Khe suối róc rách.
Trong thôn chài nhỏ này có mấy cây cổ thụ.
Dưới cây cổ thụ là một gian nhà nhỏ thoáng ánh đèn.
Mở cánh cửa nho nhỏ có thể thấy một dòng suối.
Trên dòng suối là một cây cầu gỗ be bé.
Cầu gỗ đã cũ lắm, gánh nước đi bên trên là lại kẽo cà kẽo kẹt.
Mùng Mười tháng Mười một. Đêm về, vầng trăng tĩnh lặng ngự giữa tầng không.
Nàng choàng mở mắt, nhìn thấy hai khuôn mặt, hai khuôn mặt rất già nua.
Là một bà lão và một ông lão.
Nàng cứ ngơ ngác nhìn bọn họ.
Trong tay ông lão là một bát canh cá nóng hôi hổi, lão cũng đang hiếu kỳ nhìn nàng.
“Cô nương, cuối cùng cô cũng tỉnh lại rồi!”
Ông lão mặt đỏ bừng, cười tít bưng bát canh đưa cho nàng.
Nàng rụt người trên giường, nhỏ giọng hỏi: “Đây…đây là đâu?”.
“Thôn này gọi là Thạch Khê thôn.”
“Ôi!”, nàng mơ mơ hồ hồ.
“Cô nương, cô tên là gì?”, bà lão run giọng hỏi.
Nàng cố gắng nghĩ, trong đầu là một khoảng trống rỗng, nhưng vẫn không muốn người khác biết nàng đang ngơ ngẩn. Đảo mắt một cái, trông thấy trên chiếc bàn nhỏ có thờ Quan Âm, lại nhìn vầng trăng ngoài song, liền nói: “Cháu họ Quan, tên Quan Nguyệt”.
Nói xong câu này nàng không nhịn được hổn hển thở dốc, dáng vẻ tựa như vô cùng kiệt quệ.
Ông lão vội vàng nói: “Cô húp bát canh này trước rồi hẵng nói tiếp”.
Nàng đang rất đói, bưng lấy bát canh là húp sạch, lại ăn thêm hai cái bánh mới cảm thấy có chút khí lực.
“Cô… đã gặp chuyện gì vậy? Lúc giặt đồ không cẩn thận bị cuốn xuống sông? Hay là ngồi thuyền rồi bị ngã?”
“Cháu không biết… A, cháu ngồi thuyền… rồi lật một cái, cháu liền ngã xuống sông.”
“Đứa nhỏ đáng thương”, bà lão than một tiếng: “Đợi cháu khỏe hơn một chút, bọn ta sẽ đưa cháu về nhà. Người nhà cháu không biết là đang lo lắng tới thế nào”.
“Cháu… cháu không có nhà… cũng chẳng quen ai cả”, nàng vừa nghe vậy vội vàng nói: “Cháu không có nơi nào để đi cả. Cầu xin hai người cho cháu ở lại đây”.
Bà lão cười hiền hòa nói: “Bọn ta đều là kẻ bần cùng, sống rất khổ cực. Cô nương cháu… không sợ phải chịu khổ sao?”.
“Cháu không sợ.”
“Bọn ta là ngư dân vùng này, đánh cá kiếm ăn”, ông lão nói: “Bọn ta không có con cái, cho nên già thế này rồi vẫn phải đánh cá. Nếu cháu không chê, vậy thì giúp bà ở nhà làm chút việc may vá kiếm sống đi. Chúng ta có miếng cơm ăn tuyệt nhiên sẽ không thiếu phần chúa”.
Nàng nhảy xuống giường, quỳ xuống trước mặt hai lão nhân.
“Đa tạ gia gia, bà bà hảo tâm thu nhận con. Con… con tạm thời chưa nhớ ra mình có thể làm được việc gì… Có điều con sẽ từ từ nhớ lại”, nàng khẽ nói.
“Đứa nhỏ đáng thương, nhất định là bị sóng lớn đánh cho mất hồn rồi”, bà lão kéo nàng dậy, đỡ nàng nằm lên giường, đắp chăn cho nàng.
Nàng trông thấy căn phòng rất nhỏ, chỉ có một cái giường chợt hỏi: “Con ngủ ở đây, vậy hai người… hai người ngủ ở chỗ nào?”.
“Không cần lo, con không cần lo. Nhà củi dọn dẹp lại một chút là có thể ngủ được. Gối lên rơm mà ngủ rất thơm đấy!”
Nàng trở mình bò dậy, nói: “Sao có thể để hai người ngủ trong kho củi được? Để con ngủ ở đấy”.
Giường rơm trong kho củi sớm đã được trải đâu vào đấy, nàng lăn mình vào chăn, cười tít mắt nói: “Rơm đúng là rất thơm!”.
“Đứa bé ngốc, xem con vui vẻ chưa kìa”, bà lão cười rất hiền từ: “Mau ngủ đi, con dầm trong nước rất lâu, không khỏi choáng váng kiệt sức, đến ngày mai sẽ ổn thôi”.
“Vâng”, nàng ngoan ngoãn nhắm mắt lại, trong lòng thầm nhủ: “Đến ngày mai thật sự sẽ ổn sao?”.
Nàng không thích nghĩ nhiều, rất mau đã thiếp đi.
***
“Cốc chủ muốn gặp ngươi”, Tạ Đình Vân tâm tình nặng nề vỗ vai Cố Thập Tam, “Người vẫn một mực đợi ngươi”.
Ba vị tổng quản lặng lẽ dứng hầu ngoài hành lang, Sái Tuyên đứng bên cạnh.
Tất cả mọi người đều lo buồn nhìn Cố Thập Tam. Hắn vừa mới từ Đường môn chạy về, toàn thân đầy thương tích.
“Cốc chủ vẫn muốn biết.”
“Đương nhiên. Cố trì hoãn một chút hẵng nói… người… chỉ sợ không chịu nổi.”
“Hiểu rồi.”
Hắn đanh mặt tiến vào phòng, trông thấy Mộ Dung Vô Phong ngồi lặng lẽ tại một góc thư án.
Mặt chàng tái nhợt tới đáng sợ, ánh mắt đóng chặt trên mặt Cố Thập Tam.
Dáng vẻ chàng trông có chút tuyệt vọng, hiễn nhiên đã đoán ra gì đó.
“Xin lỗi, ta không thể đưa muội ấy trở về”, Cố Thập Tam dứt khoát nói luôn. Cả đời hắn lận đận, vùng vẫy nơi phố phường mà vươn lên, vốn chẳng hề úy kỵ gì việc được mất. Nói xong câu này, không biết do đâu, hắn chợt cảm thấy tay chân lạnh toát như lâm đại địch, cực kỳ căng thẳng nhìn người trước mặt.
Người trước mặt hoang mang gật đầu, cũng không nói gì. Thân thể chợt run lên, tựa như đang gắng sức che đậy một nỗi thống khổ không sao chịu nổi.
Một hồi sau, chàng lắp bắp nói: “Huynh muốn nói… huynh muốn nói…”
Cố Thập Tam đem sự tình vừa trải qua kể lại ngắn gọn, cố hết sức lược bớt đi những tình tiết khiến người ta thương tâm.
Mộ Dung Vô Phong cúi đầu, lặng lẽ lắng nghe.
Cố Thập Tam áy náy nhìn chàng, hiểu rõ lời của mình như một quả chùy nặng nề đập lên con tim hư nhược của chàng.
Chàng cắn răng không để nước mắt của mình nhỏ xuống, sau cùng, giọng nói vẫn không kìm được có chút run rẩy: “Nàng.. lúc ra đi… không… không phải chịu đau đớn gì chứ?”.
“Không hề, mọi thứ diễn ra rất nhanh”, Cố Thập Tam nhẹ giọng nói.
“Lời sau cùng nàng… nàng nói những gì…”
“Muội ấy nói, muội ấy không muốn thấy đệ đau khổ như thế, mội ngày đệ sống đối với muội ấy mà nói… đều rất quý giá.”
Thân thể chàng chấn động mạnh, tựa như bị sét đánh trúng, lẩm bẩm nói: “Đệ sai rồi! Đệ không nên để nàng quá lo lắng… Nàng trước sau vẫn không chịu tin…”, chàng đột nhiên ngẩng đầu, bi thương nhìn Cố Thập Tam, “Đệ chỉ là một kẻ tàn phế vô dụng. Mỗi ngày nàng sống so với đệ còn quý báu hơn cả ngàn lần, là đệ làm lãng phí tính mệnh của nàng, là đệ đã hại nàng!”.
“Đệ không nên nghĩ như thế”, Cố Thập Tam thở dài một tiếng, không biết phải nói sao cho tốt.
Tâm tình chàng không sao bình tĩnh lại, nhưng vẫn như lúc thường không lên tiếng nữa. Cố Thập Tam chỉ biết lo lắng nhìn chàng mặt mày nhợt nhạt, hít thở khó khăn, mồ hôi ướt đẫm, cảm thấy sự bi thương của chàng như tảng đá lớn nện lên tim mình, nhất thời trong ngực nôn nao khó chịu, gần như không thở nổi nữa.
“Huynh đi nghỉ ngơi đi, đệ muốn ở một mình trong chốc lát”, Mộ Dung Vô Phong buồn nản nói.
“Đây là sách muội ấy nhờ ta đem về cho đệ”, Cố Thập Tam đặt cuốn sách trên bìa toàn máu lên bàn.
Trên cuốn sách đó có máu của Hà Y, cũng có máu của hắn.
Không dám tiếp tục nhìn dáng vẻ bi thương của Mộ Dung Vô Phong, Cố Thập Tam quay đầu, vén rèm đi ra khỏi cửa.
Những người ngoài cửa lòng nóng như lửa đốt nhìn Cố Thập Tam, thấy hắn ra ngoài, nhỏ giọng hỏi: “Cốc chủ người…”.
“Đệ ấy rất đau buồn”, Cố Thập Tam đành trả lời.
Vừa dứt lời trong phòng truyền ra tiếng nôn mửa.
Mấy người lập tức xông vào phòng.
Người của Vân Mộng cốc ai ai cũng vô cùng lo lắng đợi chờ bệnh tình của Mộ Dung Vô Phong có chuyển biến tốt, trong Trúc Ngô viện lại luôn tĩnh mịch đến ghê người.
Mùa đông đến, từ Đường môn bỗng truyền ra tin Đường Hoài trọng thương không chữa nổi. Trận chiến hôm ấy hắn cũng có mặt, trên người từng lãnh một đao của Tiểu Phó. Cứ theo tuần tự kế thừa chức vị chưởng môn, người tiếp theo giữ vị trí ấy đáng nhẽ là Đường Trừng. Nhưng người này vốn nhát gan ngại việc, chỉ mới tới chỗ tổng quản nhìn thấy một tờ giấy ghi nợ của Đường môn là lập tức biểu thị tình nguyện “nhường cho người hiền”, chức chưởng môn lại do lão cửu Đường Tầm đảm nhiệm.
Ngày thư hai sau khi nhậm chức, Đường Tầm liền đi du thuyết bảy vị trưởng lão, ý đồ muốn thả Đường Tiềm, để hắn tạm thời được khôi phục chức vụ đường chủ “để xem biểu hiện về sau”. Vận dụng hết mồm mép, các trưởng lão mới miễn cưỡng đồng ý giảm thời gian giam giữ xuống một năm, nghe nói đó còn là nể uy danh Đường Ẩn Tung đã qua đời rồi. Đường Tầm vẫn không chịu thôi, sống chết đeo bám tới cùng, các trưởng lão cuối cùng quyết định lại giảm kỳ hạn xuống còn năm tháng.
Một tháng sau, Đường môn phái người đưa tới quan tài của Sơn Thủy và Biểu Đệ.
Mộ Dung Vô Phong không nói lời nào xuất hiện trong tang lễ, có người dìu đỡ, tự mình lặng lẽ đốt tiền giấy cho người đã khuất một canh giờ.
Thân hình chàng gầy guộc, ngồi trên thảm trông tiều tụy vô cùng, mỏng manh giống như bóng người dưới trăng.
Tuy hư nhược cực độ nhưng lưng chàng vẫn thẳng tắp như xưa.
Đốt xong tiền giấy, chàng chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng về phòng mình.
Triệu Khiêm Hòa đuổi theo, khẽ thưa: “Người của Đường môn nói, di thể của phu nhân bị vùi quá sâu trong núi, khó có thể tìm thấy. Hỏi… cốc chủ có muốn tự mình tới Đường môn bái tế không? Bọn họ có thể an bài mọi thứ, lại sửa sang một trang viện. Nếu cốc chủ.. nếu cốc chủ muốn tới thăm… có thể ở tại trang viện đó”.
Chàng lạnh lùng nhìn ông ta một cái, không nói gì.
Triệu Khiêm Hòa sợ hãi không dám nhắc lại nữa.
Bệnh phong thấp của chàng bắt đầu phát tác liên tục, nhưng chàng vẫn đuổi hết những người tới chăm sóc mình ra khỏi phòng.
Không biết phải làm sao, Tạ Đình Vân đành cưỡi ngựa chạy tới Giang Lăng tìm lão gia nhân đã chăm sóc chàng từ nhỏ là Hồng thúc về.
“Thúc ở mấy ngày rồi về đi, cả nhà đều ở Giang Lăng, tới thăm ta làm gì?”, Mộ Dung Vô Phong nói với ông lão.
“Bộ dạng thiếu gia như thế này lão Hồng tôi dù có chết cũng không biết phải ăn nói với cố cốc chủ như thế nào. Đợi sau này chết đi lại bị lão gia mắng mỏ, chẳng bằng bây giờ ở đây hầu hạ thiếu gia thêm mấy ngày… Nếu thiếu gia chịu nể cái mặt già của lão bộc mà ăn thêm một bát cơm, lão bộc có chết cũng không oán thán gì rồi”, Hồng thúc nước mắt nước mũi giàn giụa đứng trước giường chàng, Mộ Dung Vô Phong thở dài một tiếng, trầm mặc không nói gì nữa.
Hai tháng kế tiếp, chẳng những chàng không thể dậy nổi, mà đơn giản là đến cử động cũng không được. Dần dần, chàng ăn ngày càng ít, càng ngày càng miễn cưỡng.
Mọi người bắt đầu lo lắng chàng không qua nổi mùa đông này.
Mùa đông năm đó dài dằng dặc, y vụ của Vân Mộng cốc vẫn bận bịu như ngày thường, thiếu đi Mộ Dung Vô Phong và Trần Sách, bọn họ không thể không điều mười đại phu từ bên ngoài về cốc. Tất cả mọi người đều tâm sự trùng trùng, thấp thỏm lo sợ.
Đến trung tuần tháng Hai, Mộ Dung Vô Phong đã bệnh tới mức thần trí mơ hồ, sinh mệnh hoàn toàn dựa vào thuốc để kéo dài.
Không kể là lúc tỉnh táo hay hôn mê, ánh mắt chàng đều ngơ ngác, thần sắc tán lạc, trầm mặc tựa như một ngôi mộ. Đến cả Hồng thúc là người mỗi ngày tắm rửa cho chàng cũng không dám tin con người hao gầy mỏng manh như lông vũ này vẫn còn sống.
Cuối cùng đến một ngày, tình hình có sự biến hóa.
Đêm nọ, Phượng tẩu bỗng bế Tử Duyệt chạy vào phòng chàng.
Chàng đang mở mắt, vẫn chưa ngủ, Phượng tẩu hoang mang lớn tiếng gọi chàng: “Cốc chủ, dù thế nào người cũng phải xem cho Tử Duyệt… Nó đã sốt hai ngày rồi, uống thuốc cũng không đỡ, vừa rồi còn gào khóc cả nửa ngày, Ngô đại phu ra ngoài khám bệnh rồi, Sái đại phu cũng không tìm thấy đâu cả”.
Chàng nghe thế đôi mắt mở to, tựa như phát cuồng vùng ngồi dậy, ôm lấy con gái đã sốt tới mồm miệng khô nứt vào lòng, gắng sức nhấc cánh tay đã sưng tới biến dạng, nén đau châm cho cô bé hai châm, rồi lại cầm bút xiêu xiêu vẹo vẹo viết một đơn thuốc.
Không sao viết chữ cho nhỏ lại nổi, có hai mươi mấy chữ mà chàng phải dùng tới bốn tờ giấy mới viết xong.
“Phụ thân… con không muốn…”, vị thuốc quá đắng, Tử Duyệt uống mà nhăn mặt.
Trong lòng chấn động, chàng ôm chặt con vào lòng, thều thào nói: “Nghe lời nào… Tử Duyệt”.
“Mẹ ơi… mẹ ơi…”, cô bé lại gọi mấy tiếng, tay khua chân đạp, giãy lên trong lòng chàng.
Trong lòng chua xót, vỗ về mái tóc non tơ của cô bé, ngập ngừng một lúc chàng nói: “Mẹ không có nhà”.
Mấy ngày tiếp đó, chàng bắt đầu tự ép bản thân ăn cơm, một ngày uống tới mấy loại thuốc, thân thể cứ thế bắt đầu có chuyển biến tốt. Đến tháng Ba, mùa đông đã qua, chàng dần dần có thể dậy khỏi giường.
Đầu tháng Tư, Đường Tầm nhận được một tấm thiệp bái phỏng lời lẽ hàm súc, khẩn thiết muốn tự mình tới Đường môn tế lễ vong thê.
Hai trang thư, dấu mực hơi khô, đầu ngón tay Đường Tiềm lần theo nét chữ, lầm rầm đọc:
… Tiểu đệ là kẻ tính mệnh chỉ như phù du, chẳng biết được mấy ngày; duy chỉ có người vợ này là nguyện kết duyên đầu bạc. Ngờ đâu nửa đường đứt gánh, bỏ đệ mà ra ngoài nơi thanh sơn hoàng thổ, rời đệ mà tới chốn bến nước tịch liêu. Đêm dài đằng đẵng, một bóng cô đơn, chốn Bồng Lai cách vợi, chắp cánh chim cũng chẳng tới nơi. Mắt thấy lòng đau, thường gắng gượng chường mặt với đời. Mưa chợt gió lùa, biết trời đất cũng chẳng được bao lâu nữa. Đầu đông năm ngoái, những định tới tây Thục, chẳng ngờ bệnh thế trở nặng, tiếc không đi nổi. Nay bệnh đã đỡ, xin được tới đất của huynh, phúng viếng một ngày, thỏa nỗi nhung nhớ, thông với chốn u linh. Việc xong sẽ lập tức ra về, không dám phiền nhiễu thêm nữa, nếu được thỏa nguyện, hàm ơn không thôi…
Đường Tiềm đọc xong thở dài: “Thì ra Mộ Dung Vô Phong cũng là người có tình…”.
Đường Tầm cười khổ: “Hy vọng lần này cừu oán hai nhà có thể tới hồi kết. Nếu không oan oan tương báo, còn phải chết bao nhiêu mạng người đây”.
Đường Tiềm hỏi: “Bao giờ hắn tới?”.
“Năm ngày trước đã tới, chỉ là lại bệnh rồi. Trước mắt đang ở Tùng Hạc đường. Ta đã đi thăm một lần, lúc ra về gặp phải ngũ tẩu, bị tẩu ấy ấy lôi vào nhà mắng nhiếc một trận.”
“Đã biết chức chưởng môn khó làm chưa?”
“Hà hà. Vừa hay đệ về rồi, cho nên chuyến này của Mộ Dung Vô Phong sẽ do chúng ta tháp tùng.”
“Chúng ta? Huynh với đệ?”
“Không sai.”
“Huynh tha cho đệ đi.”
“Rốt cuộc đệ có giúp ta không?”
“Giúp.”
“Một canh giờ nữa Mộ Dung Vô Phong mới tới, đệ đi chuẩn bị một chút, đổi sang mặc đồ trắng.”
“Tuân chỉ.”
“Tạ Đình Vân cũng đi theo hắn, chúng ta chỉ cần dẫn đường cho bọn họ là được. Những việc khác ta đã chuẩn bị ổn thỏa hết rồi.”
“Ngoài Tạ Đình Vân ra, còn ai theo nữa không?”
“Chỉ có hai người họ.”
“Ừm”, hắn thất vọng ừm một tiếng.
Đúng giờ Tỵ, xe ngựa của Mộ Dung Vô Phong dừng trước cổng lớn của Đường gia bảo. Lúc người hầu dìu chàng từ xe ngựa xuống, ánh dương chói mắt vừa vặn chiếu thẳng vào mặt chàng. Đã hơn nửa năm nay chàng không tắm ánh mặt trời, chỉ cảm thấy ánh dương nặng nề như sắt đá, khiến cho người ta chóng mặt.