Màu Tím 735e Chương 4

Chương 4
- Đi vệ sinh cùng mình có được không? - Chung Tiểu Vi lay mạnh vai Tử Minh rồi kéo cô bé đứng dậy.

Chung Tiểu Vi mặc dù không thật xinh đẹp nhưng lại toát lên một vẻ đáng thương tội nghiệp khá tự nhiên và chất phác. Chính cái vẻ đáng thương đó mà Tử Minh thường không muốn đứng lên cho lắm. Từ ngày khai giảng đến giờ đã biết bao nhiêu lần Tử Minh bị kéo đi WC một cách không tình nguyện rồi, đến cả Tử Minh cũng không nhớ nổi nữa. Có lẽ, hơn 2800 lần cũng nên, cô bé đang hậm hực nhớ lại. Tại sao, rốt cuộc là tại sao, tại sao lại có nhiều cô gái đi vệ sinh lại nhất định phải có người đi cùng? Hồi bé, Nguyễn Hồng Lăng cũng thường xuyên lôi Tử Minh đi cùng đến nhà vệ sinh, nhưng khi đó mới là một đứa trẻ tám, chín tuổi, lại phải đối diện với nhà vệ sinh xây dựng bên ngoài trường học, kèm theo cả những tin đồn đầy khủng bố và ghê rợn, khi đó nhìn ánh mắt cầu cứu của Hồng Lăng còn đáng để đáp lại. Nhưng bây giờ, ngôi trường mà Tử Minh đang theo học mỗi tầng đều có hai nhà vệ sinh sáng sủa sạch sẽ, bước ra ngoài cửa lớp chỉ phải đi có mười bước về bên trái là tới nơi rồi. Vậy thì, dựa vào cái gì mà Chung Tiểu Vi lần nào cũng đòi mình đi cùng là sao?

 

Không có mình dẫn đi chắc bạn ấy sẽ chết sao? Mỗi lần đứng bên ngoài chờ, nghe thấy tiếng đi vệ sinh của Chung Tiểu Vi, Đường Tử Minh đều tự hỏi lòng mình. Cô bé tự nhận rằng mình không phải là một người do dự thiếu quyết đoán, nhưng đối diện với một người nho nhã yếu đuối với ánh mắt đáng thương như chú dê non của Chung Tiểu Vi, một tiếng "không" sao mà khó cất lên quá. Không biết là nên trách bản thân mình mềm yếu hay là nên trách Chung Tiểu Vi thiếu tự lập, dù sao thì cái tình cảnh này cũng khiến cho Tử Minh vừa cảm thấy tẻ nhạt vừa cảm thấy ngột ngạt. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên. Từ nhỏ đến lớn, Tử Minh vẫn luôn luôn phải đóng vai của một người chị với trách nhiệm bảo vệ và giúp đỡ trong đám bạn nữ bằng tuổi. Vai diễn ấy vừa mang đến cho cô bé cảm giác vinh quang, nhưng đồng thời nhiều lúc cũng khiến cô bé rơi vào những tình trạng bế tắc.

Một tháng sau ngày khai giảng, Tử Minh đã chơi quen được với hầu hết các học sinh trong lớp. Các bài học của các bộ môn cũng đều học được một lượt. Lần này, không có những học sinh liều lĩnh xuất thần, cũng không có những thầy cô kỳ dị trong suy nghĩ, càng không có những quy định kỷ luật cổ quái cứng nhắc. Trong khuôn viên tươi mới và đẹp đẽ của trường, Tử Minh ngày nào cũng được tiếp xúc với những đám bạn ham mê học tập mà không hề cảm thấy một chút ức chế nào, và những thầy cô giáo tài năng mà không hề có khuynh hướng bạo lực. Cuộc sống bình thường lành mạnh toát ra từ ngôi trường này có một sự khác biệt ghê gớm với cuộc sống của nền giáo dục theo nghĩa vụ mà Tử Minh đã phải chịu đựng chín năm về trước, nó làm cho đầu óc Tử Minh thấy sảng khoái và thường xuyên khiến cô bé cảm thấy một điều gì đó khó có thể tin nổi.

Tất nhiên, trong một môi trường lớn, những phiền não nhỏ không thể nói là không tồn tại được. Ví dụ như anh bạn Đỗ Binh lên cấp ba bỗng dưng trở nên năng động ầm ĩ, lúc nào cũng quăng ống tay áo đu đưa trước mặt; ví dụ như anh đại sư Hàn Viễn với sở thích thay hai bộ quần áo một ngày, thỉnh thoảng lại bị cách giảng dạy bằng hai thứ ngôn ngữ không phân biệt rõ từng trường hợp của mình làm cho thê thảm bi đát; lại còn cô bạn Viên Như Ý mà trong mắt Tử Minh luôn hiện lên với vẻ trong trắng thuần khiết đến mức làm cho người khác phải tức giận ấy, học hành nhẹ nhàng thoải mái cứ như là cô ta từ lâu vốn đã học qua toàn bộ chương trình cấp ba này rồi vậy. Có lúc, những thứ này làm cho Tử Minh cảm thấy vô cùng đơn điệu, nhưng phần lớn là cô bé cảm thấy chúng chẳng có quan hệ nhiều lắm đến bản thân mình.

Yếu tố khiến Tử Minh thấy đau đầu chính là Chung Tiểu Vi. Mà nói là đau đầu thì chi bằng dùng từ "lo lắng" sẽ chính xác hơn. Theo Tử Minh như hình với bóng vẫn chỉ là Chung Tiểu Vi với một đống các vấn đề về tâm lí. Mối tình thầm lặng của Chung Tiểu Vi với thầy Hàn Viễn càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng. Nếu có ai hơi giễu cợt về chuyện này thì Tiểu Vi sẽ ngay lập tức lôi những chuyện hơi điên rồ về người cha đẹp trai nhất trong thiên hạ của mình ra nói một cách mẫn cảm và không tỉnh táo. Ví dụ chuyện mỗi lần cha đi công tác, Tiểu Vi một ngày phải gọi đến năm mươi sáu cuộc điện thoại, lại còn mỗi lần đến thời kỳ trong tháng đều đòi cha đi mua băng vệ sinh... Tử Minh ngồi bên cạnh vừa lắng nghe cô bạn cùng bàn thao thao kể chuyện vừa ngấm ngầm dùng lí luận của Freude để dự đoán về thời thơ ấu của Chung Tiểu Vi. Giữa tình yêu thầy trò và tình cảm cha con, với Tử Minh mà nói, việc chấp nhận tình yêu thầy trò đương nhiên càng không có bất kỳ một khó khăn gì cả. Thế nhưng rõ ràng Chung Tiểu Vi lại thiếu đi cái dũng khí công khai tình yêu, ngoài việc âm thầm lặng ngắm thầy Hàn Viễn trong mỗi tiết học tiếng Anh ra, đa số thời gian còn lại Chung Tiểu Vi thường dùng ánh mắt đầy thâm độc trái ngược hoàn toàn với cái vẻ bề ngoài của bản thân để quan sát tất cả những đứa con gái dám đến gần Hàn Viễn.

- Mình muốn làm đại biểu môn tiếng Anh. - một hôm trong giờ Anh văn, Chung Tiểu Vi vừa cắm đầu cắm cổ hí hoáy đưa bút viết bài vừa nói với Tử Minh , - Mình không muốn có người tranh giành với mình. 

- Câu này cậu nói với mình đấy à? - Tử Minh cũng không dừng bút, - Cậu yên tâm đi. Mình chẳng hứng thú gì với kiểu người như thầy Hàn Viễn đâu.

- Cái này thì mình biết. Mình nói người khác kia. - Chung Tiểu Vi nói xong liền đưa mắt nhìn Viên Như Ý đang đứng lên trả lời câu hỏi.

Tử Minh ngước lên nhìn Viên Như Ý. Từ lần nói chuyện với mẹ, cô bé đã quyết định bước đi trên con đường không giống như phong cách của Viên Như Ý, vì vậy sự căm ghét, sự thù địch cũng giảm đi rất nhiều. Mặc dù vẫn không thích cái điệu bộ yểu điệu thục nữ của Như Ý, nhưng cứ coi như kỳ thi giữa kỳ lần này cô bé ấy được tuyển chọn làm đại biểu môn ngữ văn hoặc được chỉ định làm lớp trưởng đi chăng nữa thì Tử Minh cũng sẽ không bỏ phiếu phản đối. Ai cũng đều nhận thấy Hàn Viễn tương đối yêu thích và coi trọng Viên Như Ý, nhưng việc đó với Tử Minh chẳng có nghĩa lí gì cả. Chỉ cần thầy Hàn Viễn trước sau như một không tiếc rẻ thứ tiếng Anh Mỹ sinh động của mình mà ra sức dùng nó để giảng bài thì thầy ấy muốn thích ai là chuyện của thầy ấy.

Với chín năm rèn luyện tại hai ngôi trường tiểu học Minh Nguyệt và trung học cơ sở Thế Khải, Tử Minh giờ đây đã học được nguyên tắc không nên dễ dàng tin tưởng và nhiệt tình với bất kỳ một việc gì cũng như với bất kỳ một người nào. Thực ra với Tử Minh , làm theo nguyên tắc đó cũng không cần phải kìm nén, không cần phải đau khổ nhiều. Trong mấy năm trước, cô bé đã tiêu hao quá nhiều lòng tin và sự nhiệt thành cho những việc lớn việc nhỏ khác nhau. Bây giờ cô bé muốn bắt đầu lại cuộc sống cho chính mình, một mình mình mà thôi, việc này nhất thời có lẽ cũng gặp nhiều vất vả. Đường Tử Minh bây giờ chỉ muốn chắc chắn vững vàng, tự do thoải mái học xong cấp ba tại trường Gia Hoa. Còn về sự ghen ghét của Chung Tiểu Vi với Viên Như Ý, thì đó là chuyện của riêng hai người họ.

Kỳ thi giữa kỳ đã tới. Tử Minh đã chuyên tâm chuẩn bị bài vở rất kỹ, nhưng thứ tự xếp loại cũng chỉ cao lên được có hai bậc mà thôi. Mặc dù trong lòng thấy một cảm giác mất mát thất bại nhưng lại cũng thấy tâm phục khẩu phục. Ai bảo mình chọn lựa ngôi trường không thể tưởng tượng nổi như thế này? Những học sinh trong lớp Tử Minh đa số đều có thói quen học tập một cách chủ động từ nhiều năm nay rồi, sau khi vào đây chúng lại càng ấp ủ những cơ hội để cạnh tranh nên hoàn toàn không cần đến thầy Hàn Viễn phải bám theo đôn đốc. Vị thầy giáo chủ nhiệm vui tính này mỗi ngày ngoài việc giảng xong bài học tiếng Anh, công việc còn lại của thầy là hễ đến giờ tự học, chỉ cần thầy thích là thầy sẽ đi lại thổi sáo quanh lớp học, đứng ngắm nhìn xem những cây lô hội ngoài cửa sổ có cần phải tưới nước hay không; hoặc đi mở tủ sách trong góc lớp để lật xem những trang báo về khoa học kỹ thuật mà thầy thích thú; hoặc là đặt mông ngồi lên bàn giảng (thầy vẫn không thể thay đổi được cái thói quen có người thích có người ghét này) rồi tùy chọn lấy một học sinh để cùng tiến hành luyện tập giao tiếp bằng tiếng Mỹ; sau đó lại nhảy xuống vỗ vỗ mông và thông báo với cả lớp những tin tức kiểu như: tuần sau nhà trường tổ chức đi bảo tàng Thiên Văn, tuần sau nữa tổ chức cuộc thi diễn kịch Shakespear tại khuôn viên trường. Sau khi thầy rời đi với một vẻ mãn nguyện, học sinh lại tiếp tục làm những việc riêng của mình. Học bài, ngủ gật, hoặc mở tủ sách lôi sách tham khảo ra đọc. Ở trường cấp ba Gia Hoa, mỗi một học sinh có thể được tự do trong giới hạn lớn nhất mà một học sinh cấp ba được hưởng; tự do phát triển cá tính và tùy theo thói quen của bản thân để tự quản lý cuộc sống học tập của chính bản thân mình. Ngay cả một chuyên gia bắt bẻ như Tử Minh cũng thực sự không tìm ra được bất kỳ một lí do gì để soi mói hay khiêu khích về cuộc sống trong ngôi trường với một nền giáo dục có tố chất này.

Tất nhiên, không ai dám khẳng định mỗi một học sinh đều có suy nghĩ như vậy. Trong kỳ thi giữa kỳ, với thành tích dẫn đầu lớp về điểm Anh văn, Viên Như Ý nghiễm nhiên trở thành đại biểu môn tiếng Anh của thầy Hàn Viễn, lại còn vinh dự được chọn làm người giữ biển lớp trong mỗi giờ chào cờ và tập thể dục, điều này cũng được hiểu ngầm là cô bé đã trở thành hoa khôi của lớp một khối mười. Những việc đó thực sự đã gây ra một sự thù địch trong đám con gái ở lớp vốn căm ghét Viên Như Ý và có cảm tình với thầy Hàn Viễn. Và Chung Tiểu Vi buồn rầu bực bội như thế nào, Tử Minh đều thấy rõ. Lại còn thêm một nhóm con trai tính khí anh hùng đang trong giai đoạn phát triển dồi dào do Kha Địch cầm đầu vốn dĩ không ưa lắm cái phong cách tản mạn và khoe khoang của con người Hàn Viễn thì càng ngày càng tỏ ra phản cảm cao độ. Thế nhưng người suốt ngày cười hi hi ha ha như thầy Hàn Viễn luôn cố gắng coi như không trông thấy cũng như để ngoài tai tất cả những lời soi mói của bọn họ và sử dụng những biện pháp kiểu như khen ngợi anh tuyên dương em, xé áo trên vai vá lại mảng lưng để vô hiệu hóa đám con trai đó, làm cho những thủ đoạn phi bạo lực không chịu hợp tác của chúng lần lượt không có cách nào để thực hiện một cách thuận lợi. Còn về Đỗ Binh, sau khi những hương vị mới lạ của trường Gia Hoa dần trôi qua, cậu ta cũng từ từ trở nên yên tĩnh, mỗi ngày đều không quên tận dụng không gian lặng lẽ của giờ tự học để tiếp tục triển khai công cuộc sáng tạo tiểu thuyết của mình.

Cứ đến giờ tập thể dục, Tử Minh lại nhìn thấy Triệu Mặc Hiên. Mỗi lần chạm mặt nhau, Triệu Mặc Hiên đều nhìn Tử Minh bằng một nụ cười như muốn khôi phục lại tình bạn, còn Tử Minh thì chẳng thèm để ý quay đi. Nhưng có một việc mà cô bé không thể không công nhận đó là sau khi thi đỗ vào trường Gia Hoa, người nhà của Triệu Mặc Hiên chắc chắn đã thưởng cho cậu ta một món tiền lớn để cậu ta đi thẩm mỹ viện mát xa da mặt, nếu không thì cái nghĩa địa nhấp nhô trên khuôn mặt của cậu ta tại sao bỗng nhiên lại biến mất rồi chứ?

Đất trời đã sang thu, những chiếc lá vàng vẫn thường rơi xuống đầu Tử Minh. Mỗi khi đi đường cô bé vốn đa cảm này luôn luôn chất chứa một niềm đau thương chôn giấu trong lòng. Trong tiếng gió thu xào xạc, bắt gặp từng cặp từng cặp tình nhân tay trong tay bước đi trên đường, Tử Minh không hiểu sao lại nhớ đến Diệp Bột Lăng; dưới ánh nắng mặt trời, trông thấy mẹ một mình rửa xe ở dưới nhà, cô bé lại nhớ đến bố đã tái hôn. Khi nhìn chị Thúy Lan sắp xếp hành lí để về quê, cô bé lại càng đau buồn không nén nổi nước mắt.

- Khóc cái gì hả? Chị đi lấy chồng chẳng lẽ em không thấy mừng sao? Hay là em muốn chị cả đời này ở lì nhà em? - Thúy Lan huých cổ tay chạm mạnh vào Tử Minh , gương mặt đã lau sạch phấn vẫn còn lộ rõ hai má hồng hồng.

- Tại sao chị lại đi lấy chồng sớm vậy? - Tử Minh buồn bã.

- Úi trời....còn sớm cái gì? Sắp ế không ai thèm lấy rồi em ạ! - Mặt Thúy Lan càng đỏ hồng, vừa cúi đầu gấp quần áo vừa nói.

 

- Vậy chị lấy chồng xong sẽ sinh con luôn à? Sau đó ngày nào cũng ở nhà chăm sóc con cái, hầu hạ bố mẹ chồng à?

- Tất nhiên rồi! Có người phụ nữ nào lại không như vậy? Chị còn nhất định phải sinh con trai nữa! Chỗ chị họ coi trọng vấn đề này lắm!

- Vậy thì lúc đầu chị còn đến nhà em làm gì? - Mặt Tử Minh mang một vẻ u ám, cô bé cho rằng cuộc sống mới sắp tới của Thúy Lan thật sự rất khủng bố.

- Để giúp việc cho nhà em, hơn nữa cũng là để kiếm tiền. Chị còn một người em trai phải thi đại học nữa. - Thúy Lan thu dọn xong hành lí, lấy ra một cái túi dưới đệm giường, trong cái túi đó là hai miếng lót giày thêu hoa.

- Tặng em để làm kỉ niệm, cầm lấy đi! Tuy các em ở thành phố, nhưng chưa chắc đã có cái loại thú vị này đâu! - Nói xong, Thúy Lan đặt hai chiếc lót dày được thêu hình một cặp uyên ương rất tinh xảo và đặc sắc đặt vào tay Tử Minh .

- Chị thêu đấy ạ? Đẹp thật đấy. - Tử Minh cảm động cầm hai chiếc lót giầy lên ngắm nghía, sau đó dường như chợt nghĩ ra một điều gì đó, nhảy lên nói: - À, vậy em phải tặng chị cái gì chứ. Tặng cái gì được nhỉ?

- Thôi thôi! Những đồ của em chị đều không dùng đến đâu!

- Vậy em.....

- Em hãy cố gắng học tập cho tốt. Một mình mẹ em nuôi nấng em không dễ dàng đâu, sau này nhất định phải báo đáp lại công lao của mẹ đấy. Nếu như gặp được một người tốt mà mẹ em muốn kết hôn thì em cũng đừng có ngăn cản đấy.

Tử Minh cảm kích ôm chầm lấy Thúy Lan, vỗ vỗ vào sau lưng nói:

- Em biết rồi ạ, chị đừng có lo lắng. Chị hãy yên tâm đi về làm cô dâu đi, sớm sinh ra một cậu nhóc to béo rồi đưa lên đây để em chơi với nó!

Nguồn: truyen8.mobi/t91435-mau-tim-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận