Lục Mạch Thần Kiếm Chương 107

Lục Mạch Thần Kiếm
Tác giả: Kim Dung

Hồi 107
Cứu Chủ Nhân Bại Lộ Hành Tung

Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Nguồn: Sưu Tầm





Cưu Ma Trí thấy Hư Trúc trúng Hoả diệm đao đã không việc gì mà luồng lực đạo hất ngược lại còn làm cho cườm tay mình đau ê ẩm thì kinh hãi, bụng bảo dạ:

- Gã tiểu hoà thượng này dù có luyện được công phu Kim chung thiết bố sam cũng không thể chịu nổi được đòn của mình mà tại sao hắn không việc gì? Chắc là trong lần áo tăng bào hắn còn mặc một thứ hộ thân bảo giáp gì đây.

Lão nghĩ vậy, liền đổi thế chiến đánh tới tấp vào Hư Trúc. Lão dùng những chiêu thức thực lợi hại như Ðại trí vô định chỉ, Khử phiên não chỉ tịch diệt trảo, Triều hoa trảo, liên tiếp sáu bảy thứ thần công Thiếu Lâm, nhằm đánh vào mắt, mũi, cổ họng Hư Trúc.



Cưu Ma Trí đánh rất rát khiến cho Hư Trúc chân tay luống cuống phải lùi lại liền.

Nhưng Hư Trúc phóng chiêu Hắc hổ thâu tâm trong phép La Hán quyền ra chống đỡ cũng làm cho Cưu Ma Trí phải lùi lại nửa bước. Vì thế mà những chiêu thức biến ảo thần diệu của lão không sao chạm được đến ngoài da đối phương.

Chỉ trong khoảnh khắc Cưu Ma Trí đã trao đổi đến mười sáu mười bảy chiêu khác nhau mà toàn những môn võ học Thiếu Lâm.

Quần tăng theo dõi cuộc chiến đấu giữa hai người đều hoa mắt lên và ai cũng nghĩ thầm:

- Lão này tự xưng kiêm thông cả bảy mươi hai tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, quả là không nói ngoa.

Còn Hư Trúc đối chọi với lão chỉ có một môn La Hán quyền, nhất là khi bị đối phương ra đòn chớp nhoáng nhà sư càng rối trí, không lúc bình tĩnh mà biến chiêu được. Y giở đi giở lại chỉ có mỗi chiêu Hắc hổ thâu tâm! Quyền pháp y lại vụng về, dù là tay võ sư tầm thường cũng nhìn ra không nín cười được.

Một bên rất linh xảo, một bên lại quá vụng về thật là hai cái thái cực. Thế mà tay tuyệt xảo cũng không thắng nổi tay vụng về.

Luồng kình lực trong chiêu Hắc hổ thâu tâm của Hư Trúc mỗi lúc một gia tăng. Hai người mỗi lúc một xa nhau thêm. Bên tay Cưu Ma Trí đã cách xa trước mặt Hư Trúc đến hơn một thước.

Bây giờ Cưu Ma Trí đã phát giác thế quyền của Hư Trúc ngoài nội lực thâm hậu ra, có ẩn hiện công phu Tiểu vô tướng công. Lão còn biết thêm công phu Tiểu vô tướng công của đối phương thâm hậu hơn mình. Có điều y xử dụng chưa được tinh xảo nên không biết phát huy uy lực đến tột độ. Lão nghĩ rằng nếu cứ tranh đấu thế này mãi thì khó lòng thủ thắng được.

Giữa lúc ấy, Cưu Ma Trí lại thấy Hư Trúc lại sử chiêu Hắc hổ thâu tâm đánh tới. Ðột nhiên lão hạ thấp tay xuống ra chiêu cầm nã và nắm được tay Hư Trúc. Ðó chính là một chiêu trong phép Cầm long thủ. Tay trái lão nắm được ngón tay út của Hư Trúc còn tay phải nắm được ngón tay cái của y. Lão liền vận toàn lực vặn mạnh một cái.

Cầm nã thủ pháp này vô cùng xảo diệu, hễ ngón tay mình đụng vào bất cứ bộ vị nào trong thân thể đối phương thì dính chặt chẳng khác keo sơn.

Ngón tay cái và ngón tay út Hư Trúc bị hai bàn tay Cưu Ma Trí nắm chặt và vặn mạnh nên không còn cách nào ra chiêu Hắc hổ thâu tâm để giải khai được.

Giữa lúc ngón tay Hư Trúc bị đau đớn kịch liệt thì tự nhiên y ra chiêu Thiên Sơn chiết mai thủ tay phải chuyển đi một vòng rồi lật ngược lại nắm lấy cổ tay trái Cưu Ma Trí.

Cưu Ma Trí nắm được hai ngón tay đối phương đã tưởng mình đắc thắng ngờ đâu chính cổ tay mình đột nhiên lại bị một luồng lực đạo rất quái dị nắm lấy. Võ công lão rất uyên thâm nhưng môn Thiên Sơn chiết mai thủ này quá nửa là do Thiên Sơn Ðồng Mỗ tự sáng chế ra, nên lão hoàn toàn không hiểu lai lịch.

Cưu Ma Trí còn đang kinh hãi thì cảm thấy cổ tay trái mình như bị lồng vào một chiếc đai sắt, không còn cách nào cựa quậy cho thoát ra được.

May mà Hư Trúc trong lòng hoang mang chỉ mong sao giải thoát được cho mình, không nghĩ gì đến chuyện phản công đối phương. Sở dĩ y níu lấy cổ tay Cưu Ma Trí là chỉ để giữ lão không vặn tay mình được. Nên lúc y ra tay quên không nắm lấy huyệt mạch môn đối phương mặc dầu nó chỉ cách đó có ba phân.

Cưu Ma Trí đã phát huy được nội lực từ từ để tụ lại rồi đột nhiên giựt mạnh một cái toan làm cho Hư Trúc phải toạc hổ khẩu.

Hư Trúc cảm thấy tay tê nhức. Y sợ Cưu Ma Trí gỡ được tay ra rồi tất dùng thủ pháp lợi hại nào để đánh lại mình liền vận động nội lực cho luồng Bắc minh chân khí trong người tuôn cuộn nổi lên.

Cưu Ma Trí ba lần vận kình lực mà không thoát được thì trong lòng không khỏi kinh hãi. Lão liền giơ tay phải lên thành phát chưởng đập vào đầu Hư Trúc.

Trong lúc vội vàng cấp bách, lão không sử dụng được võ công phái Thiếu Lâm, nên phát chưởng nay lại thi triển công phu của bản môn ở nước Thổ Phồn.

Ðòn này gần quá thế đánh mãnh liệt.

Hư Trúc thấy cơ nguy, vung tay trái lên, ra chiêu theo phép Thiên Sơn lục dương chưởng để giải khai.

Cưu Ma Trí phóng chưởng đầu không ăn thua liền phát chưởng thứ hai ra.

Hư Trúc vẫn thi triển Lục dương chưởng liên tiếp phóng ra để hoá giải được thế công của đối phương.

Quần tăng đứng coi thấy cổ tay trái Cưu Ma Trí bị Hư Trúc nắm giữ và nhất định không chịu buông ra. Lão đã dùng tay phải đánh luôn mấy đòn mà không sao trúng được vào đầu Hư Trúc, thì ai nấy đều lấy làm kỳ và cũng hơi yên dạ.

Lúc này hai người đứng sát nhau tranh đấu. Mỗi phát chưởng phóng ra chỉ cách chừng bảy tám tấc. Càng đứng gần nhau chưởng lực càng mãnh liệt, quần tăng nghe chưởng của Cưu Ma rít lên veo véo tạt vào mặt rát như dao cứa.

Tuy mọi người đang trong Ðại hùng bảo điện mà cảm thấy gió lạnh căm căm tựa hồ như ở trên đỉnh núi tuyết. Bốn mặt cuồng phong thổi vèo chẳng khác nào sóng biển dồn dập. Chưởng lực tán ra bốn phía khiến cho chúng tăng mỗi lúc một thêm rét cóng.

Háng tăng lữ tầm thường trong chùa Thiếu Lâm sau không chịu nổi đều co người về phía sau đứng sát vào tường.

Các vị lão tăng vào hàng chữ Huyền tuy không sợ chưởng phong xâm nhập cơ thể, nhưng cũng phải vận nội lực để chống chọi.

Hư Trúc hồi ở trên cung Linh Thứu vì muốn giải trừ Sinh tử phù cho quần hùng ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo đã nghiên cứu những đồ phổ khắc trên tường đá nhà mật thất nên môn Thiên Sơn lục dương chưởng của y rất là tinh nhuệ. Bao nhiêu thế biến ảo đều đã thuộc lòng và đã hiểu đến chỗ ảo diệu của nó. Ðáng tiếc chưa bao giờ y dùng đến để đối phó với người khác, nên việc sử dụng chưa được linh hoạt và thuần thục.

Trước đây Hư Trúc ở trước mặt Ðồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy tuy đã sử dụng thi triển những môn học này nhưng lúc đó lại chưa được tập luyện. Bây giờ là lần thứ nhất y mới đem ra quyết đấu sinh tử cùng một tay cao thủ hạng nhất là Cưu Ma Trí. Tuy nội lực y cao thâm, chưởng pháp y mãnh liệt, song y chỉ vận dụng đến hai ba thành công lực mà thôi.

Chưởng lực Cưu Ma Trí mỗi lúc một ghê gớm hơn mà Hư Trúc lại chỉ mong tự bảo vệ cho mình được an toàn, chứ không dám nghĩ đến chuyện phản kích. Chưởng nào y phóng ra cũng toàn là thế thủ.

Bản ý của Hư Trúc không phải là để bắt Cưu Ma Trí. Y yên trí rằng võ công của đối phương cao hơn mình gấp đến mười lần mà và nghĩ thầm:

- Lão mới dùng có một tay để công kích mình mà đã ghê gớm đến thế. Giả tỷ y dùng cả hai tay thì mình phải mất mạng ngay đương trường.

Nghĩ vậy, Hư Trúc phải liều chết giữ chặt cổ tay trái đối phương là có ý để cho tay trái lão không ra chiêu được. Không ngờ ý nghĩ thô sơ và tự ty mặc cảm bây giờ lại hoá ra đắc dụng.

Cưu Ma Trí chỉ còn một tay là tự do cử động được, nên những thế chưởng liên hoàn vô cùng biến hoá và tuyệt diệu không thể thi triển được. Còn Hư Trúc vốn chưởng pháp không được thuần thục cho lắm thì y sử dụng một chưởng lại giản tiện hơn là song chưởng.

Trường hợp đặc biệt này khiến chưởng pháp Cưu Ma Trí đáng lẽ phát huy được mười thành mà lại chỉ còn năm. Trái lại Hư Trúc chỉ phát huy được hai ba thành thì lại tiến thêm được đến bốn năm thành.

Trong khoảng thời gian chừng cháy tàn nén hương hai bên trao đổi đã đến mấy trăm chiêu và vẫn ở vào tình thế dằng co, không phân thắng bại.

Huyền Từ, Thần Quang, Huyền Ðộ, Long Mãnh, Triết La Tinh cùng các vị cao tăng đều nhìn thấy rõ tình trạng hai bên chẳng ai ăn ai.

Cưu Ma Trí tay trái bị nắm giữ, không thể nào giựt ra được, nhưng Hư Trúc cũng chẳng hơn gì. Tay trái sử dụng vào thế chống đỡ chỉ có lực lượng phản kích.

Hai bên đều được điểm nọ hỏng điểm kia. Cuộc tỷ đấu dằng dai và ly kỳ này đến các vị cao tăng biết nhiều hiểu rộng cũng chưa từng thấy trường hợp tương tự bao giờ.

Ngoài ra đa số quần tăng lấy làm kinh dị hoài nghi. Vì Hư Trúc vẫn luôn luôn ở trong chùa từ nhỏ đến lớn. Chuyến này là lần thứ nhất y dời khỏi chùa đi xa mới trong vòng một năm trời mà không hiểu y đã học được một bản lãnh ghê hồn từ đâu đem về.

Ai nấy còn ngạc nhiên hơn nữa là Hư Trúc đã nắm được địch nhân mà sao không chế phục nổi? Còn Cưu Ma Trí thì mỗi phát chưởng mãnh liệt có thể làm cho người ta phải bong gân gãy xương. Cả những tay cao thủ tuyệt luân chỉ sơ hở một chút mà bị trúng một chưởng lão cũng phải đoạn khí chết ngay lập tức.

Trước cục diện này, giả tỷ một nhà sư chùa Thiếu Lâm bất luận là ai, muốn viện trợ Hư Trúc thì chỉ khẽ ra một đòn cũng không phải là để trả thù rửa hận, quyết chí hạ sát đối phương, nên ai cũng giữ danh dự cho môn phái, không can thiệp vào. Nếu một nhà sư nào ra tay hại sát Cưu Ma Trí thì danh dự phái Thiếu Lâm xưa nay lừng lẫy giang hồ sẽ bị tổn thương vô cùng!

Quần tăng tuy trong lòng xao xuyến, tay ướt đẫm mồ hôi mà chỉ đứng yên theo dõi cuộc tỷ đấu.

Hai bên lại trao đổi hơn một trăm chiêu nữa.

Hư Trúc dần dần giảm bớt mối lo. Ðồng thời những chỗ tinh diệu về phép Thiên Sơn lục dương chưởng cũng mỗi lúc một thuần thục hơn. Bây giờ trong mười chiêu chỉ có chín chiêu giữ thế thủ và đã có thể phản kích được một chiêu.

Cưu Ma Trí đối với đòn phản kích của đối phương cũng phải ra chiêu chống đỡ và do đó thế công của lão đã bắt đầu giảm bớt.

Kể ra thì tình trạng này cũng chưa đem lợi thế gì mấy cho Hư Trúc, nhưng càng về sau, lợi điểm mỗi lúc một lớn hơn.

Lại qua một thời gian chừng ăn xong bữa cơm, Hư Trúc đã có thể phản công đến tám trong mười chiêu và các nhà sư chùa Thiếu Lâm đã bớt lo lắng và khấp khởi mừng thầm.

Từ lúc Cưu Ma Trí xuất hiện, Thần Quang Thượng Nhân có những mối tâm tình mâu thuẫn nhau. Lão mong rằng Cưu Ma Trí huỷ diệt được oai danh phái Thiếu Lâm. Mặt khác lão lại không muốn cho một nhà sư dị tộc vào Trung Nguyên hoành hành, chẳng còn uý kị gì ai. Lão không đủ lực lượng để đả bại Cưu Ma Trí, bây giờ thấy Hư Trúc dằng co được với đối phương ở vào tình thế bất phân thắng bại thì lão lại mong cả hai con cọp cùng chết hết. Lão tự đặt mình vào địa vị một ngư ông trước cò trai kìm hãm nhau để thủ lợi. Dù Ba La Tinh không truyền thụ tuyệt kỹ khác của phái Thiếu Lâm, thì chỉ ba thứ bí quyết về Ban Nhược chưởng, Ma Ha chỉ, Ðại Kim Cương quyền lão đã ghi nhớ vào lòng rồi về nghiên cứu kỹ lại, luyện tập đúng phép, cũng có thể trở nên một tay cái thế võ lâm. Lão tin vào trí tuệ thông minh của mình có thể đem ba môn võ công này biến cải thành huyền diệu hơn một cách rõ ràng. Và như vậy lão sẽ sáng chế ra ba môn tuyệt kỹ đặc biệt cho phái Thanh Lương để thành ông thủy tổ ba môn tuyệt nghệ này.

Ba La Tinh lại đi theo một ý nghĩ riêng. Thời gian hắn ở Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm nghiên cứu bao nhiêu võ công bí quyết truyền đời của các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm để lại. Hắn càng nghiên cứu càng thấy võ học bao la tinh thâm ảo diệu vô cùng, rồi đi đến chỗ say mê sách vở. Hôm nay sư huynh hắn là Triết La Tinh đến đón hắn dời khỏi chùa để về Thiên Trúc, hắn tự biết rằng trí nhớ của hắn tuy chỉ được một phần nhỏ xíu về võ công phái Thiếu Lâm để trở về cố hương đã lấy làm mừng. Hắn thấy sách vở Thiếu Lâm rất là phong phú, một khi đã ra khỏi sơn môn thì từ đây không bao giờ còn có duyên trở lại nghiên cứu nữa nên hắn rất lấy làm tham tiếc. Bây giờ hắn được xem cuộc đấu giữa Hư Trúc và Cưu Ma Trí, nhận thấy nội lực hai người rất cao cường mà chiêu thức lại càng kỳ tuyệt, lão tự biết mình chưa bằng một bên nào.

Ba La Tinh có biết đâu là những chiêu thức mà Hư Trúc đang sử dụng thực ra đâu có phải là võ công phái Thiếu Lâm. Lão lại thấy nhà sư tuổi mới ngoài hai mươi mà đã ghê gớm đến thế thì tự than mình bôn ba muôn dặm vào được Tàng kinh các đâu có phải chuyện dễ dàng? Lão mới thuộc được vài pho kinh chép về võ học, tuy không đến nỗi hai bàn tay trắng trở về cố hương nhưng chỗ lão nhớ được chắc không phải là những môn chân chính quý trọng. Hắn chỉ lo từ đây về sau suốt đời phải hối hận vô cùng.

Ta nên biết rằng võ học cũng mênh mông không biết đến đâu là bờ bến, khác nào những môn cầm, kỳ, thư,hoạ, càng nghiên cứu thì càng say mê. Mình học đến hết đời vẫn còn có người cao thâm hơn.

Ba La Tinh là vị cao tăng đại tài trí ở nước Thiên Trúc. Lúc đầu hắn đến chùa Thiếu Lâm với ý định ăn cắp võ kinh đem về mở mang võ học nước Thiên Trúc. Hắn thấy võ học chùa Thiếu Lâm như biển không bờ thì đem lòng quyến luyến không muốn bỏ đi nữa.

Lúc này Hư Trúc tỷ đấu với Cưu Ma Trí, tuy phần tiến công của nhà sư nước Thổ Phồn hãy còn nhiều hơn phần thế thủ, song nội lực lão mỗi lúc càng thêm mãnh liệt. Song mỗi chiêu Hư Trúc tấn công là Cưu Ma Trí phải cố gắng lắm mới chống đỡ được.

Nguyên Hư Trúc từ lúc trong lòng bớt nỗi lo âu, đột nhiên phát triển một chiêu thức đặc biệt. Chiêu thức này không phải ở trong phép Thiên Sơn lục dương chưởng mà là một thủ pháp mà Lý Thu Thủy đã dạy y nơi hoang vắng để đối phó với Ðồng Mỗ. Tuy nó là một chiêu nhưng có tám thế bí ẩn lợi hại vô cùng.

Hôm ấy Ðồng Mỗ phải phí rất nhiều tâm huyết mới giải khai được. Dù Cưu Ma Trí võ học uyên thâm, cơ biến hơn người nhưng lúc thảng thốt phải tiếp chiêu này một cách gượng gạo, còn Hư Trúc chiếm được thượng phong thì tinh thần càng phấn khởi. Y liền ra chiêu thứ hai mà Ðồng Mỗ đã dạy y để đối phó với Lý Thu Thủy.

Ta nên nhớ rằng Ðồng Mỗ và Lý Thu Thủy đều là những tay cao thủ tuyệt đỉnh trong phái Tiêu Dao, chiêu thức nào của hai người này cũng cực kỳ lợi hại. Nó còn là những chiêu thức hiểm độc mong hạ sát bằng được đối phương, vì hai người đàn bà này đã chồng chất trong lòng mấy chục năm thù hận và lại biết rõ trình độ ghê gớm của đối phương.

Bọn cao tăng cùng Huyền Từ thấy Hư Trúc mỗi lúc một sử chiêu hiểm độc thì tuy tình thế trở nên sáng sủa hơn nhưng họ không khỏi chau mày. Nguyên các tăng lữ đệ tử phái Thiếu Lâm từ mấy trăm năm nay không có một người đàn bà nào, trải bao nhiêu triều đại toàn theo đường lối dương cương. Ðồng thời võ công cửa Phật chỉ cốt ý ra tay để kiềm chế đối phương chứ không phải để giết người, trái ngược hẳn với những chiêu thức của Ðồng Mỗ và Lý Thu Thủy.

Có điều ngẫu nhiên Hư Trúc lại xen vào một chiêu Thiên Sơn lục dương chưởng vừa hoà bình vừa uy mãnh phù hợp với bản ý của chùa Thiếu Lâm, nhưng đó chỉ là số ít, còn phần nhiều là những chiêu thức thâm độc.

Những người bàng quan theo dõi cuộc đấu đều chột dạ lẩm bẩm:

- Nếu chiêu này mà đánh vào mình thì chẳng những bị mất mạng mà còn bị chết một cách cực kỳ thảm khốc.

Trước khi quần tăng sinh lòng kinh hãi ngấm ngầm, Cưu Ma Trí đã phát giác ra tình thế cực kỳ bất lợi cho mình. Lão đã ba lần vận động kình lực muốn giựt ra khỏi tay Hư Trúc để tiện thi triển tuyệt kỹ Hoả diệm đao, nhưng lão gia tăng kình lực thì chỉ lực của Hư Trúc càng mạnh thêm. Lão không biết nội lực của đối phương cao thâm đến mức độ nào?

Trước tình thế nguy cấp, trong lòng lão sát khí nổi lên bừng bừng. Tay trái lão phóng luôn ra ba chưởng veo véo.

Hư Trúc vung tay lên hoá giải. Cưu Ma Trí rụt tay về rút lưỡi đao truỷ thủ trong bít tất ra nhằm đâm vào bả vai Hư Trúc.

Hư Trúc chỉ học những chiêu thức tay không, đột nhiên y thấy bạch quang lấp loáng. Lưỡi đao truỷ thủ trong tay địch nhân phóng tới. Y không biết chống đỡ cách nào, liền vung tay lên chụp xuống cổ tay trái Cưu Ma Trí.

Ðây là một chiêu cầm nã thủ pháp trong phép Thiên Sơn chiết mai thủ. Thủ pháp này đã mau lẹ vô cùng lại rất trúng đích. Ba ngón tay Hư Trúc chạm vào cổ tay đối phương rồi, ngón cái và ngón út rít chặt lại.

Giữa lúc ấy luồng kình lực trong lòng bàn tay Cưu Ma Trí xô ra, lưỡi đao truỷ thủ rời khỏi tay lão mà cả hai tay Hư Trúc đều nắm giữ lấy cổ tay đối phương, không tránh được.

Sột một tiếng rùng rợn. Lưỡi đao truỷ thủ đã cắm phập vào vai Hư Trúc ngập đến chuôi.

Quần tăng đứng xem la lên một tiếng kinh hoảng:

- Úi chao!

Rồi trong đám đông đột nhiên có bốn nhà sư vung trường kiếm lên, thanh quang lấp loáng đều nhằm đâm vào cổ họng Cưu Ma Trí.

Bốn nhà sư cùng nhảy xổ ra và đồng thời động thủ. Bốn thanh trường kiếm nhằm cả vào một phương vị. Kiếm pháp cực kỳ mau lẹ, hiểm độc vô cùng.


Cưu Ma Trí vận lực vào hai chân, toan nhảy lùi về phía sau để tránh. Cưu Ma Trí vẫn không nhúc nhích nhưng cảm thấy cổ họng bị đau nhói lên. Mũi bốn thanh trường kiếm đã đâm vào da y.

Bốn nhà sư đồng thanh quát lên:

- Quân mặt dầy này! Nộp mạng đi!

Thanh âm nhẹ nhàng và trong trẻo tựa hồ như từ miệng thiếu nữ phát ra.

Hư Trúc nhìn lại bốn nhà sư thì té ra là Mai, Lan, Trúc, Cúc tứ kiếm đã ăn mặc trá hình. Trên đầu các cô đội mũ nhà sư để che kín mớ tóc mây, mình mặc áo tăng bào theo kiểu chùa Thiếu Lâm.

Hư Trúc cực kỳ kinh hãi la lên:

- Không được hạ sát y!

Mai kiếm đáp:

- Dạ! Dạ!

Nhưng mũi kiếm vẫn kề vào cổ Cưu Ma Trí .

Cưu Ma Trí cười ha hả nói:

- Chùa Thiếu Lâm chẳng những ỷ vào nhiều người để thủ thắng mà còn dấu diếm đàn bà con gái. Té ra mấy trăm năm danh dự là thế này đây! Bây giờ ta mới biết!

Hư Trúc trong lòng hoang mang khôn xiết, không biết làm thế nào được, bất giác buông cổ tay Cưu Ma Trí ra.

Cúc kiếm xoay tay lại rút lưỡi đao truỷ thủ trên vai y ra. Máu tươi phun lên như suối.

Cúc kiếm thò tay vào bọc lấy ra một tấm khăn để buộc vết thương cho y.

Còn ba cô Mai, Lan, Trúc vẫn chí mũi kiếm vào cổ Cưu Ma Trí.

Hư Trúc ấp úng hỏi:

- Các... các ngươi đến đây làm chi?

Cưu Ma Trí tay phải vung thần công Hoả diệm đao lên một cái.

Choang! Choang! Choang! Ba thanh trường kiếm của Mai, Lan, Trúc bị gãy nửa.

Ba cô giật mình kinh hãi nhảy lùi ra xa hơn trượng. Các cô nhìn lại ba thanh kiếm chỉ còn lại một khúc.

Cưu Ma Trí ngửa mặt lên trời nổi một tràng cười rộ rồi quay sang hỏi Huyền Từ:

- Phương trượng sư huynh! Bây giờ sư huynh nói như thế nào đây?

Huyền Từ sắc mặt xám xanh đáp:

- Nguyên do vụ này lão tăng vẫn chưa hiểu ra sao. Cần phải điều tra rõ rệt rồi theo giới luật bản tự xử trí. Minh vương cùng các vị sư huynh đường xa mệt nhọc, lão tăng xin mời quý vị ra nhà khách dùng trai đã.

Cưu Ma Trí nói:

- Như vậy thì phiền nhiễu cho sư huynh quá!

Lão nói xong chắp tay thi lễ.

Huyền Từ đáp lễ rồi, Cưu Ma Trí tay đương chắp bỗng phóng ra hai bên. Lão ngấm ngầm vận thần công Hoả diệm đao.

Xoẹt! Xoẹt! Xoẹt! Xoẹt! Mai, Lan, Cúc, Trúc bốn cô la hoảng vì chiếc tăng mạo trên đầu không gió mà rớt xuống để lộ những mái tóc đen nhánh. Ðồng thời có hàng trăm món tóc rớt theo mũ xuống.

Nguyên Cưu Ma Trí phóng thần công Hoả diệm đao lướt qua để lật tăng mạo của bốn cô đồng thời dư lực thần công này còn hớt đứt vô số tóc rớt xuống lả tả.

Ðánh rớt tăng mạo thì chẳng có gì là khó, nhưng luồng chân khí vô hình cắt đứt được bấy nhiêu tóc thì thật là kỳ. Có thể nói rằng luồng chân khí này sắc như đao kiếm. Xem thế đủ biết nội lực Cưu Ma Trí đã đến mực siêu quần.

Cưu Ma Trí trổ tài như vậy chẳng những để khoe bản lãnh cho mọi người phải nhớn nhác mà còn ngụ ý cắt tóc chứ không giết người ra điều nhân nghĩa. Ðồng thời lão làm lộ thân hình bốn thiếu nữ ra khiến cho các nhà sư hết cãi.

Huyền Từ vẻ mặt cực kỳ khó chịu miễn cưỡng cất tiếng mời:

- Nào! Xin thỉnh các vị sư huynh.

Bọn Thần Quang, Long Mãnh, Dung Trí cùng tăng chúng thấy trong chùa Thiếu Lâm có bốn cô thiếu nữ thì có ai là không kinh dị. Ðừng nói là chùa Thiếu Lâm, đến chùa thường cũng không thể dung thứ những vụ phản bội giới luật này.

Ai nấy đều đứng dậy và được nhà sư chuyên việc tiếp khách mời ra nhà khách thụ trai.

Những tân khách vừa xoay mình chưa bước ra khỏi đại điện thì Mai kiếm lại lên tiếng, nói với Hư Trúc:

- Thưa chủ nhân! Chị em bọn thuộc hạ lén đến đây để hộ vệ chủ nhân, xin chủ nhân miễn trách cho.

Lan kiếm tiếp lời:

- Nhà sư Duyên Căn kia vô lễ với chủ nhân, chị em bọn thuộc hạ phải đánh cho y một trận nhừ tử, y mới biết thân. Không ngờ lão hoà thượng bên Tây Vực này lại dám đả thương chủ nhân.

Hư Trúc ủa! Một tiếng rồi tỉnh ngộ, lẩm bẩm:

- Té ra sở dĩ Duyên Căn kính cẩn mình là vì y đã bị mấy cô này uy hiếp. Thế thì chúng giả làm sư ẩn thân trong chùa đã lâu rồi.

Nhà sư bất giác dậm chân nói:

- Các ngươi lộn xộn quá!

Y nói xong chạy đến trước tượng Phật Như Lai quỳ xuống khấn:

- Ðệ tử kiếp trước tội nghiệp đã nhiều, kiếp này lại không giữ giới luật thanh quy để gây ra mối tai hoạ tày đình cho bản tự. Ðệ tử kính cẩn xin phương trượng trách phạt thật nặng cho.

Cúc kiếm nói:

- Thưa chủ nhân! Chủ nhân chẳng nên làm hoà thượng nữa cho nhọc mình, chi bằng chúng ta về cả núi Phiêu Diễu là hơn. Nơi đây cơm canh lạt lẽo lại bị người quản thúc, còn có chi là thú vị?

Trúc kiếm cũng trỏ vào Huyền Từ:

- Lão hoà thượng! Nếu lão có điều mạo phạm đến chủ nhân chúng ta thì bốn chị em chúng ta không nể đâu. Vậy lão phải cẩn thận đấy!

Hư Trúc vội quát lên:

- Các ngươi không được vô lễ. Sao lại đến chùa rắc rối? Trời ơi! Phải câm miệng lại ngay!

Nhưng bốn cô mỗi cô nói một điều với giọng lưỡi coi Huyền Từ chẳng vào đâu.

Tăng chúng chùa Thiếu Lâm nhìn nhau kinh hãi, rồi lại liếc nhìn mấy cô gái thì thấy cô nào cũng như cô nấy: mặt mũi đầy đặn, xinh đẹp, hoạt bát mà đều chẳng biết sợ trời sợ đất là gì, song chẳng ai biết lai lịch bốn cô ra sao.

Nguyên bốn cô này là con một nhà nghèo ở chân núi Ðại Tuyết, một bà mẹ sinh hạ bảy cô rồi sau cùng sinh tư ra bốn cô này. Nhà nghèo không đủ sức nuôi, bà mẹ đem vào rừng tuyết bỏ. Gặp lúc Ðồng Mỗ hái thuốc ở núi Ðại Tuyết để chế luyện Cửu chuyển hùng xà hoàn, mụ theo tiếng trẻ khóc lại xem thấy bốn đứa nhỏ vừa bằng nhau và tướng mạo giống nhau thì lấy làm kỳ thú, liền đem về cung Linh Thứu nuôi cho khôn lớn rồi truyền thụ võ công. Bốn cô này tuy mang danh là thị tỳ của Ðồng Mỗ mà thực ra mụ coi bốn cô như con đẻ và được mụ rất thương yêu. Bốn cô chưa từng ra khỏi núi Phiêu Diễu nên chẳng hiểu gì về nhân tình thế cố mà cũng chẳng biết phân biệt thứ bậc trong loài người. Suốt đời các cô chỉ biết nghe lệnh Ðồng Mỗ. Ðến khi Hư Trúc lên thay làm chủ nhân cung Linh Thứu thì các cô lại hết mình phụng sự Hư Trúc. Nhưng Hư Trúc ôn hoà khiêm tốn, không oai nghiêm như Ðồng Mỗ, thành ra các cô không sợ y mấy, tâm ý bốn cô linh cảm như nhau nên những ý nghĩ dông càn cũng nổi lên như nhau.

Huyền Từ nói:

- Trừ các vị sư huynh sư đệ vào hàng chữ Huyền thì ở lại còn bao nhiêu tăng chúng khác từ hàng chữ Tuệ trở xuống ai về phòng nấy!

Chúng tăng đồng thanh đáp:

- Dạ!

Rồi lục tục đi ra. Chỉ trong khoảng khắc, trên Ðại hùng bảo điện chỉ còn lại hơn ba mươi vị lão tăng vào hàng chữ Huyền, Hư Trúc cùng sư phụ là Tuệ Luân và bốn cô gái tại cung Linh Thứu.

Tuệ Luân hoà thượng tiến một bước đến trước Phật tượng quỳ xuống nói:

- Ðệ tử không biết phương châm giáo hối để dưới cửa Phật nảy ra tên nghiệt đồ này. Cúi xin phương trượng trọng phạt cho.

Trúc kiếm cười hích hích nói:

- Bản lãnh của ngươi thấp kém thế này mà cũng đòi làm sư phụ chủ nhân ta ư? Ðêm hôm kia người che mặt đã trói ngươi trên cây tùng là nhị tỷ ta đó. Ta nói thiệt cho ngươi hay: võ công ngươi còn tầm thường lắm!

Hư Trúc ngấm ngầm la hoảng:

- Chết rồi! Thật là chết rồi! Mấy cô này trêu cợt cả đến sư phụ ta!

Lại nghe Lan kiếm cười nói:

- Duyên Căn bảo ta ngươi là sư phụ chủ nhân ta, nên ta đến thử ngươi chơi. Bữa nay mà tam muội ta không nói thì e rằng vĩnh viễn ngươi không biết ai đã chơi ngươi vố đó. Thú quá! Thú quá!

Rồi các cô cười rộ.

Huyền Từ liền lên tiếng:

- Bốn vị sư đệ Huyền Tâm, Huyền Quý, Huyền Niệm, Huyền Tĩnh lại xin bốn vị nữ thí chủ đừng nói càn và đừng có vọng động.

Bốn nhà sư già khom hông thi lễ đáp:

- Dạ!

Rồi quay lại nói với bốn cô gái cung Linh Thứu:

- Phương trượng đã hạ pháp chỉ xin bốn vị đừng nói nhăng, làm càn.

Mai kiếm cười đáp:

- Nhưng chúng ta lại cứ thích nói nhăng và ưa làm càn thì ngươi làm gì được bọn ta?

Bốn nhà sư đồng thanh đáp:

- Vậy thì bọn bần tăng đành đắc tội với các vị vậy!
truyện copy từ tunghoanh.com
Dứt lời, bốn vị phất áo tăng bào một cái trùm lên trên bàn tay đưa tay ra nắm lấy tay bốn cô. Huyền Tâm sử chiêu Cầm long thủ, Huyền Quý sử chiêu Hổ trảo công, Huyền Niệm sử chiêu Ưng trảo lực, Huyền Tĩnh sử chiêu Thiếu Lâm cầm nã thập bát đả. Bốn chiêu này tuy khác nhau nhưng đều là những môn võ tinh diệu phái Thiếu Lâm.

Trong bốn cô thì ba cô đều bị Cưu Ma Trí chặt đứt mất trường kiếm, Cúc kiếm liền vung trường kiếm lên để hộ vệ cho ba cô chị. Ba cô Mai, Lan, Trúc cũng vung kiếm gẫy, hoà với kiếm quang của Cúc kiếm đánh ra.

Nguồn: tunghoanh.com/luc-mach-than-kiem/chuong-107-lh4aaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận