Lạc Lối Chương 1


Chương 1
Giấy báo nhập học

Ngày 4 tháng Chín 2006


Tôi bước bình thản trong sân trường đại học thành phố V. Hôm nay không phải là một ngày bình thường bởi tôi đi đăng ký vào ngành học Ngoại ngữ ứng dụng, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Cách đây hai tuần, tội nhận được thông báo nói rõ rằng tôi bắt buộc phải có mặt tại văn phòng trường đại học vào đúng hai rưỡi chiều để nộp hồ sơ và nhận thẻ sinh viên. Tôi đã rất phấn khởi và nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ giấy tờ cần thiết. Cần rất nhiều giấy tờ nhưng tôi cũng hoàn thành tất cả. Điều thú vị nhất là nộp bảng điểm trung học bởi nó đánh dấu rõ ràng sự kết thúc của một giai đoạn. Tôi cũng đã đi chụp hình nhanh tại ga tàu điện ngầm, nơi tôi phô ra một nụ cười lớn, nụ cười của kẻ chiến thắng.



Sáng nay, khi thức dậy, tôi xem xét kỹ đường tàu điện ngầm để đến trường đúng giờ. Đặc biệt, tôi không muốn bị lỡ việc đăng ký nhập học. Thậm chí tôi còn đi trốn vé bởi tôi chẳng đủ tiền mua vé. Nhưng tôi đã tự hứa với mình sẽ không làm thế nữa trong năm học và rằng tôi sẽ mua vé tháng, ngay cả khi giá quá đắt. Tôi tin rằng trường đại học sẽ thay đổi nhiều thứ trong cuộc đời mình.

Trên tàu điện, tôi không thể đứng yên vì quá kích động bởi ý nghĩ khám phá nơi tôi sẽ học và dành nhiều thời gian ở đó. Chiếc máy nghe nhạc mà tôi vẫn có thói quen mang theo cũng không thể làm giảm đi sự hứng khởi quá mức nơi tôi. Thậm chí tôi đã kiểm tra lại ba lần để chắc rằng mình mang đầy đủ mọi giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký học. Tôi không thể tưởng tượng cảnh mình ở văn phòng và nghe người ta nói rằng:" Rất tiếc thưa cô, nhưng hồ sơ của cô không đầy đủ. Cô không thể nhận thẻ sinh viên. Cô phải quay lại sau." Không, hôm nay chính là ngày tôi trở thành sinh viên, không phải một ngày khác.
Tôi căng thẳng đến mức suýt bỏ lỡ ga mình cần xuống. Đến phút chót, giọng nói vui vẻ của một đám thanh niên đã kéo tôi ra khỏi phút mơ màng. Họ chen lấn nhau xuống tàu, điều đó nhắc tôi rằng mình cũng cần xuống ở đây. Tôi sẽ phải quen với cương vị mới của mình: từ giờ tôi là sinh viên, không còn là học sinh nữa. Tôi 18 tuổi rưỡi.

Tôi đến trường vào đúng hai giờ chiều. Khi rời ga tàu điện ngầm, tôi không biết chính xác mình phải đi đâu, vì vậy tôi đã theo nhóm sinh viên. Thấy vẫn còn thời gian nên tôi dạo loanh quanh một chút để xem xét các nơi. Nhờ một sơ đồ tại cửa ga tàu điện ngầm, cuối cùng tôi cũng biết được đích xác mình đang ở đâu để không bị lạc. Khuôn viên trường đại học giống một ngôi làng thực sự. Có cả những tấm bảng chỉ đường đến các tòa nhà khác nhau. Tôi xác định vị trí nơi tôi sẽ học trên bản đồ:" Khoa ngôn ngữ, nhà F". Nhà F, đó sẽ là chỗ của tôi trong năm nay. Vào đúng lúc ấy, tôi nóng lòng được biết nó, được thường xuyên lên xuống những bậc cầu thang của tòa nhà, nóng lòng được biết đường tắt đến đó. Tôi nóng lòng muốn được gia nhập cái thế giới ấy.

Tôi quyết định tạt qua đó để liếc nhìn mọi thứ thật nhanh trước khi đi đăng ký. Tôi không thể yên tâm quay về nhà mà chưa thấy cái nơi tôi sẽ học tập để có được bằng cử nhân trong 3 năm tới. Khi đã đứng trước tòa nhà, tôi nheo mắt vì ánh mặt trời tháng Chín, thứ ánh nắng còn sót lại của mùa hè. Tòa nhà có vẻ bình thường nhưng tôi chẳng quan tâm. Trong mắt tôi ngày hôm đó, nó đồng nghĩa với tương lai.

Xin thú thực, tôi chọn sinh ngữ có một chút do bực mình. Tôi muốn theo ngành marketing và muốn vào một trường cao cấp. Tôi luôn là một người năng động, thích chịu trách nhiệm. Tôi thích cảm giác thường xuyên được kích thích và thích những thách thức của việc bán hàng. Tôi cũng muốn nhanh chóng có được một cái nhìn rõ ràng về thế giới công việc. Tôi muốn được chuẩn bị tốt nhất có thể cho nghề nghiệp tương lai của mình. Tôi muốn cắt đứt hoàn toàn với môi trường ở trường trung học, nơi vốn là gánh nặng với tôi bởi sự bảo hộ và những trò trẻ con ở đó. Và hơn nữa, thành thực mà nói, sau khi tốt nghiệp một trường chuyên về thương mại, kiếm việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tốt nghiệp một trường đại học tổng hợp. Thêm nữa, lại là một công việc kiếm khá.

Nhưng hiện giờ, với tôi giấc mơ đó là không thể thực hiện được. Học phí tại các trường như vậy quá cao đối với tôi. Và việc vay tiền đòi hỏi phải cam kết trong vòng nhiều năm, điều mà tôi không tự cho phép mình làm. Thực ra, tôi thậm chí không nghĩ rằng hồ sơ xin vay tiền của mình sẽ được chấp nhận. Ngoài tổng số tiền phải hoàn trả, hiện nay tôi đang ở tình trạng thậm chí không thể trả nổi số tiền sẽ phải trả đều đặn hàng tháng. Do đó, tôi đã từ bỏ con đường này để lao vào ngành sinh ngữ, một cách đầy chiến lược. Tôi tin rằng sau khi có được bằng cử nhân Ngoại ngữ ứng dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, tôi sẽ có thể theo học một trường thương mại, nơi bằng cử nhân sinh ngữ là không thể thiếu. Hơn nữa, trong những năm vừa qua, châu Mỹ Latin đã phát triển vượt bậc về kinh tế và với vốn tiếng Tây Ban Nha cùng tiếng Ý của mình, tôi sẽ sẵn sàng để tấn công. Và ai mà biết được, biết đâu tôi có thể vượt qua tất cả mọi người với hành trang văn hóa phụ trợ này? Đứng trước tòa nhà F, trong đầu tôi chất chứa đầy ước mơ.

Tôi không đáng thương, tôi luôn có đủ quần áo để mặc và đủ đồ để ăn. Nhưng tôi cũng không biết đến sự sung túc và cảm giác vô tư lự về tiền bạc. Bố tôi là công nhân còn mẹ làm y tá. Hai người chỉ có được mức lương tối thiểu và phải nuôi dạy hai đứa con nên số tiền kiếm được chỉ vừa đủ chi tiêu, không bao giờ thừa. Tôi không có học bổng bởi tôi là một trong vô số sinh viên nằm trong khoảng biên độ định mệnh: còn cách rất xa mức được người ta coi là giàu có, nhưng cũng chưa đủ nghèo để được nhận tiền trợ cấp dành cho sinh viên. Sau khi cộng hai khoản thu nhập trong gia đình, Nhà nước quyết định rằng cha mẹ tôi có thể chu cấp cho nhu cầu của tôi. Không còn lối thoát nào khác: tôi phải bằng lòng với những gì chúng tôi không có.

Tôi rút ngắn cuộc đi dạo bởi tôi thực sự muốn đến văn phòng đúng giờ. Tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi muốn có tấm thẻ sinh viên trong tay. Tôi gần như chạy.
Khi đã ở đó, tôi thấy một hàng sinh viên kéo dài tận bên ngoài tòa nhà. Tôi kiên nhẫn chờ đợi một cách tử tế, tôi còn là lính mới. Tuy nhiên, người ta đã bắt buộc vào hai rưỡi chiều. Và tại đây, tôi đã có được cái nhìn đầu tiên về cuộc sống sinh viên, tóm lại là phải thường xuyên chờ đợi hàng giờ trước các quầy làm thủ tục hành chính.

Đúng lúc tôi tiến vào xếp hàng thì hai cô nàng mặc áo phông màu sắc khó coi nhảy vào tôi.

- Xin chào, bạn học năm thứ nhất à?

- Ừ, còn bạn? tôi nói và cười hơi ngạc nhiên.

Một trong hai cô nàng nhìn tôi khá kỳ dị. Đó không phải câu trả lời mà cô ta mong đợi và hẳn là cô ta không định nói chuyện với tôi. Tuy nhiên, cô ta cười đáp lại tôi ngay lập tức: tôi là một con mồi ngon.

Lý do duy nhất khiến họ tiếp cận tôi là để thuyết phục tôi đăng ký vào một loại Bảo hiểm xã hội dành cho sinh viên. Qua lời họ, tôi nhanh chóng hiểu ra rằng họ làm công việc này trước khi các khóa học bắt đầu và họ được trả tiền hoa hồng. Rõ ràng là họ cạnh tranh nhau, thậm chí là kẻ thù của nhau, bởi trừ những hành động bạo lực ra, họ không ngừng cướp lời nhau, xô đẩy nhau để giành vị trí đứng đối diện tôi. Tôi không hiểu rõ mình phải làm gì, tất cả việc này hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Hai cô bạn đó nói nhanh và nhiều, tôi nghe câu được câu chăng. Cả hai đều muốn làm cho bài diễn thuyết trở nên thuyết phục nhưng họ lại biến nó thành hoàn toàn không thể hiểu nổi. Tôi thực sự thích thú trước cảnh tượng kỳ cục này, trong khi vẫn thấy thương họ. Họ làm như thế để kiếm chút tiền và tôi tin chắc rằng thường ngày, họ hiền lành dịu dàng như chim bồ câu.

- Thế nào, bạn đã chọn chưa?

Hai đô vật nhìn tôi, trận chiến đã kết thúc. Họ trông chờ vào quyết định của tôi để giải quyết mọi chuyện. Tôi có nghe gì đâu.

- Ờ, ờ... chuyện là... tớ đã mua bảo hiểm rồi!

Vâng, đương nhiên, đó là một lý do thoái thác chính đáng. Một trong hai cô nàng, rõ ràng là thất vọng và thấy rằng cô ta chẳng cần mất thời gian với tôi nữa, đã bỏ đi ngay tức khắc. Còn cô bạn kia thì bỏ đi sau vài phút. Tuy nhiên vẫn cố thuyết phục tôi lần cuối rằng đôi khi, có hai loại bảo hiểm thì vẫn tốt hơn một và rằng loại bảo hiểm tôi đã mua có thể không phải loại tốt nhất, do vậy, nếu một lúc nào đó bạn muốn cân nhắc lại sự lựa chọn của mình thì bạn hãy nhớ rằng.... vân vân và vân vân.

Trước một màn thuyết phục quá thiếu cơ sở, tôi lánh đi để nhập vào hàng người đang xếp hàng. Đã hai rưỡi chiều, đó là giờ hẹn của tôi, nhưng chắc chắn điều đó không khiến tôi được lên trước tất cả mọi người để vào văn phòng, ngay cả khi có những lời giải thích xác đáng. Vì vậy tôi quyết định ngoan ngoãn chờ đợi và đứng sau một gã to cao. Tôi liếc trộm giấy báo nhập học của anh ta, giống như cái của tôi. Trên đó viết "hai giờ chiều" bằng bút dạ đỏ ngay chính giữa tờ giấy. Hai giờ chiều! Nhưng anh ta đã đứng ở đây từ bao lâu rồi?

Bên cạnh, tôi nghe tiếng những người đã quen với cảnh chờ đợi, những sinh viên "cụ" năm thứ tư hay thứ năm, càu nhàu trước hàng người đang đứng bất động. Đây hẳn là cảnh năm nào cũng diễn ra. Nhưng quan trọng gì, tôi chẳng muốn cũng chẳng có sức mà bực dọc vào ngày hôm nay. Vì thế tôi không nổi cáu, cũng chẳng tham gia vào sự phản đối chung.

Sau nửa giờ, cuối cùng tôi cũng bắt đầu tự hỏi liệu có phải người ta đã bỏ quên mình. Tôi chặn kịp một người đàn ông mang phụ hiệu có tên viết tắt của trường.

- Xin lỗi ông, nhưng tôi có một cuộc hẹn lúc hai rưỡi. Tôi đã đợi ở đây gần nửa giờ rồi.

Vừa nói, tôi vừa giơ giấy báo nhập học ra trước mắt ông ta. Thậm chí không liếc qua lấy một cái, ông ta trả lời tôi bằng giọng khinh khỉnh:

- Vâng, thưa cô, như tất cả mọi người ở đây.

- Vậy sao? Tôi tiếp tục đợi ư? Có thực là sẽ đến lượt tôi trong ngày hôm nay không?

- Người ta làm những gì có thể.

"Người ta làm những gì có thể..." Cái câu đó, nó không phải là một câu trả lời! Tôi vừa mới được tiếp xúc lần đầu với bộ phận hành chính ở trường đại học và đó thực sự chẳng phải là một thành công, cũng chẳng nhẹ nhàng gì.

Trước một câu trả lời quá mù mờ như vậy, tôi quyết định đợi tiếp. Tôi thầm trách mình đã không mang theo sách, có sách thời gian trôi qua sẽ có ích hơn. Tuy vậy tôi vẫn lục túi xách, nhưng chẳng có gì, ngay cả một tờ báo hay một tờ rơi ngớ ngẩn để đọc cũng không. Tôi tiếc vì đã đẩy hai cô bạn bán bảo hiểm đi quá nhanh; ít nhất lẽ ra tôi cũng có thể lấy ở chỗ họ một tờ quảng cáo, nó sẽ giúp tôi bận rộn trong vòng năm phút.

Hôm nay tôi đã ăn mặc đẹp một cách ngớ ngẩn. Tôi đi một đôi giày cao gót cổ điển, như thể tôi đến một cuộc hẹn quan trọng. Nhưng hiện giờ, đứng chờ trong hàng người, tôi ghét mình vì đã lựa chọn như vậy. Nếu dám, có lẽ tôi đã đi chân đất.

Sau một tiếng rưỡi chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được vào văn phòng. Tôi nhìn tất cả các quầy đều đang bận rộn để xem quầy nào rảnh đầu tiên và có chỗ cho mình. Tôi lẩm bẩm vài từ, ngày hôm nay làm tôi mệt mỏi. Tâm trạng vui vẻ của tôi đã bay biến, tôi chỉ muốn lấy được thẻ và đi khỏi đây.

Cuối cùng một phụ nữ trẻ ra hiệu với tôi. Tôi lao về phía cô ta, nụ cười trên môi, thấy sung sướng vì biết mọi chuyện sắp kết thúc. Cô ta nhìn tôi như thể tôi vừa kể một chuyện đùa khó hiểu chỉ chọc cười được mình tôi. Cô ta không thực sự hợp tác để tạo ra một cú động viên tinh thần!

Đến thời điểm tế nhị: tính tiền.

- Bạn trả bằng séc chứ?

Vâng, chính mẹ tôi đã ký séc cho tôi tuần trước. Một tấm séc trắng. Tôi vẫn còn nghe thấy mẹ nói với tôi:"Cẩn thận đấy, Laura, con phải hết sức cẩn thận để không làm mất séc! Hãy tưởng tượng nếu ai đó tìm thấy nó!" Tôi đã luôn có ý thức về tiền bạc, và ngay từ lúc cầm séc trong tay, tôi đã ước lượng quyền lực mà nó có. Tôi đã cẩn thận đặt nó vào một túi nhỏ, sau đó để cái túi vào ngăn kéo bàn viết của mình rồi khóa lại. Tôi là người duy nhất có thể mở cái ngăn kéo đó, và ngay cả khi tin tưởng người bạn trai đang sống cùng, tôi vẫn thận trọng. Người ta chẳng bao giờ biết hết được.

- Vâng, bằng séc.

- Vậy thì, vì bạn không có học bổng nhưng bạn lại có Bảo hiểm xã hội dành cho sinh viên, nên tổng cộng số tiền phải trả là ... 404 euro 60 cent!

Một số tiền mới ít ỏi làm sao! Tôi đưa cho cô ta tờ séc trong khi cố giấu đi vẻ nhăn nhó của mình. Không nói một lời, cô ta đóng dấu, nguệch ngoạc đánh dấu khắp trên giấy tờ của tôi và chỉ cho tôi quấy phát thẻ sinh viên. Mọi chuyện diễn ra trong hai phút.

Người đàn ông phụ trách phát thẻ sinh viên cũng chẳng dễ chịu gì hơn và ông ta gần như giật lấy chứng chỉ học tập từ tay tôi. Và bằng một hành động máy móc quy củ, ông ta in thẻ sinh viên của tôi trên một tấm nhựa, đưa nó cho tôi và xé tờ giấy in mẫu đi.

Bây giờ tôi mặc kệ điều đó, cuối cùng tôi cũng có được thẻ sinh viên. Thế là xong, một trang mới trong cuộc đời tôi đã mở ra! Tôi tự tin, bình thản, tôi nắm tương lai trong bàn tay mình, trên cái mẩu nhựa ngu ngốc này.

Laura D. năm thứ nhất Ngoại Ngữ Ứng Dụng tiếng Tây Ban Nha

Lớp học.

Tôi lại bắt tàu điện ngầm lúc đi, tâm trạng đã nguội bớt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88754


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận