Long Lanh Giọt Nắng Chương 2


Chương 2
Bà ngoại không chỉ dạy Linh lòng nhân hậu bằng những câu chuyện cổ mà bằng chính cuộc đời của ba.

Bà sống như một bà tiên. Không biết bao nhiêu người đang sinh sống ở xứ này đã từng chịu ơn của bà. Những gia đình nghèo khổ do bị thiên tai ở các vùng quê miền Trung đùm túm nhau vào Long Khánh kiếm sống đều được bà giúp đỡ. Bà cho họ cất chòi ở trong vườn, ai muốn làm vườn cho bà thì làm, bà trả công sòng phẳng. Ai muốn đi buôn bán trái cây hoặc làm việc khác cũng được. Khi nào có tiền mua đất làm nhà, cứ dọn đi, trả đất lại cho bà. Có năm, cuối khu vườn có cả chục căn nhà lá như dãy nhà tập thể. Trong số những người được bà giúp đỡ có gia đình bác Hai Đèn là ở lâu nhất. Bác ở với bà từ khi còn bé. Sau này, bà cưới vợ cho bác và cho bác khu vườn. Dù có vườn riêng nhưng bác không dọn đi. Sau khi sanh thằng Đạt, vợ bác mất đột ngột vì bạo bệnh, bác Hai quyết định ở luôn trong vườn làm quản gia cho bà suốt đời để trả ơn bà đã cưu mang gia đình bác. Bà nói sao bác cũng không đi, bà trả tiền công bác không lấy. Bác bảo bà đã cho bác mấy sào vườn hồi cưới vợ, sau này bác để lại cho thằng Đạt cưới vợ là đủ rồi. Bây giờ bác như người nhà của gia đình ngoại, mọi việc thu hoạch, buôn bán trái cây trong khu vườn mười mẫu đất của ngoại, ngoại giao cho bác quản lý. Mười năm nay, bác Hai lo chu tất mọi việc trong khu vườn...



Linh thơ thẩn đi về cuối vườn. Linh dự định sẽ rủ Đạt đi chơi. Ngôi nhà của bác Hai Đèn được ngoại bỏ tiền ra xây ở gần nhà kho cuối vườn. Bác ở với Đạt. Chị Đạt đang học đại học trên thành phố. Ngày còn nhỏ, ngôi nhà kho là cả thế giới đầy hấp dẫn của Đạt và Linh.

Linh kêu lớn:

- Anh Đạt ơi!

Đạt thò đầu ra khỏi nhà kho, gương mặt đen nhẻm, đưa tay ngoắc Linh:

- Linh ơi, vào đây!

Linh chạy vào nhà kho với Đạt. Ngôi nhà đầy ắp những vật dụng cũ, Đạt đang cầm trên tay con búp bê nhựa đưa về phía Linh:

- Linh nhớ con búp bê này không?

Linh cầm con búp bê ngắm nghía. Con búp bê cũ, tróc sơn, mái tóc vàng rối bù. Linh cố nhớ con búp bê này có liên quan gì đến quá khứ của mình, nhưng Linh không thể nhớ ra. Đạt cười:

- Ngày xưa, vì con búp bê này mà tao bị một trận đòn nên thân đấy, còn mày thì ôm tao khóc quá trời luôn.

Bỗng dưng, mặt Linh đỏ bừng. Cô bé lí nhí:

- Anh này!

Đạt đưa mắt nhìn ngoài cửa sổ. Những chùm chôm chôm chín mọng đong đưa trong nắng, rực lên như những đốm lửa trong vòm lá xanh. Đạt kể:

- Năm mày học lớp một, mày ở với ngoại. Đường làng mình chưa làm, mùa mưa lầy lội khiếp luôn. Mày dân thành phố không dám đi. Đoạn nào lầy lội quá, tao cõng mày đến trường.

Nghe Đạt nói, Linh dần nhớ ra những tháng ngày kỷ niệm của năm học lớp một. Lúc ấy, ba mẹ Linh bận công chuyện làm ăn, suốt ngày đóng cửa nhốt Linh ở nhà. Mẹ bảo ở thành phố nhiều người lừa đảo nên không cho Linh chơi với ai cả. Trong xóm cũng chẳng có ai cùng tuổi với Linh. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm nên bạn của Linh chỉ có mỗi con chó Tô. Bà ngoại lên thăm Linh, ngoại mang theo bao nhiêu là trái cây. Thấy ngoại đứng lóng ngóng ngoài cổng, Linh bám song cửa sổ òa khóc:

- Ngoại ơi! Ngoại ơi! Con nhớ ngoại!

Ngoại ngồi bệt xuống ngay cổng và đưa khăn rằn chậm nước mắt. Đợi đến chiều, ba mẹ về mới mở cửa cho ngoại vào. Tối đến trong bữa ăn, Linh mừng phát run khi nghe ngoại nói với ba mẹ:

- Anh chị cứ lo làm giàu, để tôi mang cháu về quê tôi nuôi. Anh chị nhốt cháu tôi như thế thì còn gì là tuổi thơ của nó.

Mẹ ngập ngừng:

- Con sợ...

Ngoại mát mẻ:

- Chị sợ gì? Chị sợ ở nông thôn mất vệ sinh dơ bẩn chớ gì? Chị đừng quên hồi chị còn bé, nhà không có gạo ăn, tôi nhai củ mì mớm cho chị. Bây giờ chị quên chuyện hồi ấy chắc. Chị nên nhớ, nhờ những tháng ngày sống với cây cối ruộng rẫy, ngày nay chị mới có cái bằng tiến sĩ nông học, nông hẹo gì đó. Bây giờ, nhà tôi tiện nghi, có thiếu gì đâu mà chị lo. Tôi không đồng ý cho chị nhốt cháu tôi như thế đâu.

Mẹ lùa vội chén cơm:

- Mẹ cứ...

Ba khoát tay bảo mẹ im lặng, rồi từ tốn nói với ngoại:

- Con cám ơn mẹ rất nhiều! Mẹ cho cháu ở với mẹ một thời gian, để phí mất tuổi thơ của nó.

Nghe ba nói, Linh như mở cờ trong bụng. Cô bé thót vào lòng ngoại, ngoại cười xoa đầu Linh. Ba là nhà văn nên ba thoáng hơn mẹ. Đáng lẽ ba ở nhà sáng tác và chơi với Linh, nhưng gia đình khó khăn nên ba nhận làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo lớn. Từ khi làm báo, ba bận tối mắt tối mũi nên không có thời gian dành cho Linh. Đêm ấy, Linh chập chờn chờ tới sáng để theo ngoại về quê.

Trong lúc Linh đang nhớ chuyện ngày xưa, anh Đạt vẫn không rời mắt khỏi chùm chôm chôm và nhắc chuyện cũ.

- Hồi đó mày nhõng nhẽo kinh khủng, hở một tí là khóc. Bọn nhóc ở trường cứ chạy theo bẹo má mày gọi mày là búp bê. Hôm má mày gởi về con búp bê này, mày quí nó lắm, đi ngủ mày cũng mang theo. Hồi đó, xóm mình chưa đứa nào có búp bê, nên khi mày mang đến trường, bọn nó giành nhau chơi. Mày khóc, tụi nó cũng hông trả.

Linh dần nhớ lại chuyện cũ.

Sáng hôm ấy, mẹ xếp đồ đạc và dặn dò đủ điều trước khi lên đường theo ngoại. Sợ ngoại giận, mẹ dắt Linh xuống bếp dặn Linh không được ăn xoài xanh, không được theo bọn trẻ xuống suối bắt cua, không được ăn ổi, không được... Nói chung là mẹ dặn nhiều thứ lắm. Linh vâng dạ nhưng đầu óc mải nghĩ đến khu vườn trái cây rợp mát của ngoại. Trên đường đi, Linh mê mải ngắm rừng cây thẳng tắp chạy dọc quốc lộ. Linh hỏi ngoại:

- Ngoại ơi! Sao rừng cây ở đây đẹp quá vậy ngoại?

Ngoại bảo:

- Vì do người ta trồng cháu ạ. Cây này gọi là cây cao su, người ta trồng để lấy mủ làm cặp sách, áo mưa cho cháu đi học.

Ôm Linh trong vòng tay, ngoại kể:

- Ngày xưa, quê ngoại ở ngoài Bắc, ông ngoại của con quá nghèo nên đi công-tra cho bọn Pháp. Ông ngoại vào trồng cây cao su ở xứ này, khổ lắm, người công nhân phải làm việc dưới roi vọt của bọn Pháp, người nào cũng bị sốt rét xanh như tàu lá. Công nhân lúc ấy có câu hát như vầy:

Kiếp phu đổ lắm máu đào

Máu tuôn mặt đất, máu trào mủ cây

Trần gian địa ngục là đây

Đồn điền đất đỏ nơi Tây giết người...

Bị áp bức quá, anh em công nhân cao su nổi giận giết tên chủ đồn điền rồi vào rừng theo cách mạng...

Ngoại còn kể nhiều chuyện nữa, nhưng làn gió mát rượi ru Linh thiếp đi...

Xe về đến Long Khánh, bác Hai Đèn và Đạt ra đón Linh. Nhìn cậu bé đen nhẻm, đầu như tổ quạ, nhe hàm răng trắng xóa cười cười, Linh thấy anh chàng hơi ngộ ngộ. Thấy Linh xuống xe, anh chàng cứ lóng nga, lóng ngóng. Những ngày đầu, trước khi vào lớp một, Đạt dẫn Linh lang thang trong vườn. Đúng là một thế giới cổ tích với nhiều hoa thơm, cỏ lạ, trái cây ngọt ngào. Linh tha hồ bay nhảy, bù lại những ngày tù túng trong thành phố. Bữa tiệc đầu tiên, Đạt đãi Linh là món xoài xanh chấm nước mắm đường. Quả xoài tượng to đùng cắt ra, ruột trắng phau, chấm nước mắm đường ăn ngọt ngọt, chua chua, ngon hết biết. Ăn xong, Linh nhớ lời mẹ dặn, chạy về nhà mếu máo với ngoại:

- Ngoại ơi, mẹ con dặn con không được ăn xoài xanh mà con quên mất. Anh Đạt cho con ăn rồi, làm sao bây giờ hả ngoại?

Ngoại xoa đầu hỏi:

- Sao mẹ không cho con ăn xoài xanh?

- Dạ, mẹ bảo ăn xoài xanh độc lắm ngoại à!

- Ối dào, có gì mà độc. Hồi nhỏ, mẹ mày ghiền món này lắm, bây giờ bày đặt. Con thích cứ ăn nhưng nhớ đừng ăn quá nhiều và không được uống nước lã.

- Dạ con hiểu rồi! - Nghe ngoại nói, Linh mừng rỡ chạy ù ra vườn với anh Đạt.

Mấy ngày sau, ngoại đưa Linh đến trường vào học lớp một. Trường ở nông thôn bây giờ xây cũng đẹp như ở thành phố vậy, chỉ khác là trường ở quê ngoại có nhiều cây xanh nên mát ơi là mát! Trong lớp của Linh có thằng Châu mập, nó cứ theo chọc Linh hoài. Anh Đạt lớn hơn Linh một tuổi nhưng bác Hai làm khai sinh trễ nên năm nay mới vào lớp một cùng với Linh.

Anh Đạt quay lại cầm con búp bê trên tay ngắm nghía rồi kể tiếp:

- Thằng Hưng mập giật con búp bê tung lên trời để chọc mày, tao tức quá lao vào đánh nhau với nó chảy máu mũi. Thầy hiệu trưởng kêu hai đứa lên văn phòng và viết thư báo cho gia đình. Về nhà, tao bị cha tao đánh một trận, mày vừa xoa dầu cho tao, vừa khóc. Thấy mông tao tím bầm, mày bảo: "Chỉ tại con búp bê". Công nhận mày gan thật! Con búp bê mày thích vậy mà mày chạy về nhà cầm ra ném xuống suối không thương tiếc. Chiều hôm ấy, mẹ mày đi công tác về, mày có bao nhiêu là quà. Hôm sau, mẹ mày rước mày về thành phố để học vì trường ở trên ấy tốt hơn trường nông thôn. Mày đi rồi tao buồn, thơ thẩn ra bờ suối và bắt gặp con búp bê này vướng vào gốc cây bằng lăng nước, tao mang về cất vào kho...

Bất chợt, Linh nghe mắt mình cay cay. Linh len lén quay đi giấu đôi mắt đỏ hoe. Linh khóc tự lúc nào không biết. Sao chuyện lâu như vầy mà anh vẫn còn nhớ hả anh Đạt, chín năm rồi còn gì?

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81323


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận