì - anh ta không đói - nhưng người Do Thái đầu tiên thì thấy.

Bàn tay nhếch nhác của người này thò xuống rồi nhặt một miếng bánh lên và nhét vào mồm, nhai ngấu nghiến.

Đó có phải là Max không? Liesel nghĩ thầm.

Con bé không thể nhìn rõ, nên nó bèn chuyển sang một vị trí khác để nhìn cho rõ hơn.

“Này!” Rudy cáu tiết. “Đừng có động đậy. Nếu họ tìm thấy bọn mình ở đây và liên hệ sự việc này với mấy mẩu bánh mì ngoài kia,coi như chúng ta tàn đời đấy.”

Liesel vẫn tiếp tục.

Có thêm những người Do Thái khác cúi xuống và nhặt mấy mẩu bánh mì dưới mặt đường lên, và từ chỗ bìa rừng bắt đầu có cây mọc, kẻ trộm sách nhìn kỹ từng người một trong số họ. Max Vandenburg không có ở đó.

Sự nhẹ nhõm chỉ kéo dài được một chốc.

Sự nhẹ nhõm ấy đang tự khuấy động quanh con bé thì một trong những người lính phát hiện thấy một tù nhân thò tay xuống mặt đường để nhặt miếng bánh mì lên. Mọi người được ra lệnh dừng lại. Con đường được kiểm tra thật kỹ càng. Những người tù binh nhai nhanh và im lặng nhất có thể. Họ cùng nhau nuốt.

Người lính nhặt vài miếng bánh mì lên và ngó nghiêng cả hai bên đường. Những người tù binh cũng nhìn. “Đằng kia!”

Một trong những người lính đang sải bước tới chỗ đó, chỗ con bé ở những hàng cây gần nhất. Kế đó anh ta nhìn thấy thằng nhóc. Cả hai bắt đầu vùng chạy.

Chúng chạy theo những hướng khác nhau, dưới những cành cây lòa xòa như rui nhà, và những tán cây trên cao trông như một cái trần nhà.

“Đừng ngừng lại, Liesel!”

“Thế còn xe đạp thì sao?”

“Scheiss drauf! Kệ cứt chúng nó, ai quan tâm làm quái gì cơ chứ!”

Chúng chạy, và sau một trăm mét, thì hơi thở gấp của người lính đã phả đến gần hơn. Nó rụt rè đến bên cạnh con bé và con bé chờ bàn tay chạy theo cùng hơi thở ấy.

Con bé đã gặp may.

Tất cả những gì nó nhận được chỉ là một cú đá vào mông và một nắm đâm bằng từ ngữ. “Chạy tiếp đi, nhóc con, cháu không thuộc về nơi này đâu!” Con bé chạy thêm ít nhất là một dặm nữa. Những cành cây cào xước tay nó. Quả thông lăn lông lôc dưới chân nó, và vị của những cây kim Giáng sinh rung lên trong phổi nó.

Bốn mươi lăm phút trôi qua, con bé mới quay về chỗ cũ, và Rudy đang ngồi bên những chiếc xe đạp han gỉ. Thằng bé đã nhặt những mẩu bánh còn sót lại và đang trệu trạo nhai một miêng bánh cũ mốc, cứng quèo.

“Tớ đã bảo cậu đừng đến gần quá rồi mà,” nó nói.

Con bé xoay lưng lại cho thằng bạn nhìn. “Trên người tớ có dấu chân không?”

QUYỂN SỔ PHÁC THẢO ĐƯỢC GIẤU KÍN

Vài ngày trước Giáng sinh, đã có một cuộc không kích khác mặc dù không có thứ gì rơi xuống thị trấn Molching cả. Theo tin tức trên đài phát thanh, thì hầu hết những quả bom đều đã rơi xuống vùng đồng không mông quạnh.

Điều quan trọng nhất là phản ứng trong căn hầm trú ẩn của gia đình Fiedler. Khi những vị khách quen thuộc cuối cùng của căn hầm đó đã có mặt, mọi người bèn ổn định chỗ của mình và chờ. Họ nhìn con bé, một cách đầy trông đợi.

Giọng nói của Bố lại vang lên bên tai nó.

“Và nếu có thêm những đợt không kích, thì con hãy cứ đọc sách trong hầm trú ẩn nhé.”

Liesel chờ đợi. Con bé cần phải đảm bảo rằng họ thực sự muốn như thế.

Rudy nói thay cho mọi người.”Đọc đi chứ, đồ con lợn.”

Con bé mở quyển sách ra, và một lần nữa, những từ ngữ đã tìm được đường đến với tất cả những người có mặt trong căn hầm trú ẩn ấy.

Ở nhà, sau khi hồi còi hiệu đã cho phép tất cả mọi người quay trở lên mặt đất, Liesel ngồi trong phòng bếp với mẹ nuôi của nó. Một mối băn khoăn đang hiện ra trên vẻ mặt của Rosa Hubermann, và không lâu sau bà nhặt một con dao lên và rời khỏi phòng. “Hãy đi với Mẹ.”

Bà bước vào phòng khách và lật tấm vải trải đệm của mình lên. Ở rìa nệm, có một đường rạch đã được may lại. Nếu trước đó bạn không biết rằng nó có ở đó, thì hầu như chắc chắn là bạn sẽ chẳng có cơ hội nào để tìm ra nó cả. Rosa cẩn thận rọc cái đường đó ra rồi luồn tay vào, sờ soạng đến hết chiều dài của cánh tay bà. Khi rút tay ra, thì trên tay bà là quyển sổ phác thảo của Max Vandenburg.

“Anh ấy nói hãy đưa cho con cái này khi con đã sẵn sàng,” bà nói. “Mẹ đã nghĩ đến sinh nhật con. Sau đó Mẹ quyết định lùi lại đến ngày lễ Giáng sinh.” Rosa đứng dậy và trên gương mặt bà có một vẻ gì đó rất kỳ lạ. Nó không được tạo nên từ sự kiêu hãnh. Có thể đó là hồi ức dày đặc nhất, nặng nề nhất trên đời này. Bà nói, “Mẹ nghĩ là con đã luôn sẵn sàng, Liesel ạ. Từ ngay khoảnh khắc mà con đến ngôi nhà này và bám vào cánh cửa ấy, thì con đã xứng đáng có được nó.”

Quyển sách được trao tay.

Cái bìa sách trông giống như thế này:

š NGƯỜI LAY TỪ NGỮ ›

Một bộ sưu tập nhỏ những suy nghĩ

cho Liesel Meminger.

Liesel nâng niu quyển sách trong tay. Con bé nhìn chằm chằm nó một lúc. “Cảm ơn Mẹ.”

Bà ôm lấy nó.

Con bé cũng có một thôi thúc rất dữ dội là nói với Rosa Hubermann rằng nó yêu bà. Thật là xấu hổ khi con bé đã không nói điều đó ra.

Con bé muốn đọc quyển sách ấy trong tầng hầm, để nhớ lại những ngày xa xưa, nhưng Mẹ đã thuyết phục nó đừng làm như thế. “Có lý do khiến Max bị ốm ở dưới đó,” bà nói, “và Mẹ có thể nói cho con biết một điều, con gái ạ, đấy là Mẹ sẽ không để con bị ốm đâu.”

Con bé đã đọc trong phòng bếp.

Những khoảng trống màu đỏ và vàng lập lòe trong bếp lò.

Người lay từ ngữ.

Con bé xem qua rất nhiều những phác thảo và câu chuyện, và những bức tranh có lời chú thích bên dưới. Những bức vẽ kiểu như Rudy trên một cái bục với ba tâm huy chương vàng quanh cổ. Bên dưới hình vẽ này là dòng chữ Mái tóc có màu vàng chanh. Thằng người tuyết cũng có mặt trong quyển sổ, cũng như danh sách mười ba

món quà, ấy là chưa nói đến những ghi chép lại của rất nhiều đêm đã trôi qua trong tầng hầm hay bên cạnh lò sưởi.

Dĩ nhiên, có rất nhiều suy nghĩ, hình vẽ phác thảo, và những giấc mơ liên quan đến Stuttgart, nước Đức và Quốc trưởng. Những ký ức về gia đình của Max cũng xuất hiện. Rốt cục thì anh đã không thể không cho họ vào quyển sổ. Anh buộc phải làm như thế.

Tiếp theo là trang 117.

Đó là nơi mà bản thân quyển Người lay từ ngữ xuất hiện.

Đó là một câu chuyện ngụ ngôn hay cổ tích gì đó. Liesel không chắc là chuyện gì. Thậm chí sau đó nhiều ngày, khi con bé tra cả hai định nghĩa về thể loại chuyện kể này trong quyển từ điển tiếng Đức Duden, con bé vẫn không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.

Ở trang trước có một ghi chú nhỏ.

š TRANG 116 ›

Liesel - Anh gần như đã viết vội câu chuyện này ra.

Anh nghĩ là có thể em đã quá lớn cho một câu chuyện như vậy, nhưng cũng có thể là không ai quá lớn ở đây cả.

Anh đã nghĩ về em, về những quyển sách và từ ngữ của em, và câu chuyện lạ lùng này đã nảy ra trong đầu anh.

Anh hy vọng em có thể tìm thấy cái gì đó có ích từ nó.

Con bé lật sang trang tiếp theo.

Ngày xưa, có một người đàn ông nhỏ bé, kỳ lạ. Hắn ta quyết định rằng cuộc đời hắn sẽ có ba chi tiết quan trọng:

- Hắn sẽ rẽ ngôi mái tóc của mình ngược hướng với tất cả mọi người.

- Hắn sẽ nuôi một bộ ria mép nhỏ, kỳ quặc.

- Một ngày nào đó, hắn ta sẽ thống trị cả thế giới.

Người thanh niên ấy đi loanh quanh trong một thời gian, để suy nghĩ, lập kế hoạch và xác định chính xác xem làm thế nào để biến thế giới này thành vật sở hữu của mình. Rồi một ngày nọ, nó đã đến với hắn - cái kế hoạch hoàn hảo ấy. Hắn nhìn thấy một người mẹ bước đi trên phố cùng với đứa con của mình. Bà cứ luôn mồm nhiếc mắng thằng bé, và sau cùng thì thằng bé bắt đầu khóc. Chỉ trong vài phút, bà ấy lại nói năng với nó một cách rất nhẹ nhàng, và rồi thằng bé nín khóc, thậm chí còn cười nữa.

Người thanh niên lao đến chỗ người phụ nữ nọ và ôm chầm lấy bà. “Lời nói!”, hắn cười.

“Cái gì cơ?”

Nhưng không có câu trả lời.

Hắn đi mất rồi.

Phải, Quốc trưởng đã quyết định rằng hắn ta sẽ thống trị thế giới này bằng lời nói. “Ta sẽ không bao giờ động đến một khẩu súng,” hắn nói. “Ta sẽ không phải làm như thế.” Tuy nhiên, hắn không phải là kẻ thiếu suy nghĩ. Ít nhất hãy cho hắn ta chừng đó. Hắn không hề là một người ngu ngốc chút nào. Kế hoạch tấn công đầu tiên của hắn ta là gieo những lời nói của mình trên càng nhiều mảnh đất của quê hương càng tốt.

Hắn gieo trồng chúng ngày đêm, và chăm bón chúng.

Hắn nhìn chúng lớn lên, rồi một ngày kia, những cánh rừng lời nói bao la đã mọc khắp nước Đức. Đó là một đất nước của những suy nghĩ được gieo vào đầu con người.

----------------------------------------------------

TRONG KHI những lời nói đang lớn lên, thì vị Quốc trưởng trẻ của chúng ta cũng bắt đầu gieo hạt giống để tạo ra những biểu tượng, và những hạt giống này cũng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Giờ thì thời khắc đã tới. Quốc trưởng đã sẵn sàng.

Hắn mời gọi mọi người đến với trái tim toả hào quang của mình, ra hiệu cho họ với những lời nói tuyệt vời nhất, xấu xa nhất, được chính tay hắn nhặt ra từ những cánh rừng của mình. Và người ta đã tới.

Tất cả được đặt trên một băng chuyền và được quét qua một cỗ máy hung hăng sẽ mang lại cho họ cả cuộc đời chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Lời nói được nhồi nhét vào người họ. Thời gian như biến mất, và họ biết tất cả những gì cần biết. Họ đã bị thôi miên.

Tiếp theo, họ được ấn vào những cái biểu tượng của mình, và mọi người đều hài lòng.

Không lâu sau, nhu cầu đối với những lời nói và biểu tượng đã đạt đến một mức độ mà khi những khu rừng mọc lên thì cần có rất nhiều người để duy trì, chăm sóc chúng. Có những người được thuê để leo lên cây và ném những lời nói cho người đứng bên dưới. Sau đó chúng được nhồi trực tiếp cho Phần còn lại của nhân dân của Quốc trưởng, ấy là chưa kể đến những người quay lại để được có thêm lời nói.

Những người leo lên cây lời nói được gọi là những người lay từ ngữ.

NHỮNG NGƯỜI lay từ ngữ giỏi nhất là những người hiểu được sức mạnh đích thực của từ ngữ. Họ luôn là những người có thể trèo lên cao nhất. Một trong số những người lay từ ngữ như vậy là một đứa con gái bé nhỏ, mảnh khảnh. Cô bé ấy nổi tiếng là người lay từ ngữ giỏi nhất vùng, bởi cô biết một con người có thể bất lực đến thế nào NẾU KHÔNG CÓ từ ngữ. Cô bé có một niềm khao khát. Cô bé luôn đói khát những từ ngữ.

Dù vậy một ngày kia, cô bé gặp một người đàn ông bị đất nước cô khinh miệt, ngay cả khi anh ta được sinh ra trên đất nước ấy. Họ trở thành những người bạn tốt của nhau, và khi người đàn ông ấy bị ốm, thì người lay từ ngữ đã để một giọt nước mắt rơi lên gương mặt của anh. Giọt nước mắt được làm từ tình bạn - một từ duy nhất - và nó khô đi rồi biến thành một hạt giống. Lần tiếp theo cô đi vào cánh rừng từ ngữ, cô gieo hạt giống ấy giữa những cái cây khác. Cô bé tưới nước cho nó trước và sau mỗi ca làm việc.

Ban đầu chẳng có cái gì mọc lên cả, nhưng rồi một buổi chiều nọ, khi cô bé kiểm tra hạt giống sau một ngày làm công việc lay từ ngữ, một mầm cây nhỏ bé đã đội đất mọc lên. Cô bé đứng đó, nhìn cái mầm cây suốt một lúc lâu.

Cái cây lớn nhanh hơn tất cả những cây khác, cho đến khi nó đã là cây cao nhất của khu rừng. Mọi người đến để ngắm nhìn nó. Tất cả đều thầm thì bàn tán về nó, và họ chờ đợi. Chờ đợi Quốc trưởng. Bị chọc cho điên tiết, hắn lập tức ban lệnh rằng cái cây ấy phải bị huỷ diệt. Đó là khi người lay từ ngữ bước lên trước đám đông. Cô bé quỳ mọp xuống đất. “Xin ngài,” cô bé kêu lên, “ ngài không thể đốn bỏ nó được.”

Dù vậy, Quốc trưởng vẫn không mảy may rung động. Hắn ta không thể cho phép có những ngoại lệ. Khi người lay từ ngữ bị lôi đi, hắn quay sang cánh tay mặt của mình và đưa ra một lời yêu cầu. “Hãy mang đến cho ta một cái rìu.”

---------------------------------

VÀO KHOẢNH KHẮC ĐÓ, người lay từ ngữ vùng thoát được. Cô bé chạy. Cô chạy đến chỗ cái cây, và thậm chí khi Quốc trưởng giáng những nhát rìu vào thân cây, cô bé vẫn tiếp tục trèo cho đến khi đã lên đến ngọn cây. Những giọng nói và tiếng bổ rìu vẫn tiếp tục vang lên đầy gấp gáp. Vài đám mây trôi ngang qua - như những con quái vật màu trắng. Với những quả tim màu xám. Dù sợ hãi vô cùng nhưng vốn rất bướng bỉnh, người lay từ ngữ vẫn giữ nguyên vị trí của mình. Cô bé chờ cái cây đổ xuống.

Những cái cây vẫn đứng trơ trơ.

Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, nhưng cái rìu của Quốc trưởng vẫn không làm thân cây sứt mẻ được miếng nào. Trong một tình trạng gần như muốn đổ gục xuống vì mệt, hắn ra lệnh cho một người khác, tiếp tục đốn cái cây.

Nhiều ngày trôi qua.

Nhiều tuần trôi qua.

Một trăm chín mươi sáu người lính cũng vẫn không thể làm cái cây của người lay từ ngữ tổn hại một chút nào.

“Nhưng cô bé ăn uống ra sao?” người ta hỏi. “Cô bé ấy ngủ thế nào được?”

Điều mà họ không biết là những người lay từ ngữ khác đã ném đồ ăn, nước uống sang cái cây của cô bé, và cô bé đã trèo xuống những cành thấp hơn để nhặt chúng.

----------------------------------------------------

TUYẾT RƠI. Mưa rơi. Xuân rồi hạ rồi thu rồi đông. Người lay từ ngữ vẫn ở trên ngọn cây.

Khi người đốn cây cuối cùng gục xuống, anh gọi vọng đến chỗ cô bé. “Này người lay từ ngữ! Giờ thì cô có thể xuống được rồi! Bây giờ thì không ai có thể đốn gục được cái cây này nữa đâu!”

Người lay từ ngữ, chỉ có thể nghe thấy tiếng mà không nhìn thấy mặt của người đàn ông đó, thì thầm đáp lại: “Không, cảm ơn ông.” Cô bé chuyền từ ngữ của mình xuống qua những cành cây.

----------------------------------------------------

KHÔNG AI biết được đã bao lâu trôi qua rồi, nhưng một buổi chiều nọ, một người đốn cây khác đến thị trấn. Cái túi anh đeo trông thật quá nặng nề so với sức lực của anh. Mắt anh lờ đờ mỏi mệt. Chân anh lê bước nhọc nhằn. “Cái cây”, anh hỏi người ta, “Cái cây ở đâu?”

Một đám đông khán giả đi theo anh, và khi anh đến nơi, những đám mây đã tụ tập lại nơi ngọn cây cao nhất. Người lay từ ngữ chỉ có thể nghe thấy tiếng người ta đang láo nháo rằng một người đốn cây khác đã đến để chấm dứt chuỗi ngày bướng bỉnh bám víu lấy ngọn cây của cô.

“Cô ta sẽ không xuống vì bất cứ ai đâu”, người ta nói.

Người ta không biết người đốn cây là ai, và người ta không biết rằng anh ấy không dễ nản lòng.

Anh mở cái túi mình ra và lấy ra một thứ gì đó nhỏ hơn cái rìu rất nhiều. Người ta cười nhạo anh. “Anh không thể đốn ngã cả cái cây to thế này với một cái búa cũ được!”

Người thanh niên vẫn không bận tâm. Anh chỉ lục lọi trong túi mình để tìm vài cây đinh. Anh ngậm ba cây đinh trên miệng mình và cố gắng đóng cây đinh thứ tư vào thân cây. Cái chạc cây đầu tiên lúc này đã mọc cao lắm rồi, anh ước lượng rằng mình cần phải dùng bốn cây đinh để làm điểm đặt chân để leo được đến chỗ những chạc cây đầu tiên ấy.

“Hãy nhìn tên ngốc kìa,” những người đứng xem kêu ầm lên. “Không ai có thể trèo lên được cái cây này nữa.”

Anh ta vẫn im lặng.

----------------------------------------------------

CÂY ĐINH đầu tiên cắm vào thân cây và được cố định chắc sau năm cái giáng búa. Sau đó là đến cây đinh thứ hai, và người đàn ông bắt đầu trèo lên.

Đến cây đinh thứ tư thì anh đã với được đến những cành cây, và tiếp tục trèo lên cao nữa. Anh rất muốn cất tiếng gọi vọng lên trong lúc trèo, nhưng anh đã quyết định không làm thế.

Quãng đường anh phải trèo lên tưởng chừng như dài hàng nghìn dặm. Anh mất nhiều thì ờ đồng hồ mới lên được đến ngọn cây, và khi đã lên được đến nơi, anh thấy người lay từ ngữ đang nằm ngủ trong những tấm mền và giữa những đám mây.

Anh ngắm nhìn cô bé trong nhiều phút. Hơi ấm của mặt trời sưởi cho cái nhà đầy mây ấy.

Anh cúi xuống, chạm vào tay cô, và người lay từ ngữ thức dậy. Cô bé dụi mắt, và sau khi ngắm nhìn gương mặt anh một lúc lâu, cô bé nói.

“Có thật là anh đấy không?”

Cô bé nghĩ thầm, có phải là từ trên má anh, em đã lấy hạt giống của cái cây này không?

Người đàn ông gật đầu.

Trái tim anh chao đảo và anh bám chặt hơn vào những cành cây. “Anh đây.”

HỌ cùng nhau ở trên ngọn cây. Khi những đám mây tan biến dần, họ có thể nhìn thấy toàn bộ khu rừng.

“Nó sẽ không ngừng mọc lên.” Cô bé bảo anh.

“Nhưng cái cây này cũng sẽ không ngừng cao lên mãi.” Người thanh niên nhìn vào cành cây đang giữ lấy tay mình.

Khi đã nhìn nhau và nói chuyện với nhua đủ rồi, họ trèo xuống. Họ để lại những tấm mền và thức ăn sau lưng mình.

Người ta không thể tin vào mắt mình, và ngay cái khoảnh khắc mà người lay từ ngữ và người thanh niên nọ đặt chân lên thế giới dưới chân mình thì cuối cùng trên thân cây cũng xuất hiện. Những vết chém xuất hiện. Khe hở hiện ra trên thân cây, và mặt đất bắt đầu run rẩy.

“Nó sẽ đổ”, một phụ nữ hét lên, “Cái cây sẽ đổ!”

Cái cây của người lay từ ngữ, trong suốt chiều dài nhiều dặm của nó, từ từ nghiêng sang một. Nó rền rĩ khi đổ ngục xuống mặt đất. Thế gian như rung chuyển, và khi mọi thứ trở lại bình thường, thì cái cây nằm đó, giữa những cây khác của khu rừng.

Trong khi đi tiếp, họ dừng lại vài lần, để lắng nghe. Họ nghĩ là mình có thể nghe thấy những giọng nói và từ ngữ, đằng sau họ, trên cái cây của người lay từ ngữ.

Trong một thời gian dài, Liesel ngồi ở bàn bếp và tự hỏi rằng Max Vandenburg đang ở đâu, trong những cánh rừng ngoài kia. Bóng tối buông xuống quanh con bé. Nó ngủ thiếp đi. Mẹ bảo nó về giường, và nó đã làm thế, với quyển sổ phác thảo của Max Vandenburg ép chặt lên ngực.

Nhiều giờ đồng hồ sau, khi tỉnh giấc, thì câu trả lời cho câu hỏi của nó đã đến. Dĩ nhiên rồi, con bé thì thầm. Dĩ nhiên là mình biết anh ấy đang ở đâu, và nó lại ngủ tiếp.

Con bé đã mơ về cái cây.

BỘ SƯU TẬP TRANG PHỤC CỦA NHỮNG NGƯỜI VÔ CHÍNH PHỦ

š NHÀ SỐ 35 PHỐ THIÊN ĐÀNG, ›

NGÀY 24 THÁNG MƯỜI HAI

Vì sự vắng mặt của hai người cha, gia đình Steiner đã mời Rosa và Trudy Hubermann, và cả Liesel nữa, ghé chơi nhà.Khi họ đến nơi, Rudy vẫn đang giải thích về bộ quần áo của nó. Thằng nhóc nhìn Liesel và mồm nó há ra, nhưng chỉ một chút thôi.

Những ngày tháng dẫn đến kỳ Giáng sinh năm 1942 bị phủ dày đặc và nặng nề bởi tuyết. Liesel đọc quyển Người lay từ ngữ rất nhiều lần, từ bản thân câu chuyện cho đến rất nhiều bức vẽ phác thảo và những lời bình luận ở cả hai bên của bức vẽ. Vào đêm Giáng sinh, con bé đã quyết định một điều về Rudy. Thà chết còn hơn ra ngoài quá muộn.

Con bé đi sang nhà bên cạnh ngay trước khi trời sập tối và nói với thằng nhóc là nó có một món quà muốn tặng, nhân dịp lễ Giáng sinh.

Rudy nhìn vào lòng bàn tay con bé và ở cả hai bên chân của nó.

“Nào, nó ở chỗ quái nào cơ chứ?”

“Thôi, quên đi.”

Nhưng Rudy biết. Nó đã nhìn thấy con bé như vậy trước đây rồi. Những con mắt liều lĩnh và những ngón tay nhớp nháp. Hơi thở nồng nặc mùi ăn trộm phủ đầy xung quanh con bé, và thằng nhóc có thể ngửi thấy cái mùi ấy. “Cái món quà này,” thằng nhóc đoán, “cậu vẫn chưa có đươc nó trong tay, có phải không?”

“Không.”

“Và cậu cũng không mua nó nữa, có phải không?”

“Dĩ nhiên là không rồi. Chả nhẽ cậu nghĩ tớ có xu nào trong người à?” Tuyết vẫn còn rơi. Ở rìa bãi cỏ có một lớp băng như một tấm kính vỡ. “Cậu có chìa khóa không?” con bé hỏi.

“Chìa khóa để mở cái gì kia?” nhưng Rudy không mất nhiều thời gian để hiểu ra. Thằng nhóc đi vào trong nhà rồi quay ra không lâu sau đó. Theo cách nói của Viktor Chemmel, nó nói “Đã đến lúc đi mua sắm rồi.”

Ánh sáng đang biến mất rất nhanh, và ngoại trừ ngôi nhà thờ, cả con phố Munich đã đóng cửa để đón Giáng sinh. Liesel bước vội để theo kịp những bước chân dài và cao lêu nghêu của thằng bạn hàng xóm. Chúng đến được ô cửa sổ cửa hàng mà chúng cần đến. STEINER - SCHNEIDERMEISTER. Trên ô cửa vương một lớp bùn mỏng và bụi bẩn bị gió thổi vào trong suốt những tuần lễ vừa qua, hết tuần này qua tuần khác. Ở phía bên kia căn phòng, mấy con ma-nơ- canh đứng sừng sững như một đám nhân chứng. Trông chúng rất nghiêm trọng và kiểu cách một cách lố bịch. Thật khó để rũ bỏ cảm giác rằng chúng đang quan sát mọi thứ.

Rudy thò tay vào túi.

Đêm đó là đêm Giáng sinh.

Bố của nó đang ở gần Vienna.

Nó không nghĩ rằng ông sẽ thấy phiền khi chúng bước vào cái cửa hàng yêu dấu của ông. Tình thế đòi hỏi điều đó.

Cánh cửa mở ra một cách nhẹ nhàng, và hai đứa đi vào trong. Phản ứng bản năng đầu tiên của Rudy là thò tay bật công tắc đèn, nhưng điện đã bị cắt rồi.

“Có cây nến nào không?”

Rudy mất hứng. “Tớ đã mang chìa khóa đi rồi. Hơn nữa đây là ý tưởng của cậu kia mà.”

Giữa lúc đó, Liesel bước trúng một cái hố trên sàn nhà. Một con ma-nơ-canh ngã xuống cùng con bé. Nó mò mẫm cánh tay Liesel và tuột hết quần áo mặc trên người xuống con bé . “Hãy lấy cái thứ này ra khỏi người tớ đi!” Con ma-nơ-canh ấy có bốn mảnh. Thân mình và đầu, Phần hai chân, và hai cánh tay tách rời nhau. Khi đã thoát khỏi vật ấy, Liesel đứng dậy và thở khò khè. “Lạy các đấng Jesus và Maria.”

Rudy tìm thấy một cánh tay của con ma-nơ-canh và lấy bàn tay ấy vỗ lên lưng con bé. Khi con bé sợ chết khiếp và quay đầu lại, thằng nhóc chìa bàn tay ấy ra với một tình cảm bạn bè thân thiết. “Rất vui được gặp cậu.”

Trong vài phút, chúng di chuyển chậm chạp qua những lối đi nhỏ hẹp của cửa hàng. Rudy bắt đầu đi về phía quầy hàng. Khi vấp phải một cái hộp rỗng, thằng nhóc kêu lên và văng tục, sau đó nó tìm được đường quay về chỗ cửa ra vào. “Chuyện này thật là quái gở,” nó nói. “Hãy đợi ở đây một phút,” Liesel ngồi đó, tay vẫn giữ cánh tay của con ma-nơ-canh, cho đến khi thằng nhóc quay lại với một ngọn đèn lồng đã được thắp lên từ chỗ nhà thờ.

Một vòng ánh sáng khoanh tròn lên mặt nó.

“Thế cái món quà mà cậu khoe với tớ đâu rồi? Tốt hơn thì nó không nên là một trong số những con ma-nơ-canh kỳ quặc này.”

“Hãy mang cái đèn lại đây.”

Khi thằng bé đến được chỗ góc xa bên trái của cửa hàng, Liesel lấy cái lồng đèn bằng một tay còn tay kia thì lướt dọc qua những bộ quần áo đang treo trên sào. Con bé rút một bộ ra nhưng rồi lại nhanh chóng thay thế bằng một bộ khác. “Không, vẫn còn to quá.” Sau hai lần thử nữa, con bé giơ một bộ đồ màu xanh hải quân ra trước mặt Rudy Steiner. “Trông bộ này có vừa với cậu không?”

Khi Liesel ngồi trong bóng tối, thì Rudy mặc thử bộ đồ ở đằng sau một trong những tấm rèm. Chỉ có một vòng tròn nhỏ của ánh sáng và cái bóng đang thay đồ.

Khi quay lại, thằng nhóc chìa cái lồng đèn ra để Liesel thấy. Được giải thoát khỏi tấm rèm, luồng ánh sáng trông như một cái cột, chiếu vào bộ quần áo được cắt may tinh tế. Nó cũng chiếu ánh sáng lên cái áo bẩn thỉu bên dưới, và đôi giày đã mòn vẹt của Rudy.

“Giờ thì sao nào?” nó hỏi.

Liesel tiếp tục xem xét bạn mình. Con bé di chuyển vòng quanh thằng bé và nhún vai. “Không tệ lắm.”

“Không tệ lắm à! Trông tớ phải khá khẩm hơn mức không tệ lắm chứ.”

“Đôi giày đã khiến cậu trông xấu xí hẳn di. Và cả cái mặt của cậu nữa.”

Rudy đặt cái lồng đèn lên quầy và bước về phía con bé, vờ tỏ ra giận dữ, và Liesel phải thừa nhận rằng một sự hồi hộp đã bắt đầu níu chặt lấy nó. Con bé vừa cảm thấy nhẹ nhõm đồng thời cũng khá thất vọng khi nhìn thằng bạn vấp ngã vào cái con ma-nơ-canh tội nghiệp nọ.

Ở trên sàn nhà, Rudy phá lên cười.

Sau đó nó nhắm mắt lại, rồi dụi chúng thật mạnh. Liesel lao tới trước.

Liesel lao tới trước.

Con bé quỳ xuống bên cạnh thằng nhóc.

Hãy hôn cậu ấy đi, Liesel, hãy hôn cậu ấy đi.

“Cậu vẫn, ổn chứ, 698b Rudy? Rudy?”

“Tớ nhớ Bố”, thằng nhóc nói, hướng về phía bên kia phòng, ngang qua sàn nhà.

“Frohe Weihnachten”, Liesel đáp. Nó giúp bạn mình đứng dậy, vuốt lại cho thẳng thớm bộ quần áo. “Chúc Giáng sinh vui vẻ.”

Nguồn: truyen8.mobi/t114744-ke-trom-sach-phan-8-nguoi-lay-tu-ngu.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận