Họ đã bắt anh ngay buổi tối hôm ấy, trong lúc anh chuẩn bị đi qua biên giới bằng giấy tờ giả. Em biết tin vào ngày hôm sau, qua thầy Fernand. Một trong những người bạn thân của thầy trên Bộ cho thầy biết.
- Không ai hiểu vì sao ông ta trở lại bên trong bức tường, khi mà ông ta có thể an toàn trong Vùng Tối. Thật đúng là tự dâng mình vào miệng sói! Chắc hẳn ông ta phải có những lý do cấp thiết để mạo hiểm như vậy. Các nhân viên điều tra của Bộ sẽ nhanh chóng khám phá ra lý do đó. Họ rất biết cách làm thế nào để khiến người ta phải mở mồm.
Fernand đã cố giữ sắc giọng bình thường, nhưng khuôn mặt thầy toát lên vẻ hỉ hả đến ghê tởm.
- Tôi đã nói với em ông ta sớm gặp rắc rối mà. Nhưng việc xảy đến còn sớm hơn cả tôi hình dung!
Thầy thoáng lộ một điệu cười kích động, như một tia vui sướng hèn hạ. Đây là giờ phút vinh quang của thầy, chiến thắng của thầy. Em đứng lên, đột ngột, và em chạy vào nôn trong nhà vệ sinh.
Trong lúc đang dùng nước súc miệng, em thấy thầy xuất hiện trên ngưỡng cửa phòng tắm, vẻ lúng túng.
- Em không được khỏe à?
- Thầy quả là sáng suốt, thật đấy! - Em trả lời, cay đắng, vừa đưa tay chùi miệng.
Thầy Fernand tội nghiệp, trong nháy mắt, em đã phá hỏng niềm vui của thầy. Thầy không còn muốn cười nữa.
Trở lại phòng khách, em thả mình rơi tự do trên chiếc ghế dài. Thầy đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ, ngay đối diện em. Thầy có vẻ bối rối và xấu hổ, nhưng điều đó cũng không khiến em chịu đựng thêm được nữa sự có mặt của thầy.
Em mở ngăn kéo bàn thấp để lấy chiếc kính vạn hoa. Rồi bỏ kính đeo mắt ra, em dán mắt vào chiếc kính vạn hoa để nhìn thầy Fernand. Bộ mặt thầy tung tóe với bảy sắc cầu vồng, vậy là có lợi.
- Em làm trò gì vậy?
Em không trả lời. Em vặn ống kính để thấy mặt thầy thay đổi màu sắc.
- Đủ rồi, Lila, em không muốn dừng trò ngớ ngẩn đó sao?
- Vâng, thầy có lý.
Em đặt chiếc kính vạn hoa lên bàn, rồi đeo lại cặp kính lên mũi, và em bắt đầu nhìn thầy Fernand chằm chằm mà không nói một lời. Thầy dường như còn khó chịu hơn nữa. Càng tốt. Sau nhiều phút im lặng nặng nề, cuối cùng thầy cũng to tiếng:
- Em gắn bó với ông ta đến thế ư?
- Không như thầy nghĩ đâu.
- Tôi không nghĩ gì cả.
- Templeton rất tốt bụng với em. Anh ấy luôn luôn... anh ấy đã bảo vệ em, theo cách của anh ấy. Vì thế, nếu như thầy nhất thiết muốn nghe: thì vâng, anh ấy rất quan trọng với em. Cũng y như là thầy vậy.
- Không hoàn toàn giống như tôi.
Em không trả lời. Thầy có thể nghĩ điều thầy muốn, sau cùng, có quan trọng gì đâu. Em thu mình trong chiếc ghế dài, ôm chặt chiếc gối trên người.
- Em nghĩ sẽ ổn không?
- Thầy muốn em nói gì với thầy?
- Em... em có muốn tôi ở lại với em tối nay không, để ở bên cạnh em?
- Thầy Fernand, thôi đi, hay em sẽ phải tin rằng thầy có tính hài hước!
Thầy chưng hửng trong im lặng.
- Tôi có thể làm gì để giúp em?
- Nói thẳng nhé, thầy Fernand, em tin là thầy đã làm quá nhiều cho em. Chỉ cần thầy có thể đi về.
Thầy nghiến răng, cúi đầu. Em hình dung rằng, một cách nào đó, thầy biết thầy xứng đáng bị như vậy. Thay vì đi về như em đề nghị, thầy bước đến ô cửa kính, và đứng như chôn chân ở đó, hai tay sau lưng.
- Thầy Fernand, có chuyện gì vậy?
Thầy không trả lời. Dường như thầy đang chìm trong một suy nghĩ dữ dội và đau đớn.
Thầy Fernand có rất nhiều khuyết điểm, nhưng, trong sâu thẳm, thầy không ác độc. Mỗi lần thầy cố tỏ ra độc ác, thầy hối hận lắm, bởi vì thực sự thầy không có đủ các phương tiện cho hành động độc ác của mình. Sau đó, nó khiến thầy phát ốm. Thầy sẽ sẵn sàng làm tất cả để được tha thứ.
- Lila, tôi không thể chịu được khi nhìn em trong trạng thái này.
Em không phản ứng.
- Nếu như ông Templeton quan trọng với em đến thế, tôi...
Thầy ngừng lại, một lúc, rồi hít thở sâu, thầy nói tiếp:
- Như em biết đấy, tôi cũng hay lui tới trên Bộ. Tôi sẽ cố... tôi sẽ làm hết sức có thể để... để có thông tin về ông ấy.
- Thầy nghiêm túc chứ, thật không?
- Thật, Lila ạ. Tôi sẽ làm thế.
Nhiều tuần đã trôi qua. Thầy Fernand gọi điện cho em hàng ngày. Không một tin tức gì về anh, em gần như phát điên. Còn thầy, vẫn luôn nói không có gì bất bình thường cả: trong thời gian đầu sau việc bắt giữ, cảnh sát không để lọt tin gì ra ngoài. Đó là nguyên tắc, hình như vậy, và điều đó khiến cho người ta tưởng tượng ra đủ mọi thứ.
- Cần phải kiên nhẫn. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ biết được tin tức gì đó, tôi hứa với em. Trong khi chờ đợi, em phải làm gì đi, để thay đổi suy nghĩ. Nếu không, em sẽ khó vượt qua được khó khăn.
Thầy có lý, em biết vậy, và em cũng biết việc em phải làm. Chính vì em mà anh đã trở lại bên trong bức tường, để đưa em chiếc thẻ nhớ chứa hồ sơ của mẹ. Nó được cất giấu ở kia, trong đám đất của búi dương xỉ. Nó đang đợi em, cùng với những câu trả lời. Đó chính là điều anh muốn, đúng không, muốn em tìm thấy những câu trả lời?
Em nghi ngờ mình bị giám sát kỹ càng, như tất cả những ai đang trong chế độ theo dõi thần kinh. Vì thế, em chọn buổi tối - đó là lúc mà em có ít nguy cơ bị phát hiện nhất.
Mỗi tối, em đi ngủ vào giờ như thường lệ, và em ngủ mà trong tay nắm chiếc đồng hồ báo thức nhỏ. Chuông rung đánh thức em lúc 2 giờ. Em hé mở cửa sổ; rồi với tay tới chậu dương xỉ, em lấy thẻ nhớ được nhét ở một bên. Sau đó, em làm bộ như vào nhà vệ sinh - nếu chẳng may những người bảo vệ có rình rập, thì họ cũng không phải lo nghĩ về việc di chuyển của em.
Cái tủ tường đang chờ đợi em, cùng với grammabook. Em kéo cánh cửa trượt thật nhẹ, thật nhẹ, và em nằm ở đó, trong bóng tối bình yên. Em đợi đến khi tất cả được đóng lại, hoàn toàn kín mít, để lắp thẻ nhớ vào grammabook, và bắt đầu đọc.
Trước bình minh một chút, em dừng đọc. Em lại đi giấu thẻ nhớ trong đất đám cây dương xỉ, rồi em đi ngủ lại. Em không ngủ quá hai, ba tiếng đồng hồ - ngủ lâu quá có thể gây ra những nghi ngờ. Dù sao, với em, thế cũng là đủ.
Cuối buổi sáng, em đi chạy mấy vòng loanh quanh, để đánh lừa, để nói rằng em đã làm gì đó trong ngày. Thầy Fernand tỏ ra hài lòng:
- Thật tốt là em lại ra ngoài, lại chạy. Rất lành mạnh.
Vâng, rất lành mạnh. Và nếu như điều đó có thể mang lại cảm giác rằng em khá hơn, thì còn đòi hỏi gì hơn nữa?
Đêm đêm, em trở lại làm tổ trong bóng tối của tủ tường. Thỉnh thoảng, em mang vào một hộp patê - em vẫn còn lại vài hộp. Em giữ chúng cho những dịp cần thiết, khi em cảm thấy việc đọc trở nên quá khó khăn.
Quá trình ấy kéo dài gần một năm. Đó là thời gian để em nghiền ngẫm 6.765 trang hồ sơ về mẹ em. Hàng trăm loại tài liệu: những bản báo cáo, những lời chứng, biên bản, sổ sức khỏe, sao kê ngân hàng, lý lịch tư pháp, thư từ, lý lịch dân sự, biên bản xét xử, sổ trại giam, báo cáo mổ pháp y... Em ngấu nghiến đọc tất cả, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào, với hy vọng việc đọc khô khan và đau đớn này sẽ giúp em tìm thấy những câu trả lời. Những mong đợi của em được thỏa mãn, Milo ạ. Em sẽ kể với anh.
Tài liệu đầu tiên trong bộ hồ sơ về mẹ em là một lời khai được thực hiện ngày 3 tháng Năm năm 69 tại đội cảnh sát Cormeil-sur-Marne, quận 3, của một cô Marie Duncan nào đó, hai tám tuổi, nhân viên tạp vụ của trung tâm thương mại Cormeil. Cô ta khai đã phát hiện, trong buổi sáng hôm ấy, một em bé trong nhà để thùng rác của trung tâm thương mại. Một bé gái, được cuốn trong chiếc chăn màu hồng, dây rốn được buộc bằng một sợi dây giày. Sức khỏe vẻ như
Thì ra mẹ em là người mà người ta gọi là một đứa trẻ nhặt được. Vào thời ấy, dường như chuyện này không hiếm. Đó là thời gian ngay sau khi hình thành ranh giới và xây dựng bức tường. Mọi người lo sợ cho tương lai. Nhất là, người ta dễ dàng có được giấy chứng nhận cư trú bên trong bức tường hơn khi không có con.
Đứa bé đã được mang đến Trung tâm Trẻ vị thành niên quận 3, ở không xa nơi người ta phát hiện ra nó. Ngày 4 tháng Năm, đứa bé được khai trong hộ tịch dưới cái tên Moïra. Phần điền họ vẫn để trống, như thông lệ.
Thật kỳ lạ, ngoài mẹ ra em chưa bao giờ tưởng tượng về gia đình mình. Em đã không bao giờ nghĩ em có thể có ở đâu đó những người chú bác, cô dì, ông bà. Đối với em, chỉ có mẹ mà thôi. Linh cảm rất đúng: Lila K, được sinh ra bởi người bố vô danh và người mẹ là một đứa trẻ nhặt được. Cây gia phả của em có vẻ không phải là cái gì to tát, phải công nhận thế. Hai nét vạch ngắn ngủn. Số phận thật nghiệt ngã.
Mười lăm năm đầu của cuộc đời, mẹ em sống trong Trung tâm Trẻ vị thành niên Cormeil. Tuổi thơ không có nhiều chuyện kể. Học lực thì thường thường, nếu em đánh giá theo các tờ phiếu điểm, nhưng có năng khiếu nhất định trong môn ca nhạc, đặc biệt là hát. Các giáo viên nhận xét đó là một bé gái mơ mộng và cô đơn. Họ nêu ra những vấn đề liên quan đến sự mất tập trung.
Năm 85, việc cấu trúc lại bộ phận Cứu tế Công cộng kéo theo việc sáp nhập nhiều cơ sở trẻ vị thành niên. Tất cả trẻ nội trú của Cormeil được chuyển đến Grigny, ở quận 5. Mẹ em mười sáu tuổi. Các báo cáo của những người theo dõi tâm lý và giáo dục đề cập những rối loạn thực phẩm và xu hướng khép kín bản thân, nhưng lại nhấn mạnh mẹ em tuân thủ đầy đủ kỷ luật của Trung tâm. Kết quả học tập vẫn luôn luôn tầm tầm, trừ môn hát, lĩnh vực mẹ em nhận được những lời khen ngợi và khích lệ của các giáo viên.
Trong số các tài liệu phụ lục, em thấy lời mẹ viết vào tháng Sáu năm 85:
Moïra, danh sách người mẹ và người bố mong muốn. Tiếp theo là hàng chục cái tên của nhiều diễn viên và những người nổi tiếng, mà mẹ tin là tìm thấy một nét tương đồng nào đó - giống cái miệng, giống đôi mắt, giống gò má... Ở cuối cùng, cái tên John Steiner. Mẹ viết liền ngay sau: Không thật sự giống. Mình chỉ muốn đó là ông ấy.
Cuối cùng, đúng là ông ấy. Hai năm sau, đến tuổi thành niên, khi người ta hỏi mẹ tự lựa chọn một cái họ, mẹ đã chọn họ Steiner: Moïra Steiner, con gái bí mật của một trong những ca sĩ tạp kỹ lớn nhất thời ấy. Em không biết rốt cuộc trong mơ mẹ lựa chon người mẹ nào.
Tháng Sáu năm 87, mẹ làm phục vụ trong một quán bar thuộc bên trong bức tường (quận 39), được làm công việc này là nhờ mẹ được hưởng nguyên tắc phân biệt tích cực dành cho những người được Nhà nước giám hộ. Nhờ có công việc này, mẹ có được giấy phép lưu trú hạn chế trong khu vực bên trong bức tường. Chắc hẳn là quy chế này thích hợp với mẹ. Trong hồ sơ, không một dấu hiệu nào cho thấy những bước tiến hành để đạt được một thẻ cư trú dài hạn.
Năm 88, mẹ rời Trung tâm Trẻ vị thành niên về ở trong một căn phòng có hai buồng, vẫn trong Grigny, mẹ ở đó đến năm 92. Công việc của mẹ cho phép mẹ sống tạm được.
Được tìm thấy trong số tài liệu đính kèm:
Moïra Steiner, mê ước và thâm vọng ngày mùng 1 tháng Một năm 89:
- bỏ được dọng Vùng Tối, cố bắt chước được dọng bên trong bức tường
- thật nổi bật, có vẻ bề ngoài cuống hút
- học được nhiều điều (văn hóa phổ thông, kiến thức về cuộc sống, lớp học buổi tối)
- một ngày, được đi du lịch (Italia, châu Mỹ)
- tìm thấy tình yêu
- có hai đứa con: một gái và một tray. Nếu chỉ được có một con: một bé gái.
Mẹ được phát hiện có thai vào đầu tháng Bảy năm 89, trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ do tổ chức y tế lao động. Báo cáo y tế ghi rõ: Bệnh nhân khai không biết mình mang thai. Cô ta khai cũng không biết tên cha đứa bé. Việc mang bầu này đã chưa được cho phép trước đó, cái thai phải được phá bỏ, với điều kiện chưa vượt quá hai mươi tuần như thời gian quy định. Trong trường hợp vượt quá thời gian quy định, việc tiếp tục mang thai hay không sẽ tùy theo tình trạng sức khỏe thai nhi, đúng theo luật.
Việc siêu âm thực hiện ngày 6 tháng Bảy cho biết thai nhi mang giới tính nữ đã được hai tư tuần. Mười lăm ngày sau, phân tích chi tiết nhiễm sắc thể cho thấy: Không một dấu hiệu bất bình thường nào được phát hiện. Cơ quan hành chính cho phép tiếp tục việc mang bầu, nhưng đề nghị một sự theo dõi y tế rất chặt chẽ, do thiếu hoàn toàn thông tin liên quan đến huyết thống người cha.
Trình tự tố tụng nhằm vào mẹ em vì vi phạm luật mang thai đã dừng lại vào đầu tháng Tám, sau khi các chuyên gia phát hiện sự kém chất lượng của miếng cấy chống thụ thai đã được đặt trong mẹ hai năm trước đó, trước khi mẹ em ra khỏi Trung tâm Trẻ vị thành niên Grigny. Tuy nhiên, những buổi thẩm vấn vẫn tiếp tục. Các tổ chức xã hội muốn biết vì sao mẹ em không thông báo việc mang thai. Nhưng mẹ vẫn luôn trả lời như những lần đầu tiên: mẹ em không nhận thấy gì hết. Thực tế, các bác sĩ đã buộc phải thừa nhận rằng tuy mang thai hơn năm tháng, nhưng mẹ em không hề khác bình thường. Bụng mẹ vẫn phẳng. Mẹ nói: Nó như thể không có gì hết vậy.
Mẹ không mong đợi em, chắc chắn là thế. Nhưng điều đó không có nghĩa mẹ không muốn có em, sau tất cả. Ngoài tâm trạng bất ngờ và bối rối, em tin mẹ đã sung sướng khi biết rằng mẹ sẽ có một đứa con. Những sao kê ngân hàng cho thấy điều đó: ngày 24 tháng Bảy, mẹ mua ba chiếc áo cánh trẻ em màu hồng, cỡ dành cho trẻ một tháng, trong một cửa hiệu đồ xịn thuộc khu vực bên trong bức tường. Ngày 24, Milo ạ. Ngày hôm trước, kiểm tra nhiễm sắc thể cho kết quả thai nhi bình thường, và khẳng định mẹ có thể tiếp tục mang thai. Những chiếc áo cánh đắt giá. Đó không phải là bằng chứng cho thấy mẹ rất sung sướng chờ đợi em sao? Không chỉ có vậy đâu nhé: khoảng thời gian giữa tháng Bảy đến tháng Mười, mẹ mua sắm rất nhiều đồ dùng và quần áo cho trẻ. Đáng giá một gia tài thực sự. Em có đầy đủ tên của tất cả các mẫu, các kích cỡ, các giá tiền. Em sẽ cho anh xem, nếu
anh muốn.
Em được sinh ra đúng dự kiến, ngày 19 tháng Mười năm 89, tại bệnh viện Grigny. Em thấy lại trong hồ sơ của mẹ em bản báo cáo sinh nở cũng có trong hồ sơ của riêng em. Nhưng lần này, cái tên Moïra Steiner được viết đầy đủ. Có cả một tấm ảnh - em không biết ai đã chụp, chắc là một trong những người chụp ảnh qua hết phòng này đến phòng khác để ghi lại hình ảnh những người mẹ trẻ với đứa con mới ra đời, rồi bán lại cho họ với cái giá cắt cổ. Mẹ ôm em cẩn thận, hơi nghiêng mình một chút, để em hiện rõ nhất trước ống kính. Mẹ cười. Mẹ dường như vừa tự hào, vừa mong manh. Em mặc một trong những chiếc áo cánh màu hồng được mua ngày 24 tháng Bảy.
Ban đầu, mọi thứ trải qua tốt đẹp. Em là công chúa của mẹ, là điều kỳ diệu của mẹ. Mẹ đã chi tiêu vì em gần như hết số tiền mẹ kiếm được. Em có các loại hóa đơn, Milo ạ: quần áo, thuốc, thức ăn, đồ chơi... Em không thiếu thứ gì. Em cũng có đầy đủ các báo cáo thăm khám y tế. Mẹ không bỏ sót một lần thăm khám y tế nào cho em. Em có sức khỏe tốt: phát triển thần kinh bình thường; nhỏ hơn mức trung bình một chút, nhưng rất lanh lợi. Mẹ em là một người mẹ gương mẫu. Và chắc chắn mẹ em vẫn tiếp tục là như thế, nếu không có các sự kiện.
Cơn biến loạn đã bắt đầu vào tháng Chín năm 90. Không có gì hay ho để chứng kiến những vụ nổi loạn, những hành động này đã đốt cháy Vùng Tối bốn tháng sau đó, nhưng dù sao, em hiểu rằng mọi người sợ, nhất là khi lực lượng quân đội không đến đây với bàn tay không để trấn áp. Em nghĩ, chính điều đó đã khiến mẹ em quyết định nộp đơn đề nghị được cư trú lâu dài trong khu vực bên trong bức tường đầu tháng Mười. Mẹ đã điền tất cả các ô trong tờ khai, cung cấp tất cả giấy tờ cần thiết: bảng lương, sổ y tế, lý lịch tư pháp, thư bảo đảm của chủ sử dụng lao động, giấy chứng nhận đạo đức. Trong mục lý do đề nghị, mẹ viết: Tôi muốn một cuộc sống tốt hơn cho tôi và cho con gái tôi.
Tháng Mười hai năm 90, Bộ Nhập cư báo cho mẹ biết đề nghị của mẹ được đánh giá có thể chấp nhận sau đợt xem xét mang tính quyết định. Chỉ còn chờ đợi sự chấp thuận cuối cùng và sự hợp thức hóa từ Hội đồng. Đó chỉ là một hình thức thủ tục. Chỉ còn hai tháng nữa, và mẹ em sẽ có được thẻ cư trú lâu dài.
Những vụ nổi loạn lớn đã nổ ra ngay trong những ngày đầu tiên của tháng Giêng năm 91. Em chưa được mười lăm tháng, và tuy vậy, vẫn đọng lại trong em những ký ức - dường như điều đó là có thể trong trường hợp chấn thương tâm thần. Em nhớ có những tiếng kêu, ngay ở bên dưới, trên phố, những tiếng súng, tiếng nổ làm rung chuyển tòa nhà và hắt lên những tia sáng đỏ trên các bức tường phòng ngủ. Em cũng nhớ những chiếc máy bay trực thăng bay cả ngày lẫn đêm ngay sát những mái nhà, lượn lờ với các dàn đèn chiếu trắng trợn vào bên trong những ngôi nhà.
Kéo dài gần năm tuần lễ, mọi người như bị cấm cung. Người ta đã đóng biên giới. Tất cả các hoạt động giao thông bị tê liệt. Năm tuần lễ không việc làm, không thu nhập. Đối với mẹ em cũng như đối với rất nhiều người khác, một thảm họa thực sự.
Khi tất cả đã được kết thúc, các cuộc nổi loạn bị trấn áp, một nửa Vùng Tối trở thành đống đổ nát, thì xuất hiện một kế hoạch an ninh, việc tăng cường kiểm soát ở các biên giới và hạn chế người nhập cư. Những người bên trong bức tường tìm cách tự bảo vệ, người ta không thể trách móc họ. Nhưng đối với mẹ em và em, những việc đó đã làm thay đổi tất cả.
Tháng Ba năm 91, mẹ em nhận được từ Bộ Nhập cư một thư thông báo mức trần các tiêu chuẩn để có thể cư trú bên trong bức tường vừa được nâng lên. Căn cứ vào đó, họ buộc phải từ chối đề nghị của mẹ em. Bức thư viết: Tuy nhiên, bà bảo toàn được giấy phép lao động và cư trú tạm thời mà bà đang có trong thời điểm hiện tại.
Mẹ em đã đến tìm ông chủ để xin làm việc buổi đêm. Dĩ nhiên, mẹ không phải không biết điều này là bị cấm đối với những người phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ. Nhưng mẹ hy vọng có thể thu xếp được. Ông chủ đã từ chối. Ông ấy khai trong vụ xét xử: Cô ấy đã hiểu rất sai. Cô ấy nói cô ấy sẽ yêu cầu một điều vi phạm luật. Tôi thì tôi thấy sốc vì cô ấy muốn để đứa con ở nhà buổi đêm để đến làm việc. Thật sự sốc. Ông ấy không phải là người duy nhất. Tất cả những tâm hồn trong sáng đều thấy như vậy. Như thể mẹ em vui sướng với ý nghĩ làm điều đó vậy! Lũ khốn. Dù sao cũng không khó để hiểu được; chỉ cần biết đếm là sẽ hiểu: với sáu đêm làm việc thay vì sáu ngày, mẹ kiếm được gấp đôi tiền lương. Vì điều đó mới đáp ứng được những tiêu chuẩn mới về thu nhập.
Những lo lắng về tài chính của mẹ bắt đầu từ đây. Mẹ đã không được trả lương trong thời gian năm tuần, khoảng thời gian mẹ không đến làm việc. Đây là khoản thiếu hụt đáng kể, nhưng đáng ra mẹ em có thể khắc phục được nếu mẹ chú ý. Chỉ có điều mẹ đã không làm vậy. Mẹ tiếp tục mua sắm cho em nào quần áo, nào đồ lặt vặt và nào là những sản phẩm chăm sóc - có rất nhiều những sao kê cho những thứ ấy. Giữa tháng Năm và đầu tháng Bảy, mẹ nhận được ba cảnh báo từ ngân hàng. Họ đe dọa giữ lương của mẹ. Cuối cùng mẹ hiểu rằng việc này không thể kéo dài hơn được nữa.
Tháng Bảy năm 91, mẹ rời căn hộ hai phòng ở Grigny để chuyển về nơi xa hơn ở phía Tây, tại Cobalaincourt, quận 13, một khu vực rõ ràng ít thuận tiện hơn, nhưng dù sao vẫn còn có tàu phục vụ việc đi lại. Giá phòng thuê chỉ bằng một nửa so với ở Grigny. Trước mắt em là sơ đồ căn hộ: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng tắm. Không có tủ tường.
*
* *
Họ đến tìm em ngày 3 tháng Hai, ngay khi có những tia sáng đầu tiên của ngày mới. Họ giơ cho em thấy tờ lệnh: Thưa cô, cô sẽ phải đi theo chúng tôi chúng tôi có vài câu hỏi muốn hỏi cô xin vui lòng thay quần áo thật nhanh. Họ cười, bình tĩnh, lịch lãm, và như vậy còn đáng lo hơn. Nhưng ít nhất, họ không chạm vào em.
Họ dẫn em đến phòng bảo vệ, một căn phòng không cửa sổ, ở dưới tầng âm. Họ mời em ngồi trên một chiếc bàn nhỏ, trên đó có một cái máy chiếu to tướng. Tắt. Dù vậy em đề nghị liệu họ có cho phép em vẫn đeo kính đen, vì em nhạy cảm với ánh sáng Họ cười:
- Đừng lo sợ, thưa cô: chúng tôi không có ý định sử dụng chiếc máy chiếu này. Nó chỉ là một đồ để trang trí.
Rồi một trong hai người họ tháo kính của em và đặt nó lên bàn.
- Hãy thoải mái. Đây chỉ là một cuộc nói chuyện thông thường. Sau đó, chúng tôi sẽ để cô đi.
Họ đã yêu cầu em nói về anh, về những hoạt động của anh. Họ muốn em nói với họ tất cả. Em trả lời em không
biết gì hết.
- Tuy nhiên, hai người rất gần gũi, cô và ông Templeton. Thậm chí là thân thiết.
- Tôi sẽ không nói như vậy.
Như để nói ngược với em, họ cho em xem đoạn băng ghi hình chúng ta bước trên phố bên cạnh nhau, trong chuyến đi dạo đầu tiên và cũng là duy nhất của chúng ta. Họ còn thắc mắc bởi vì các người máy theo dõi đã mất dấu chúng ta sau những lần đổi hướng rồi quay lại của anh.
- Cô có thể nói với chúng tôi hai người đã đi đâu hôm đó không, thưa cô?
- Tôi không nhớ. Chúng tôi đã đi bộ rất lâu. Đấy là lần đầu tiên tôi đi xa đến thế trong thành phố. Tôi không thuộc các con phố.
Câu trả lời của em không có vẻ làm họ vừa lòng.
Họ quay lại phía một người đàn ông đang đứng lùi trong góc căn phòng.
- Câu trả lời có thể chấp nhận được, - người đó nói. - Vào ngày đó, cô ấy chưa bao giờ ra khỏi nhà bằng phương tiện gì khác ngoài xe con thoi.
Họ gật đầu bằng vẻ cam chịu, rồi tiếp tục tấn công:
- Cô đã quên hành trình, thôi được rồi. Nhưng có thể cô còn nhớ chút gì đó về chuyện hai người đã nói với nhau?
- Không hoàn toàn chính xác. Chúng tôi hẳn đã nói về sức khỏe của tôi, tôi nghĩ vậy. Tôi bị ốm, và ông Templeton đã qua thăm để biết tình hình tôi thế nào. Một chuyến thăm hỏi xã giao, không có gì hơn.
Họ nhìn thẳng mặt em với một vẻ không thuyết
phục mấy.
- Hôm ấy, ông Templeton đến nhà cô lúc 14 giờ 22. Đó là thời gian hiện trên màn hình giám sát ở cổng vào, hãy nhìn đây, đây, trên màn hình.
Rồi họ cho em xem đoạn ghi hình chúng ta nói lời chào tạm biệt nhau trước tòa nhà. Màn hình cho thấy lúc đó là 18 giờ 36.
- Hơn bốn giờ đồng hồ. Như thế là hơi dài, đối với một chuyến thăm hỏi xã giao, cô không thấy thế sao, thưa cô?
Sau đó, họ cho em xem một đống những băng ghi hình khác: các băng ghi hình chúng ta ở bên nhau trên thềm đá, gần Đài Tưởng niệm; các băng ghi hình những cuộc nói chuyện của chúng ta tại văn phòng anh, hay tại điểm rẽ của một hành lang trong Thư viện, các băng ghi hình những lần anh đến bệnh viện, với lần điên tiết của thầy Fernand. Họ có tất cả. Trừ cuộc hẹn gặp của chúng ta trong ngõ cụt.
Em đã không hiểu được thực sự họ nghi ngờ điều gì, cũng không hiểu họ buộc tội anh vì điều gì. Khi em hỏi, họ phản ứng: Chúng tôi mới là những người đặt câu hỏi thưa cô chúng tôi sẽ xem lại từng đoạn một nếu cô cũng muốn thế.
Em trả lời: Vâng, tôi rất muốn thế. Anh biết em, Milo: em là một vận động viên chạy cơ bản với một trí thông minh vượt trội. Em biết rằng những gã khờ này không có gì hết để chống lại chúng ta, vậy thì, em không phải bối rối. Hơn sáu tiếng đồng hồ, em trả lời đầy đủ các câu hỏi của họ.
Mỗi khi đoạn ghi hình không nghe rõ tiếng hoặc tiếng bị nhiễu - mà thường bị như thế, nhất là khi ở ngoài trời -, họ lại đề nghị miêu tả nội dung đoạn nói chuyện. Em nói sự thật mỗi khi có thể - nói dối là vô ích, khi không có ích lợi gì. Còn lại, em không nói gì hết. Không có gì nguy hiểm cả. Em cũng không gặp khó khăn để bịa chuyện. Chỉ cần mượn trong vô khối đoạn hội thoại tiêu chuẩn mà thầy Fernand cho em học ngày trước là đã đủ.
Đặc biệt, có một đoạn ghi hình thu hút sự chú ý của họ: đoạn ghi hình chuyến thăm cuối cùng của anh ở bệnh viện, khi anh nói thầm vào tai em cách thức đến gặp anh trong
ngõ cụt.
- Ông Templeton đã kể với cô thật nhiều chuyện, thưa cô! Và có vẻ rõ ràng ông ấy không có ý muốn câu chuyện đó bị ghi lại... Cô có nhớ đó là chuyện gì không?
Em đỏ bừng mặt, và giả vẻ ngập ngừng. Rồi cuối cùng em thẽ thọt với giọng ấp úng:
- Đó là... đó là những chuyện... riêng tư. Những lời...
ngọt ngào.
Họ cười, giễu cợt.
- Thưa cô, chính cô từ đầu cuộc nói chuyện đã nói ông Templeton và cô không thân thiết lắm cơ mà?
- Đó không phải như các ông nghĩ đâu, - em trả lời, - càng đỏ mặt hơn nữa.
Nhìn vẻ hí hửng của họ, em hiểu rằng em rất đáng tin trong bộ dạng giả bộ bị bắt gặp quả tang. Không phải điều đó làm em vui, mà em biết điều quan trọng là tặng cho họ chiến thắng này. Vẻ thẹn thùng của em chỉ như giải xổ số khuyến khích. Bởi vì, kết cục, em đã không nhả cho họ chuyện gì.
Họ còn tiếp tục một hay hai giờ nữa, câu chuyện cho cảm giác họ làm chủ được tình hình. Nhưng em cảm thấy, về cơ bản, họ cũng không quá tin là như vậy. Em đã làm họ tin rằng em không có thông tin gì hấp dẫn để cho họ biết.
Khi họ buông tha em, trời đang là buổi chiều, em cảm thấy kiệt sức, nhưng tự hào vì đã dắt mũi bọn họ, lũ gián ấy. Nhất là, em nghĩ đến anh: dù anh đang ở đâu, em biết rằng việc em cản trở bọn họ đã bảo vệ anh. Em gọi Fernand để thầy đến gặp em. Rồi em xỉu xuống trên vỉ hè.
*
* *
Sự xuống dốc của mẹ em đã bắt đầu ngay khi hai mẹ con chuyển đến quận 13. Những lo lắng tiền bạc, tương lai bế tắc, biên giới cách xa, và cả sự cô đơn nữa. Tự nó, điều đó đã đủ để giải thích tất cả.
Giữa tháng Bảy và tháng Mười, mẹ em năm lần nhận được cảnh báo vì đi làm muộn. Cần phải nói rằng các phương tiện giao thông hoạt động không tốt lắm, vào thời đó, trong khu vực đó của Vùng Tối. Bình thường, mẹ em phải mất hơn hai tiếng một chút để đến nơi làm việc. Trong trường hợp giao thông bất thường, thì em không biết.
Ngày 20 tháng Mười một năm 91, mẹ em có mặt tại nơi làm việc trong tình trạng say rượu. Ông chủ ngay lập tức gọi thanh tra y tế, họ đã lập biên bản. Việc thử máu cho thấy nồng độ cồn là 1,32g. Một gói có năm điếu thuốc cũng bị tìm thấy trong túi của mẹ em. Mẹ em bị đuổi việc vì lỗi nghiêm trọng, và được yêu cầu hai ngày sau phải có mặt tại tòa án quận 39, tại đó, họ kết án mẹ bị trục xuất trong thời hạn một năm và có thể tăng hạn thêm năm khác, kèm với đó là một lệnh kiểm tra sức khỏe. Phía dưới bản án, là mẫu viết sẵn: Tôi tên là Moïra Steiner, 27 tuổi, phố Brèche aux Loups, Coblaincourt, quận 13, tuyên bố biết nội dung điều L 314620 của luật Dân sự, cho phép tôi không công nhận án phạt hiện tại bằng thư bảo đảm có hồi báo trong thời gian tối đa mười lăm ngày sau ngày ký, và được thông báo rằng, sau thời hạn này, tôi không còn quyền phản đối án phạt này nữa. Ngay bên dưới, chữ ký của mẹ, vụng về và run rẩy. Diễn tiến vụ việc kéo dài không đến một giờ đồng hồ.
Mẹ em không kháng án. Mẹ đã không bao giờ tìm cách dành được sự tái hòa nhập cho mình. Các thủ tục dài và phức tạp. Chúng khiến anh phải xếp hàng trong nhiều giờ đồng hồ, rồi họ đuổi anh mà không xử lý hồ sơ của anh, với cớ vì anh thiếu một tài liệu nào đó. Một biện pháp như nhiều biện pháp khác để loại bỏ những kẻ kém năng động nhất, và có lẽ cũng là những kẻ yếu đuối nhất. Mẹ em ở trong số đó. Vào thời ấy, mẹ đã không còn sức lực nữa. Mẹ cam chịu. Vì thế, hình phạt của mẹ tự động được nhắc lại năm này sang năm khác, tự chuyển đổi, trên thực tế, thành án vĩnh viễn.
Cuối tháng Mười một, sau khi được ông chủ thanh toán mọi khoản, mẹ em chỉ còn 317,56 euro.
Đầu tháng Mười hai, mẹ đến văn phòng tuyển dụng lao động quận 13 để lập một hồ sơ tìm việc. Ngày mùng 8 cùng tháng, người ta đề nghị với mẹ em một công việc làm bồi bàn ca đêm - trong Vùng Tối, luật kém nghiêm ngặt: người ta cho phép những người mẹ đơn thân làm việc buổi đêm. Lương không phải là nhiều, nhưng quán bar nằm ngay bên cạnh căn hộ mẹ con em. Mẹ em đã đồng ý không do dự.
Quán bar có tên là L’Anatolie. Trong hồ sơ, em thấy một bản sao hợp đồng của mẹ. Những người bồi bàn nữ ca đêm có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách bán dịch vụ cho khách hàng với mức giá họ tự do ấn định. Quán bar dành cho họ những phòng kín cùng trang bị vệ sinh. Đổi lại, họ cam kết nộp lại cho phía chủ 70% số tiền nhận được. Có thể nói thẳng thể này: L’Anatolie là một nhà thổ, và ông chủ của nó, là một tên ma cô dắt gái đốn mạt.
Nhưng mẹ em đã không kiếm tiền bằng cách đó. Trong phiên xét xử, tay chủ bar đã khai mẹ em không bao giờ sử dụng các phòng kín: Cô ta õng ẹo. Cô ta nói việc đó khiến cô ta ghê tởm. Thật nực cười! Thực ra việc đó không khiến cô ta ghê tởm đến thế! Rồi ông ta quay lại nhìn mẹ em: Vì cuối cùng, cũng quen thôi mà! Chủ tọa phải yêu cầu trật tự.
Mẹ em không quen biết ai trong quận 13. Hình như mẹ cũng không quen biết ai ở bất cứ nơi đâu. Mẹ kiếm được quá ít tiền nên không thể thuê một người trông trẻ. Mẹ chỉ có một lựa chọn là để em một mình suốt cả đêm.
Em đã không bao giờ sợ. Dù sao đi nữa, em không hề có ký ức gì về nỗi sợ ấy. Mẹ phải đợi đến khi em ngủ rồi mới đi làm. Buổi sáng, khi em mở mắt, mẹ đã luôn luôn ở đó, nằm ngủ ngay cạnh em. Chỉ có một chiếc giường duy nhất để hai mẹ con nằm chung.
Thời gian ban ngày của em dành để nhìn mẹ ngủ. Cuộn tròn trong lòng mẹ, không nhúc nhích, em đợi chờ mẹ thức dậy. Hơi ấm và mùi cơ thể mẹ làm em quên cái đói.
Mẹ em thực hiện cẩn thận việc khám sức khỏe - người ta dọa sẽ tước quyền nuôi giữ em nếu mẹ không đi kiểm tra sức khỏe. Hàng tuần, mẹ đều đi khám. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục hút thuốc phiện.
Em nhớ hình ảnh mẹ đang hút thuốc trước cửa sổ đóng kín để không bị nghi ngờ. Điếu thuốc bay xung quanh mẹ, dính chặt giữa ngón trỏ và ngón giữa. Khói thuốc từ từ thoát ra từ miệng mẹ khẽ mở. Đứng sát bên mẹ, em nhắm mắt hít vào những cuộn khói có mùi thơm.
Mẹ em không có giọng khàn của những người nghiện thuốc. Trong ký ức của em, giọng mẹ thanh và ngọt ngào, như là hát vậy.
Những lo lắng về tiền bạc vẫn tiếp tục. Các bản sao kê ngân hàng cho thấy số tiền mặt bị rút ra nhiều. Những tháng về sau, số tiền mặt bị rút ra càng nhiều hơn. Tại phiên tòa, người ta không khó khăn gì để chứng minh đó là để mua thuốc phiện.
Đúng, mẹ em nghiện thuốc phiện, trong người đầy những nicotine, rượu và nhiều chất dơ bẩn khác. Nhưng điều đó không ngăn trở mẹ em vẫn là một người mẹ tốt, như nhiều hành động đã cho thấy điều đó: hàng tháng, mẹ đưa em đến Trung tâm bảo vệ bà mẹ và trẻ em của quận. Trong hai năm rưỡi, mẹ đã không bỏ một buổi thăm khám nào. Báo cáo cuối cùng đề ngày 26 tháng Tư năm 92 - hình như em đã nói với anh: Em bé tuyệt vời. Nói sõi. Liệu một đứa bé bị bỏ bê có nói sõi được, khi mới ba tuổi? Liệu người ta có mua cho nó nhiều quần áo và đồ chơi đến thế? Ngày 13 tháng Tư năm 92, một chiếc váy cho trẻ ba tuổi, hai chiếc áo lót và nhiều quần lót. Ngày 22 tháng Tư, ba chiếc váy, và hai đôi giày. Ngày 24 tháng Sáu, một bộ gilê màu cẩm chướng và một con mèo nhung lông màu xám. Mẹ mua sắm không tính toán. Mẹ lụn bại vì em.
Sau tháng Năm, mẹ ngừng trả tiền phòng, tiền nước, tiền điện. Những lá thư yêu cầu trả tiền cứ dày lên, mà mẹ không hồi đáp. Có nhiều lá thư khác, từ những người ở trong tòa nhà gửi đến chủ nhà. Một trong số họ nói đến mùi thuốc, thuốc lá và nhiều loại khác (theo nguyên văn) thoát ra từ căn hộ của mẹ em. Một bà P... nào đó - tên đã được xóa trong hồ sơ, theo yêu cầu của bà ta - khai đã phát hiện mẹ em nằm dài trong sảnh lúc 7 giờ sáng, trong tình trạng phê thuốc. Tháng Sáu năm 92, chưa đầy một năm kể từ khi chuyển đến, chủ nhà làm thủ tục đuổi mẹ em.
Những nhân viên thi hành án xuất hiện ngày 30 tháng Sáu, vào buổi sáng. Em không nhớ chút nào; có lẽ như vậy lại tốt hơn.
Danh sách các đồ vật bị thu giữ gồm: một chiếc giường khung sắt rộng 140 cm, cùng với chiếc đệm, một chiếc bàn vuông (75x75 cm) bằng gỗ thông thịt, một chiếc ghế bằng gỗ thông ghép, một chiếc đèn bằng kim loại màu đỏ, hai chiếc đĩa ăn bằng sứ màu trắng có hoa văn, hai chiếc cốc, bộ bày bàn ăn bằng i-nốc gồm hai dao, hai dĩa, hai thìa to, hai thìa nhỏ, một cái nồi bằng thép đường kính 22 cm, một bát trộn sa lát bằng thủy tinh màu xanh lơ, một chiếc xe đẩy dành cho em bé, một chiếc nhẫn bằng bạc, một dây chuyền bằng vàng cùng với mặt hình trái tim. Tất cả phần đồ còn lại - ga giường, quần áo, đồ chơi, đồ vệ sinh - được để lại cho mẹ em.
Cơ quan dịch vụ xã hội đã tống mẹ con em cùng ngày hôm ấy vào một cư xá đón tiếp của quận 36. Anh đã biết tình cảnh ở đó rồi, em không phải nói thêm với anh nữa. Ở đó, không có phương tiện giao thông nào chạy qua, không tàu hỏa, không tàu điện, không gì hết. Dù sao, mọi người đều biết: bên ngoài quận 30, cuộc sống không còn là cuộc sống nữa. Có quá nhiều các nguyên nhân thất bại, các trường hợp vô vọng. Các cơ quan dịch vụ xã hội không quản lý nổi. Cảnh sát cũng không. Đó cũng là một điều may mắn, theo một khía cạnh nào đấy: nếu họ thực sự làm công việc của mình, thì đáng ra họ đã tước đoạt em khỏi mẹ ngay từ lúc đó.
*
* *
Lucrezia bị bắt vào cuối tháng Tư. Sáu ngày sau, các cơ quan thông tin quốc gia đã thông báo phá vỡ một mạng lưới ngay bên trong Thư viện Quốc gia. Một mạng lưới rộng lớn tránh khỏi sự kiểm duyệt thông qua hàng chục máy scan bất hợp pháp. Lucrezia được kể như một thành viên tích cực của tổ chức. Hình như cô ấy cũng đã thừa nhận. Nhiều nhân viên của bộ phận số hóa cũng bị nghi ngờ. Họ cũng đã nói đến anh, Milo ạ, như một người tổ chức và được cho là người chỉ huy mạng lưới.
Có vẻ như ông Copland đã giúp đỡ hết sức hiệu quả cho công việc của cảnh sát. Từ khi anh bị bắt, chính ông ta là người lãnh đạo công việc, vì thế, tất nhiên, ông ta rất vui mừng mà tận tụy giúp đỡ. Bộ đã nhiệt liệt cảm ơn sự cộng tác của ông ta.
Thầy Fernand hoàn toàn khiếp sợ, nhưng thầy kiềm chế. Thầy không nói gì. Không một lời nào chống lại anh. Thầy Fernand thân mến, em nghĩ việc đó khiến thầy phải trả giá rất nhiều, nhưng thầy đã lựa chọn giúp em đến tận cùng.
- Anh ấy sẽ gặp nguy cơ gì, thầy Fernand? Người ta sẽ làm gì anh ấy?
- Đừng cuống quýt thế, Lila: nếu họ nói được cho là người tổ chức, thì tức là họ chưa có gì cụ thể, chỉ là những nghi ngờ thôi. Cô gái Lucrezia ấy đã không tố giác ông ấy, hình
như vậy.
- Việc đó có thể xảy ra, thầy biết rất rõ thế mà! Họ có khả năng làm người khác khai nhận bất cứ điều gì!
- Đừng cuống quýt thế, - thầy Fernand nhắc lại. - Vào lúc này, họ không có gì hết, đó mới là điều quan trọng. Chúng ta đang ở trong một Nhà nước pháp quyền, Lila ạ. Người ta không kết án người khác dựa trên những nghi ngờ đơn
giản đâu.
Em nghĩ đến anh mọi lúc, Milo ạ, tất cả những khi em không ở trong tủ tường. Thầy Fernand làm hết sức có thể để có được tin tức từ Bộ. Vô ích. Thật không thể chịu nổi khi không biết tin tức gì.
Em cố không để xảy ra chuyện gì, vì chuyện bị theo dõi tâm thần ấy. Cần phải lừa họ. Vì thế, em tiếp tục chạy bộ hàng ngày, tiếp tục đi dạo trong thành phố để giữ liên hệ với xã hội, tự tặng cho mình hai buổi làm Sensor mỗi tuần, đặt hàng dưỡng phẩm chăm sóc bàn tay từ các hãng. Tóm lại, em tỏ ra gần như bình thường.
Một hôm, thầy Fernand nhắc lại với em thỏa thuận giữa chúng em khi em dành được công việc tại Thư viện: em có thể tiếp tục việc học tập, nếu em muốn. Về phần tiền chi phí, em không phải lo lắng. Trung tâm sẽ chi trả tất cả, như họ cam kết.
- Đi học tiếp sẽ tốt cho em. Điều này mang lại cho em một mục đích, những triển vọng tương lai. Em rất có khả năng, Lila ạ!
Em nói:
- Vâng, thầy Fernand, đi học tiếp, tại sao không chứ.
Đi học, điều này sẽ cho em hình ảnh về một cô gái can đảm, mong muốn vượt lên những chấn thương tinh thần của mình và tiến về phía trước. Một vỏ bọc lý tưởng. Tất cả mọi người sẽ yên tâm, và chắc chắn, họ sẽ để em yên.
- Em có ý nghĩ gì về việc làm mà em muốn chưa?
- Vẫn chưa ạ... hay đúng hơn, em có quá nhiều ý nghĩ. Em cần phải suy nghĩ lại. Em không muốn mình quyết định hời hợt.
- Tôi đồng ý một trăm phần trăm!
- Thầy cho em một vài tháng để xem xét vấn đề, trước khi quyết định nhé?
- Bao lâu tùy em! Khi em có các dự định...
Đó là cách để em được bình yên, Milo ạ, khi đặt mua hàng tấn tài liệu về những nghề khác nhau hoàn toàn, khi nghiên cứu kỹ các tiến trình, sự vận hành của các trường, thị trường công việc của các trường đó... Ngày 1 tháng Sáu, khi trải qua lần kiểm tra thứ sáu trong khuôn khổ theo dõi điều trị, em đã trang điểm, che chắn, trang bị đến tận răng niềm vui sống và những dự định tương lai. Để đáng tin hơn, dù sao em đã vẫn thừa nhận có những lúc thấy mệt mỏi và trống trải trong tâm hồn. Họ đã gật đầu với một vẻ thông cảm: Thế là bình thường, cô ạ, sau những điều cô đã trải qua. Cô cần có thời gian để bình phục. Họ đã viết báo cáo rất tích cực. Việc theo dõi điều trị từ nay có thể giảm xuống mức ba tháng một lần. Rồi họ trả em về với tự nhiên.
*
* *
Hai mẹ con em không ở lại lâu trong cư xá đón tiếp của quận 36. Ngay ngày 15 tháng Bảy, chúng em chuyển về ở trong một phòng nhỏ, trên tầng 7 của một tòa nhà cũ từ cuối thế kỷ trước - em không biết mẹ đã xoay xở thế nào để tìm thấy nó.
Bản kê khai tình trạng gian phòng liệt kê các vết nứt trên tường và các vết thấm trên trần, một cánh cửa bị gãy, nhiều viên gạch lát tường trong phòng tắm bị vỡ, những ổ cắm không có điện và vòi nước hoạt động nóng lạnh thất thường. Tất nhiên, như thế không được tươi vui lắm. Phải nói là bẩn thỉu. Nhưng tiền thuê không đáng kể, và, ít nhất, chúng em được ở trong nhà riêng của mình. Ở phía dưới bản kê khai, chữ ký của mẹ em - chữ viết run rẩy, ngày càng khó đọc.
Em có các sơ đồ của căn phòng, Milo ạ: một phòng ngủ không rộng hơn 10m², với một góc bếp, một phòng tắm hẹp với bồn cầu. Một tủ tường.
Đã có vấn đề trong việc chuyển hồ sơ. Hồ sơ của mẹ em đã được chuyển đúng về Trung tâm hành chính quận 36. Nhưng không có hồ sơ của em. Khi người ta tìm lại hồ sơ của em vào thời điểm em bị đưa vào Trung tâm, vài năm sau, họ mới phát hiện nó đã bị xếp nhầm tại cơ quan lưu trữ. Suốt thời gian hơn ba năm, em đã không tồn tại dưới con mắt của cơ quan hành chính: tên của em đã biến mất khỏi các bộ phiếu, danh sách các thể loại. Không còn những lần nhắc nhở đi thăm khám sức khỏe, không một bắt buộc đến trường học. Bị xóa sổ, bị lãng quên, không tồn tại hợp pháp. Tất cả đã sắp sẵn, để cuối cùng, em không tồn tại cả trong mắt của mẹ em.
Mẹ tiếp tục làm việc tại quán bar L’Anatolie trong gần hai tháng sau khi chúng em chuyển đến quận 36. Em không biết mẹ đã xoay xở thế nào, đối với việc đi lại - ít nhất phải mất bốn hoặc năm giờ mỗi ngày, đó không phải là một cuộc sống nữa.
Đáng ra mẹ có thể tìm thấy một công việc khác, gần nhà chúng em hơn. Nhưng không, mẹ muốn tiếp tục công việc ấy, dù được thưởng ít ỏi và lương chết đói. Có thể công việc ấy làm cho mẹ thấy ổn vì hàng ngày vẫn trở về trong một khu vực vẫn còn khá gần biên giới. Nó có lẽ giúp mẹ chịu đựng được ý nghĩ từ nay mẹ em bị lưu đày trong một hầm tối ở giới hạn tận cùng của Vùng Tối, không một hy vọng nhỏ nhoi nào để trở về.
Buổi tối, mẹ cho em ngủ sớm hơn, để đi làm. Việc ấy không làm em khó chịu, em ngủ rất dễ dàng. Em ngủ sâu. Đêm trôi qua nhẹ nhàng. Khi em thức dậy, mẹ đã luôn ở đó, nằm ngủ bên cạnh em. Cũng y như ngày trước, chỉ có điều giờ mẹ thức dậy muộn hơn. Em cuộn tròn trong lòng mẹ chờ đợi, không dám động đậy, mặc dù đói và buồn đi tiểu. Em sợ làm phiền mẹ. Khi nỗi lo sợ sẽ tè làm ướt ga đệm trở nên mạnh hơn, em mới nhổm dậy. Em nhón chân chạy vào phòng tắm. Em leo một cách khó nhọc lên bồn cầu. Em cố gắng tè thật nhanh, vì những viên gạch lát vuông phía trên chậu rửa. Tất cả những dấu vết va chạm ở giữa những vết nứt hình ngôi sao ấy, những cạnh vỡ ấy, rõ ràng và sắc lẹm. Chúng khiến em liên tưởng đến bạo lực, và do đó làm em sợ phát khiếp.
Sau đó, em lại nằm bên cạnh mẹ, kiên nhẫn chờ đợi mẹ mở mắt. Vài giờ sau, khi mẹ tỉnh dậy, mẹ cho em ăn. Rồi hai mẹ con lại đi ngủ, ôm nhau, và hai mẹ con cứ nằm ngủ yên như thế, không động đậy, cho đến hết ngày. Bên cạnh mẹ, em thấy thoải mái. Em không muốn điều gì khác. Em nói điều này với anh, Milo: không một đứa trẻ nào được sưởi ấm bằng thân nhiệt của người mẹ nhiều hơn em đâu.
Bước ngoặt xảy ra vào đầu tháng Mười: mẹ em đóng tài khoản ngân hàng và ngừng đi làm việc, không báo với một ai, không một lời giải thích. Mẹ em dừng lại, thế thôi. Ngày mùng sáu, mẹ bị đuổi việc vì bỏ nhiệm vụ. Dẫu sao, nhìn vào thời gian đi lại của mẹ em, thì việc này không thể kéo dài
hơn được.
Mẹ em đã không bao giờ xuất hiện tại văn phòng tuyển dụng lao động quận 36. Với “thành tích” của mình - các vấn đề về nghiện thuốc, hai lần bị đuổi việc - mẹ biết mẹ không có bất cứ một cơ may tìm thấy việc làm nào bằng những cách thông thường. Vì thế, mẹ đã lựa chọn tự xoay xở một mình.
Em không tin mẹ đã quyết định mà không suy tính. Chắc hẳn mẹ đã suy nghĩ từ khá lâu, có thể nga 8000 y từ khi chúng em chuyển đến quận 36. Trên bảng sao kê ngân hàng cuối cùng, chỉ có ba món đồ mua, đều thực hiện trong tháng Chín: một chiếc váy màu đỏ, một chiếc váy màu xanh lơ, và một đôi bốt cao giả da. Khi lựa chọn từ bỏ công việc ở quán bar L’Anatonie, mẹ em hoàn toàn biết mẹ sẽ làm gì. Mẹ đã chấp nhận việc đó.
Từ tháng Mười một năm 92, mẹ em rơi vào tình trạng bán phi pháp, mẹ chỉ ra khỏi tình trạng ấy khi bị bắt. Hồ sơ của mẹ trống rỗng: không phiếu lương, không bản sao kê ngân hàng, không kiểm tra sức khỏe, không tiền phụ cấp bất cứ dạng nào. Mẹ biến mất khỏi các bộ phiếu hành chính, không có tên trong các cuộc điều tra dân số, thậm chí không có mặt trong danh sách cử tri - hình như điều này không phải là hiếm trong các quận xa trung tâm nhất thế này. Cũng như em, mẹ không còn tồn tại trong mắt mọi người.
Giờ đây, em thấy rõ mẹ đang vội vã dọn sạch đồ ra khỏi tủ tường, mẹ lèn chặt trong một thùng các-tông. Mẹ quay lại phía em, và cười.
- Con yêu, mẹ làm cho con một cái giường, ở trong này. Một chiếc giường nhỏ xinh xắn.
Em nhìn mẹ, ngạc nhiên.
- Maman buộc phải làm thế, vì công việc.
Mẹ ôm em, vuốt ve em và thì thầm:
- Maman cần phải kiếm tiền cho con gái. Con hiểu không?
Em gật đầu. Mẹ buông lỏng vòng tay, rồi trở lại với công việc tất bật. Mẹ đặt vào bên trong tủ tường một cái gối và một cái chăn. Mẹ xếp những con thú bông của em dựa vào tường.
- Ở đây, ở đây, con sẽ thấy thoải mái, - mẹ nói với vẻ
vui mừng.
Đêm xuống. Mẹ sửa tóc, trang điểm. Mẹ mặc chiếc váy đỏ, đi đôi bốt dài lấp lánh. Mẹ ôm em trong tay, rất đẹp, nhấc em lên, hôn em, rồi bước đến tủ tường, mẹ trượt cánh cửa, bằng đầu mũi chân. Thật nhẹ nhàng, mẹ cúi người, và đặt em xuống đó.
- Nằm xuống nhé, con yêu.
Em nhìn mẹ, si mê, đôi mắt mẹ dịu dàng, nụ cười mẹ hơi lơ đãng. Khi mẹ kéo chăn lên người em, miệng mẹ tròn; mẹ bắt đầu hát:
Trời mùa hè, và cuộc sống dễ chịu
Con cá nhảy và bông bay cao
Ồ, cha con thì giàu có còn mẹ con thì xinh đẹp
Vậy thì hãy nín đi con,
Con đừng khóc...
Em không hiểu lời, nhưng hiểu ý: mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp, bởi vì mẹ yêu em. Qua miệng của mẹ, thế giới trở nên ngọt ngào và an toàn. Không chuyện gì có thể xảy đến với em.
- Bây giờ con sẽ ngủ. Con sẽ ngủ, phải không nào?
Em nói vâng. Mẹ cười.
- Con sẽ không ra khỏi đây nếu mẹ không đến đón con. Đồng ý không?
Em lại nói vâng. Mẹ ôm em.
- Ngủ ngon nhé, em bé của mẹ.
Tấm cửa đóng lại. Em nghe tiếng mẹ dần xa, tiếng gót chân mẹ. Mẹ ra ngoài. Em không sợ. Em tự tin, tuyệt đối tự tin. Em đã cảm thấy cơn buồn ngủ rơi xuống mí mắt.
Mẹ đưa khách hàng về phòng. Trong phiên xét xử, những người hàng xóm đã đến làm chứng. Một số người khai rằng việc đó không dừng lại, mỗi đêm có đến hai mươi lượt. Thường là những kẻ vô lại, lôi về từ bất cứ chỗ nào. Những kẻ nghiện ngập, giống như cô ta. Cứ suốt suốt như thế. Lũ gián bẩn thỉu, hãy tin là bọn họ đã dòm qua khe cửa hàng đêm.
Hai mươi lượt khách. Anh thử tưởng tượng xem, hai mươi lượt khách. Dẫu sao mẹ không thể để em chứng kiến cảnh đó. Điều đó có thể hiểu được, với em là vậy. Không kể đến việc những kẻ đồi bại rất có thể sẽ muốn xâm hại em, mẹ để em trong tủ tường chính là để bảo vệ em. Bởi tình yêu. Bởi vì mẹ em không còn giải pháp khác. Làm sao không ai nghĩ đến điều đó chứ?
*
* *
Một buổi tối tháng Mười hai, em nghe tiếng meo meo sau lỗ cửa. Trời tối, em không nhìn thấy rõ. Em tiến lại gần, không dám tin chắc lắm. Tuy nhiên, nó ở đó, cái mặt áp vào tấm kính, to lớn, màu đỏ lửa, có sẹo dài khắp thân. Em
mở cửa.
- Mèo cưng của tao, mày còn sống!
Nó nghiêng nghiêng cái đầu kêu meo meo. Một bên tai nó bị rách, bên tai trái, chỗ trước đây gắn con chíp. Em vuốt bộ mặt nó.
- Tao nhớ mày quá.
Nó nhấp nháy mắt.
- Mày vào nhà chứ, Pacha?
Nhưng nó không nhúc nhích.
- Nào, đến đây, anh chàng đẹp trai. Đừng đứng bên ngoài; trời lạnh lắm.
Nó lại kêu meo meo, vươn cái cổ hướng về bóng tối, như thể nó muốn chỉ cho em thứ gì đó. Em quay đầu lại, tò mò, và em nhìn thấy một con mèo khác, đang bước chậm chậm dọc theo gờ tường.
- Mày kiếm được nó ở đâu vậy? Trong các khu phố đồi bại à?
Nó nhìn em, đôi mắt đẹp xanh màu nước, bình yên, sâu thẳm, đến mức em như đang rung rinh ở trong đó. Con mèo kia tiếp tục tiến lại gần, dần lộ ra khỏi bóng tối. Đến đầu gờ tường, nó nhảy lên ban công, rồi đến ngồi bên cạnh con Pacha. Lúc này em đã hiểu: con Pacha không còn một mình nữa. Nó đã có một cô bạn đồng hành. Một cô nàng lẳng lơ xinh đẹp, với cái bụng tròn và nặng nề.
Em dọn cho chúng ở trong phòng tắm, nơi xa nhất có thể từ máy quay chính. Em tưởng tượng chắc hẳn sẽ có chuyện om sòm nếu người ta phát hiện ra chúng. Đó cũng là điều thầy Fernand sớm khẳng định:
- Em không thể giữ chúng ở nhà được đâu, Lila ạ, như vậy là trái với pháp luật!
- Em cũng nghĩ thế, thầy Fernand ạ, em cũng nghĩ thế.
- Đối với con Pacha thì không có vấn đề gì: chỉ cần báo hủy giấy chứng tử và cho cấy lại con chíp thôi. Nhưng đối với con mèo kia, đó lại là một câu chuyện khác. Em bắt buộc phải thông báo sự có mặt của nó cho các cơ quan y tế!
- Họ sẽ làm gì nó?
- Tôi không biết chính xác. Cho nó một cái chết không đau đớn, có lẽ vậy. Rất có thể là nó đã không được khai báo.
- Nhưng dù sao, nó là bạn gái của Pacha cơ mà! Và hơn nữa, thầy thấy rõ là nó đang chờ đợi những con mèo con ra đời mà!
- Em nói với tôi chuyện gì vậy? - Thầy Fernand nghẹt giọng. - Pacha không có khả năng sinh sản, giống như tất cả những con mèo có nguồn gốc từ nhân bản gen vậy! Không thể có chuyện nó là mèo bố được!
- Thật ghê tởm! - Em đáp lại, chua chát. Con mèo dâm đãng kia chắc hẳn đã mang bầu ở đâu đó, và giờ nó đẩy trọng trách làm cha cho con Pacha. Thật là xấu hổ!
- Không có gì đáng cười đùa cả!
- Thầy Fernand, em xin thầy, hãy để em giữ chúng một thời gian nữa. Đi mà... đến khi những con mèo con được sinh ra. Em không nghĩ là sẽ lâu nữa đâu.
Thầy nhìn em, sửng sốt.
- Em biết em sẽ chịu rủi ro thế nào nếu như các cơ quan giám sát phát hiện ra chuyện không?
- Thầy Fernand, xin hãy rộng lòng! Chỉ một thời gian thôi. Cho đến lúc mèo đẻ. Sau đó, em hứa em sẽ khai báo chúng.
Mặt thầy đỏ gay.
- Em hoàn toàn mất trí rồi! Nếu có sự kiểm soát... Mà tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại đôi co với em: chỉ cuộc nói chuyện này thôi cũng đã là tội chứng rồi!
- Thầy biết rõ là khả năng họ nghe chúng ta là rất nhỏ. Em đã được giảm mức độ theo dõi. Và họ phải giám sát quá nhiều người.
- Dù sao thì...
- Em chấp nhận rủi ro, thầy Fernand ạ.
- Nhưng em sẽ nuôi chúng bằng cách nào? Em sẽ bị phát hiện ngay lập tức, nếu em có ý định đặt mua thức ăn cho mèo.
- Thầy đừng lo, em tự xoay xở được. Em sẽ dành cho chúng một phần suất ăn của em. Nếu vẫn chưa đủ, em bắt con Pacha phải đi săn. Trong thời gian nó đi lang thang, chắc hẳn nó đã biết tự xoay xở một mình.
- Tôi không thích như vậy.
- Thế là thầy đồng ý?
- Em biết tôi quá rõ, đấy chính là vấn đề! - Thầy
lẩm bẩm.
- Có nghĩa là thầy đã đồng ý?
- Điều đó có nghĩa tôi nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi mèo đẻ. Nhưng tôi báo trước với em, nếu sau đó em từ chối khai báo chúng, thì chính tôi sẽ làm việc này!
Em cười.
- Cảm ơn, thầy Fernand. Thầy biết đấy, đối với em, việc có thể giữ chúng thêm một chút thời gian nữa thực sự rất quan trọng.
Em không nói dối: những ký ức của em trở lại mỗi ngày một đau đớn hơn, và em cần cảm thấy có sự hiện diện trong căn phòng.
*
* *
Thời gian đầu, mọi thứ diễn ra êm xuôi. Sau khi khách hàng cuối cùng ra về, mẹ đến nhấc em ra khỏi tủ và bế em lên giường. Cho đến hết đêm, em lại được ở bên mẹ, như ngày trước. Như ngày trước, em lại chờ đợi mẹ thức dậy, đến tận tối. Hầu như không có gì thay đổi cả.
Rồi mẹ bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc phiện. Dù sao đi nữa, em cũng không thấy mẹ có thể đứng vững được bằng một cách nào khác. Tận hai mươi lượt khách một đêm. Dù sao cũng cần phải sống.
Mẹ bắt đầu không đến đón em ra khỏi tủ tường nữa, khi mẹ xong việc. Điều đó thực sự không làm phiền em. Khi em tỉnh giấc, em kéo cánh cửa tủ, và em thấy mẹ đang ngủ. Chừng nào em còn có thể nhìn thấy mẹ, em còn cảm thấy yên tâm.
Càng về sau mẹ càng ngủ lâu hơn. Em lo lắng việc đó là không bình thường. Nói chung, trẻ con cảm nhận được điều này. Đôi khi, mẹ ngủ lâu quá tưởng chừng như mẹ đã chết. Khi nỗi lo lắng trở nên quá lớn, em dậy để kiểm tra mẹ còn thở hay không. Em ngồi dưới đất bên cạnh mẹ chờ đợi, và em bám lấy hơi thở của mẹ.
Khi mẹ tỉnh dậy, mẹ nói: Ah, con ở đây, bé con của mẹ... Mẹ cười với em, một cách lờ mờ, rồi mẹ chỉ vào tủ tường khẽ nói với vẻ mệt mỏi, Con quay lại ngủ đi, maman bị mệt. Ở trong bóng tối chờ đợi cũng không hề chi, vì mẹ đã ở ngay gần đây. Vì mẹ đã cười với em, đã nói với em lời dịu dàng. Em không đòi hỏi gì hơn nữa.
Thuốc phiện làm mẹ thay đổi. Đôi khi, chúng làm mẹ đờ đẫn đến nỗi nằm ngủ nhiều ngày liên tiếp, mê mệt. Khi mẹ ở trong tình trạng ấy, thì có khi mẹ quên em.
Xương đòn của em bị gãy là vì thế: bởi vì mẹ đã quên em, lâu hơn bình thường một chút. Đã hai ngày liền, mẹ không cho em ăn. Em nghe tiếng mẹ rên rỉ trên giường, mà không dám ra khỏi tủ, vì sợ quấy rầy mẹ. Trong những lúc thế này, mẹ không bao giờ thấy dễ chịu.
Đến buổi sáng ngày thứ ba, em quyết định ra khỏi tủ ngay lập tức. Lúc này mẹ đang ngủ. Nếu em cố gắng không gây ra tiếng động, mẹ sẽ không nhận ra em đã ra ngoài.
Các hộp thức ăn xếp trên một chiếc giá, ở trên cao. Hai con mắt màu xanh nhìn em chòng chọc. Em kéo cái thùng các tông dùng như chiếc ghế đẩu, và em trèo lên trên để định với lấy các hộp thức ăn. Nhưng em cố kiễng đầu ngón chân mà không với tới, các ngón tay em chỉ chạm được tới mép giá. Đôi mắt xanh vẫn luôn nhìn em, trơ ì và buốt lạnh, khiến cơn đói của em càng trở nên đau đớn hơn.
Khi hộp các tông đột ngột ụp xuống, em đang bám trên mép giá. Em ở trong tư thế bị treo lơ lửng như thế một lúc. Rồi tất cả đổ ụp cùng với tiếng động khủng khiếp. Em cảm thấy một tia chớp chết người trên vai em. Rồi không cảm thấy gì nữa.
Khi em mở mắt, em thấy mẹ cúi xuống em. Cảm giác đau đớn lan tỏa khắp cơ thể, và làm em hoa mắt.
- Trời ơi, mày đã làm gì thế này? Hãy nhìn tao, đồ chết tiệt này!
Em ngoảnh mặt đi, dù đau đớn đỉnh điểm, em nhìn thấy chiếc giá bị lôi bật xuống, bụi thạch cao, các hộp vung vãi giữa đám thức ăn. Em bắt đầu rên rỉ.
- A đã gây chuyện thế rồi còn định ăn vạ hả?!
Em rên rỉ to hơn.
- Mẹ kiếp, mày có câm miệng đi không?
Mẹ túm lấy em. Em rú lên.
- Tao không muốn nghe mày nữa!
Mẹ lôi em vào trong nhà tắm.
- Mày sẽ làm tao phát điên lên mất!
Mẹ đóng sập cánh cửa. Em gào lên to hơn, vô cùng hoảng sợ. Em biết mình đang ở trong phòng của những lát gạch vỡ, và đây là nơi đặc biệt làm em khiếp sợ, khiếp sợ hơn cả trong bóng đen hoàn toàn nơi em vẫn thường bị nhốt, khiếp sợ hơn cả cơn nóng giận của mẹ em, và khiếp sợ hơn cả cơn đau đớn đang giày vò trên vai em.
Em không biết em đã khóc trong bao lâu - những đứa trẻ không có khái niệm về thời gian, như vậy đôi khi cũng tốt. Khi em ngừng khóc, bầu im lặng trở nên tuyệt đối. Em tưởng tượng mẹ đã đi ngủ trở lại. Em nằm ngủ trên nền gạch. Em chỉ tỉnh lại khi mẹ vào.
- Lại đây, con gái yêu của mẹ. Bây giờ, mọi thứ đã
xong rồi.
Mẹ nhấc em lên, đưa em về phòng ngủ.
- Con làm sao vậy, con gái?
Em gục vào mẹ thổn thức.
- Con hứa với mẹ con sẽ không nghịch ngợm như vậy nữa nhé? Con hứa nhé?
Em gật đầu.
- Ôi, con gái yêu, ngoan lắm!
Mẹ ôm em chặt hơn, làm cảm giác đau đớn sống lại.
- Có chuyện gì vậy? - Mẹ vừa hỏi vừa sờ lên vai tôi. Con bị đau à?
Em nhăn nhó.
- Con đau lúc bị ngã đúng không?
Em không dám nói nữa. Mẹ có vẻ lúng túng.
- Con gái của mẹ, thật khủng khiếp! Mẹ sẽ lo chuyện đó... chăm sóc con, nhưng... không phải lúc này. Bây giờ, mẹ không thể... Mẹ phải đi làm việc. Những ngày này, mẹ không thể. Mẹ bị bắt buộc.
Mẹ cười, vuốt má em.
- Ngày mai, mẹ sẽ chăm sóc con thật tốt, con sẽ thấy. Ngày mai, mẹ sẽ có thời gian. Mẹ yêu con, con gái nhỏ
của mẹ.
Để em tránh cử động, mẹ bón em ăn bằng thìa, từng miếng từng miếng một. Mẹ lại trở nên dịu dàng và kiên nhẫn. Em nhắm mắt để tận hưởng một cách tốt nhất niềm hạnh phúc của mình. Sau đó, mẹ bế em đặt vào tủ, cẩn thận để dỗ em ngủ. Ngủ ngon nhé, bé yêu của mẹ. Em cười, và hạnh phúc vì cái đau đớn của mình đã làm mẹ trở nên dịu dàng đến thế.
Ngày hôm sau, mẹ đã không chăm sóc em. Có lẽ mẹ không có tâm trạng. Tầm buổi tối, mẹ hé cửa tủ, đưa vào một hộp thức ăn và một chai nước, rồi lại đóng tủ. Những ngày tiếp sau cũng như vậy. Em tin là mẹ đã quên rằng em bị đau.
Một buổi sáng, khi muốn kéo trượt cánh cửa tủ để đến kiểm tra rằng mẹ vẫn còn thở, em nhận thấy cánh tủ đã bị chặn lại. Chắc mẹ đã chặn bằng thùng các tông, bằng hòm, để ngăn em tự mở cửa. Em đã cố gặng sức một chút, nhưng em quá yếu. Vì thế, em đành ngồi im, rình rập bầu im lặng trong nỗi mong đợi một tín hiệu, một tiếng động, hay bất cứ thứ gì, miễn là em có bằng chứng cho thấy mẹ vẫn luôn ở đây, gần bên em và đang còn sống. Cuối cùng, em đã nghe thấy tiếng mẹ rên rỉ trong giấc ngủ, và em cảm thấy hoàn toàn bình yên. Sau đó, em nghĩ là em cũng thiếp ngủ.
Em biết đó không phải là một hoàn cảnh bình thường. Tất nhiên, em biết điều đó. Nhưng cuối cùng, vẫn phải nói sự việc đúng như chúng là thế: em không đau khổ khi sống trong tủ tường. Nó giống như một cái kén tằm kín đáo. Em cảm thấy được an toàn ở trong đó. Em ở trong đó, nằm phè phỡn giữa đám thú bông. Em thấy tốt. Những đường ống nước nóng chảy trong tường làm ấm lớp xi măng. Cả ngày, em dành thời gian để ngủ gà, hay để nghe ngóng mẹ. Hơi thở của mẹ. Tiếng động của ga đệm, mỗi khi thỉnh thoảng mẹ trở mình. Bước chân của mẹ, khi mẹ thức dậy. Em không bao giờ thấy sợ. Những tia ánh sáng mảnh lọt qua khe cánh cửa tủ trượt. Chỉ vậy cũng đủ để nhắc em biết thời gian vẫn đang là ban ngày.
Khi em thấy sợi chỉ sáng và mảnh quanh viền tủ mờ dần, em biết rằng buổi tối đang đến gần. Quãng thời gian yêu thích nhất của em. Đó là lúc mà cuối cùng mẹ cũng trở nên nhộn nhịp, thức dậy, chuẩn bị để đi làm. Tai áp vào thành tủ, em cố gắng mò đoán mẹ đang làm gì. Nước chảy ở phòng bên, mẹ đang rửa mặt. Tiếng sột soạt của vải, mẹ đang mặc váy. Mẹ chọn chiếc váy nào nhỉ? Cái màu đỏ? Cái màu xanh? Hay một váy nào khác mà em không biết? Tiếng bước chân, mẹ đã đi đôi bốt cao. Cánh cửa tủ hé mở, mẹ đặt vào chiếc hộp và chai nước, đóng lại cánh tủ. Cánh cửa ra vào sập lại, mẹ đã đi. Em bò lại chiếc hộp, em thọc các ngón tay vào trong hộp rồi đưa lên miệng. Em ăn. Em vừa ăn no vừa nghĩ đến mẹ. Em không cách quá xa hạnh phúc lớn lao. Khi mọi thứ kết thúc, em để mình dần dần chìm vào sự đờ đẫn của bóng đen, hơi ấm của xi măng, tiếng lục đục của ống nước. Em như đang ở trong một cái bụng, nhộn nhịp và che chở, tiếp đón em và ru em ngủ. Em không muốn ra khỏi đây.
Thỉnh thoảng, mẹ giật mình, và mẹ tìm thấy sức lực chăm sóc em. Em nhớ những bước chân mẹ đến gần. Em không phản ứng. Em quá mệt. Em nghe tiếng dịch chuyển thùng các tông chặn cửa tủ. Bỗng nhiên, cánh cửa được kéo trượt sang, bức tường tràn ngập ánh sáng mặt trời. Ánh sáng như xé rách con ngươi. Em co rúm lại, hai bàn tay che mặt. Khủng khiếp lắm. Em muốn ngắm nhìn mẹ, nhưng em không thể nhìn thẳng mẹ được. Và mặc dù niềm mong ước được ở bên mẹ, em vẫn muốn mẹ đóng lại cánh cửa tủ, để ban ngày biến mất, thôi đâm vào mắt em hàng ngàn mũi kim ấy. Trời ơi, con bẩn quá thôi! Giọng mẹ rụng rời. Em co rúm người thêm. Con bẩn quá! Thật không thể nào... Mẹ cố làm em đứng. Nhưng em không thể bước chân được nữa. Vì thế, mẹ bế em trong tay. Mẹ rên rỉ khi nhấc em lên, như thể việc đó đòi hỏi mẹ một cố gắng khủng khiếp. Em cảm thấy mẹ run rẩy và lảo đảo, trong khi bế em vào nhà tắm. Mẹ đặt em dưới bồn tắm. Em hé mắt, chỉ một khoảng ngắn thôi, để nhìn mẹ. Mẹ đã thay đổi. Rất nhiều vết chàm trên khuôn mặt mẹ. Tuy vậy, mẹ vẫn đẹp. Một thần tượng làm em lóa mắt. Ánh sáng, vẻ đẹp của mẹ, thật gây đau đớn quá. Em nhắm mắt lại.
Nước bắt đầu chảy, bỏng rát. Tay mẹ dò dò, điều chỉnh van, và nước chuyển thành lạnh buốt. Mẹ tiếp tục nhắc lại, Trời ơi, con bẩn quá, với giọng hoảng hốt. Trời ơi, con bẩn quá. Mẹ gần như khóc trong lúc xả nước lên người em.
Nước tra tấn em, bỏng rát, rồi lạnh buốt, rồi lại bỏng rát. Em đau đớn, nhưng em im lặng, em sợ làm hỏng khoảnh khắc này. Mắt lim dim, em cảm nhận sự dịu dàng của đôi bàn tay mẹ đang mải miết tẩy rửa cho em bằng xà phòng, vết đau do nước cứ chảy. Xà phòng chảy vào trong mắt em, trên mặt em. Em không phản ứng. Em chỉ còn biết hài lòng hít lấy mùi thơm của xà phòng, đồng thời cũng hít vào không khí đầy
hơi nước.
Tắm cho em xong, mẹ khóa vòi nước. Mẹ ôm em, nhấc em lên, bế em lên giường. Em mặc kệ. Mẹ xoa bóp cho em, mẹ bôi kem cho em. Con gái yêu của mẹ, con gái yêu của mẹ. Thật tuyệt vời khi nghe thấy lời nói ấy. Giá như điều này có thể không bao giờ dừng lại, ở trong vòng tay mẹ, những lời nói ấy bên tai em: Con gái yêu của mẹ, con gái yêu của mẹ.
Mẹ mặc cho em quần áo sạch, nhưng không còn cái nào vừa nữa, váy không, quần cũng không. Chiếc áo may ô ngắn tay cũn cỡn trên rốn em. Mẹ kéo xuống, ba lần liền. Không thay đổi được gì. Thật điên rồ, con đã lớn! Không thể nào. Mặc kệ, mẹ để em mặc quần lót và cái áo may ô ngắn. Dù sao, cũng đâu quan trọng gì. Trong tủ tường, không bao giờ
bị lạnh.
Mẹ cho em đứng lên, và mẹ ôm em. Em cảm thấy xương của mẹ. Mẹ gầy đi, và em bị đau, vì tất cả các xương mẹ đều sắc nhọn. Em không nói gì. Đầu em chảy trên cổ mẹ. Mẹ đu đưa em, em phó mặc mọi thứ. Con gái yêu của mẹ, con gái yêu của mẹ. Em là con búp bê bé nhỏ, mềm mại và thơm tho
của mẹ.
Mẹ đặt em nằm bên cạnh, dưới tấm chăn. Con sẽ nằm ở đây với mẹ. Có được không con? Em nhấp nháy mắt để nói vâng. Em cảm thấy quá mệt nên không nói nổi. Hoặc khi đó, em đã quên nói.
Dưới đất, phía chân giường, một chiếc gạt tàn đầy có ngọn. Ở bên cạnh, hai ống xi lanh với kim tiêm cong queo. Chiếc giường có mùi nước hoa của mẹ, mùi thuốc lá, và nhiều mùi khác, lạ lẫm, khó chịu. Tóm lại, chiếc giường bốc mùi, chiếc giường đầy cáu ghét, nhưng em không hẳn để ý đến điều đó. Và sau nữa, để ý để làm gì, khi mà mẹ đang ở đây? Mẹ nói với em rằng tất cả sẽ tốt đẹp, rằng em là con gái nhỏ của mẹ, con gái yêu của mẹ. Em nghe mẹ. Em tin mẹ.
Buổi tối, trước khi đi làm, mẹ lại đặt em ngủ trong tủ tường và đóng cửa tủ, mẹ chặn thùng các tông cẩn thận.
Mẹ con em đã sống loạc choạc như thế, mong đợi điều tốt đẹp với một chút dịu dàng mỗi khi mẹ có thể. Nhưng không thường xuyên được như thế. Thỉnh thoảng, mẹ nổi cơn giận dữ. Vì thuốc, mẹ không còn nhận biết hành động mẹ đang làm. Mẹ thậm chí cũng không nhận thấy những vết thương nữa, em chắc chắn như vậy. Với các vết bỏng cũng thế, mẹ không phải là người chịu trách nhiệm. Cái vòi nước chập cheng, anh còn nhớ không? Điều này đã được ghi trong biên bản tình trạng căn hộ.
Em không thể nói với anh em đã ở trong tủ tường trong thời gian bao lâu. Nhiều tháng, có thể là nhiều năm. Không ai thực sự biết được. Các bác sĩ cũng không thống nhất được với nhau về điều này.
Dần dần, em không phân biệt được ngày hay đêm, buổi sáng hay buổi tối nữa. Em rơi vào trạng thái bập bềnh trong một thời gian vô định, gà gật, gần như vô thức. Em đã ngừng để 5ffa ý các tiếng động, việc đó quá mệt mỏi. Em gần như quên mất rằng có một thế giới tồn tại bên ngoài cái tủ. Em thấy ổn, không ước muốn cũng chẳng có nhu cầu gì. Em để mặc được che chở trong cái bụng to lớn ấm áp mà em bị nhốt bên trong.
Rồi một ngày, hay đúng hơn là một đêm, em trở lại là em. Như thế nào, em cũng không biết giải thích. Có thể một cái giật mình muốn sống, một sự trỗi dậy của cơ thể không muốn bị tàn lụi. Hoặc có thể chỉ đơn giản một gã nào đó kêu gào thật to hơn những gã khác. Đột nhiên, nó kéo em ra khỏi trạng thái đờ đẫn. Vì những cú đánh, đều đặn, đau nhói, mẹ em rên rỉ, và người đàn ông nói: Này, giữ thế này! Giữ thế này, đồ điếm bẩn thỉu! Em run rẩy. Một người đàn ông đang làm mẹ em đau: Giữ thế này, giữ thế này. Mẹ không tự bảo vệ. Những tiếng kêu của mẹ kéo dài trong bóng tối căn phòng như tiếng ai oán khủng khiếp.
Sau đó, gã đàn ông hét: Quay lại! Mẹ phản ứng chưa kịp. Tao bảo mày quay người lại! Em nghe tiếng cái tát, tiếng cọt kẹt của lò xo. Thế, tốt rồi! Như thế.
Gã lại bắt đầu, những cú đánh mạnh hơn và mau hơn, và mẹ lại bắt đầu rên xiết, mẹ em bị thương, có lẽ vậy, còn gã kia vẫn miệt mài. Con điếm bẩn thỉu, tao biết mày thích thế này mà! Mẹ không phản kháng, chỉ biết luôn rên rỉ, và càng lúc càng to hơn. Quá dữ dội, quá đáng sợ. Em không chịu nổi.
Mò mẫm, em lần tìm đến mép cửa tủ. Em bám lên đó, dùng hết sức, định kéo trượt nó. Nó bị cản, như vẫn luôn bị thế. Tuy nhiên em đã làm nó nhúc nhích được một chút, hai hoặc ba milimét gì đó. Các ngón tay em cào thạch cao. Em không buông tay. Em cố nữa. Mẹ vẫn luôn kêu gào dưới những cú đánh của gã khốn, còn gã tiếp tục la hét những lời đe dọa.
Miệt mài cố sức, em đã kéo được khe hở rộng hơn, luồn qua được nắm tay, cánh tay, vai. Một cú đẩy cuối cùng, và cánh cửa tủ đã phải chịu thua.
Em muốn bước lại với mẹ, muốn bảo vệ mẹ. Chỉ phải bước vài mét thôi, vài bước chân thôi, nhưng thế đã là quá nhiều, em quá yếu. Em bò lết ra khỏi tủ, rồi sụp xuống thảm lát sàn, không thể tiến thêm được nữa.
Trong bóng đen, em gọi: Ama! Ama! Em không nói được maman nữa. Ama! Mồm em đầy máu, vì những cái vảy nứt trên môi. Bằng tất cả sức lực, em kêu: Ama! Nhưng toàn bộ sức lực của em, cũng không là cái gì to tát cả, chỉ là tiếng kêu yếu ớt của một con vật nhỏ bé, một tiếng meo meo
tội nghiệp.
Khi ánh đèn đột ngột được bật lên, em cuộn tròn co quắp, như để tự bảo vệ trước mối nguy sắp xảy đến. Khốn nạn! Không thể nào! Đó là giọng của gã đàn ông, run run hoảng hốt. Em còn co quắp lại hơn nữa, rên rỉ và tê tái. Không thể nào! Mẹ em hỏi bằng giọng bối rối:
- Anh làm sao vậy? Quay lại đây!
- Im đi, đồ bệnh! Im đi!
Mẹ em vẫn nài nỉ:
- Quay lại đây, anh vẫn chưa xong mà.
- Câm đi!
Em nghe tiếng gã nhặt đồ đạc. Gã nói lại không ngừng. Không thể nào! Không thể nào! Gã dường như khiếp sợ. Em thậm chí không biết gã còn kịp mặc lại quần áo không. Cánh cửa đóng sập, và mẹ em rú lên: Đồ khốn nạn! Mày còn chưa trả tiền tao!
Mẹ đứng dậy, một cách khó khăn. Từng bước khó nhọc, mẹ lại gần em. Em ở yên không nhúc nhích, run lập cập, trong lòng sợ hãi. Em biết rằng em vừa làm điều ngu ngốc. Tại sao con làm thế với mẹ, con gái? Không có sự giận dữ trong giọng của mẹ, chỉ là sững sờ. Tại sao con làm thế với mẹ? Ngoài ra, mẹ có vẻ hơi hoảng hốt. Còn em thì khóc, vì ánh sáng.
Em thấy mẹ đột nhiên mở to mắt, như thể mẹ lại trở về chính mẹ. Con gái, trông con kìa! Mẹ ôm em trong vòng tay, run rẩy bế em lên giường. Làm sao con lại để con ra nông nỗi này? Em nhìn mẹ, không trả lời. Mẹ cười. Trên má mẹ có vết sẹo màu hồng. Sẽ ổn thôi, con gái ạ. Mẹ sẽ chăm sóc con. Em gật đầu. Em không thể nói được nữa. Nhưng trước hết, con phải ngủ một chút, nghỉ ngơi đi, con sẽ khỏe hơn. Mẹ nằm xuống bên cạnh em. Maman cũng sẽ nghỉ ngơi. Trước khi nhắm mắt lại, em nhìn thấy tay mẹ với lấy ống tiêm đặt trên thùng các tông dùng làm bàn đầu giường.
Những người đàn ông trong trang phục màu đen xông vào lúc 6 giờ sáng. Điều đó được ghi trong biên bản. Tất cả diễn ra rất nhanh: những tiếng la hét của mẹ em, dùi cui chặn trên họng mẹ, hai vú mẹ bật bên ngoài áo choàng, giẻ nhét miệng, áo mặc cho người điên. Chưa đến vài phút.
Em nhìn họ hành động mà không thể phản ứng. Em như thể đang trong những giấc mơ mà mỗi động tác được thực hiện với nhịp độ chậm, miệng hé mở mà không một tiếng kêu nào có thể bật ra, và đột nhiên phát hiện không có khả năng bỏ chạy, trong khi cần phải chạy trốn mối nguy đang đến gần. Bất lực và tuyệt vọng, em để mặc thảm họa lớn nhất cả cuộc đời em xảy ra.
*
* *
Con mèo cái đẻ con vào một đêm tháng Giêng. Em đang ở trong tủ tường cùng với những ký ức của mình thì nghe tiếng meo meo của mèo con. Anh không thể biết được niềm an ủi mà những sự sống bé nhỏ vừa mới được sinh ra trong gian phòng bên cạnh mang lại cho em đâu. Cần phải như thế, em chắc chắn với anh. Cần phải như thế.
*
* *
Họ đưa mẹ em đến trại giam quận 36. Kiểm tra y tế được thực hiện khi mẹ đến chỉ ra nhiều vết bỏng tại nhiều chỗ khác nhau trên cơ thể, nhiều vết rách trên lưng và đùi (do tự cào?), một vết sẹo mới dài 8cm trên má trái (do tự cào?), hai răng hàm bị vỡ, bảy chiếc răng bị sâu không được chữa, lệch vách ngăn mũi do chấn thương. Bản báo cáo cũng cho thấy: mất dinh dưỡng, mất nước, nhiễm khuẩn nhiều loại ký sinh khác nhau. Phân tích máu phát hiện có cồn và hê-rô-in. Mẹ em cân nặng 46 kg với chiều cao 1m72.
*
* *
Chúng gồm bốn con, bám lấy vú mèo mẹ. Bốn cục lông tơ có vằn và nhiều màu sắc, màu hoa cà, màu vàng, màu hồng và màu xanh da trời. Con Pacha ngắm nghía chúng, ngồi ngay bên cạnh, bất động, uy nghi. Người ta có thể nói nó là một con nhân sư màu lửa. Mày có thể tự hào về bản thân, con mèo đẹp mã của tao. Mày đã làm rất tốt.
Em đã chọn cách không nói gì với thầy Fernand. Em không thể nào quyết định bỏ những con mèo được. Em cần thêm chút thời gian để đọc xong hết.
*
* *
Các triệu chứng thiếu thuốc xuất hiện rất nhanh: mồ hôi, run rẩy, đau đớn, chứng ỉa chảy, buồn nôn... Tất cả đều được ghi trong hồ sơ. Họ trói mẹ em trên giường và để mặc mẹ em kêu gào trong ba ngày liền. Sau đó, họ không nghe thấy tiếng mẹ nữa. Hồ sơ ghi: Kết thúc cai thuốc ngày 20/11/95. Bác sĩ ghi thêm: Tình trạng tốt.
Mẹ từ chối ăn, hất bỏ hết lần này đến lần khác thức ăn trên đĩa, và khạc ra tất cả thức ăn người ta cố đút vào cho mẹ. Họ lại trói mẹ trên giường, và luồn ống dẫn vào dạ dày, kết hợp với tiêm đường glucô vào tay. Thật kỳ lạ, đúng không, khi nghĩ rằng cùng lúc ấy, ở Trung tâm, người ta bắt em chịu đựng điều giống hệt. Như thể giữa mẹ và em, tồn tại một
mối liên hệ khổ đau bí ẩn mà sự chia cách cũng không làm đứt nổi.
Khi họ đến tra hỏi, mẹ vẫn phản kháng. Trong báo cáo, họ ghi nhận xét: Từ chối hợp tác. Mẹ thật sự từ chối, hay mẹ không trong trạng thái có thể nói được? Họ tống cho mẹ hàng đống thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm, để giảm bớt đau đớn cho mẹ - một biện pháp quá tốt để mẹ trở thành lặng lẽ. Sau việc đó, liệu mẹ còn lại được chút sức lực và sự minh mẫn nào cơ chứ?
Phiên tòa của mẹ mở ra ngày 10 tháng Mười hai, chưa đầy một tháng sau ngày bị bắt. Bộ Công cộng đã mời hàng chục nhân chứng: những người hàng xóm, những người chủ cũ, nhân viên các cơ quan xã hội. Luật sư bào chưa được chỉ định mặc nhiên. Ông ta không bỏ công sức nghiên cứu hồ sơ. Ngay cả khi ông ta muốn, thì ông ta cũng không có thời gian.
Trong toàn bộ phiên xét xử, mẹ em không nói một lời. Mẹ không phản ứng trước lời phát biểu về các sự việc, vẻ như đã không nhận ra một ai trong số những người làm chứng được gọi lên bục nhân chứng. Mẹ cũng không cho thấy một dấu hiệu hối hận nào. Rõ ràng là mẹ đang ở đâu đó, đang đi vào một thế giới khác, mà em hy vọng ở đó mẹ không đau khổ.
Bản án được tuyên ngày 13 tháng Mười hai: 16 năm tù, bị tước quyền làm mẹ. Dù sao, án này đã được đoán trước. Ngay trong ngày hôm ấy, mẹ em được chuyển đến Nhà tù trung tâm Chauvigny, vốn vừa mới mở cửa. Một tuần sau, ngày 20 tháng Mười hai, Quốc hội bỏ phiếu thông qua luật Giám sát và Bảo vệ với 539 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 66 phiếu trắng. Năm ngày sau, người ta mừng lễ Noel.
*
* *
Em cuối cùng cũng đã thú nhận với thầy Fernand về sự ra đời của những con mèo con. Khi thầy hiểu việc này đã xảy ra gần hai tuần, thầy nhăn mũi. Nhưng biểu hiện này chưa là gì so với khi thầy phát hiện ra mèo con: trong 15 ngày, bộ lông của chúng có những màu sắc rực rỡ hơn, có vằn kẻ màu hoa cà thừa hưởng từ mèo mẹ.
- Nhưng... đó là điều không thể!
- Cần phải tin là có thể.
- Không thể nào, - thầy nhắc lại.
- Ấy vậy mà sự thật đang hiển hiện trước mắt thầy đấy!
- Tất cả mèo dòng A-bi-xi-ni màu cầu vồng đều bị triệt sản. Đó là khoa học cơ mà!
- Cuộc sống đầy bí ẩn, - em cười và nói.
- Em nói gì vậy?
- Không có gì đâu, thầy Fernand ạ.
Phải mất một hồi thầy mới hết sửng sốt. Thầy vẫn ở đó, ngắm nhìn lúc mèo con chơi đùa xung quanh hai thầy trò. Thỉnh thoảng, một trong số chúng trèo lên giày của thầy, và thầy để mặc thế, mà không có vẻ tin được điều đó.
Đột nhiên, thầy dường như trở về với con người mình. Em thấy thầy lắc chân mạnh để xua đuổi cục lông màu xanh lơ đang bám dưới gấu quần của thầy.
- Đồ bẩn thỉu!
Em ném một cái nhìn trách móc.
- Ồ, đừng cố gây ấn tượng với tôi, không hiệu quả đâu nhé! Dù mấy con mèo nhỏ này là hay không là con của con Pacha, thì cũng không thay đổi gì hết: chúng là những con mèo hoang không được lên kế hoạch. Chúng không có lý do gì ở trong nhà của em. Em phải nhanh chóng gọi cơ quan y tế để họ dọn dẹp chúng cho em!
- Thầy Fernand, em hiểu quan điểm của thầy. Đó là tiếng nói của lý trí. Nhưng dù sao, em muốn được giữ chúng thêm một thời gian nữa.
- Hãy nói với tôi là em đang nói đùa!
- Không, thầy Fernand, em không đùa chút nào.
Và thậm chí không để thầy kịp phản ứng, em nói tiếp:
- Em muốn được có chúng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi. Thật khó khăn với em, thầy biết đấy. Em đã gắn bó với những con vật này rồi, và... em đã sống mà phải chịu quá nhiều những chia lìa.
Thầy nheo mắt.
- Đừng dùng tình cảm mua chuộc tôi!
Em khiêm tốn hạ mắt xuống.
- Em là kẻ làm trò chết tiệt.
Em cười.
- Tôi cho em một tuần, - thầy càu nhàu. - Không hơn một ngày. Qua thời hạn này, nếu em không gọi cơ quan y tế, thì tôi sẽ gọi. Và tôi báo trước với em, từ giờ đến lúc đó,
nếu họ chẳng may tóm được em, em sẽ phải xoay xở một mình đấy!
- Một tuần... Một tuần, thế là tốt rồi ạ. Cảm ơn thầy Fernand.
Em tiếp tục đọc hồ sơ trong buổi tối ấy, và, suốt bảy ngày, em hầu như không ngủ, không rời khỏi tủ tường. Em muốn kết thúc trước thời gian em buộc phải chia tay những con mèo. Em nghe tiếng các con mèo nhỏ kêu meo meo trong phòng khách, những tiếng gầm gừ của mèo mẹ, và thỉnh thoảng, sột soạt ngoài cửa - con Pacha báo với em sự có mặt của nó. Thật tốt vì có tất cả chúng ngay gần bên. Không có chúng, em không biết liệu em có chịu đựng nổi.
*
* *
Mẹ em là một phạm nhân điển hình: lặng lẽ và vâng lời, không biểu lộ, không ham muốn, không đòi hỏi, ăn bất kể đồ ăn gì người ta mang đến, ngủ trong phần lớn thời gian. Dẫu sao, nghiện ngập như mẹ thì có thể làm gì khác được? Milo ạ, giá như anh biết tất cả những thứ thuốc chết tiệt họ cho mẹ uống! Càng ngày càng nhiều hơn. Tất cả được ghi trong cuốn sổ phạm nhân, từng ngày: các liều thuốc, các toa thuốc. Thỉnh thoảng, họ lại dùng xen thuốc kích thích để làm mẹ đứng lên, bước đi vài vòng.
Mẹ bắt đầu béo lên theo cách không thể tưởng tượng nổi. Tháng Mười một năm 98, mẹ nặng 96 kg, nhiều hơn 50 kg so với khi vào tù ba năm trước. Em không có cảm giác họ làm bất cứ hành động nào để ngăn chặn quá trình tăng cân này. Vì nếu như thế, sẽ cần phải dừng sự điều trị. Không ai muốn nghĩ đến việc đó.
Các vấn đề về tim mạch đã bắt đầu xuất hiện trong năm 99 - loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Họ cho mẹ dùng thuốc Rythmodiol và Cardiolan. Mẹ tiếp tục tăng cân. Hồ sơ nói đến nhiều lần nhồi máu cơ tim, vào tháng Mười hai năm 2099, tháng Năm năm 2100, tháng Giêng năm 2101. Một lần tai biến mạch máu não nhẹ vào tháng Giêng năm 2102, mà các hậu quả của nó đã không được ước lượng đánh giá cẩn thận, do tình trạng suy sút trước đây của bệnh nhân.
Mẹ em mất ngày 22 tháng Ba năm 2102, trong khi ngủ. Việc khám nghiệm tiến hành trong ngày 23 kết luận do tim ngừng đập. Báo cáo của bác sĩ pháp y nghi rõ: tim 376g, phổi phải (có các dấu hiệu phù nhẹ) 465g, phổi trái (có các dấu hiệu phù nhẹ) 420g, gan 1.890g, lá lách 190g, thận 350g mỗi bên, não 1.440g. Thật kỳ lạ khi họ quan tâm đến trọng lượng các cơ quan nội tạng của mẹ. Trong khi lúc mẹ còn sống, không bao giờ họ nghĩ đến việc kiểm tra để biết liệu mẹ em bị tim to.
Tài liệu cuối cùng trong hồ sơ của mẹ em là giấy xác nhận mai táng, ngày 24 tháng Ba năm 2102, tại nghĩa trang Trung tâm Chauvigny: dãy 12, số 6820, giữa mốc 57 và 58. Mẹ sắp 33 tuổi và nặng 124,6 kg. Mẹ bị bỏ tù sáu năm, ba tháng và chín ngày.
Trong cả quãng thời gian ấy, mẹ không nói một từ nào, ngay cả tên của em. Không bao giờ mẹ phát âm tên em. Không bao giờ mẹ đòi gặp em. Liệu mẹ có nhớ mẹ có một đứa con gái không?
*
* *
Khi em ra khỏi tủ, mãi em mới đứng được. Em bước vào bếp, và mở một hộp thức ăn - hộp cuối cùng còn lại - và em ăn đứng, bằng các ngón tay, lưng quay lại máy quay. Rồi em vào phòng tắm. Em ở trong đó lâu, nhưng đó không phải cách người ta xua đi nỗi buồn.
Khi em đang mặc quần áo, con Pacha đến cọ cọ bên chân em. Mèo yêu của tao... Em ngồi xổm đối diện với nó. Mèo yêu của tao, nghe tao nói này. Em tự nhủ, không chắc chắn lắm, nhưng cần phải thử mắt đối mắt, có thể nó sẽ hiểu. Tao phải đi khai báo mày trở về. Nhưng tao sẽ phải khai báo con mèo cái và các mèo con nữa. Tao không có lựa chọn, thật sự không có. Ngay khi biết tin, họ sẽ đến bắt chúng. Mày có hiểu không? Nó không phản ứng. Ồ, Pacha! Giá như mày biết được tao buồn biết chừng nào! Hình như em nhìn thấy mặt nó run run. Em thở dài: Hẹn lát nữa, Pacha. Trước khi đi, em mở lỗ cửa nhìn ra ban công.
Cơ quan vệ sinh y tế đã ghi lại lời khai báo của em. Họ nói với em sẽ qua bắt con mèo mẹ và lũ mèo con vào đầu giờ tối. Em không dám hỏi họ định làm gì chúng.
Sau đó, em đi bộ. Em lang thang trên những con phố trong nhiều giờ. Em không đủ can đảm trở về nhà. Khi cuối cùng em quyết định về, em thấy nhà em hoàn toàn vắng vẻ. Không một dấu vết của các con mèo. Gió khẽ ùa vào qua lỗ cửa mở. Ban công lác đác vài sợi lông nhiều màu sắc. Em nhặt chúng cẩn thận, và em giữ chúng trong lòng bàn tay, rất lâu, trong khi nhìn thành phố. Sau đó, em đi bỏ chúng trong máy đốt rác. Rồi em khóc. Khóc vì buồn, nhưng cũng vì vui. Em biết con Pacha sẽ không trở về.