Các cụ vẫn có câu: “lên voi xuống chó”, nhưng chưa lần nào được “lên voi” thì mình đã phải “xuống chó rồi”. Nói vậy có khi là bạc miệng, nặng lời quá với cuộc sống mà người ngoài nhiều khi nhìn vào và nói: “còn tốt chán!”, song đúng là có những giai đoạn mình cảm thấy bí bách đến vô cùng. Chán ngán chỉ muốn nằm xuống, mặc kệ tất cả để buông xuôi.
Lấy chàng, tình yêu trong sáng bắt đầu được dán đè lên bởi những hóa đơn thanh toán, bởi những hớt hải lo đóng tiền ăn cho kịp dù chưa được lĩnh lương hay khoản nào đó hay ho. Lấy mình, chàng bắt đầu nghỉ việc ở Xuất nhập kh
- Em chẳng biết cái gì cả. Bây giờ à, ngoài sàn đến cả bà đi bán rau cũng nghỉ buổi chợ để tham gia cơ mà. Các bà ấy không biết khai gì trên tờ lệnh, phải nhờ người viết hộ mà vẫn xây được nhà to đấy.
- Em chả biết, nửa năm trước em có chơi chung với cái Thạch. Từ 20 triệu chẳng hiểu làm sao em chỉ còn 6 triệu. Ngẩn ngơ cả người! biết thế đắp vào người cho nó bổ béo. Em hết yêu chứng khoán rồi.
- Tại em ngu nên mới thế chứ. Lại tin bạn nữa. Riêng anh á, chỉ trong một tháng thôi anh sẽ sắm cho em xe tay ga là ít. Miễn là giờ em đưa thêm tiền đây cho anh. Tầm này mới trúng này.
- Chả cần. Em còn phải sinh con, còn phải có tiền dự phòng trong nhà. Công việc của em biết đến bao giờ mới được tăng lương nên chả có khoản nào nữa đâu.
Thế rồi ngày nào chàng cũng đi đi về về như thế. Nịnh nọt để xem mình còn khoản tiền nào thì lòi ra cho chàng. Chứng khoán tự dưng như một mẻ bạc lớn, mẻ bạc mà cả làng Đông hai số cuối không phải ai cũng chơi.
Cái ví cứ mỏng dẹp cho dù mới mười ngày kể từ ngày lĩnh lương, và rỗng tuếch khi nửa tháng đã qua. Nói với chàng, nhưng tai chàng ở cao quá không nghe thấy. Nói với ai bây giờ. Một buổi tối mẹ chàng lên phòng mình, mẹ biết chàng không có nhà. Mẹ mệt mỏi, nằm kềnh lên giường thở dài:
- Hừm, tháng này có vẻ chậm lượng quá nhể?
- À … à vâng. Sáng mai con đi làm, chiều con mang tiền về gửi mẹ, mẹ nhé. Con cũng chưa lĩnh lương đâu, nhưng chắc con xin tạm ứng trước được.
- Ừ thì tôi có hỏi gì đến tiền ăn đâu. Chỉ hỏi chơi thế thôi. Dạo này tôi cũng thua kinh quá. Có mấy con le le đuổi mãi không về. Bây giờ mà bỏ thì mất hết, phải nuôi tiếp thôi. Cùng lắm hai ngày nữa là nó về. Tôi tính chán rồi, chẳng có con nào mà câm đến sáu ngày đâu.
Mình dạ mẹ mà lòng nặng trĩu. Mình chỉ biết còn mỗi một chỗ để đi, mặt mo cũng phải đi.
Tút… tút…
- Alô! Mẹ à!
- Mẹ ơi, con ngại quá nhưng vẫn phải hỏi mẹ.
- Mẹ cho con vay tạm 2 triệu để đóng tiền ăn, mẹ nhé. Con cảm ơn mẹ.
Nuôi cho lớn, cho ăn học, chẳng cho được đồng nào, giờ có con gái còn quay về vay tiền để đóng tiền ăn nuôi chồng nữa. Mẹ không than thở một lời nào, chỉ lặng lẽ rút hết những đồng tiền tiết kiệm phòng khi vào viện cho con gái. Thương mẹ rồi cũng thương thân mình biết bao nhiêu.
…
Mình bắt đầu phải làm thêm cho một công ty nữa. Học hỏi nhiều thứ hơn để cả hai bên công ty đều hoàn thành tốt công việc. Có khi chỉ vì đọc một cuốn sách cũng mất luôn mấy đêm để kịp buổi hội thảo. Chàng càu nhàu vì ánh đèn làm chàng khó ngủ, còn mẹ cho rằng con dâu hưu, đi tối đi ngày.
Công ty tổ chức triển lãm. Chẳng có ai được phép chỉ tay năm ngón, dù đó là người chịu trách nhiệm quản lý. Hôm sau khai mạc mà hôm nay vẫn bộn bề quá, leo trèo, bê vác… Mình cũng lao vào làm nốt cho nhanh để còn kịp về trước. 11 giờ đêm. Cái tối lạnh lẽo hắt vào mặt cơn mưa bụi khốn khổ. Mình rón rén mở cổng bước vào nhà. Mẹ đứng trong phòng nhìn mình qua khe cửa, chống hai tay vào mạn sườn, thở dài ngao ngán. Mẹ lắc đầu rồi đi ngủ tiếp. Chẳng biết mẹ có bao giờ tự đặt ra câu hỏi: “Vì sao con trai mình nằm khểnh chân xem bóng đá trong khi con kia giờ này mới về?”, cho mình được hai chữ công bằng.
Công việc căng như dây đàn, lúc nào cũng ngổn ngang vội vã. Mình phải có một quyển sổ to để kê ra từ đầu giờ sáng hoặc từ hôm trước xem hôm nay có những việc gì kẻo quên mất. Cái đầu nhức như say xe, cổ họng khô cứng, nôn nao, bước xuống cầu thang mệt lử. Bà chị ở cơ quan bảo:
- Hay là mày có bầu?
- Đâu mà, chắc tại em mệt thôi.
- Thử đi. Bây giờ hiện đại tiên tiến, tội gì mà không áp dụng. Mày cứ vô tâm thế bảo sao trông xấu. Cả đời chả thấy son phấn bao giờ.
- Vâng, thế để mai em đi khám. Chắc đi khám sẽ xinh hơn đấy chị nhể.
Nói rồi cả hai chị em cùng cười. Nụ cười tươi méo xẹo của mình lo lắng một hi vọng.
…
Hai tuần sau.
Một buổi sáng, bước xuống cầu thang đi làm, mọi thứ mờ mịt trong những đường bay của con đom đóm. Đầu nhức như búa bổ. Sém tí nữa mình trồng cây chuối trên cầu thang. May cái lan can giúp đỡ, mình chỉ xây xước ngoài da. Chàng bảo:
- Mai anh đưa em đi khám nhé, nhìn mặt em chẳng có hột máu nào.
- Thôi, chắc em thiếu ngủ thôi mà. Chắc ăn thì anh mua cho em một que thử, hết có mười nghìn. Chứ đi khám chưa gì đã mất bốn mươi nghìn rồi, chưa kể đủ thứ thuốc. Phải tiết kiệm, anh ạ.
Vẫn biết cả làng đang đồn là mình tịt, vẫn biết ai cũng ngóng chờ, nhưng lúc này khi mà mọi thứ
chỉ có đôi vai mình gồng gánh thì hi vọng kia bỗng trở nên nặng nề.
…
Sáng, cánh cửa buồng tắm mở, mình lay chàng dậy thật gấp. Cái mặt mình hơn hớn chỉ để báo một tin trọng đại:
- Anh ơi, mừng quá, hai vạch này.
- Ừ.
- Ơ kìa, anh được làm bố rồi đấy. Em cứ lo lắng, nhưng giờ nhìn thấy cái vạch này không hiểu vì sao em vui thế chứ. Chúng mình phải ăn mừng thôi anh.
- Ừ, anh biết rồi. Để yên cho anh ngủ. Hôm qua xem bóng đá suốt đêm.
Mình đang vui nên không giận chàng. Chỉ tiếc tại sao chàng không ôm lấy mình mừng rỡ như mấy bộ phim ti vi vẫn chiếu. Khi đi lấy chồng, mình cứ tưởng với đứa con đầu lòng chàng cũng mừng, ít nhất là cầm tay cảm ơn mình một câu. Có lẽ phim luôn chỉ là phim thôi.
Mình cứ lo sợ có con lúc này làm mình không đủ sức gánh kinh tế. Nhưng giờ tự dưng thấy tự hào về bản thân quá. Mình là đấng sinh thành, mình sắp có một em bé, một em bé biết ôm cổ mình thì thầm: “Con yêu mẹ”.
Lao xuống tầng một, nắm lấy tay mẹ chồng, mình reo lên:
- Mẹ ơi, con có bầu rồi.
- Ừ! có thế chứ. Tôi lại cứ tưởng cô tịt!
Mẹ vẫn giữ được vẻ mặt không chút thay đổi tí nếp nhăn, chẳng như mình cứ hớn hở tứ tung. Ôi trời, giật cả mình. Biết vậy chẳng chạy xuống nữa. Đứa cháu đầu lòng của mẹ mà không có tác dụng gì ư? Thế nếu tịt thật thì thế nào nhỉ? Nhưng thôi, phải gọi điện về cho mẹ yêu thôi.
Cuối cùng cũng có người teo lên với mình qua điện thoại. Cuộc sống ơi, hình như có tia nắng nào đó cho lòng này thêm ấm rồi.
…
Nhìn lại những ngày nặng nề, mình không còn thấy ngao ngán mệt mỏi mà trầm uất nữa. Mẹ vẫn luôn dạy mình phải bao dung cho mọi thứ cơ mà. Cái cảm giác như “xuống chó” tự dưng nhẹ hẫng, chỉ như bị ngã xuống một đáy biển tối thôi. Nhưng biển sẽ lại trả về cho mình hậu hĩnh hơn vì mình thật can đảm. Biển trả về cho mình một viên ngọc trai quý. Một sinh linh bé nhỏ ở trong lòng.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!