Mùa Tuyết Rơi Chương 7


Chương 7
Trước khi đi, tôi trở về nhà một lần nữa, thu dọn đồ đạc.

Vân Dịch, em phải đi rồi, sau này không quay lại nữa. Nơi này, cứ coi như anh chưa từng ở. Em chưa bao giờ quen anh.

Tôi và Ninh Thanh không có tuần trăng mật. Gần đến cuối năm, anh rất bận. Tôi không muốn quanh quẩn ở nhà họ Ninh, không muốn nhàn rỗi, nhưng nếu ngay ngày đầu tiên sau lễ cưới mà đã đến công ty làm việc, thì sẽ khiến xuất hiện đủ loại đề tài không có cơ sở. Tôi nói qua với Ninh Thanh một tiếng, rồi cùng Quyên Tử trở về Tô Hà.

Thị trấn Tô Hà ba mặt là núi, mặt còn lại là nước. Trong thị trấn có một con phố, nhà cửa mọc lên san sát, uốn lượn, tựa lưng vào núi và men theo sông. Tôi đứng trên sườn núi, vừa nhìn đã nhận ra căn gác gỗ nhà mình. Ngói đen, tường nâu.



Tôi đã có một thời gian rất dài không trở lại. Lúc sắp tốt nghiệp đại học, tôi cùng Vân Dịch đem tro cốt của mẹ về, đau lòng thương khóc một hồi. Bốn năm trước, khi rời khỏi thành phố B, có trở về đây, cũng đau lòng thương khóc một hồi. Cả hai lần đều không ở lại lâu, vội vã trở về, vội vã ra đi. Bây giờ về lại, cũng vẫn đau lòng. Nơi đã sinh ra tôi và nuôi tôi lớn lên này, trở về một lần thì thương cảm một lần, e rằng đúng là không thể ở lại lâu được nữa rồi. Tôi bảo Quyên Tử: “Thị trấn thay đổi nhiều quá”.

Quyên Tử cười bảo: “Đúng thế, rất nhiều gia đình đã xây nhà gạch”.

Tôi vẫn thích thị trấn nhỏ trước kia hơn. Những ngôi nhà gạch này xen giữa những căn gác gỗ trông chẳng ra sao cả. Những chỗ vỡ hỏng của con đường đá cũ nay đã được vá lại bằng xi măng. Vật đổi sao dời, đến cảnh vật còn đổi khác, huống hồ là con người.

Quyên Tử vô cùng hào hứng nói: “Thị trấn đã xây dựng xưởng sản xuất giấy, xưởng mây tre thủ công mỹ nghệ, mình là việc ở xưởng thủ công, sản phẩm của chúng mình tiêu thụ rất tốt, có điều xương nhỏ, sản lượng cũng thấp.

Những người ở thị trấn Tô Hà có đôi tay khéo léo, tất cả phụ nữ đều giỏi thêu thùa, đàn ông biết đan lát các loại đồ dùng gia đình. Trong núi rất nhiều tre trúc, lại có nước nữa, mở xưởng như thế này cũng là một hướng hay.

Nhà tôi ở gần nhà Quyên Tử, chỉ cách vài nhà hàng xóm. Trong nhà có lẽ bụi đã dày đến hàng tấc, không thể ở được rồi. Quyên Tử nhìn thấu được suy nghĩ của tôi: “Lần này trở về, đến nhà mình ở đi. Bố mẹ mình vẫn luôn nhắc cậu đấy.”

Tôi gật đầu đồng ý, bảo Quyên Tử: “Mình vẫn muốn về qua nhà trước đã.”

Trước đây nhà cửa luôn được dọn dẹp sạch bóng, nếu mẹ biết được nhà cửa đã tan hoang thế này thì không biết sẽ đau lòng đến thế nào.Tôi thật bất hiếu. Đi đến gần, tôi trông thấy khoảnh sân nhỏ bên trong bức tường thấp vẫn sạch sẽ, chắc hẳn do Quyên Tử thường xuyên đến quét dọn, tôi cảm động nhìn bạn.

Quyên Tử nhếch miệng cười: “Tử Kỳ, vào nhà đi”.

Quyên Tử mở cửa, tôi không khỏi đỏ hoe mắt: “Quyên Tử, cảm ơn cậu”. Trong nhà rất sạch, Quyên Tử cũng còn quan tâm dọn dẹp cả ở đây nữa.

Tôi đứng ở gian nhà giữa, tất cả đều không thay đổi gì, giỏ kim chỉ đặt trên ghế vẫn ở nguyên chỗ cũ. Mẹ có thói quen ngồi thêu ở đây, mẹ bảo ở đây ánh sáng tốt, ngoài ra còn có thể trông thấy tôi tan học về nhà. Lần nào cũng vậy, tôi cứ vừa bước vào cổng, là mẹ liền đặt kim xuống, mặc tạp dề vào bếp. Bởi vì chỉ cần bước chân đến cửa là tôi đã hét lên: “Mẹ ơi, con đói rồi!”.

Tôi đi quanh trong nhà trong trạng thái như đang mơ.

Đây là phòng của tôi, trên chiếc bàn kê sát cửa sổ có đặt chú chó bông, còn có ve sầu, châu chấu, đó là của Vân Dịch kết, chúng đã khô vàng từ lâu. Ống trúc trên bàn trống rỗng, trước đây luôn có hoa cắm trong đó. Lúc Vân Dịch còn ở đây, cứ cách dăm ba ngày anh lại mang về một bó hoa.

Trên giường trống trơn, chỉ có ván giường, chắc là Quyên Tử sợ bụi bám nên cất chăn vào trong tủ rồi.

Tôi mở tủ gỗ. Mùi long não bốc ra. Tôi lần tìm trong góc, sờ thấy một cái hộp nhỏ. Không cần mở ra, tôi cũng biết, bên trong trống không, trước đây, trong đó để đầy những thứ đồ chơi nhỏ tôi tặng anh, lúc đi anh mang tất cả theo. Những bức ảnh của tôi ép phía dưới tấm kính, có một số chỗ chừa lại ô trống, Vân Dịch đã mang đi mấy bức. Tôi nhấc kính lấy ra một bức quan sát, nhìn kỹ mình ngày xưa. Trong bức ảnh, tôi nhếch mép cười, để lộ hàm răng, con ngươi đen láy, ánh nhìn giản đơn. Phía sau bức ảnh có chữ, của Vân Dịch viết: “Con cáo nhỏ của anh”.

Tôi cười, vừa cười nước mắt vừa tuôn rơi. Giá không quen anh thì tốt biết mấy, thời gian có thể quay trở lại thì tốt biết mấy. Tôi bỗng nhiên cảm thấy phải chăng mình đã sai, phải chăng sự khăng khăng cố chấp của mình là sai rồi?

“Đi thôi, bố mẹ đang chờ chúng mình về ăn cơm đấy”.


Hôm sau, Quyên Tử xin nghỉ làm, mua hương nến, tiền giấy cùng tôi đi thăm mẹ. Xem ra mộ mẹ vẫn thường xuyên có người đến chăm sóc. Quyên Tử bảo: “Triển Vân Dịch cứ nhất định đưa tiền cho nhà mình, nói là để những lúc rảnh rỗi đến đây trông nom giúp. Anh ấy rất trọng tình nghĩa”.

Tôi quỳ trước mộ khóc. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với mẹ, có rất nhiều ấm ức muốn giãy bày. Nếu thời gian quay trở lại, tôi thà rằng không thi đỗ đại học, tìm việc làm trong thị trấn giống như Quyên Tử, hằng ngày trở về nhà ở bên mẹ. Triển Vân Dịch còn hiếu thảo hơn tôi. Tôi đã không về đây trong một thời gian rất dài, rất dài.

“Mẹ ơi, mẹ có tha thứ cho con không? Con không về ở bên mẹ, con sợ trông thấy mẹ ở đây, con sợ lắm, mẹ ở cách xa con như vậy, con không nhìn thấy mẹ được. Con không được ăn thức ăn mẹ nấu, không được nghe mẹ gọi. Mẹ ơi, con chỉ có mỗi một mình, sao mẹ lại bỏ con một mình”. Nước mắt tôi tuôn trào.

Quyên Tử đến đỡ tôi: “Tử Kỳ, cậu lấy chồng rồi, có gia đình rồi, mẹ cậu sẽ biết, bà sẽ rộng lòng mà”.

Tôi lấy chồng rồi ư? Tôi cất tiếng khóc òa, tôi lấy người ta rồi, đó chỉ là giả thôi, đó chỉ là lấy cho Triển Vân Dịch xem mà thôi. Sao tôi lại độc ác như vậy, nhất định phải đoạn tuyệt, một đường lui cũng không để lại? Ngay cả một cơ hội để xoay chuyển tôi cũng không chừa ra.

Giây phút này tôi không biết mình là đúng hay sai, cho dù sai, cũng chỉ còn biết đã sai thì sai đến cùng. Tất cả, tôi đều phải tự gánh lấy, đã đưa ra quyết định thì phải chấp nhận mọi hậu quả. Trước kia tôi còn có thể nói tất cả mọi chuyện với Quyên Tử, nhưng giờ đây, tôi lại không thể cho cô ấy biết chuyện này. Hóa ra khi con người ta có bí mật, có bí mật không thể nói ra thì sẽ đau khổ như thế đấy!

Tôi không thể nói với mẹ, tôi không còn áo hoa, tôi không thể mặc tấm áo mẹ thêu trong ngày cưới được rồi. Ở đây, trong núi này, bên sông này, tất cả mọi thứ, đều khiến tôi trông cảnh mà nhớ đến người. Có lẽ, cứ nên ở lại đây, có mẹ, có sự quan tâm của Vân Dịch, dứt khoát không về thành phố C nữa, không nhớ lại những chuyện đã xảy ra nữa, để thời gian quay trở về khi tôi trong sáng và ngây thơ nhất.

Tôi muốn quay trở về những ngày ấy biết bao!

Khi đó Triển Vân Dịch vẫn còn là một thành niên măng tơ, cũng ngây thơ trong sáng như tôi, anh không có vẻ thâm trầm như sau khi trở về nhà họ Triển, chưa bao giờ đặt ra yêu cầu gì với tôi. Tất cả đều hết sức tự nhiên, mặc tôi chơi, mặc tôi quậy, anh chỉ tán thưởng.

Đã thay đổi từ lúc nào vậy nhỉ? Là từ lúc anh từ Anh trở về, sáu năm sau khi chúng tôi xa cách nhau phải không? Anh mang suy nghĩ của anh về nhào nặn tôi, nhất định đòi cải tạo một con bé miền núi thành tiểu thư khuê các. Tôi khăng khăng cho rằng mình cũng lễ độ và hiền thục không kém, mà những thứ này trong mắt anh lại luôn chẳng đủ.

Sau khi mẹ qua đời, tôi dựa vào anh, tin tưởng anh. Trong lòng tôi, anh không chỉ là người thân còn là người lớn trong gia đình. Sao anh lại không hiểu?

Là tôi không hiểu anh, hay vì anh cho rằng cái gì tôi cũng không biết, cần phải có anh trù định? Tôi không rõ nữa.

Không thể quay đầu lại nữa rồi. Anh đã từ bỏ mà tác thành cho tôi, còn tôi chọn cách rời xa anh. Nếu trước đây chưa từng kề bên, chưa từng quyến luyến thì bây giờ, khi cả hai biến thành hai cuộc đời xa lạ, tôi đã không đau lòng đến thế.


Tôi cởi bỏ bộ đồ mặc trong thành phố, thay bằng quần áo vải. Quyên Tử cười bảo: “Trong thị trấn rất ít phụ nữ mặc thế này, Tử Kỳ, cậu chẳng giống một phụ nữ hai mươi bảy tuổi tí nào, vẫn không khác gì trước kia”.

Tôi cười đáp: “Sau này có người hỏi mình vì sao trẻ lâu, mình sẽ trả lời rằng ngày nào cũng uống một cốc nước suối trên núi của trấn Tô Hà, như vậy hẳn bán nước sẽ rất phát đạt”.

Đúng rồi, thay đổi trang phục, là có thể quay về trước kia. Người thành phố lớn mãi mãi không bao giờ có được sự thuần phác của người sống ở thị trấn nhỏ trên núi, mãi mãi không thể hiểu được chỉ cần ít tiền như thế cũng có thể sống rất vui vẻ.

Người trong thị trấn đối với thành phố lớn cũng đầy rẫy hiếu kỳ và ngưỡng vọng, trẻ con vùng núi vào thành phố, trở về mang theo mơ ước, muốn học cách ăn mặc trang điểm của người thành phố, học lối sống thời thượng, học chơi bời. Họ không biết rằng, thứ họ ngưỡng mộ chẳng qua chỉ là bề ngoài, còn phong cách sống và thái độ sống khác nhau thì không thể nào miễn cưỡng được.

Tôi về đây ở đã được một tuần, ngày ngày đi làm với Quyên Tử, học cách đan giỏ, các bạn thuở nhỏ nhiệt tình mời tôi về nhà ăn cơm, thi nhau mang quà đến nhà Quyên Tử.

Bà cụ Tô ở phố trên nghe nói tôi đã lấy chồng, còn mang đến tặng một đôi vỏ gối thêu hình Hỷ thước liên chi (1). Bà cụ bảo: “Con gái có tương lai rồi, lấy được người tốt, mẹ cháu sẽ rất vui đấy”.

Nếu tôi lấy Vân Dịch, mẹ có cười không? Tôi không biết Vân Dịch hứa gì với mẹ, lúc ra đi mẹ rất yên tâm giao tôi cho anh. Nếu mẹ biết Vân Dịch trả lại áo hoa, mẹ có thất vọng không? Có đau lòng không?

Tôi bị người thị trấn bao vây với những lời chúc mừng đám cưới, nên chỉ biết cười miễn cưỡng.

Lối suy nghĩ của người thị trấn đơn giản hơn người thành phố nhiều. Có điều tôi cứ ở mãi đây, mà lại không thấy Ninh Thanh đâu, họ cũng sẽ nghi ngờ. Bố mẹ Quyên Tử hỏi Quyên Tử thế này: “Sao lại có thể để con dâu mới về nhà mẹ đẻ một mình như vậy”.

Cuối cùng tôi không thể tiếp tục ở đây được nữa rồi. Khi ngồi ăn cơm với người nhà Quyên Tử, bố Quyên Tử do dự hồi lâu mới bảo: “Tử Kỳ à, căn nhà gỗ của cháu đã có người đến nghe ngóng, muốn biết cháu có bán hay không. Cứ để không mãi, chắc cháu cũng không về ở nữa”.

Tôi sững sờ, bán ư? Sau này, ở đây sẽ không còn nhà của tôi nữa. Nhưng mà, giữ lại, mẹ cũng sẽ không về được nữa rồi, Vân Dịch cũng không ở đây nữa, mỗi lần nhìn là mỗi lần đau lòng. Suy nghĩ hồi lâu, tôi cười bảo: “Thưa chú, cháu không bán, cháu tặng nó cho Quyên Tử”.

Quyên Tử kinh ngạc nhìn tôi: “Như thế không được, không thể được. Cậu phải bán, có thể giữ lại một ít tiền phòng thân, còn nếu không muốn bán thì cứ để trống, giữ cho cậu”.

Tôi cười bảo: “Không, tặng cậu đấy, sau này, mình trở về sẽ ở đây, nhà cậu cũng như nhà mẹ mình”. Nói xong, mắt đã đỏ hoe, tôi chớp chớp mắt: “Thưa chú, cháu sắp về thành phố C rồi, chú xem như vậy có được không, đó cũng là ý nguyện của cháu”.

Quyên Tử lấy chồng đã mấy năm, nhà chồng đông người, kinh tế cũng khó khăn, hai vợ chồng vẫn cứ phải ở nhà vợ. Quyên Tử luôn muốn có một ngôi nhà riêng, làm như vậy, tôi nghĩ là tốt nhất.

Bố Quyên Tử thở dài bảo: “Tử Kỳ à, nếu cháu đồng ý, thì làm con gái chú, dù sao chú cũng nhìn cháu lớn lên từ bé, đây cũng là nhà của cháu”.


Trước khi đi, tôi trở về nhà một lần nữa, thu dọn đồ đạc. Vân Dịch, em phải đi rồi, sau này không quay lại nữa. Nơi này, cứ coi như anh chưa từng ở. Em chưa bao giờ quen anh.

Mẹ ơi, con đi đây, hằng năm đến tết Thanh minh con sẽ về thăm mẹ, con tặng ngôi nhà cho Quyên Tử rồi, có cô ấy trông nom, có lẽ tốt hơn so với một gia đình lạ lẫm đến ở. Quyên Tử cũng là con gái của mẹ, phải không mẹ?


Tôi quyết định trở về thành phố C, ở một thời gian, hoặc có thể lại ra đi, đến một thành phố lớn ồn ào náo nhiệt, tìm một công việc, quên hết những chuyện đã qua. Điểm tốt duy nhất của thành phố lớn là khoảng cách giữa người với người, không có chuyện nhà chuyện cửa, không ai quen biết ai, không ai hiểu ai. Hàng xóm láng giềng không la cà ngồi lê đôi mách, không chủ động hỏi thăm nhau. Sự lạnh nhạt như vậy trước đây tôi ghét cay ghét đắng, cực kỳ không quen, nhưng bây giờ, có lẽ là thích hợp nhất đối với tôi.

Có thể, vẫn còn gặp được một người không hề biết quá khứ của mình, và làm lại từ đầu.

Có điều, với Ninh Thanh, tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi. Tôi thậm chí lo lắng lại phải sắm vai là vợ anh, thời gian ở bên cạnh anh càng dài, tôi càng thêm ái náy, đến lúc đó, ngay cả lời xin lỗi cũng không dễ gì nói ra được.

Vẫn cần phải ở thành phố C một thời gian nữa. Không thể chỉ mấy ngày sau hôn lễ đã đặt gia đình họ Ninh vào búa rìu dư luận, khiến cho mọi người lại chỉ chỉ trỏ trỏ Ninh Thanh.

Chúng ta gặp nhau là duyên phận, mỗi người đều chỉ là khách qua đường trong cuộc sống của một người khác. Duyên phận sâu nặng thì có thể đi cùng nhau đoạn đường dài, duyên phận hời hợt thì sau khi gặp rồi lại đường ai nấy đi, cuối cùng là chia tay. Cho dù mang theo buốn phiền, mang theo hồi ức, mang theo nuối tiếc, mang theo mong nhớ, cũng không thể nào đi được đến cuối con đường.

Cũng giống như tôi và Vân Dịch. Từ khi mười sáu tuổi cho đến tận bây giờ, đã mười một năm rồi, quấn quấn quýt quýt, yêu ghét xa cách, dù yêu sâu nặng đến mấy, cuối cùng cũng có lúc chia cắt máu xương, cuối cùng mỗi người đều trở về với thế giới của riêng mình.

Giọt nước mắt tựa son, cùng ở thì cùng say, hỏi bao giờ gặp lại, từ đây kiếp người mãi hận, nước sao cứ chảy về đông (2).

Nghĩ thông suốt rồi, tôi cười, Đường Tử Kỳ vẫn còn cuộc sống dài phía trước, không thể trải qua nó trong nước mắt được.


Tôi xuất hiện trước mặt Ninh Thanh với tinh thần và diện mạo trước đây chưa từng có. Trở về nhà họ Ninh, tôi đem đủ loại đặc sản của Tô Hà chia cho mọi người. Tôi mua cho ông Ninh chai rượu ngâm đặc sản của Tô Hà, mua cho bà Ninh chiếc vòng bạc chế tác thủ công, mua cho Ninh Nhược chiếc túi xách thêu tay, còn của Ninh Thanh là cái chặn giấy bằng tre điêu khắc. Tôi nói: “Tô Hà là nơi nhỏ hẹp, những thứ này đều không đáng bao nhiêu tiền, nhưng là tấm lòng của Tử Kỳ, mọi người nhất định phải thích đấy”.

Bố mẹ Ninh Thanh rất vui mừng, vui đến nỗi cười không ngớt, bà Ninh bảo: “Thích chứ, sao lại không thích được. Vòng bạc tốt lắm, có thể trị phong thấp”.

Ninh Thanh tủm tỉm cười nhìn tôi chia quà, đưa tay ôm eo tôi nói: “Lần sau chúng mình đi bù tuần trăng mật, anh sẽ đưa em về Tô Hà”.

Tôi khéo léo tìm cách rời khỏi bàn tay anh, hỏi Ninh Nhược: “Đại Hải đâu? Chị cũng mua quà cho cậu ấy, em đưa hộ chị, hay là để chị mang đến công ty?”.

Tôi không dám quay lại nhìn Ninh Thanh, nghĩ bụng dù mình có che giấu tốt thế nào, anh cũng vẫn cảm nhận được. Tôi biết khi anh trông thấy cả gia đình xum họp vui vẻ, tình cảm sẽ tự nhiên dâng trào. Như mà, cứ tiếp tục thế này… tôi làm sao có thể vì anh mà cứ tiếp tục thế này được?

Tiểu Nhược vui vẻ nói: “Hay là chị mang đến cho anh ấy đi, Đại Hải đã mấy lần bảo em, thiếu chị ở công ty, chẳng có ai đấu khẩu cả.”

Tôi về phòng, nói với Ninh Thanh: “Chúc ngủ ngon, Ninh Thanh”.

Anh đứng ở cửa không chịu đi: “Tử Kỳ, về Tô Hà vui không?”

Tôi quay lại cười: “Rất vui, gặp được rất nhiều người quen trước kia, lại còn đi thăm mộ mẹ. À, phải rồi, Ninh Thanh, em tặng ngôi nhà cho Quyên Tử rồi, sau này, em nghĩ mình sẽ không trở lại đó nữa.”

Ninh Thanh hiểu nhầm ý của tôi, anh có phần hơi kích động: “Tử Kỳ, em muốn quên tất cả quá khứ sao?”.

Tôi thật sự mệ mỏi. Trong lòng tôi rất áy náy, vốn cho rằng dù không yêu anh cũng vẫn có thể sống qua ngày đoạn tháng, biết đâu hai năm chung sống tôi sẽ quen được. Nhưng tôi không lừa được bản thân mình, làm sao tôi có thể thân mật với anh, trong khi lại đang nghĩ về một người con trai khác?
Tôi cười bảo Ninh Thanh: “Đúng vậy, đã qua rồi, hãy để nó qua đi, em cũng phải sống vui vẻ, phải không?”. Tôi nhìn Ninh Thanh, trong lòng thầm xin lỗi, hít một hơi thật sâu rồi mới nói ra được: “Sau này có thể việc công ty sẽ bận hơn, thời gian ở nhà chắc không quá nhiều được”.

Tôi chẳng thể nói thẳng với Ninh Thanh, nhưng tôi nghĩ anh hiểu được ý tứ của tôi. Sau này, tôi nhất quyết không được giống như bây giờ, đem đến cho anh ảo tưởng nữa. Vậy nên tôi chọn giải pháp dồn hết thời gian cho công việc.

Ninh Thanh đã trở lại với vẻ bình thản của mình: “Được, anh biết rồi, đừng để quá mệt, chúc ngủ ngon”.

“Em xin lỗi, Ninh Thanh”.

Anh ngây người cười gượng: “Anh chỉ là trông chờ kỳ tích, anh không trách em”.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/64115


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận