Khuôn Mặt Bị Đánh Cắp Chương 7


Chương 7
Ai nói ở Afghanistan?

Vặn một núm vặn ở đài bán dẫn, chúng tôi bắt phải sóng Đài Sharia: những gì đài này phát ra khiến chúng tôi rùng mình sởn cả gai ốc. Lý luận của Taliban khiến chúng tôi kinh hoàng tột độ. Tước bỏ quyền tự do của người khác là một hình phạt bất công. Thế nên, chặt tay một tên trộm là một hình phạt nhân đạo hơn tống giam nhiều. Bằng cách đó hắn vẫn có thể quay về làm việc, hỗ trợ gia đình. Vậy nếu ngày mai trên các đường phố Kabul, một đứa trẻ phải đi ăn cắp bánh mì ở quầy hàng vì bà mẹ góa của nó không có đàn ông bảo vệ, lại bị cấm đi làm, vì thế bị buộc đi ăn mày, thì bọn Taliban nên chặt đứt tay của ai đây?Thành phố nhìn đâu cũng thấy kẻ cắp. Theo một sắc lệnh của Taliban, kẻ trộm còn là một người dám đổi “tiền afghani mệnh giá nhỏ thành tiền mệnh giá lớn hơn”. Thế thì lỗi của thứ kẻ trộm đặc biệt này là gì? Làm nhẹ bớt những cái túi vốn đã chịu cảnh lạm phát ư? Hay là đã giấu tiền tiết kiệm khỏi những thằng ăn cắp khác?

“Đài phát thanh đường phố”, tên gọi cái xưởng phao tin đồn tích cực của chúng tôi, loan tin rằng Mullah Omar đi đâu cũng mang theo những hòm đựng đầy tiền afghani, tiền rupee Pakistan, và đô la Mỹ. Không ai biết hòm tiền ấy được coi như Kho bạc Nhà nước hay là tiền riêng của ông ta. Nhà nước Taliban không phải là Afghanistan của chúng tôi. Tiểu vương quốc Hồi giáo của chúng chẳng liên quan gì đến đạo Hồi của chúng tôi cả.

 Đài BBC và Đài tiếng nói Hoa Kỳ hiếm khi đưa tin về đất nước chúng tôi những ngày này. Anh Daoud đã nói đúng. Chúng tôi như những con chuột ở dưới một cái hố sâu mà thế giới bên ngoài không thể xuống được. Tuy nhiên, tháng Tám năm 1999, chúng tôi cũng được tin rằng quân đội của Thủ lĩnh Massoud phát động một cuộc tấn công đã đánh lui được Taliban từ bình nguyên Shamali lên phía Bắc Kabul.

Anh Daoud mang theo một tư tưởng định mệnh. “Chừng nào mà thế giới còn không hiểu rằng Taliban có nghĩa là Pakistan, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi tình cảnh này. Người ta đều ủng hộ Pakistan. Thế nên một Mujahidin bị cô lập như Thủ lĩnh Massoud có thể làm được gì? Cảnh nội chiến vĩnh viễn không phải là lối thoát. Không có cách nào thoát khỏi cảnh này - ngoại trừ phải lưu vong.”

Tôi nhớ đến anh trai Wahid của tôi đang sống ở Moskva. Anh kể cho chúng tôi về lễ cưới của anh với một cô gái Nga trẻ, Natasha, diễn ra ngày mồng Một tháng Tư năm 2000. Lại một đám cưới nữa chúng tôi không được tham dự.

Anh Wahid của tôi sẽ chọn đứng về phe nào nếu như cha mẹ tôi không khuyên anh ra nước ngoài? Khi quân Taliban chiếm Kabul, một số người dân đã xem chúng như những vị cứu tinh sẽ mang lại hòa bình cho đất nước chúng tôi, chấm dứt cảnh Kabul bị tàn phá bởi hỏa lực của những phe phái chống đối nổi loạn. Những người đó nghĩ rằng Taliban sẽ tái lập những phép tắc của người Hồi. Liệu anh trai tôi, Wahid, có tin vào điều đó hay không?

Đúng là đạn pháo rocket không còn trút xuống đầu chúng tôi nữa. Nhưng thay vào đó, thành phố lại bị chôn vùi trong sự lặng câm như cái chết. Các công dân ủng hộ Taliban hẳn đã cảm thấy mình bị lừa ngay từ ngày đầu. Họ đã không ngờ được rằng hòa bình có nghĩa là mọi phong tục đều bị hủy bỏ - trống lục lạc và những bài hát, những điệu nhảy trong đám cưới và những cánh diều, cả thú chơi chim bồ câu đã bị cấm ngay bằng hình phạt cắt cổ lũ chim: đây là một sắc lệnh mới.

Đài phát thanh đường phố cho biết - nhưng không biết có đúng không? - rằng chính Mullah Omar cũng khiếp sợ Kabul, vì thế ông ta chỉ sống trong một ngôi nhà được bố vợ ông ta là Bin Laden xây cho ở Kandahar. Trong khi đó Đài Sharia lại nói rằng bây giờ tay Bin Laden này đang đề xuất hỗ trợ tài chính và tiếp tế cho các lò bánh mì ở Kabul, những điều Liên hợp quốc trước đây đã làm.

Khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt đối với Taliban vào cuối năm 1999, vì bọn chúng đã từ chối dẫn độ Bin Laden đến Mỹ, nơi ông ta bị buộc tội khủng bố, Bin Laden đã đáp lại đầy đe dọa: “Các ngươi sẽ phải hứng chịu những trận động đất và những cơn bão táp của Đấng Allah; các ngươi sẽ sửng sốt trước những gì xảy ra với các ngươi.”

Năm 1996, trong một bài giảng của khóa học báo chí của tôi, tôi được biết rằng một ông Bin Laden nào đó đã tài trợ cho các thánh đường. Thánh đường và bánh mì vốn là hai trụ cột của cuộc sống ở Kabul. Đó là lý do Bin Laden trở nên quan trọng đến thế ở đất nước chúng tôi. Không biết tiếp theo ông ta sẽ tài trợ cái gì. Tôi những muốn làm một hình minh họa về Bin Laden trong số sau của tờ báo chúng tôi, tờ Fager, nhưng không thể. Ở Kabul không có một bức chân dung nào của ông ta cả, không hình ảnh nào hết, bởi những thứ này đều bị cấm.

Việc săn tin hay cho tờ báo đặt ra cho chúng tôi nhiều vấn đề. Chị Farida mang về những tin đồn từ các thương nhân ngoài phố. Anh Daoud nghe ngóng những lời xì xầm trong các cửa hàng. Nhưng các chủ đề đáng nói ở thành phố này vào năm 2000 thật hiếm hoi, năm tất cả những nơi khác trên thế giới sẽ ăn mừng. Chúng tôi cũng từng mừng Năm Mới, nhưng Taliban đã coi đây là một việc làm ngoại giáo. Thế thì liệu hoa có là ngoại đạo? Chị Soraya với bộ sưu tập bưu thiếp hoa có tội gì không?

Năm 2000 không mang lại cho tờ báo chúng tôi tin tức gì... ngoại trừ bộ phim Titanic. Phải, Titanic. Số Fager 2000 có được vận may bất ngờ khá ngoại đạo. Anh Daoud mang cho chúng tôi một tấm poster Leonardo DiCaprio. Anh thậm chí còn tìm được một cuốn băng bộ phim này được tuồn vào từ Pakistan. Các cửa hàng bày bán những món đồ lặt vặt ăn theo Titanic ở dưới lòng sông Kabul cạn khô vào mùa hạn hán biến thành một cái chợ như các năm khác.

Chợ đen cuồng lên với Titanic. Phong cách Titanic trở thành mốt ở khắp mọi nơi, nhất là trong các hiệu cắt tóc. Đài Sharia thông báo hai mươi tám thợ cắt tóc đã bị bắt và bị xử phạt vì cắt tóc cho thanh niên theo kiểu Leonardo DiCaprio.

Đầu video và tivi đang mở ầm ầm trong các căn hầm của cư dân Kabul. Người dân nổi loạn bất cứ nơi nào, lúc nào có thể. Suy cho cùng thì tìm đâu ra vũ khí trong thành phố này. Phụ nữ chỉ biết cúi đầu xuống mà đi. Đàn ông thì oằn lưng dưới những nhát roi quất. Nhưng, một cách bí mật và nổi loạn, chúng tôi thưởng thức câu chuyện say đắm của đôi tình nhân trong phim Titanic, và chúng tôi khóc thương cho cái chết của chàng Leonardo giữa những tảng băng trôi nổi ở Đại Tây Dương.

Điều này có vẻ nông nổi kinh khủng, trong khi cuộc sống thường nhật của chúng tôi đáng sợ là thế. Đất nước thì đang chết đói. Dân tị nạn từ nông thôn gom thành đống trong các trại ở biên giới với Pakistan và Iran. Số phụ nữ đi ăn mày tăng lên trên đường phố Kandahar, Kabul, Herat, Mazar-e-Sharif và Jalalabad. Nhưng bọn Taliban không nói gì về tình trạng này. Chúng còn đang mải mê tống các thợ cắt tóc vào tù, vung roi quất đàn ông và trừng phạt phụ nữ. Thế nên, vì các sắc lệnh cấm cả phụ nữ lẫn nam giới không được cười đùa trên đường phố và cấm thanh niên vui chơi, chúng tôi phản kháng lại chính quyền bằng cách khóc thương một chuyện tình ngoại giáo.

Leonardo quả rất đẹp trai. Các cô gái trẻ trong khu nhà tôi khao khát anh khi họ ngắm ảnh anh. Tôi dán ảnh anh vào tờ Fager với cảm giác rằng tôi đang nổi loạn theo cái cách mà chỉ một cô gái hai mươi mới làm như thế, một cô gái hai mươi bị tước mất quyền được học hành, được hiểu biết và được sống.

Cuối cùng, đặc san Titanic đã hoàn thành. Anh Daoud minh họa trang bìa bằng chữ viết tay nghệ thuật của anh. Tôi không biết rằng đây sẽ là số báo tự làm cuối cùng của chúng tôi.

Ngày mồng Một tháng Giêng năm 2001 khởi đầu thật buồn bã. Chúng tôi vẫn sống dưới luật lệ hà khắc của Taliban. Nhưng tấm ảnh cưới in màu của anh Wahid gửi về khiến chúng tôi phấn chấn. Nó đã được chuyển qua tay nhiều sứ giả mất nhiều tháng trời. Anh Wahid vận comlê và đeo cà vạt, cài một bông hoa trắng ở khuyết áo. Cô dâu của anh, trang điểm rất đẹp, mặc một chiếc váy trắng viền đăng ten cổ trễ lộ ra đôi bờ vai trần. Mái tóc vàng của chị búi ra sau và được trùm lên bằng một tấm voan trắng mềm mại. Trông họ thật đẹp đôi. Đằng sau bức ảnh, anh Wahid đề, “Mẹ yêu quý. Con tặng mẹ tấm ảnh cưới này của chúng con.”

Nom anh Wahid thật hạnh phúc. Ở nơi anh sống, không có tên Taliban nào đến phá máy ảnh của anh. Người vợ trẻ của anh không phải liều bị roi quất vì để lộ ra sắc đẹp của mình. Họ được tự do còn chúng tôi bị cầm tù.

Quân Taliban chiếm đóng hầu như toàn bộ đất nước chúng tôi. Nơi này đang là mùa đông. Người Afghanistan phải chạy trốn cái lạnh và cái đói. Anh Daoud kể với chúng tôi rằng cảnh sát Pakistan vòi tiền của tất thảy những người Afghanistan muốn vượt biên, kể cả những người khốn khổ nhất đang phải chạy trốn cái đói.

Người Pakistan muốn hủy diệt chúng tôi và chẳng mấy chốc họ sẽ làm được điều này. Chúng tôi đang bị cô lập hoàn toàn. Taliban đã từ lâu rồi ra lệnh đóng cửa phòng sứ mệnh đặc biệt của Liên hợp quốc tại Kabul. Chúng loại chúng tôi ra khỏi bức tranh thế giới. Cơn ác mộng của chúng tôi sẽ không bao giờ dứt. Đài BBC đã đưa tin công dân bị tàn sát ở vài thành phố bị Taliban chiếm đóng.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tỏ ra lo lắng cho các pho tượng Phật ở Bamiyan, một kỳ công khảo cổ học của Afghanistan, nổi tiếng đến mức trở thành biểu tượng in trên vé máy bay của hãng Hàng không Ariana. Anh Daoud trông thấy chúng ngay trước mắt mình hàng ngày tại quầy thu ngân nơi anh làm việc. Những pho tượng Phật này là niềm tự hào của vùng Hazaradjat hàng thế kỷ nay. Taliban đã hủy hoại các thành tựu nghệ thuật khác của chúng tôi. Chúng sớm khởi sự với bảo tàng nghệ thuật Kabul và các bức bích họa của Behzad, một họa sĩ nổi tiếng người Ba Tư ở thế kỷ XV, sống ở Herat, thành phố do Alexander Đại đế lập nên vào thế kỷ IV trước Công nguyên và thủ đô của vua Timur Mông Cổ. Giờ đến lượt các pho tượng Phật. Dù sao người Anh và người Nga khi ở đây vẫn tôn kính di sản văn hóa giàu có của chúng tôi. Du khách từng đua nhau đến thăm Bamiyan và Herat.

Đài Sharia loan tin rằng theo sắc lệnh mới của Mullah Omar về việc phá hủy tất cả các tượng có trước đạo Hồi, các pho tượng Phật ở Bamiyan sẽ bị phá bỏ.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ phát buổi phỏng vấn một thành viên khả kính của cộng đồng khảo cổ quốc tế, người đang phẫn nộ trước việc phá hủy những hình tượng tầm vóc từ thế kỷ V thuộc về di sản của nhân loại này. Họ cũng phát cuộc phỏng vấn với đại diện của Mullah Omar, người này bào chữa cho hành động phá hủy các thánh tượng, viện cớ rằng đó là thần thánh của những kẻ ngoại đạo Hồi. “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan không tha thứ cho những tượng thần như thế. Những pho tượng này không đại diện cho tín ngưỡng đạo Hồi. Chúng tôi chỉ đang hủy đi những tảng đá mà thôi.”

Trong một chương trình phát thanh khác của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, đại diện của Mullah Omar tuyên bố rằng ông ta không thể khẳng định được các pho tượng Phật này đã bị phá hủy hay chưa. Ông ta gợi ý rằng quân phiến loạn của Liên minh miền Bắc đã đến chỗ các pho tượng Phật trước khi Taliban đến. Sau đó ông ta tuyên bố về quyền được tấn công văn hóa.

Người dân ở Bamiyan biết ai đã phá hủy các pho tượng. Họ đã thấy Taliban nã súng máy vào hai pho tượng khổng lồ và phóng rocket xuống những pho tượng đang náu trong các hang đá đã 15 thế kỷ qua này.

Theo đài BBC, cả thế giới choáng váng trước hành động phá hoại của Taliban. Nó chỉ có thể sánh với việc phá bỏ một Kim tự tháp Ai Cập.

Vé máy bay của Hàng không Ariana, tuy nhiên, vẫn không in lại. Trên chúng giờ vẫn còn in hình các pho tượng Phật của Bamiyan.

 

Tin xấu nhất trên đài BBC vào tháng Hai năm 2001 này là thông tin về chuyến thăm Paris để bàn về các vấn đề nhân quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, Mullah Mohammed Abbas. Đài Sharia vô cùng đắc chí về chuyến thăm chính thức này. Theo phát thanh viên, chuyến đi này đánh dấu việc Pháp trực tiếp thừa nhận Nhà nước Taliban.

Một tên Taliban giữa Paris, quê hương của nhân quyền! Một bộ trưởng “y tế” cấm tiệt phụ nữ không được đến bệnh viện khám bệnh, kẻ đã dám bỏ tù Ủy viên châu Âu về vấn đề nhân quyền năm 1997. Bà Bonino đã đến Kabul nghiên cứu nhu cầu cấp bách của một tổ chức phi chính phủ để tài trợ. Bà bị ngược đãi, bị đánh đập ngay trước mắt một phóng viên nhiếp ảnh nước ngoài cùng đi, và bị thẩm vấn hàng giờ liền trước khi cuối cùng cũng được thả ra. Vậy tên Taliban này có thể lấy quyền gì mà ra nước ngoài bàn về những vấn đề nhân quyền chứ? Mọi người đều biết rằng các trại tị nạn của chúng tôi đang lâm vào tình trạng khó khăn khủng khiếp, hạn hán và thời tiết cũng như các cuộc tấn công liên miên của Taliban, nhất là ở miền Bắc, đã tước hết mọi thứ của những người tị nạn khốn khổ này.

Chị Farida, Soraya và tôi đều giận dữ và phẫn nộ. Lẽ ra người Pháp đã có thể mời một trong những nữ y tá hoặc bác sĩ của chúng tôi, những người đã bị cấm làm việc, và, mỉa mai thay, trước chế độ Taliban chính họ là nòng cốt của bệnh viện và Bộ Y tế của chúng tôi. Họ là những người đã mở các nhà trẻ, và chương trình y tế ở nông thôn không thể thiếu họ. Nhờ nỗ lực của những người phụ nữ ấy mà những phương pháp chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tốt nhất đã được phổ biến. Và thêm vào tất cả điều này, họ đã đảm trách việc cấp cứu phụ khoa. Cử một tên mullah vô học, một con rối của Pakistan, kẻ chẳng biết mô tê gì về y học tới Pháp thay vì những người phụ nữ này quả là bê bối.

Mẹ tôi đã bị đòn mới này hạ gục. Tên Taliban này không chỉ được Ngoại trưởng Pháp đón tiếp, mà còn cả Chủ tịch Quốc hội. Cả nhà tôi bàn về chuyện này với nỗi tức giận không suy giảm. Chúng tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng thẳm sâu trong chúng tôi lại bị đào sâu thêm. Nếu Pháp có thể chính thức đón tiếp một thành viên của Taliban, thì nghĩa là hoạt động tuyên truyền của chúng đã bắt đầu ăn sâu bén rễ ở nước ngoài.

“Người Pháp chưa bao giờ mời lực lượng Kháng chiến đến nước họ. Cũng không cử nhà báo đến tố cáo những chuyện đang diễn ra ở Kabul. Mà giờ đây họ đang tiếp đón một tên Taliban. Đủ lắm rồi,” mẹ nói.

Trong thời gian này, hai phụ nữ Afghanistan bị tuyên cho tội ngoại tình đã bị hành hình tại sân vận động Kabul. Mười người chồng thiếu chung thủy bị roi quất. Còn tại Faisalabad, ở phía Bắc Kabul, một trận động đất đã xảy ra. Những cơn địa chấn lan đến tận Kabul và gây ra nỗi kinh hoàng.

Thi thoảng tôi cho rằng ở Afghanistan chúng tôi biết rõ những trận động đất còn hơn cả bọn Taliban biết về kinh Koran.

Tháng Tư năm 2001. Đài tiếng nói Hoa Kỳ và đài BBC thông báo Thủ lĩnh Ahmed Shah Massoud, thủ lĩnh lực lượng Kháng chiến ở thung lũng Panshir hạ cánh xuống Paris.

Đài phát thanh đường phố, qua phát thanh viên Farida, người luôn ở tâm thông tin, thông báo rằng người dân Kabul đang rất phấn khích, phấn khích đến nỗi người dân công khai mở máy thu thanh bán dẫn ra nghe, vặn to chúng lên hết cỡ. Mà việc này vốn tuyệt đối bị cấm. Khi một tên Taliban cầm chiếc roi công cụ kiểm duyệt đến, thủ phạm nhơn nhơn vặn lại, “Nhưng tôi có mở nhạc đâu. Tôi cũng không nghe đài Iran. Chỉ là tin tức của Đài Sharia.”

Vào những lúc như thế này, một trạng thái rồ dại hồ như vượt qua cả nỗi sợ hãi. Làm sao khác được đây? Paris đang đón tiếp một người Afghanistan, một thành viên lực lượng Kháng chiến. Người dân Kabul hân hoan. Nhưng liệu Paris có nghe ông nói hay không?

Đầu tiên, Đài Sharia phủ nhận hết các thông tin về việc này. “Massoud không đến Paris. Đây hoàn toàn là trò lừa đảo.” Rồi, khi nhận thấy rằng tất cả các đài phát thanh ngoài luồng không nói về một điều gì khác - và biết rằng tất cả chúng tôi vẫn bí mật nghe tin hàng đêm - Taliban liền xoay chuyển sự kiện sang hướng có lợi cho chúng. “Tên phiến loạn đã đến Pháp chỉ để ăn mày vũ khí, hy vọng rằng hắn có thể mang theo một vài món trở về. Nhưng kể cả với vũ khí của Pháp, chúng ta vẫn đánh bại hắn.”

“Tên phiến loạn” này được Ngoại trưởng Pháp tiếp đón, sau đó được mời đến Nghị viện Châu Âu như thể một đại sứ. Trên những bức tường Taliban dựng lên đã có một kẽ hở nhỏ xíu. Nói rằng chúng tôi đang tràn đầy hy vọng thì còn quá sớm. Như mọi người dân Kabul, chúng tôi đang căng tai nghe đài BBC, nhưng thật không may đài này chỉ thông tin cho chúng tôi hết sức vắn tắt. Thủ lĩnh Massoud đã có một phiên họp kéo dài với Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine. Ông cũng nói chuyện với Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, và đề nghị châu Âu cử phái viên đi xác định tình hình nhân quyền thực sự ở Afghanistan và điều tra những hành vi xúc phạm nhân quyền ở đất nước chúng tôi.

Gần như cùng thời gian này, bác sĩ Sima, người đã mở một phòng mổ bí mật ở Kabul, đã gửi cho mẹ một bức điện.

“Chúng tôi đang tìm những phụ nữ có thể đi Paris để nói về tình hình ở Afghanistan. Một tạp chí của Pháp và một hiệp hội ở Pháp muốn bắt đầu một chiến dịch thông tin. Tôi không đi được. Ở đây có quá nhiều việc cần đến tôi. Vì thế, tôi nói phía Pháp liên hệ với chị. Hẳn là nếu cháu Latifa đi được sẽ rất tốt. Cháu có thể nói về những phụ nữ bị áp bức và những lớp học bí mật của chúng ta. Tự đứng ra làm chứng là hình thức phản kháng duy nhất mà chúng ta có lúc này. Còn chị nên đi cùng cháu. Chị là một bác sĩ. Lại là bạn của tôi. Chị cũng không được hành nghề nữa bởi Taliban cấm đoán. Hai mẹ con hãy cùng đi! Điều này quan trọng lắm. Trước tiên, các bạn sẽ gặp những nhà báo của tờ tạp chí tên là Elle rất nổi tiếng. Họ sẽ thu xếp cho các bạn nói chuyện với Nghị viện Châu Âu. Các bạn sẽ gặp những nhân vật có ảnh hưởng, như bà Nicole Fontaine chẳng hạn. Chúng ta phải lợi dụng cơ hội này.”

Tôi muốn đi lắm. Nhưng tôi sợ. Không chỉ bởi tôi chưa từng ra nước ngoài, chưa từng đi máy bay, mà còn bởi từ năm 16 tuổi, tôi đã luôn sống một cuộc đời hết sức khép kín. Sao bác sĩ Sima lại chọn tôi? Bởi không chỉ có chúng tôi, Farida và Maryam, mới mở lớp học bí mật.

Mặc dù luôn mệt mỏi và đến giờ vẫn đau ốm, mẹ vẫn muốn chúng tôi đi.

“Bác sĩ Sima nói đúng,” mẹ nói. “Cần phải cho người phương Tây biết rằng các nữ bác sĩ bị buộc phải ở nhà và không thể làm gì cho người ốm.”

Chị Soraya cũng ủng hộ chuyện này. “Nghe này, Latifa,” chị nói, “cuộc sống thật khốn đốn. Nếu như điều này có thể mang lại sự thay đổi nào đó... Em sẽ được gặp những nhân vật quan trọng. Bác sĩ Sima nói thế mà.”

Cha tôi thì hoàn toàn đồng ý. Cha nhận thấy tầm quan trọng của việc gửi đi những nhân chứng về tình cảnh của chúng tôi. Nhưng cha rất phân vân trong những vấn đề thực tế. Cha cần phải đi hộ tống chúng tôi, bởi chúng tôi cần một mahram có hộ chiếu mới có thể du hành. Mặt khác, cha rất lo phải để anh Daoud ở nhà cùng vợ và chị Soraya.

“An toàn của gia đình là cả một vấn đề. Nếu bọn Taliban hay biết về chuyến đi trong khi gia đình ta nửa ở Paris, nửa ở Kabul, thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị chia lìa mãi mãi. Đây quả là một tình huống nguy hiểm.”

Nhưng quyết định cuối cùng đã được đưa ra. Mẹ, cha và tôi sẽ đi, cùng một phụ nữ trẻ khác cũng mở lớp học bí mật, Diba. Một người anh họ của Diba sẽ mang theo hộ chiếu của anh để hộ tống cô ấy đến Islamabad.

Chuyến đi được tổ chức khẩn trương. Chúng tôi sẽ bắt một xe buýt nhỏ đến Peshawar. Các visa vào Pakistan của chúng tôi vẫn còn thời hạn bởi mới đây chúng tôi đã đến đó lần thứ hai để khám bệnh cho mẹ.

Năm giờ sáng ngày 28 tháng Tư, xe taxi đợi chúng tôi bên ngoài tòa nhà để đưa chúng tôi ra bến xe buýt kịp giờ. Diba và anh họ cô ấy sẽ nhập hội với chúng tôi ở Pakistan; họ còn phải thu xếp vấn đề hộ chiếu và visa.

Trên danh nghĩa thì chúng tôi đưa mẹ đi Pakistan khám bệnh, cũng như lần trước. Để anh Daoud, chị Marie và Soraya, mắt đẫm lệ, ở lại trong nhà tù Kabul quả là việc rất khó khăn. Chuyến đi cũng không dễ dàng gì. Lần này nỗi sợ bị bắt phải quay về hoặc bị chặn lại vô cớ còn lớn hơn những lần trước, bởi chúng tôi có một đích đến xa xôi và bí mật. Tất nhiên chúng tôi không mang theo thứ gì để lộ ra mục đích này. Những chỉ dẫn thật đơn giản: chúng tôi phải đến Peshawar, sau đó đến Islamabad và khi đã vào đến thủ đô, chúng tôi phải liên lạc với Đại sứ quán Afghanistan tại Paris bằng điện thoại. Người ta sẽ bảo chúng tôi phải đến đâu lấy vé máy bay đã trả trước. Rồi chúng tôi đến Đại sứ quán Pháp tại Islamabad để lấy visa đi Pháp. Cuối cùng, nếu mọi việc trôi chảy, chúng tôi sẽ bắt một chuyến bay từ các Tiểu vương quốc Ả Rập dừng Dubai trên đường đến Paris.

Khi qua biên giới, tim tôi thót lại. Chúng tôi phải đợi suốt bốn mươi lăm phút đồng hồ. Đám Pakistan đang bắt tất cả những hành khách người Hazar trên chiếc xe buýt nhỏ ở phía trước xuống xe và chỉ một lúc sau chúng mới cho họ đi qua. Chúng tôi liền đi theo.

Khi đã qua biên giới, chúng tôi lại trèo lên xe và chạy đến Peshawar, đăng ký khách sạn một đêm. Tôi không biết anh họ của Diba xoay xở giấy tờ thế nào mà nhanh đến vậy, nhưng họ đã gặp chúng tôi đúng lúc để khởi hành.

Tôi phải gọi điện cho Đại sứ quán Afghanistan ở Paris. Số điện thoại ghi trên một mảnh giấy nhỏ. Người trả lời điện thoại tỏ ra thận trọng. Cô ta nói không rõ ràng, dùng những từ ngữ chung chung, hỏi tôi là ai và liệu có ai khác ở đó không... Cô ta bảo tôi ngày mai sẽ gọi lại. Tôi có cảm giác họ đang kiểm tra nhân dạng của chúng tôi để phòng cuộc điện thoại này bị giám sát và bị nghe trộm. Tôi gác máy và chúng tôi chờ đợi.

Ngày hôm sau, chúng tôi nhận được câu trả lời rõ ràng.

“Các cô có thể đi tiếp. Hãy ghi lại tên đại lý du lịch này, địa chỉ và số vé máy bay. Họ đang chờ các cô.”

Đường đến Islamabad mất ba tiếng đồng hồ. Tôi chẳng biết tí gì về thủ đô của Pakistan, nhưng tôi không có đầu óc nào mà thăm thú. Đối với tôi, cuộc mạo hiểm này lớn đến nỗi trong tôi ngập đầy cả hai cảm giác đề phòng và sợ hãi.

Rắc rối đầu tiên là người ở đại lý du lịch ngạc nhiên nhìn những số vé máy bay của chúng tôi. “Những số vé này sai rồi. Không có vé đặt trước nào mang những số này cả.”

Chúng tôi rời khỏi đó càng thêm phần lo lắng. Nếu tất cả những chuyện này là một cái bẫy hoặc một cách khác để xác minh nhân dạng thì sao? Tôi không biết nữa. Tôi phải gọi đến Paris để được giải thích.

“Xin lỗi,” người phụ nữ lầm bầm. “Tôi đọc sai số vé cho cô. Chỉ là lầm lẫn thôi. Giờ cô hãy ghi những số vé này nhé.”

Lần này, khi đến đại lý du lịch, chúng tôi đã cầm được vé về. Bước tiếp theo là lấy visa ở Đại sứ quán Pháp. Khi đến đại sứ quán, chúng tôi sửng sốt thấy quá nhiều người đang xếp hàng đợi. Làm sao để tìm được đường vào đây?

Tôi chặn một nhân viên bảo vệ lại và nói với anh ta bằng tiếng Pakistan. Anh ta bảo chúng tôi phải hẹn trước. Thế là tôi lại tìm một bảo vệ khác ở trước cửa Đại sứ quán và nói tiếng Anh với anh ta. “Tôi cần gặp ai đó trong Sứ quán.”

Anh ta có vẻ hiểu ngay lập tức. “Vâng, có người đang đợi gặp cô. Cô có hẹn trước. Cô có thể vào.” Người này dẫn đường cho chúng tôi. Anh ta nói với một người nào đó rồi qua điện thoại thông báo cho chúng tôi vào. Vài phút sau, chúng tôi đã vào trong văn phòng của một người Pháp, 632b ng này ngạc nhiên đếm số người. Ông ta nói tiếng Anh với anh họ của Diba, anh này nói tốt hơn tôi, nhưng tôi hiểu họ đang nói gì.

“Các anh có năm người. Nhưng chỉ bốn người sẽ đi. Sao lại thêm một người thế này? Không ai báo trước cho tôi cả.”

“Tôi không đi, thưa ông. Tôi chỉ đưa em gái tôi đến đây thôi.”

Yên tâm rồi, người Pháp trao cho chúng tôi vài tờ đơn xin cấp visa để điền vào. “Không phải điền hết các mục đâu. Chỉ cần điền những mục cần thiết nhất. Các anh chị sẽ ở Pháp bao lâu?”

“Một tuần. Mười ngày có lẽ tốt hơn.”

Vài phút sau, chúng tôi đã có những tấm visa đi Pháp trong tay. Những người bên ngoài sẽ phải chờ ít nhất một tháng. Quả là bội phần hiếm hoi khi xin được cả bốn visa cùng một lúc như thế này.

Người đàn ông lịch sự tạm biệt và chúc chúng tôi thượng lộ bình an.

Chúng tôi đã vượt qua chướng ngại vật đầu tiên. Trở ngại thứ hai xảy ra ở sân bay Islamabad. Anh họ Diba chia tay chúng tôi. Chúng tôi phải đi làm thủ tục bay và đến buồng kiểm tra hộ chiếu.

Viên cảnh sát nhìn chúng tôi một cách lạ lùng. Tim tôi thót lại.

“Lạ quá,” anh ta nói. “Hai hộ chiếu và bốn visa. Thế là thế nào? Làm sao lại xin những visa này được? Thật lạ là Đại sứ quán Pháp lại cấp bốn visa như thế này...”

Chúng tôi đã có sẵn câu trả lời. “Chúng tôi đi gặp một số phụ nữ trẻ Afghanistan ở Pháp. Người này là cha tôi. Ông ấy hộ tống chúng tôi.”

“Những phụ nữ trẻ Afghanistan nào? Sao lại phải đi gặp? Giải thích rõ mọi chuyện xem nào. Các chị có quan hệ gì với những phụ nữ trẻ đó?”

“Đó là một tổ chức của phụ nữ trẻ Afghanistan. Cha tôi đi hộ tống chúng tôi.”

Anh ta dướn mày và đi tìm ai đó. Tôi sợ rằng anh ta sẽ lục soát hành lý của chúng tôi và tìm thấy những chiếc áo burqa. Chúng sẽ là bằng chứng cho thấy chúng tôi từ Afghanistan đến. Chúng tôi đã phải mặc chúng trước khi qua biên giới Afghanistan và phải giữ chúng lại để mặc khi trở về. Trước mặt chúng tôi đã có một số phụ nữ trẻ bị bắt quay về vì thế rồi. Nếu viên cảnh sát phát hiện ra thì thật không may. Tôi sẽ bảo rằng chúng tôi thường mặc chúng, nhưng nếu muốn anh ta có thể giữ chúng lại.

Tôi nhìn quanh để tìm người có thể giúp đỡ. Ai cũng được. Có một người đàn ông mặc đồng phục sân bay cách chúng tôi không bao xa và tôi rụt rè nói với ông ta. “Bác làm ơn giúp cháu, đây là chuyến đi đầu tiên của cháu. Bác đáng tuổi cha cháu... Bác có thể nói với anh cảnh sát kia đừng gây khó dễ với chúng cháu được không ạ?”

“Để bác đến xem sao. Gã này có thể là một kẻ sách nhiễu thực sự đấy.”

Ông ta đến nói chuyện với viên cảnh sát lúc này đang cãi cọ với một viên khác ở cách đó một chút. Trong lúc họ tranh cãi, một hành khách nói với cha tôi, “Gã đó chỉ muốn tiền thôi.”

Cha tôi giữ lập trường thường thấy của mình. “Tôi không đưa. Tôi chẳng có tiền nong gì cả. Tôi chẳng có gì cho anh ta. Nếu anh ta không muốn cho chúng tôi đi, chúng tôi sẽ không đi nữa.”

Người phục vụ sân bay quay lại cùng viên cảnh sát và chỉ vào tôi một cách dịu dàng. “Nhìn cô bé xem. Cho cô bé đi đi. Cô ấy có hại gì chứ? Cô ấy còn trẻ. Cô ấy như con gái tôi vậy. Để cô bé đi.”

Viên cảnh sát trả lại hộ chiếu và visa cho chúng tôi. Giờ chúng tôi có thể đi qua thanh chắn, nhưng cha chốc chốc quay lại nhìn viên cảnh sát vẫn nhìn theo chúng tôi bằng ánh mắt rất khó chịu. Tôi quay lưng lại với gã để ngăn nỗi lo lại.

Lúc này cha lại trấn an chúng tôi. “Đừng lo. Giấy tờ của chúng ta hoàn toàn hợp lệ. Mọi thứ đều hợp lệ. Gã không làm gì được đâu.”

Một tiếng đồng hồ chờ đợi trong khi đôi mắt của viên cảnh sát đó cứ dán lên chúng tôi là cả một thời gian dài. Gã có vẻ đang lập mưu bắt chúng tôi quay lại.

Cuối cùng chúng tôi cũng được vào phòng chờ lên máy bay. Chúng tôi yên tâm trông thấy. Trong này có một nhà hàng và khu vệ sinh. Chúng tôi uống một chút trà trong lúc Diba đi rửa ráy và chỉnh đốn trang phục.

Tôi vẫn để mắt đến mẹ. Thực ra mọi suy nghĩ của tôi đều dồn vào mẹ. Tôi chỉ hy vọng rằng chuyến đi căng thẳng này sẽ không rút cạn sức lực của mẹ tôi.

Người ta thông báo chuyến bay chuẩn bị cất cánh. Một xe buýt đợi chúng tôi trên đường nhựa phủ đá dăm. Vẫn còn một khoảng cách phải vượt qua dưới bầu trời Pakistan khiến chúng tôi hết sức căng thẳng. Chừng nào máy bay còn chưa cất cánh, tôi vẫn còn khiếp sợ. Thực ra kể cả lúc đợi máy bay cất cánh, nỗi sợ của tôi vẫn không tiêu tan. Một cảm giác chóng mặt xâm chiếm lấy tôi. Đầu óc tôi quay cuồng trong lúc động cơ gầm lên. Tôi cảm thấy trong người rất yếu.

Chỗ ngồi của chúng tôi ở bên lối đi giữa và tôi tự nhủ thế còn hơn. Tôi thậm chí còn không muốn nhìn Pakistan từ trên cao nữa. Tất cả những gì tôi muốn nghĩ là về việc chúng tôi đang trên đường bay đến Dubai, rồi sau đó đến Paris mà thôi.

Chặng nghỉ chân ở Dubai thật rùng rợn. Tất cả hành khách đã trở lại máy bay còn chúng tôi vẫn phải đứng chờ một cảnh vệ thận trọng kiểm tra giấy tờ. “Mấy người này. Hãy đứng sang một bên. Đợi đằng kia.”

Chúng tôi đợi. Chúng tôi nhìn các hành khách xếp hàng vào máy bay và mọi chuyện khởi sự lại từ đầu. Người ta bảo tôi gọi điện đến Đại sứ quán Pháp. Nhưng vì điều đó không hợp lý, nên tôi phản đối. Rốt cục tôi cũng gọi, nhưng chỉ nói rằng tôi không biết liệu có rời Dubai được hay không.

Mẹ nhắc lại cho tôi những gì phải nói lúc này nếu bị thẩm vấn. “Chúng tôi đang đi Paris để chữa bệnh cho mẹ tôi.”

Viên cảnh sát nhìn chằm chằm vào tôi, nom mặt gã lạnh te.

“Giấy tờ khám bệnh đâu?”

“Trong hành lý của chúng tôi, trên boong máy bay.”

“Các chị định khám bác sĩ nào?”

“Chúng tôi vẫn chưa biết.”

“Sao lại thế được? Chị không quen ai ở đó à? Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của chị. Không có dấu nào khác trong hộ chiếu cả. Trên tấm hộ chiếu này cũng không thấy khai báo nghề nghiệp của bố chị. Các chị đã xoay xở ra sao để mua được vé máy bay chứ?”

“Chúng tôi đã bán nhà để đưa mẹ tôi đi chữa bệnh.”

“Các chị bán nhà rồi à? Thế nghĩa là các chị không định quay về nước?”

“Đương nhiên chúng tôi sẽ quay về. Nếu chúng tôi bỏ đi hẳn, chúng tôi phải mang theo mọi đồ đạc chứ. Nhưng chúng tôi chỉ mang quần áo đủ mặc một tuần trong hành lý thôi.”

“Thế các chị có tiền để trả phí khám bệnh chứ?”

“Cha tôi có 400 đô la và một ít rupee Pakistan.”

“Thế lỡ các chị hết tiền thì sao?”

“Cha tôi sẽ gửi thêm từ Pakistan.”

Gã đếm số tiền chúng tôi đưa cho gã. “Cứ đứng chờ ở đây. Tôi chả hiểu gì về chuyện này hết. Visa này lạ quá.”

Chỉ còn một người đàn ông Nhật và chúng tôi ở lại. Một viên cảnh sát khác xuất hiện và tôi lại phải nhắc lại những gì đã nói. Anh ta đi gọi điện cho ai đó, tôi không biết là ai, và khi quay lại, anh ta nói, “Đi đi. Mấy người đi được rồi.”

Khi máy bay cất cánh để bay đến Paris, tôi sụp xuống chỗ ngồi của mình. Tôi không cho phép mình mường tượng chuyến trở về sẽ ra sao.

 

Ở Paris, mọi việc quả đơn giản. Có một người đang đợi chúng tôi. Ông ấy là đại biện lâm thời của Đại sứ quán. Ông giới thiệu những người Pháp đã tổ chức chuyến đi cho chúng tôi: bà Marie-Francoise và bà Catherine của tạp chí Elle; bà Chékéba, chủ tịch Liên hiệp Afghanistan Tự do, sẽ hướng dẫn và phiên dịch cho chúng tôi; và bà Myriam, tháp tùng bà Chékéba.

Mẹ đã biết ba từ tiếng Pháp. Mẹ nói được từ “Bonjour”. Tôi thậm chí còn không biết nói từ đó như thế nào. Bà Chékéba giải thích rằng vì những lý do an ninh nên không có người quay phim hay nhiếp ảnh gia nào ở sân bay cả. Cả ba người chúng tôi sẽ phải hoạt động dưới những cái tên giả. Từ giờ trở đi, tôi sẽ là Latifa. Đó sẽ là cái tên tôi dùng để ký lời chứng của mình.

Hình ảnh đầu tiên về Paris của chúng tôi, khi rời khỏi sân bay, là những tòa nhà cao ngất, cao hơn bất cứ tòa nhà nào tôi đã thấy, ngoại trừ trong phim. Sau đó là tháp Eiffel. Tôi đã hình dung về một Paris hoa lệ và nó đúng là như thế.

Chúng tôi rơi vào một cơn lốc hành động: đầu tiên đến khách sạn, sau đó là tham gia một chương trình truyền hình. Người ta nói cho tôi yên tâm rằng khuôn mặt tôi trên màn hình sẽ được làm nhòe và không thể nhận diện được. Thoạt đầu tôi tỏ ra rụt rè, khi bà Chékéba phiên dịch các câu trả lời phỏng vấn của tôi.

Ngày hôm sau, chúng tôi bắt tàu hỏa đến Nghị viện Châu Âu ở Brussels. Mẹ, Diba và tôi trở thành đại sứ cho đất nước khốn khổ của mình.

Bà Chékéba kể cho tôi nghe về chuyến thăm Paris của Thủ lĩnh Massoud. Về chuyến thăm này bà biết rõ hơn tôi nhiều. Hình như ông đã yêu cầu được Bộ Ngoại giao viện trợ nhân đạo và chỉ xin được viện trợ tượng trưng. Không có hứa hẹn gì về viện trợ trực tiếp cả. Tại Strasbourg, nơi ông gặp Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Nicole Fontaine, ông không yêu cầu được hỗ trợ vũ khí cũng như trợ giúp quân sự nước ngoài ở Afghanistan, mà đề nghị Pháp ủng hộ lực lượng Kháng chiến chống lại chính quyền Taliban, để ngăn không cho Taliban đàm phán về thỏa thuận hòa bình và đạt đến ổn định chính trị. Về phần mình, bà Nicole Fontaine coi Thủ lĩnh Massoud là một nhà đàm phán thích hợp nhất để tiến tới tiến trình hòa bình.

Sau đó Thủ lĩnh Massoud đến Brussels để gặp Javier Solana, đại diện cấp cao nhất của châu Âu về đối ngoại.

Bà Chékéba kể với tôi rằng sự viện trợ mà Thủ lĩnh khó khăn lắm mới có được là rất nhỏ, nhưng bà lại nói rằng có một tờ báo, tờ Người đưa tin Quốc tế, đã công bố một lời kêu gọi có chữ ký của ông, trong đó ông giải thích rõ vấn đề biên giới nan giải giữa Pakistan và Afghanistan, nói về sự leo thang của sức mạnh Pakistan ở khu vực này và những mưu đồ của họ đối với Afghanistan, mong muốn biến Afghanistan thành một nước chư hầu để họ thẳng đường tiến đến Trung Á.

Bà Chékéba cho tôi xem vài đoạn trích trong văn bản đó của Thủ lĩnh Massoud:

 

Taliban đã tàn sát hàng nghìn người căn cứ vào thành phần dân tộc và tôn giáo của họ. Đây là hành động thanh trừng sắc tộc trên quy mô lớn... Afghanistan đang đối mặt với một thảm kịch có thể gây ra một đám cháy lớn trong khu vực, nhất là khi người Pakistan và Taliban duy trì và hình thành cả một tổ chức khủng bố ngầm đe dọa đến các quốc gia láng giềng. Tôi đã hy vọng rằng sau khi chiến thắng Cộng sản, chúng tôi sẽ nhận được sự biết ơn nào đó, và sẽ có viện trợ đến bù đắp những tổn thất của chúng tôi. Bất hạnh thay, Pakistan đã đánh chúng tôi từ sau lưng, Washington lại đặt lòng tin vào Islamabad, còn châu Âu lựa chọn thái độ dửng dưng. Để chấm dứt tấn bi kịch này, cộng đồng quốc tế có thể một mặt tăng viện trợ nhân đạo cho nhân dân Afghanistan, mặt khác, có thể gây sức ép với Pakistan để ngăn chặn nước này nhúng tay vào các vụ việc của Afghanistan.

 

Trong lúc những người đàn ông nói về chính trị, mẹ, Diba và tôi chỉ có thể nói đến phụ nữ, những người bị áp bức phải sống không có tiếng nói và quyền lợi, những nạn nhân dành sẵn cho sự thanh lọc có hệ thống. Không bao giờ còn được làm việc, được học tập và được mọi người trông thấy. Phải trở thành góa bụa và ăn mày ở đất nước chúng tôi, nơi đàn ông đã tiêu hao đi qua hai mươi năm chiến tranh, đã chết hoặc tàn tật, hoặc phải lưu vong, và không còn vũ khí để chống lại Taliban nữa.

Một ngày nào đó, ai mà biết được, hành động thanh lọc này sẽ đạt đến cao trào và chúng tôi, tất thảy, sẽ trở thành những phụ nữ phải hứng chịu sự suy đồi sau chót của một đất nước có thời cổ kính và đáng tự hào là thế: sẽ trở thành những bà mẹ buộc phải sinh con trai cho những tên Taliban. Thế nên cả ba chúng tôi phải đấu tranh để lên tiếng rằng chúng tôi không chịu đánh mất nhân phẩm của mình theo cách này, chúng tôi muốn mang về từ nước Pháp sự tự do tôi chưa từng thấy trong hai mươi năm tôi đã sống. Chúng tôi là một dân tộc đáng tự hào. Đất nước chúng tôi vốn giàu truyền thống lịch sử. Tôi muốn giúp mang lại sự tự do mà nó đáng được hưởng.

Bà Chékéba và nhóm nhỏ mặc burqa chúng tôi đến gặp những yếu nhân như bà Nicole Fontaine, Raymond Forni tại Quốc hội, và Christian Poncelet ở Thượng nghị viện, gặp ngài Josselin, thứ trưởng phụ trách hợp tác.

Cha mẹ tôi, Diba và tôi đến Paris ngày mồng Hai tháng Năm năm 2001. Chúng tôi định rời khỏi đó 10 ngày sau, nhưng những chuyến thăm “sứ giả” của chúng tôi đã kéo dài hơn dự định, và chúng tôi phải xin gia hạn visa của mình.

 

Nhưng đến cuối tháng Năm thì tôi dường như phát điên. Nếu tôi không gặp được các nhà báo của tạp chí Elle, nếu tôi không nhìn thấy họ khóc, thấy họ biểu tình dọc theo các đường phố, thấy họ ủng hộ chúng tôi, yêu mến chúng tôi, thì tôi sẽ hầu như lấy làm tiếc cho cái sứ mệnh đại sứ mà chúng tôi đảm nhận này. Tôi có cảm giác sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Cha tôi, lúc nào cũng lạc quan, không ngừng nhắc đến chuyện chúng tôi đã gặp may biết bao, khi được đến thăm nước Pháp, được gặp tất cả những con người này. Thêm vào đó, cha nói, ngôn từ sẽ không bao giờ biến mất trong sa mạc. Một ngày nào đó chúng sẽ bén rễ và nở hoa.

“Chuyến đi đến Pháp của con không phải vô ích đâu,” cha nói với tôi. “Hãy tin cha. Phụ nữ luôn lắng nghe nhau. Lời chứng của con sẽ khiến những người ở đây hiểu được những gì bọn Taliban áp đặt lên chúng ta. Coi phụ nữ không là gì cả. Nếu một tên Taliban nói với một phụ nữ rằng cô ấy chỉ là con số không và hắn là tất cả, ấy là bởi vì hắn ngu dốt. Đàn ông được sinh ra từ phụ nữ. Ngay cả những vị thánh vẫn có một người mẹ, cả thế giới này được sinh ra từ phụ nữ. Con hãy nhớ lấy câu tục ngữ của Afghanistan ta: ‘Nếu ngọc trai bảo được con trai rằng nó làm tất cả và con trai chẳng là gì cả, thì cá cũng có thể bảo ông trời ngừng mưa.’ ”

Vào ngày cuối tháng Năm, có một bức fax anh Daoud gửi cho chúng tôi ở Đại sứ quán. Anh đã đi tận Pakistan để gửi nó. Anh cảnh báo chúng tôi rằng Taliban đã ban hành một fatwa(1) nhằm vào tất cả những phụ nữ dám tố cáo chế độ. Khi quay về Kabul, anh tôi được biết bọn Taliban đã đập phá căn hộ của chúng tôi. Anh không đi xem xét căn hộ. Thực ra hàng xóm đã báo cho anh tôi biết rằng bọn Taliban đã chuyển đến đấy ở.

Giờ thì chúng tôi mất tất cả. Tất thảy những kỷ niệm của chúng tôi, những bức ảnh gia đình, những bức tranh bác tôi vẽ được mẹ cất giấu cẩn thận là thế. Không còn lại gì về gia đình chúng tôi ở khu Mikrorayan.

Đôi mắt cha mẹ tôi, nhìn như dán vào sự trống rỗng giờ là quá khứ của chúng tôi, khiến tim tôi nhức nhối. Tôi cảm thấy mình có tội. Chúng tôi không thể trở về Kabul nữa.

Một nhân viên sứ quán đã xác nhận cái thảm họa này.

“Chúng ban bố một fatwa chống lại các bạn mà thậm chí không biết các bạn là ai. Chúng nói rằng những phụ nữ đang ở Pháp này chỉ nói những điều dối trá và nếu họ quay về, họ sẽ bị giết. Văn bản được truyền khắp trên Internet.”

Cứ nghĩ về mọi hiểm nguy mà chúng tôi đã đánh liều để đến đây! Lần này thì chính cha tôi cũng phải nản lòng.

“Tất nhiên là con được tiếp đón tử tế ở Pháp,” giờ cha thừa nhận, “nhưng việc này dẫn đến kết quả tốt đẹp nào đây?”

Tôi mất tự chủ. Từ giờ trở đi, cuộc sống sẽ là vất vưởng khắp nơi để xin làm mới visa, để tìm chỗ ở cùng với những người tị nạn khác. Những câu hỏi không có lời đáp quay vòng trong đầu chúng tôi. Tôi ở đây, đang sống? Nhưng tôi sẽ trở thành ai đây? Tôi đang ở một đất nước nơi tôi không biết nói ngôn ngữ của họ. Mẹ đã lạc lối hoàn toàn, lặng câm trong cái thế giới của những nỗi đau và bất hạnh. Cha mất hết tất cả. Hai người con của cha đang ở Pakistan; một người nữa ở Nga; một người ở Mỹ. Cả gia đình bị tan đàn xẻ nghé, bị phân ly. Tôi là người con duy nhất ở bên họ, cô con gái út của họ. Tôi có thể tiếp tục việc học của mình như thế nào đây? Chúng tôi sẽ sống ở đâu? Sẽ bắt đầu ra sao? Và bắt đầu cái gì?

Nhưng tương lai sẽ chứng minh rằng chúng tôi không đơn độc. Chúng tôi có được sự bảo trợ của cộng đồng người Afghanistan, đại sứ quán của chúng tôi, và cố nhiên, cả những người bạn nhà báo đã lo giúp chúng tôi khâu giấy tờ và nơi ăn chốn ở.

Tôi được tạo cơ hội viết một cuốn sách - hy vọng được giải thích vì sao và làm thế nào tôi đã đến nơi mình đang ở hôm nay.

Tôi. Một cô gái trẻ đến từ Kabul, được học hành dưới thời Liên Xô đóng quân, rồi đến thời các chính quyền Cộng sản kế tiếp nhau cầm quyền qua bốn năm nội chiến, trước khi bị một chính quyền tàn ác cầm tù, và thấy cuộc sống của mình bị tịch thu năm 16 tuổi.

Những người Afganistan khác vẫn đang sống trong cảnh chiến tranh ở đất nước tôi. Dân tị nạn ở vùng biên giới của các nước giáp Afghanistan còn đau khổ hơn tôi nhiều. Tôi biết rõ điều đó. Tôi còn làm được gì nữa ngoài kể ra đây câu chuyện cuộc đời tôi với tư cách một nữ công dân của một Kabul vốn chẳng còn lại gì ngoài những đống đổ nát?

Ngày 10 tháng Chín năm 2001. Thủ lĩnh Massoud tại nơi trú ẩn của mình ở thung lũng Panshir đã trở thành nạn nhân của những kẻ sát nhân liều chết giả trang nhà báo. Không ai biết ông còn sống hay đã chết.

Ngày 11 tháng Chín. Ngay giữa trung tâm nước Mỹ bị tấn công.

Ngày 13 tháng Chín. Cái chết của Ahmed Shah Massoud được thông báo.

Ngày 7 tháng Mười. Quân của Mỹ và Đồng minh tuyên chiến chống lại Taliban.

Tôi viết xong câu chuyện khiêm nhường của mình vào giờ khắc súng ống bắt đầu lên tiếng ở quê hương tôi. Chúng vẫn luôn như vậy.

Azadi nghĩa là tự do trong ngôn ngữ của chúng tôi. Nhưng ai sẽ nói tiếng Afghanistan đây?

Tôi không biết nữa.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27227


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận