Kim Kiếm Lệnh
Tác giả: Đông Phương Ngọc
Đà Giang Tử dịch
Hồi 5
Chính Nghĩa chi kiếm
Nguồn: kiếm hiệp thư quán
Đêm ấy, Vệ Thiên Tường trằn trọc mãi không ngủ được. Hết quay bên này lại ngã bên kia, muốn nhắm mắt quên cả mọi việc nhưng trong lòng còn ngổn ngang trăm mối.
Mỗi lần nhắm mắt, chàng nhớ lại giọng nói ấm ấm và hiền hòa của Cổ thúc thúc lúc ông thận trọng trao cho mình chiếc bọc vải vàng. Chàng hình dung được nét ủ dột trên mặt ông khi mình gạn hỏi thân thế và cha mẹ mình.
Phải chăng có điều cản trở khó nói, hay có điều gì vô cùng bí mật không tiện nói ra.
Vệ Thiên Tường nhớ mãi câu nói của ông :
- Nếu kẻ nào chỉ học được một tuyệt nghẹ của một người trong sáu chúng ta, người ấy cũng đủ sức làm rạng rỡ tên tuổi trong chốn giang hồ, được võ lâm đồng đạo vị nể. Nhưng Tường nhi, đối với con, học như vậy vẫn chưa đủ, con còn phải tìm cho được danh sư để khổ công đào luyện nhiều năm dài tháng rộng nữa mới được.
Ông nhấn mạnh ở điểm này :
- Tường nhi, lúc nào cũng phải nhớ kỹ. Gói vải này đối với con và võ lâm có tầm quan hệ vô cùng trọng đại. Cổ thúc thúc dặn con câu này, phải luôn luôn ghi tạc vào lòng đừng xao lãng: chừng nào võ công của con tiến bộ bằng mười lần bây giờ, con mới có thể mở gói này ra xem được. Nếu võ công con chưa đạt đến trình độ đó, không được mở ra xem. Và con cũng không bao giờ đem chuyện này nói với bất cứ một kẻ nào khác.
Chàng còn nhớ rõ :
- Cho đến ngày nay Cổ thúc thúc cũng có nhiều điều chưa rõ lắm. Chừng nào gặp được con người bí mật trên núi Nhạn Đãng, sẽ biết được nhiều điều mới lạ hơn. Nếu con đi cùng ta, người khác sẽ chú ý đến chúng ta.
Sau khi hồi tưởng lại những lời nói đó, Vệ Thiên Tường phân vân tự hỏi :
- “Võ công của sáu vị thúc thúc không phải tầm thường. Cổ thúc thúc đã nói chỉ cần bản lãnh của một người cũng đủ vang danh thiên hạ! Ta đã học hết tuyệt kỹ của sáu vị. Tại sao lại cần phải học thêm nhiều hơn nữa, mười lần cao hơn mức hiện nay mới đủ. Vì sao phải như vậy nhỉ?”
Ngoài ra, gói vải màu vàng nhỏ này có quan hệ gì to lớn trong võ lâm?
Tại sao phải học cao đến mười lần hiện nay mới mở ra xem được?
Vì sao thân thế của mình có liên quan đến cuộc gặp gỡ ngày trùng cửu trên núi Nhạn Đãng?
Tại sao cùng đi với mình, Cổ thúc thúc sợ thiên hạ để ý?
Vì sao?
Thế là nghĩa lý gì?
Bao nhiêu câu hỏi thắc mắc quay cuồng mãi trong đầu óc Vệ Thiên Tường. Kể từ ngày chàng phải xa rời gia đình, cha mẹ, từ ngày ấu thơ phải trải qua bao liền biến cố, thay đổi nơi trú ngụ hàng bao nhiêu bận rồi, song bao nhiêu vấn đề ấy vẫn chưa tìm ra ánh sáng.
Đêm nay là đêm cuối cùng trú ngụ nơi này cùng Cổ thúc thúc. Vệ Thiên Tường càng thêm thắc mắc về thân thế của mình. Chàng nghĩ rằng Cổ thúc là con người duy nhất hiểu rõ lai lịch mình, tại sao ông cứ cố tình che đậy mãi không chịu nói ra?
Nghĩ đến đó, Vệ Thiên Tường vùng ngồi dậy. Chàng quyết tâm thức suốt đêm không ngủ, chờ đến mai, năn nỉ Cổ thúc thúc, khẩi nài ông thương tình tiết lộ chút ít cho mình nghe.
Không bao lâu gà đã gáy tan. Ánh hồng đã ló dạng nơi phương Đông. Bình minh đã đến. Đây là một buổi bình minh của một ngày đáng ghi nhớ trong đời Vệ Thiên Tường, vì bắt đầu từ hôm nay chàng phải một thân một bóng dấn bước giang hồ, đi vào cuộc sống đầy chông gai cạm bẫy.
Vệ Thiên Tường mở cửa xuống bếp rửa mặt qua loa rồi chạy lên phòng Cổ thúc thúc.
Cửa phòng mở rộng, gió lộng bốn bề, Cổ thúc thúc đã dậy rồi sao?
Một ý nghĩ khiến Vệ Thiên Tường chợt tỉnh chàng hoảng hốt gọi :
- Cổ thúc thúc! Cổ thúc thúc!
Vừa gọi vừa chạy vào phông.
Cổ thúc thúc quả không còn đó rồi.
Vệ Thiên Tường bang hoàng đưa mắt nhìn quanh căn phòng vắng lạnh.
Ngày thường Cổ thúc thúc dậy sớm lắm. Nhưng khi nào ông cũng ngồi xếp bằng tròn trên bồ đoàn vận công điều tức một lúc khá lâu.
Bất giác Vệ Thiên Tường rú lên một tiếng. Chàng vừa nhìn thấy trên giường Cổ thúc thúc có một tờ giấy trắng của ai đặt từ bao giờ rồi.
Chàng chạy lại chộp tờ giấy lên xem. Vừa thấy qua tuồng chữ, Vệ Thiên Tường đã thấy mắt hoa đầu váng, hai hàng lệ úa tràn mi.
Trên mảnh giấy vỏn vẹn mấy câu :
“Ngày tái ngộ không bao xa, con hãy bảo trọng và lên đường. Ta đi trước”.
Thì ra Cổ thúc thúc đã đi rồi.
Có lẽ ông ra đi từ giữa đêm qua, trong lúc chàng đang trằn trọc.
Vệ Thiên Tường ứa lệ, đưa mắt nhìn quanh. Cảnh nhà quen thuộc, ngày thường xinh đẹp, hùng tráng biết bao. Thế sao hôm nay cái gì cũng đượm vẻ tiêu sơ xơ xác có vể thê lương ảm đạm thế này?
Mãi chập sau, Vệ Thiên Tường mới định thần nghĩ lại :
- “Cổ thúc thúc dặn mình bắt đầu từ sáng nay phải ra đời lo thân, một mình tự liệu lấy mình, không còn nhờ vả ỷ lại vào ai nữa”.
Chàng gạt lệ, trong lòng bỗng nổi lên một ý nghĩ cương quyết lạ thường.
Vệ Thiên Tường quay bước chậm rãi trở về phòng, thu xếp hành lý, bỏ gói quần áo và bạc vụn vào bọc gói lại. Mảnh họa đồ xếp chung cùng bọc vải màu vàng cất kỹ trong ngực áo. Sau đó, chàng mang hành lý lên vai, thanh trường kiếm cài ngang sườn.
Chàng bùi ngùi đưa mắt nhìn lại lần chót bao nhiêu cảnh vật thân yêu trìu mến trước khi giã biệt.
Bước ra khỏi căn phòng, Vệ Thiên Tường cẩn thận đi vòng quah vòng khu nhà đá, đóng hết các cửa ngõ lại.
Trước khi cất bước, chàng quay lại nhìn ngọn núi uy nghi hùng vĩ sừng sững trước mặt, lòng bùi ngùi ngơ ngẩn một hồi lâu.
Hai năm trước đây, lần đầu tiên theo Cổ thúc thúc đặt chân đến ngọn núi đẹp đẽ này, Vệ Thiên Tường không biết tên núi là chi. Mãi đến ngày gần ra đi mới được Cổ thúc thúc cho biết là ngọn Phù Dung phong trong dãy Nam Nhạc Hành Sơn.
Chàng đưa tay lên vẫy vẫy mấy cái như để giả từ ngọn núi thân yêu, rồi thở dài một tiếng quay người, lẳng lặng lần theo con đường mòn nhỏ xuống núi.
Tâm tư nặng trĩu bởi bao nhiêu điều thắc mắc, Vệ Thiên Tường vừa đi vừa suy nghĩ, chân tự động bước đi thoăn thoắt, hết sườn này, qua đỉnh núi nọ, một thân một bóng vượt qua bao nhiêu vùng rừng núi thâm u hiểm trở và hoang vu.
Chàng cứ cặm cụi lầm lũi bước đi suốt mấy giờ liền.
Chàng hồi tưởng lại những lời dặn của Cổ thúc thúc hôm qua, cố tìm những câu nói, phân tích từng ý tưởng, may ra có hiểu thêm được tý nào về cái thân thế mơ hồ của mình chăng.
Bỗng nhiên một ý nghĩ mới thoáng qua trong óc.
Vệ Thiên Tường dừng chân lẩm bẩm :
- Ồ, mình quả nhiên khờ dại quá.
Chàng dừng chân giữa một vùng rừng núi thâm u trùng điệp, không biết đã vượt qua bao nhiêu núi đồi, nguồn suối mới tới nơi đây.
Sở dĩ Vệ Thiên Tường tự trách mắng mình là vì chàng bỗng sực nhớ đến gói vải màu vàng mà Cổ thúc thúc đã thận trọng trao cho mình với bao nhiêu lời dặn dò chí thiết.
Chàng tự nghĩ :
- “Bao vải vàng nhất định phải có sự liên hệ mật thiết với thân thế mình. Bên trong tất nhiên phải có những điều mình đang khao khát muốn biết. Như thế chuyện gì mình lại...”
Nhưng chàng bỗng nghĩ lại :
- “Ồ, mà không nên đâu! Cổ thúc thúc đã mấy lần căn dặn mình, nếu chưa luyện được một trình độ võ công gấp mười lần bây giờ thì nhất thiết không được mở ra xem. Chẳng lẽ mình vừa xa Cổ thúc thúc không bao lâu đã vội quên ngay lời ông căn dặn hay sao?”
Vệ Thiên Tường tưởng tượng thấy trước mặt, nét mặt nghiêm nghị của Cổ thúc thúc đang nhìn mình như trách móc. Chàng bất giác hối hận vội cúi đầu như để xua đuổi ám ảnh ấy rồi vội vã bước đi.
Nhưng chỉ một lát sau chàng bỗng nghĩ lại :
- “Giả thử võ công mình luyện suốt đời không tăng tiến được mười lần hiện nay, chẳng lẽ suốt đời không bao giờ được mở bọc này xem hay sao? Như thế thì suốt đời cũng không biết rõ được lai lịch thân thế mình sao?”
Suốt đời!
Nghĩ đến đó, Vệ Thiên Tường bỗng chạnh lòng kinh hãi. Trong trí chàng bao nhiêu ý nghĩ chống nhau tương phản giằng co dữ dội. Tìm hiểu thân thế, dò xét lai lịch, muốn rõ cha mẹ mình là ai, hiện ở đâu rồi! Rồi bao nhiêu lời lẽ nghiêm nghị của Cổ thúc thúc dặn dò? Làm sao đây?
- Không, không được!
Vệ Thiên Tường vừa thốt ra mấy tiếng qua giọng nức nở muốn khóc. Chàng ngước mắt nhìn trời cố dùng nghị lực nói ra tiếng “không được” để kháng cự lại với ý muốn trong lòng mình.
Nhưng cuối cùng Vệ Thiên Tường lại bình tĩnh với một ý nghĩ cương quyết :
- “Thà là trái lệnh Cổ thúc thúc còn hơn là để một đời chịu đựng với một thân thế mơ hồ. Một người không thể không rõ thân thế, làm con mà không quan tâm đến cha mẹ là đại bất hiếu”.
Ngay khi ấy Vệ Thiên Tường nghe có nhiều tiếng chuyển động ầm ầm như sấm động, cả mặt đất rung rinh như muốn chuyển động.
Chàng giật mình nhìn phía trước thì thấy vừa đi đến cạnh một cái thác vĩ đại cao vút từng mây.
Thác nước từ cao đổ xuống. Chỗ dòng nước rơi xuống xoáy thành vũng sâu. Một thành nước trắng xóa cao trên mười lăm trượng, rộng hơn năm trượng tuôn xuống phía xa với những tiếng động ầm ầm, bọt tung mù mịt.
Vì mải suy nghĩ, Vệ Thiên Tường không nghe tiếng thác réo, đến chừng đến tận một bên mới giật mình nhìn lại.
Nước từ trên cao chảy xuống. Chỗ nước rơi xuống là vũng tròn như hồ lớn, thành đá xung quanh bị nước mài nhẵn bóng như gương. Từng cây nước nhồ lên sụp xuống bọt nước bắn tung lên thành đám sương mù liên miên bất tận.
Vệ Thiên Tường chọn một tảng đá ngồi xuống. Chàng ngồi đó không phải để thưởng thức cái cảnh thiên nhiên hùng vĩ này, vì đối với tâm trạng chàng lúc ấy, chẳng còn thiết gì đến việc bên ngoài.
Ngồi bên thác nước, Vệ Thiên Tường đưa mắt nhìn, bốn bề thật là hoang vu vắng vẻ. Nơi đây quả là một chỗ sơn lâm cùng cốc, chẳng có bóng người để chân tới.
Chàng ngập ngừng một chút rồi đưa tay vào ngực áo rút gói vải màu vàng ra ngắm xem.
Trong lúc quyết định phải mở gói ra xem, Vệ Thiên Tường băn khoăn cảm thúc hình như đang phạm một trọng tội với lương tâm. Tuy nhiên chàng vẫn cứ làm.
Hai tay run run mở lần bọc vải ngoài màu vàng. Hiện trong có một lần vải nữa màu trắng. Vệ Thiên Tường tin tưởng mình sắp được biết rõ lai lịch và thân thế của mình, nên hồi hộp vô cùng. Trong lồng ngực, tim nhảy loạn từng cơn.
Mở thêm lần vải trắng, tay càng run hơn sau lần vải trắng còn một lần xám nữa.
Vệ Thiên Tường lúi húi mở liên tiếp nhiều lần vải bọc bên ngoài. Thấy gói này được bao bọc quá kỹ, chàng cũng tưởng tượng tất nhiên bên trong phải chứa đựng một bảo vật vô cùng quý giá.
Tuy vội vã nóng lòng muốn biết nhưng Vệ Thiên Tường vẫn thận trọng, lần lượt bóc hết bao nhiêu lớp vải bên ngoài.
Sau lần lụa trắng cuối cùng, Vệ Thiên Tường thấy bên trong là một chiếc hộp bằng gỗ rất xinh, dài chừng ba tấc. Cứ xem bề ngoài chiếc hộp có vẻ quý giá vì khắp hộp chạm trổ rất tinh vi.
Trên nắp son đỏ chói có chạm bốn chữ vàng lấp lánh: “Chính Nghĩa Chi Kiếm”. Vệ Thiên Tường ngẩn người nhìn hộp nắp vẫn đóng kín. Chàng không hiểu kiếm Chính Nghĩa là cái gì?
Trong khi Vệ Thiên Tường đang trầm ngâm suy nghĩ bỗng “cách” một tiếng, nắp hộp đã tự động mở tung ra.
Bên trong chiếc hộp toàn bằng đoạn màu hồng, chính giữa có một thanh kiếm nhỏ bằng vàng, dài chừng ba tấc, chuôi kiếm chạm trổ thật tinh vi, có khảm nhiều hạt minh châu, chiếu hào quang lấp lánh.
Vệ Thiên Tường ngạc nhiên hết sức.
Chàng ngẩn người nhìn sững thanh kiếm vàng rực rỡ. Chàng cầm thanh kiếm đưa lên xem.
nguồn truyện t u n g h o a n h . c o m
Câu hỏi duy nhất trong đầu óc chàng khi ấy là :
- “Thanh kiếm vàng nhỏ bé này có liên hệ gì với thân thế lai lịch của ta chăng?”
Trong khi đang ngẩn ngơ kinh dị chợt chàng thấy thanh kiếm trên tay bỗng rung chuyển mãnh liệt.
Đột nhiên một điều lạ lùng xảy ra. Thanh kiếm vàng lấp lãnh bỗng tuột thoát khỏi tay chàng rồi bay vút lên cao.
Té ra thanh kiếm này biết bay!
Vệ Thiên Tường hoảng kinh, há mồm trợn mắt, chân tay cứng đơ, không còn biết phản ứng làm sao nữa. Chàng nghĩ :
- “Cổ thúc thúc đã bảo rằng: gói vải màu vàng này, đối với chính mình và đối với võ lâm có sự quan hệ cực lớn. Ông lại căn dặn kỹ rằng, nếu võ công chưa tiến bộ gấp mười lần hiện nay, quyết không được mở ra xem!”
Vệ Thiên Tường nghĩ tiếp :
- “Nguyên do là thanh kiếm này biết bay! Nếu trình độ võ công mình còn kém, hỏa hầu non yếu, tất nhiên không giữ nổi thanh kiếm khỏi bay đi. Trời ơi, bây giờ biết tính sao đây? Tại sao Cổ thúc thúc không chịu nói rõ trước cho mình biết sự kiện ấy, để mình khỏi xem lén để làm hư việc như thế này”.
Vệ Thiên Tường cuống quýt trong lòng vừa băn khoăn lo sợ. Chàng vội bỏ chiếc hộp không vào ngực áo rồi đứng vùng dậy.
- “Làm sao bây giờ! Chẳng lẽ để mặc thanh kiếm bay mất ư?”
Trong lúc đang cuống quýt băn khoăn, mắt chàng vẫn luôn luôn theo dõi thanh kiếm. Nhờ ánh sáng vàng lấp lánh của nó thanh kiếm vọt bay lên cao rồi hướng thẳng vào thác nước lao mau như mũi tên.
Trong chớp mắt thanh kiếm vàng đã xuyên qua thành nước đang cuồn cuộn đổ xuống rồi mất luôn, không còn hình tích đâu nữa.
Vệ Thiên Tường hãi hùng trố mắt nhìn vào thác nước.
Nhìn kỹ chàng mới nhận thấy, phía sau thác nước là một hang động rất to. Phía trên cửa động có một phiến đá to, có khắc ba chữ lớn :
“Thủy Liêm động”
Thác nước từ trên cao đổ xuống, nằm đúng ngay giữa cửa động nên vách nước che kín cửa động, không khác nào một bức bình phong, quanh năm suốt tháng gầm thét ầm ầm.
Như thế là thanh kiếm đã bay vào động mất rồi!
Tất nhiên Vệ Thiên Tường đã nghĩ ngay đến việc chạy luôn vào động ấy đi tìm kiếm. Song cửa động đó lại bị khối nước vĩ đại che kín, trước mặt lại là hồ nước tròn, sâu thăm thẳm vì nước xoáy lâu ngày tạo nên.
Nhìn hai bên động, một bên không có đường đi. Một bên tuy có nẻo đi, nhưng đã bị một khối đá lớn chặn ngang, ăn thẳng lên đỉnh núi, dầu muốn trèo qua cũng không thể được.
Như vậy chỉ còn một cách duy nhất để vào động là đứng ở bờ hồ trước mặt, phi thân lao qua làn nước đang đổ xuống nặng ngàn cân.
Nhảy qua làn nước ấy đâu phải chuyện dễ. Nhưng lúc ấy đầu óc của Vệ Thiên Tường hình như văng vẳng nghe tiếng nói của Cổ thúc thúc :
- Tường nhi, con nhớ kỹ điều này. Chiếc gói này đối với con và cả võ lâm có sự quan hệ cực lớn. Suốt mười hai năm nay các vị thúc thúc của con để con tự giữ lấy...
Vệ Thiên Tường rùng mình nghĩ :
- “Nhất định ta phải tìm đủ mọi cách lấy lại thanh kiếm cho kỳ được”.
Chàng chạy lại gần bờ hồ, đối diện cùng thác nước, đoạn cúi xuống nhặt ba viên đá, hít một hơi dài, thi triển thủ pháp “Hồ Điệp kim tiền” quát lên một tiếng, ném tung vào làn nước đang đổ xuống.
Thủ pháp của Vệ Thiên Tường rất tài tình. Ba viên đá đó, không bay đi ngang nhau, mà viên trước hòn sau nối đuôi bay thành một xâu.
Sở dĩ chàng ném như thế vì chàng đã tính, nếu viên đá thứ nhất bị sức nước đổ xuống đẩy rớt, thì viên thứ nhì nhờ đà tiến ấy mà xuyên qua vào động.
Nếu viên thứ hai cũng bị đẩy rơi thì viên chót có thể xuyên qua được.
Sau khi ném ba viên đá về phía thác nước, Vệ Thiên Tường chăm chú nhìn theo không ngờ viên thứ nhất Vệ Thiên Tường dùng những mười thành công lực ném ra, vừa chạm đến thành nước đã bị rớt ngay vì sức mạnh của khối nước từ mười lăm trượng rơi xuống mãnh liệt phi thường.
Cả viên thứ hai và thứ ba cũng chỉ làm tóe nước ra rồi cũng bị rớt luôn không sao vượt qua để bay đến cửa động được.
Chàng ngẩng người đứng nhìn sững thác nước đang réo ầm ầm đổ xuống. Chàng thầm nghĩ :
- “Ba viên đá nhỏ mà vượt không qua nổi thành nước, người mình to lớn thế này làm sao chui qua được!”
Nhưng chàng bỗng nghĩ ra một cách :
- “Nếu ta thi triển môn “Thất Sát kiếm pháp” của Cổ thúc thúc, nhờ sức kiếm phong phá được làn nước bay vào. Nửa đường cần vận khí hộ thân, hóa giải kình lực của thác nước, may ra có thể xuyên qua được”.
Nghĩ đến đây, chàng cảm thấy phấn khởi vô cùng. Mắt sáng long lanh, mím môi rút thanh kiếm của Cổ thúc thúc tặng cho, đoạn điều hòa hơi thở, vận khí toàn thân, rút lên một tiếng thánh thót, phi thân lao về phía thác nước.
Thân hình chàng vừa bay vút lên cao, thanh trường kiếm trong tay đã vung lên theo chiêu Long Môn Cổ Lãng, là một chiêu có uy lực mạnh nhất và có năng lực xuyên phá tuyệt đối của Thất Sát kiếm pháp, bay thẳng vào làn nước trắng xóa đang từ trên cao đổ xuống ầm ầm.
Thân hình Vệ Thiên Tường lao thẳng vào làn nước, thanh kiếm đột nhiên theo thế “Bạch Hồng Quán Nhật” mũi kiếm đi trước, người theo sau, như một mũi tên xuyên qua vách nước. Tưởng dù có thành đồng vách sắt cũng không cản ngăn lại được.
Không ngờ sức mạnh của nước chảy thật ghê gớm. Sau khi lọt giữa khối nước, Vệ Thiên Tường cảm thấy một sức nặng phi thường từ trên cao đập xuống, khiến thân hình chàng đang bay ở lưng chừng trời, bị đẩy mạnh xuống, tưởng như không còn kháng cự nổi.
Song le, sức ép xuống chỉ trong khoảnh khắc rất ngắn. Vệ Thiên Tường cố gắng vận chân khí hóa giải được, phút chốc chàng bỗng cảm thấy sức ép dịu dần. Chàng tự biết đã xuyên ta được làn nước vĩ đại, đồng thời cả thân hình rơi xuống không chạm vào hồ nước mà đứng ngay trên đất liền.
Đặt chân được trên mặt đất, nhưng đà phi thân còn mạnh chàng còn loạng choạng lao tới thêm năm thước nữa mới bình thân đứng vững lại được.
Lúc này đầu tóc, áo quần toàn thân Vệ Thiên Tường ướt lóp ngóp khiến chàng không mở mắt được.
Chàng vội lấy khăn lau mặt rồi mở mắt nhìn quanh. Thì ra chàng đã nhảy lọt vào trong động.
Sau lưng chàng là cửa động. Thác nước tiếp tục đổ xuống ầm ầm che kín như bức rèm thiên nhiên trắng xóa.
Ánh sáng mặt trời chiếu vào làn nước như xuyên qua một tấm kính khổng lồ sáng quắc cả phần lớn cửa động.
Vệ Thiên Tường chú ý nhìn phía trước mặt, xuyên sâu trong động, chợt thấy ánh sáng lấp lánh dưới đất, đúng là thanh kiếm nhỏ bằng vàng vừa tuột khỏi tay chàng, xuyên qua thác nước bay vào đó, cách chàng không bao xa.
Vệ Thiên Tường nhìn thấy thanh kiếm, trong lòng vui sướng vô cùng.
Chàng sợ thanh kiếm đột nhiên bay đi nữa. Làn này nhìn trong động bốn phía đầy cả hang cùng ngõ hẻm, nếu thanh kiếm bay lọt vào các nẻo đó thật khó lòng thu lại được.
Vì vậy chàng lật đật tiến đến mấy bước, cúi người thò tay định nhặt lấy. Nhưng ngay khi ấy có một luồng kình lực mạnh ghê hồn, cuốn mạnh lấy người Vệ Thiên Tường rồi hút mạnh vào trong động.
Vệ Thiên Tường kinh hồn, cố gắng hết sức vận động nội công chống lại sức hút nhưng không thể nào cưỡng nổi.
Thân hình chàng bị lôi tuột vào bên trong.
Nơi đây ánh sáng bên ngoài không chiếu tới nên tối mò.
Đang từ chỗ sáng bay vào chỗ tối, Vệ Thiên Tường hoa mắt chỉ thấy một màu đen như mực, chẳng phân biệt được gì hết.
Tuy nhiên chỉ trong giây lát chàng đã nhận thấy lờ mờ mình đang đứng trước một phiến đá thật to. Trong ánh tối lờ mờ ấy, chàng chợt thấy ở ngay trước mắt có một đôi mắt sáng quắc đang chăm chú nhìn chàng.
Quen dần với bóng tối, mắt Vệ Thiên Tường nhìn rõ hơn trước. Chàng nhận ra đó là cặp mắt của cụ gì râu tóc thật dài, như một người rừng, đang ngồi trên phiến đá. Ông ta đang đưa tay trái với năm ngón tay dài như năm móc câu, nắm ngay lấy cổ tay phải của Vệ Thiên Tường, còn tay kia ông ta đang cầm thanh kiếm vàng, không rõ thanh kiếm ấy đã bay vào tay ông từ lúc nào.
Vệ Thiên Tường hoảng hồn vội vận sức vào tay phải cố vùng ra định thoát khỏi năm ngón tay của ông ta. Không ngờ lúc chưa giật tay thì năm ngón tay của ông lão chỉ khẽ đặt lên trên mạch môn của chàng, chỉ nằm hờ mà thôi. Khi chàng bắt đầu vận sức để giật mạnh, bàn tay ông già tuy không dùng tý sức lực nào nhưng bỗng nhiên cứng như sắt nguội.
Thường ngày, Vệ Thiên Tường từng luyện môn Triêm Y thập bát điệt đến mức tuyệt kỹ, thế mà lúc này chàng đưa môn võ công đó ra thi triển cũng không làm sao vút khỏi tay ông già, thậm chí chỉ muốn nhúc nhích một chút cũng chẳng nổi.
Vệ Thiên Tường hoảng hồn lật đật, dùng tận lực bình sinh không còn e dè gì nữa. Chưởng phong phát ra mạnh như bão táp quả nhiên đánh trúng vào ngực ông già.
Nhưng lão quái nhân vẫn ngồi yên không nhúc nhích, chẳng thèm né tránh hay đỡ gạt.
Ngọn chưởng của Vệ Thiên Tường đập trúng vào ngực lão quái, chàng có cảm tưởng như đập trúng một bị bông, mềm nhũn không thấy chút sức phản ứng nào hết.
Quả là điều quái lạ chưa bao giờ thấy!
Suốt mười hai năm qua, chàng khổ luyện nội công, tuy hỏa hầu chưa đạt tới mức tối thượng, nhưng chưởng lực chàng cũng không phải tầm thường.
Mỗi lúc chưởng lực phát ra, dù gỗ đá cũng phải chấn động gây thành kình lực phản ứng. Thế nào chưởng lực chàng đánh trúng vào ngực lão quái lại tiêu tan đâu mất, chẳng khác vào nước chảy vào biển rộng.
Giữa lúc Vệ Thiên Tường đang phân vân hoảng hốt, chợt lão quái lên tiếng :
- Tiểu Thiên Tinh chưởng kể ra cũng đã được bốn năm thành hỏa hầu rồi! Hừ... thằng bé này bao nhiêu tuổi đầu đã luyện được sáu loại nội công khác nhau. Lão phu thật bình sinh ít thấy. Có điều đáng tiếc là công phu chưa thuần thục.
Vệ Thiên Tường nghe lão quái nói mấy lời, choáng váng cả đầu óc vì kinh hãi đến cực độ. Chàng thấy lão quái chỉ đặt mấy ngón tay lên mạch môn của mình đã biết mình luện qua sáu môn nội công khác nhau, thật là đáng sợ.
Chàng nghĩ tiếp :
- “Ông lão còn bảo mình luyện chưa được thuần thục, thật đáng lạ lùng hơn nữa”.
Chàng ngẩn người nhìn sững.
Lão quái buông tay. Năm ngón như thép nguội mở ra cho chàng rút tay về.
Tay mặt lão quái vẫn nắm chuôi kiếm vàng nhỏ, miệng hỏi Vệ Thiên Tường :
- Cháu bé, thanh Kim Kiếm lệnh này cháu lấy được từ đâu?
Vệ Thiên Tường thấy lão quái đột nhiên hỏi đến thanh kiếm bụng nghĩ thầm rằng :
- “Giọng nói của lão quái không lộ vẻ gì ác ý. Sở dĩ vừa rồi ông nắm tay mình, chắc chỉ để hỏi cho biết căn nguyên thanh kiếm này mà thôi”.
Tuy nhiên chàng vẫn ngại thầm không biết làm sao để đoạt lại thanh kiếm trên tay lão quái.
Chàng vừa thử một chiêu thì thấy nội công của lão quái đã đạt đến mức cao siêu quá chừng. Quyết không thể nào lỗ mãng dùng võ lực đối phó để đòi lại được.
Thấy lão quái hỏi, Vệ Thiên Tường vội đáp :
- Thanh kiếm đó của tôi.
Lão quái nghe nói giật mình nhưng liền đó ông lại cười khà khà nói :
- Ai mà không biết Kim Kiếm lệnh là tín vật của Minh chủ võ lâm Vệ Duy Tuấn. Cháu nhỏ định dối gạt lão, nhưng làm sao qua mặt nổi.
Vệ Thiên Tường nghe lão quái bảo mình nói dối gạt ông ta bỗng đỏ mặt trả lời :
- Thưa lão bá, Vệ Thiên Tường này tuy mới bước chân vào giang hồ nhưng quyết không bao giờ dám dối gạt các bậc tiền bối. Thanh kiếm này đương nhiên là vật sở hữu của vãn bối.
Lão quái đột nhiên mở to đôi mắt. Hai luồng nhãn quang sáng quắc rọi thẳng vào mặt Vệ Thiên Tường, cất cao giọng hỏi gấp :
- Cháu bé nói sao? Cháu vừa tự xưng họ Vệ phải không?
Vệ Thiên Tường gật đầu.
Lão quái trầm ngâm khẽ gật gù và lẩm bẩm như nói một mình :
- Hừ, cháu này có vẻ nói thật chớ không giả dối. Họ Vệ ư? Ừ, nếu vậy quả đúng là của cháu nhỏ rồi. Lão đây tuy có chút quan tâm mong chờ thanh Kim Kiếm lệnh này, nhưng chẳng lẽ lại ra tay cướp giật của một đứa bé hay sao?
Nói xong lão đưa thanh kiếm vàng trao trả cho Vệ Thiên Tường rồi nói tiếp :
- Cháu bé, ta trả lại cháu đây. Vì đây là tín vật gia truyền của cháu. Nhưng ta muốn cháu là người gì của Vệ Duy Tuấn?
Xem tiếp hồi 6 Giang Nam đại hiệp