Cha vẫn lo lắng kể từ khi chúng tôi mở lớp học bí mật tới giờ. Cha không nói gì bởi cha có thể thấy rằng đối với chị Soraya, anh Daoud và tôi, lớp học giống như một liều thuốc kích thích giảm đau vậy. Kể cả mẹ cũng lấy lại được đôi chút tinh thần. Nhưng cha lại hay đưa ra những so sánh đáng buồn.“Chà, hồi các con đi học, các con có nhớ nó khác như thế nào không? Có nhớ khi cha đưa các con đến lớp học tiếng Anh không? Giờ cha thấy các con đang phải lén lút như kẻ trộm để làm gì đó cho lũ trẻ sẽ không bao giờ được biết những gì các con đã làm trước kia. Thời buổi này không dễ dàng gì đối với các con. Cha biết điều đó. Nhưng đối với các cháu bé này...”
Người cha tội nghiệp của tôi nom như thể đang mang trên vai mình gánh nặng của cả thế giới vậy.
Vì các học sinh đến nhà hàng ngày, cuộc sống trong căn hộ của chúng tôi trở nên nhộn nhịp. Mẹ tôi cũng giúp một tay. Thoạt tiên khi khởi sự, chúng tôi không muốn làm phiền mẹ. Giờ mẹ lại tận lực giúp chúng tôi. Mẹ nấu ăn trưa cho các em. Mẹ vui sướng nhìn các em ăn. Khi các em ra về, mẹ lại động viên chúng.
“Các cháu học tốt lắm,” mẹ nói. “Đó là một cách tiến hành đấu tranh.”
Sự thay đổi này trong nhà chúng tôi cũng có nghĩa là hàng xóm ghé lại nhiều hơn, bởi các con họ ở chỗ chúng tôi. Trước đó họ hay đến gặp mẹ chỉ khi họ gặp vấn đề về sức khỏe. Sau đó họ sợ và các cuộc khám bệnh cứ thưa thớt dần rồi thưa hẳn. Khi không còn chút thuốc men nào để cho họ, họ không đến nữa. Giờ đây mẹ có thể tiếp đón họ mà không sợ gì cả; những phụ nữ này sẽ không tố cáo chúng tôi, bởi nếu họ làm thế, nghĩa là họ đang tố giác chính các con mình.
Còn các con họ thì đã quá khiếp sợ rồi! Trước hết là các cô bé, nhưng rồi các cậu bé cũng sợ. Có một tin đồn khủng khiếp lan truyền khắp nơi. Có nhiều bé trai đã bị mất tích. Một số cậu bé được tìm thấy thì đã thành phế nhân hoặc chết. Đám Taliban khai thác nội tạng các em để buôn bán chợ đen. Ít ra thì người ta bảo thế. Những tin đồn loan khắp Kabul với tốc độ chóng mặt. Giá chúng tôi chỉ cần có một tờ báo độc lập thôi, như tờ báo nơi chị Chakila làm việc chẳng hạn, tờ báo chắc chắn sẽ tiến hành điều tra. Nhưng đấy là chuyện trong mơ. Thành phố của chúng tôi đang bị vây hãm, nó là một thành trì câm lặng chỉ loan truyền những lời thì thầm và đồn đại không thể xác minh được.
Trước khi quân Taliban chiếm Kabul, tôi đã thực tập ở tờ báo của chị Chakila. Năm mười ba tuổi, tôi và một nhóm bạn quyết định cho ra đời một tờ báo thiếu niên của riêng mình. Bởi không có sẵn tờ báo nào dành riêng cho thiếu niên cả, nên chúng tôi muốn thay đổi điều này. Chúng tôi - gồm Farida, Maryam, Saber và tôi - với một chút giúp đỡ của chị cả tôi, đã phát hành tờ báo tự làm của mình. Báo ra định kỳ đặt tên là Fager, nghĩa là “Bình minh”. Chúng tôi viết báo bằng tay và chỉ có mỗi một bản được chuyền từ nhà nọ sang nhà kia, qua khắp trường, rồi tới tay bạn bè và gia đình bạn bè. Thi thoảng phải vài tháng sau báo mới được trả lại, hơi rách một chút, và các tấm ảnh những ngôi sao thường bị cắt mất...
Ở trang cuối chúng tôi dán một phong bì để độc giả có thể gửi những góp ý của họ vào trong đó. Từ những góp ý này chúng tôi quyết định các đề tài cho số báo sau.
Chúng tôi chép vào báo mình những bài báo được chọn từ các tạp chí của Iran nói về những vấn đề phụ nữ, cộng thêm thông tin về các trường đại học và việc làm. Các chủ đề nhẹ nhàng hơn như thời trang, trang điểm, âm nhạc cũng được đưa vào. Tôi cắt ảnh những ngôi sao điện ảnh và các người mẫu ra dán vào trong báo. Chúng tôi chép cả những bài phê bình về các cuốn sách và các đĩa CD mới nhất. Tôi cũng phô tô những bưu thiếp in hình nam diễn viên trong các bộ phim của Mỹ và Ấn Độ, và kể những giai thoại về cuộc sống của họ. Đối với những chủ đề nghiêm túc hơn, các chị của tôi, đặc biệt là chị Chakila, giúp chúng tôi phần thông tin chung và tin chính trị.
Khi quân Taliban xâm lược, tôi đã gần ráp xong số báo cuối cùng của năm. Nhưng tôi đã không thể hoàn thành nó. Tôi không đủ dũng khí. Chị Farida và anh Daoud vẫn tiếp tục làm nó. Anh tôi làm thế để động viên tôi lại tin vào công việc. Anh rất muốn tôi tiếp tục, nhưng tôi không còn hứng thú nữa. Tôi đã từ bỏ và rồi những người khác cũng vậy. Bây giờ phải tìm tin tức ở đâu khi mà toàn bộ hoạt động báo chí bị kiểm duyệt và chúng tôi hoàn toàn bị tách ra khỏi thế giới? Ngoài những lá thư hiếm hoi mà anh Daoud nhận được từ những người bạn sống lưu vong ở Đức, London và Hà Lan, một chút tin tức mà chúng tôi nhận được từ anh Wahid ở Nga và đài phát thanh mà chúng tôi bí mật nghe ban đêm, thì không có gì nữa cả. Sự trống rỗng khiến con người ta phát cuồng. Anh Daoud nói rằng người dân trên thế giới đã quên mất rằng có một thành phố Kabul tồn tại. Bạn bè của anh cho rằng còn lại rất ít người Afghanistan sống ở thủ đô, và ở đây đầy người Pakistan đến chiếm.
Mỗi lần chúng tôi bàn xem người dân các nước khác trên thế giới có thể nghĩ gì về chúng tôi, anh tôi là người tỏ ra bi quan nhất.
“Các em nghĩ rằng điều đó khiến họ ái ngại tí nào ư? Họ thậm chí còn không biết Afghanistan ở đâu. Anh chắc là họ thậm chí còn không tin chuyện gì đang xảy ra ở đây. Nó chẳng liên quan gì đến họ cả. Kể cả người Afghanistan ở nước ngoài cũng mặc kệ chúng ta nữa là!”
Hai lần chúng tôi đã may mắn kiếm được các tờ tạp chí của Tiểu vương quốc Ả Rập qua một người bạn của anh Daoud làm việc ở hãng Hàng không Ariana. Vận tải đường không vẫn lưu thông, nhưng không có phụ nữ làm việc. Những điểm đến duy nhất là Islamabad, Dubai, Djedda và Ả Rập Saudi. Hai tờ tạp chí trong ba năm, quả là thông tin hết sức thiếu thốn.
Chính Farida, với khả năng đặt ra những câu hỏi vốn đã bao hàm câu trả lời, đã thức tỉnh chúng tôi.
“Nếu chúng ta làm tiếp tờ báo thì sao? Em không thấy hứng thú với nó nữa à? Chị thì còn. Chúng ta chỉ cần bắt đầu lại.”
Chị đề xuất đi vào trong thành, làm một phóng viên ngụy trang trong chiếc áo burqa, để thu thập tin tức cho số báo tiếp theo. Để giúp chúng tôi, anh Daoud sẽ lo chuyện giấy, và bởi chữ anh rất đẹp, anh còn chịu trách nhiệm viết toàn bộ tờ báo nữa.
Chúng tôi nhớ chị Chakila biết bao. Kể từ khi chị lấy chồng, mọi người trong nhà đều nhớ uy quyền cũng như nụ cười của chị. Chị đã hết sức để ý giám sát chị Soraya và việc học hành của tôi. Chị cũng mê âm nhạc và điện ảnh. Chính chị đã thuyết phục cha đưa chúng tôi đi xem phim. Bản thân chị là một học sinh tuyệt vời, bởi chị luôn muốn tìm tòi mọi thứ. Năm mười một tuổi, chị đã đạt điểm cao nhất lớp môn tiếng Nga, và nhờ thế giành được một chuyến đi nghỉ ở Liên Xô, và đồng thời bị anh Wahid chê trách, anh tôi không muốn cho phép chị đi. Nhưng chị vẫn giữ lập trường của mình.
Chị Chakila bắt đầu làm việc cho một tờ báo độc lập trong khi chị còn đang học đại học. Hôm nay tôi vẫn nhớ lại một cách nồng nhiệt cái thời tôi cũng làm ở tờ báo đó. Tôi đã may mắn làm sao. Tôi chỉ mới mười ba tuổi và hàng ngày, bất chấp việc hỏa lực rocket đã khởi đầu con đường dài dẫn đến phá hủy Kabul, tôi vẫn đi làm với chị gái tôi. Năm 1994, chúng tôi chỉ vừa hiểu ra những khác biệt phức tạp giữa các phe phái trong lực lượng Kháng chiến: thí dụ, cuộc đảo chính bất thành ngày mồng Một tháng Giêng, khi các lực lượng dân quân người Uzbek của Tướng Dostom và những người chính thống cực đoan của Hekmatyar đã cố lật đổ Chủ tịch Rabbani người Tajik, có lực lượng của Thủ lĩnh Massoud hỗ trợ. Các nhà báo đã đặt tên cho thời kỳ này là “Trận đánh thứ năm ở Kabul”. Một triệu người đã phải đi sơ tán để chạy trốn các trận đánh leo thang ác liệt khắp vùng nông thôn. Cuộc đảo chính thất bại. Đến tháng Sáu năm đó thủ lĩnh Massoud đã đánh đuổi được đám cực đoan ra khỏi thủ đô. Thế nhưng chị Chakila vẫn dự đoán rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có được hòa bình.
“Pakistan không muốn có một quốc gia hùng mạnh, dựa trên sự hòa hợp giữa các lực lượng Mujahidin, ở ngay sát vách mình. Họ muốn chúng ta bị xâu xé, bị chia cắt. Trong lúc đất nước ta đang rối loạn bởi các cuộc nội chiến dân tộc, Pakistan có thể thoải mái tiếp tục chính sách xâm lược của họ đối với Ấn Độ, trong khi vẫn được lợi từ hỗ trợ tài chính của Mỹ. Chính sách của Mỹ ở châu Á là một sai lầm từ đầu đến cuối.”
Một buổi sáng khi chúng tôi đến tòa soạn, chúng tôi hay một tin rất xấu. Mirwais Jalil, một nhà báo người Afghanistan làm việc cho đài BBC, đã bị quân của Gulbuddin Hekmatyar giết chết. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã đến viếng anh ở bệnh viện. Chúng tôi nhìn thấy dấu vết những kẻ hành hình để lại trên cơ thể bị tra tấn của con người đáng thương đó. Một nhà báo nước ngoài đi cùng với anh tiết lộ nguyên nhân của việc anh Jalil bị giết. Jalil đã quay phim các chiến binh người Ả Rập và Pakistan trong hàng ngũ của Hekmatyar. Vì thế, Hekmatyar muốn dằn mặt Jalil và xoá sạch bằng chứng về lính đánh thuê nước ngoài trong hàng ngũ đám cực đoan Afghanistan này.
Hàng đêm, hồi chị Chakila còn làm việc ở tòa soạn, chị mang về cho chúng tôi những tin tức thu được tòa soạn và ở trường đại học. Chị viết nhiều tin vào trong vở. Tôi nghe chị kể một cách say mê và chép lại một số giai thoại vào tờ báo riêng của chúng tôi. Thí dụ, tôi vẫn nhớ toàn bộ vụ án Zarmina. Vụ án này đã hoàn toàn phơi bày cái bản chất hiểm ác bất thường của chính quyền thời kỳ đó.
Chị Zarmina là lao công trong Sở Giao thông Công cộng của thành phố Kabul. Chị làm việc ở công ty xe buýt Riassat Melli. Chị là một phụ nữ dũng cảm, thất học, đã đăng ký làm đảng viên Cộng sản ở nơi chị làm việc. Có lẽ đây là một nghĩa vụ. Để trở thành một đảng viên, chị đã tuyên thệ về lòng trung thành bao gồm việc không bao giờ được nói dối thượng cấp và không bao giờ được phản bội đảng. Một hôm, trong khi chị đang thực thi bổn phận quét dọn của mình, chị đã nghe thấy giám đốc Sở, cấp phó và nhiều người khác nói chuyện. Chúng đang bàn việc bán lại các phụ tùng xe buýt, một số trong đó hoàn toàn bất hợp pháp. Viên giám đốc yêu cầu cấp phó đảm bảo cho các xe buýt công bị hỏng thường xuyên hơn và ghi nhận là không còn sử dụng được nữa để tống chúng xuống xưởng sửa chữa. Động cơ và các bộ phận xe buýt rồi sẽ được tháo ra bán lại. Tiền bán chạy thẳng vào túi các công chức này.
Vì đã hứa không bao giờ dối Đảng, chị Zarmina thành thực báo cáo lại những gì chị đã nghe được từ ban lãnh đạo Sở. Có mặt hôm đó là Farid Muzdak của Bộ Chính trị và một đảng viên của đảng đương nhiệm, đảng Watan. Chị Zarmina tội nghiệp không biết rằng chị đang đối phó với một lũ mafia có tổ chức. Nhưng Farid Mazdak lại cảm ơn chị và bảo rằng chị sẽ nhận được huân chương khen thưởng.
Ngày hôm sau, chị Zarmina mãi không về nhà và người chồng lòng đầy lo lắng của chị đã đến công ty xe buýt Riassat Melli tìm. Không ai biết chị ở đâu. Một tuần sau chồng chị quay trở lại công ty cùng với các con và nằng nặc đòi thả vợ mình về. Anh ta chắc chắn rằng vợ mình ở đâu đó trong tòa nhà.
Quả là như vậy. Viên giám đốc đã giam giữ chị suốt một tuần liền. Hắn tiếp chồng chị trong văn phòng của hắn, khóa cửa lại và một mực bắt anh ta phải nhìn cảnh vợ anh ta bị hãm hiếp. Sau đó, hắn đã bảo người đàn ông tội nghiệp này rằng anh ta cứ việc ly dị vợ nếu thấy phiền muộn và hắn đã cố buộc anh phải ký vào tờ đơn xin ly dị. Vì hết sức hoang mang, không biết nên làm gì, người chồng tỏ ra lưỡng lự. Thế là viên giám đốc đã cho người cạo đầu chị Zarmina trước mặt các con chị. Người chồng vẫn phân vân. Nổi giận trước sự phản kháng như thế, tên giám đốc đã cho người ném các con họ xuống sông Kabul, đối diện công ty xe buýt Riassat Melli. Chị Zarmina đã cố trốn thoát được, liền lao mình xuống nước để cứu cậu con trai. Rủi thay dòng nước đã cuốn đi cô con gái nhỏ của chị.
Phát điên lên vì đau đớn, người phụ nữ đáng thương này đi về nhà. Chồng chị không còn muốn ở với chị nữa, nhưng chị đã không đầu hàng. Chị cần phải theo toàn bộ vụ này đến cùng. Chị đã đến Bộ Giao thông khiếu nại. Nhưng Tướng Khalil, kẻ cũng dính líu đến vụ buôn bán bất hợp pháp các phụ tùng xe buýt, đã ra lệnh cho các bảo vệ trừng phạt chị và tống chị ra ngoài.
Sự kiện thương tâm của chị Zarmina kéo dài hơn hai năm. Mọi người đều cho là chị bị điên. Không ai tin câu chuyện của chị. Kể cả khi chị xin gặp Fazel Haq Khaliqyar, Thủ tướng phi Cộng sản của chính quyền Tiến sĩ Najibullah, ông ta cũng từ chối gặp chị.
Chị Chakila cho đăng câu chuyện của người phụ nữ này trên tờ báo của chị, may mắn vẫn giữ được độc lập bất chấp những đe dọa của đảng Watan. Việc lên tiếng công khai giúp người phụ nữ đáng thương này cuối cùng cũng có được chiến thắng trên nỗi đau và sự bất công mà người phụ nữ ấy phải hứng chịu. Khi lực lượng Kháng chiến kiểm soát thủ đô vào tháng Tư năm 1992, người phụ nữ này lại đi đòi công lý ở những người chủ mới của Kabul. Những tên mafia có dính líu cuối cùng đã bị bắt giam và bị đi tù.
Nhưng sau đó quân Taliban đến. Chị Zarmina lại bị tước mất quyền được làm việc. Chị phải đến nương thân ở Pakistan. Theo những thông tin mới nhất chị Chakila có thể thu thập được, chị Zarmina đang sống cùng con trai trong trại tị nạn Nasser Bagh, cách thành phố Peshawar vài cây số.
Những bản tin về các vụ cưỡng hiếp thường được đăng trên mặt báo thời kỳ đó. Các vụ cưỡng hiếp cũng vẫn thường xảy ra dưới chế độ Taliban, nhưng những bản tin này không được đăng tải trên báo nữa. Dưới chế độ cộng sản, một nhà báo của tờ tuần báo Saba’won thậm chí còn đăng được một bài về một một vụ hiếp dâm tập thể đáng ghê tởm, nhưng khi đăng nhà báo này đã đề phòng bằng cách thay đổi hết các tên họ vì những đảng viên cấp cao có dính líu đến vụ án này.
Parwin là một phụ nữ trẻ làm việc trong Bộ Giáo dục. Lũ hiếp dâm là các đồng nghiệp trong Bộ đã mời cô đến dự một bữa tiệc. Khi đến nơi cô mới biết mình là phụ nữ duy nhất có mặt. Nhưng đã quá muộn để ra về một mình. Bọn chúng ép cô uống rượu. Khá nhiều kẻ đã đồng mưu trong cuộc gặp có tính trước này. Và kể cả tên lái xe cũng tham dự vào lần hiếp dâm cuối cùng. Chính người quản lý của ngôi nhà đã đưa Parwin đến bệnh viện. Cô đã bất tỉnh nhân sự. Nhà báo viết lại câu chuyện này có mặt tại bệnh viện đúng ngày hôm đó, khá tình cờ. Parwin đã kịp kể lại mọi chuyện trước khi cô chết.
Một câu chuyện khác, mà tôi sẽ không bao giờ quên, được ban biên tập của chị Chakila kể lại. Chuyện kể về một em bé chào đời tại bệnh viện phụ sản Malalai ở Kabul chỉ sống được có tám tiếng. Mẹ của bé trai này đến từ miền Salang ở phía Bắc thành phố Kabul. Bé trai này có khuôn mặt biến dạng khủng khiếp, chỉ có độc một mắt ở giữa trán và một tai ở trên đỉnh đầu, trong khi miệng cháu lại ở trên má. Cháu bé không có cả chân lẫn tay. Một số bác sĩ kết luận rằng cháu bé dị dạng này là do những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh mà mẹ cháu đã trải qua. Các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm cuối cùng đã chỉ ra rằng cả người mẹ lẫn cháu bé này đều bị phơi nhiễm các hóa chất được vận chuyển bằng tên lửa Scud. Quân đội Xô viết đã sử dụng các hóa chất này lần đầu ở thung lũng Salang.
Các bản tin này có vào cái thời mà, bất chấp cuộc nội chiến, chúng tôi vẫn không phải chịu cảnh chỉ có duy nhất một nguồn thông tin. Thời gian đó đài truyền hình vẫn phát sóng và báo chí cũng phát hành, trong lúc cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn. Còn thời nay tin tức của Đài Sharia vẫn nói đến phụ nữ: lúc này lại có lệnh cấm phụ nữ không được nói ngoài đường vì âm thanh giọng nói của chúng tôi có thể “kích thích” các thương nhân ngoài chợ.
Giờ tất cả những gì chúng tôi có là “đài phát thanh đường phố” được thì thào từ miệng những người còn tương đối tự do đi đi lại lại - những người đàn ông. Những lời đồn không ngớt đã trở thành những bản tin quý báu với chúng tôi. Những bản tin này một lần nữa nói về người bạn Saudi của Taliban, Bin Laden, và về cuộc hôn nhân - từ lâu hay mới đây, ngày tháng và địa điểm đều không ai biết - của Mullah Omar, thủ lĩnh của Taliban, với một trong đám con gái đông đảo của Bin Laden. Các bản tin đường phố cho hay đây là một đám cưới trụy lạc cực kỳ phô trương. Rõ ràng là các luật lệ của Taliban không áp dụng cho chính những thành viên của chúng.
Trái ngược với sự xa xỉ này, một cô bạn cùng lớp cũ của tôi, Hafezo, đến tận nhà tôi và mời chúng tôi thuê sách chỉ với giá năm xu afghani cho mỗi tập. Mẹ cô ấy, như nhiều phụ nữ cùng quẫn khác, phải nướng bánh mì bán để kiếm vài xu. Chúng tôi thấy thương Hafezo đến nỗi anh Daoud quyết định thuê một cuốn sách trong một tuần, kể cả chúng tôi không bao giờ đọc nó. Anh Daoud có một trái tim dịu dàng và lặng lẽ, khá trái ngược với anh cả của chúng tôi. Anh Daoud không nói nhiều, nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Tháng Bảy năm 1998, anh Daoud lấy vợ. Vào những ngày bình thường thì đám cưới là một lễ kỷ niệm thực sự. Nhưng Daoud rời khỏi nhà chúng tôi với một kỷ niệm đắng đót và sóng gió. Như thể đám cưới chưa từng xảy ra và anh tôi chưa hề cưới vợ. Tuy nhiên vợ anh, chị Marie, vẫn sống cùng chúng tôi theo phong tục.
Anh Daoud tỏ ra sốt sắng muốn cưới vợ. Một hôm, một anh bạn của anh nói với anh về chị Marie, bạn của vợ anh ấy, con gái một gia đình gia giáo mà anh ấy nghĩ là có lẽ hợp với anh tôi. Anh ấy đã mời anh Daoud đến nhà, và bởi chị Marie sống ở nhà bên cạnh, nên anh tôi có thể nhìn thấy chị ở trong vườn nhà bố mẹ. Anh tôi không thể hẹn gặp chị ấy một cách đường hoàng như những đôi trẻ đã từng hẹn hò trước thời Taliban. Điều này thật đáng nản lòng, nhưng dù sao anh tôi vẫn thích vẻ ngoài của chị ấy. Dẫu sao thì anh tôi đã 29 tuổi và đã quyết tâm lập gia đình.
Rồi cha mẹ tôi theo lệ đến gặp gia đình chị Marie: ở Afghanistan cha mẹ luôn là người đứng ra tổ chức hôn sự. Bà tôi từng nói rằng tình yêu đến sau lễ nikha, một nghi thức tôn giáo. Do tình hình ở Kabul, không có lễ hứa hôn và tất cả chúng tôi đều buồn vì cặp vợ chồng chưa cưới này còn không được gặp nhau trước đám cưới. Không có lễ cưới, không có âm nhạc, không cả quà cưới, váy cưới cũng không. Mẹ vẫn thường kể với chúng tôi rằng trong đám cưới của mình, mẹ đã mặc chiếc váy cưới màu xanh lá cây đẹp tuyệt vời do đích thân Azar, thợ may chính của hoàng cung, may cho. Sau đó, đến buổi tối, mẹ lại diện chiếc váy dài trắng hàng Paris, chiếc váy mà vợ ông trưởng quân chủng thông tin đã cho mẹ mượn. Chiếc váy màu xanh, màu của hy vọng đối với các tín đồ đạo Hồi, là váy truyền thống cho nghi thức tôn giáo. Đêm đến, thời trang chuyển về phương Tây: màu trắng du nhập vào nước chúng tôi từ châu Âu. Trong lúc thề nguyện trăm năm, cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau và một bà cao niên khả kính trong gia đình sẽ đặt henna(1) vào lòng bàn tay họ. Rồi cặp tân hôn sẽ soi vào một chiếc gương đặc biệt, sau đó sẽ mang chiếc gương này về phòng mình. Cặp tân hôn đọc một tiết trong kinh Koran, và uống chung một ly rượu ngọt để sự hợp hôn của họ sẽ ngọt ngào suốt cả cuộc đời. Vào cuối lễ cưới, người ta sẽ chọc tiết một con cừu, và nếu máu cừu bắn vào giày cô dâu, thì điều đó nghĩa là cô ấy sẽ thủy chung trọn đời.
Nhưng đối với anh Daoud và chị Marie tất sẽ không hề có những chuyện đó... Tuy nhiên chúng tôi vẫn tự nhủ rằng phải làm điều gì đó để kỷ niệm đám cưới của họ.
Nhưng ở đâu đây? Không thể đến một nhà hàng như đám cưới của chị Chakila khi có cả trăm khách mời đến dự. Giờ đây không ngôi nhà công nào chấp nhận việc nam nữ cùng có mặt. Còn căn hộ của chúng tôi lại quá nhỏ và ở ngay tầm chú ý của hàng xóm và bọn Taliban. Không muốn trốn trong hầm trú ẩn, như từng trốn vào lúc bom dội ác liệt nhất, chúng tôi không thể nghĩ ra cách kỷ niệm sự hợp hôn này.
Cha mẹ chị Marie sống trong một ngôi nhà có vườn ở một quận khác của Kabul. Hàng xóm của họ đều là bạn của bạn anh Daoud. Chúng tôi quyết định liều tổ chức hôn lễ ở nhà họ.
Đã từ lâu chị Soraya và tôi không ló mặt ra ngoài. Thậm chí còn lâu hơn kể từ lần cuối cùng chúng tôi đi dự đám cưới. Nhưng chúng tôi không hào hứng mấy và không chuẩn bị gì cả. Chúng tôi không thể trang điểm hoặc mua váy áo mới. Số lượng khách mời hết sức hạn chế: một vài người bạn của anh Daoud và hai gia đình. Anh trai tôi rất khổ sở vì không được diện một bộ comlê thật bảnh và đeo cà vạt, bởi những thứ này đều bị cấm. Các bạn trêu chọc anh.
“Không tệ lắm đâu, Daoud. Dù sao cũng không có thợ ảnh, bởi ảnh iếc bị cấm cả rồi. Thế nên sẽ chẳng ai biết cậu không mặc comlê.”
Nhìn vẻ mặt thất vọng của anh Daoud, một người tỏ ra ái ngại.
“Không, thế này thì thật lố bịch. Tôi không thể nhìn bạn thân đi lấy vợ mà chí ít không quay một cuộn băng để có vật kỷ niệm. Tôi sẽ lo việc này.”
Thế là anh ấy mang máy quay đến đám cưới. Chúng tôi mở đầu lễ cưới theo đúng những điều luật Taliban quy định - không được tổ chức hội họp có cả nam lẫn nữ, kể cả đám cưới. Phụ nữ ở trong một phòng. Nam giới ở phòng khác. Để hành lễ, cô dâu chú rể phải bằng cách nào đó đến cùng nhau để trao nhẫn. Hai gia đình tập trung trong vườn. Anh Daoud và chị Marie đứng bên nhau. Đây là thời khắc quan trọng nhất và bạn anh Daoud lấy máy quay ra, một người khác bật băng cassette. Bỗng ai đó kêu lên, “Taliban, Taliban đấy. Cẩn thận.”
Mọi người kinh hoảng. Bạn anh Daoud vội tắt nhạc và giấu đài cùng băng cassette đi chỉ trong nháy mắt. Không biết anh ấy làm cách nào. Thế nhưng đám Taliban đã nghe thấy tiếng nhạc. Chúng nổi giận và bắt đầu lục soát mọi người, nhưng vô hiệu. Tuy nhiên, anh quay phim nghiệp dư kia đã không kịp giấu máy quay đi. Chúng đánh anh, tịch thu máy quay, ném nó xuống đất rồi điên cuồng giẫm lên nó, như thể đang giẫm lên chính bản thân chúa quỷ. Những hình ảnh ít ỏi về đám cưới anh Daoud tan ra thành cám.
Khách mời biến mất ngay trước những cái mũi dương dương tự đắc của bọn Taliban. Chúng tôi về nhà cùng với cô dâu bằng ô tô. Chúng tôi chuồn đi như kẻ trộm, mặc dù theo phong tục thì kể cả việc rời khỏi đám cưới cũng cần nghi lễ long trọng. Toàn bộ việc này đúng là một thảm họa.
May sao anh bạn mang máy quay không bị thương nặng, nhưng tất nhiên là máy quay đã bị phá hỏng. Mọi người còn lại choáng váng. Cha tôi nổi giận, chị Soraya khóc, anh Daoud phẫn nộ. Anh tôi thấy tủi hổ trước cảnh phải đưa dâu về nhà trong tình trạng thảm hại thế này. Theo truyền thống, đám cưới của một người con trai phải đi kèm lễ nghi trọng đại. Việc chào đón một thành viên mới vào trong vòng tay yêu thương của gia đình lẽ ra phải đầy niềm vui và hạnh phúc. (Khi một cô con gái đi lấy chồng thì lại không như vậy. Niềm vui luôn ở bên nhà chú rể.)
Tội nghiệp Daoud, thời khắc trọng đại của anh đã hoàn toàn bị phá hỏng, anh thì bị lăng mạ bởi hai hay ba tên Taliban muốn phô diễn uy quyền của chúng. Chính xác thì chúng cần gì khi tước bỏ hết hội hè, niềm vui, hết kỷ niệm gia đình của cả một dân tộc đây? Câu trả lời thường trực của tôi đơn giản đến khủng khiếp. Chúng không muốn chúng tôi được sống - muốn hủy diệt chúng tôi, một cách chậm và chắc, vì lợi ích của chính chúng.
Không còn những cánh diều bay lượn trên bầu trời Kabul. Chúng tôi từng thấy hàng chục cánh diều phấp phới bay trên bầu trời thành phố. Lũ con trai trèo lên nóc các tòa nhà đón gió, bất chấp nguy cơ bị ngã khi cứ dõi mắt nhìn lên bầu 68a0 trời. Và thường thường chúng ngã thật. Hàng năm các bệnh viện đều tiếp nhận rất nhiều trẻ con bị thương vì thả diều. Thế nhưng những chú chim giấy xinh đẹp, sặc sỡ đó vẫn cứ là một biểu tượng của bầu trời chúng tôi.
Đám trẻ con không đủ tiền mua diều đã chế tạo ra một đồ vật gọi là chelak - một món đồ tai hại gồm một hòn đá được buộc vào cuối một sợi dây. Có thứ này trong tay, chúng lên đường đi xem diều của các cậu bé khác. Khi đã tìm được cái mình đặc biệt thích, chúng quăng viên đạn đó vào hướng bay của cánh diều này. Nếu hai sợi dây bị vướng vào nhau, những tên tiểu tặc này chỉ việc chờ cho chiến lợi phẩm rơi xuống đất là chạy biến khỏi đó ngay, mang theo một cánh diều mới cho mình.
Trò săn diều này thường kết thúc bằng những trận ẩu đả. Thậm chí còn ác liệt hơn khi “thợ săn diều” dùng đến cái chelak ngoại hạng gồm những hai hòn đá và nhắm chính xác hơn nhiều. Không chỉ đám trộm vặt mới tham gia vào trò săn diều. Những người như Daoud, vốn không thể điều khiển thật cừ cái công việc thả diều khó khăn, coi chính chuyện săn diều là một trò chơi.
Một buổi tối, để chọc cho tôi cười, chị Soraya kể về một cánh diều đã rơi thẳng xuống đầu anh Daoud hồi còn nhỏ. Chuyện này xảy ra ở nhà cũ chúng tôi, trước khi tôi chào đời.
“Anh Daoud đang chơi chelak trong vườn thì thình lình cái chelak của một người hàng xóm bị chệch đích và đập vào đầu anh Daoud, mang theo một cái diều. Anh bị thương, bị chảy máu miệng, và không dám đi vào nhà vì sợ bị mắng. Thay vào đó Abdullah bạn anh đã đưa anh đến chỗ mẹ anh ấy. Hai mẹ con anh Abdullah thuê ở tầng một nhà mình, mẹ anh ấy cũng là y tá. Bác ấy khâu đầu cho anh Daoud và đưa anh lên nhà. Một tiếng sau, lại đến lượt anh Abdullah. Anh ấy bị rơi từ trên mái nhà xuống cùng cái diều. Anh ấy bị chảy máu đầu gối và mẹ anh ấy chạy bổ lên nhà ta kêu lên rằng con trai bác ấy bị thương. Lần này lại đến lượt mẹ mình khâu vết thương và băng bó cho anh Abdullah.”
Anh Daoud đã trở nên điềm đạm hơn lúc tôi được sinh ra. Anh tôi hầu như không đánh nhau nữa và là một học sinh nghiêm túc luôn đạt điểm cao, nhất là môn toán. Anh yêu điện ảnh. Anh cũng có cả một bộ sưu tập mô hình ô tô rất tuyệt và mỗi tháng lại mua thêm một cái mới.
Mẹ vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về buổi lễ cắt bao quy đầu(1) cho các con trai mẹ, được tiến hành luôn thể cho cả hai người anh của tôi. Đó là một buổi lễ lớn với hơn một trăm khách mời. Mẹ tôi đã đi may cho các con trai mình những bộ comlê trắng. Một con cừu lớn được đem ra mổ thịt và những dãy đèn nhấp nháy giăng khắp sân nhà. Việc cắt bao quy đầu thường được tiến hành bởi một thợ cạo, nhưng mẹ lại chọn một bác sĩ. Cha tôi đã dặn kỹ các con mình chuyện gì sẽ diễn ra. Đối với anh lớn của tôi, mọi chuyện đều ổn. Nhưng anh thứ Daoud lại rất hoảng sợ khi đến lượt mình. Cũng như đối với mọi đứa trẻ khác, bác sĩ nói với anh tôi, “Cháu nhìn lên trời ấy, cậu bé...”
Căng thẳng vì sợ, anh Daoud đáp, “Chú cứ làm đi. Cắt phăng nó đi. Cháu biết chú sẽ làm gì mà.”
Anh Wahid và anh Daoud luôn ngượng ngùng mỗi khi mẹ hoặc các dì tôi nhắc lại chuyện này. Các anh tôi càu nhàu. Họ nói những chuyện này chẳng vui vẻ gì. Nó cũng chẳng phải là buổi lễ của họ nữa; bởi họ phải chịu đau đớn trong khi những người khác lại vui vẻ.
Wahid luôn ham chiến đấu và anh đã nhập ngũ. Anh Daoud lại chẳng muốn gì hơn ngoài việc tránh xa điều này. Anh học tiếp ở trường cấp ba Omar Shahid. Mùa đông năm 1987, khi anh Daoud 18 tuổi và vừa mới thi tốt nghiệp xong, một buổi sáng anh tôi ra khỏi nhà để đi lấy kết quả thi. Đến khi đêm xuống mãi vẫn không thấy anh về, cả nhà tôi đâm lo. Cha đã đi một vòng quanh khu xóm để hỏi xem có người bạn nào nhìn thấy anh ấy không. Trong khi đó chị Chakila gọi điện đến doanh trại cho anh Wahid. Anh Wahid bảo chị để anh lo chuyện này. Đến nửa đêm, một chiếc xe tải quân sự đỗ trước cửa nhà tôi. Anh Wahid mặc quân phục bước ra khỏi xe cùng với anh Daoud đang run rẩy đằng sau.
Tôi không được chứng kiến cảnh này bởi lúc đó tôi còn quá nhỏ, nhưng tôi đã nghe kể nhiều đến mức tôi có cảm giác rằng mình đã có mặt ở đó. Anh Wahid ca cho anh Daoud một bài, bảo anh Daoud không được ra khỏi nhà rồi lại quay về doanh trại của mình. Tất cả chúng tôi nghe anh Daoud kể chuyện gì đã xảy ra.
“Họ bảo chúng con đứng chờ trước cổng trường cho đến khi thông báo kết quả thi. Khoảng hai tiếng sau, chúng con được đưa vào trong sân trường. Đột nhiên những người lính bao vây tòa nhà và các sĩ quan xộc vào trong trong sân. Họ biến hội trường lớn thành một phòng tuyển quân. Họ bảo rằng họ đang điểm danh các nam sinh theo trật tự chữ cái để điều vào các đơn vị quân đội khác nhau. Cả lớp con phải đến trung đoàn Gardez ở miền Bắc. Những ai có quan hệ với các đại gia liền đi gọi điện thoại. Chưa đầy một tiếng sau họ đã được cho về nhà. Nhưng bạn bè con và con lại chẳng biết phải làm gì, phải gọi điện cho ai. Mọi người đều sợ cái kết cục phải ra mặt trận, với khẩu Kalashnikov trong tay, giống anh Wahid. Họ không có quyền gọi nhập ngũ chừng nào chúng con còn chưa học xong. Chúng con phải trả học phí cơ mà. Dẫu sao chăng nữa thì lúc đó con thấy anh Wahid mặc bộ đồng phục bảo vệ chủ tịch của anh đến, cùng sáu người lính theo sau. Anh ấy đã nổi xung lên. Đám lính trong phòng đứng nghiêm chào anh ấy và anh cử họ đi tìm ngay hiệu trưởng của trường. Khi ông hiệu trưởng đến, anh con nói bằng giọng cấm tranh cãi, ‘Việc các ông đang làm ở đây là bất hợp pháp. Các ông không có quyền giữ học sinh ở đây mà không báo trước cho cha mẹ các em.’ Viên sĩ quan tuyển quân bẻ lại rằng gã chỉ đang tuân theo chỉ thị. Anh Wahid gọi bộ đàm về trung tâm tuyển quân và giải thích tình hình cho viên thường trực. Họ bảo rằng đúng lý phải để tất cả học sinh về. Bạn bè con chạy ào ra và anh Wahid đưa con về nhà.”
Toàn bộ chuyện này xảy ra vào thời Liên Xô chiếm đóng, khi các thanh niên bị thuyết phục tòng quân cho quân đội Afghanistan. Một số người, như anh cả tôi, đã tự nguyện nhập ngũ, bởi suy cho cùng đó là nghĩa vụ. Nhưng anh Daoud mới chỉ 18 tuổi và anh Wahid hoàn toàn không muốn cậu em nhỏ của mình phải chịu đựng những gì bản thân anh đã trải qua. Anh biết Daoud ghê tởm quân đội và chiến tranh, và giả sử anh Daoud phải đánh nhau với lực lượng Kháng chiến trong một tiểu đoàn do Liên Xô chỉ huy, anh ấy sẽ không chịu nổi điều này.
Hầu suốt ba tháng trời anh Daoud phải trốn trong nhà đợi kỳ thi đầu vào đại học. Trong suốt thời gian này, chị Chakila đảm nhận chân chạy vặt cho anh. Chị đưa tôi đi thuê băng video cassette cho anh, bởi anh tôi cần giải trí nếu thực sự bị giam mình trong nhà. Việc này quả không dễ dàng gì. Anh ấy đi đi lại lại trong căn hộ như một con gấu bị nhốt trong chuồng. Riêng trong tòa nhà của chúng tôi có sáu chàng trai khác cũng trong tình cảnh đó. Họ thường cùng nhau ra hành lang nói chuyện vào cuối ngày.
Một buổi tối trong khi tôi đang chơi cùng các chị trước tòa nhà thì Malek Raihan, một người hàng xóm, chạy đến bảo chúng tôi báo cho anh Daoud biết rằng có một đội tuần tra quân đội đang đến khu. Tôi chạy đi cảnh báo anh tôi và các bạn, và họ vội trở về nhà riêng của mình, có những chỗ trốn đã được chuẩn bị sẵn để đề phòng. Ngày hôm đó mẹ tôi nổi giận với anh Daoud và đề ra một luật: anh ấy không được phép ra khỏi căn hộ. Thậm chí anh tôi còn bị giữ ở nhà trong lúc gia đình tôi có hai lễ cưới được tổ chức.
Đó là quãng thời gian mà thậm chí dân ca và những bài hát phổ biến đều đề cập đến nghĩa vụ quân sự. Trong các đám cưới phụ nữ hát,
Gió thổi cuốn bay chiếc khăn trùm đầu của em
y như đội tuần tra đã đem người yêu em đi mất.
Xin Đức Allah hãy mang đi những đội tuần tra đó
những kẻ đã cướp mất người tình chung thủy
của con.
Mọi câu chuyện cũng đều xoay quanh chủ đề này. Một người hàng xóm kể với chúng tôi rằng ở quận Parwan, trong lúc quân lính đang lục soát các ngôi nhà để tìm nam giới trẻ, vợ chồng một nhà đã nói với quân lính rằng con trai họ vừa mới chết. Đây chỉ là một chiêu lừa. Con trai họ chỉ đang nằm giả chết trên giường mà thôi. Nhưng vài phút sau chuyện lại hóa thành trớ trêu: bởi con trai họ lại chết thật.
Có hàng trăm những câu chuyện kiểu này được truyền khắp Kabul. Mỗi hộ đều có câu chuyện riêng của mình để kể. Chỉ nội trong một gia đình mà một số người ủng hộ lực lượng Kháng chiến, những người khác lại theo phe chính quyền. Các gia đình bị xé lẻ ra. Những vấn đề rất nan giải: là một người Afghanistan và chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Afghanistan do Liên Xô chỉ huy để chống lại những người Afghanistan khác? Là một người theo Cộng hoặc chống Cộng? Hay trung lập đây? Tất cả những câu hỏi này khó gấp ba lần đối với một cậu con trai đến tuổi tòng quân, mà cái mốc tuổi này lại thường xuyên thay đổi tùy theo cảm hứng của chính quyền và những nhu cầu của quân đội.
Tại một bữa tiệc sinh nhật buổi tối, khách khứa bắt đầu hát những bài bốn câu truyền thống của chúng tôi. Có những gia đình đến từ Kohestan, một vùng đất trải dài về phía Bắc Kabul chừng 50 cây số, và những người khác là dân thành phố. Những lời ca họ chọn cho thấy lập trường chính trị của họ và phân biệt rõ ràng thành thị với nông thôn. Những người dân thành phố theo Cộng sản hát thế này,
Ôi! Người trai trẻ dũng cảm và kiêu hãnh
Thẳng người trên xe tăng, anh lao ra tiền tuyến,
Thẳng người trên xe tăng, anh tiến ra chiến
trường ở thung lũng Panshir,
bỏ lại phía sau anh những phụ nữ đang tuôn lệ.
Trong khi đó, những người ủng hộ lực lượng Kháng chiến đến từ Kohestan lại hát rằng,
Em đang ở trên cánh đồng hoa thì một chàng
Mujahidin gọi
giọng nói thật ân cần chàng mời em uống trà,
Em cảm ơn chàng, nhưng xin chàng hãy uống
một mình.
Em ngưỡng mộ chàng với khẩu súng trường
trên vai.
Vào cuối đông, báo chí đưa tin rằng giờ đây các bạn trẻ có thể đến ghi danh vào trường đại học và tham dự kỳ thi tuyển đầu vào. Thế nhưng ngày hôm đó các đội tuần tra quân đội vẫn vào thành như thường lệ để lùng sục bất ngờ và thẩm vấn sinh viên. Các trạm kiểm soát mọc lên ngày càng nhiều và được bố phòng chắc chắn.
Anh Wahid đưa anh Daoud và một số anh hàng xóm khác đến trường đại học bằng chiếc xe jeep riêng của mình, bởi các xe quân sự vốn không bị các đội tuần tra chặn lại. Nhưng vẫn chưa hết. Trong kỳ thi, các bài thi của nam sinh bị chấm điểm khắt khe hơn nữ sinh rất nhiều. Chính quyền đã làm mọi cách để đảm bảo được rằng quá trình thi tuyển này sẽ cung cấp cho họ số lượng đàn ông trẻ càng nhiều càng tốt để họ gọi nhập ngũ.
Cả ngày hôm đó chúng tôi đợi chờ trong lo sợ. Cuối cùng thì chiều tối anh Daoud cũng về đến nhà. Nom anh thật mãn nguyện. Anh có lý do để lạc quan bởi anh luôn đứng thứ hai trong lớp cấp ba của mình. Anh đã chọn học kinh tế học và đã thi đỗ kỳ thi đầu vào.
Vào thời gian đó, một sinh viên được gọi nhập học sẽ được cấp thẻ sinh viên và một văn bản chính thức từ quân đội chứng nhận hoãn nghĩa vụ quân sự. Giấy chứng nhận này có hiệu lực trong ba tháng. Các kỳ thi diễn ra vào cuối mỗi học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài ba tháng. Sau mỗi kỳ thi, giấy chứng nhận này lại được cấp mới nếu sinh viên thi tốt, và bị hủy bỏ trong trường hợp thi trượt.
Học kỳ một, anh Daoud đạt điểm cao nhất lớp. Điều này lẽ ra đã kiếm cho anh một suất học bổng để đi du học ở Liên Xô. Anh tôi không muốn đi nhưng cha lại muốn anh đi khỏi Kabul để thoát khỏi nanh vuốt của quân đội. Thế nhưng, vì anh không phải là đảng viên Cộng sản, học bổng này đã không được cấp. Anh Daoud đã cãi nhau với viên thư ký của tổ chức Thanh niên Cộng sản phụ trách các khoản trợ cấp. Câu trả lời duy nhất anh nhận được là, “Không có suất nào cho cậu cả.”
Rốt cục cha tôi đành thương lượng riêng với viên thư ký. Ông khăng khăng và làm ầm lên về sự bất công đối với anh Daoud, đến nỗi cuối cùng anh cũng được cấp học bổng. Tuy nhiên, học bổng này chỉ có giá trị ở Dushanbe thuộc nước Cộng hòa Tajikistan, chứ không phải ở Moskva. Anh Daoud vẫn chấp nhận nó và đi Dushanbe học kinh tế học.
Đó hóa ra lại là một việc tốt đối với anh tôi, vì những quy định về việc tòng quân thay đổi như thời tiết. Đùng một cái, các sinh viên bị bắt phải thực hiện nghĩa vụ quân sự sáu tháng, bất luận họ có là con trai các bộ trưởng hay phó thường dân. Chính phủ ra nghị quyết rằng căn cứ vào nhu cầu của quân đội, mỗi một nam công dân đều phải thực hiện hai năm nghĩa vụ. Thật may là anh Daoud đã ở Tajikistan.
Chúng tôi vẫn viết thư cho anh Daoud. Thỉnh thoảng anh tôi gọi điện về nhà. Một năm sau anh về Kabul nghỉ lễ và kể cho chúng tôi nghe cảnh đói nghèo và khổ sở anh đã chứng kiến ở Dushanbe. Các nhà lãnh đạo Xô viết ở nước tôi không ngớt kể về những điều tuyệt vời mà người dân Xô viết được hưởng, trong khi thực tế phần lớn đang sống trong những điều kiện thật đáng sợ.
“Anh gặp một phụ nữ làm việc trong một nông trang nhà nước để lấy hai rúp một ngày,” anh Daoud kể với chúng tôi. “Các giáo sư ở đó cho điểm giỏi chỉ đổi lấy một cái dây đeo chìa khóa. Một chiếc quần bò đem bán ở Dushanbe đủ trả học phí đại học cả năm. Tất cả các sinh viên Afghanistan đến Dushanbe đều mang theo quần bò, ô, kính râm. Bất cứ thứ vớ vẩn gì em có thể tìm thấy ở Peshawar đều đáng giá cả một gia tài ở Dushanbe. Kể cả là một cặp bấm móng tay hay một gói kẹo cao su đi nữa.”
Trong môi trường sinh viên ở Tajikistan, anh Daoud nói, Xô viết đang là cái mốt.
“Những người đàn ông giàu có nhất cưới vợ người Nga và đặt cho con họ những cái tên Nga như Natasha, Treshkova, Valentina, Alexis, Ivan. Đó là một phần của chương trình Xô viết hóa. Những người Tajikistan trẻ đến Moskva sống và người Nga lại đến thay chỗ họ.”
Anh cũng kể với chúng tôi rằng, cái quá trình Xô viết hóa Tajikistan đã gây ra vấn đề lớn về bản sắc dân tộc cho người Tajikistan, mặc dù họ đã giành được độc lập từ tay Moskva vào năm 1991.
Kỳ nghỉ tiếp theo, vào tháng Tám năm 1992, anh Daoud trở về một thành phố Kabul không còn chính quyền Cộng sản nữa. Chính quyền này sụp đổ hồi tháng Tư trước áp lực của liên minh Kháng chiến. Nhưng Hekmatyar, kẻ theo trào lưu chính thống cực đoan, vẫn đang lăm le cướp chính quyền. Hắn không bao giờ ngừng trút đạn pháo rocket xuống Kabul.
Tháng nghỉ phép đó là thời điểm khó khăn đối với anh Daoud. Anh tôi đã mất đi thói quen sống giữa hỏa lực rocket. Anh không thể hiểu nổi tại sao chúng tôi không thấy sợ. Đối với anh, điều này có vẻ thật kinh khủng. Nhưng chúng tôi thì đã quen với nó.
Chúng tôi ở trong căn phòng mé đông của căn hộ nhà chúng tôi để tránh bị rơi vào tầm đạn. Một hôm tầm một giờ chiều, chúng tôi vừa ăn trưa xong và đang xem tivi bên ấm trà, thì hai quả rocket rơi xuống ngay trước tòa nhà. Chúng tôi luôn để mở các cửa sổ để tránh không bị vỡ. Lần đó chúng cũng nguyên lành, nhưng các cửa sổ nhà hàng xóm đều vỡ vụn.
Chúng tôi chạy đến trú ẩn trong phòng đợi của tòa nhà, nơi duy nhất tránh được những mảnh kính. Cả anh Daoud và tôi đều khóc. Các vụ nổ đã gây cháy và tòa nhà bắt đầu bén lửa. Chúng tôi dùng xô múc nước dội khắp nơi để dập lửa và khi sắp dập tắt được hết khi anh Wahid đến. Anh đã đi xuống phố ngay khi đám cháy bắt đầu.
“Mọi người có sao không ạ?”
Mẹ và anh Daoud thấy thế tức điên lên, liền quát, “Con ở đâu đấy? Con làm gì ngoài đó vào lúc này hả?”
“Đây là chiến tranh. Con ra giúp hàng xóm. Tất cả đàn ông xuống dưới này dập lửa. Có nhiều người bị thương. Có cả một người chết.”
Một anh hàng xóm của chúng tôi, vừa mới lấy vợ, đã bị bắn trúng vào thận và chết.
Khi chúng tôi quay về căn phòng vừa trú lúc các vụ nổ bắt đầu, cái màn mắc trên cửa sổ đã bị dính khoảng mười lỗ đạn.
Các đơn vị Mujahidin trong phường chúng tôi đã đến giúp người dân dập lửa và đưa những người bị thương đến bệnh viện. Hai tiếng sau, điện bị cắt. Chúng tôi nghe thời sự trên đài bán dẫn: trong suốt ngày hôm nay, hơn 100 quả đạn rocket đã phóng xuống. Khoảng 20 người chết. 150 người bị thương.
Anh Daoud, đang gí sát tai vào đài để nghe, nói, “Con sẽ đi khỏi Kabul. Con muốn học cho xong.”
Ngay ngày hôm sau, bất chấp đang có đánh nhau, anh tôi vẫn đến Bộ Ngoại giao. Anh đã lấy visa du lịch, vé máy bay, và một tuần sau, anh tôi bay đi Dushanbe, qua ngả Tashkent. Lúc về nước nghỉ lễ, anh tôi đã nghe đồn rằng chính quyền mới của Afghanistan rất ghét Liên Xô và các quan chức ở Kabul sẽ không cho anh quay lại Tajikistan. Anh tôi không phải là sinh viên Afghanistan duy nhất ở trong hoàn cảnh này. Thế nhưng Bộ Ngoại giao không gây khó dễ gì cho anh tôi cả, miễn là chi phí đã được phía Liên Xô trả trước.
Anh Daoud học ở Dushanbe đến tận mùa thu năm 1992. Khi anh tôi về nước, anh 23 tuổi. Các lực lượng của Thủ lĩnh Massoud lúc đó vẫn kiểm soát Kabul. Nhưng những tên cực đoan của Hekmatyar, vốn luôn muốn chiếm chính quyền, lại sắp sửa bắt chúng tôi phải hứng chịu một cuộc nội chiến đáng sợ, để cuộc sống của chúng tôi luôn bị điểm nhịp bởi hỏa lực rocket.
Khi đó không thể có chuyện những cậu bé trèo lên mái nhà, hếch mũi lên đón gió và dõi mắt nhìn trời để tìm những cánh diều nữa. Kể cả giờ đây cũng thế: đối với các cậu bé ở Kabul, Taliban cấm tiệt chuyện thả diều. Một ngày nào đó lệnh cấm sẽ còn áp dụng với cả lũ chim.
Chúng tôi sống trong cảnh chiến tranh từ 20 năm nay và đã gần bốn năm nay chúng tôi bị cầm tù trong ngôi nhà của mình. Đến năm 2000 tôi sẽ 20 tuổi. Chiến tranh sẽ vẫn diễn ra ác liệt hay sao? Bạn bè anh Daoud viết thư nói rằng thế giới đã lãng quên chúng tôi, rằng chúng tôi đang sống dưới một cái hố, rằng công cuộc của bọn Taliban đã thành công và rằng ngày càng có nhiều quân lính người Pakistan trong các trại huấn luyện của Taliban.
Đài BBC thông báo rằng Mỹ đã ném bom một số trại đó để trả đũa việc Taliban tấn công vào các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi.
Nhưng việc Taliban thường xuyên tấn công đàn ông và phụ nữ Afghanistan dường như lại chẳng khiến người Mỹ quan ngại.
Đài BBC cũng nói rằng thuốc phiện là nguồn lực quan trọng đối với chính quyền Taliban, bọn buôn lậu bị đánh thuế 20% cho mỗi chuyến hàng.
Đất nước chúng tôi đang rơi vào tay những tên tội phạm có tổ chức. Lúc đầu cha luôn động viên chúng tôi. “Hai tuần nữa thôi,” cha nói. “Ba tháng nữa thôi... Sáu tháng nữa các con ạ...”
Bây giờ chúng tôi hỏi, “Bao nhiêu năm nữa đây?”
Tôi nghĩ đến hàng nghìn tên Taliban giờ đây đang lớn lên quanh chúng tôi.
Những cậu bé Afghanistan đáng thương. Đất nước đáng thương. Những cánh diều phấp phới bay từng rất hợp với nơi này.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!