Tư Mã Khôi theo đội thám hiểm vào núi Dã Nhân, vô số việc mà anh từng tận mắt chứng kiến trên đường, giống như một màn sương mù bủa vây không cách nào xua tan. Anh thực sự chẳng thể nào hiểu nổi vì sao vua Chăm Pa lại sẵn sàng hao kiệt sức dân và tiền của đất nước để xây dựng tòa thành Nhện Vàng hình thù quái dị dưới lòng đất, rồi còn cài đặt vô số cạm bẫy tứ phía xung quanh, hủy hoại toàn bộ di tích cổ xưa trên mặt đất, hòng bảo vệ bí mật của tòa thành. Tô tem thá p cổ và mãng xà, bức bích họa vua Chăm Pa gặp gỡ thần chết, vô số viên đá tạc hình mặt người, đều nhằm ám thị điều gì? Vua Chăm Pa đã gọi nơi này là mật thất “thi nhãn”, cất giấu nó kỹ lưỡng đến vậy, chắc hẳn phải có nguyên do gì đó? Lúc này, Tư Mã Khôi nghe Ngọc Phi Yến nói bên trong mật thất quả thực cất giấu bí mật của vua Chăm Pa, nhưng anh phát hiện ở đây ngoại trừ những văn tự cổ đại và phù chú khắc chi chít trên vách đá, thì chẳng còn bất kỳ vật nào khác, vậy cái gọi là “bí mật” rốt cục để chỉ điều gì? Chẳng lẽ nó không phải một vật cụ thể hay sao?
Ngọc Phi Yến nói: “Nếu tôi giải mã không nhầm, thì bản thân gian mật thất này chính là bí mật của vua Chăm Pa.” Để xác thực hơn phán đoán của mình, cô lại gắng sức phân biệt những chữ cổ còn lại trên vách đá.
Tư Mã Khôi càng cảm thấy kỳ quái hơn, bèn định hỏi lại cho rõ. Tuyệt thấy Ngọc Phi Yến đang nhíu sâu đôi mày suy tư mặc tưởng rất tập trung, bèn xua tay ra hiệu cho Tư Mã Khôi đừng ở bên làm phiền. Tư Mã Khôi đành mím môi không hỏi thêm gì nữa, tiếp tục giơ cao ngọn đuốc quan sát mọi nơi trong mật thất, nhưng anh phát hiện toàn bộ khu vực xung quanh chẳng có một lối ra nào.
Ngọc Phi Yến xem kỹ một hồi lâu, mới nói với hội Tư Mã Khôi: “Trong mật thất ghi chép một số chuyện vô cùng ly kỳ, khiến người ta khó lòng lý giải, nhưng nếu kết hợp với những manh mối chúng ta đã nắm bắt được trước đây, thì có lẽ có thể suy đoán ra chân tướng mà vua Chăm Pa cất giấu trong tòa thành Nhện Vàng.”
Thì ra nước Chăm Pa từ cổ xưa đã sùng bái ngũ quan, coi khuôn mặt là cao sang, coi phần đầu là tôn quý, bởi vì nghe nói khuôn mặt từng người khác nhau, thì vận may được sinh ra cũng khác biệt rất lớn. Vua Anagaya thấm nhuần đạo thuyết này, ông ta sinh thời rất giỏi nuôi bùa luyện ngải, lại không ngừng ăn dòi não người, bởi vậy thần thái và dung mạo mới khác thường đến thế, mà ngay cả màu da cũng không hề giống người bản địa. Những nước như Miến Điện, Lào gọi thuật này là “ngải mặt”, đó là một loại tà thuật được coi là cấm kỵ thời cổ đại, hậu thế chẳng ai còn được truyền thụ thuật pháp này nữa. Kỳ thực vua Chăm Pa sinh ra không hề có tướng mạo dị biệt như người trời, cũng chẳng hề tìm được cái gọi là “vận may” từ tướng mạo ấy. Khuôn mặt giống như thần phật, sau một thời gian dài uống thuốc mãi mới thành kia, thực ra chỉ để ông ta duy trì sự thần bí và đáng sợ của vương quyền.
Vua Chăm Pa bản tính tàn nhẫn, khát máu sát nhân, tin tưởng tuyệt đối vào thuyết số mệnh, ý thức bản ngã tự tôn lại rất cao. Có điều, cho dù dung mạo có giống thần phật đến đâu chăng nữa, thì ông ta vẫn chỉ là một trong số chúng sinh của kiếp luân hồi, không thể giải thoát khỏi dục vọng và bon chen nơi nhân thế. Do vậy mà trong lòng ông ta đương nhiên nảy sinh nỗi khiếp sợ rùng rợn đối với hậu sự của chính mình. Từ đó, ông ta thường xuyên bị ác mộng quấy rầy, bởi vầng mặt trời của đời người cuối cùng cũng phải lịm tắt vào một ngày nào đó. Do nỗi sợ sâu sắc đối với cái chết, nên ông ta chỉ còn cách mượn cớ giết người để giải tỏa, và luôn lấy chuyện “quá khứ tương lai” hỏi kẻ bị hại, trước khi xuống tay giết chết họ.
Vì trong các tháp cổ vốn được xây trên đỉnh núi trước đây, tàng chứa rất nhiều vàng bạc châu báu từ các đời vua của vương triều Chăm Pa để lại, nên sau khi núi Dã Nhân sụt lở, lún xuống hình thành khe núi sâu thẳm khôn lường, ông ta liền sai người mở đường từ huyệt động vùi xương của bầy voi rừng vào sâu trong khe núi, chẳng ngờ vô tình tìm thấy tòa núi đá. Tòa núi này từ chân đến đỉnh đều đen bóng, giống hình con nhện tám chân, bên trong có vô số huyệt động ngang dọc thông nhau, dường như còn có vết tích loài người từng cư ngụ ở đó, lại giống như một cung điện rộng lớn dưới lòng đất. Ở trong địa cung này không chỉ ẩn chứa Udumbara khô héo, mà trong một khe huyệt động, còn có hài cốt của một loài sinh vật to lớn dị thường, và rõ ràng sự tồn tại của nó còn cổ xưa hơn cả vương triều Chăm Pa, nhưng sau này tất cả đều bị dòng nước đen nuốt chửng, chẳng hề để lại chút dấu tích nào trên lịch sử, còn giờ đây khi lòng núi bửa đôi, mạch nước khô cạn, nó lại một lần nữa lộ diện giữa thế gian.
Trong truyền thuyết Chăm Pa, “thi thần” hay còn gọi là “tam thi thần” hoặc “tam trùng”, là ba con ác quỷ, trấn ba cửa ải để cho Thần và Khí không được giao lưu với Càn Khôn thăng giáng, khiến con người kết hợp với ma quỷ, quay lưng với cuộc sống, cận kề cái chết, cạn kiệt tinh khí. Thi thần bị giam giữ trong thân thể con người, chỉ khi con người chết đi thì thi thần mới được giải phóng. Thi thần chiếm cứ vương quốc của người chết, thân hình đen sì, hai hốc mắt đen ngòm sâu hoắm như huyệt động mọc bên trong cơ thể, trên mình có bốn tay bốn chân, hình dáng rất giống với tòa núi đá dưới lòng đất, mà khi ấy, đa số người Chăm Pa đều coi đây là điềm hung, cho rằng đại nạn sắp giáng đầu. Thế nhưng điều khiến vua Chăm Pa khiếp sợ nhất là trong tàn tích sương mù còn sót lại dưới huyệt động, ông ta đã tận mắt nhìn thấy cảnh tượng lúc chết của chính mình, khi sương bay khói tàn, thì thân hình cũng tan vụn thành trăm mảnh.
Nhiều năm trước, vua Chăm Pa từng giết hại một vị thánh tăng. Vị thánh tăng đó trước lúc bị hành hình không hề nói tiếng nào, chỉ để lại một cuộn giấy vẽ hình, mô tả cảnh tượng chết thảm thương đầu mặt rách vụn ngay trước huyệt động thi nhãn, đồng thời chỉ ngón tay giữa ra dấu. Giờ đây mọi việc đều ứng với lời tiên đoán trong tranh, bởi vậy vua Chăm Pa không hề nghi ngờ gì nữa, tự biết sớm muộn sẽ có một ngày tất phải chết ở nơi này. Tuy ông ta hiểu rõ: những chuyện đã được trời định thì không thể tránh khỏi, nhưng vẫn hy vọng và có ý đồ thay đổi sự thực. Ông ta không tiếc tiền bạc, rút kiệt nguồn lực quốc gia, mô phỏng theo hình thù cánh cổng lớn đi vào vương quốc của thần chết để xây dựng nên tòa thành Nhện Vàng, và mang tất cả huy hoàng, hiển hách mà vương triều từng có, đến hiến cho thi thần chiếm cứ nơi âm giới, sau đó lệnh giết chết tất cả nô lệ và những người thợ biết chuyện, rồi để cây Udumbara trong khe đá hồi sinh trở lại. Những bí mật cổ xưa ẩn giấu trong sơn cốc núi Dã Nhân cũng từ đó bốc hơi giữa tầng mây khói lịch sử.
Kỳ thực sự liên quan đến số mệnh thì trong cuốn sách tôn giáo cổ đại là “Kinh Bàn Đà số nghiệp” đã sớm luận giải một định luật chắc như thép, mà nếu dùng quan niệm hiện đại để giải mã ý văn uyên thâm thời xưa, thì nội dung của nó đại khái là: số mệnh của vạn vật đều là một sợi dây do vô số điểm đơn biệt tạo thành, chẳng ai biết điểm giữa sợi dây xảy ra chuyện gì, hoặc gặp phải những điều gì; có điều tất cả các sợi dây, sau cùng đều hướng về một điểm cuối, điểm cuối đó chính là cái chết, mà tuyệt đối không tồn tại trường hợp ngoại lệ, bởi bất kỳ sự việc nào xuất hiện ở điểm giữa, đều không hề ảnh hưởng đến kết quả nơi điểm cuối.
Nếu có người nhìn thấy trước điểm cuối này của cuộc đời, thì mọi chuyện sẽ ra sao? Nếu vậy thì có lẽ anh ta chính là “người gần Thiên quốc nhất”, bởi vì anh ta có thể hiểu rõ số mệnh của chính mình, và nếu đủ khả năng hủy diệt đích cuối, thì có nghĩa là anh ta đã đặt chân lên lãnh địa của Thiên quốc. Vua Chăm Pa cho rằng: chỉ cần sau này không bước đến tòa thành Nhện Vàng, thì sẽ tránh được Tử thần, sinh mệnh ông ta cũng không còn tồn tại cái chết và nỗi sợ nữa, như thế sẽ vĩnh viễn trường sinh bất tử, bất trụy bất diệt; ông ta vốn dĩ đã là kẻ độc ác, nay được thể lại càng ngông cuồng, tàn nhẫn hơn. Có điều, sau trăm phương ngàn kế, hao tâm tồn trí giăng mắc thiên la địa võng, cuối cùng vua Anagaya vẫn đột ngột lìa đời. Có lẽ trước lúc lâm chung, ông ta vẫn không biết rằng: điểm cuối mà ông ta từng nhìn thấy lúc sinh thời, không phải là điểm cuối của bản thân, mà là điểm cuối của chiếc mặt nạ da người bị lột ra từ phần sọ di hài chính mình. Nếu nói mỗi cái cây ngọn cỏ trong cõi trời đất đều có vận mệnh, thì cảnh tượng vua Chăm Pa nhìn thấy lúc đó, chỉ là số mệnh của “khuôn mặt” mà thôi.
Năm đó, những nô lệ và tù binh xây dựng tòa thành Nhện Vàng, sau khi hoàn thành công trình, đều bị sát hại dã man. Trên đời này rốt cục chẳng có bí mật nào giấu được mãi, bởi vậy vua Chăm Pa đã để lại lời nguyền ở nơi này: ai dám tiếp cận bí mật trong tòa thành Nhện Vàng, thần chết sẽ mang bóng đêm khủng khiếp giáng xuống đầu kẻ đó. Trong địa huyệt thâm u tĩnh lặng, chỗ nào cũng khắc đầy những lời nguyền thâm hiểm, lạnh băng, nó tựa hồ bức phòng tuyến tinh thần cuối cùng của vua Chăm Pa, nhưng dưới con mắt người hiện đại, thì nó cũng chỉ là một thứ hư vô, nhợt nhạt.
Ngọc Phi Yến nói với Tư Mã Khôi và Tuyệt: “Ngoại trừ lời nguyền khắc trên mấy tấm bia đá thì còn lại đều là những đối thoại ma quỷ ghi chép lại cuộc nói chuyện giữa vua Chăm Pa và thần chết, mà nội dung trong đó chưa hẳn đã chính xác đáng tin, bởi rốt cục chẳng ai có thể điều tra xác minh tính chân thực của nó, nhưng vua Chăm Pa chắc chắn bàng cách nào đó, đã tận mắt nhìn thấy cảnh tượng lúc mình chết, nếu không ông ta đã không thể tin tưởng sâu sắc đến thế. Núi Dã Nhân tồn tại một nguồn từ trường rất mạnh, rất có khả năng đã xuất hiện những hiện tượng quang học hoặc dị tướng sóng điện - tương tự như cảnh thành phố bồng bềnh trên mặt biển, ngay cả chiếc tiêm kích vận tải như bóng ma chúng ta nhìn thấy khi trước, quá nửa cũng thuộc thể loại này, chỉ là không thể xác định nguồn gốc từ trường xuất phát từ sương mù trong núi sâu hay từ tầng đá trong tòa thành Nhện Vàng mà thôi.”
Tư Mã Khôi và Tuyệt nghe xong, đều bừng tỉnh, thì ra chiếc mặt nạ da người chết mà Nấm mồ xanh khoe khoang, chẳng phải vận may, cũng không phải lời nguyền hay âm hồn, mà đó là số mệnh, là một “sự thực” vẫn chưa xảy ra. Bởi vì “khuôn mặt” của vua Chăm Pa được định đoạt sẽ bị hủy hoại lúc cánh cửa mật thất “thi nhãn” bắt đầu mở ra, nên trước đó không một sức mạnh nào có thể thay đổi một “sự thực” tất yếu sẽ diễn ra ấy. Thế nhưng diện mạo thật sự của Nấm mồ xanh ẩn náu dưới “khuôn mặt” ấy rốt cục trông như thế nào? Vì sao sau khi rơi vào mật thất, hắn liền mất tăm mất dạng? Hắn nắm rõ mọi điều trong tòa thành Nhện Vàng như lòng bàn tay, tựa hồ những bí mật mà hắn biết còn nhiều hơn cả vua Chăm Pa lúc còn sống, hơn nữa lại còn bố trí mọi việc rất chu toàn, thì đương nhiên hắn không thể chủ động tìm đến để tự mình đâm đầu vào đường chết, mà hiển nhiên tất cả những việc này đều nằm trong kế hoạch của hắn.
Còn về cái gọi là “chân tướng” mà Nấm mồ xanh muốn tìm kiếm, mọi người lại càng thấy khó tìm ra hơn, có lẽ hắn đến không phải vì vật báu dâng cúng cho thi thần trong tòa thành Nhện Vàng. Hơn nữa, nghe giọng điệu của hắn, thì cũng biết hắn chẳng mê tín mấy chuyện thần phật, nên tự nhiên không phải hắn vào đây để tìm kiếm mấy chuyện mê muội như trường sinh bất tử. Vì phàm những kẻ có ý niệm này, đều là hạng ham sống sợ chết, tuyệt đối không dám dấn thân mạo hiểm, thâm nhập núi Dã Nhân hiểm nguy mai phục tứ bề.
Nếu căn cứ vào tình hình mọi người nắm bắt được trước mắt mà suy đoán, thì phía trong tòa thành Nhện Vàng, vốn dĩ là một tòa núi đá lớn nằm sâu dưới lòng đất, người Chăm Pa đã gọt giũa tầng đá và huyệt động, niêm phong, hủy hoại phần lớn các khu vực, bên trong chắc chắn còn rất nhiều thứ chưa được biết đến, nên Nấm mồ xanh tất vì những thứ này mới mò đến đây.
Bây giờ, hội Tư Mã Khôi và Nấm mồ xanh đã trở thành những kẻ tử địch, cho nên giữa hai việc thoát thân và phá giải ẩn số về thân phận đối phương, đều không thể phân biệt nặng nhẹ, khoan gấp. Bỗng nhiên, mật thất rung chuyền từng đợt, sương khí đen ngòm trong khe đá phun ra ào ạt, Tư Mã Khôi nói: “Không hay rồi, tòa thành cổ đang tiếp tục chìm lún xuống bồn địa bùn lầy dưới lòng đất...”
Mọi người chỉ sợ khí metan bén cháy, liền vội vàng tắt rụi cây đuốc trong tay, lập tức từ bỏ ý định tiếp tục rà soát xung quanh mà bắc thang người trèo lên, Hải ngọng ở trên tiếp ứng. Mọi người từ mật thất quay trở về đại điện. Lúc này mặt đất trong tòa thành Nhện Vàng đã bắt đầu nghiêng ngả, gạch đá khảm trên vách tường rơi rào rào, một thanh xà đá từ không trung rơi xuống, đập trúng chiếc đèn đồng, khiến nó vỡ vụn thành từng mảnh, dầu “diêm hỏa ngàn năm” trong “lò lửa vạn kiếp” đổ lênh láng ra ngoài, bén cháy khắp nơi, biến chỗ nào cũng trở thành mồi lửa.
Núi Dã Nhân thuộc miền địa hình núi hạn rạn nứt, phần đáy tòa thành cổ là một hồ nước ngầm khô cạn, do mạch nước lún xuống để lại lượng bùn đất khổng lồ, sau khi những sinh vật trong hồ chết đi, thể xác tàn tích dần dần phân giải thối rữa, dồn ép kẹp giữa tầng đất và bùn lầy, hình thành vô số túi khí tương đối độc lập, to có nhỏ có, phân bố chi chít dày đặc, ở giữa có một vài khe suối ngầm ngàn năm tuôn chảy không cạn kiệt, thậm chí còn chảy thông vào phía trong tòa thành Nhện Vàng.
Hàng ngàn năm trước, cả dải bề mặt núi rộng lớn bị lún xuống - do mặt đất sụt lở, luôn luôn phải chịu trọng tải của lượng khí metan và gốc rễ thực vật, rồi một khi sự thăng bằng vi diệu này bị phá vỡ, thì đất đá sẽ hoàn toàn sụt lở, chìm xuống lớp bùn đất sâu vạn trượng phía dưới. Hệ thực vật sinh trưởng trong tòa thành Nhện Vàng do đã bị bom địa chấn phá hủy quá nửa, khiến lực chịu tải trong lòng thành xảy ra sự biến đổi mạnh mẽ, đè ép xuống túi khí metan đang đóng chặt, cuối cùng cũng vỡ ra, khí metan trào vào thành. Vì mất thăng bằng lòng đất nên cả tòa thành Nhện Vàng ngả nghiêng chìm xuống.
Khí metan thẩm thấu qua khe tường đá, lọt vào trong, bén lửa trong đại điện. Lần này khác hẳn với lần trước, dường như nó đã bùng lên thì không thể khống chế, và từng quả cầu lửa phình to nhanh chóng nhảy bật lên cao. Hội Tư Mã Khôi nhìn thấy ngọn lửa mạnh đột nhiên xuất hiện như thể nổ ra từ giữa không trung, làm da thịt quanh người tựa hồ bị dòng nhiệt lột bóc từng mảng, nên ai nấy vội vàng lăn ra mặt đất, bò thục mạng ra dòng nước ngầm trong góc điện.
Làn sóng khí bỏng rát chiếm lĩnh toàn bộ không khí gần đó, ánh lửa trong chớp mắt liền trở nên nhạt dần, xung quanh liên tiếp vọng đến những âm thanh chấn động, trong tai mọi người rặt những tiếng ầm ầm rền rĩ. Khí metan tích tụ dưới lòng đất ở mọi nơi đều dần dần bén lửa, gây ra từng đợt cháy nổ không ngừng.
Giữa khoảnh khắc mọi người gần như ngộp thở đến cực hạn, lòng thành đột nhiên nứt toác, bùn đất trên đầu rào rào đổ xuống. Xuyên qua khe hở lớn ở vết nứt nơi đỉnh điện, họ thấy trên cao thế lửa dâng lên ngùn ngụt, cây Udumbara che phủ toàn sơn cốc cũng bị bén cháy, giữa cảnh trần ai hỗn loạn, ánh lửa bay vút rạch đứt làn sương khói màu xám đen đặc quánh, tạo thành một bức tường đen mang điềm hung vươn cao mãi tận tầng không.