Khi Lấy Chàng ( Nhật Ký Cô Dâu Trẻ) Chương 23

Chương 23
Liên hiệp phụ nữ...đi đẻ!

Số bà bầu kín đặc mấy phòng chờ đẻ đến tối cũng vắng hẳn. Giờ mỗi giường chỉ còn hai mẹ, tráo đầu đuôi cũng có thể nằm nghỉ tí rồi. Có lẽ ngày xưa mọi người bảo mình cái miệng to hơn cái mặt chăng, mà tính đến 7h tối mình đã quen sạch cả bốn phòng chờ. Hình như nỗi cô đơn và sợ hãi khiến các bà bầu dễ thân thiết nhau hơn. Khoác tay nhau đi lại khệ nệ trong hành lang vẫn còn vẳng tiếng khóc của trẻ và tiếng hét của một ai đó đang cố rặn. Những lời thì thầm rủ nhau trốn phòng chờ đẻ ra cổng tranh thủ gội đầu. Đâu đó, có bầu không ăn được món nọ thì đổi món kia cho bầu khác rồi cùng cười. Thi thoảng các y tá cũng nhắc nhở không được ăn đồ khó tiêu như trứng, cơm rang... để nhỡ đâu phải mổ đẻ lúc gây mê thức ăn dễ sộc lên thực quản, dễ sặc mà... chết. Ai cũng vâng dạ răm rắp nghe theo.

Ở đây không có tiếng nói của thời trang, ai cũng rũ rượi trong bộ đồng phục nát bét nhàu nhĩ của viện. Hoa lá cành trên vải không còn nhìn rõ nữa. Áo buộc bằng dây nhưng có cái dây cũng không còn. Váy là hình chữ nhật cuốn tròn và có dây rút, bà nào với nhầm thì dây rút cũng thiếu, đành báo người nhà cho mượn cái kim băng. Mọi giầy dép của bầu bị bỏ lại ngoài cửa, có mấy đôi dép lê tự bao giờ trở thành của chung. Ai leo lên giường thì mất dép. Đầu tóc ai cũng bù xù. Mà lạ thật, biết bao nhiêu con người đấy, chẳng thấy ai chải đầu làm đẹp.

Đêm thứ nhất không thể ngủ được, hình như ai cũng vậy thì phải. Đèn thắp sáng trưng. Ngoài ô cửa sổ, người nhà của các nạn nhân đi đẻ vẫn ồn ã chuyện trò hoặc chới với căn dặn. Trong này, hành lang tiếng lết dép của các bầu đi lại, tiếng trẻ khóc ré lên mỗi lần xuất xưởng. Tiếng bầu ỉ ê rên rỉ hay khóc thét nghe miết cũng thành quen. Thi thoảng, tiếng dụng cụ y tế loảng xoảng trên chiếc xe kéo bằng inox đánh rầm một cái khi cô y tá kéo xe qua một khe hở gạch. Cứ hai tiếng một lần, phái đoàn hai cô xinh xinh thực tập viên đi nghe tim thai các mẹ một lần. Vậy là 3h sáng cũng như 3h chiều mà thôi. Ở đây, không có ngày và đêm.

Mấy đứa cùng nằm phòng chờ số 12 bắt đầu thân nhau. Nhưng cũng căng thẳng vô cùng. Vì phòng này nằm ngay cạnh phòng đẻ nên cứ giật mình thon thót sợ hãi. Ở đó, có cái Nguyệt xinh nhất, có lẽ vì thế người nhà của nó cũng chiếm số đông nhất ngoài cửa sổ. Cái Phương béo tròn dịu dàng thành phần gia quyến giống mình, chỉ có hai vợ chồng, một trong một ngoài thôi. Một cô bé nữa ở tỉnh xa về đây do thai bảy tháng vỡ ối mà chưa đẻ được, đã nằm trước hai ngày rồi. Và một bạn nữa có ông chồng lúc nào cũng lẩm bẩm:

- Nó đi đẻ còn ngủ được, mình chỉ đi theo thôi mà lại mất ngủ mới dở hơi chứ.

Anh chồng vui tính ấy luôn đứng chờ ở ô cửa cho vợ ăn hết khẩu phần ăn mang vào... Mua cháo chân giò cho vợ ngoài cổng, vào đ ến phòng thì còn cháo hết chân giò.

- Thôi anh về đi, cuộc chiến còn dài mà. Có gì em gọi điện cho. Bác sĩ bảo em còn lâu.

- Em còn cần gì nữa không? Có cần anh ở lại không?

- Không, em đủ rồi. Anh đi đi kẻo khuya.

- Ừ, anh về nhé.

Mình và chàng quyến luyến chia tay hệt như dạo mới yêu. Vậy mà có lúc mình cảm thấy những giây phút xao động ấy sau ngày cưới đã chết chỏng rồi. Mưa đông ướt đầy trên vai áo rét của chàng. Chàng vội vã đến mức tả tơi hai tay hai cặp lồng, đầu đội mũ bảo hiểm, túi áo nhét sữa, túi nilon, và giấy bút cái phồng to cái phồng bé. Chàng bảo: đội mũ nặng thật nhưng cho nhanh, nhỡ đâu phải nhào đi hay đỡ phải mở cốp cất mũ. Kể ra, đàn ông đi cổ vũ cho quy trình vượt cạn cũng khổ lắm. Nhất lại vào đêm đông.

- Ơ thế ông này về à? Không ở lại với chúng tôi cho vui. Yên tâm, có chỗ ngủ hết rồi. Khách sạn Hilton hẳn hoi nhé. Ở lại cho vui ông ơi.

Anh cháo chân giò vỗ vai chàng và chỉ về phía dãy nhà mới xây còn bỏ hoang đối diện dãy nhà chờ đẻ. Ở đó mấy ông chồng phụ tá liên hiệp hội phụ nữ phòng 12 đã rải sẵn những chiếc áo mưa ra nằm rồi. Hóa ra, ở ngoài hành lang mưa gió ấy, các ông chồng cũng có hội có thuyền. Thân ơi là thân.

Ngày thứ hai.

Nếu có ai phỏng vấn xem cái gì ấn tượng nhất ở bệnh viện phụ sản thì chắc mình sẽ trả lời: nhà vệ sinh.

Trời ơi, trời có xuống đây đi đẻ cũng không thể tưởng tượng được. Gần một trăm con người nơi đây mệt mỏi chờ đợi một cái nhà vệ sinh duy nhất. Bẩn dễ thương chứ nếu miêu tả là dễ sợ thì quá xoàng xĩnh.

Nỗi khiếp sợ thứ hai của các bầu con so là những lần giao ca khám nhận. Hai ngón tay của bác sĩ thì quen rồi nhưng cái lối ra cho em bé thì chưa quen. Vậy là mỗi lần khám xét, khua khoắng, bầu nào cũng nhắm tịt cả mắt, khó chịu đến rùng mình. Đứa nào cũng đùn đẩy nhau lên bàn đầu tiên. Vì không phải chỉ có bác sĩ khua khoắng, mà còn có cả bác sĩ tập khua khoắng. Người ta gọi họ là... sinh viên thực tập.

- Yên tâm, đêm nay sẽ đẻ!

Lời bác sĩ như thể lời của trời đất. May quá rồi, chứ cứ ở đây mãi chết vì stress, chứ không phải chết vì đau đẻ mất. Mình mừng rỡ báo tin với chàng và dặn chàng đêm nay ngủ lại với đồng đảng của chàng. Cái Phương bảo mình:

- Mỗi lần y tá gọi người nhà ra xem mặt một em bé xuất xưởng và một cái xe đẩy bà sản phụ sang phòng điều dưỡng lại một lần sốt ruột nhỉ.

- Ừ, yên tâm rồi sẽ đến lượt chúng mình mà. Nhưng, thích nhỉ bà. Bao giờ mới đến lượt chúng mình bà nhỉ.

Hai đứa nắm tay nhau đi nốt quãng hành lang đi bộ còn lại cười rinh rích. Đồng cảm. Có lẽ thời chiến tranh người Việt Nam mình tính cộng đồng cao hơn bây giờ cũng là như thế.

Nguồn: truyen8.mobi/t89396-khi-lay-chang-nhat-ky-co-dau-tre-chuong-23.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận