còn ai dám phá hoại quy củ? Tô Phong Nghi chỉ đành cùng Thẩm Khinh Thiền chờ ở hàng cuối. Còn cho rằng một trận mắng chửi của lão tiên sinh sẽ khiến cho bệnh nhân đang đợi sợ hãi biến sắc, ai ngờ người nào người nấy mặt tỉnh như không, đều lộ vẻ cam chịu, chuẩn bị chịu nạn, Tô Phong Nghi không nhịn được hỏi Thẩm Khinh Thiền: “Tỷ có sợ không? Cái vị Thẩm tiên sinh này tính khí rất xấu... So với Tử Hân còn hơn ấy”.
“Người tài cao không khỏi kiêu ngạo, có chút tính xấu cũng thông cảm được. Huống chi, tỷ sẽ chẳng kêu gào loạn lên đâu.”
“Tuấn ca không tới đi cùng chúng ta sao?”, Tô Phong Nghi nhìn xung quanh.
Lúc Đường Hành tỉnh dậy, ánh dương đang rọi vào một cái mạng nhện lớn giữa xà ngang trên trần. Vừa mở mắt đã nhìn thấy trên bức tường trắng như tuyết có thêm bóng một con nhện to như cái đèn lồng, không khỏi thót tim, hẳn còn nghĩ bản thân đang nằm mộng.
Giờ cơm sáng đã qua, cháo đậu đỏ và bánh nướng thịt đều nguội lạnh, trong sảnh ăn thực khách lưa thưa, ai ai cũng mang bộ dạng lười biếng. Đường Hành gọi một bát sữa đậu nành nóng, xé cái bánh nướng thành từng miếng nhỏ, quệt vào sữa rồi ăn qua loa.
Hắn hơi hoài niệm gian nhà nhỏ của mình. Gian nhà nhỏ ấy nằm đối diện một con suối, mở cửa ra là thấy suối, bên cạnh có cây cầu, một cái rào trúc vây quanh hai cây liễu cổ to lớn. Căn nhà dưới gốc liễu không hề bắt mắt, nhưng đã là một tòa cổ trạch trăm năm. Bờ tường sớm đã loang lổ, trụ hành lang toàn những phân chim. Tấm tường ngăn lúc vào cửa đã sụp mất nửa, cỏ tranh mọc đầy rẫy trên nóc nhà, toát lên một không khí thê lương tan nát. Nhưng bài trí trong phòng thì lại cực kỳ xa hoa: thảm Ba Tư, đồ đạc bằng gỗ đàn hương, bình cổ chén vàng, chậu lan lọ cắm cỏ, cái gì cần có thì đều có hết. Tất tần tật những thứ khiến bản thân cảm thấy thoải mái mà một vị hoa hoa công tử có thể nghĩ ra đều ở đây hết rồi. Ngoài ra, hắn còn có Mạch Hương, Mạch Tú, hai thư đồng giúp hắn quét tước, giặt giũ, làm cơm. Bọn chúng sẽ không bao giờ để Đường Hành phải ăn cơm sáng không nóng không lạnh.
Đường Hành thích ngồi trong thư phòng của mình mà tận hưởng một ngày nhàn tản, nghe oanh hót yến ca ngoài hành lang, ngắm hoa nở hoa rụng trong sân. Lúc giữa hè, trong giếng cổ vườn sau có ngâm rượu lạnh, đấy là loại rượu nữ nhân thích uống, giang hồ hán tử mà nhấp vào một ngụm liền lập tức phun ra ngoài, cười mắng là “nước ngọt”. Hắn có chú ý tới mùi vị của rượu, lúc uống thì bỏ thêm vài quả ô mai, mùi vị càng thêm độc đáo. Hắn có thể uống liên miên hết chén này tới chén khác để quên đi cái nóng.
Hắn không thích mùa hè, càng không thích ngày nắng.
Ngày nắng mọi thứ quá rõ ràng, vạn vật hiển hiện từng li từng tí, chẳng có chỗ nào để mà lẩn trốn. Hắn tự nhận mình là một kẻ bạc nhược, thích hợp với việc nâng ly thanh tửu, ẩn mình ở một góc nào đó trong một ngày mưa gió sương, khói mịt mù, bên song một mình đơn độc.
Hắn nhớ hồi nhỏ, cứ tới đêm mưa mẫu thân thường thích ngồi trong cẩm thất, đối diện với màn đêm vô cùng vô tận bên ngoài, đàn một khúc nhạc cực kỳ ưu thương. Vào lúc ấy, phụ thân thì thích loay hoay với hoa cỏ ngoài sân. Tới lúc mệt sẽ đứng dưới hiên nhà, im lặng lắng nghe tiếng đàn của mẫu thân. Lúc ấy, nếu mấy đứa con ở phòng kế bên đang gây lộn, người sẽ đi vào khẽ “suỵt” một tiếng, bắt cả bọn yên lặng.
Dưới ám thị của phụ thân, nghe đàn trong mưa liền trở thành thời khắc thần thánh, thành một truyền thống gia đình. Đường Hành lại cảm thấy trong khúc nhạc đó có sự ai oán cứ đi thẳng vào tâm khảm, khiến người ta khó mà chịu được. Còn may là mùa mưa ở đất Thục không dài, mà đại đa số thời gian mẫu thân đều quá bận, cho nên hắn không đến mức lúc nào cũng phải chịu sự giày vò ấy. Chỉ có mỗi phụ thân là thính giả trung thành của mẫu thân mà thôi. Người sẽ trước sau như một đứng dưới hiên nhà, yên lặng lắng nghe, trên mặt lộ ra thần thái như mê như say.
Cây cổ cầm đó là do phụ thân tặng cho mẫu thân, bên trên có dát vàng khảm ngọc, làm bằng gỗ tử đàn với sừng tê. Nếu lâu ngày không dùng, phụ thân sẽ dùng lá dâu sát nhẹ lên dây đàn theo định kỳ, khiến chúng khôi phục âm sắc, trong sáng như mới.
“Các con nên theo mẹ học đàn. Hoặc là giống như tỷ tỷ các con ấy, chăm chỉ học chút y thuật”, lúc hắn còn nhỏ, phụ thân thường khuyên hai đứa như thế.
Có điều, hai huynh đệ cuối cùng vẫn theo phụ thân học võ.
Có lúc, hắn cảm thấy tác phong của phụ thân quá mức cổ hủ, còn mẫu thân thì lại quá thanh cao. Phụ thân khoan dung sự cao ngạo, khắc nghiệt, u buồn ít vui, sự thẳng thắn ngang ngạnh của mẫu thân, vì thế không thể không mềm mỏng với những người xung quanh bị mẫu thân đắc tội. Mẫu thân cự tuyệt vào Đường môn, phụ thân đành phải chuyển nhà ra con phố lớn ngoài Đường môn. Thực ra, quan hệ của người trên con phố ấy với Đường môn đã bao giờ không phải là dây mơ rễ má đâu. Hàng xóm trái phải, mười người thì có tới tám người họ Đường, tính kỹ ra, hoặc gần hoặc xa, họ đều là bà con thân thích. Mẫu thân ghét việc xã giao, không quen và cũng không muốn quen sinh hoạt kiểu đại gia tộc, cho dù đã ở bên ngoài Đường môn, người trước nay cũng không bao giờ lộ diện ở các bữa tiệc tùng hoặc tụ tập trong gia tộc, quăng hết tất cả phiền não về quan hệ người thân sang phụ thân.
Tự nhiên, người trong Đường môn cực kỳ bất mãn với sự ngạo mạn của mẫu thân. Hắn không chỉ một lần nghe các trưởng bối than ngắn thở dài trong đám đông, nói là Đường Tiềm quá hiền hậu, cho dù Ngô Du có là giai nhân hiếm có, nghìn năm khó gặp cũng không thể chiều nàng như thế. Còn cái nhìn của những kẻ đầu phố cuối ngõ lại càng thêm cay nghiệt, trong đầu họ, Đường Tiềm có nổi tiếng hơn nữa, có lợi hại hơn nữa thì chẳng qua vẫn là một thằng mù. Một thằng mù lại có thể lấy được nữ đệ tử đắc ý của thần y Mộ Dung, không những đẹp tựa thiên tiên, tài năng hơn người, mà còn y thuật cao siêu, ngày kiếm ngàn vàng, đấy không phải là số đỏ thì là gì?
Cửa lớn của Bình Lâm quán đã sửa chữa khí thế hơn hẳn xung quanh, diện tích càng ngày càng lớn, đình viện năm nào cũng sửa, còn mở thêm mấy chục nhà thuốc chi nhánh, độc chiếm một dải tây bắc về bán thuốc. Còn cửa hàng và ruộng đất phụ thân kế thừa từ tổ phụ thì mấy năm nay đã bị lũ người nhà quản thành chẳng ra làm sao, dở sống dở chết. Phụ thân trước giờ không định đổi người, mà cũng không bận tâm, vẫn bận bịu với sự vụ của Hình đường như thường.
Hắn vẫn luôn hoài nghi giữa cha mẹ mình rốt cuộc có một đoạn tình cảm sâu đậm nào không, hai người sống với nhau rất mực bình đạm, Đa số thời gian đều là phụ thân cẩn thận chăm chút mẫu thân, sợ phiền tới y vụ của mẫu thân, bèn đem hai đứa con trai nghịch ngợm quậy phá, gây lộn khắp nơi theo bên người. Tính khí nghiêm khắc lạnh lùng của người còn xa mới bằng ông nội, chưa tới hai câu là đã mềm lòng, nghe thấy con xây sát oa oa gọi là sẽ đau lòng. Thế là đành bỏ gần cầu xa, lúc nhập môn bèn chọn cho con một vị lão sư phụ nghiêm khắc, mỗi ngày đích thân đưa hai huynh đệ đi học võ. Lão sư phụ quả nhiên không khách khí, lộn người không đúng là “chát” một roi. Đứng tấn không tốt thì mông bị hương đốt. Hai huynh đệ luân chuyển học võ giữa mấy vị sư phụ tâm ngoan thủ lạt có tiếng trong Đường môn, có được một bộ mông đít toàn vết hương đốt, cho tới mười tuổi thì mới chính thức bắt đầu theo phụ thân học đao.
Sự sùng bái phụ thân của Đường Hành còn xa mới tới mức mãnh liệt như ca ca Đường Phất. Từ lúc hắn hiểu chuyện, Đường Phất đã giống như một cái bóng theo sau lưng phụ thân, coi việc kế tục “đao thống” của Đường thị song đao là nhiệm vụ. Đường Hành thậm chí còn hoài nghi mấy cái trò ca ca chơi hồi nhỏ, liệu có phải toàn bộ đều là để chuẩn bị cho việc tương lai kế thừa chức Đường chủ Hình đường không. Bắt đầu từ năm ba tuổi, mỗi lần phụ thân ra ngoài, Đường Phất đều theo người, nếu không được sẽ khóc toáng lên không thôi, khiến phụ thân mỗi lần ra ngoài đều phải lén lút chuẩn bị hành trang, trước khi đi thì lời ngon tiếng ngọt dỗ cho Đường Phất vui vẻ.
Nhưng mà, hắn có niềm tin y hệt Đường Phất rằng, phụ thân vĩnh viễn là anh hùng của Đường môn, đao khách kiệt xuất nhất trong thiên hạ. Cho tới năm hắn mười bảy tuổi, một lần thanh lý môn hộ, phụ thân gặp phải phục kích, thân bị trọng thương. Lưng của người trúng liền ba đao, máu tuôn như trút, tổn thương tới nội tạng. Về được tới nhà thì người đã hấp hối. Hắn còn nhớ ngày hôm đó mình phi ngựa tới Bình Lâm quán báo tin, khuôn mặt bình tĩnh của mẫu thân thoáng chốc hiện vẻ sợ hãi, giọng nói cũng rất run rẩy: “Hành nhi, con xuống ngựa, ta cưỡi ngựa của con về xem sao”.
Trước đây, mẫu thân ra ngoài nếu không ngồi kiệu thì ngồi xe, hắn không hề biết mẫu thân còn có thể cưỡi ngựa. Về tới nhà, mẫu thân tự mình làm phẫu thuật cho phụ thân, chân không rời cửa, áo không cởi đai, chăm sóc người ba tháng liền. Không những tự mình xuống bếp sắc thuốc nấu canh, còn thay phụ thân nhổ cỏ bón phân cho mấy luống hoa. Tới khi phụ thân có thể xuống giường, ngày nào mẫu thân cũng cùng người tản bộ bên sông.
Sự thân mật này trước giờ chưa từng có. Hắn từ xa nhìn thấy mẫu thân khoác tay phụ thân, ánh mắt cực kỳ yêu thương. Hai người ngồi dưới liễu rủ thầm thì trò chuyện, có lúc còn cùng nhau dạo phố, tới quán trà nghe ca kịch. Kể từ ngày đó, quy củ của Bình Lâm quán bỗng nhiên thay đổi. Mỗi ngày giờ Tị mở chẩn, mặt trời xuống thì đóng cửa, mẫu thân chỉ tọa đường khám bệnh, không còn ra ngoài thăm khám nữa. Những chuyện kiểu như gặp phải bệnh nhân bệnh tình khó khăn, mấy đêm liền không về nhà không còn xuất hiện.
Hắn biết mẫu thân luôn canh cánh về cái nghiệp của phụ thân, người sợ phụ thân lại bị trọng thương, lúc về tới nhà không có ai cứu chữa.
Bất kể người ngoài có xì xầm đánh giá ra sao, nói ngắn nói dài thế nào, hai người vẫn cứ sống theo quy tắc bản thân đặt ra, cứ thế không nóng không lạnh sống cùng nhau hai mươi mấy năm, trước giờ chưa từng đỏ mặt cãi vã. Mọi người dần dần quên đi những chỗ khác người của mẫu thân, người của Đường môn được mẫu thân bắt mạch, nối xương hay chữa khỏi bệnh nặng ngày càng nhiều. Tới mức cho dù mẫu thân vẫn không chịu tham gia xã giao thì cũng tuyệt không có ai oán trách, mà ngược lại còn nói giúp cho người.
Sau một thời gian dài đọ sức giữa những lời bịa đặt vô căn cứ của kẻ khác với nguyên tắc cá nhân của mẫu thân, sự đời cuối cùng cũng thay đổi. Hai người trở thành quy phạm cho hôn nhân mỹ mãn.
Tuy Đường Hành luôn không thích mẫu thân cho lắm nhưng không thể không thừa nhận trên người mẫu thân có một thứ sức mạnh thay đổi người đời.
Khá nhiều nữ nhân cả đời dốc hết sức lực, chỉ sợ không được thế tục chấp nhận, mẫu thân thì ngược lại, buộc thế tục chấp nhận mình.
Đang chìm đắm trong hồi ức vô cùng vô tận, chợt nghe có tiếng người gọi: “Xin hỏi, các hạ có phải là Đường Hành, Đường công tử không?”
Hắn ngẩng đầu nhìn, thấy người vừa nói là một thanh niên cao gầy, dáng vẻ anh tuấn, người bận tấm áo bào gấm không mới không cũ, vạt dưới lấm đầy bùn đất. Có vẻ như bôn ba trên lưng ngựa đã nhiều ngày, đôi mắt hắn có hai quầng thâm, dáng hình tiều tụy. Thanh niên này một tay bưng bát sữa đậu nành, tay kia đang nâng niu một đóa xuân cúc vàng óng. Đóa xuân cúc ấy cánh hoa to nhỏ không đều, dài ngắn khác nhau, rõ ràng không phải hàng bán ngoài tiệm mà là hái từ nơi sơn dã.
Đường Hành gật đầu, thấy bên cạnh còn chiếc ghế trống bèn nói: “Mời ngồi”.
Người nọ thong thả ngồi xuống, thấy trên bàn có bám dầu mỡ bèn lấy một cái khăn tay lớn ra trải lên rồi sửa sửa đóa xuân cúc để lên chiếc khăn.
Thân thích của Đường Hành rất đông nhưng qua lại thì không rộng, vì hắn trang phục lòe loẹt, cử chỉ kỳ dị, năm xưa suýt nữa bị Đường môn đem ra trị tội “ăn mặc quái đản”. Lời đồn truyền xa, người từng gặp hắn, từng nghe kể về hắn nhiều không đếm xuể.
“Chúng ta… từng gặp nhau?”, Đường Hành nghi hoặc hỏi một câu, đồng thời chăm chú đánh giá người đang tiếp chuyện, sợ hắn là một trong số đám bà con đông đúc của mình, sục sạo kỹ càng trong ký ức một lượt vẫn không tìm ra chút đầu mối nào.
“Năm trước ở Thí Kiếm sơn trang, công tử nghênh chiến ‘Lưu Tinh đao’ Trịnh Tú, tại hạ từng có duyên được đứng một bên quan chiến. Quả là đao pháp tuyệt diệu! Ai ai cũng nói công tử đã học được hết chân truyền của song đao, chỉ sợ đã nhanh chóng vượt qua tiền nhân rồi. Đáng tiếc là lệnh tôn ẩn tích giang hồ nhiều năm, khiến bọn tiểu tử đi sau chúng tôi không có duyên được tận mắt trông thấy phong thái của bậc nhất đại tông sư”, uống một ngụm sữa đậu nành, tinh thần của người này dường như đã khôi phục không ít, đôi mắt dần dần sáng lên, vừa nói tới Đường Tiềm mặt đã lộ ra vẻ ngưỡng mộ.
Đường Hành mỉm cười nói: “Huynh đài quá khen rồi. Gia phụ đã mấy năm gần đây bận bịu việc trong tộc, đúng là rất ít ra ngoài”.
Mười năm trước, chuyện tỷ đấu của Đường Tiềm còn tất bật hơn Đường Hành bây giờ. Gần như chưa được một tháng là có một thanh niên cao thủ vượt ngàn dặm tới đất Thục tìm Đường Tiềm so đao, học nghệ, không quá chiêu với bọn họ, có khuyên thế nào bọn họ cũng không đi. Lúc bắt đầu, Đường Tiềm vẫn bớt thời gian bồi tiếp, dần dần cũng mất đi lòng kiên nhẫn. Hai đứa con trai đành phải nhận lấy cái nhiệm vụ tiếp đón khiến người ta đầu to như cái đấu. Đường Hành ngoảnh nhìn, thấy người này không dùng đao, trên eo đeo một đôi phương lăng giản nặng trịch thì mới yên tâm.
“Thập cô nương Đường Linh, hẳn công tử phải nhận ra”, người nọ tiếp tục bắt chuyện.
“Đương nhiên biết, đó là đường cô của tôi, qua đời khi còn rất trẻ.”
“Nghe nói Ngũ Độc thần châm của vị ấy còn lợi hại hơn so với Bạo Vũ Lê Hoa châm năm xưa!”
“Đúng vậy, cho nên đường cô phải chết trong đại lao.”
“Đường Linh có một muội muội… tên là Đường gì nhỉ…”, người nọ đảo mắt, khổ sở suy nghĩ: “Tôi nhớ tên cũng chỉ có một chữ, mặt chữ cũng có bộ hỏa… Đường…”.
“Đường Huỳnh?”, người này càng nói càng xa, Đường Hành càng nghe càng hồ đồ.
“Đúng rồi, Đường Huỳnh. Nghe nói người làm trong Dược các nhiều năm, sau này lấy trưởng công tử Thôi Hiếu Sơn của Thôi gia ở Lạc Dương.”
Trên giang hồ luôn có người thích chuyện giang hồ. Xem ra người này quả nhiên biết không ít về Đường môn, Đường Hành không khỏi gật đầu cười nói: “Thôi Hiếu Sơn học võ Thiếu Lâm, năm xưa từng dùng bốn mươi hai chiêu Hình Ý quyền thắng Bát Quái chưởng của Linh Cơ Tứ phái Võ Đang, là giai thoại lưu truyền một thời”.
“Còn gì nữa? Có lời rằng ‘Thái Cực mười năm chẳng xuất môn, Hình Ý ba năm đánh chết người’. Quyền pháp trên đời chỉ sợ phải coi Thôi gia là kỳ quái nhất. Không những chiêu thức xuất quỷ nhập thần, nội công cũng cao thâm khiếp người. Năm xưa tôi nhất mực ôm mộng vào Thôi gia học nghệ, đáng tiếc không có ai tiến cử.”
Đường Hành thoáng sững người, cho rằng người này muốn qua con đường của Đường gia để tìm tới Thôi Hiếu Sơn học nghệ, bèn nói: “Nếu huynh đài muốn làm quen với Thôi tiên sinh, tại hạ có thể đứng ra giới thiệu…”.
Không ngờ hắn lại quay ngoắt đầu lưỡi: “Không không không, tôi quen biết Thôi tiên sinh. Có điều, huynh hẳn biết Thôi gia tuy nhiều đời học võ nhưng tới lứa Thôi Hiếu Sơn lại có một vị đọc sách, còn trúng cử nhân?”
Đường Hành đành phải hỏi: “Thì ra huynh đài và Thôi gia cũng có giao tình, nhưng không biết vị cử nhân đó là ai?”.
“Ông ấy tên là Thôi Kính Sơn, là đường đệ của Thôi Hiếu Sơn.”
“Cáo lỗi rồi, cái tên này hình như tôi chưa nghe qua, người của Đường môn quá nhiều, Thôi gia cũng không ít”, Đường Hành cuối cùng cũng thấy phiền hà, bắt đầu nhìn đông ngó tây, định tìm một lý do về phòng: “Giờ không còn sớm nữa, tại hạ…”.
Không ngờ kẻ kia vẫn cứ không hiều ý tứ của hắn, cướp lời nói tiếp: “Khác nghề như cách núi vậy! Vị Kính Sơn tiên sinh này văn hay chữ tốt, sở trường viền văn, thi từ cũng không kém, cũng là người có tiếng trong giới có học đất ấy đó”.
“Oa.”
“Đường huynh chắc là chưa nghe qua, Thôi Kính Sơn có ba muội muội đều sở trường thư họa. Trong đó người thứ hai tên là Thôi Hoan, chuyên vẽ hoa điểu, nhân vật.”
“Oa.”
“Huynh không có chút ấn tượng nào về vị ấy sao?”
“Hoàn toàn không biết.”
“Có một năm tới ngày sinh nhật phụ thân huynh, Đường Huỳnh từng tặng người một bức Túy Ông đồ. Mẫu thân huynh rất thích, treo nó ở trong khách sảnh nhà huynh… Bức họa đó chính là do Thôi Hoan vẽ đấy.”
Giờ hắn mới nhớ ra, trong khách sảnh đúng là có bức họa như thế, còn như ai vẽ bức họa ấy, trước giờ hắn chưa từng quan tâm.
“Giờ nhớ ra chưa?”, người kia nhìn hắn, khuôn mặt mong đợi.
“Nhớ ra rồi. Ừm, cùng gửi còn có một bức đối liên.”
“’Hàn thụ yêu thê điểu, Tình thiên quyển phiến vân’[1] đúng không? Đấy là thủ bút của Kính Sơn tiên sinh.”
[1] Hàn thụ mừng chim đậu, Trời xanh cuộn đám mây. (Hàn thụ là cây thường xanh) (Các bạn đang đọc truyện tại: tuthienbao.com
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ)“Đúng rồi”, Đường Hành cười khổ, từ trước tới nay hắn chưa từng bị một người cứ bám riết lấy như thế này.
“Thôi Hoan chính là gia mẫu”, người nọ cười, lộ ra vẻ tự hào: “Tôi họ Vương, tên là Vương Lộc Xuyên”.
Đường Hành kinh ngạc.
Để giới thiệu bản thân, không ngờ người này lại đi giới thiệu một vòng như thế! Huống chi, danh tiếng của Vương Lộc Xuyên trên giang hồ còn vang dội hơn nhiều so với Thôi Hiếu Sơn.
Đường Hành ôm quyền thi lễ: “Thất kính, thất kính. Báo vĩ phương lăng giản, xếp thứ mười hai trong Binh khí phổ. Đại danh của huynh đài như sét đánh ngang tai, sao không nói sớm, mà lại đi lòng vòng như thế!”.
“Ài”, Vương Lộc Xuyên thở dài một tiếng: “Nói mãi nãy giờ, đệ vẫn chưa nghe ra giữa chúng ta có quan hệ thân thích?”.
“Chúng ta… là thân thích?”
“Đương nhiên. Ta là biểu huynh của đệ, đệ là biểu đệ của ta.”
...
Đường Hành đang định đáp lời, đột nhiên không biết từ đâu có một người xuất hiện, xông tới trước bàn, chẳng biết đầu cua tai nheo gì và cho hắn một bạt tai.