Ta thậm chí còn có thể quen với việc nằm trần truồng trên một chiếc trường kỷ màu đỏ sẫm trước ánh mắt nhìn đăm đăm của một chàng trai ta không mấy quen biết trong khi anh ta vẽ ta. Ta có thể làm vậy ngay cả khi ta tình cờ thế nào lại là một trinh nữ Hy Lạp xuất thân từ một gia đình bảo thủ mà ông bố sẽ chết mất nếu biết được chuyện này.
Trong giờ đầu tiên, Lena khổ sở.
Đến một lúc nào đó trong giờ thứ hai, các cơ bắp của nó đã thôi co rúm, từng chút một.
Đến giờ thứ ba, điều gì đó đã xảy ra. Lena bắt đầu quan sát Leo. Nó xem anh vẽ. Nó xem anh nhìn nó. Nó thấy anh nhìn những phần khác nhau nơi cơ thể nó. Nó dõi theo xem anh vẽ tới phần nào, cảm thấy một cơn run rẩy bên hông khi anh vẽ hông nó và dọc theo đùi khi anh vẽ đến đấy.
Dù vẫn thường sợ bị nhìn, lần này nó lại có cảm giác khác. Đó là một cách nhìn khác. Anh nhìn nó và đồng thời nhìn xuyên thấu nó. Bất kỳ hình ảnh nào anh cũng chỉ giữ vừa đủ lâu để đưa vào trong tấm toan. Như nước đi qua một cái rây.
Anh đã bắt đầu tập trung và nó bắt đầu thoải mái hơn. Mối quan hệ của anh, nó nhận ra, là với bức tranh. Anh đang liên hệ với một phiên bản nó của anh hơn là nó thực. Điều đó cho phép đầu óc nó được tự do tha thẩn khắp căn hộ. Phải chăng trong một chừng mực nào đó, tất cả mọi mối quan hệ đều giống kiểu này? Liệu chúng có bao hàm một biểu tượng nghệ thuật nào đó không?
Nó thích cách nắng tràn trề mơn man trên da thịt. Nó bắt đầu thích cách ánh mắt anh mơn trớn da thịt nó khi nó đã được tự do mà tha thẩn.
Anh để nhạc. Là nhạc của Bach, anh nói. Nhạc cụ duy nhất là một cây cello.
Đến giờ thứ tư, anh nhìn vào mặt nó đúng lúc nó đang nhìn lại. Thoạt tiên cả hai đều bất ngờ và ngoảnh đi. Rồi, đồng thời, cả hai cùng nhìn lại. Anh ngừng vẽ. Anh mất tập trung. Anh có vẻ lúng túng nhưng rồi cũng bình tĩnh lại được.
Đến giờ thứ năm, nó thôi không nghỉ nữa. Nó bị bùa mê. Nó mơ màng. Leo cũng bị bùa mê. Hai người bị các thứ bùa mê khác nhau.
Đến giờ thứ sáu, nó nghĩ đến chuyện anh chạm lên cơ thể nó. Máu dồn lên má nó là một thứ máu khác. Nó dồn lên vì một duyên cớ khác.
Anh bật tiếp nhạc Bach. Lần này thì đó là nhạc độc tấu violon. Nó thấy nhạc nghe có vẻ lãng mạn một cách rời rạc.
Anh đang vẽ khuôn mặt nó. “Ngước mắt lên vào,” anh nói. Nó nhìn lên. “Ý anh là nhìn anh đây,” anh nói lại cho rõ.
Có thực đó là cái anh muốn nói? Nó nhìn anh.
Vậy là trong giờ tiếp theo, anh nhìn nó và nó nhìn lại. Và giống như trong cuộc thi nhìn lâu vào mắt nhau, tiền đánh cược cứ tăng và tăng mãi cho đến khi gần như không chịu nổi nữa. Nhưng vẫn không ai chịu ngoảnh đi.
Cuối cùng anh buông cọ xuống, lúc này má anh cũng ửng hồng như má nó. Anh cũng nín thở như nó. Cả hai bị cùng một thứ bùa mê.
Anh đi đến bên nó, vẫn không thôi nhìn vào mắt. Anh nhẹ nhàng để bàn tay lên sườn nó rồi cúi xuống hôn nó.
Trước kia mỗi khi Bee bị quá tải hay trầm uất nó vẫn hay trốn vào giường. Nhưng chuyện này quá khủng khiếp ngay cả với cái giường của nó. Đây là một nỗi khốn khổ giảo hoạt hơn, một kiểu đau đớn lùng-và-bắt-cho-được-mi. Trong giường mình thì nó sẽ chỉ là một con vịt ngồi rồi lại nằm thôi.
Chân trần, nó bước khỏi căn lều làm phòng ăn. Ra tới chỗ trống rồi, nó nhổ cái thứ ngũ cốc Frosted Flakes đặc sệt xuống cỏ. Nó e nó sẽ nôn ra cả những thứ chứa trong bao tử mất.
Nó rất mừng là đã để Cái quần lại trong giường sắt của mình. Nó không muốn Cái quần thấy nó như vậy.
Nó đi khỏi khu trại và cứ đi về phía mặt trời. Nó sẽ cứ đi thôi. Nếu ta đi về hướng Đông, ta gần như có thể cứ thế đi mải miết. Đến Ấn Độ, Trung Hoa.
Nó cứ đi và đi, thế rồi hai bàn chân nó bắt đầu nhức nhối. Chúng sẽ đau biết chừng nào khi đến được Trung Hoa.
Một lúc sau mặt trời băng qua đầu nó và nó nhận ra giờ thì mình đang đi xa khỏi mặt trời rồi. Nó không muốn đi xa khỏi mặt trời, nhưng nếu nó đi cùng mặt trời, nó sẽ phải đi vòng lại, mà nó lại không thể quay lại. Nó rùng mình. Ở Trung Hoa lạnh sao?
Nó thấy mình như một loài bò sát, nhờ mặt trời mà làm ấm bầu huyết quản. Nó không cảm thấy mình có khả năng tạo ra hơi ấm cho chính mình.
Ngay từ đầu nó đã biết là Peter đã có vợ con. Chuyện sáng nay chẳng phải là điều gì mới hé lộ cả. Người vợ và mấy đứa trẻ ấy giờ cũng không thực hữu gì hơn lúc nào khác. Nhưng giờ thì nó đã thấy họ. Đó là điều đã phá tan sự yên bình của nó.
Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ mà. Sao nó lại có thể tự cho phép mình làm thế chứ? Điều đó là cho những người mắc chứng quên và não bị tổn thương. Đó là cho loài sa giông và ếch nhái. Nó bị làm sao vậy? Sao nó lại không thể giữ yên mọi điều trong tâm trí? Không có sự an ủi, không lời bào chữa nào cho sự kém cỏi của nó được.
Trò chơi mà nó đang chơi đây thì khác. Không phải một thử thách ở sân chơi, một trò khởi động hay một khoảng thời gian ngừng bóng. Nó có thực và nó rất đáng nói. Peter là người lớn. Nó là người lớn. Cả hai đều có đời sống thực để tạo ra hay đánh mất.
Nó đã có thể lượn lờ và khoe mẽ trước một người đàn ông đã có vợ. Nó có thể hôn người đàn ông đã có vợ đó và vờ như tất cả chỉ là một trò vui thật lớn, thật tinh ranh. Nhưng không phải.
Khi đi như vậy nó run bắn lên. Đã đến lúc phải trưởng thành rồi. Nó nhìn ra trước mặt và thấy một đỉnh đồi. Cái đỉnh đó tượng trưng cho sự trưởng thành, nó nghĩ khi chủ tâm vượt qua.
Nó đứng thẳng người lên hết mức, đến hết chiều cao phụ nữ một mét năm sáu của mình. Nếu nó không coi trọng đời mình, thì ai sẽ coi trọng đây? Nó đang trở thành con người nó sẽ là suốt đời. Mỗi thứ nó chọn đều góp vào con người đó. Nó không muốn như thế này.
Carmen thích được ở nhà hát. Ngay cả buổi tập khuya dài dặc nhất, khó ưa nhất cũng còn thích hơn là ở trong phòng ngủ ký túc xá. Andrew Kerr có thể hạ thấp nó bằng một cái nhìn, nhưng ngay cả lúc đáng sợ nhất ông cũng còn dễ gần hơn đứa bạn cùng phòng của nó.
Carmen đã từ vô hình thành hữu hình trong mắt mọi người ở khu học xá trừ một người. Trong suốt hai tuần đằng đẵng, dù chúng chung nhau một căn phòng nhỏ và nằm ngủ cách nhau chỉ trong vòng một mét rưỡi, Julia vẫn làm như thể Carmen không có ở đó.
Vì vậy mà đến tuần tập thứ ba thì Carmen ngạc nhiên khi Julia quay qua nó hỏi, “Vở kịch thế nào rồi?”
Việc đó xảy ra khi Carmen đang cởi tất, mệt phờ nhưng hân hoan vì lần đầu tiên được mặc thử bộ trang phục của mình.
“Diễn ra khá tốt. Ít ra là tớ mong thế.”
“Làm việc với Ian O’Bannon ra sao?” Julia hỏi.
Nó hỏi cứ như thể chúng đã thân thiết hàn huyên cả ngày lẫn đêm vậy. Carmen sợ không dám tin là điều đó quả đang xảy ra.
“Ông ấy... tớ thậm chí còn không biết ông ấy là thế nào nữa. Mỗi ngày tớ đều tưởng mình đã hết mức ngạc nhiên rồi, ấy vậy mà sau đó tớ vẫn còn ngạc nhiên hơn.”
“Chà. Cậu may mắn thật đấy, cậu được làm việc với ông ấy.”
Carmen phân tích những lời này, chuẩn bị tinh thần nghe nhạo báng hay chế giễu, nhưng lại không nghe thấy.
“May thật,” Carmen nói dè chừng.
“Cứ như... một lần trải nghiệm trong đời ấy,” Julia nói.
Carmen lại ngẫm nghĩ những lời này, nhìn kỹ mặt Julia. Mặt Julia, gương mặt lúc trước dường như rất đẹp và có uy giờ lại có vẻ bí hiểm. Những phẩm chất Carmen đã ngưỡng mộ nhất ở nó giờ đây dường như trở nên thái quá. Nó quá gầy, quá tự tin, quá kỹ tính.
“Tớ cũng nghĩ vậy,” Carmen nói.
Tối hôm đó Carmen ngủ thiếp đi trong khi băn khoăn không hiểu điều gì đã tạo nên cái thái độ cởi mở hơn ấy, sợ không dám tin tưởng điều đó, nhưng trên hết, mừng là điều đó đã xảy ra.
Đến mức mà khi tỉnh dậy sáng hôm sau, nó vẫn đầy nghi hoặc, dù vẫn còn nuôi hy vọng.
“Cậu nên mặc cái quần màu xanh lá kia kìa. Nó trông hợp với cậu lắm đấy,” Julia nói khi Carmen đang lục lọi trong ngăn kéo.
Carmen quay lại. “Cậu thấy thế à?”
“Ừ.”
“Cảm ơn.” Carmen mặc cái quần màu xanh lá vào dù nó không nghĩ cái quần trông hợp chút nào.
“Hôm nay cậu tập gì vậy?” Julia hỏi.
Carmen khuyên mình chỉ nên xem sự thân thiện theo giá trị bên ngoài của nó và cứ mừng vì điều đó cái đã. “Tớ nghĩ là cảnh Leontes trở nên loạn óc trong phần đầu. Perdita thì đến hồi bốn, cảnh bốn mới vào, nhưng Andrew muốn tớ xem. ‘Xem và cảm’, ông ấy luôn miệng nói thế, rồi ông ngoắc ngoắc ngón tay trên đầu tớ. Chẳng hiểu vì lý do gì mà ông ấy nghĩ điều đó thú vị lắm.”
“Ông ta kiểu như lập dị ấy, nhỉ?” Julia nói.
“Đúng thế,” Carmen nói, dù nó chợt cảm thấy muốn bênh vực sự kỳ cục của ông. “Tớ khôn g có kinh nghiệm hay gì đâu, nhưng tớ cho rằng ông ấy là một đạo diễn giỏi.”
Lúc đó Julia đã có thể dễ dàng nói cái gì đó châm chích rồi, nhưng nó không hề. “Ông ta nổi tiếng lắm,” nó nói.
“Thế sao?”
“Ờ, phải.”
“Ừm.” Cuộc trò chuyện thú vị này là đã đủ để Carmen sống cả tuần rồi, nhưng Julia vẫn tiếp tục.
“Tớ có thể cùng cậu đọc lời, nếu như lúc nào đó cậu muốn tập thêm,” nó nói.
Carmen nhìn nó chăm chú. “Vậy thì tốt quá. Cám ơn nhé. Tớ sẽ cho cậu hay.”
“Nói thật đấy, bất cứ lúc nào,” Julia nói. “Phần của tớ trong Love’s Labour’s không hẳn là căng lắm cậu biết đúng không?”
Carmen không muốn bị thấy là đang đồng tình. “Nhưng cậu lại được nói lời cuối cùng mà. Cái đó ghê lắm chứ.”
“Trong vai một con cú.”
“À ừ.”
Vẻ mặt Julia thảm não không cần che giấu. “R.K., đạo diễn của bọn tớ, hỏi tớ có định giúp dựng cảnh khi nào rảnh không.”
Carmen cố giữ vẻ khách quan. “Thế cậu đã nói sao?”
“Tớ nói là dựng cảnh thực ra không phải là chuyện của tớ.”
Carmabelle: Chà, Leo là người da đen sao?
LennyK162: Ừ. Dù sao thì chỉ một nửa thôi.
Carmabelle: Cậu quả tình là đang cố giết bố mình đó.
LennyK162: Gần như tớ có đi với anh bạn trai da màu nào cũng vậy cả mà.
Carmabelle: Leo tự xem mình gần với phía da đen hơn hay phía da trắng hơn?
LennyK162: Hả?
Carmabelle: Tớ là một cô gái da màu. Tớ được phép hỏi những điều này.
LennyK162: Tớ vẫn chưa hiểu cậu đang nói về cái gì.
Carmabelle: Được rồi, anh ta có nghe U2 không vậy?
Rốt cuộc thì chiều hôm đó Bridget lại không ở Trung Hoa mà là trên cái sàn đất của mình, vai bị cháy nắng.
Nó mừng vì có lại cái sàn của mình. Nó đã sợ là niềm vui của nó về cái sàn ít nhiều sẽ phụ thuộc vào Peter, nhưng giờ nó nhận ra là không phải. Đó là niềm vui riêng của nó và không ai có thể tước đi được.
Nó mừng khi nghe thấy Peter đã cùng gia đình vào thị trấn ăn tối. Nó muốn bỏ bữa tối, nhưng nó không muốn bỏ bữa tối vì anh.
Nó cứ tiếp tục những suy nghĩ rối rắm thái quá này, cảm thấy đó là một tác dụng phụ khó chịu của sự trưởng thành. Có phải mọi người trong nhóm công tác c a nó đang cư xử với nó quá thận trọng không nhỉ?
Ít ra thì hai tay nó vẫn còn biết sờ tìm sàn nhà. Nó đã xuống vài mét sau cùng còn lại từ đêm qua. Nó không thể kéo dài việc đó hơn nữa.
Nó đào, rây và phân loại. Ở rìa cuối cùng, ngón tay nó chạm phải cái gì đó rắn. Giờ thì nó đã quen với chuyện đó rồi. Nó cho rằng đó là một miếng đất sét, như rất nhiều miếng khác. Nó giũ đất rồi giơ cái vật ấy lên, nhưng ánh nắng yếu quá không soi thấy được. Nó sờ vật đó giữa các ngón tay. Nó bé xíu. Nó không xốp như đất sét. Nó không nặng như kim loại.
Nó ghi lại nguồn gốc của vật đó rồi nhảy phóc lên cầu thang tìm đèn pin. Cầm cái vật bé xíu dưới ánh đèn, nó cảm thấy tim mình bắt đầu đập rộn.
Nó cầm vật đó đến phòng thí nghiệm, mừng là Anton đang làm việc muộn.
“Cháu tìm được gì thế?” ông hỏi nó.
Nó đưa vật đó cho ông. “Cháu nghĩ đó là một cái răng.” Nó bàng hoàng vì điều đó. Nó cảm thấy một cơn ớn lạnh rùng rẩy trong bụng.
Ông ta nhìn vật đó. Ông đưa nó ra dưới máy phóng đại. “Cháu nói đúng đấy.”
“Một cái răng trẻ con.”
“Chắc chắn là thế rồi.”
“Bác có nói nó thuộc về ai được không? Ý cháu là con trai hay con gái?”
Ông lắc đầu. “Ta không thể phân biệt giới tính từ bất kỳ miếng xương trẻ con nào đâu. Trước tuổi dậy thì, bộ xương của con trai hay con gái đều hệt như nhau.”
Sao Anton lại trông có vẻ hớn hở vì chuyện này vậy trong khi nó cảm thấy kinh tởm?
“Cháu tìm thấy nó trong tòa nhà,” nó nói. “Trong căn phòng mới.” Hơi thở của nó ẩm ướt và có chút đứt quãng. “Cháu tưởng chỉ tìm thấy các thứ kiểu này trong khu nhà quàn chứ không phải là trong tòa nhà chứ.” Nó quả thực không muốn khóc.
Anton nhìn nó chăm chú. “Bridget, nó không nằm trong nhà quàn vì đứa trẻ đâu có chết.”
“Thật sao?”
“Hoặc ta có thể nói, chuyện đứa trẻ có chết hay không chẳng liên quan gì tới cái răng này.”
“Không sao ạ?”
“Không.” Anton mỉm cười, rõ ràng là muốn chọc cho nó bỏ cái bộ mặt ủ dột ấy đi. “Cái răng rụng, Bridget à. Nó rơi mất trên sàn. Chắc mẹ đứa bé đã cất nó.”
Bridget vẫn còn gật gù khi trở lại cái sàn nhà của mình, gần như muốn khóc vì nhẹ lòng. Người này, dù cậu bé hay cô bé đó là ai, cũng đã chết từ lâu. Nhưng người đó đã không chết với cái răng lúc bé. Cái răng bé xíu xiu không tượng trưng cho cái chết. Nó tượng trưng cho sự trưởng thành.
Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương 15!