Mê Hành Ký Chương 17 part 2

Chương 17 part 2
Cô gái nọ khoác lên một chiếc áo trùm đầu.

Đường Tiềm đưa nàng tới đầu phố thì dừng bước, trong ngực khí huyết đảo lộn, không khống chế nổi nữa bèn tìm một góc nôn liền ba ngụm máu lớn mới cảm thấy khí tức nôn nao trong ngực giảm bớt. Sau đó hắn rút khăn tay lau máu ở miệng bước về chỗ cũ nói với cô gái: “Nàng ở chỗ nào? Ta đưa nàng về”.

Cô gái nhẹ nhàng hỏi: “Thương thế của huynh có nặng không?”.

Hắn mỉm cười với nàng: “Ta không sao... nàng còn nhận ra ta?”.

Dọc đường hắn luôn dìu đỡ cánh tay nàng, nghĩ rằng nàng thân gái yếu ớt, vừa rồi phải chịu một phen kinh sợ, không khỏi đi đứng loạng choạng. Đi được một lát, dần dần có chút mù mờ, không biết là mình dìu nàng hay là nàng đang đỡ mình. Lời vừa dứt, chỉ cảm thấy tay nàng run mạnh, giọng nói tĩnh lặng như nước hồ giờ đã có chút dao động: “Huynh từng tới đây sao?”.

Thì ra nàng đã sớm quên hắn rồi.

Trong căn phòng tối đen như mực, đó đây trần trụi đối diện nhau, bọn họ không hề nhiều lời, với lại đó là lần đầu tiên của hắn, bất kể làm thế nào thì rõ ràng đều là chân tay vụng về, tin rằng chẳng hề cho nàng chút hưởng thụ nào.

“Từng tới một lần.”

"Xin lỗi, thiếp quả thật không nhớ”, nàng có chút áy náy.

“Trước khi đi, nàng muốn ta không được tới nữa, cho nên ta không quay lại.”

“Đối với ai thiếp cũng nói như thế”, nàng đã hoàn toàn bình tĩnh lại, ngữ khí dần dần thư thả, “Tránh cho bị cùng một người cuốn lấy”.

Câu trả lời này làm hắn bất ngờ, nhưng cũng khiến hắn chẳng biết nói sao.

Hắn lại hỏi sang một vấn đề ngốc nghếch: “Như thế này, nàng cũng không kiếm được bao nhiêu tiền, bà chủ của Tích Dạ lâu liệu có hài lòng không?”, hắn thường nghe nói tú bà của kỹ viện đối xử với kỹ nữ cực kỳ hà khắc, nếu có nhan sắc là sẽ bị ép tiếp khách cả ngày. Còn như nàng động một chút là cự tuyệt khách ngoài cửa thế này, lại còn không đón khách quay lại, cho dù giá một đêm có cao nữa thì thu vào cũng cực kỳ hữu hạn.

Tam Canh cười nói: “Hóa ra huynh đang lo lắng cho kế sinh nhai của ta”.

Hắn bối rối.

“Đúng là thiếp chẳng kiếm được bao nhiêu tiền... lúc vắng khách còn phải bù thêm nữa. May mà ngày thường thiếp còn việc làm ăn khác, có thể bù đắp cho nhau.”

Hắn lại càng kinh ngạc hơn, định hỏi thêm mấy câu nữa nhưng đã tới một ngã tư, nàng chợt dừng bước hỏi: “Huynh còn nhớ được đường về khách điếm không?”

Hắn lập tức hỏi lại: “Sao nàng biết ta ở khách điếm?”.

“Nghe khẩu âm huynh không phải người ở đây.”

“Là người đất Thục.”

Nàng ngẩng đâu chăm chú nhìn khuôn mặt hắn, ánh trăng vừa vặn chiếu lên mình hắn, hắn có đôi mắt rất đẹp, tĩnh lặng như rừng rậm lúc đêm khuya, sâu thẳm như nước hồ tiết thu. Nàng hít sâu một hơi, cười nhẹ: “Chúng ta chia tay ở đây, được không?”.

“Được”, hắn buông tay nàng, tiếp tục đi về hướng đông.

“Đa tạ huynh đã cứu thiếp”, nàng quyến luyến nhìn bóng lưng hắn, bình tĩnh dặn thêm một câu, “Nhưng chia tay rồi xin quên thiếp đi”.

“Đương nhiên”, hắn không quay đầu lại, đưa tay lên làm một tư thế “bảo trọng”.

Nàng đứng ở góc phố, dõi mắt nhìn theo cho tới khi hắn khuất nẻo mới quay người rời đi.

***

“Bịch”

“Quan cô nương, đây là gì vậy?”

“Cá muối.”

“A…không cần đâu…thực ra tiền thuốc chưa có thì nợ cũng được, cuối năm tính luôn là xong.”

“Cuối năm tính nợ thì vẫn phải trả cá muối, không bằng bây giờ đưa luôn cho bác”, cô gái nhỏ nhắn đặt cái sọt mây nặng nề trên vai xuống.

Cái sọt mây này to gần như vại nước, đủ để chính nàng chui lọt vào.

Lão Kim ngồi ở bên quầy thở dài nói:

“Nghe ta nói một câu xui xẻo này, Quan cô nương. Đứa bé này vừa gầy vừa ốm, ta xem không có hy vọng gì đâu, không bằng hiến lên miếu có khi còn cho nó ăn ngon được vài bữa.”

“Không phải con bác, đương nhiên bác không xót. Ai nói nó không sống được... không phải vẫn đang sống tốt đây sao?”, nàng dịu dàng nhìn đứa trẻ đang ngủ ngoan trong lòng.

Đã năm tháng rồi mà trông nó hình như không hề lớn lên, bộ dạng vẫn như một chú mèo nhỏ vừa mới sinh ra nhắm chặt mắt cuộn mình trong bọc chăn. Hơi có chút xíu gió lay ngọn cỏ là nó sẽ sốt ho, sau đó ốm mấy ngày, ăn cái gì là đều sẽ nôn ra hết, tới cả sức bú sữa mẹ cũng không có.

“Trông thế này mà cũng gọi là sống sao? Chưa tới một năm đã đem tích lũy của cả nhà tiêu sạch rồi... uống bao nhiêu thuốc, châm bao nhiêu mũi, có tác dụng gì đâu?”

“Thế thì phải hỏi bác rồi. Bác là đại phu, châm này chẳng phải đều do bác châm à?”

“Chút y thuật mèo ba chân của ta, chỉ có thể trị đau đầu chóng mặt thôi, xấu hổ quá.”

“Bác có cách nào khác không?”

“Chẳng có cách nào đâu, được ngày nào hay ngày ấy, nghỉ thoáng chút đi. À... đúng rồi, hôm trước trong trấn có một vị Phương đại tiên đến, được Trương gia ở thôn đông mời tới đó ba ngày rồi, cô có muốn tới thử xem sao không? Ta xem đứa bé này có lẽ... khụ khụ... bị trúng tà rồi... đấy cô xem, nhờ đại tiên đuổi hộ cũng hay...”

“Bao nhiêu tiền một lượt thế?”

“Một trăm xu một lần, cũng không đắt. Chỉ là đòi một con lợn, đương nhiên... không thế thiếu rượu rồi.”

“Thế mà bác còn bảo không đắt? Không có lợn, cá muối được không?”

“Người ta là nguời phương bắc, không ăn thứ ấy.”

“Ài”, nàng chán nản than.

Lão Kim cũng là ngư dân, thời trẻ từng theo một vị lang trung giang hồ “ra ngoài”, xem như là người duy nhất trong thôn từng thấy mặt mũi thế đời. Đúng mùa thì bắt cá, không thì mở một cửa tiệm nhỏ, bán chút đồ tạp hóa với thuốc men. Thôn nhỏ, bốn phía sông to núi lớn, mọi người ai nhiễm chút đau đầu sốt vặt thì đều tới tìm lão. Lão kim châm lửa cứu, cứ thế mà làm, dần dần mọi người đều coi lão là đại phu.

“Không muốn thế cũng được...”, lão Kim ngắm eo thon của nàng, ấp úng một lúc rồi nói: “Vợ ta mất năm ngoái rồi, không bằng cô gả cho ta... Con lợn kia ta bỏ ra cho cô... bệnh của con cô cũng giao hết cho ta... nuôi nó sống thêm mấy năm...”.

Lão Kim tới nay mới chỉ bốn mươi, chưa tính là già. Người ta giới thiệu cho lão mấy cô rồi, lão nhìn trái nhìn phải xem mãi đều không thấy bằng Quan cô nương trước mắt cả ngày tìm lão bốc thuốc này. Xem trúng chính là giọng nói ngọt ngào với thân hình thon thả của nàng, lại cả tài bắt cá nữa. Cô gái này hễ xuống nước thì bắt cá so với thanh niên khỏe mạnh nhất trong thôn còn nhiều hơn gấp đôi, cưới được về, nhất định có thể lo liệu tốt việc trong nhà.

Mỗi tội, mọi người đều nói, tính tình Quan cô nương cũng rất khó trêu vào. Sau khi sinh đứa con trai lại càng không nên chọc. Trong thôn có một đám trai làng, sau khi đánh cá thường thích tụ tập tại sân phơi cá tây thôn nói cười trêu ghẹo đàn bà con gái đi ngang qua. Vừa vặn Quan Nguyệt ngày nào cũng đi qua con đường ấy.

Nàng chỉnh cho gã to gan nhất là Tiểu La một trận, về sau đám ấy hễ thấy nàng là đều khách khí chào hỏi, không dám nói thừa một chữ.

Lần đó, nàng tát cho Tiểu La một cái, ngày hôm sau đầu Tiểu La sưng to bằng cái đầu heo.

Phải hết một tháng, thoa không biết bao nhiêu cao vết sưng ấy mới tiêu hết.

Phải sau một năm, Tiểu La mới thấp tha thấp thỏm tới sân phơi cá, trông thấy Quan Nguyệt thì ngoan ngoãn cúi đầu bộ dạng hoàn toàn thuần phục.

Bọn thanh niên thầm nghĩ: Cô ả bé người này thân thủ cực kỳ phi phàm, ngày thường nhìn thế nào cùng không ra.

Nghĩ tới đây, lão Kim len lén nhìn Quan Nguyệt, thấy sắc mặt nàng không thay đổi, trong lòng không khỏi mừng thầm.

“Bác thật biết nói đùa!”, Quan Nguyệt cười.

“Ta chân thành đấy”, lão Kim tươi cười nói.

“Vì con mà lấy chồng, ừ thì cũng không có gì là không được”, đôi mắt Quan Nguyệt chợt sắc như đao quét lên khuôn mật rỗ lỗ chỗ của lão Kim, nhìn tới mức toàn thân lão toát mồ hôi rồi mới không nhanh không chậm nói, “chỉ là cũng phải gả cho ai dễ coi. Bác à... nhà bác không nên nhân lúc người ta khó khăn chứ?”.

Người thôn vùng này thích tôn xưng người khác là “nhà bác”.

Ở đây một năm, nàng đã nói trôi chảy tiếng địa phương, sớm đã đem khẩu âm trước đây của mình tống đi tận đẩu tận đâu rồi.

“Cái này... khụ khụ... đâu có đâu có”, lão Kim cứng đờ mặt ra.

“Cá muối này nhà bác có lấy hay không? Nếu không, sau này bác không cần làm cá muối với cá hun khói nữa, tôi bao hết cho nhà bác, được không? Tính là tiền thuốc.”

“Việc này... cá muối thì trong nhà ta đã có mấy sọt lớn rồi”, lão Kim nhíu mày.

“Vậy thì trả bác tiền đồng là được”, Quan Nguyệt móc trong người ra một bao nhỏ, rút bên trong ra một xâu tiên, tuy một xâu là một trăm đồng, nàng vẫn cứ thật thà từng đồng từng đồng một đếm lại một lượt.

“Thuốc ta đã gói xong rồi. Mỗi ngày uống một lần, tổng cộng một trăm lẻ tám đồng, lấy cô một trăm, tám đồng kia thôi đi.”

Nhân tình không được nhưng việc làm ăn vẫn đấy, mua bán phải chăng. Lão Kim mất mặt thì mất mặt rồi nhưng cũng không muốn để người ta bảo mình ức hiếp cô nhi quả phụ. Vừa nhận lấy tiền xong, cùng không đếm lại, bỏ ngay vào ngăn kéo nhỏ dưới quầy, trưng ra bộ mặt làm ăn.

“Vậy phải cảm ơn rồi”, Quan Nguyệt cầm thuốc, ôm đứa con đang ngủ say trong lòng, bước ra ngoài cửa.

“Đợi đã”, lão Kim đột nhiên gọi nàng.

Nàng đứng lại.

“Tốt nhất là mang nó vào trấn tới nhờ Khưu đại phu xem xem... Tiền khám tuy đắt một chút nhưng dù gì người ta cũng là đại phu tử tế, hay ra ngoài đi lại hiểu nhiều biết rộng, có khi lại có cách”, nhìn bóng hình lẻ loi của cô gái này, lão Kim không nén được nói thêm một câu.

Từ đấy tới trấn phải đi hai ngày đường núi, trèo qua hai quả núi. Trong núi có sói, có báo, có rắn độc. Ngày thường dù là thanh thiên bạch nhật cũng phải có bảy tám trai tráng kết thành đoàn mới dám đi, một cô gái lại còn đem theo một đứa trẻ bệnh tật, làm gì có gan ấy?

Quan Nguyệt quay mình nhìn núi non trùng điệp sau thôn, cười khổ.

Dù là chèo thuyền đi đường sông cũng phải tốn sáu canh giờ mới có thể tới được một trấn lớn.

Trong trấn lớn cái gì cũng đắt, tiền tích cóp một năm còn không đủ nửa ngày tiền phòng trọ.

“Đa tạ bác, tạm thời chưa có tiền, tích đủ tiền rồi nhất định đi”, nàng cúi đầu, buồn rầu cắn môi.

Nguồn: truyen8.mobi/t32968-me-hanh-ky-chuong-17-part-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận