Lá Bài Thứ 12 Chương 3

Chương 3
Chap 3

Bản năng.

Các cảnh sát tuần tra rèn luyện giác quan thứ sáu để có thể nhận biết được ai đó đang mang súng. Các cựu nhân viên trong lực lượng sẽ nói với bạn rằng điều đó chẳng có gì khác ngoài cách mà đối tượng đi lại và thái độ biểu hiện - sức nặng thực tế của khẩu súng không bằng sức nặng của những hậu quả khi mang theo nó trong người. Sức mạnh mà nó mang lại cho bạn.

Và cả nguy cơ bị tóm cổ nữa. Mang một vũ khí không được cấp phép ở New York thì sẽ có “phần

thưởng Cracker Jack[1]” đi kèm: tự nhét mình vào sau xà lim. Anh giấu vũ khí trong người, anh bóc lịch. Đơn giản như vậy thôi.

[1] Phần thưởng, các đồ chơi trong các gói bim bim cho trẻ em

Không, Amelia Sachs không thể nói chính xác làm thế nào mà mình biết được điều đó, nhưng cô biết chắc rằng gã đang đứng dựa vào bức tường ngang qua con phố từ Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Mỹ - Phi kia có mang vũ khí trong người. Hắn đang hút thuốc, tay khoanh trước ngực, nhìn chằm chằm vào dải băng phân cách của cảnh sát, vào những ánh đèn máy ảnh chớp lóa, và những sĩ quan cảnh sát.

Khi đến gần hiện trường, đến đón cô là một viên cảnh sát có mái tóc vàng hoe của Sở cảnh sát New York - anh ta rất trẻ, hẳn phải là một nhân viên mới. “Xin chào. Tôi là cảnh sát đầu tiên có mặt. Tôi...”

Sachs cười và thì thầm: “Đừng nhìn tôi. Hãy để mắt nhìn về phía đống rác trên phố kia”.

Viên cảnh sát trẻ nhìn cô, chớp mắt. “Xin lỗi?”

“Đống rác”, cô nhắc lại bằng một tiếng thì thầm khó nghe, “không phải tôi”.

“Xin lỗi, thám tử”, người cảnh sát trẻ nói, anh ta có một mái tóc được cắt tỉa gọn gàng và tấm bảng tên trên ngực ghi: R. Pulaski. Nó không có lấy một vết lõm hay vết xước trên mình.

Sachs chỉ về phía đống rác. “Nhún vai!”

Viên cảnh sát nhún vai.

“Đi với tôi. Cứ nhìn về phía đó.”

“Có gì...?”

“Cười.”

“Tôi...”

“Cần bao nhiêu cảnh sát để thay một cái bóng đèn?”, Sachs hỏi.

“Tôi không biết”, anh nói. “Bao nhiêu?”

“Tôi cũng chả biết. Đó không phải là chuyện cười. Nhưng cứ cười như kiểu tôi mới nói với anh một điều thú vị.”

Anh ta cười. Một chút lo lắng. Nhưng đó chỉ là cười. “Cứ tiếp tục nhìn.”

“Đống rác?”

Sachs mở khuy trên chiếc áo khoác. “Bây giờ chúng ta không cười. Chúng ta đang quan tâm đến đống rác.”

“Tại sao?”

“Làm đi.”

“Được rồi. Tôi không cười. Tôi đang nhìn về phía đống rác.”

“Tốt.”

Người đàn ông với khẩu súng vẫn tha thẩn ở phía đối diện tòa nhà. Hắn ta tầm bốn mươi, rắn rỏi, với một mái tóc cắt gọn ghẽ. Cô nhìn vào chỗ cộm lên ngang hông hắn, dấu hiệu cho biết đó là một khẩu lục dài, nhiều khả năng là một khẩu côn, bởi nó có vẻ như phồng lên ở vị trí ổ đạn. “Đây là tình huống”, cô nói nhỏ với chàng lính mới. ‘‘Người đàn ông ở hướng hai giờ. Hắn ta đang mang súng.”

Viên cảnh sát - với mái tóc đinh của các cậu choai choai sáng màu vàng trông như caramen - vẫn đang nhìn về phía đống rác. “Hung thủ? Cô cho rằng vụ tấn công?”

“Tôi không biết. Cũng không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm đến việc hắn đang mang súng trong người.”

“Chúng ta làm gì?”

“Tiếp tục đi. Lướt qua hắn, nhìn vào đống rác.

Quyết định là chúng ta không để ý đến nó nữa. Quay lại hiện trường. Anh đi chậm lại và hỏi tôi có muốn uống cà phê không. Tôi sẽ nói có. Anh đi vòng qua bên phải hắn. Hắn sẽ chú ý về phía tôi.”

“Tại sao hắn ta sẽ chú ý về phía cô?”

Ngây thơ một cách thú vị. “Hắn sẽ làm như vậy. Anh quay lại. Tiến đến gần hắn. Tạo ra một vài tiếng động, hắng giọng hay gì đó. Hắn sẽ quay về phía anh. Rồi tôi sẽ nhanh chóng áp sát phía sau hắn.”

“Được rồi, tôi đã hiểu... Tôi có nên rút súng ra khống chế hắn không?”

“Không. Chỉ để hắn biết anh ở đó và đứng sau hắn.”

“Nếu hắn rút súng thì sao?”

“Thì anh chĩa súng về phía hắn.”

“Nếu hắn bắn thì sao?”

“Tôi không nghĩ hắn sẽ làm vậy.”

“Nhưng nếu hắn làm vậy?”

“Thì anh bắn hắn. Tên của anh là gì?”

“Roland. Ron.”

“Anh đã bắt đầu công việc tuần tra bao lâu rồi?”

“Ba tuần.”

“Anh sẽ làm tốt thôi. Đi nào.”

Họ đi bộ về phía đống rác, tỏ vẻ chú ý. Nhưng rồi giống như họ thấy không có mối đe dọa nào ở đó và quay ngược lại. Pulaski đột ngột dừng lại. “Này, có muốn uống một chút cà phê không Thanh tra?”

Cường điệu hóa rồi - anh ta chắc hẳn chưa từng là khách mời của chương trình Bên trong trường quay - nhưng cân nhắc tất cả thì thấy anh ta đã diễn rất đáng tin. “Được, cảm ơn!”

Anh ta quay đi rồi khựng lại. Nói lớn: “Cô muốn cà phê thế nào?”.

“Ừm, có đường nhé!”, cô nói.

“Bao nhiêu?”

Lạy chúa Jesus... Cô nói: “Một”.

“Được rồi. À, mà cô cũng muốn cà phê Đan Mạch chứ hả?”

Được rồi, tốt lắm, cô nói với anh ta bằng ánh mắt. “Cà phê là tốt rồi”. Cô quay về phía hiện trường vụ án, cảm giác được gã đàn ông với khẩu súng đang nhìn chằm chằm vào mái tóc đỏ óng dài thượt được tết đuôi ngựa của cô. Hắn liếc lên ngực, rồi mông cô.

Tại sao hắn sẽ chú ý về phía bạn?

Hắn chắc chắn làm như vậy.

Sachs tiếp tục bước về phía bảo tàng. Cô nhìn nhanh qua cửa sổ trên phố, xem xét tình hình qua hình ảnh phản chiếu. Khi đôi mắt của gã đàn ông với điếu thuốc xoay lại phía Pulaski, cô quay lại thật nhanh và áp sát, chiếc áo khoác ngoài được phanh ra giống như áo choàng của những tay súng để cô có thể rút khẩu Glock của mình ra thật nhanh trong trường hợp cần thiết.

“Thưa ngài”, cô nói một cách cương quyết.

“Hãy để tay nơi chúng tôi có thể thấy được.”

 

“Làm như cô ấy nói”. Pulaski đứng ở phía bên kia người đàn ông, tay đặt lên khẩu súng.

Người đàn ông liếc về phía Sachs. “Khá nhuần nhuyễn. Thưa các cảnh sát”.

“Giữ tay ở yên như vậy. Ông đang mang súng đúng không?”

“Đúng”, người đàn ông trả lời: “và nó to hơn khẩu mà tôi được cấp khi còn ở Đội 35”.

Con số ám chỉ một phân khu cảnh sát. Anh ta từng là cảnh sát.

Có thể là thế.

“Công việc an ninh?”

“Đúng vậy.”

“Hãy để tôi nhìn thấy thẻ của anh. Chỉ dùng tay trái để lấy, nếu anh không phiền. Giữ yên vị trí tay phải.”

Ông ta rút ví ra và đưa nó cho cô. Tấm giấy phép mang súng và chứng nhận nhân viên an ninh vẫn trong thời gian hiệu lực. Vẫn hoài nghi, cô gọi điện và kiểm tra về người đàn ông. Ông ta hợp pháp. “Cảm ơn.”

Sachs thả lỏng người, trả lại giấy tờ cho ông ta.

“Không có gì, Thanh tra. Có vẻ như cô đang có hiện trường vụ án ở đây”, ông ta hất đầu về phía những chiếc xe cảnh sát đang phong tỏa con phố phía trước bảo tàng.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra xem sao.” Cô trả lời một cách bình thường, không bày tỏ thái độ.

Người bảo vệ cất chiếc ví đi. “Tôi làm cảnh sát tuần tra mười hai năm. Nghỉ hưu vì lý do sức khỏe và đang thấy quá nhàm chán.” Ông ta hất đầu về phía tòa nhà sau lưng. “Cô sẽ nhìn thấy vài người mang vũ khí khác ở quanh đây. Nơi đây là một trong những trung tâm buôn bán trang sức lớn nhất của thành phố. Đây là tòa nhà phụ của Trung tâm Trao đổi và Mua bán trang sức của người Mỹ trên quận kim cương này. Chúng tôi nhận được những viên đá trị giá hàng triệu đô được gửi đến từ Amsterdam và Jerusalem mỗi ngày.”

Cô liếc về phía tòa nhà. Trông không được bề thế lắm, nhìn chỉ như những tòa văn phòng bình thường khác.

Ông ta cười. “Tôi cứ nghĩ rằng đó sẽ là một món béo bở, ý tôi là công việc này, nhưng tôi đã làm việc vất vả ở đây khi đi tuần tra khu vực của mình. Chúc may mắn với công việc ở hiện trường. Giá mà tôi có thể giúp gì, nhưng tôi đến đây sau khi xảy ra chút náo động.” Ông ta quay sang viên sĩ quan trẻ và nói: “Này, cậu nhóc”. Ông ta hất đầu về phía Sachs. “Trong lúc làm việc, trước mọi người, cậu đừng gọi cô ấy là ‘quý cô’. Cô ấy là ‘Thám tử’.”

Viên sĩ quan trẻ nhìn người đàn ông, ngượng ngùng nhưng cô có thể thấy được anh đã hiểu ý của người bảo vệ - điều mà cô đang chuẩn bị nói khi không ai nghe được họ nói chuyện với nhau.

“Tôi xin lỗi”, Pulaski nói với cô.

“Anh đã không biết. Giờ thì anh biết rồi.”

Đó có thể là một câu khẩu hiệu trong việc huấn luyện cảnh sát ở khắp nơi.

Họ quay bước đi. Người bảo vệ gọi: “À, này, anh lính mới?”.

Pulaski quay sang.

“Anh quên cà phê rồi”, ông ta cười toe toét.

Ở lối vào bảo tàng, Lon Sellito đang xem xét con phố và nói chuyện với viên hạ sĩ quan. Anh chàng thanh tra to lớn nhìn vào bảng tên của cậu lính trẻ và hỏi: “Pulaski, anh là cảnh sát đầu tiên có mặt?

“Vâng, thưa ngài.”

“Đầu đuôi là thế nào?”

Chàng lính trẻ hắng giọng và chỉ về hướng hành lang. “Tôi đang ở vị trí bên kia phố, ngay kia, tuần tra như bình thường. Khoảng 8 giờ 30 phút, nạn nhân, một cô bé da đen, mười sáu tuổi, tiến đến phía tôi và báo rằng...”

“Anh có thể nói theo ngôn ngữ của mình”, Sachs nói.

“Vâng. Được rồi. Tất cả là thế này, tôi đang đứng ở ngay đó và cô bé tiến đến phía tôi, trông rất hoảng hốt... Tên cô bé là Geneva Settle, học trung học. Cô bé đang nghiên cứu khóa luận hoặc gì đó trên tầng năm.” Anh ta chỉ về phía bảo tàng. “Và một gã nào đó tấn công cô bé. Da trắng, cao khoảng một mét tám, đeo mũ len trùm mặt. Hắn đang chuẩn bị hãm hiếp cô bé.”

“Sao cậu biết được điều đó?”, Sellito hỏi.

“Tôi tìm thấy túi đựng đồ để hiếp dâm của hắn trên tầng.”

“Anh đã mở nó ra xem à?”, Sachs hỏi, cau mày.

“Bằng cây bút. Thế thôi. Tôi không hề chạm vào nó.”

“Tốt. Đi thôi.”

“Cô bé chạy ra ngoài, xuống theo lối thang thoát hiểm và đi vào hành lang. Hắn đuổi theo nhưng rồi chuyển sang hướng khác.”

“Có ai thấy điều gì liên quan đến hắn không?”, Sellito hỏi.

“Không, thưa ngài.”

Anh quan sát con phố. “Cậu đã thiết lập dây ngăn báo chí phải không?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Ừm, mười lăm mét quá gần. Đẩy ra xa hơn nữa. Báo chí giống như những con đỉa vậy. Hãy nhớ điều đó.”

“Vâng. Thưa Thanh tra.”

Anh đã không biết. Giờ thì anh biết rồi.

Anh ta nhanh chóng bắt đầu chuyển sợi dây lùi lại.

“Cô bé đâu?”, Sachs hỏi.

Viên hạ sĩ, một người đàn ông da trắng chắc nịch với mái tóc dày muối tiêu, nói: “Một sĩ quan cảnh sát đã đưa cô bé và bạn cô ấy xuống phía bắc khu Midtown. Họ đang gọi cho bố mẹ cô bé”. Ánh nắng mùa thu sắc ngọt phản chiếu lấp lánh trên những huy hiệu ông ta mang trên người. “Sau khi liên lạc được với họ, sẽ có người đưa họ tới gặp Đại úy Rhyme để phỏng vấn cô bé.” Anh ta cười. “Đó là một cô bé thông minh. Biết cô ấy đã làm gì không?”

“Làm gì?”

“Cô bé nói có cảm giác rằng có chuyện không hay, bởi vậy đã lồng áo và mũ của mình lên một ma nơ canh. Tên tội phạm đã tìm cách tiếp cận nó. Điều đó đã tạo thời gian cho cô bé chạy thoát.”

Sachs cười. “Và cô bé mới chỉ mười sáu? Thông minh thật.”

Sellito nói với cô: “Cô khám xét hiện trường. Tôi đi triển khai thực hiện lấy thông tin từ xung quanh đây”. Anh đi lên vỉa hè về phía một nhóm các sĩ quan cảnh sát - một mặc quân phục và hai người với bộ quần áo thường phục ở đội Phòng chống tội phạm - và yêu cầu họ đi loanh quanh những đám đông, các cửa hàng, tòa nhà văn phòng gần đó để tìm kiếm nhân chứng. Anh tập hợp một đội riêng để đi hỏi thông tin từng người trong hàng chục người bán hàng trên các xe đẩy ở đây, một vài người đang bán cà phê và bánh rán, những người khác thì chuẩn bị ăn trưa với xúc xích, bánh quy, bánh mỳ kẹp thịt và sandwich nhân thịt viên.

Tiếng còi ô tô vang lên và cô quay lại. Chiếc xe buýt chuyên dụng đã đến từ Sở chỉ huy đơn vị Khám nghiệm hiện trường ở Queens.

“Chào thám tử”, người lái xe vừa nói vừa bước xuống.

Sachs gật đầu chào lại anh ta và người cộng sự đi cùng. Cô đã biết hai người đàn ông trẻ tuổi này từ những vụ án trước đây. Cô cởi bỏ áo khoác và khẩu súng, mặc vào chiếc áo liền quần Tyvek màu trắng, nhằm giúp hạn chế tối thiểu việc làm hỏng hiện trường. Rồi cô lại đeo khẩu Glock bên hông, nghĩ tới lời răn thường xuyên của Rhyme luôn luôn dành cho đội khám nghiệm hiện trường của anh: Tìm kỹ và cẩn thận nhưng hãy đề phòng phía sau.

“Giúp tôi với những cái túi chứ?”, cô hỏi và nhấc lên một trong những chiếc va li kim loại chứa các thiết bị vận chuyển và thu thập bằng chứng ban đầu.

“Tất nhiên rồi.” Một kỹ sư của đơn vị Khám nghiệm hiện trường nhấc lên hai trong số những chiếc còn lại.

Cô lôi ra một chiếc tai nghe và cắm nó vào chiếc điện đàm vừa lúc Ron Pulaski quay trở lại sau khi thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi dải băng ngăn báo chí. Anh dẫn Sachs và những người trong nhóm chuyên viên khám nghiệm hiện trường vào trong tòa nhà. Họ bước ra khỏi thang máy tầng năm và tiến vào bên phải, tới chiếc cửa lớn bên dưới tấm biển ghi: “Phòng đọc T. Washington”.

“Hiện trường ở trong này.”

Sachs và các nhân viên kỹ thuật mở những chiếc va li, bắt đầu lấy ra các thiết bị. Pulaski tiếp tục: “Tôi khá chắc chắn rằng hắn đi vào qua những cánh cửa này. Lối thoát duy nhất là cầu thang thoát hiểm và chúng ta không thể đi vào phòng từ bên ngoài đó, và nó không hề bị phá bằng xà beng. Do đó, hắn đi qua cửa này, khóa nó lại và vòng ra phía sau cô bé. Cô bé chạy thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm”.

“Ai đã mở chiếc cửa trước này cho anh?”, Sachs hỏi.

“Một người thủ thư tên là Don Barry.”

“Ông ta đi cùng cậu?”

“Không.”

“Ông ta đâu rồi?”

“Ở văn phòng - tầng ba. Tôi tự hỏi đó có phải do một người bên trong tòa nhà này làm không? Do đó, tôi hỏi ông ta về danh sách tất cả những nhân viên nam da trắng và vị trí của họ khi cô bé bị tấn công.”

“Tốt.” Sachs đã dự định làm y như vậy.

“Ông ta nói sẽ mang danh sách xuống cho chúng ta ngay khi hoàn thành.”

“Nào, bây giờ thì nói xem tôi sẽ tìm thấy gì bên trong.”

“Cô bé đang ở chỗ chiếc máy đọc vi phim. Nó ở xung quanh góc bên phải. Cô sẽ dễ dàng nhìn thấy.” Pulaski chỉ về cuối căn phòng lớn được chất đầy những hàng, kệ sách cao lênh khênh, bên ngoài đó là một không gian rộng mà Sachs có thể thấy các bức tượng ma nơ canh trong những bộ quần áo, những bức tranh, bối cảnh theo các thời kỳ, giai đoạn, những cặp đựng đồ trang sức, giày, ví, phụ kiện cổ - một kiểu trưng bày bụi bặm đặc trưng của bảo tàng, những kiểu đồ mà ta nhìn vào và thực ra thì trong đầu đang nghĩ rằng mình sẽ đi ăn ở đâu, chán ngán khi đã biết hết rồi.

“An ninh xung quanh đây thế nào?”, Sachs đang tìm kiếm những chiếc camera giám sát trên trần nhà.

“Chẳng có gì cả. Không camera, không bảo vệ, không giấy đăng ký vào thư viện. Chỉ cần bước vào.”

“Không hề dễ dàng, đúng không?”“Không, thưa bà... Không, thưa Thanh tra.”

Cô đã nghĩ rằng nói với anh ta “thưa bà” cũng được, khác với “quý cô”, nhưng không biết giải thích sự khác biệt như thế nào. “Một câu hỏi. Có phải cậu đã đóng cửa thoát hiểm lại không?”

“Không, tôi để nó y nguyên như khi tôi thấy. Mở.”

“Bởi vậy hiện trường có thể bị phá hỏng.”

“Hỏng?”

“Hung thủ có thể đã quay lại.”

“Tôi...”

“Anh đã không làm gì sai. Pulaski. Tôi chỉ muốn biết thôi.”

“Ồ, tôi đoán là hắn có thể đã quay lại.”

“Được rồi, anh đứng đây, ở ngay cửa ra vào. Tôi muốn anh lắng nghe.”

“Để làm gì?”

“À, ví dụ là một gã đang nhắm bắn vào tôi. Nhưng tốt hơn là anh nên nghe thấy tiếng bước chân hoặc tiếng một ai đó lên đạn trước.”

“Ý cô đang nói là đề phòng sau lưng giúp cô?”

Cô nháy mắt. Và bắt đầu tiến vào hiện trường.

Vậy, cô ta là một cảnh sát khám nghiệm hiện trường, Thompson Boyd nghĩ, khi đang quan sát người phụ nữ đi đi lại lại trong thư viện, kiểm tra sàn nhà, tìm kiếm những dấu vân tay và dấu vết hay bất cứ gì mà họ đang tìm kiếm. Hắn không e ngại với những gì mà cô có thể sẽ tìm ra. Hắn đã rất cẩn thận, như mọi khi.

Thompson đang đứng cạnh cửa sổ tầng sáu của một tòa nhà ở bên kia con phố 55 nhìn từ bảo tàng. Sau khi cô bé chạy thoát, hắn đã lượn lòng vòng quanh hai dãy phố và quyết định đi vào tòa nhà này, rồi đi lên tầng tới cái hành lang mà hắn có thể quan sát toàn bộ con phố lúc này.

Hắn đã có cơ hội thứ hai để giết cô bé một vài phút trước; cô ấy đã ở trên phố một lúc, nói chuyện với các cảnh sát, ở phía trước bảo tàng. Nhưng có quá nhiều cảnh sát ở cạnh để hắn có thể bắn hạ cô bé và trốn thoát. Hắn vẫn có thể chụp ảnh của cô bé với chiếc camera trên điện thoại trước khi cô bé và bạn của mình bị đẩy lên xe cảnh sát và đi về hướng tây. Ngoài ra, Thompson vẫn còn nhiều việc phải làm ở đây, nên hắn đã chiếm lấy vị trí quan sát thuận lợi này.

Từ những tháng ngày ở trại giam, Thompson đã học được rất nhiều về những người “cùng cố và thực thi luật pháp” này. Hắn có thể dễ dàng chỉ ra ai lười nhác, ai nhát gan, ai ngu ngốc và ngờ nghệch, cả tin. Hắn cũng có thể biết được ai là những cảnh sát tài năng, thông minh lanh lợi, và ai sẽ là mối đe dọa.

Giống như người phụ nữ mà hắn đang quan sát lúc này đây.

Khi hắn nhỏ vài giọt thuốc vào đôi mắt bị khó chịu kinh niên, Thompson cảm thấy tò mò về cô. Khi lục lọi hiện trường, đôi mắt cô thể hiện sức tập trung, bằng ánh mắt chân thành sâu sắc, giống như ánh mắt mà mẹ của hắn thi thoảng vẫn thể hiện khi đi vào nhà thờ.

Cô biến mất khỏi tầm nhìn nhưng, huýt sáo thật nhẹ nhàng, Thompson vẫn nhìn chăm chăm từ trên cửa sổ. Cuối cùng thì người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng cũng quay trở lại. Hắn nhận thấy sự chính xác trong mỗi việc cô thực hiện, cách bước đi thật cẩn thận, cách chạm thật nhẹ nhàng khi nhặt lên và nghiên cứu từng thứ một để không làm hỏng mất bằng chứng. Một gã đàn ông khác có lẽ đã bị đánh thức bởi vẻ đẹp của cô ấy, những đường cong; ngay cả qua bộ áo liền quần, vẫn thật dễ dàng tưởng tượng thân hình của cô như thế nào. Nhưng tất cả những suy nghĩ đó, như bình thường, không ở trong tâm trí hắn. Hắn vẫn tin rằng mình cảm nhận được một sự thích thú nho nhỏ trong tâm trí khi quan sát cô làm việc

Một điều gì đó từ trong quá khứ trở lại với hắn... Hắn cau mày, nhìn vào người phụ nữ đang đi đi lại lại... Đúng, chính là điều đó. Cái hình ảnh gợi lại cho hắn về những con rắn đuôi chuông mà người cha có thể chỉ ra khi họ đi săn cùng nhau hay đi dạo trên sa mạc ở Texas gần chiếc xe moóc của gia đình hắn, ở ngoại ô Amarillo.

Hãy nhìn chúng, con trai. Chúng chẳng là gì cả? Nhưng đừng đến quá gần. Chúng sẽ giết con chỉ với một nụ hôn mà thôi.

Hắn đứng dựa nghiêng vào tường và tiếp tục chiêm ngưỡng người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng, đi lên đi xuống, lên rồi xuống.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t120182-la-bai-thu-12-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận