Kế Hoạch Hoàn Hảo Chương 7


Chương 7
Dana là con nhà lính có nòi, con gái của một vị đại tá huấn luyện, cuộc đời nay đây mai đó.

Năm 11 tuổi nàng đã sống qua 5 thành phố lớn của Mỹ và 4 nước, từ Aberdeen của Maryland, pháo đài Benning ở Georgia, pháo đài Hood Leavenworth ở Kansas đến Monmounth ở New Jersey. Dana từng học tập tại các trường dành cho con gái của các sĩ quan như trường Zama ở Nhật Bản, Chiemsee ở Đức, Darby ở Ýù và Buchanan ở Puerto Rico...

Dana là con một. Bạn bè của nàng là đám quân nhân và gia đình họ, cùng sống trong khu trại với gia đình nàng. Dana sớm tinh khôn, vui vẻ và nhanh nhẹn, nhưng mẹ lại lo lắng về việc Dana không có một tuổi thơ bình thường.

“Cứ 6 tháng lại chuyển nhà một làn như thế này thò thật khổ cho con, con yêu.” Mẹ nàng thường nói.

Dana nhìn mẹ ngạc nhiên. “Tại sao hả mẹ?”

Cứ mỗi lần ông bố chuyển đến đơn vị mới, Dana đều bị mẹ dọa. “Chúng ta lại sắp dọn nhà rồi đấy.” Không nói ra, nhưng nàng rất đỗi vui mừng.

Dana thích di chuyển bao nhiêu thì mẹ nàng lại ghét bấy nhiêu.

Khi Dana 13 tuổi, mẹ bảo. “Mẹ không thể sống như cái bọn du thử du thực thế này mãi được. Mẹ sẽ ly hôn.”

Dana hoảng hốt khi nghe mẹ nói. Nàng không quá buồn về chuyện bố mẹ ly dị, nhưng lại sợ mình không còn được theo bố đi chu du khắp nơi như trước nữa.

“Chúng ta sẽ sống ở đâu hả mẹ?”

“Ở Claremont, California. Mẹ đã được sinh ta và lớn lên tại đó. Đấy là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, con sẽ thích cho mà xem.”

Mẹ Dana nói đúng về việc Claremont là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, nhưng đã sai khi nói là Dana sẽ thích nó. Claremont nằm dưới chân dãy San Gabriel ở Los Angeles County, với dân số khoảng 33 000 người. Đường phố đầy những dãy câyxanh đáng yêu. Claremont có một trường tiểu học công. Dana ghét nó lắm. Đang sống như dân du mục phải trói chân ở một thị trấn nhỏ tí thế này, nàng cảm thấy gò bó ghê gớm.

“Mình sẽ sống ở đây mãi mãi hả mẹ?” Dana hỏi.

“Ừ, nhưng sao hả con yêu?”

“Bởi vì nơi đây quá nhỏ với con, con thích sống ở tthành phố lớn cơ.”

Vào ngày đầu tiên Dana đi học, nàng về nhà với vẻ rất thất vọng.

“Chuyện gì vậy hả con gái? Con không thích trường đó à?”

Dana thở dài. “Trường thì ổn, nhưng nhiều trẻ con quá.”

Mẹ phá lên cười. “Thì là trường tiểu học mà. Và con cũng vậy. Con đã lớn với ai đâu.”

Dana học tiếp ở trường trung học của Claremont và trở thành phóng viên báo Wolfpacket, tờ báo của trường. Nàng phát hiện ra mình thích công việc làm báo, nhưng nàng vẫn nhớ cuộc sống du mục trước đây đến cồn cào ruột gan.

“Khi nào con đủ lớn,” Dana nói, “con sẽ lại đi vòng quanh thế giới.”

Năm Dana 18 tuổi nàng ghi tên vào trường đại học McKenna của Claremont, khoa báo chí, và trở thánh phóng viên cho tờ báo của trường, tờ Forum. Năm sau, nàng đã là biên tập của tờ báo.

Các sinh viên đến chỗ nàng để đề nghị những chuyện đại loại như: “Tuần tới, khoa bọn tớ tổ chức đại hội. Dana ạ, bạn có thể đưa chuyện đó lên báo...”

“Câu lạc bộ tớ có cuộc họp vào thứ ba tuần này...”

“Bạn có thể cho đăng lại ngày tập hợp của câu lạc bộ bi kịck không...”

“Chúng tớ cần tăng quỹ cho thư viện mới...”

Những chuyện như vậy không bao giờ hết, nhưng Dana vô cùng thích thú. Nàng thích được ở cái vị trí có thể giúp đỡ được người khác. Vào năm thứ hai đại học Dana quyết định sẽ theo nghề báo chí.

Nàng nói với mẹ. “Con thích đi phỏng vấn những người quan trọng trên toàn thế giới, nó cũng giống như việc giúp ai đó làm nên lịch sử.”

Hồi niên thiếu, mỗi lần nhìn vào gương, Dana lại cảm thấy thất vọng ghê gớm. Quá lùn, quá gầy, quá lép kẹp. Tất cả bọn con gái trong trường đều có một vẻ gì đó xinh đẹïp, trừ nàng. Mình giống như một con viẹt xấu xí trong một đàn thiên nga. Nghĩ vậy, Dana quyết định sẽ không nhìn vào gương nữa. Nếu chăm chú soi gương như cũ, Dana sẽ thấy khi 14 tuổi, thân thể nàng mới bắt đầu phát triển. Năm 16 tuổi nàng đã trở nên rất khêu gợi. Khi Dana 17 tuổi, các chàng trai bắt đầu theo đuổi nàng một cách nghiêm túc. Có cái gì rất thôi thúc ở khuôn mặt hình trái xoan, đôi mắt mở to, và nụ cười giòn tan của nàng thì vừa đáng yêu vừa như thách thức.

Ngay từ năm 12 tuổi Dana đã biết mình muốn được mất đi sự trinh trắng như thế nào. Đó sẽ là một đêm trăng sáng, thật đẹp, trên một hòn đảo nhiệt đới xa đất liền, với những con sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ và tiếng nhạc văng vẳng, êm dịu từ xa vọng tới. Một người lạ mặt, thật đẹp trai và từng trải sẽ ôm lấy em, nhìn sâu vào trong mắt em, thấu vào tận tâm hồn em. Anh sẽ chỉ ôm lấy em mà không nói bất kỳ lời nào, đưa em tới một gốc cây cọ. Hai người sẽ cởi bỏ quần áo và làm tình với nhau trong tiếng nhạc dìu dặt vọng đến.

Dana đã mất đi sự trinh trắng tại ghế sau của một chiếc xe Chevrolet, sau cuộc liên hoan ở trường, với một cậu bạn cùng lớp, gầy gò, tóc đỏ tên là Richard Dobbins, người cùng làm tờ Forum với nàng. Cậu ta tặng Dana chiếc nhẫn và một tháng sau, chuyển nhà tới Milwaukee cùng gia đình. Dana không bao giờ còn nghe nói gì về cậu ta nữa.

Một tháng trước khi lấy bằng B.A. môn báo chí, Dana đến tòa soạn của tờ báo địa phương, tờ Claremont Examiner, xin làm phóng viên.

Người đàn ông ở bàn dân sự nhìn qua bản lý lịch của nàng. “Cô đã từng làm biên tập của tờ Forum?”

Dana cười nhũn nhặc. “Đúng vậy.”

“Được thôi, cô may mắn đấy, chúng tôi đang cần người nên sẽ cho cô thử.”

Dana vui mừng, nàng đã chuẩn bị sẵn tên một loạt nước mà nàng muốn đến viết bài: Nga này... Trung Quốc... châu Phi...

“Tôi biết là mình sẽ không được cử ngay là phóng viên thường trú tại nước ngoài, nhưng, sau khi...”

“Được, cô sẽ bắt đầu ở đây với vị trí của một người thực tập. Cô sẽ lo cho các biên tập viên được uống cà phê vào buổi sáng. Bọn họ đều thích cà phê đặc đấy. Rồi cô đem những bản copy đến phòng sắp chữ...”

“Dana trừng trừng nhìn ông ta. “Tôi không thể...”

“Cô không thể làm sao?”

“Tôi không thể nói với ông là tôi mừng như thế nào khi được nhận vào đây.”

Tất cả mọi người đều khen Dana pha cà phê ngon, và là người chạy việc cừ nhất mà họ từng có. Tất cả mọi ngày, nàng đều đến tòa soạn từ rất sớm và làm bạn với tất cả mọi người. Nàng luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Nàng biết dó chính là cách tốt nhất để đến đích nhanh nhất.

Vấn đề là 6 tháng sau Dana vẫn chỉ là một thực tập sinh. Nàng tới gặp Bill Crowell, tổng biên tập.

“Tôi cho là mình đã sẵn sàng.” Dana nói thẳng thắn. “Nếu ông có thể giao cho tôi một công việc, tôi sẽ...”

Ông ta không buồn ngẩng lên nhìn cô. “Vẫn còn chưa đến lúc. Cà phê của tôi nguội rồi đây này.”

Thế là không công bằng, họ không cho mình lấy một cơ hội. Dana đã đọc được ở đâu đó một lời khuyên và nàng rất tin vào nó. “Nếu có cái gì đó chặn bạn lại, hãy mặc kệ nó.” Phải, sẽ không gì chặn được ta cả, không có gì. Nhưng ta phải bắt đầu thế nào đây?

Một buổi sáng, khi Dana mang cà phê đi qua phòng nhận tin còn vắng tanh, một dải giấy đang đùn từ trong máy ra. Tò mò, Dana bước vào và đọc nó.

ASSOCIATES PRESS – CLAREMONT,

CALIFORNIA. TẠI CLAREMONT, SÁNG

NAY, CÓ MỘT VỤ ĐƯỢC PHỎNG ĐOÁN

LÀ BẮT CÓC. MỘT CẬU BÉ SÁU TUỔI

ĐÃ BỊ MỘT NGƯỜI LẠ MẶT MANG ĐI...

Dana đọc hết bản tin nhắn, mắt mở to. Nàng hít một hơi thật sâu, ngắt đoạn giấy đó ra khỏi máy và đút vào túi. Không ai nhìn thấy.

Dana chạy vội về phòng làm việc của Bill Crowell, thở hổn hển. “Ông Crowell, sáng nay ai đó đã bắt cóc một cậu bé ở Claremont. Hắn hứa cho cậu bé cưỡi ngựa. Đầu tiên, cậu bé nói thích kẹo. Tên bắt cóc đã đưa cậu đến một cửa hàng bánh kẹo. Người chủ cửa hàng nhận ra cậu bé và gọi cảnh sát, tên bắt cóc đã lủi mất.”

Bill Crowell xốn xang. “Thế mà máy nhận tin lại không có tin này. Làm sao cô biết được?”

“Lúc đó tôi... tôi ngẫu nhiên có mặt tại cửa hành bánh kẹo ấy. Họ đang nói về chuyện đó và...”

“Tôi sẽ cử phóng viên đến đó ngay.”

“Sao ông không để tôi đi?” Dana nói dồn dập. “Người của cửa hàng quen tôi, ông ấy sẽ kể hết với tôi.”

Bill nhìn nàng một lúc rồi đáp một cách miễn cưỡng. “Thôi được.”

Bài phỏng vấn người chủ cửa hàng bánh kẹo của nàng được đăng trên trang nhất tờ Claremont Examiner vào ngày hôm sau đã được độc giả đánh giá cao.

“Cũng không tồi lắm,” Bill Crowell nói với nàng, “không tồi chút nào.”

“Cám ơn.”

Khoảng gần một tuần sau đó, Dana lại một mình lân la tới phòng nhận tin. Lần này, cũng có một câu chuyện đến từ Associated Press:

PONOMA, CALIFORNIA: HUẤN LUYỆN

VIÊN JUDO NỮ BẮT GIỮ KẺ HIẾP DÂM.

Tuyệt vời. Dana lại xé phần giấy đó nhét vào túi áo và vội vàng chạy đến chỗ Bill Crowell.

“Cô bạn học cùng lớp vừa mới gọi điện cho tôi,” Dana hào hứng nói. “Cô ấy nhìn qua cửa sổ và thấy một phụ nữ đang khóa tay một kẻ có vẻ như muốn cưỡng hiếp bà ta. Tôi sẽ đi phỏng vấn vụ này. Ông cho phép chứ?”

Crowell nhìn nàng một lúc. “Đi đi.”

Dana lái xe đến thẳng Pomona phỏng vấn người nữ huấn luyện viên kia. Câu chuyện của nàng một lần nữa lại được đăng trên trang nhất.

Bill Crowell hỏi Dana khi nàng bước vào phòng làm việc của ông ta. “Cô có muốn ;à một kẻ săn tin chuyên nghiệp không?”

Dana run lên. “Thật là tuyệt.” Nó bắt đầu rồi đây. Nàng nghĩ. Sự nghiệp của mình cuối cùng cũng đã bắt đầu.

Ngày hôm sau, tờ Claremont Examiner được bán cho Tập Đoàn Viễn Thông Washington Tribune ở Washington D.C.

Khi cái tin này loang ra, hầu hết các nhân viên của tờ Claremont Examiner đều thở ngắn than dài. Sẽ không tránh khỏi dược một cuộc thu hẹp nhân sự và điều đó có nghĩa là một vài người trong số họ sẽ mất việc. Dana không nghĩ như vậy. Mình sẽ làm việc cho Washingtin Tribune, nàng nghĩ, và điều suy nghĩ logic tiếp theo là, tại sao mình không đến làm việc tại trụ sở chính của nó?

Nàng vào phòng làm việc của Bill Crowell. “Tôi muốn đi xa khoảng 10 ngày.”

Ông ta nhìn nàng, tò mò. “Dana, hầu hết mọi người ở đây còn không dám đi vào phòng tắm vị sợ khi quay lại sẽ mất bàn làm việc. Cô không sợ điều đó ư?”

“Tại sao tôi lại phải sợ? Tôi là phóng viên giỏi nhất ở đây.” Nàng nói với vẻ tự tin. “Tôi sẽ đi kiếm cho mình một chỗ ở Washington Tribune.”

“Cô nói nghiêm túc đấy chứ?” Ông ta nhìn vẻ mặt nàng. “Phải, cô nói nghiêm túc.” Ông ta gật đầu. “Thôi được, cô thử gặp Matt Baker đi, ông ấy là một trong những người phụ trách của Tập Đoàn Washington Tribune đấy. Nó bao gồm mấy tờ báo, các trạm truyền hình, radio và rất nhiều thứ nữa...”

“Matt Baker, được.”

 

Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/39720


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận