Mùa Hè Thứ Tư Của Quần Jean May Mắn Chương 15

Chương 15
“Cậu có nhớ cậu ấy không?” Carmen hỏi.

“Tớ không nghĩ vậy. Tớ cũng không rõ nữa,” Tibby nói, kẹp điện thoại bên vai mà cắt cái móng chân to tướng. Vài sinh viên học hè đang bu quanh một cái máy chơi game xách tay trong hành lang. Ồn ào quá không nói chuyện nghiêm túc được.

“Cậu không rõ á?”

“Ừ. Tớ không biết. Tớ chỉ hơi chắc là cần chia tay với cậu ấy. Tớ không muốn gặp cậu ấy, nhưng đôi khi tớ lại nghĩ không biết cậu ấy có gọi không hay kiểu vậy.”

“Ừ hứ.”

“Tớ gần như nghĩ cậu ta sẽ gọi, những cũng nghĩ là cậu ta sẽ không gọi. Vậy có nghĩa lý gì không?”

“Có.” Giọng Carmen cao lên trong cổ họng. “Tớ nghĩ vậy.”

Tibby biết chắc điều đó chẳng có nghĩa lý gì với Carmen cả, và rằng hơn nữa, bắt đầu từ hồi đầu hè đến giờ thì chẳng có gì mà Tibby nói về bất cứ phần nào trong mối quan hệ có tí nghĩa lý nào hết, và rằng dẫu vậy thì Carmen cũng không chịu thôi.

“Cậu có muốn nói với cậu ta về một điều gì đó cụ thể không?” Carmen hỏi. Giọng kiên nhẫn của Carmen là một trong những giọng ít thuyết phục nhất của nó. Tibby thấy ngạc nhiên khi nghĩ đến chuyện vậy mà hè này bạn nó lại gặt hái được nhiều thành công với tư cách là một diễn viên thế.

“Không, không hẳn,” Tibby nói uể oải, không hề cố ý. Có tiếng huýt sáo đuổi ai đó ầm lên trong hành lang.

Đa số các cuộc chuyện trò, nhất là với Carmen xưa kia, đều có đôi chút mạch truyện, một hướng đi nào đó. Tiến đến gần hay lùi xa khỏi những vấn đề riêng tư. Đạt được sự đồng tình về một đề tài nào đó hay nhận ra một sự bất đồng có thể có. Giúp hay được giúp. Cuộc trò chuyện này chẳng có gì cả. Tibby biết đó là tại nó, nhưng nó không thấy muốn ra tay điều chỉnh gì cả. Nó cảm thấy rã rời. Nó lẽ ra phải đang viết cái kịch bản của mình. Nó cần đi tắm. Bữa tối nó sẽ ăn gì đây?

“Ở đây ồn ào thật. Tớ nói chuyện với cậu sau, nhé?” nó nói với Carmen.

“Được,” Carmen nói.

Thật chẳng vui vẻ gì kể cả khi đang ôm điện thoại nói chuyện lẫn lúc cúp máy.

Tibby ngồi bên bàn mình và mở tài liệu trong máy tính mà lẽ ra có cái kịch bản dành cho nó trong giờ viết kịch bản chuyên sâu. Tài liệu được hăm hở đề tên là “Kịch bản”, nhưng nó thực ra không chứa bài viết nào tựa như kịch bản cả. Nó đã đến lớp gần ba tuần rồi mà chỉ có mỗi một trang ghi chép, bỏ giấy trắng và sắp xếp tùy tiện. Mấy dòng ghi chép không cái nào xem ra có gì liên quan đến cái nào. Nó thậm chí còn không nhớ đã viết một nửa trong đám đó.

Nó để máy tính về trạng thái chờ. Nó bật ti vi lên. Nó có thể sống hết đời mà chỉ chuyển từ màn hình này qua màn hình khác. Tất cả những gì nó cần đều nằm bên trong một cái hộp điện tử.

Nó chờ bà phát thanh viên ưa thích, Maria Blanquette, có cái mũi bự và giọng cười quá hay. Một hòn đảo chân thật giữa một biển giả tạo. Nhưng Tibby trễ quá rồi. Bản tin đã chuyển qua tin thời tiết.

Nó lại băn khoăn không biết Brian có gọi không. Cậu có lẽ sẽ gọi cho nó khi cậu có các dự tính cho mùa thu. Cậu có thể gọi nó với một cái cớ hay ho - hỏi ý về chỗ ở hay các thủ tục, hay các tính toán về bữa ăn hay bất cứ gì. Cậu gần như chắc chắn trông chờ là một khi cậu đến được đại học New York vào tháng Chín, chúng sẽ lại là bạn bè của nhau, ít ra là vậy.

Rồi nó sẽ làm gì đây? Rồi nó sẽ nói gì đây? Nó có nên giúp cậu không? Nó nên khuyến khích cậu, hay đó sẽ là một sai lầm? Điều đó có khiến cậu khó vượt qua chuyện này hơn không?

 

Bridget vẫn còn muốn khóc khi nó gọi cho Tibby từ văn phòng không còn ai tối hôm đó, biết ơn sâu sắc là dịch vụ vệ tinh đã hoạt động trở lại. Nó biết cuộc gọi sẽ tốn cả đống tiền, nhưng vẫn mặc. Nó chưa kể cho đứa nào trong bọn về Peter, nhưng giờ thì nó cần phải kể.

“Tớ cảm thấy thật ngốc nghếch,” nó nói. Nó để mình thút thít. Nó là một vết thương di động và cần phải trút cho hết mủ ra.

“Ôi, Bee,” Tibby dỗ dành.

“Tớ biết anh ta đã có vợ. Tớ biết anh ta có con ấy vậy mà tớ vẫn để chuyện đó xảy ra.”

“Tớ hiểu.”

“Sáng nay, tớ thấy bọn họ và tớ cảm thấy rất chán ghét bản thân. Thế nhưng sao trước đó họ lại chẳng là gì cả?”

“Ừm,” Tibby nói để thể hiện rằng nó đang nghe chứ không xét đoán gì.

“Anh ta là một phần của gia đình, cậu hiểu không? Họ phụ thuộc vào anh ta. Họ thuộc về anh ta. Tớ sẽ không bao giờ thuộc về anh ta.”

Nói thế rồi, Bridget dừng một lúc lâu mà khóc. Và khi đang khóc, nó nhận ra nó đã nói thật với Tibby hơn là nó định bụng.

“Beezy, không sao mà. Cậu thuộc về những người khác,” Tibby nói, giọng đầy cảm thông.

Bridget nghĩ đến bố và thấy tràn ngập một cảm giác thất vọng. Nó nghĩ đến Eric và cảm thấy không có quyền yêu anh. Nó nghĩ đến mẹ và đau đớn vì những điều nó không thể bỏ lại sau lưng. “Tớ thuộc về cậu, Lena và Carmen, Tibby à,” nó nói trong nước mắt. “Tớ không nghĩ tớ còn thuộc về ai khác nữa.”

Sáng thứ Hai, Lena là người đầu tiên tới studio. Leo đến tiếp sau đó. Anh lại chỗ nó ngay. Nó lại mắc cỡ.

“Anh phấn chấn quá không ngủ được,” anh bảo nó.

Anh quả thực trông vừa rất háo hức vừa rất bơ phờ. Vì bức tranh? Vì nó?

“Anh mang theo đây,” anh nói. Anh nhấc cái hộp thuôn thuôn lên. “Anh cho em xem nhé?”

“Đừng xem ngay đây,” nó nói. Các sinh viên khác đã lững thững vào rồi.

“Anh biết rồi. Để sau nhé. Ta sẽ tới chỗ nào đó riêng tư.”

“Được,” nó nói. Nó nóng lòng muốn xem bức tranh.

Nó cố tập trung vẽ. Nó cố bước vào trạng thái tập trung quan sát và vẽ. Phải mất một lúc sau mới được.

Hết giờ học anh thu dọn đồ đạc rất nhanh. Nó phải cuống lên mới theo kịp anh. Anh tìm được một studio không có ai trên tầng hai rồi đóng cửa lại sau lưng.

Anh tựa bức tranh còn để trong hộp vào tường. Anh kéo nó lại gần rồi hôn nó. Anh áp mặt vào má nó.

“Nora là một người mẫu tuyệt vời,” anh nói. “Nhưng giờ anh chỉ muốn vẽ em thôi.”

Anh lại hôn nó cho đến khi nó hết cả hơi, đầu tóc bù xù, lông tay lông chân dựng cả lên. “Trước đây anh chưa hề hôn người mẫu,” anh nói. “Anh chưa hề vẽ người con gái anh hôn.”

“Anh có thể thử hôn Nora.”

Anh nhăn mặt.

“Hay là Marvin.”

Anh còn nhăn mặt hơn nữa.

“Nào. Anh sẽ cho em xem,” anh nói. Anh lấy bức tranh ra khỏi hộp. Anh làm rón rén vì tranh chưa khô hẳn.

Thật khó khăn cho nó khi phải nhìn. Nó chậm rãi nhìn bức tranh từng chỗ một, cố nghĩ bức tranh đó chỉ như một bức vẽ chân dung mẫu của nữ sinh viên nào đấy thôi. Tòa nhà này chất đầy cả những bức tranh như vậy.

Nhưng không phải. Đây là nó. Khó mà tách sự đánh giá của nó đối với tác phẩm của Leo khỏi sự đánh giá tự giác của riêng nó. Khó mà nhìn bức tranh mà không có sự thiên lệch.

Nhưng sau khi đã bình tĩnh được một chút, nó có thể thấy là bức tranh đẹp theo kiểu khách quan nào đó. Và đó cũng không phải là một bức tranh học viên vẽ. Có cái gì đó khác biệt nơi bức tranh. Nó thân mật hơn. Đó là một bức vẽ được thực hiện ở phòng anh trong căn nhà nơi anh lớn lên. Và đó là bức tranh vẽ nó, nó đã thuộc về chỉ mình anh thôi suốt những giờ anh vẽ bức tranh đó.

Nó nhận ra còn cái gì đó nữa. Phần lớn các bức tranh vẽ trong lớp đều được loại bỏ yếu tố tính dục một cách cố ý. Bức này thì không.

“Nó khêu gợi quá, nhỉ?”

Anh cười với nó mà cũng là cười với chính mình. “Ừ.”

“Trời, em hy vọng bố mẹ em không bao giờ nhìn thấy cái này.”

“Họ sẽ không bao giờ thấy đâu.”

Họ vẫn còn ngượng nghịu bên nhau. Cùng lúc đứng ở vài vị trí khác nhau trong mối quan hệ - nhìn nhau trần truồng, không biết bạn bè của nhau.

Khi buổi ngồi làm mẫu ngày hôm trước ấy đã xong, nếu nó không khoác áo choàng vào lại thì sao? Nếu nó cứ để anh hôn tiếp? Nó biết chắc đó là điều anh muốn. Nó cũng có tất cả những ý nghĩ đó. Nhưng cái sức nặng của dục năng thuần túy giữa họ là quá sức nó.

“Trong vụ này anh giỏi hơn em nhiều,” nó nói.

Leo trông thật lòng lấy làm tiếc về điều đó. “Còn em là người mẫu giỏi hơn.”

“Anh là một họa sĩ giỏi hơn.”

“Ít bị gò bó hơn, có lẽ vậy,” anh nói.

Nó vẫn còn cảm nhận được chỗ bên sườn nơi những ngón tay anh để lên da thịt nó. “Vậy là huề,” nó nói.

“Ta có thể thử lần nữa mà.”

“Em không biết nữa.”

“Nhé?” Anh có cái vẻ hơi tha thiết. “Vì nếu em không vẽ anh thì anh đâu thể nhờ em, đúng không? Mà anh thì hết sức muốn em lại làm mẫu cho anh.”

Phải chăng anh chỉ muốn ở nó một bức tranh? Sẽ thế nào nếu nó đồng ý? “Anh nhờ em được mà,” nó nói.

“Em có chịu không? Làm ơn đi? Anh sẽ năn nỉ nếu em muốn anh làm thế.”

“Anh không cần làm thế đâu.”

“Chủ nhật nhé?”

Được mong cầu thì chẳng tệ lắm. “Để em nghĩ xem.”

“Nói đồng ý đi mà.”

“Thôi được.”

“Em có muốn mai đi ăn tối không?” Anh vui hỏi. Anh gói bức tranh lại. Nó biết anh phải đi làm.

“Ở nhà anh à?” nó hỏi.

“Ta sẽ ra ngoài ăn,” anh nói khi anh dẫn nó xuôi hành lang. “Anh không nghĩ có thể hôn em trước mặt mẹ anh.”

 

Lúc nhóm diễn nghỉ ăn trưa thì Julia đang chờ ở lối vào phía sau Main Stage. Carmen thấy bất ngờ, nhưng lấy làm hài lòng là Julia trông thân tình và rõ ràng là đang chờ nó.

Hoàng tử Mamillius, còn gọi là Jonathan, đang đi bên Carmen, nên Carmen giới thiệu anh với Julia.

“Em có tới Bistro không?” Jonathan hỏi Carmen khi họ đến chỗ rẽ. Bistro là cái họ gọi phòng ăn nhỏ hơn, lịch sự hơn, dành cho các diễn viên chuyên nghiệp. Dân Bistro không bao giờ đến căng tin và ngược lại dân căng tin cũng không bao giờ đến Bistro, Carmen biết, dù Ian và Andrew và nhất là Jonathan cứ cố thuyết phục Carmen ăn cùng họ.

“Không,” nó nói.

“Ôi, thôi mà.”

Nó đã chán nói qua nói lại như vậy rồi. “Em không nên làm vậy mà.”

“Thôi đi, cô. Cô biết cô nên mà.”

“Jonathan à.”

“Em cứ đưa bạn em theo cũng được.”

Carmen quay qua Julia, người rõ ràng là hết sức háo hức vì ý kiến đó. “Cậu có muốn không?” Julia hỏi Carmen.

Carmen không muốn, thật thế.

“Tớ chỉ nghĩ được thấy chỗ đó sẽ vui lắm,” Julia nói.

Carmen quay nhìn Jonathan. “Chỗ đó là dành riêng cho các diễn viên trong Hiệp hội,” nó nói. “Nhưng nếu vị hoàng tử đây sốt sắng dùng bữa với chúng tôi đến thế, chàng ta có thể mua thức ăn rồi mang ra chỗ bãi cỏ cũng được.”

Jonathan lắc đầu. “Tôi thua rồi,” anh nói. “Được rồi, Carmen, tôi sẽ gặp các cô ngoài bãi cỏ.”

“Mua cho mấy cô tập sự đó món thịt nướng nhé,” Carmen nói giễu.

Julia hết sức sung sướng khi Jonathan quả đã đến gặp họ ở bãi cỏ, khu vực trồng cỏ đằng xa căng tin, nơi hết thảy sinh viên tập sự đều tụ tập. Anh mang đến ba cái sandwich gà tây mà Carmen thấy mùi vị hệt như những cái mua ở căng tin.

Sự có mặt của anh ở đó gây xôn xao. Xem ra hầu hết những người ở đây đều được cập nhật thông tin về sự nghiệp diễn viên của anh hơn cả Carmen. Julia vui vẻ tán chuyện với anh, bàn về từng thứ anh đóng.

Nhìn Julia, Carmen cảm thấy một bức màn bí ẩn nào đó đã đượ c vén lên, và nó thấy nhẹ lòng vì điều đó. Julia đã trở nên cởi mở trở lại, Carmen nhận ra vậy, vì nó tin Carmen có thể giúp nó làm quen với các diễn viên thực thụ.

Carmen lẽ ra đã khó chịu vì chuyện đó, nhưng không hiểu sao nó lại chẳng lấy thế làm phiền. Vậy là Julia đang lợi dụng nó. Thì đã sao. Vậy còn đỡ hơn lối đối xử im lặng nhiều.

Chỉ vài ngày qua thôi Carmen đã phải tự công nhận là thật thống khổ khi sống với ai đó không nói chuyện với ta. Nó nghĩ thế mà thật lòng hối hận về những lúc nó đã ban phát cái hình phạt đặc biệt đó cho mẹ nó.

Carmen đã chẳng vui vẻ gì vì sự im lặng bao trùm, nhưng nó cũng thấy không thoải mái với kiểu quay ngoắt thái độ của Julia gần đây. Giờ khi đã hiểu ra rồi, nó cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Sau đấy, nó gặp Jonathan ở hậu trường và cảm ơn anh. “Sandwich có mùi, nhưng em nghĩ bạn em thực lòng cảm kích là anh đã ăn cùng bọn em.”

Anh cười lớn. Anh đã quen chọc chỗ này chỗ nọ trên người Carmen mỗi khi có thể, và giờ anh đang làm thế, giật lọn tóc quăn của nó. “Không có gì, em gái.”

“Chỉ có điều giờ bạn ấy muốn biết bữa ăn tối nay anh sẽ làm gì.”

Jonathan lại cười. “À, phải rồi. Bạn em là cái mà ta gọi là kẻ bon chen. Ta gặp rất nhiều những kẻ kiểu đó ở L.A.”

 

Thôi được, Bridget đã đào xuống đến tận đáy. Nơi tàn khốc nhất. Thật hay khi biết điểm đáy ở đâu, nó nghĩ, khi nằm trên giường sắt đêm đó. Nó đang là một con vịt nằm, nằm dưới tận đáy mà để cơn đau đớn đến với mình. Nó đang chấp nhận cơn đau ấy.

Peter đã nói nó có thể học được đôi điều ở người Hy Lạp, và anh nói đúng. Người Hy Lạp biết các chu kỳ đau khổ. Họ biết những lời nguyền của dòng họ truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngay cả những sự vi phạm dường như có thể tha thứ được cũng khơi mào chiến tranh, phản bội, hy sinh đi con trẻ. Tất thảy những điều đó cũng kết thúc trong chiến tranh, phản bội, sự hy sinh con trẻ.

Không - thực ra, chúng không kết thúc kiểu đó. Chúng không hề kết thúc. Trong các câu chuyện, sự hủy diệt cứ tiếp diễn, tăng thêm bởi những sai lầm mù quáng do sự kém cỏi của con người.

Và đó là tiến trình nó đã đặt ra cho chính mình. Gia đình nó không được hạnh phúc. Không có gia đình nào được phép hạnh phúc. Trên một bình diện nào đó nó không muốn Peter - hay bất kỳ ai - có cái nó không có. Nó thậm chí cũng không muốn con cái của anh có được.

Giờ nó phân vân. Cái thực tế là Peter đã có gia đình có ngăn cản nó để ý đến anh không? Hay điều đó chỉ càng thổi bùng thêm mối quan tâm đó? Thật ngán ngẩm làm sao khi những xung động mang tính hủy diệt nhất nơi nó lại có thể tự ngụy trang là sự lãng mạn.

Những người Hy Lạp bất lực, mù quáng đó dường như cứ lặp lại những lỗi lầm. Họ không rút ra được bài học gì từ quá khứ. Họ vênh váo đi tới trước. Họ không chịu nhìn lui. Đó cũng là điều mà nó đã làm.

 

Tibby giảm giờ làm việc của mình. Hay nói cho đúng hơn, Charlie đã đề nghị nó cắt bớt mấy giờ làm việc. Anh ta nghĩ nếu làm việc ít đi thì nó có thể nhẫn nại với khách hàng hơn. Anh ta thuê một cô gái thoa son bóng có mùi thơm và mặc cái quần bé xíu mà chẳng để tâm đến chuyện phim nào hay phim nào dở. Charlie quá tử tế nên mới không thẳng thừng sa thải Tibby.

Tibby chẳng mấy bận lòng về chuyện đó. Dạo này nó chẳng có ai để ra ngoài ăn tối hay đi xem phim cùng, nên nó không cần tiền gì lắm. Chuyện này cho nó nhiều thời gian hơn để viết kịch bản. Hay ít ra thì cũng mở cái tài liệu có tên “Kịch bản” ra.

Cuối tháng Bảy nó về nhà một kỳ cuối tuần dài. Katherine và Nicky đang có một buổi diễn tạp kỹ tại trại chăm sóc trẻ ban ngày, và nó nghĩ nó sẽ làm chúng ngạc nhiên.

Nó sẽ gặp Brian chứ? Đó là cái nó băn khoăn khi tàu của nó rầm rập về phía Nam và vẫn còn băn khoăn sau đó khi nó chờ mẹ đón tại ga tàu điện ngầm ở Bethesda.

Nó sẽ gặp cậu. Nó cảm thấy chắc chắn như thế. Sao nó lại không chứ? Brian yêu mến gia đình nó. Thật ra, cậu còn quý nhà nó hơn cả nó, một thành viên đích thực của gia đình, và cũng được quý mến lại. Giờ nó sẽ cảm thấy điều đó ra sao đây?

Quả vậy, sáng thứ Sáu, Brian xuất hiện trong bếp khi Tibby đang ăn phần ngũ cốc Lucky Charms của mình.

“Anh Brian! Anh Brian!” Katherine háo hức nhảy nhót quanh cậu. “Hôm nay anh có đưa bọn em đi không?”

Brian có ngạc nhiên khi thấy Tibby không? Nó không chắc. Ban đầu, nó đã cho là cậu có mặt để gặp nó, nhưng giờ, nhìn vẻ mặt cậu thì nó không chắc là cậu biết nó có mặt ở đó.

“Chào Tibby,” cậu nói.

“Chào.” Nó cứ dán mắt vào cái kẹo dẻo tí xíu. Nó muốn tỏ ra thân thiện, nhưng lại không muốn làm cậu ảo tưởng.

“Thỉnh thoảng vào các ngày thứ Sáu anh Brian thay mẹ đưa bọn em đi,” Katherine vui vẻ giải thích. Nó đã bỏ cả món ngũ cốc của mình vì Brian.

Tibby nghe thấy mẹ nó trên lầu quát bảo Nicky dừng chơi máy tính và thay đồ. “Ừ, hay nhỉ,” Tibby nói cứng nhắc. “Em nên ăn sáng đi, Katherine,” nó nói thêm. Nó chẳng thể nghĩ nổi việc tình nguyện đưa em gái và em trai mình đến trại, mà nó lại là kẻ được cho là có cùng ADN với chúng.

Nhưng nghĩ cho cùng thì Brian không có em trai em gái nào cả. Khát khao xuất phát từ sự thiếu thốn, mà Tibby thì lại có thừa.

“Sao anh chị không còn ôm chầm nhau nữa?” Katherine hỏi, nhìn từ Brian qua Tibby rồi lại nhìn Brian.

Một thoáng trôi qua. Brian để Katherine giậm mạnh lên giày của mình mà không trả lời câu hỏi. Tibby quay khuôn mặt ửng đỏ qua chén ngũ cốc.

“Anh chị đang chiến tranh lạnh à?” Katherine chưa chịu thôi. Giờ thì nó lại đứng bên chân Tibby, cả hai tay để trên đầu gối Tibby, tì cả vào nó.

Tibby cầm chặt cái muỗng cà phê khuấy khuấy. Hỗn hợp những trái tim hồng, mặt trăng vàng, kim cương xanh dương, và các thứ nữa biến sữa thành một sắc xám xanh xao. “Không phải gây nhau,” nó nói. “Chỉ là... hè này làm những việc khác nhau.”

Katherine không chịu chấp nhận câu trả lời này ngay.

“Cậu có muốn đi không?” Brian lịch sự hỏi.

“Đi...?”

“Chở bọn em đến trại!” Katherine nhào vào ngay. “Phải đấy. Chị đi được không?”

“À. Chị nghĩ chị đi được...”

Mấy phút sau, Tibby thấy mình ngồi ghế sau trong xe của mẹ với bạn trai cũ, đang chở em trai và em gái nó đến trại. Nhưng sự ngượng nghịu thật sự chỉ bắt đầu khi hai vị hành khách nhộn nhạo đã xuống xe rồi.

“Dạo này ra sao?” Brian hỏi vào trong im lặng.

Cậu trông có vẻ thoải mái hơn nó cảm thấy. Dù gì cậu cũng không phải là người có lỗi, đúng không?

“Khá tốt. Còn cậu?”

“Có khá hơn một chút, tớ cho là thế. Tớ đang cố.” Cậu sẵn sàng thành thật còn nó thì không. Chính vì vậy mà nó đã không muốn trò chuyện gì với cậu cả.

Nó chẳng nghĩ ra cái gì để nói. Chúng dừng ở một cái đèn đỏ lâu chưa từng thấy. Nó vẫn luôn ghét cái đèn này ở đại lộ Arlington. Sao Brian lại đi lối này?

“Trường lớp và mọi thứ ra sao?” cuối cùng nó hỏi.

“Ý cậu là sao?” cậu hỏi. Cuối cùng chúng cũng chạy tiếp.

“Hỗ trợ tài chính và các thứ.”

“Tớ chắc là không cần đâu.”

“Thật sao? Nhưng tớ tưởng...” Giờ nó đã hòa vào cuộc trò chuyện rồi.

“Ở Maryland thì...”

“Không phải, ý tớ là ở đại học New York kia,” nó nói.

Cậu không nói gì một lúc.

Nó ước mình có thể rút lại lời nói, một lần nữa đưa mình ra khỏi cuộc qua về trước mắt này.

“Tớ không định đến đại học New York nữa,” cậu nói thong thả, ngay khi chúng rẽ vào khối nhà nó. “Tớ đã hủy giấy chấp thuận dành cho tớ vài tuần trước rồi.”

Xe chưa dừng hẳn thì nó đã mở cửa xe rồi. “Phải rồi. Dĩ nhiên.” Trong chốc lát, nó quên đó là xe mẹ nó và Brian sẽ phải đỗ xe ở lối xe chạy nhà nó. “Điều đó hoàn toàn có lý. Dĩ nhiên,” nó nói. Nó bối rối, rời rạc vẫy chào cậu từ vỉa hè dẫn vào nhà mình.

Cậu đang nhìn nó, nhưng nó không rõ vẻ mặt của cậu ra sao, vì nó không hẳn là đang nhìn cậu.

“Tớ phải vào đây. Vậy gặp lại cậu sau nhé!” nó nói rồi biến ngay vào trong nhà.

Nó lên phòng rồi ngồi thừ ra trên giường. Nó nhìn ra cửa sổ nhưng chẳng thấy gì.

Dĩ nhiên là Brian sẽ không đến đại học New York học! Cậu chỉ định đi vì nó, mà nó thì đã chia tay với cậu rồi!

Brian, có vẻ như đã chấp nhận cái hiện thực là chúng đã chia tay. Chuyện đó bỗng trở nên rõ ràng.

Nhưng còn nó thì sao?

 

Tối hôm đó khi Carmen về tới nhà sau buổi tập, nó hết sức kinh ngạc khi thấy là Julia đã để trên giường nó một chồng sách.

“Cuốn đó là về thời kỳ Elizabeth nói chung,” Julia sốt sắng nói, chỉ cuốn đầu tiên Carmen cầm lên. “Cuốn dày dưới đó, nó là về ngôn ngữ và cách phát âm. Nó sẽ hữu ích lắm đấy. Rồi đến cuốn kia, chỉ là một bản phân tích về vở Câu chuyện Mùa đông.”

Carmen gật gật, săm soi mấy cuốn sách. “Chà, cám ơn cậu. Mấy cuốn này tuyệt thật.”

“Tớ nghĩ chúng sẽ có ích,” Julia nói.

“Phải. Nhất định rồi,” Carmen nói. Mấy cuốn sách đánh đúng vào Carmen. Nó tự hỏi tại sao nó lại không hề nghĩ tới chuyện đến thư viện. Nó, một đứa con gái tin tưởng bản thân ở những việc năn nỉ, mượn vay, học hành và đánh cắp hơn là tin mình tự nhiên mà giỏi một thứ gì.

Nó mệt nhoài, nhưng thay vì đi ngủ ngay, nó để đèn sáng một lát và làm mình rối tung lên bằng đủ kiểu thơ phú.

Đêm sau Julia luyện cho nó cách nhìn thấu vở kịch và nhìn vượt ra ngoài vở kịch. Thế rồi Carmen đọc đoạn Julia khuyên về Leontes như là cái Tôi và cái phản Tôi trong khi Julia hăm hở viết cái gì đó bên bàn mình. Đâu khoảng nửa đêm, khi Carmen đã sẵn sàng tắt đèn rồi thì Julia đưa cái đó cho nó.

“Đây, tớ đã đánh dấu ra cả cho cậu rồi.”

Đó là một xấp các trang phô tô kịch bản, đánh dấu đầy đặc các biểu tượng và ghi chú đến hoa cả mắt.

“Tớ đã ghi ra các vạch nhịp cho cậu,” Julia giải thích. “Tớ cố đưa các nhịp vào chỗ cậu phải đọc.”

“Thật sao.”

“Phải. Xem ra nó có thể giúp cho cậu đôi chút.”

“Ừ. Phải rồi.”

Julia chỉ đến dòng đầu tiên và bắt đầu đọc, ngân nga luyến láy nhịp điệu.

“Tớ hiểu rồi.”

“Thật không?”

“Tớ nghĩ thế.”

“Cậu có muốn thử không?”

Carmen không muốn thử. Nó quả thực không hiểu cái đó chút nào cả, nó cảm thấy mụ người và chỉ muốn đi ngủ.

“Thử vài dòng đi,” Julia thúc giục.

Carmen thử.

“Không phải, thế này này,” Julia nói, đọc thử cho xem.

Và thế là chuyện đó kéo dài đến khi Carmen rã rời hơn gấp bội và lại còn bị nhức đầu nữa.

 

Hôm Chủ nhật cuối tuần đó, Tibby đi thăm cô Graffman, mẹ của Bailey bạn cũ của nó. Tối hôm ấy Tibby sẽ đón xe lửa về lại New York, và nó muốn gặp cô trước khi đi.

“Cô có muốn gặp cháu uống cà phê hay gì đó không?” Tibby hỏi khi nó gọi.

“Được lắm. Ta gặp nhau ở chỗ gần góc Highland nhé.”

“Tốt quá,” Tibby nói, nhẹ người. Nó mong không phải đến nhà Graffman nếu có thể tránh được.

Tibby vẫn luôn cố tới thăm cô Graffman, hay ít ra thì cũng gọi điện, đôi lần khi nó về nhà năm ngoái. Thường thì nó muốn vậy, nhưng hôm nay nó có cảm giác như một bổn phận hơn.

Tibby ôm nhanh cô Graffman một cái ở lối vào nơi cô đang chờ. Họ tới quầy mua cà phê rồi ngồi xuống bên một cái bàn bé xíu cạnh cửa sổ trước.

“Dạo này thế nào?” cô Graffman hỏi. Cô trông thoải mái khi mặc cái quần tập yoga và áo len dài tay mặc làm vườn hơi lấm bùn. Cô trông khỏe khoắn hơn một năm rưỡi trước.

Tibby không cân nhắc câu hỏi cũng như câu trả lời. “Khá tốt, cháu cho là vậy. Còn cô thì sao?”

“Ừ, cháu biết đấy.”

Tibby gật. “Cháu biết đấy” có nghĩa là cô nhớ Bailey và cuộc sống chỉ tốt đẹp hay đáng nhớ trong một bối cảnh hết sức hạn hẹp khi ta đã mất đi đứa con độc nhất của mình.

“Nhưng công việc thì tốt. Cô chuyển qua làm cho công ty khác rồi, cô kể cho cháu chuyện đó chưa nhỉ?”

“Cháu tưởng cô vừa mới đổi lần trước đây thôi,” Tibby nói.

“Cô làm lại phòng tắm dưới nhà rồi. Chú Graffman đang tập luyện để tham gia cuộc chạy đua maratông Marine Corps.”

“Chà, vậy hay quá,” Tibby nói.

“Cô chú cố duy trì cái mục đích sống của mình.”

“Dạ cháu hiểu,” Tibby nói. Cô Graffman trông buồn, nhưng Tibby nhẹ lòng là cô không có vẻ buồn một cách khẩn thiết như kiểu cần được trông nom.

“Còn cháu thì sao, cháu yêu?”

“Dạ, cháu đang theo học khóa viết kịch bản chuyên sâu. Đến giữa tháng Tám bọn cháu phải viết xong một kịch bản hoàn chỉnh.”

“Thế thì thú vị quá.”

Chợt Tibby nhận ra là cô Graffman sắp muốn biết đó là về cái gì.

“Đó là về cái gì?” y như rằng cô hỏi đầy hào hứng.

Tibby tợp ngụm cà phê nhanh đến bỏng cả lưỡi. “Đại loại là cháu vẫn còn đang tìm hiểu nhiều đề tài khác nhau. Kiểu như là cháu đang thu thập các hình ảnh.” Nó đã từng nghe ai đó nói điều ấy, và nó nghĩ chuyện đó nghe hay ho. Nhưng trong bầu không khí giữa nó và cô Graffman thì cái đó nghe có vẻ như một thứ giả dối nhất trần đời.

“Thú vị đấy.”

Đó là một cách khác để nói là cháu vẫn chưa bắt tay vào viết, Tibby đáng ra đã nói thế, nhưng lại thôi.

“Thế còn anh bạn Brian của chúng ta thì sao?” Cô Graffman hỏi với một nụ cười. Cô lại là fan-phụ huynh hâm mộ Brian cuồng nhiệt thuộc lứa tuổi khác.

“Cậu ấy... ổn ạ. Cháu nghĩ là ổn. Cháu không mấy khi gặp cậu ấy.”

Trong mắt cô Graffman bắt đầu ánh lên một câu hỏi, nên Tibby cứ nói để cô không làm sao mà hỏi được. “Chỉ là vì điên quá đi, vì cháu phải vừa đi làm vừa đi học còn cậu ấy thì làm hai việc rồi bọn cháu lại mỗi đứa ở một thành phố, và vậy nên... cô biết đấy.”

“Cô có thể hình dung được,” cô Graffman nói. “Nhưng sang năm bọn cháu sẽ bên nhau chứ?”

“À.” Tibby ước gì nó có thể dừng chuyện này ở đó. Nó muốn về lại phòng ngủ ký túc bé xíu của mình, cách xa nhà hàng nhiều giờ xe chạy, xem ti vi. “Cháu không biết nữa. Chuyện đó khá căng.”

Cô thấy đấy, cháu đã chia tay với cậu ấy rồi. Và giờ, thật kỳ lạ, dường như kết quả là bọn cháu không còn bên nhau nữa và tương lai của bọn cháu không còn phụ thuộc vào nhau nữa. Thật kỳ lạ. Ai mà ngờ được kia chứ?

Cô Graffman vô cùng nhạy cảm nên không cố ép tới chỗ Tibby không muốn đến. Vì vậy nên họ gần như chẳng còn gì để nói.

“Cô sẽ đến tiệc của bố mẹ cháu tháng Tám này chứ ạ?” Tibby vừa hỏi vừa cất mấy thứ đồ linh tinh.

“Phải. Cô chú vừa mới nhận được lời mời qua thư. Hai mươi năm. Chà.”

Tibby lễ phép gật đầu. Nó không bao giờ muốn làm toán khi liên quan đến đám cưới của bố mẹ nó. Đây lại là một cuộc trò chuyện bị phong bế nữa.

Tibby nhận ra tại sao mình tìm thấy nguồn an ủi trong những tương tác giản dị hơn, một chiều hơn, ví dụ như, với cái ti vi.

 

Lena quên béng mất là đã quên Kostos. Nó biết như vậy. Khi ta nhớ là ta quên thì là ta đang nhớ. Chỉ khi ta quên là đã quên đi thì ta mới quên.

Cái nhắc Lena nhớ đến Kostos xuất hiện không phải từ bất kỳ sự vận động nào của não nó (bộ não đã cấu thành một nỗi thất bại trong việc lãng quên) mà là từ một tiếng gõ cửa vào một buổi chiều thứ Năm oi bức ngày cuối cùng tháng Bảy.

Đơn giản thôi. Khi thấy Kostos, nó đã nhớ ra anh.

 

 

 

 

 

Chuyện đó xảy ra sau giờ học. Lena đá hất đôi dép lê ra rồi ngủ thiếp đi trên giường mình, mặc quần soóc và áo phông, đuôi tóc xổ tung. Tiếng gõ cửa xuất hiện vào chặp đầu của giấc ngủ say. Nó ngái ngủ, ngơ ngác và đã toát mồ hôi trước cả khi ra mở cửa.

Khi thấy người đàn ông tóc đen đứng đó, nó nửa tin nửa ngờ anh là Kostos. Dù anh ta mang khuôn mặt của Kostos, có hai bàn chân và giọng nói cũng là của Kostos, nó vẫn cố nghĩ có lẽ anh ta là ai đó khác.

Tại sao người đàn ông này, người trông giống Kostos đến lạ lùng, lại đang đứng bên cửa phòng ngủ ký túc của nó? Không hiểu sự tình ra sao nó tính gọi cho Carmen và bảo bạn nó rằng tình cờ thế nào lại có một gã ở Rhode Island giống Kostos như tạc.

Rồi nó nhớ ra những lời Carmen đã nói về chuyện khi nào thì Kostos sẽ đến, và nó nhớ ra chuyện đã quên.

Nó chợt cảm thấy choáng váng và e sợ. Như thể nó choàng tỉnh giữa buổi thi SAT vậy. Vậy nghĩa là đây có thể là anh?

Nhưng điều đó là không thể, vì Kostos sống trên một hòn đảo Hy Lạp cách đây hàng ngàn dặm. Anh sống trong quá khứ. Anh sống bên trong những bức tường hôn nhân không thể nào với tới được. Anh sống trong ký ức và trí tưởng tượng của nó. Đó đúng nghĩa là nơi anh đã sống trọn quãng đời của mình. Anh tồn tại ở đó, không phải ở đây.

Không thể nào anh lại ở đây được. Nơi này là cái sandwich gà tây còn thừa từ bữa trưa ăn vội trong studio rồi cái quần thể thao mùa lạnh rút dây gớm ghiếc nó đã cắt thành quần soóc, rồi vết muỗi đốt nơi mắt cá chân mà nó cào không thương tiếc, rồi bức vẽ bằng chì than nó dùng băng Scotch dán vào tường đã hai cái thứ Hai rồi. Kostos không sống ở đây hay lúc này. Nó sẽ phải hỏi lại mắt và tai nó nhanh hơn cả hỏi điều đó.

Nó suýt đã bảo anh vậy.

“Là anh đây,” anh nói, cảm thấy sự lúng túng của nó, ngập ngừng trong sự chắc chắn là nó sẽ nhận ra anh.

À có chứ, nó đã nhận ra anh. Vấn đề không phải ở chỗ đó, đúng không? Nó khó mà tin chắc. Thế nếu anh ấy là mình? Tất cả mọi người đều là mình. Nó là mình. Anh ấy còn có thể là ai khác nữa?

Chỉ vì anh là Kostos vừa xuất hiện bên cửa phòng nó mà nói “Là anh đây” thì không có nghĩa là anh chiếm một khoảng không gian và thời gian trong đời sống thực của nó. Nó tính bảo anh như vậy.

Nó cứ ôm cơn hoang mang chán ngán như mộng du ấy mà vắt óc tìm câu trả lời và rồi quên mất câu hỏi là gì. Có một câu hỏi, phải không? Nó tính hỏi anh.

“Đáng ra anh phải gọi trước,” anh thì thào.

Nó nhận ra là tim mình đang đập hoặc nhiều nhịp hoặc ít nhịp hơn bình thường. Nó ngẫm nghĩ. Ắt tim nó sẽ ngừng đập mất. Vậy nó phải làm gì đây?

Không hiểu sao nó hình dung ngực mình đang mở toang ra như một cánh cửa tủ chén và tim nó vọt ra ở cuối cuống tim.

Nó có đang tỉnh không nhỉ? Nó lẽ ra đã hỏi anh, nhưng anh lại là người khó thể nào biết hơn cả, khi mà chính anh cũng còn không có một chỗ trong thực tại nữa là.

“Em nghĩ chắc em phải ngồi xuống đã,” nó yếu ớt nói. Nó giống như một thiếu nữ bị thít vào cái áo bó chẽn trong phim xưa, khó khăn lắm mới ngồi xuống được.

Anh đứng bên cửa phòng nó với một câu hỏi trên mặt là có nên vào hay không. Anh có vẻ bơ phờ và mệt lử. Chắc anh đã đi cả một chặng đường đến đây thật.

“Hay là anh quay lại sau vậy,” nó nói.

Trông anh đè nặng một nỗi khổ sở. Anh không biết phải hiểu những lời nó nói thế nào đây? “Tối nay anh trở lại được không? Có khi khoảng tám giờ nhé?”

Nó thấy mình đang băn khoăn, anh muốn nói tám giờ theo giờ của nó hay theo giờ của anh? Nó chỉ làm mình hoang mang thêm thôi. “Vậy sẽ được đấy,” nó nói lịch sự. Hai người quả có thể ở trong cùng thời gian sao?

Nếu anh trở lại lúc tám giờ - nó nghĩ, nghe cửa đóng lại, ngã vật xuống úp mặt vào gối - điều đó sẽ khẳng định sự hiện diện của anh nơi đây.

 

Cũng cùng hôm thứ Năm đau lòng cuối tháng Bảy ấy, bảo vệ gọi lên phòng Tibby và bảo nó có khách.

Nó nghĩ ngay đến Brian, dù từ lúc ở Bethesda về nó không hề gặp mà cũng chẳng nói gì với cậu. Nó cảm thấy tim mình đập gấp gáp. “Là ai vậy?” nó hỏi.

“Chờ chút.” Tibby nghe mấy câu đối đáp nghèn nghẹt. “Là Effie.”

“Ai cơ?”

“Effie. Effie? Cô ta nói cô ta là bạn cô.”

Tim Tibby đổi nhịp. “Tôi xuống ngay,” nó nói.

Nó nhúng ướt tóc rồi tròng cái áo quây và cái quần soóc xé te tua vào. Chợt nó lo có gì không hay với Lena. Nó phóng như bay qua hành lang tới thang máy.

Effie suýt nữa thì đâm sầm vào mặt nó khi cửa thang máy mở ra ở hành lang. Nó vội lùi lại, loạng choạng khi Tibby từ thang máy lao ra.

“Mọi chuyện ổn cả chứ?” Tibby hỏi.

Effie nhướng mày. “Ừ. Ý em là em nghĩ vậy.”

“Lena đâu?”

“Chị ấy đang ở Providence.” Effie tự nhiên lại chuyển sang cái vẻ hơi tổn thương nó vẫn có khi đối mặt với hiện thực là bạn bè của Lena không hẳn phải là bạn nó.

“Ồ. Phải rồi.” Tibby tự thấy sẽ nhỏ nhen lắm nếu hỏi Vậy em làm gì ở đây? Thay vì thế, nó kiên nhẫn chờ nghe Effie giải thích nó đang làm gì ở đây.

“Giờ chị có bận không?” Effie hỏi.

“Không. Không hẳn.”

“Ví dụ, chị không vội phải đi đâu đó hay gì ý.”

“Ừ.” Tibby đang muốn nổ tung lên vì tò mò, với cái cảm giác là có cái gì đó đang gần kề. Nó đã ở một mình nhiều quá rồi.

“Chị có muốn đi đâu đấy uống cà phê không? Có chỗ nào quanh đây không?”

Effie trông có chút bồn chồn, Tibby nghĩ. Nó nhấp nha nhấp nhỏm. Cả hai tay hai chân nó, chẳng có cái nào yên. Nó mặc một cái váy ngắn màu hồng dâu tây, lộ cả khe ngực thật ấn tượng.

“Quanh đây có ti tỉ quán.” Tibby phải tự nhủ đừng sốt ruột hay nhỏ nhen. Quả là Effie rất dễ thương khi đã đi cả một chặng đường đến tận đây thăm nó. Nó cần xin ý kiến về chuyện gì sao? Hay nó bỗng dưng hứng thú mà cho rằng phim ảnh là một cái nghề tiềm tàng đầy những hào quang? Hay chẳng lẽ nó đã nghe đồn là số lượng những anh chàng xinh trai ở đại học New York nhiều đến mất cân đối? Chẳng phải thế đâu. “Chị em mình có thể uống cà phê đá ở một chỗ đằng Waverly.”

“Nghe hay đấy,” Effie nói. Nó quẹt lớp mồ hôi trên môi trên.

“Em tới New York lâu chưa?” Tibby vừa đi vừa h ỏi, lần mò manh mối.

“Chỉ mới hôm nay thôi,” Effie nói.

Cuối cùng, Tibby cầm theo cốc cà phê đá hai đô la còn Effie là cốc frappuccino năm đô, chúng ngồi xuống bên một cái bàn mờ ảo, tuyệt đẹp ở đằng sau quán cà phê. Một bản opera tiếng Ý đang bật trong loa phía bên trái đầu Effie.

Cốc cà phê của Effie đặc đến độ nó thực sự phải hút sùm sụp mới uống được đôi chút. Tibby nhìn và chờ đợi.

“Vậy là chị và anh Brian đã chia tay,” cuối cùng Effie nói.

“Đúng vậy.”

“Lúc đầu nghe em đã chẳng thể tin nổi chuyện đó.”

Tibby nhún vai. Phải chăng đây là khúc dạo đầu? Câu chuyện sẽ tới đâu đây?

“Chị có nghĩ anh chị sẽ quay lại với nhau không?” Effie hỏi. Vẻ mặt nó không đòi hỏi. Thật ra, nó chủ yếu vân vê miếng giấy nơi cái ống hút của nó.

“Chị không nghĩ vậy.”

“Thật không?”

Tibby cố để không bực mình. Phải chăng Effie chỉ đang cố có một cuộc chuyện trò dễ chịu? Vì nó chẳng dễ chịu tí nào.

“Thật.”

“Ưm. Chị nghĩ chị đã không còn gì với anh ấy nữa sao?”

Tibby nhìn nó chăm chú. “Chị có nghĩ chị không còn gì với anh ấy nữa không ấy à?”

Effie xòe hai bàn tay ra như thể để cho thấy là chẳng có gì trong đó cả. “Vâng.”

“Chị còn không chắc chị có biết không nữa.”

Effie khẽ nhún vai. Nó hút cốc cà phê. “Ý em là, kiểu như, chị có buồn bực không nếu biết ra là anh ấy đang đi với ai khác?”

Khi Tibby lặp lại những lời đó trong đầu, nó cảm thấy não mình đang lộn từ trong ra ngoài như một con sên ướp muối. Mắt nó nhòe đi và nó phải chớp chớp mắt mới thấy rõ lại như thường được. Nó cố làm mặt tỉnh, bình thản.

Effie đã biết gì rồi? Nó đã thấy Brian với một đứa con gái khác sao? Brian đang đùa cợt với một đứa con gái nào đó khắp Bethesda sao? Effie đã thấy gì? Cái gì đang xảy ra?

Tibby uống cốc cà phê của mình. Nó hít không khí vào. Nó nghe ca sĩ nam cao đang vống lên chỉ ngay trên đầu Effie. Nó không thể nào lại đi mất bình tĩnh trước mặt Effie được. Effie, dù cho kích cỡ bộ ngực nó có khủng chừng nào đi nữa thì nó vẫn là một đứa em gái.

Nó rất muốn hỏi Effie xem con bé biết gì, nhưng làm sao nó có thể làm vậy mà không có cái vẻ như điều đó làm nó bận lòng? Như thể nó buồn bực và bối rối và bị bất ngờ vì ý nghĩ đó? Nó chịu.

“Chị sẽ buồn bực đấy,” Effie kết luận.

Nếu không còn gì nữa thì Tibby cũng còn lòng tự trọng của mình. “Không,” cuối cùng nó nói. “Chị sẽ ngạc nhiên một chút, có lẽ thế. Nhưng nghe đây. Chị là người chia tay cậu ta, đúng không? Đâu phải như chị không biết mình đang làm gì. Chị biết rất rõ. Chị hoàn toàn chắc chắn là đã đến l c bọn chị phải chia tay và rằng, đối với chị, đó là điều cần làm.” Tibby bất chợt nhận ra rằng trò chuyện thì có cảm giác dễ chịu hơn là suy nghĩ.

“Thật sao?”

“Dĩ nhiên. Ý chị là, đã hết thật rồi. Với chị, đã chấm hết rồi. Brian cứ làm bất cứ gì mình thích. Cậu ta hoàn toàn được tự do đi với bất kỳ ai cậu ta muốn. Thật đấy, nếu muốn thì chắc cậu ta sẽ đi chơi với ai đó ngay thôi.” Tibby cảm thấy như đầu nó đang hơi đung đưa trên cổ. Như mấy con thú đầu lắc lư ngớ ngẩn người ta đặt trong xe vậy.

Effie gật gù và hút cái gọi là cà phê của nó, mắt nó trố ra, lắng nghe chăm chú. “Có sao không nếu đấy là người chị quen?”

Tibby chưa hề hình dung được một sự tra tấn thuần nguyên nhường này trong cái lốt Effie Kaligaris mặc váy xẻ ngực đang hút món đồ uống màu hồng. Ai đó mà Tibby biết ư? Ai thế? Brian đang với ai? Ai đó nó quen? Brian đang đi lại với ai đó nó quen sao? Là ai? Làm sao cậu ta lại có thể làm chuyện đó với nó? Tibby vắt óc nghĩ ra xem đó có thể là ai được.

Làm sao nó có thể hỏi mà không để lộ ra nỗi khốn khổ đáng khinh của nó? Làm sao nó có thể không hỏi mà tiếp tục chịu đựng như thế này?

“Vậy là có sao rồi,” Effie trịnh trọng khẳng định.

Một lần nữa, Tibby trấn an mình. Nó có thể suy sụp sau. Nó có thể gọi cho Lena để biết sự thật. Nó thậm chí còn có thể gọi cho mẹ nếu đã đến mức ấy.

“Sao phải thế?” Tibby nói, gõ gõ ngón tay vờ hờ hững một cách vụng về. “Sao lại phải có vấn đề gì nếu chị quen người đó?”

Đột nhiên cả đám ca sĩ khốn kiếp trong dàn opera dường như nhất loạt gào thét đến khản cổ. “Vấn đề là ở chỗ Brian không còn là bạn trai của chị nữa và chị không phải là bạn gái của cậu ta.” Tibby gần như đang gào lên. “Cậu ta đi với ai thì đó hoàn toàn là chuyện của cậu ta. Chị đi với ai thì hoàn toàn là chuyện của chị.”

Effie gật gù. “Vậy là rõ rồi.”

Tibby quả thực rất hãnh diện về câu trả lời của mình. Nghe có vẻ như đúng là điều cần nói, dù chẳng có liên quan tí nào đến những gì nó cảm thấy. Nó cố lấy lại hơi. Nó ước gì mấy ca sĩ opera giảm tông xuống một chút.

“Cái đó rõ ra nhiều lắm.” Effie lại hút lấy hút để cốc cà phê của con bé.

“Vậy là...” Effie đặt ly nước xuống và chỉnh lại thế ngồi trên ghế. Mắt nó giờ nhìn Tibby chăm chú. “Chị sẽ không thấy phiền gì nếu...”

Effie buông hai chân đang bắt chéo dưới bàn. Tibby nhận ra cả mình nữa cũng cần đặt hai bàn chân xuống đất. Vì những lý do bí hiểm nào đó, Tibby nín thở.

“Chị không thấy phiền gì nếu em đi với anh Brian chứ?”

 

Những chuyện thế này đáng lẽ không được xảy ra với Lena, Lena nghĩ, nhìn mấy viên gạch bên ngoài cửa sổ phòng mình rồi đến những kẽ hở giữa chúng nơi vữa gần như đã rã ra. Những chuyện như thế nên xảy ra với những người khác, như Effie. Effie, nó thành thạo chuyện người lớn hơn, ví dụ thế.

Ánh sáng thẫm đi và mấy viên gạch tối lại. Nhượng bộ duy nhất mà Lena làm với cái khả năng tám giờ là lăn nước khử mùi và chải tóc.

Trong cái động tác sau ẩn chứa một ký ức, rằng nó cũng đã chải tóc vì anh cái ngày đám tang ông nội của nó. Chuyện đó đã hai năm trước rồi.

Những cảm giác về sự mất mát từ giai đoạn đó thật vô cùng: cái chết của ông nội, nỗi đau của bà nó, sự cứng rắn cay nghiệt của bố nó. Và biết ra được chuyện Kostos, dĩ nhiên rồi. Ngần ấy chuyện cùng quyện vào nhau mà ập xuống như những ngọn gió độc. Chúng đã tạo ra cơn phong ba đủ mạnh để cuốn lấy tất cả những gì bất ngờ nhất của khoảnh khắc đó, dù vô hại đến đâu: hình thù riêng biệt của những đám mây và tiếng ì ầm của một loại máy bay nào đó, mùi bụi khô khốc và cái cảm giác chải tóc ta chỉ dành riêng cho một người ta yêu.

Cơn cuồng phong thậm chí còn nuốt lấy cả thời gian - nhiều giờ, nhiều ngày và nhiều tuần đúng ra đã không thuộc về nó, để cho thời gian trước khi phong ba ập đến chất đầy những dự cảm về nỗi buồn khôn nguôi, và thời gian sau cơn phong ba mang sự trống trải khi mong muốn những thứ nó không bao giờ có được.

Trong cái ký ức nó chải tóc vì anh chập chờn cái dự cảm là Kostos sẽ bỏ rơi nó.

Nó còn nhớ vài điều anh đã nói. Chúng cứ bám theo nó suốt cả thời gian đó, như một đài phát thanh được vặn rất nhỏ ở dưới đáy sâu ý thức nó.

“Đừng bao giờ buồn vì nghĩ anh không yêu em,” anh từng nói vậy. “Đừng bao giờ nghĩ em đã làm gì sai.” “Nếu như anh làm tim em tan nát thì anh đã làm chính tim mình tan nát gấp ngàn lần hơn.” “Anh yêu em, Lena. Dù đã cố nhưng anh vẫn không thể thôi yêu em được.”

Điều ám ảnh nhất không phải là anh không còn yêu nó nữa. Cuối cùng rồi nó cũng có thể chấp nhận chuyện đó thôi. Điều ám ảnh nhất lại là anh yêu nó. Anh yêu nó từ xa. (Đôi khi đó là cách nó yêu bản thân mình.) Anh yêu nó bằng thứ tình yêu được bảo tồn trước thời gian, không thể nào hủy hoại. Và nó giữ gìn điều đó theo cái cách cẩn trọng, chăm chút của mình.

Nó có thể được yêu. Nó bám vào điều đó. Nó xứng đáng được yêu. Đó mới là điều quan trọng, phải không? Dù cho là anh đã cưới ai khác rồi? Dù là anh đã làm tiêu tan mọi hy vọng của nó?

Nó xứng đáng được yêu. Đó là cái nó có. Trong những giấc mơ, nó nghe thấy anh nói anh vẫn còn yêu nó, rằng chưa có phút giây nào anh quên nó. Nó đã không bị lãng quên. Đó là điều quan trọng nhất. Thậm chí là còn hơn cả hạnh phúc.

Để rồi điều đó bỏ nó lại nơi đâu? Một mình trên cái bình cổ Hy Lạp của nó. Xứng đáng được yêu nhưng chẳng bao giờ được yêu.

Nó an toàn. Can đảm trong những giới hạn của mình.

Đó cũng chính là cái hàng rào ngăn cách cũ.

 

Chuyện này làm Tibby gợn nhớ lại cảnh kẻ bắt cóc trẻ con trong Chitty Chitty Bang Bang(1) khi chiếc xe chở kẹo của ông ta đột nhiên lộ nguyên hình là một cái lồng.

Ngồi đối diện Effie, chiếc cốc đã tan đá của nó rịn nước giữa bàn, Tibby nhìn bốn bức tường kiên cố biến thành những chấn song của cái lồng. Nó mắc bẫy rồi. Nó đã bước thẳng vào đó, hài lòng với cái đầu dối trá, điềm tĩnh của mình.

Nó làm gì được đây? Nó nói gì được đây? Effie đã chơi không chê vào đâu được. Tibby chợt hiểu ra mọi chuyện Effie đã định sẵn, mọi câu nó đã hỏi. Chẳng phải vô cớ mà Effie lại xuất thân từ xứ sở của Socrates.

Tibby không còn suy nghĩ được gì nữa. Nó không mong đấu lại được với Effie. Đầu nó chao đảo.

“Chị sẽ bận lòng,” Effie khẽ kết luận, nhưng Tibby gần như đã có thể thấy thoáng hợm hĩnh nhuốm vào. Effie có vẻ như đã sẵn sàng dông rồi, sẵn sàng bỏ chạy cùng chiến thắng.

“Không. Không hề gì,” Tibby lẩm bẩm. Nó còn có thể nói gì được nữa?

Effie đứng lên. Như thế với nó là quá tốt rồi. “Ôi, Chúa ơi. Em nhẹ cả người, chị Tibby à,” nó tuôn ra. “Chị không biết em đã lo đến thế nào đâu. Em chẳng làm gì được cả chừng nào em chưa biết chắc là chị sẽ không hề gì.”

Chúng đã ra đến vỉa hè rồi, Tibby đờ đẫn đi theo.

Brian và Effie? Effie và Brian? Effie với Brian của nó? Phải chăng đó là điều cậu ta muốn? Cậu ta muốn với Effie sao? Nó nghĩ đến khe ngực của Effie.

“Em rất mừng là chuyện đó không sao. Vì Brian và em gần như là hai người duy nhất còn ở nhà hồi hè này, chị biết không? Và em đã... À, sao cũng được. Nhưng em thậm chí còn không thể nghĩ đến chuyện làm gì nếu chưa biết cho chắc là chị sẽ không sao.”

“Chị sẽ không sao,” Tibby cố nói, chỉ để chấm dứt trò đố chữ cho trọn vẹn. Rồi nó về nhà mà tan nát cõi lòng.

Hết chương 15. Mời các bạn đón đọc chương 16!

Nguồn: truyen8.mobi/t40221-mua-he-thu-tu-cua-quan-jean-may-man-chuong-15.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận