“Trái tim cô đã bị anh ta chiếm mất một khoảng lớn!” Hinh về đến buồng bệnh nhân, bỗng nghe tiếng bà San nói ở phía sau. May mà Hinh có trí nhớ khá tốt, nếu không, mấy hôm nay bà ta đã sắm nhiều vai như thế - cô khó mà nhận ra đó là tiếng bà ta.
“Bà nói về anh ấy à? Anh ấy chỉ là một bạn đồng hương của cháu.” Hinh không muốn để ý nhiều đến bà ta, nhưng vì nể trọng người già và cũng không nỡ cau có lạnh nhạt nên cô chỉ đáp lại một câu cho phải phép.
“Tôi không nói anh ta, mà là nói anh ta!”
Thật không sao hiểu nổi nữa.
Hinh biết, ngay trong lúc bình thường không “sắm vai” gì, thì bà San đã là người rất “khó khăn”, cô bèn gật đầu, rồi đi về phía giường mình. Nhưng tiếng bước chân vẫn cứ ở phía sau cô, tiếng nói cũng bám theo: “Thật không sao hiểu nổi nữa!”
“Bà nói gì thế?” Hinh quay người lại nhìn bà San. Tại sao bà ta có thể biết cô đang nghĩ gì? Thực ra bà ta là một bệnh nhân như thế nào?
“Tôi là một bệnh nhân như thế nào, chẳng lẽ họ không nói với cô à? Tôi là một người đa nhân cách – một loại bệnh thần kinh khiến người ta cười nhạo nhất!” Hình như bà ta lại đọc được ý nghĩ của Hinh.
“Bà có thể đoán biết ý nghĩ của cháu à?” Đang giữa ban ngày thật, nhưng Hinh lại cảm thấy hơi sờ sợ.
“Cho nên vừa nãy tôi nói là anh ta, chứ không phải là anh ta!”
“Ai đã chiếm một khoảng lớn trong trái tim cháu? Bà có thể nói rõ là ai không?” Nếu bà San nói ra đúng tên Tạ Tốn, liệu có thể coi bà ta là “dị nhân” không đây?
“Cô chẳng nên biết thì vẫn hơn!”
“Thực là nực cười! Tất nhiên là cháu biết mình nhớ đến ai chứ!” Hinh bắt đầu cho rằng bà San chỉ như các thầy tướng số giang hồ cố làm ra vẻ bí hiểm, cô bèn chớt nhả dùng cái câu nói kiểu nữ văn sĩ Quỳnh Dao, chắc sẽ làm cho bà ta phát ngán, để “cảnh tỉnh” bà ta.
“Nhớ nhung ai đó, là một việc nguy hiểm, đã dấn một bước rồi thì khó bề quay trở lại.”
Hinh như bị gai đâm, ngây người nhìn bà San, rồi thong thả hỏi: “Cháu nghe không hiểu mấy, bà thử ví dụ xem, một việc như thế nào gọi là đã dấn bước rồi khó bề quay trở lại?”
“Thôi không nói làm gì, kẻo nói ra, tôi e cô không chịu đựng nổi.” Tại sao … câu trả lời này nghe quen quen?
“Bà cứ nói đi, cháu đã chuẩn bị tinh thần rồi!” Cảm giác tuyệt vọng bắt đầu trỗi dậy trong Hinh.
“Ví dụ, người ta nhảy lầu tự tử. Đã nhảy ra rồi thì quay lại sao được nữa?”
Đây chính là câu đối thoại giữa Tạ Tốn và Hinh khi ngồi trên tàu hỏa hồi nọ.
“Thực ra bà muốn gì? Tại sao bà không chịu buông tha tôi?” Hinh gần như hét lên một cách rồ dại, không chờ bà San trả lời nữa, cô bước nhanh về giường của mình nằm vật xuống, toàn thân run rẩy. Cô định òa khóc, nhưng lại nhận ra rằng mình không có nước mắt.
Tạ Tốn, anh hãy mau đến với em, đưa em ra khỏi chốn này!
“Tiếc rằng anh chẳng phải siêu nhân, nếu không anh sẽ đưa em rời khỏi đây, sẽ đi thật xa, đi khỏi trường đại học, đi khỏi cái thành phố này!” Nghe Hinh kể xong mọi chuyện, Tốn nhíu đôi mày rậm, dằn giọng nói.
“Nếu thế thì biến thành một đôi rủ nhau đi trốn à? Mẹ em sẽ ghét, sẽ không thèm nhìn mặt em nữa! Em chỉ muốn mau được về trường học tập như bình thường.” Hôm nay lại là một buổi chiều xuân nắng vàng rực rỡ, hai bên con đường rải đá cuội trong khu vườn, dường như mọi bông hoa trong vườn đều đang nở rộ, lại có những cánh bướm đang rập rờn sánh đôi. Hinh ngả người trong vòng tay Tốn, lòng cô xốn xang. Có Tốn kề bên, Hinh cảm thấy cuộc sống lại êm đềm như trước. Chỉ tiếc rằng anh không thể suốt ngày sớm tối ở bên Hinh.
“Anh nói em đừng lấy làm lạ, anh cho rằng vào lúc nhạy cảm này, em ở lại đây không hẳn là nơi không an toàn đâu!”
“Sao anh lại có ý nghĩ này?” Hinh cảm thấy Tốn lại đang tuyên bố những ý tưởng kỳ cục, nhưng cũng không phải là không có lý. “Anh nói cứ như mình là bác sĩ chuyên trách của em, ông ấy cũng đã nói như thế. Có điều, đây chỉ là cách né tránh tiêu cực, chứ không phải là biện pháp để thật sự giải quyết vấn đề. Năm xưa Tưởng Dục Hồng đã nằm viện tâm thần, thoát chết năm đầu, nhưng vẫn không tránh được tai họa năm sau.”
“Cho nên em vẫn muốn điều tra rõ sự thật? Nhưng thời gian lại không ủng hộ em, anh đoán chắc em có cảm giác mỗi ngày dài như một năm.”
“Nhưng khi anh đến, thì mỗi ngày của em lại chỉ ngắn như một giây! Có lúc em thật sự lo mình sẽ lún vào quá sâu, nếu thế thì sẽ khó mà thoát ra được.” Hinh chợt thấy rùng mình, cô lại nhớ đến cuộc nói chuyện với bà San hôm qua.
Hinh biết, bà ta sẽ không buông tha cô.
Hinh thậm chí cảm thấy đôi mắt bà San đang nhìn chằm chằm vào cô, đến nỗi sống lưng cô lạnh toát, cô bất giác nhìn quanh bốn phía tìm kiếm. Tốn chào từ biệt, cô cũng không nghe thấy.
Dưới gốc cây sung, bà San đang ngồi trên chiếc ghế mây, tay phải cầm cây bút chì. Thấy Hinh ngoái nhìn rồi bước đến, mép bà hơi động đậy – vừa giống như buồn bã vì thấy xót thương, lại vừa giống như cười khẩy nảy sinh từ nỗi oán hờn.
“Bà đang vẽ thật không đấy? Khi vẽ thì nên tập trung tâm trí mới đúng, nhưng bà thì lại cứ nhìn cháu, tại sao thế?” Hinh đến bên gốc cây, nhưng cô lại “cảnh giác” dừng bước.
“Cô rất xinh đẹp, con gái đẹp lại mặc áo bệnh nhân trắng tinh đã là một bức tranh tuyệt mỹ rồi, đâu cần tôi phải làm cái việc vẽ rắn thêm chân!”
“Thế thì bà cầm giấy vẽ bút vẽ, để giả vờ vẽ cái gì ạ?”
Bà San thở dài: “Thấy cảnh đẹp, thì quấy quá vẽ chơi, hành hạ mấy tờ giấy!”
“Nhưng nếu bà vẽ đẹp, thì không gọi là hành hạ gì được!” Hinh cảm thấy lời lẽ của bà San chứa đầy ẩn ý sâu xa.
“Cô thử nhìn xem, tôi vẽ ra sao?” Bà San đưa cho Hinh bức vẽ.
Hinh thoáng do dự, nhưng rồi cũng đón lấy, chỉ thoáng nhìn cô đã phải im bặt tiếng cười: “Đây là cảnh gì vậy? Lúc này mặt trời lên cao nắng vàng rực rỡ, trăm hoa khoe sắc… nhưng bà lại vẽ gió táp mưa sa, hoa rơi lả tả, và người này thì … được, cháu công nhận là bà vẽ rất giống cháu, cháu không phải là rắn, bà cũng không vẽ thêm chân, nhưng vẽ cô gái toàn thân ướt sũng này thì không thể nào là cảnh thật trước mắt!”
Bà San rướn người cầm lại bức vẽ, mồm lẩm bẩm: “Tri âm hiếm thấy, đứt dây đàn nào còn ai nghe!”
Hinh định nói “chẳng ai hiểu nổi bà, mà bà còn đòi có tri âm!” nhưng chưa kịp nói thì Hinh ngớ ra “gay rồi!” Thì ra cô đứng dưới cây nên không để ý, chẳng biết mây đen bốn bề đang cuồn cuộn, tiếng sấm mùa xuân vang rền, chỉ trong nháy mắt, mưa to đổ ập xuống!
Hinh vẫn đứng đó, và thấy càng thêm khiếp sợ bà San: bà ta có khả năng tiên tri!
Gió mạnh đến cùng mưa rào, những đóa hoa đang nở rộ lập tức bị đập tả tơi, cánh hoa rơi quá nửa, tất cả bỗng tan hoang. Cây sung này tuy lá cành rậm rạp nhưng cũng không chịu nổi trận mưa như trút nước, toàn thân Hinh ướt đẫm. Tờ giấy trên tấm bảng vẽ tất nhiên cũng bị “hành hạ”!
“Bà nói đi, bà dõi nhìn cháu mãi, bà thấy những gì?” Hinh nói gần như cầu xin.
“Tôi biết lòng cô đang rất mâu thuẫn, cô sợ sẽ lún vào quá sâu. Cô vốn nghĩ mình rất cứng cỏi và tự chủ, nay lại mắc mớ với một con người thì cô khó tránh khỏi phải nghĩ ngợi.” Bà ta nói như một chuyên gia phân tích tâm lý siêu hạng.
“Bà còn chưa trả lời cháu: bà nói cháu đang nghĩ đến một người, người đó là ai? Tên là gì?”
“Tên, chỉ là một thứ tín hiệu mà thôi!”
“Thì ra là bà không biết!”
Bà San thở dài thườn thượt: “Giả sử tôi nói tên là ‘Tạ Tốn’, thì có thể nói lên điều gì? Cũng chỉ là một cái tên gọi mà thôi!”
“Nhưng trong lòng cháu, thì cái tên này nói lên tầm quan trọng của anh ta đối với cháu.” Hinh bắt đầu cảm thấy sự bí hiểm của bà San không chỉ là có “đa nhân cách”, cô bèn thổ lộ tâm tình.
“Thứ đang xâm chiếm lòng cô, không phải là một cái tên, mà là một bi kịch.”
Hinh hơi nao núng: “Bà lại nói hão huyền chẳng đâu vào đâu! Tại sao bà lại biết? Trừ phi bà thực sự có thể nhìn thấu tim gan người khác? Lẽ nào bà thực sự có khả năng tiên đoán tương lai?”
“Cô có biết tại sao tôi phải vào viện này bốn chục năm nay không?”
Hinh không hỏi dồn nữa, cô ngẫm nghĩ. Mấy câu nói của bà San đã tác động mạnh đến cô: nếu bà già này nói đúng (đã gọi ra tên Tạ Tốn, đã biết rõ tâm lý của cô, đã sắm vai Tưởng Dục Hồng và Thẩm Vệ Thanh rất chuẩn – điều đáng sợ là bà ta hầu như chưa nói sai một câu nào) thì cái bi kịch kia sẽ là gì? Chẳng lẽ mình không thoát khỏi kết cục của “vụ án mưu sát 405”? Hay là bà ta vẫn đang tiếp tục sắp đặt để đưa mình vào vai “nạn nhân”, cùng bà ta sắm vai cho thật giống?
Tại sao bà ta phải làm như vậy?
“Trang Ái Văn là ai?” Hih cảm thấy có lẽ mọi sự bí ẩn đều liên quan đến cái nhân cách bí hiểm của bà San: áo trắng, tóc dài, tiếng hát tuyệt vời, và … khuôn mặt nát bươm nữa!
Đôi mắt già nua của bà San thoáng ánh lên một tia sáng rạo rực của tuổi xuân, tuy chỉ thoáng ánh lên nhưng đã lắng đọng trong đôi mắt thẳm sâu của Hinh.
“Mưa mỗi lúc một to, tôi cũng mệt rồi. Các cô y tá cũng kém tận tình, chẳng thiết gọi chúng ta vào nhà. Bác sĩ Tuấn nói tôi đang ở giai đoạn lên cơn nguy hiểm, không nên để cho bị tác động nhiều. Tôi phải vào nghỉ đã.”
Bây giờ đến lượt cháu không buông tha bà.
“Bà hãy nói xem chị ta là ai? Nếu bà không nói, cháu sẽ đoán phứa lên. Cháu nghĩ, chắc chị ta phải là một nhân vật rất quan trọng trong cuộc đời của bà. Có lẽ là một người mà bà rất mến yêu. Bà mê điện ảnh, chắc vì hồi trẻ bà đã từng mong làm ngôi sao màn bạc, cho nên bà mới mô phỏng những con người bà đã từng tiếp xúc và gây ấn tượng mạnh cho bà. Trương Ái Văn là thần tượng của bà hồi trẻ, chắc chị ấy rất đẹp, trang nhã thanh cao, có giọng nói như của một thiên sứ. Chị ấy là cô gái rất tuyệt vời trong con mắt của bà. Nhưng tại sao chị ấy lại mang chiếc mặt nạ nát bươm? Hay là chị ấy có khuôn mặt nát bươm thật?” Nói đến câu cuối cùng, Hinh cũng như đang “u mê”.
Bà San bỗng đứng thẳng lên bước lại gần Hinh giật phắt lấy bức vẽ ném đi, nắm thật chặt hai cánh tay Hinh, khiến cô thấy đau tay: “Cô có muốn tôi cho cô biết thật không? Tôi đã nhìn thấy…” Bỗng toàn thân bà San run lên bần bật, da thịt trên khuôn mặt già nua rúm ró biến dạng.
“Bà đã nhìn thấy cái gì?”
“Tôi đã nhìn thấy … cô ấy … ở ngay chính cô!” Nói xong, bà San như trút được một gánh nặng, rồi cười rất kinh dị.
Bà Kiều Doanh đã tổ chức xong đợt hoạt động thời trang, trong khi chờ một thách thức tiếp theo, bà muốn tranh thủ về Giang Kinh một tuần. Bấy lâu nay, cảm giác cắn rứt đang dày vò Kiều Doanh: vào lúc cô con gái rất cần được quan tâm thì bà lại đành phải bôn ba vì “sự nghiệp”. Cũng may, bà thấy Diệp Hinh tươi tỉnh hơn trước, hình như cô không mảy may tỏ ý oán trách bà, trái lại, cô nắm tay mẹ trò chuyện liến thoắng, lời lẽ cũng không gợn chút kỳ dị lạ lùng. Bà cho rằng trước đây mình đã quyết định đúng, đồng ý với nhà trường và bệnh viện đưa Hinh vào nằm viện tâm thần, nên mới có được chuyển biến tốt như hiện nay. Cảm giác cắn rứt trong bà cũng vơi đi ít nhiều.
Được gặp mẹ, Hinh rất đỗi vui mừng. Nhất là khi mẹ nói sẽ đến với cô những một tuần, cô càng vui sướng hơn.
Trong lúc trò chuyện việc nhà với mẹ, Hinh nghĩ ngợi “có nên giới thiệu Tạ Tốn với mẹ không nhỉ?”
Mẹ không thể không nghe nhắc đến cái tên Tạ Tốn, cái tên này cùng với tên mình đã trở thành “tiếng xấu” trong trường rồi cũng nên!
Hinh nghĩ đi nghĩ lại mãi, rồi kết luận phải chờ thời cơ chín muồi đã, rồi mới giới thiệu với mẹ về “người tình hạng sao” Tạ Tốn.
Hinh ngày nào cũng sống trong sự khắc khoải đợi chờ Tốn. Khi Tốn đến, là quãng thời gian rực sáng của một ngày. Chắc anh đã phải trốn học khá nhiều, có hôm anh vào thăm Hinh đến vài lần. Hinh lo Tốn sẽ học hành sa sút thì gay. Tốn cười: “Càng hay, anh sẽ chờ em ra viện để cùng nhau học bù!”
“Hôm nay mẹ em nói là đã gặp bác sĩ Điền để bàn về bệnh tình của em. Ngày mai ông Điền sẽ tổ chức buổi đánh giá về em, mong sao ông ấy sẽ cho em ra viện. Em có cảm giác rằng ông ấy ngày càng tin em hơn.”
“Thế thì quá hay, chúng ta sẽ luôn luôn được ở bên nhau. Nhưng chỉ sợ lúc đó em lại ngán anh mất thôi!”
Hinh biết là Tốn nói đùa, hoặc nên nói là Tốn đang “vờ lỏng tay để lại tóm cho chặt”, cô chỉ im lặng mỉm cười nhìn anh, và thầm nghĩ “anh chàng ngố ạ, anh có biết ít hôm nay em đợi chờ anh và anh đến với em, gộp cả lại đã đủ để em nặng lòng với anh cả đời rồi không?” Hinh bỗng nhớ lại cái bài hát ngày nào, bèn hỏi: “Anh chỉ chuyển nói úp mở nửa vời, anh còn chưa cho em biết câu chuyện ở phía sau bài hát ‘Chờ đợi, đợi chờ’ là như thế nào!”
“Cứ nên chờ em ra viện đã, rồi hãy hay. Kể các chuyện sinh tử biệt ly vào lúc này, thì chỉ bất lợi cho tâm trạng của em. Em ở đây đã khó mà nghỉ ngơi yên ổn rồi, không nên khuấy động gì thêm kẻo sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá của bác sĩ.”
“Nói lời phải giữ lấy lời, sau khi em ra viện, anh phải cho em biết đấy nhé!”
“Anh sẽ giữ lời, cũng như đã hứa là ngày nào cũng vào đây thăm em vậy.”
“Trước hết tôi phải nói rõ với cô Hinh rằng, hôm nay tôi gặp riêng cô để nói về vấn đề đánh giá là nằm trong khuôn khổ chuyên môn của tôi, nhưng cũng có phần gọi là “cầm đèn chạy trước ô tô”, vì cô là bệnh nhân của bác sĩ Tuấn, nên sau khi kết luận đánh giá rồi, tôi vẫn cần phải bàn với bác sĩ Tuấn. Ông ấy là thầy thuốc hàng đầu về chuyên ngành này, hai chúng tôi sẽ cùng đưa ra một kết luận hợp lý.” Bác sĩ Đình nói chậm rãi, ông rót một cốc nước khoáng mời Hinh. Cách nói của ông cũng nhạt nhẽo vô vị như cốc nước này, chứ không có sức lôi cuốn như cách nói của bác sĩ Tuấn.
“Có phải hiện nay cô vẫn hay nghĩ ngợi về ‘vụ án mưu sát 405’ không?”
“Xin nói thật, cháu không thể không hề nghĩ ngợi, nhưng cháu càng ngày càng cảm thấy rằng: trước kia cháu hay vương vấn về chuyện này, thực chất chỉ là hiện tượng tâm lý bị ám ảnh bởi các tình tiết lịch sử và các lời đồn đại ly kỳ. Cháu cũng có bị ảnh hưởng – ít ra là ảnh hưởng đến việc học tập, nhưng cháu không cho rằng đã đến mức gọi là tâm thần phân liệt!”
“Nếu ít hôm nữa để cô ra viện, thì cô không sợ rằng mình sẽ trở thành nạn nhân thứ 13 hay sao?” Ông Đình chợt thấy không biết mình nên hay không nên tin vào lời của Diệp Hinh. Mấy hôm nay hình như cô ta đã trải qua một chuyện gì đó.
“Tất nhiên là cháu sợ. Không dễ gì mà gỡ bỏ được nỗi ám ảnh tâm lý kia, nhưng cháu tin rằng nhà trường sẽ bố trí bảo vệ chu đáo căn phòng ký túc xá của chúng cháu.”
“Nghe nói trước đây nhà trường đã từng có biện pháp an toàn, nhưng vẫn không ngăn chặn được, đã khiến người ta có cảm giác rằng không sao tránh thoát!”
“Cháu thật sự không tin bất cứ điều gì gọi là số phận an bài, cháu chỉ tin rằng tuổi xuân phơi phới của mình cần được nâng niu gìn giữ.”
Cô sống ở đây có tạm gọi là thích nghi không?”
“Thoạt đầu thì cháu không hợp lắm, ban đêm luôn ồn ào không sao ngủ được, nhưng mấy hôm nay thì đã khá hơn. Các thầy các bạn cũng hay vào thăm, đem đến cho cháu tình cảm đầm ấm của tập thể…”
“Cô đã từng nhắc đến … tôi đang nghĩ xem cô nên nói là … một người bạn trai, một người bạn học tên là Tạ Tốn. Anh ấy có vào thăm cô không?”
Đang trả lời rất lưu loát trôi chảy, Hinh bỗng im bặt. Mình có nên nói thật không nhỉ? Mấy câu vừa nói, là cảm nhận rất chân thật của Hinh – tuy hơi thi vị hóa một chút. Trong trường đã đồn đại như thế, thì có lẽ các bác sĩ cũng đã biết cả, mình tội gì phải phụ họa củng cố thêm? Chưa biết chừng nhà trường lại còn cho rằng Tạ Tốn là nhân tố đáng kể khiến mình “có vấn đề thần kinh”! Nếu bây giờ mình khai rằng Tạ Tốn hằng ngày vào đây vài lần thì sợ rằng sẽ bất lợi cho anh ấy, và tình hình sẽ càng thêm rối. Anh ấy vào đây lần nào cũng đều là với tư thế của kiến thực tập sinh, cũng không có ai biết rỗ anh ấy là ai kia mà!
Hinh bèn gật đầu: “Nói anh ta là bạn trai của cháu thì không thật xác đáng, từ khi cháu nằm viện, anh ta chưa vào thăm cháu lần nào cả. Trước đây, cháu chỉ có một hình cảm mơ hồ không rõ rệt với anh ta, khi bị áp lực quá căng, cháu có hơi nghĩ quá lên về sự tồn tại của anh ta. Thực ra anh ta chỉ là một bạn học khác lớp, chúng cháu không có quan hệ gì thân thiết.”
Ông Đình thấy Hinh đang sôi nổi bỗng trở nên trầm lặng, nhưng nói năng vẫn rành rọt đâu ra đấy, ông hiểu cô khó tránh khỏi những thăng trầm về tình cảm, nhất là trong những ngày như thế này. Có thể tháo gỡ được, thực không dễ dàng gì, rõ ràng là cô ta đang rất cố gắng.
“Từ đầu đến cuối, mọi câu trả lời của cô ấy đều không có điểm nào mơ hồ né tránh, cũng không có điểm nào không phù hợp với thực tế. Nói cách khác, tức là cô Hinh không có bất cứ dấu hiệu nào tương tự như chứng bệnh ảo giác. Cô ấy rất chân thật, rất biết suy nghĩ, thậm chí còn biết phân tích tại sao mình lại có nhiều hành vi khiến cho người ta thấy khó hiểu như thế…”
“Ý bác sĩ Đình là … cô ấy có thể ra viện?” Bác sĩ Tuấn nhìn tập bệnh án của Diệp Hinh đặt ở trước mặt, nhưng ông không đọc. Ông Tuấn vẫn không thể hiểu nổi tại sao ông Đình cứ “lệch pha” với mình trong ca Diệp Hinh này.
“Tôi vẫn cho rằng lúc đầu cho nhập viện là không thật cần thiết! Đúng là cô ta có hiện tượng ảo giác, bản thân cũng không thể giải thích rõ được, nhưng chỉ cần được tư vấn tâm lý là đủ rồi. Bác sĩ Tuấn là chuyên gia ở lĩnh vực này, nhưng hình như anh chưa bắt đầu xúc tiến điều trị cho cô Hinh, mà mới chỉ cho dùng thuốc. Tuy nhiên, hiện nay cô ấy cũng không cần thiết phải được tăng cường điều trị nữa!”
Ông ta lại bắt đầu chỉ trích mình điều trị sai? Ông Tuấn bắt đầu thấy nóng mặt nhưng vẫn cố kiềm chế: “Cô Hinh mới chỉ nhập viện nửa tháng nay, hiệu quả dùng thuốc cũng đang rất ổn. Lịch trình công tác của tôi thì kín đặc, còn rất nhiều ca cần được điều trị sát sao hơn. Riêng ca Uông Lan San đã ngốn của tôi không ít thì giờ…”
“Vậy thì kết luận về Diệp Hinh là thế nào?”
“Mấy vị lãnh đạo công tác sinh viên của trường cô ta đã nói chuyện với tôi, chủ yếu nhắc đến hai chữ “thận trọng”. Phía nhà trường cũng đang phải chịu áp lực vì sắp đến ngày 16 tháng 6!”
“Cô Hinh rất cần được trở về với cuộc sống bên ngoài!”
“Anh Đình ạ, cô ta vẫn là bệnh nhân của tôi, lần đánh giá này của anh vốn không phải là thủ tục phải có. Tôi cho rằng, vì thận trọng, tôi cần phải giữ cô Hinh ở lại để quan sát thêm ít lâu. Nếu phải thế, thì cũng phải chờ sau ngày 16 tháng sáu sẽ cho cô ta ra viện.”
“Tôi đành nói thẳng vậy, xem ra, nhà trường và cả anh Tuấn nữa cũng tin rằng ngày 16 tháng 6 sẽ xảy ra chuyện không hay gì đó. Thế thì trước đây cô Hinh muốn tìm hiểu rõ sự thật – việc đó có quá nhiều điều đáng ngờ chăng?”
Ông Tuấn chợt ngớ ra, không biết nên đối đáp ra sao. Hiếm có lúc ông bí không thể trả lời đối phương, mặt ông đỏ bừng, thở gấp hồi lâu, rồi mới nói giọng đều đều: “Anh Đình đừng quên rằng mấy cô sinh viên mà anh đã từng điều trị - cuối cùng đã ra sao. Bao năm qua, anh có ngủ ngon giấc không?”
Buột miệng nói ra rồi, ông Tuấn mới thấy mình đã quá nặng lời. Đúng thế: ông Đình cảm thấy ngực ông đau nhói, đau thấm lên vai, xuyên sang lưng, một tay áp lên ngực, ngồi xuống, tay kia vội sục tìm khắp túi áo… Ông Tuấn lập tức nhận ra rằng bác sĩ Đình bất chợt bị nhồi máu cơ tim.
“Nếu không có anh, em chẳng biết mình sẽ ra sao.” Sau khi được Tốn khuyên giải an ủi, tâm trạng Hinh đã bình thản trở lại rất nhiều. Ông Tuấn đã cho cô biết cuối cùng khoa vẫn quyết định cô phải ở lại thêm một thời gian nữa. Hinh có cảm giác mình bị bỡn cợt, nhưng Tốn đã hết lòng an ủi cô, cô mới bằng lòng, sẽ tiếp tục vâng lời các bác sĩ.
Tốn ra về rồi, Hinh lại không nén nổi buồn phiền vì không được ra viện. Cô muốn nằm ngủ một lát, có lẽ vì nghĩ ngợi nhiều quá nên lại thấy hơi nhức đầu.
Bác sĩ nội trú đã kê đơn cho Hinh dùng thuốc giảm đau, nhưng uống thuốc rồi thì đầu lại nhức dữ dội hơn. Hinh thấy hình như trong đầu mình có một luồng khí ngỗ ngược đang xông xáo tung hoành, lại thấy hình như nó bị hút bởi một từ trường nào đó, nó chỉ chực phá tung đầu cô để chạy ra.
Hinh không sao nằm yên được nữa, bèn đứng dậy để đi lại trong phòng. Thoạt đầu, đôi chân cứ không chịu nghe lời… nhưng nào ngờ mới chỉ đi được ít bước, cô hình như đã mất tri giác, rồi chẳng biết mình đã bước đến cửa phòng từ lúc nào.
Một cô y tá sợ Hinh sẽ đi lại lung tung bèn chạy đến, thấy nét mặt Hinh như đang rất đau đớn, bèn hỏi cô định đi đâu. Hinh quá đau không sao nói được một câu, cô chỉ lắc đầu rất khó khăn, đôi chân tiếp tục bước đi. Biết Hinh đang rất đau đớn, cô y tá bèn dìu Hinh đi bách bộ, có lẽ đi lại, hít thở không khí trong lành sẽ làm dịu cơn nhức đầu.
Ra khỏi buồng bệnh nhân, Hinh không dừng lại ở lối vào vườn hoa, cô đi dọc theo hành lang. Cô y tá hỏi: “Diệp Hinh, em định đi đâu thế?”
Mặt Hinh đầy mồ hôi lạnh, hai tay ôm lấy đầu, nói một cách vất vả: “Em muốn đến … chỗ ấy.”
“Là chỗ nào?”
“Em cũng không biết nữa.”
Cô y tá nghĩ bụng: bác sĩ Tuấn đã thận trọng rất có lý! Cô này nào đã bình phục? Đâu có thể cho ra viện được! Nhưng cô cũng rất ngạc nhiên, vì từ khi vào đây, Hinh rất thuần, chưa bao giờ thấy khác thường như thế này. Cô quyết định không ngăn cản Hinh, cô muốn quan sát xem Hinh có hành vi gì bất ổn không, biết đâu có thể hữu ích cho bác sĩ Tuấn điều trị.
Hai người đi chừng già nửa quãng hành lang, đi qua cửa vào khu buồng bệnh có nhân viên bảo vệ gác, đi qua hai chốt nữa, đến tòa nhà khám bệnh và các phòng hành chính. Đây là tòa nhà bảy tầng, tầng một hai ba là các phòng khám, tầng bốn và năm là phòng điều trị và khôi phục thể lực, các tầng trên là các phòng ban hành chính và văn phòng của các thầy thuốc có thâm niên.
Hinh đứng trong đại sảnh của phòng khám, dường như không hề để ý đến mọi người đi lại xung quanh, cô ngẩng đầu nhìn, đôi m 1c53 t rực sáng, môi hơi mấp máy như đang lẩm bẩm gì đó. Cô y tá thấy hơi hoảng vì hình như mình đã quyết định sai lầm, cô vội hỏi: “Nếu cô Hinh không nói rõ định đi đâu, thì chúng ta quay về nào!”
“Em biết… em phải đi đâu. Em cảm thấy… là ở trên gác.”
“Là ở tầng mấy?”
“Em… không biết. Cứ đi tìm... từng tầng một.” Hinh thở rất khó khăn.
Cô y tá nghĩ ngợi, nhưng rồi cũng gật đầu: “Được, ta đừng đi thang máy, cứ lên từng tầng xem sao. Nếu cảm thấy là đến rồi thì cho tôi biết!”
Đi hết tầng hai ba, rồi lên tầng bốn. Hinh thở mỗi lúc một nặng nhọc, chân bước cũng càng chật vật, chắc sẽ gục mất thôi. Khi lên đến tầng năm, Hinh bỗng mở to mắt, vừa thở vừa nói: “Là tầng này. Nhưng chúng ta phải … nhanh lên, em có … cảm giác … không hay.”
“Nào, đi đâu?”
Hinh chỉ tay về hành lang phía đông, cô y tá dìu Hinh, cả hai cùng rảo bước. Lúc này Hinh thấy đầu càng nhức dữ dội, cứ như chỉ chực vỡ tung, nhưng hình như cô bị một sức mạnh bí hiểm nào đó dẫn đi, kêu gọi cô đi lên tầng nhà này.
Họ dừng lại trước một phòng điều trị. Cửa phòng đang khép kín, Hinh gọi: “Nào mau vào đi, chắc vẫn còn kịp!”
“Vẫn còn kịp cái gì?” Nhìn biển số phòng điều trị này, cô y tá lập tức có một linh cảm không hay. Cô nhớ rằng giờ này có lẽ bác sĩ Tuấn đang ở đây điều trị phân tích thần kinh cho bà Uông Lan San.
Cô gõ cửa, một nữ y tá ra mở cửa. Phòng này ngăn thành gian ngoài gian trong, có một cửa thông sang nhau, gian trong là nơi bác sĩ điều trị phân tích thần kinh cho bệnh nhân, các y tá hỗ trợ điều trị thường ngồi ở gian ngoài. Cô y tá ở đây thấy Hinh mặc áo trắng bệnh nhân, thì rất ngạc nhiên: “Hai người đến đây làm gì? Đã được hẹn chưa? Bác sĩ Tuấn đang làm việc, không ai được làm phiền!”
“Mau ngừng lại! Ngưng điều trị ngay đi!” Hinh bỗng gọi to.
“Các cô không được làm bừa! Điều trị phân tích thần kinh nếu bị gián đoạn thì sẽ gây ra hậu quả rất xấu!” Cô y ta gay gắt nói. Và trách cô y tá đi kèm Diệp Hinh: “Cô thật là … ngay cả kiến thức thông thường mà cô cũng không hiểu? Sao cô lại để cho bệnh nhân điều khiển thế này? Mau đi về đi!”
Cô y tá đi kèm Hinh cũng biết là đuối lý, bèn kéo tay Hinh: “Nơi này đang rất yên ổn, tất cả đều bình thường, ta đi thôi!”
Hinh vùng vằng thoát khỏi tay cô y tá, chạy bổ vào gian trong, nhưng Hinh ra sức đập cửa hay xoay tay nắm cửa thật mạnh, cửa vẫn cứ đóng chặt.
Hai cô y tá xúm vào lôi Hinh ra, cô y tá ở đây gọi với vào gian trong: “Xin lỗi bác sĩ Tuấn, có một bệnh nhân bị lên cơn, chúng tôi đã khống chế được rồi. Anh cứ tiếp tục điều trị đi!” Nói xong, cô áp tai vào cửa nghe ngóng, mặt cô bỗng biến sắc, cô lẩm bẩm: “Chuyện gì thế nhỉ? Sao bên trong lại có một giọng đàn ông khác?”
Cô nghĩ ngay rằng sự việc đã trở nên nghiêm trọng, bèn lấy chìa khóa để mở cửa ngăn cách, nhưng hình như cửa lại bị khóa trái, không sao mở ra được. Hinh gọi luôn: “Khỏi cần chờ đợi nữa, ba chúng ta xô cửa vậy!” Hai cô y tá nhìn nhau, cảm thấy có lẽ không còn cách nào khác tốt hơn. Cả ba cùng hợp sức xô cánh cửa ấy.
Cửa bật tung, cả ba cùng ngây người trước cảnh tượng trước mắt.
Chỉ thấy cửa sổ lắp kính đã mở toang, một người đang đứng ở gờ ngoài mép cửa, chính là bác sĩ Đằng Lương Tuấn! Còn bà Uông Lan San thì đang ung dung ngồi trên ghế sô-pha của bác sĩ điều trị phân tích thần kinh, chân ghếch lên, tủm tỉm cười ông Tuấn đang đứng trên mép cửa.
“Bác sĩ Tuấn!”
Ông Tuấn dường như bừng tỉnh lại sau khi nghe thấy tiếng gọi và tiếng xô cửa vừa rồi, ông quay người lại, lưng hướng ra ngoài, nghi hoặc nhìn ba người vừa xông vào.
Bà San bỗng cất tiếng, nhưng lại là một giọng đàn ông: “Có phải ông lại không nỡ rũ bỏ danh lợi phù phiếm tầm thường không? Ông cho rằng đến bao giờ mới có thể dừng lại? Dù có làm chủ nhiệm khoa, hay bác sĩ chánh chủ nhiệm, sau đó là giám đốc bệnh viện, rồi sao nữa? Trên chặng đường đã đi qua, ông đã làm biết bao chuyện trái với lương tâm của mình? Nào là chữa bệnh án, nhận phong bì, sao chép luận văn … Nay lại vẫn muốn tiếp tục đi nữa ư?
Điều đó sẽ rất đáng buồn.
Bầu không khí ở thành phố này rất bẩn, nhưng vẫn còn sạch hơn tâm hồn của con người.
Tôi nên hòa tan vào không khí ở đây, ít ra cũng có tác dụng đóng góp một phần nguyên liệu cho mọi người hít thở.”
Ba người phụ nữ đều nhận ra tình thế đầy nguy hiểm. Hinh và cô y tá đi kèm mình cùng bước đến ghì chặt bà San, Hinh còn bịt miệng bà ta nữa. Cô y tá của phòng điều trị này từ từ bước đến bên cửa sổ, khẽ gọi: “Bác sĩ Tuấn bị lừa bịp đó thôi! Anh là một thầy thuốc chân chính, anh còn có tương lai rộng mở, anh hãy xuống đi…”
“Được, tôi sẽ xuống!”
Cô y tá rú lên một tiếng kinh hoàng, Hinh ngẩng đầu nhìn, trên bậu cửa không thấy bóng bác sĩ Tuấn đâu nữa.
Hết chương 18. Mời các bạn đón đọc chương 19!