Chương 8 Ngôi nhà thờ cổ ở làng Bưởi nghe đâu được xây dựng đã trên một trăm năm. Thời chiến tranh, ngôi nhà thờ bị trúng pháo kích nên nhiều chỗ bị sụp, chỉ còn cung thánh và tháp chuông là nguyên vẹn. Cả thời gian dài không có linh mục cai quản nên giáo dân trong vùng làm tạm nhà nguyện bằng gỗ trong khu vườn của ông Bảy Thương để cầu nguyện. Bỗng một hôm, tháp chuông ngân một hồi dài. Mọi người đổ đến nhà thờ. Họ bắt gặp vị linh mục già nua, râu tóc bạc phơ đang đứng bên cạnh tháp chuông mỉm cười nhìn họ. Ông đến - nói chính xác là ông hiện ra một cách bất ngờ, bởi không ai biết ông xuất hiện trong nhà thờ từ lúc nào.
Đạt ngừng kể, nhìn Linh. Một thoáng thôi, Đạt bắt gặp ánh nhìn của Linh, cái nhìn trong veo như bầu trời. Đôi bạn đi về phía làng Bưởi. Còn hơn một tháng nữa, Linh sẽ trở về thành phố để đi học trở lại. Linh có ý định sau khi tốt nghiệp tú tài sẽ thi vào đại học nông nghiệp để về làm việc ở quê ngoại. Đạt ủng hộ ý kiến này của bạn. Hôm nay, Đạt đưa Linh tìm hiểu về làng Bưởi.
- Anh sẽ đưa Linh đến nhà ông Bảy Hảo hán, sau đó mình sẽ đến thăm nhà thờ cổ.
- Vì sao tên ông Bảy lạ thế?
- Đó là cái tên mà dân làng Bưởi đặt cho ông, sau này gọi riết thành quen, không còn ai nhớ tên thật của ông. Cuộc đời ông có nhiều huyền thoại lắm, nhưng đáng kể nhất là ông đã có công đưa cây bưởi trở lại trên mảnh đất phù sa này.
Con đường đất đỏ chạy dài từ cầu Bến Cá đến bờ sông, hai bên trồng toàn bưởi. Mùa này, hoa bưởi nở trắng, cả ngôi làng ngập trong mùi hương nhè nhẹ.
- Thơm quá! - Linh thốt lên.
Đạt mỉm cười.
Linh ngơ ngác hỏi:
- Anh cười gì thế!
- Anh nhớ hồi nhỏ, anh đưa Hương qua đây chơi, Hương hỏi anh có nghe mùi thơm không, anh bảo: "Không, chỉ ngửi thấy mùi cứt bò thôi!". Hương giận anh suốt buổi hôm ấy.
- Hương thật may mắn.
- May mắn gì?
- Hương có quãng thời thơ ấu thật đẹp trên đồng quê.
Đang trò chuyện, đôi bạn đã đến trước khu vườn ông Bảy Nhớ. Đạt gọi lớn:
- Ông Bảy ơi! Ông Bảy...
Hai chú chó vàng xồ ra sủa vang. Một ông già quắc thước xuất hiện, xua lũ chó và hỏi lớn:
- Ai đấy!
- Dạ con đây, con là Đạt con ông Hai Đèn bên xóm vườn đây.
- Đạt hả, vào đây con!
Ông nheo nheo mắt nhìn Linh:
- Đứa nào đây, bồ của mày ha? Hà hà... Đẹp gái dữ ha.
Ông Bảy vừa nói vừa cười, một nụ cười nam bộ trẻ trung và sảng khoái. Linh đỏ bừng mặt bởi câu nói đùa của ông Bảy. Đạt vội đính chính:
- Dạ không phải đâu, đây là Linh, cháu ngoại bà Tám đó ông Bảy.
- Ra thế, khách quí đây mà! Chà chà, lớn dữ ha, ở thành phố mới về hả cháu?
Rồi Đạt ghé tai Linh nói nhỏ:
- Đừng giận ông Bảy, ổng vui tính lắm.
- Vào nhà đi các con, hôm nay có mấy trái bưởi đường đầu mùa. Hồi sáng có mấy người khách tới nài mua lại để đi biếu nhưng tao không bán vì tối qua tao nghe chim khách kêu, tao biết là hôm nay có khách quí.
Ông quay qua Linh:
- Bà ngoại có khỏe không con?
- Dạ ngoại vẫn khỏe. Ngoại con nhắc ông luôn mà nay con mới gặp.
- Hà hà... Ngày trước, chút xíu nữa là ông trở thành ông ngoại của bay rồi.
Linh đưa mắt nhìn Đạt, Đạt khẽ gật đầu.
Ông Bảy đã ngoài tám mươi mà trông ông khỏe mạnh, trẻ trung, giọng ông sang sảng như chuông đồng. Ông quay lại nói với Đạt:
- Cháu đưa em đi thăm vườn bưởi cho nó hái ít hoa về bỏ vô nước mà gội đầu. Để ông đi gọt bưởi rồi làm gỏi bưởi đãi cháu ngoại hụt của ông, hà hà...
- Dạ.
Đạt nhanh nhẹn trả lời, nắm tay Linh dắt vào vườn bưởi. Cây bưởi thấp hơn chôm chôm và sầu riêng trong vườn nhà ngoại, sà tận mặt đất.
- Anh Đạt, sao ông Bảy bảo em là cháu ngoại hụt?
- À, anh có nghe ba anh kể chuyện này.
- Anh kể cho em nghe đi!
Đôi bạn ngồi dưới gốc bưởi đường lá cam. Đạt bắt đầu kể:
- Thời chiến tranh, làng Bưởi là căn cứ địa cách mạng, vùng đất này có truyền thống từ thời chống Pháp. Lúc bấy giờ, trong đoàn quân cách mạng của vị tướng quân lừng danh vùng chiến khu Đ, ông Bảy là chàng trai lực lưỡng rất giỏi võ. Ông nổi tiếng khắp vùng Mã Đà vì đã từng tay không đánh chết cả cọp dữ. Thời chống Mỹ, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại trong rừng để tham gia chiến đấu. Ông có tài "xuất quỷ nhập thần", một mình một súng đã ám sát nhiều tên ác ôn. Muốn trừ khử ông, bọn lính nguỵ đã bắt vợ ông để dụ dỗ, nhưng bà Bảy cũng dũng cảm không kém gì chồng. Bà kiên quyết không theo giặc. Không dụ được bà, tay đồn trưởng đã bắn chết bà. Để trả thù cho vợ, đêm ấy, ông Bảy cải trang đột nhập vào tận đồn để giết tên đồn trưởng, nhưng ông cũng bị bọn lính phát hiện bắn bị thương. Ông chạy đến xóm vườn nhà mình thì gục ngã. Phía sau, bọn lính truy đuổi, ông Bảy dự định sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, thì bỗng có một người đàn bà kéo ông vào giấu trong chiếc hầm bí mật đào dưới gốc bụi tầm vông.
Đạt ngừng kể, hỏi Linh:
- Linh biết người phụ nữ đã cứu ông Bảy là ai không?
- Có phải bà ngoại em không?
- Đúng rồi, lúc bấy giờ, ông nội cũng là chiến sĩ cách mạng đã hy sinh khi bà nội (Đạt gọi bà ngoại của Linh bằng bà nội) đang mang bầu cô Hai (mẹ của Linh). Bà nội rất đảm đang, một mình bà làm mấy mẫu rẫy, chỉ có vài người phụ. Cha anh là một trong những người làm công cho bà.
Đạt ngừng kể, nhìn lên chùm hoa bưởi. Linh giục:
- Rồi sao nữa anh Đạt?
- Sau đó, bà nuôi giấu, chăm sóc vết thương cho ông Bảy cho đến lúc ông khỏe mạnh, trở lại chiến khu. Cảm kích trước tấm lòng của bà, ông đã tìm cách trả ơn, lâu lâu săn thú rừng mang về tặng cho bà. Sau ngày đất nước thống nhất, ông ngỏ lời cầu hôn, nhưng bà kiên quyết ở vậy nuôi con nên từ chối. Từ đó đến nay, ông vẫn sống một mình. Bà nội cũng vậy.
- Ông bà mình sống thật hay, anh nhỉ?
- Ừ! Giải phóng xong, ông về làng quê làm vườn. Thời ấy khó khăn, dân làng Bưởi chặt hết cây bưởi để trồng khoai sắn. Ông Bảy rất buồn khi loại trái cây nổi tiếng hàng trăm năm nay ở quê ông đã mất tiếng tăm. Thay vì trồng khoai sắn như mọi người, ông đã dọn sạch khu vườn và trồng lại cây bưởi. Lúc đầu, mọi người cười ông không thức thời. Sau năm năm, cây bưởi cho trái, dân thành phố đổ xô về mua bưởi. Bưởi tăng giá vùn vụt, mọi người mới nhận ra ông có lý. Họ tôn ông là ông Bảy Hảo hán và đến nhờ ông giúp đỡ kỹ thuật trồng bưởi.
- Các cháu ơi, vào ăn bưởi thôi! - Ông Bảy gọi lớn
- Dạ, chúng cháu vào ngay.
Ông Bảy trải tấm đệm trước sân. Trên đệm, ông bày một đĩa gỏi bưởi to tướng. Múi bưởi vàng ươm, rải bên trên mấy con tôm luộc và ớt xắt mỏng đỏ tươi. Bên cạnh đó là dĩa tép bưởi và đĩa muối ớt, mới nhìn đã thấy thèm.
- Ngồi xuống đi cháu, ăn tự nhiên nhé.
Ông nghiêng bầu rượu bằng trái bầu khô, rót ra ly rượu trong vắt, thơm nức mũi, đưa ly rượu trước mặt và nói với hai đứa:
- Đây là rượu bưởi, loại rượu đặc sản của làng này, trông trong vắt vậy mà thơm mùi bưởi. Cất loại rượu này rất công phu. Khi nào thằng Đạt học xong đại học, về đây ông truyền nghề lại cho.
Ông đưa ly rượu uống và "khà" một cách sảng khoái. Rót ly thứ hai, ông đưa cho Linh:
- Cháu uống một tí cho biết rượu đặc sản.
- Cám ơn ông.
Linh đưa hai tay đón ly rượu. Tuy chưa bao giờ uống rượu, nhưng mùi rượu bưởi làm cho Linh cảm thấy thích. Linh bạo dạn nhấp nửa ly rồi trao cho Đạt. Đạt đón ly rượu từ tay Linh, quay qua ông Bảy:
- Cháu xin phép ông!
Ông Bảy xua tay:
- Cứ tự nhiên! Ăn đi cháu!
Linh gắp miếng gỏi bưởi, múi bưởi tan trong miệng, ngọt ngọt chua chua, ngon chưa tùng có. Linh nghĩ thầm: "Phen này về thành phố kể chuyện ăn gỏi bưởi, thế nào bọn con gái cũng nuốt nước miếng ừng ực cho mà xem". Rượu bưởi đã thấm, hai gò má đỏ ửng, Linh nhìn Đạt với ánh mắt biết ơn vì anh đã tạo cho Linh bữa tiệc thú vị này.
- Ông Bảy ơi! Ông Bảy!
Có tiếng kêu ngoài cổng.
- Ơi! Ông đây, đứa nào đó?
Ông Bảy đứng lên cầm cây gậy xua chó, đi ra cổng. Cậu con trai cỡ tuổi Đạt xuất hiện với cái rổ trên tay.
- Mẹ con bảo mang qua cho ông Bảy một ít cá bay[2] để ông bảy hấp, nhậu chơi.
- Chà, cá bay hả? Tốt quá. Ông đang tính xuống ruộng hứng một ít đãi khách quí đây.
- Nhà ông Bảy có khách hả? Ai vậy?
- Vào sẽ biết. Người quen của bay chứ ai!
- Kìa, Đạt!
- Ồ, Châu.
Cậu con trai mang cá bay qua nhà ông Bảy chính là Châu mập, người bạn hay đánh nhau với Đạt khi bé. Đạt nheo mắt nhìn Linh:
- Ai giống con Linh nhè lớp mình hồi nhỏ vậy ta?
- Anh này! - Linh che miệng cười - Anh Châu không còn mập như hồi nhỏ.
- Ừ, vậy mà tụi nó vẫn kêu mình là Châu mập. Lúc này Linh lớn trông xinh ghê nhỉ. Linh còn nhè nữa không?
- Anh này, tại hồi đó anh cứ chọc, Linh mới khóc chớ bộ.
Đạt trêu Linh:
- Bây giờ cô bé vẫn còn khóc nhè đấy.
Linh đấm vào lưng Đạt thùm thụp:
- Ư, anh này kỳ quá, Linh nhè hồi nào?
Châu mập cười, nói:
- Hồi nhỏ vì Linh với nhỏ Hương mà mình với thằng Đạt mấy lần đánh nhau đến bươu đầu sứt trán. À, nhắc Hương mới nhớ, Hương bớt bệnh chưa vậy Đạt?
Đạt lắc đầu:
- Hương vẫn cứ thơ thẩn bên mộ của ba.
Châu chép miệng:
- Tội nghiệp! Bọn mình nên nghĩ ra cách gì giúp Hương.
Linh hưởng ứng:
- Em cũng muốn vậy nhưng chưa biết cách nào, các anh nghĩ thử xem.
Ông Bảy lên tiếng cắt ngang câu chuyện của các bạn trẻ:
- Các cháu đi chơi đâu đó để ông hấp cá, lát về ăn. Chà chà, cá bay mà hấp ăn với đậu rồng thì hết ý luôn, con Linh ăn một lần là nhớ mãi cho xem.
Linh đề nghị:
- Để cháu phụ ông nhé!
Ông Bảy xua tay:
- Thôi thôi, con gái thành phố không biết làm món này đâu. Để ông làm mới ngon, các cháu đi chơi đi.
Ông quay qua nói với Châu và Đạt:
- Hai đứa bay đưa cháu Linh đi chơi đi, trưa về nhà ông.
Đạt đứng lên lễ phép chào ông Bảy:
- Xin phép ông tụi con qua nhà thờ chơi.
- Ừ, tụi con đi đi, nhớ trưa về đây nhé!
- Dạ!
Nắng lên cao rọi ánh nắng rực rỡ trên con đường làng, ba người bạn học thưở nhỏ đi về phía nhà thờ. Lúc này, trông họ ra dáng những thanh niên chững chạc. Ngôi nhà thờ đã được sửa sang, nhưng dáng dấp kết cấu thì vị cha xứ vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính ngày xưa: mái vẫn được lợp bằng ngói vảy cá, trên nóc nhà thờ là thế giới của bầy chim sẻ. Có lẽ không nơi nào có nhiều tiếng chim sẻ như ở nhà thờ làng Bưởi. Tiếng trò chuyện râm ran của chúng đôi khi át cả tiếng cầu nguyện của vị cha gia. Lúc sửa sang lại ngôi nhà thờ này, Ban hành giáo có ý định thay mái bằng tôn, nhưng cha xứ nhất định không chịu. Ông yêu cầu mọi người phục hồi lại như cũ, đặc biệt mái ngói không được thay đổi. Ông đưa ra lý do mà ai cũng bật cười vì họ cho rằng ông quá lẩm cẩm. Ông bảo: cần để cho bọn chim sẻ có chỗ trú ngụ trong ngôi nhà của Chúa. Ông đã lỡ hứa với một cô bé là không phá chỗ ở của bọn chim sẻ, ông yêu cầu Ban hành giáo tôn trọng lời hứa của ông.
Lời hứa của vị linh mục già ngày xưa có sự chứng kiến của Đạt.