Bầu trời chuyển từ đen sang xám sang tía rồi ánh nắng màu cam nhẹ dâng lên khắp chân trời. Reacher tắt đèn xe. Ông không thích chạy xe để đèn sau khi ngày lên. Chỉ là một cử chỉ vô thức, vì những tay cảnh sát bang đậu xe gác trên vệ đường. Đèn bật khi trời đã sáng gợi ý đủ thứ chuyện, như những cuộc trốn chạy suốt một đêm bỏ lại rắc rối hàng trăm dặm sau lưng. Chiếc Mustang đã quá khiêu khích rồi. Nó ồn ào và hung hăng, và nó thuộc loại xe bị ăn trộm nhiều nhất.
Nhưng những người cảnh sát ông gặp vẫn đứng yên trên vệ đường. Ông lái với tốc độ bảy mươi dặm một giờ, ra vẻ không có gì mờ ám, và bấm nút CD trên bảng điều khiển. Nhận lại một luồng nhạc của Sheryl Crow 1 thời kỳ giữa, không khiến ông quan tâm gì mấy. Ông cứ để nó chạy. Mỗi ngày là một khúc quanh, Sheryl nói với ông. Ông nghĩ, Tôi biết vậy. Cứ nói nữa đi.
* * *
Ông vượt qua sông Ohio trên một cây cầu sắt dài, mặt trời mới lên bên tay trái ông. Trong một thoáng, nó biến dòng nước chảy chậm thành chất vàng nấu chảy. Ánh sáng phản chiếu lên ông từ bên dưới chân trời và làm bên trong của chiếc xe sáng lên một cách không tự nhiên. Những trụ cầu lóe lên khi vượt qua như một ánh đèn chớp. Tác động thật là khó chịu. Ông nhắm con mắt trái và nheo mắt mà chạy vào Kentucky.
Ông giữ hướng Nam trên một con đường xuyên hạt và chạy cho đến sông Blackford. Theo bản đồ của Yanni thì nó là một nhánh phụ chảy trên một đường chéo từ Đông Nam sang Tây Bắc đổ vào sông Ohio. Gần phía đầu nguồn, nó tạo thành một tam giác đều hoàn hảo mỗi cạnh khoảng ba dặm với hai tuyến thư nông thôn. Và theo thông tin của Helen Rodin thì cái trường bắn mà James Barr ưa chuộng ở đâu đó trong vùng tam giác này.
Nhưng hóa ra trường bắn lại chính là cái tam giác. Thêm ba dặm nữa, Reacher thấy một hàng rào kẽm gai trên vệ đường bên trái của con đường bắt đầu ngay sau khi ông băng qua sông Blackford trên một cây cầu. Hàng rào chạy suốt đến ngã tư kế tiếp và cứ mỗi bốn cái cột thì lại có một tấm bảng: Coi chừng đạn lạc-Tránh xa. Rồi con đường xoay một góc sáu mươi độ và chạy thêm ba dặm về hướng Đông Bắc. Reacher chạy theo nó và ở nơi con đường gặp lại sông Blackford ông thấy một cái cổng và một khoảng trống rải đá dăm và một nhóm những căn chòi thấp. Cánh cổng được khóa bằng dây xích. Một tấm bảng sơn tay treo trên đó: Mở cửa từ 8 giờ sáng đến khi trời tối.
Ông xem đồng hồ. Ông đến sớm nửa giờ. Phía bên kia con đường là một toa xe bằng nhôm làm quán ăn có một khoảng đá sỏi án trước mặt. Ông tấp chiếc Mustang vào và dừng lại ngay kế bên cửa toa quán ăn. Ông đói. Miếng thịt bò phục vụ tại phòng của khách sạn Marriott dường như đã từ lâu lắm rồi.
Ông ăn một bữa điểm tâm chậm và dài ở chiếc bàn bên cửa sổ, và ngắm cảnh vật bên kia đường. Vào lúc tám giờ, đã có ba chiếc xe tải chờ vào trường bắn. Tám giờ năm phút, một người đàn ông đến trong một chiếc Humvee 2 màu đen chạy dầu diesel, ông ta ra hiệu xin lỗi vì đến muộn và mở cổng. Ông ta đứng tránh qua một bên cho khách bước vào trước. Rồi leo trở lại vào chiếc Humvee chạy theo họ. Ông ta lặp lại kiểu xin lỗi ấy ở cổng của căn chòi chính rồi cả bốn người bước vào trong và đi khuất tầm mắt. Reacher gọi thêm một tách cà phê. Ông nghĩ sẽ để cho ông ta làm việc với đợt khách sớm rồi mình mới tà tà đến, khi ông ta có thì giờ để trò chuyện. Và cà phê khá ngon. Quá ngon để không thể bỏ qua. Mới, nóng và đậm.
Lúc tám giờ hai mươi ông bắt đầu nghe tiếng súng trường. Những nhịp gõ đều đều, bị khoảng cách, gió và những gờ đất tước đi sức mạnh và tác động. Ông đoán các khẩu súng ở xa khoảng hai trăm thước Anh, bắn về hướng Tây. Những phát đạn chậm và đều, âm thanh của các tay súng có nghề nhắm vào các vòng bên trong. Rồi ông nghe một tràng nổ nhỏ hơn của một cây súng ngắn. Ông lắng nghe những âm thanh quen thuộc một lúc rồi bỏ lại hai đô la trên bàn và trả một hóa đơn mười hai đô la ở quầy tính tiền. Ông bước ra ngoài, leo lên chiếc Mustang rồi lái xuyên qua khoảng đất, leo qua gờ đường và vào thẳng qua cánh cổng mở.
Ông thấy tay lái xe Humvee đứng sau một cái quầy cao ngang thắt lưng trong căn chòi chính. Nhìn gần, ông ta trông già hơn so với khi nhìn từ xa. Trên năm mươi, dưới sáu mươi, tóc xám mỏng, da nhăn nheo, nhưng dáng đứng rất thẳng. Ông ta có cái cổ trông mệt mỏi to hơn cái đầu và cặp mắt tiết lộ ngay ông ta xưa là một tay hạ sĩ quan thủy quân lục chiến, ngay cả khi không có những hình xăm trên bắp tay và những kỷ vật treo trên bức tường sau lưng. Những hình xăm đã cũ và phai màu, các kỷ vật phần lớn là cờ hiệu và các huy hiệu của đơn vị. Nhưng trung tâm của những thứ trưng bày là một tấm bia đạn bằng giấy đang ngả vàng được lồng kính. Nó có một nhóm năm lỗ đạn ba ly nằm sát nhau trong vòng trong cùng của tấm bia và lỗ thứ sáu xén ngay rìa đường vòng.
Ông ta hỏi, "Tôi giúp gì cho anh đây?" Ông ta đang nhìn qua vai Reacher, ra ngoài cửa sổ, vào chiếc Mustang.
Reacher nói, "Tôi đến đây để giải quyết mọi rắc rối của anh."
"Thật vậy à?"
"Không, không thật vậy. Tôi chỉ muốn hỏi anh vài câu thôi."
Ông ta ngưng lại. "Về James Barr?"
"Anh đoán hay lắm."
"Không."
"Không?"
"Tôi không nói chuyện với bọn phóng viên."
"Tôi không phải là phóng viên."
"Ngoài kia là một chiếc Mustang năm lít, có một vài phụ tùng lắp sau. Do đó nó không phải là xe của cớm hay xe thuê. Và bảng số của nó là ở Indiana. Và nó có nhãn dán của NBC trên kính. Do đó tôi đoán anh là một phóng viên quyết tâm nặn ra một câu chuyện truyền hình về việc James Barr dùng chỗ của tôi để tập luyện và chuẩn bị như thế nào."
"Hắn có làm vậy không?"
"Tôi đã nói với anh rồi. Tôi không kể đâu."
"Nhưng Barr đã đến đây, đúng không?"
"Tôi không nói." Ông ta lặp lại. Không có ác ý trong giọng nói của ông ta. Không thù hằn. Chỉ là sự cả quyết. Ông ta không nói. Hết chuyện. Căn chòi trở nên yên lặng. Không nghe thấy gì ngoài tiếng súng từ xa và tiếng o o trầm trầm lạch xạch từ một phòng khác. Có lẽ là từ một cái tủ lạnh.
Reacher nhắc lại, "Tôi không phải là phóng viên. Tôi mượn xe của một phóng viên, thế thôi. Để đi xuống đây."
"Vậy anh là ai?"
"Chỉ là một người biết James Barr từ xưa. Tôi muốn biết về Charlie, bạn của hắn. Tôi nghĩ là gã bạn Charlie này dẫn hắn đi sai đường."
Ông ta không hỏi: Bạn nào? Ông ta không hỏi: Charlie là ai? Ông ta chỉ lắc đầu và nói, "Tôi không thể giúp anh."
Reacher chuyển ánh mắt sang cái bia đạn được đóng khung.
Ông hỏi, "Cái đó của anh à?"
"Mọi thứ anh thấy ở đây đều là của tôi."
Ông hỏi, "Tầm bắn nào vậy?"
"Tại sao anh hỏi?"
"Vì tôi đang nghĩ nếu là sáu trăm thước thì anh bắn khá giỏi. Nếu là tám trăm thước thì anh rất giỏi. Còn nếu là một nghìn thước thì anh thuộc loại cực siêu."
Ông ta hỏi, "Anh cũng bắn à?"
Reacher đáp, "Tôi từng bắn."
"Trong quân đội?"
"Ngày xa xưa."
Ông ta quay người nhấc cái khung ra khỏi đinh treo. Nhẹ nhàng đặt nó lên quầy và xoay nó lại để xem. Có một dòng chữ viết tay bằng mực phai màu ngang dưới cùng của tờ giấy: Giải Invitational 1000 thước, Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ 1978 - Trung sĩ Samuel Cash, Giải Ba. Rồi có ba chữ ký của ba giám khảo.
Reacher hỏi, "Anh là trung sĩ Cash?"
Ông ta đáp, "Đã về hưu và đang vùng vẫy."
"Tôi cũng vậy."
"Nhưng không phải từ quân đoàn."
"Anh chỉ nhìn thôi mà có thể biết được điều đó à?"
"Hẳn rồi."
Reacher nói, "Lục quân. Nhưng cha tôi là lính Thủy quân lục chiến."
Cash gật đầu. "Điều đó làm cho anh cũng được là nửa con người."
Reacher di di đầu ngón tay trên mặt kính, trên những lỗ đạn. Một nhóm năm phát thật đẹp, và phát thứ sáu chỉ lệch ra chừng một cọng tóc.
Ông nói, "Bắn giỏi đấy."
"Hôm nay mà bắn được như thế với chỉ nửa khoảng cách thôi thì tôi phải may mắn lắm."
Reacher nói, "Tôi cũng vậy. Thời gian ghê quá!"
"Anh muốn nói rằng ngày xưa anh có thể bắn được như thế à?"
Reacher không trả lời. Thật ra ông đã thắng Giải Invitational 1000 thước, Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đúng mười năm sau khi Cash giành giải ba. Ông đã bắn tất cả số đạn xuyên qua đúng trung tâm của tấm bia, trong một cái lỗ bị xé rách mà người ta có thể bỏ ngón tay cái lọt qua. Ông đã bày chiếc cúp sáng lóa trên kệ từ văn phòng này qua văn phòng khác suốt mười hai tháng bận rộn. Đó là một năm đặc biệt. Ông đã lên đến một thứ đỉnh cao, sinh lý cũng như tâm lý, trong mọi mặt. Năm đó, ông không thể trượt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng ông không bảo vệ danh hiệu của mình trong năm kế tiếp, mặc dù giới lãnh đạo Quân cảnh đã muốn ông làm thế. Về sau, khi nhìn lại, ông hiểu cái quyết định đó đánh dấu hai điều: khởi đầu của quá trình tách biệt ra khỏi quân đội dài và chậm, và khởi đầu của tình trạng bồn chồn không yên. Khởi đầu của việc luôn luôn xê dịch và không bao giờ nhìn trở lại đằng sau. Khởi đầu của việc không bao giờ muốn làm cùng một điều gì đó đến hai lần.
Trung sĩ Cash nói, "Một nghìn thước là một khoảng cách xa. Thật ra, từ khi rời quân đoàn, tôi chưa từng gặp ai có thể bắn trúng tấm bia nữa kìa."
Reacher nói, "Tôi xưa chắc có thể bắn xém cái gờ của tấm bia."
Cash nhấc cái khung lên khỏi mặt quầy, quay người và treo lại trên móc. Ông dùng ngón cái của bàn tay phải để chỉnh nó cân lại.
Ông nói, "Tôi không có đường bắn một nghìn thước ở đây. Nó chỉ phí đạn và làm khách hàng tự thấy hổ thẹn. Nhưng tôi có một đường ba trăm thước khá đẹp sáng nay đang để trống. Anh có thể thử xem. Một người có thể bắn xém tấm bia ở khoảng cách một nghìn thước sẽ bắn ngon lành ở ba trăm thước."
Reacher không nói gì.
Cash hỏi, "Anh không nghĩ vậy sao?"
Reacher đáp, "Chắc vậy."
Cash mở hộc lấy ra một tấm bia giấy mới toanh. "Anh tên gì?"
Reacher đáp, "Bobby Richardson." Robert Clinton Richardson, hiệu suất ghi điểm .301 năm 1959, 141 điểm trong 134 trận, nhưng đội Yanks vẫn chỉ đạt hạng ba.
Cash lấy một cây bút bi trong túi áo ra và ghi R. Richardson, 300 thước, và ghi ngày tháng lên mảnh giấy.
Reacher nói, "Lưu trữ hồ sơ."
Cash nói, "Thói quen thôi." Rồi ông vẽ một chữ X bên trong vòng trong. Nó cao chừng hơn một phân và do độ nghiêng của nét bút, bề rộng của nó chỉ khoảng một phân. Ông ta để mảnh giấy trên quầy và bỏ vào căn phòng có tiếng tủ lạnh. Trở ra với khẩu súng sau một phút. Đó là một khẩu Remington M24, với ống nhắm Leupold Ultra và một giá đỡ hai chân. Một vũ khí của dân bắn tỉa theo tiêu chuẩn Thủy quân lục chiến. Nhìn qua, nó đã được dùng nhiều nhưng vẫn trong tình trạng rất tốt. Cash đặt khẩu súng nằm nghiêng trên quầy. Tháo băng đạn ra và giơ cho Reacher thấy nó rỗng. Vận hành cái chốt và cho Reacher thấy ổ đạn cũng rỗng luôn. Phản xạ, sự quen thuộc, cẩn trọng, thao tác chuyên nghiệp.
Ông nói, "Của tôi đó. Được tính tầm bắn đúng ba trăm thước. Do chính tay tôi."
Reacher nói, "Tốt rồi." Mà tốt thật. Một cựu Thủy quân lục chiến từng là tay súng giỏi thứ ba trên thế giới năm 1978 thì có thể tin cậy trong những việc như thế này.
Cash nói, "Một phát thôi." Ông ta lấy từ túi ra một viên đạn duy nhất. Giơ nó lên. Đó là một viên .300 Winchester. Loại dùng cho thi đấu. Ông dựng nó đứng thẳng trên chữ X của tấm bia giấy. Nó che lấp hoàn toàn. Rồi ông mỉm cười. Reacher cười trả. Ông hiểu cuộc thách thức. Ông hoàn toàn hiểu. Bắn trúng X đi và tôi sẽ nói cho ông nghe về James Barr.
Ông nghĩ, Ít ra là không phải đấu tay đôi.
Ông nói, "Đi nào."
* * *
Trời bên ngoài rất lặng, không nóng cũng không lạnh. Thời tiết hoàn hảo cho việc bắn. Không run, không rủi ro vì nhiệt độ hay các luồng khí hay ánh sáng mờ. Không gió. Cash mang súng và tấm bia, còn Reacher thì nắm viên đạn trong lòng bàn tay. Họ cùng leo lên chiếc Humvee, Cash nổ máy làm rộ lên một tràng tiếng động từ động cơ diesel.
Reacher hỏi, qua tiếng ồn. "Anh thích chiếc này à?"
Cash đáp, "Không hẳn. Tôi khoái chiếc bốn chỗ hơn. Nhưng nó là vấn đề hình tượng. Khách hàng thích nó."
Khung cảnh chung quanh là những ngọn đồi thấp, phủ đầy cỏ và cây cối còi cọc. Ai đó đã dùng xe ủi đất để ủi những lối thẳng xuyên qua vùng đất. Những lối cách nhau hàng trăm thước và dài cũng hàng trăm thước, tất cả đều nằm song song. Mỗi lối là một đường bắn riêng. Mỗi đường bắn bị cách ly với những đường khác bằng những ngọn đồi tự nhiên và được đỡ bằng những gờ đất cao do xe ủi đùn lên. Nguyên cả vùng trông giống như một sân gôn xây dựng dở dang. Phần thì phủ xanh, phần thì để nguyên nham nhở, tất cả được phủ bằng những luống đất đỏ. Những hòn đá cuội và những tảng lớn được sơn trắng đánh dấu những lối đi qua đó, một số dành cho xe, một số cho người đi bộ.
Cash nói, "Mảnh đất này thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của gia đình tôi. Trường bắn là ý tưởng của tôi. Tôi đã nghĩ mình có thể làm như những tay chơi gôn chuyên nghiệp, hay quần vợt. Anh biết mấy cha đó mà, họ từng ở trong nghề, họ về hưu, về sau thì họ tổ chức dạy."
Reacher hỏi, "Có thành công không?"
Cash đáp, "Không hẳn. Người ta đến đây bắn, nhưng để buộc được một thằng cha nào đó thừa nhận rằng hắn không biết bắn thì cũng như đi nhổ răng vậy."
Reacher thấy ba chiếc xe tải đậu ở ba bãi bắn riêng. Mấy tay chờ lúc tám giờ sáng nay đã nhập hẳn vào buổi tập sáng của mình. Họ đều đã nằm bò trên những tấm thảm dừa, bắn, dừng lại, ngắm, lại bắn.
Cash nói, trả lời cho một câu hỏi mà Reacher không hỏi, "Chỉ là kiếm cơm thôi." Rồi ông lái chiếc Humvee ra khỏi lối chính và lái ba trăm thước dọc theo một đường bắn không có người. Ông nhảy xuống và kẹp tấm bia giấy vào một cái khung, lên xe và quay ngược đầu xe theo hình chữ K và chạy trở lui. Ông đậu xe ngay ngắn rồi tắt máy.
Ông nói, "Chúc may mắn."
Reacher ngồi im một lát. Ông hơi bị kích động hơn cần thiết. Ông hít vào, nén lại và cảm nhận sự kích thích của chất caffeine trong mạch máu. Chỉ là một cái run nhẹ rất vi tế. Bốn tách cà phê đậm liên tiếp không phải là một sự chuẩn bị lý tưởng cho phát súng chính xác trong khoảng cách xa.
Nhưng nó chỉ là ba trăm thước. Ba trăm thước với một khẩu súng tốt, không nóng, không lạnh, lặng gió. Hầu như giống hệt với ấn họng súng vào trung tâm của tấm bia mà bóp cò. Ông có thể nhắm mắt cũng làm được. Không có rắc rối cơ bản gì với tài thiện xạ cả. Rắc rối ở chỗ món cược. Ông muốn gã giật dây hơn nhiều so với mong muốn đoạt cúp của Thủy quân lục chiến những năm trước. Hơn rất nhiều. Ông không hiểu vì sao. Nhưng điều đó mới là rắc rối.
Ông thở ra. Chỉ có ba trăm thước thôi mà. Không phải là sáu. Không phải là tám. Không phải là một nghìn. Chẳng nhiều nhặn gì đâu.
Ông bước xuống chiếc Humvee và nhấc khẩu súng ra khỏi băng ghế sau. Mang nó đi băng ngang mặt đất gồ ghề đến tấm thảm xơ dừa. Nhẹ nhàng đặt nó vào chỗ, chân giá cách rìa tấm thảm một thước. Cúi xuống nạp đạn. Bước lui ra sau nó và canh thẳng người, cúi xuống, quỳ, nằm xoài thẳng người ra. Ông tì báng súng vào vai. Ngả cổ qua trái rồi qua phải để thư giãn và nhìn quanh. Có cảm giác như ông đang cô độc ở một nơi hoang sơ nào đó. Ông cúi đầu xuống. Nhắm mắt trái lại và dịch mắt phải vào ống ngắm. Úp bàn tay trái lên nòng súng, đè xuống và kéo ra sau. Giờ thì ông đã có một chỗ tựa ba chân. Cái giá súng, và vai ông. Rất vững. Ông dang hai chân và xoay bàn chân ra ngoài để chúng nằm áp vào tấm thảm. Kéo chân trái lên một chút và dúi đế giày vào sớ thảm để trọng tải của nó giữ thế. Ông thư giãn và nằm thả lỏng. Ông biết rằng mình phải trông giống như một kẻ đã bị bắn chết, thay vì một kẻ đang chuẩn bị bắn.
Ông nhìn qua ống ngắm. Thấy cái hình ảnh quá rõ ràng của một ống kính tuyệt vời. Ông tìm được tấm bia. Nó trông gần như có thể sờ được. Ông đặt đường chữ thập ngay chỗ hai đường vạch của chữ X gặp nhau. Bóp nhẹ cò súng để súng được sẵn sàng. Thư giãn. Thở ra. Ông có thể cảm thấy tim của mình. Có cảm giác như nó rời ra trong lồng ngực. Chất caffeine đang rạo rực trong những mạch máu của ông. Dấu chữ thập nhảy múa trên chữ X. Nó đang nhảy giật, qua trái qua phải, lên rồi xuống, trong một vòng tròn tùy tiện bé tí.
Ông nhắm mắt phải lại. Buộc tim mình dừng lại. Thở ra hết hơi trong phổi, một giây, hai giây. Rồi thở lại, hít vào, thở ra, giữ lại. Ông dồn hết năng lượng xuống dưới, vào bên trong đan điền. Để hai vai buông chùng. Để các cơ bắp thư giãn. Để chính mình an vị. Ông lại mở mắt ra và thấy cái dấu chữ thập vẫn đứng yên. Ông nhìn kỹ vào tấm bia. Cảm nhận nó. Muốn nó. Ông kéo cò. Khẩu súng nảy bật, gầm lên và luồng hơi từ nòng súng khuấy lên một đám bụi từ tấm thảm dừa và che khuất tầm nhìn. Ông ngẩng đầu lên ho một tiếng rồi cúi trở xuống ống ngắm.
Trúng hồng tâm.
Chữ X biến mất. Một cái lỗ tròn xoe khoan xuyên qua trung tâm của nó, chỉ để lại bốn vết bút bi nhỏ xíu hiển hiện, bốn vết ở hai đầu mỗi nét vạch. Ông lại ho và chống tay đứng dậy. Cash nhảy xuống chỗ của ông và dùng ống ngắm để kiểm tra kết quả.
Ông ta nói, "Bắn giỏi đấy."
Reacher nói, "Khẩu súng tốt đấy."
Cash kéo chốt, cái vỏ đạn rỗng rơi ra trên thảm. Ông ta quỳ lên, nhặt lấy nó, bỏ vào túi. Rồi ông đứng dậy, mang khẩu súng trở lại chiếc Humvee.
Reacher nói với theo, "Vậy tôi có đạt tiêu chuẩn không?"
"Cho cái gì?"
"Cho việc trò chuyện."
Cash quay lại, "Anh nghĩ đó là một cuộc thi à?"
"Tôi thật lòng hy vọng như vậy."
"Anh có thể không muốn nghe điều tôi phải nói đâu."
Reacher nói, "Cứ thử xem."
Cash gật đầu, "Ta sẽ nói chuyện trong văn phòng."
Họ đi tới hết đầu kia đường bắn để Cash lấy lại tấm bia. Rồi họ vòng xe lại chỗ những căn chòi. Họ chạy ngang qua những tay lái xe tải. Họ vẫn đang bắn. Cash đậu xe lại, họ bước vào trong, và Cash cất tấm bia của Reacher vào trong một ngăn kéo, dưới vần R - Richardson. Rồi ông ta lần những ngón tay đến vần B - Barr và kéo ra một xấp giấy dày.
Ông hỏi, "Anh tìm cách chứng minh là ông bạn của anh không làm vụ đó phải không?"
Reacher nói, "Hắn không phải là bạn của tôi. Tôi từng biết hắn, có thế thôi."
"Và?"
"Theo như tôi nhớ hắn không xuất sắc đến mức ấy."
"Bản tin trên tivi nói rằng đó là một tầm bắn khá ngắn."
"Với các mục tiêu di động và những góc lệch."
"Tivi nói rằng bằng chứng rất rõ ràng."
Reacher đáp, "Đúng vậy. Tôi có xem rồi."
Cash nói, "Xem mấy thứ này đi."
Ông ta chia những tấm bia như một cỗ bài, sắp dọc theo chiều dài của cái quầy. Rồi ông ta thúc chúng lại sát cạnh và xếp chúng lại để có thêm chỗ bỏ tiếp. Rồi ông ta sắp hàng thứ hai, ngay dưới hàng thứ nhất. Sau cùng ông ta có ba mươi hai tấm bia bày ra, hai dãy dài những vòng tròn đồng tâm lặp lại như nhau, tất cả đều ghi J. Barr, 300 thước, với ngày tháng ngược về cho đến ba năm trước.
Cash nói, "Xem đi rồi khóc."
Mỗi tấm bia đều cho thấy một điểm số lão luyện.
Reacher nhìn chúng thật kỹ, từng tấm một. Mỗi vòng trong cùng đều ken chặt những lỗ gọn tròn và chính xác. Những nhóm chặt, lớn và rõ ràng. Ba mươi hai tấm bia, mỗi tấm mười viên đạn, ba trăm hai mươi viên, tất cả đều ngay chóc điểm tuyệt đối.
Reacher hỏi, "Tất cả những lần hắn bắn đều ở đây à?"
Cash gật đầu, "Như anh nói đấy, tôi là một người ưa lưu trữ mà."
"Súng gì?"
"Khẩu Super Match của hắn. Khẩu súng tuyệt vời."
"Cảnh sát có gọi cho anh không?"
"Một thằng cha tên Emerson. Hắn rất lịch sự về chuyện đó. Vì tôi phải lo bảo vệ cái mạng của mình chứ, vì Barr luyện tập ở đây. Tôi không muốn làm hỏng danh tiếng trong nghề của mình. Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức ở đây, và chỗ này có thể bị ô danh."
Reacher xem kỹ lại các tấm bia thêm một lần nữa. Nhớ lời mình nói với Helen Rodin: Họ không quên đâu.
Ông hỏi, "Còn gã Charlie bạn của hắn thì thế nào?"
"Charlie thì vô vọng hoàn toàn."
Cash dồn những tấm bia của James Barr lại thành một đống và cất trở lại vào ngăn B. Rồi ông ta mở một ngăn kéo khác ra, lần ngón tay đến vần S và lấy ra một xấp giấy.
Ông nói, "Charlie Smith. Hắn cũng là cựu quân nhân, thấy được qua dáng vẻ của hắn. Nhưng với tay này thì tiền của Chú Sam không đầu tư được gì dài lâu."
Ông ta lặp lại động tác trước, trải những tấm bia của Charlie thành hai hàng dài. Ba mươi hai tấm cả thảy.
Reacher hỏi, "Họ luôn luôn đến đây cùng nhau à?"
Cash đáp, "Như hình với bóng vậy."
"Những đường bắn riêng?"
"Những hành tinh riêng."
Reacher gật đầu. Xét theo điểm số thành tích thì các tấm bia của Charlie kém xa bia của James Barr. Tệ hơn nhiều. Chúng là sản phẩm của một tay súng kém cỏi. Một tấm chỉ có bốn vết đạn, tất cả đều bên ngoài vòng ngoài cùng, mỗi phát nằm trong mỗi góc. Suốt tất cả ba mươi hai tấm bia hắn chỉ có bốn phát trúng bên trong vòng trong. Một phát ngay chóc hồng tâm. Chó ngáp phải ruồi, có lẽ vậy, hay do gió, đạn đi lệch, hay nhiệt độ bất thường. Bảy phát suýt chút trúng vành đen. Ngoài ra, Charlie vãi đạn ra khắp nơi. Phần lớn đạn của hắn chắc đã trượt hoàn toàn. Theo tỷ lệ phần trăm thì hầu hết những vết đạn của hắn nằm trong vành trắng giữa hai vòng ngoài cùng. Điểm rất thấp. Nhưng những vết đạn của hắn không phải do hoàn toàn ngẫu nhiên. Có một quy luật kỳ dị ở đó. Hắn có nhắm, nhưng vẫn bắn trật. Có lẽ mắt hắn bị một chứng loạn thị tồi tệ nào đấy.
Reacher hỏi, "Hắn thuộc kiểu người như thế nào?"
Cash nói, "Charlie? Charlie là một tấm bảng trống trơn. Không thể đoán định gì về hắn. Nếu hắn là một tay súng khá hơn thì chắc tôi đã gần như sợ hắn rồi đấy."
"Một tay nhỏ con, phải không?"
"Bé xíu. Tóc rất quái."
"Họ có trò chuyện nhiều với anh không?"
"Không mấy. Họ chỉ là hai người từ Indiana xuống, ghé bắn như một thú vui. Ở đây tôi có nhiều khách kiểu như vậy lắm."
"Anh có xem họ bắn không?"
Cash lắc đầu, "Tôi đã hiểu được rằng đừng bao giờ quan sát bất cứ ai. Người ta xem đó như là chỉ trích. Tôi chờ cho họ đến với tôi, nhưng chưa có ai làm thế."
"Barr mua đạn ở đây phải không?"
"Loại Lake City. Rất đắt."
"Súng của hắn cũng không rẻ chút nào."
"Hắn xứng với khẩu đó."
"Charlie dùng súng gì?"
"Cũng cùng loại. Như một đôi hợp cạ vậy. Trong trường hợp của hắn thì đúng là hài hước. Như là một gã béo lại mua một chiếc xe đạp đua loại nhẹ vậy."
"Ở đây anh có các đường bắn súng ngắn riêng biệt chứ?"
"Một đường trong nhà. Người ta dùng nó nếu trời mưa. Nếu không thì tôi để họ bắn bên ngoài trời, bất cứ nơi nào mà họ muốn. Tôi không quan tâm lắm đến súng ngắn. Chúng không có nghệ thuật gì cả."
Reacher gật đầu và Cash gom những tấm bia của Charlie lại thành một đống, thận trọng xếp chúng theo đúng thứ tự ngày tháng. Rồi ông ta xếp chúng lại với nhau và cất trở lại vào ngăn vần S.
Reacher nói, "Smith là một cái tên phổ biến. Thật ra tôi nghĩ rằng nó là cái tên phổ biến nhất ở Mỹ."
"Nó là tên thật. Tôi xem bằng lái xe trước khi nhận bất cứ người nào làm thành viên."
"Hắn nguyên là người ở đâu?"
"Theo giọng nói? Ở đâu đó trên miền Bắc."
"Tôi có thể lấy một tấm bia của James Barr không?"
"Để làm quái gì vậy?"
Reacher đáp, "Làm kỷ niệm thôi."
Cash không nói gì.
Reacher nói, "Nó sẽ không bị phát tán đâu. Tôi sẽ không mang bán nó trên mạng."
Cash không nói gì.
Reacher nói, "Barr sẽ không trở lại. Điều đó là chắc chắn. Và nếu anh muốn giữ cái mạng mình thì anh nên vứt hết chúng đi mới phải."
Cash nhún vai và quay lại tủ hồ sơ.
Reacher nói, "Lấy cái mới nhất nhé. Cái đó sẽ là tốt nhất."
Cash lần qua xấp giấy rồi lôi ra một tờ. Đưa qua quầy. Reacher nhận lấy và xếp lại cẩn thận rồi bỏ vào túi áo.
Cash nói, "Chúc bồ tèo của anh may mắn."
Reacher đáp, "Hắn không phải bạn tôi. Nhưng cám ơn anh nhiều."
Cash nói, "Không có gì. Vì tôi biết anh là ai. Tôi nhận ra anh ngay khi anh nằm xuống sau khẩu súng. Tôi chẳng bao giờ quên tư thế nằm sấp của ai cả. Anh đoạt giải mười năm sau khi tôi dự. Tôi đứng xem giữa đám đông. Tên thật của anh là Reacher."
Reacher gật đầu.
Cash nói, "Anh lịch sự lắm. Vì đã không nhắc đến nó sau khi tôi kể với anh rằng tôi chỉ được giải ba."
Reacher nói, "Cuộc đấu của anh gay go hơn. Mười năm sau chỉ toàn là một đám bất tài."
Ông dừng lại tại trạm xăng cuối cùng ở Kentucky và đổ đầy bình xăng của Yanni. Rồi ông gọi cho Helen Rodin từ một điện thoại công cộng.
Ông hỏi, "Tay cớm còn ở đó không?"
"Hai tay. Một trong khách sảnh và một ở cửa phòng của tôi."
"Franklin khởi sự chưa?"
"Làm ngay sáng sớm nay."
"Có tiến triển gì không?"
"Không có gì cả. Họ là năm người rất bình thường."
"Văn phòng của Franklin ở đâu?"
Cô cho ông một địa chỉ. Reacher xem đồng hồ. "Tôi sẽ gặp cô ở đó lúc bốn giờ."
"Ở Kentucky thế nào?"
Ông đáp, "Rối rắm lắm."
* * *
Ông lại băng ngang qua sông Ohio trên cùng một cây cầu, có Sheryl Crow nói đi nói lại với ông rằng mỗi ngày là một khúc quanh. Ông vặn nút tăng âm thanh và rẽ trái về hướng Tây. Bản đồ của Ann Yanni cho thấy có một giao lộ bốn vòng xoay ở bốn mươi dặm trước mặt. Ông có thể rẽ về hướng Bắc ở đó và một vài giờ sau ông có thể vượt qua nguyên thành phố, bốn mươi bộ trên không trung. Có vẻ như thế sẽ hay hơn là dùng những con đường bên dưới. Ông nghĩ Emerson sẽ rất bực mình. Rồi sẽ nổi điên lên, vào một thời điểm nào đó trong vòng hôm nay. Nếu là Reacher thì sẽ như vậy. Reacher đã là Emerson trong vòng mười ba năm, và trong tình cảnh này ông cũng sẽ phát khùng lên, rải lính ra khắp các đường phố, thử đủ các cách.
Ông tìm thấy cái giao lộ và nhập vào nhánh xa lộ chạy về hướng Bắc. Ông tắt máy CD khi nó chạy lại từ đầu và cài xe chạy theo chế độ tự động. Chiếc Mustang chạy rất tốt ở tốc độ bảy mươi dặm một giờ. Nó ầm ào lao đi, mạnh mẽ, không ho hen vờ vịt gì cả. Reacher nghĩ nếu ông có thể đặt cái động cơ đó vào một thân xe bốn chỗ cũ kỹ móp méo nào đó, thì nó sẽ là loại xe mà ông muốn có.
Bellantonio đã làm việc trong phòng phân tích chứng cứ từ bảy giờ sáng. Ông đã lấy dấu tay trên chiếc điện thoại di động bị vứt dưới xa lộ, và không có được kết quả gì giá trị cả. Rồi ông sao lại bảng ghi lại các cuộc gọi. Số điện thoại cuối cùng được gọi là số di động của Helen Rodin. Trước đó là số di động của Emerson. Hiển nhiên là Reacher đã gọi hai cuộc gọi đó. Sau đó là một chuỗi những cuộc gọi đến nhiều máy di động khác nhau được đăng ký cho Dịch vụ chuyên dụng của Indiana. Có thể Reacher cũng gọi những cuộc đó, hay có thể không phải hắn gọi. Không cách gì biết được. Bellantonio ghi chúng lại hết, nhưng ông biết Emerson sẽ không làm gì với chúng. Điểm duy nhất có thể khai thác tiếp là cuộc gọi cho Helen Rodin, và Emerson không thể nào làm khó một luật sư biện hộ về một cuộc đàm thoại với một nhân chứng, dù hắn có là nghi can hay không. Điều đó chỉ phí hơi sức thôi.
Do đó ông tiếp tục với các cuốn băng quay ở nhà để xe. Ông cần làm việc với bốn ngày, chín mươi sáu giờ, gần ba nghìn lượt xe riêng biệt. Người của ông đã ghi lại hết. Chỉ có ba chiếc là xe Cadillac. Indiana cũng giống như phần lớn các tiểu bang miệt trong. Người ta mua xe tải nhẹ trước tiên, rồi đến xe thể thao địa hình, rồi xe hai chỗ ngồi, rồi xe mui lật. Những chiếc xe con thông thường chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, và phần lớn chúng là Toyota hay Honda hay xe nội địa cỡ trung. Xe cao tốc cỡ lớn thì rất hiếm, và những hãng danh giá là hiếm nhất.
Chiếc Cadillac đầu tiên trên băng là một chiếc Eldorado màu trắng ngà. Một chiếc hai chỗ ngồi, hai cửa, phải vài năm rồi. Nó đã đậu trước mười giờ trong buổi sáng ngày thứ Tư và đậu lại năm tiếng. Chiếc Cadillac thứ hai trên băng là một chiếc STS mới, có lẽ là màu đỏ hay xám, có khả năng là xanh nhạt. Khó mà biết chắc được với hình ảnh một màu mờ mờ trên băng. Dù là thế nào đi nữa, nó đã đậu ngay sau giờ ăn trưa ngày thứ Năm và ở đó trong hai tiếng.
Chiếc Cadillac thứ ba là một chiếc Deville màu đen. Băng ghi được cảnh nó chạy vào nhà để xe ngay sau sáu giờ sáng ngày thứ Sáu. Ngày thứ Sáu đen tối, như Bellantonio gọi nó. Vào sáu giờ sáng, nhà để xe sẽ gần như hoàn toàn trống. Cuốn băng cho thấy chiếc Deville chạy lên con dốc, nhanh và tự tin. Và cho thấy nó chạy trở ra chỉ sau bốn phút.
Đủ thời gian để đặt cái trụ chắn đường.
Người tài xế không lộ diện trong cả hai lần. Chỉ thấy một vệt mờ xám đằng sau cửa kính. Có thể đó là Barr, cũng có thể không phải hắn. Bellantonio ghi lại tất cả cho Emerson. Ông nhắc mình phải xem lại để biết có phải bốn phút là khoảng thời gian ngắn nhất một chiếc xe lưu lại trong những cuộn băng không. Ông ngờ rằng đúng vậy, rất có khả năng.
Rồi ông xem xét lại cuộc rà soát căn hộ của Alexandra Dupree. Ông đã điều một nhân viên cấp dưới làm việc này vì nó không phải là hiện trường tội ác. Không tìm được điều gì thú vị ở đó. Chẳng có gì cả. Ngoại trừ chứng cứ về dấu tay. Căn hộ có một mớ dấu tay hỗn độn, như mọi căn hộ chung cư khác. Phần lớn là của các cô gái, nhưng có bốn bộ dấu tay khác. Ba bộ trong số đó không thể xác định được.
Bộ dấu tay thứ tư là của James Barr.
James Barr đã có mặt ở căn hộ của Alexandra Dupree. Trong phòng khách, trong nhà bếp, trong phòng vệ sinh. Không nghi ngờ gì về điều này. Dấu rất rõ, hoàn toàn trùng khớp. Không thể lầm.
Bellantonio ghi lại cho Emerson.
Rồi ông đọc bản báo cáo mà nhân viên pháp y vừa đưa vào. Alexandra Dupree bị giết bởi một cú đấm rất mạnh ngay thái dương bên phải, do một kẻ thuận tay trái đấm. Cô đã ngã xuống mặt đất rải sỏi có những chất hữu cơ gồm cả cỏ và đất. Nhưng cô lại được tìm thấy trong một con hẻm lát đá vôi. Do đó xác của cô đã được mang đi ít nhất là một khoảng ngắn giữa nơi chết và nơi được tìm thấy. Những chứng cứ về sinh lý học khác xác minh điều này.
Bellantonio lấy một tờ giấy ghi chú mới và viết hai câu hỏi cho Emerson: Reacher có thuận tay trái không? Hắn có chiếc xe nào không?
The Zec dùng thời gian trong buổi sáng để quyết định làm gì với Raskin. Raskin đã thất bại ba lần riêng rẽ. Trước hết, vì bị theo dõi từ ban đầu, sau đó vì bị tấn công từ phía sau, và sau cùng là bị lấy mất chiếc điện thoại di động. The Zec không thích thất bại. Lão không thích thất bại chút nào. Ban đầu lão chỉ cân nhắc đến việc không cho Raskin ra đường và giới hạn hắn làm nhiệm vụ trong phòng video ở tầng trệt của ngôi nhà. Nhưng làm sao lão có thể giao cho một tên thất bại trông coi sự an ninh của mình?
Rồi Linsky gọi. Chúng đã tìm kiếm suốt mười bốn giờ liên tục mà không thấy bóng dáng thằng lính đâu cả.
Linsky nói, "Giờ chúng ta nên theo dõi con nhỏ luật sư. Nghĩ cho cùng thì không có nó sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Nó là điểm tập trung. Nó là đứa điều khiển những động thái trong vụ này."
The Zec nói, "Điều đó làm tăng thêm độ rủi ro đấy."
"Độ rủi ro đã cao lắm rồi."
"Có thể thằng lính đã bỏ đi mãi mãi."
Linsky nói, "Có thể như vậy. Nhưng điều quan trọng là những gì hắn bỏ lại sau lưng. Trong đầu con luật sư."
The Zec nói, "Ta sẽ nghĩ về điều này. Ta sẽ liên lạc lại với mày."
"Chúng em có nên tiếp tục tìm kiếm không?"
"Mệt rồi à?"
Linsky đã kiệt sức và cột sống đau nhức vô cùng.
Hắn nói dối, "Không. Em chưa mệt."
The Zec nói, "Vậy thì tiếp tục tìm. Nhưng điều Raskin về đây cho ta."
Reacher giảm tốc độ còn năm mươi dặm một giờ khi xa lộ bắt đầu vươn lên trên những trụ đỡ. Ông theo làn đường ở giữa và bỏ qua đoạn rẽ phía sau thư viện bên tay phải của mình. Ông chạy tiếp lên hướng Bắc thêm hai dặm nữa và ra khỏi xa lộ ở nhánh vòng xoay đi xuống con đường bốn làn có các bãi bán xe và cửa hàng phụ tùng. Ông chạy về hướng Đông trên đường xuyên hạt và lại rẽ về hướng Bắc, trên tuyến thư nông thôn của Jeb Oliver. Sau một phút, ông dấn sâu vào vùng thôn dã tĩnh mịch. Những cột tưới xoay chầm chậm và mặt trời đang tạo ra những cầu vồng trong những giọt nước nhỏ xuống.
Vùng miệt trong. Nơi có những bí mật.
Ông tấp vào và dừng lại cạnh thùng thư của Oliver. Chiếc Mustang không cách gì chạy xuống lối vào được. Mô đất giữa đường sẽ giật cho rụng hết những bộ phận dưới gầm xe. Bộ phận giảm xóc, hệ thống xả hơi, trục xe, bộ phận truyền động, bất cứ thứ gì khác nằm dưới đó. Ann Yanni sẽ chẳng hài lòng tí nào. Nên ông chui ra, để chiếc xe lại đó, thấp nhỏ, chúi xuống và nhấp nháy màu xanh trong nắng. Ông đi xuống nhánh đường đất, cảm nhận từng hòn đá qua đế giày mỏng. Chiếc Dodge màu đỏ của Jeb Oliver chưa bị dời đi. Nó vẫn còn ở đó, đất đỏ dính lên chút ít và sương khô đọng thành vệt. Ngôi nhà chính im lặng. Cái nhà kho đóng cửa và khóa.
Reacher bỏ qua cửa trước. Ông đi quanh hông ngôi nhà đến sân sau. Mẹ của Jeb đang ở đó, ngồi trên chiếc xích đu. Bà ta mặc đồ như trước, nhưng lần này trên tay không có cái chai. Chỉ có ánh mắt điên dại từ đôi mắt to như hai cái đĩa nhỏ. Bà ngồi lên một chân và dùng chân kia đẩy chiếc xích đu nhanh gấp đôi lần trước.
Bà nói, "Chào."
Reacher hỏi, "Jeb chưa về à?"
Bà chỉ lắc đầu. Reacher nghe thấy tất cả những tiếng động mà ông đã nghe lần trước. Tiếng vòi tưới rít, tiếng rin rít của cái xích đu, tiếng cọt kẹt của ván sàn.
Ông hỏi, "Bà có súng không?"
Bà đáp, "Tôi không dính đến chúng."
Ông hỏi, "Có điện thoại không?"
Bà đáp, "Cắt rồi. Tôi nợ họ tiền. Nhưng tôi không cần điện thoại. Jeb cho tôi dùng di động của nó khi cần."
Reacher nói, "Tốt lắm."
"Điều đó thì tốt cái quái gì? Jeb không có ở đây."
"Đó mới chính là điều tốt. Tôi sẽ phá cửa căn nhà kho và tôi không muốn bà gọi cảnh sát khi tôi làm. Hay bắn tôi."
"Đó là nhà kho của Jeb. Ông không được vào đó."
"Tôi chẳng biết bà sẽ làm thế nào cản được đây."
Ông quay lưng lại bà ta và đi tiếp theo con đường đất. Nó hơi uốn cong và dẫn thẳng đến cánh cửa đôi của căn nhà kho. Các cánh cửa cũng như chính căn nhà kho được làm bằng ván cũ, luân phiên bị nung rồi lại làm cho mục nát bởi một trăm mùa hè rồi lại mùa đông. Reacher chạm khớp ngón tay vào chúng và cảm thấy chúng khô nẻ và rỗng ruột. Cái ổ khóa mới toanh. Nó là một cái khóa xe đạp hình chữ U giống như thứ người giao thư trong thành phố thường dùng. Một chân của chữ U xuyên qua hai yếm khóa bằng thép màu đen được bắt dính vào những tấm ván cửa. Reacher sờ cái khóa. Lay nó. Thép cứng, nóng lên dưới ánh nắng. Một kết cấu rất chặt. Không cách gì cắt được, không cách gì phá được.
Nhưng một cái khóa chỉ vững chắc được bằng vật nó gắn vào.
Reacher nắm lấy đầu thẳng của cái khóa, đáy của chữ U. Nhẹ nhàng kéo nó, rồi mạnh tay hơn. Cánh cửa oằn về hướng ông rồi ngưng lại. Ông chống lòng bàn tay vào lớp gỗ và đẩy lại. Giữ cho chúng vẫn đóng bằng cánh tay trái duỗi thẳng và ghì giật cái khóa bằng tay phải. Chốt cửa nhích ra một chút nhưng không nhiều. Reacher đoán hẳn Jeb dùng gioăng ở đằng sau, bên dưới những con ốc. Có lẽ là những cái gioăng to. Chúng phân tán bớt trọng lực.
Ông nghĩ: OK, thêm áp lực.
Ông giữ phần thẳng của cái khóa bằng cả hai tay và ngửa người về sau như trượt nước. Kéo mạnh và tống gót chân vào phần cánh cửa bên dưới cái khóa. Chân ông dài hơn tay, vì thế ông bị chuột rút và cú đạp không có nhiều lực. Nhưng thế là đủ. Tấm ván vỡ ra một ít và có gì đó hé chừng một phân. Ông chuẩn bị và cố sức lần nữa. Có tiến triển hơn. Rồi tấm ván bên tay trái cánh cửa tách ra hoàn toàn và hai cái then bật ra. Reacher đặt lòng bàn tay trái trên cánh cửa và luồn những ngón tay phải vào kẽ hở mà quặp chặt. Ông hít một hơi sâu và đếm đến ba rồi giật mạnh. Chốt cửa cuối cùng rơi ra, cả bộ khóa rơi xuống đất và cánh cửa mở toang ra hết cỡ. Reacher bước tránh ra và mở hai cánh cửa sát tới tường để cho ánh nắng tràn vào.
Ông đoán rằng mình sẽ thấy một phòng chế biến "hàng phê", có lẽ có các bàn dài và chai lọ, cân, khí đốt, và nhiều đống túi nhỏ mới sẵn sàng nhận hàng. Hoặc một đống hàng lớn, sẵn sàng lên đường phân phối.
Ông không thấy thứ gì như thế cả.
Ánh nắng lọt vào xuyên qua những kẽ hở giữa những tấm ván cong vênh. Bên trong căn nhà kho có lẽ dài bốn mươi và rộng hai mươi bộ. Nền đất trơn, được quét và nện chắc. Hoàn toàn trống trơn ngoại trừ một chiếc xe tải nhỏ đã chạy nhiều đậu ngay chính giữa.
Chiếc xe tải hiệu Chevy Silverado, đã được vài năm. Nó màu nâu nhạt, như màu đất sét nung. Nó là một chiếc xe để làm ăn. Nó được làm theo những yêu cầu tối thiểu. Một mẫu mã cơ bản. Ghế nhựa, bánh thép, lốp xe không màu mè. Thùng xe sạch nhưng trầy trụa và móp. Không có bảng số. Các cửa xe bị khóa và không thấy chìa khóa ở đâu cả.
"Cái gì thế này?"
Reacher quay lại thấy mẹ của Jeb Oliver đứng sau lưng. Bà nắm chặt tay lên rầm cửa, như thể bà không muốn bước qua ngưỡng cửa.
Reacher nói, "Một chiếc xe tải."
"Cái đó thì thấy rồi."
"Nó là của Jeb?"
"Tôi chưa bao giờ thấy nó trước đây."
"Hắn lái xe gì trước khi có chiếc xe to màu đỏ kia?"
"Không phải chiếc này."
Reacher bước tới gần chiếc xe để nhìn vào trong qua cửa kính bên tài xế. Số tay. Bụi bẩn. Đồng hồ cho biết số dặm đã đi rất cao. Nhưng không có rác. Chiếc xe tải đã từng là người phục vụ trung thành của ai đó, họ sử dụng nhưng không hành hạ nó.
Người đàn bà lặp lại, "Tôi chưa từng thấy nó."
Có vẻ như nó đã ở đó từ lâu lắm rồi. Bốn bánh xe đã gần xẹp. Nó không bốc mùi xăng dầu. Nó lạnh lẽo, trơ ì ra, phủ một màng bụi. Reacher quỳ xuống, xem bên dưới gầm xe. Chẳng có gì cả. Chỉ một bộ khung xe, đất cũ đóng bánh, trầy trụa do đá sỏi.
Ông hỏi vọng lên, "Chiếc xe này đã ở đây bao lâu rồi?"
"Tôi không biết."
"Hắn gắn ổ khóa lên cửa khi nào?"
"Có lẽ hai tháng trước."
Reacher lại đứng lên.
Người đàn bà hỏi, "Anh muốn tìm cái gì vậy?"
Reacher quay lại đối diện bà và nhìn vào mắt bà. Hai đồng tử mở lớn.
Ông nói, "Muốn biết thêm bà thường ăn điểm tâm hằng ngày thứ gì thôi."
Bà mỉm cười, "Anh nghĩ là Jeb nấu ăn 3 trong này à?"
"Không phải thế sao?"
"Cha dượng của nó mang qua."
"Bà có chồng à?"
"Hết rồi. Nhưng ông ấy vẫn mang qua."
Reacher nói, "Jeb đã sử dụng hôm tối thứ Hai."
Người đàn bà lại mỉm cười. "Một bà mẹ có thể chia sẻ với con mình chứ. Phải không nào? Nếu không thì có mẹ để làm gì nữa?"
Reacher quay đi nhìn chiếc xe tải một lần nữa. "Tại sao hắn để chiếc xe cũ khóa lại trong này còn chiếc mới thì để ngoài trời mưa nắng như vậy?"
Người đàn bà nói, "Tôi chịu thua. Jeb luôn làm theo ý riêng của nó."
Reacher trở ra khỏi căn nhà kho và dựng từng cánh cửa lại. Rồi ông dùng các ngón cái ấn các chốt cửa vào trong các lỗ bị vỡ của chúng. Sức nặng của cái khóa lại lôi chúng bật ra một nửa. Ông cố làm cho nó trông gọn gàng hết mức có thể, rồi ông bỏ nó đấy và bước đi.
Người đàn bà hỏi với theo, "Jeb có bao giờ trở về nữa không?"
Reacher không trả lời.
Chiếc Mustang đang quay mũi về hướng Bắc nên Reacher lái về hướng Bắc. Ông bật CD thật lớn và chạy tiếp mười dặm theo một con đường thẳng băng, nhắm đến một chân trời không bao giờ đến.
Raskin đào huyệt cho chính mình bằng một chiếc xe ủi đất Caterpillar. Nó cũng là chiếc xe ủi đã được dùng để san bằng khu đất của The Zec. Chiếc xe có một xẻng xúc nửa mét với bốn răng bằng thép. Chiếc xẻng chậm rãi ngoạm từng miếng đất xốp mềm và đổ chúng sang một bên. Tiếng máy hết gầm lên lại chậm lại, và những bụm khói diesel đều đặn tỏa đầy trời Indiana.
Raskin ra đời trong thời kỳ Liên bang Xô viết, và hắn đã chứng kiến nhiều điều. Afghanistan, Chechnya, cuộc biến động ngoài sức tưởng tượng ở Moscow. Một kẻ khác trong tình cảnh của hắn thì có lẽ đã chết nhiều lần rồi, và điều đó cộng với tư tưởng định mệnh tự nhiên của người Nga làm cho hắn tuyệt đối lãnh đạm với số phận của mình.
The Zec đã nói, "Ukase." 4 Một mệnh lệnh từ một thẩm quyền tuyệt đối.
Raskin đã đáp, "Nichevo." 5 Không có gì quan trọng.
Tiếp đó hắn nổ máy chiếc xe ủi. Hắn chọn một điểm đám công nhân nghiền đá không thấy được bởi cái khối đồ sộ của ngôi nhà che chắn. Hắn đào một cái rãnh gọn gàng, rộng nửa mét, dài mét tám, sâu mét tám. Hắn đổ chỗ đất vừa đào chất đống bên tay phải, về hướng Đông, như một rào chắn giữa chính mình và quê nhà. Khi đã làm xong, hắn lui xe khỏi cái hố và tắt máy. Leo xuống khỏi buồng máy và chờ. Không có chuyện trốn chạy ở đây. Bỏ chạy là vô ích. Nếu hắn bỏ trốn, thì thế nào đi nữa họ cũng tìm ra, và lúc đó thì hắn sẽ không cần đến cái huyệt làm gì. Họ sẽ dùng bao đựng rác, năm hay sáu cái. Họ sẽ dùng dây điện để niêm phong các mảnh của hắn trong bao nhựa đen lạnh lẽo. Họ sẽ bỏ gạch vào chung với thịt của hắn và ném mấy cái bao xuống sông.
Trước đây hắn đã thấy chuyện này rồi.
Ngoài xa, The Zec đi ra khỏi ngôi nhà. Một lão già thấp bé, to bè, cổ lỗ, lom khom, bước đi với tốc độ vừa phải, tràn trề quyền lực và năng lượng. Lão băng ngang qua khoảng đất gồ ghề, nhìn xuống, nhìn về phía trước. Năm mươi thước, một trăm. Lão đến gần Raskin và dừng lại. Lão thọc bàn tay tàn phế vào túi và lấy ra một khẩu súng lục nhỏ, ngón cái tay trái và gốc của ngón trỏ kẹp qua vòng cò súng. Lão giơ súng ra, và Raskin nhận lấy.
The Zec nói, "Ukase."
Raskin đáp, "Nichevo." Một tiếng ngắn, hòa nhã, nhũn nhặn, như de rien trong tiếng Pháp, như de nada trong tiếng Tây Ban Nha, như prego trong tiếng Ý. Thưa ngài, tôi tùy thuộc vào mệnh lệnh của ngài.
The Zec nói, "Cám ơn."
Raskin bước đến phần cuối hẹp của cái rãnh. Mở ổ đạn của khẩu súng lục và thấy một viên đạn duy nhất. Đóng ổ đạn lại, xoay cho tới khi nó nằm đúng chỗ. Rồi hắn kéo cò súng ra sau và đặt nòng súng vào miệng. Hắn quay lại để đối diện với The Zec và quay lưng lại cái rãnh. Hắn lùi lại sau cho tới khi gót chân đặt trên mép hố. Hắn đứng yên, thẳng, thăng bằng và điềm tĩnh, như một vận động viên lặn của Olympic đang chuẩn bị cho một cú nhảy lộn ngược rất khó từ tấm ván trên cao.
Hắn nhắm mắt lại.
Hắn bóp cò.
Trong vòng một dặm quanh đó, những con quạ đen bay lên huyên náo trong bầu trời. Máu, óc, và xương bắn lên qua ánh nắng theo một đường parabol tuyệt đẹp. Xác Raskin ngã ngửa ra sau và rơi xuống, duỗi thẳng và đờ ra dưới đáy rãnh. Bầy quạ lại sà xuống đất và tiếng động yếu ớt của những cái máy nghiền đá ngoài xa lại trở về và nghe như im bặt. Rồi The Zec trèo vào buồng lái chiếc xe ủi và mở máy. Những cần gạt có những cái núm to như viên bi-a, nên lão điều khiển chúng dễ dàng chỉ với lòng bàn tay mình.
* * *
Reacher dừng lại cách thành phố mười lăm dặm về hướng Bắc và đậu chiếc Mustang trên đoạn đường tránh rộng rải sỏi hình chữ V tạo thành ở góc của hai khoảnh ruộng hình tròn thật lớn gặp nhau. Những khoảnh ruộng nằm ở khắp nơi, Bắc, Nam, Đông, Tây, khoảnh này nối tiếp khoảnh khác thành hàng vô tận. Mỗi khoảnh có trụ tưới riêng. Mỗi trụ đều đang xoay cùng một nhịp chậm và nhẫn nại.
Ông tắt máy xe và bước xuống. Ông đứng vươn vai và ngáp. Không khí đầy hơi nước từ những chiếc trụ tưới. Nhìn gần, những trụ tưới như những cỗ máy công nghiệp khổng lồ. Như những phi thuyền của người ngoài hành tinh vừa đậu xuống. Có một cột lấy nước trung tâm đứng thẳng ở giữa mỗi khoảnh ruộng, như là một cái ống khói cao bằng kim loại. Cần của trụ tưới vươn ra theo chiều ngang và phun nước ra từ hàng trăm vòi đặt cách quãng theo chiều dài của nó. Ở đầu ngoài cùng của cần tưới có một cái chân thẳng đứng chống đỡ trọng lượng của nó. Ở dưới cùng của cái chân là một cái bánh xe vỏ bằng cao su. Cái bánh xe to như bánh máy bay. Nó aef lăn vòng quanh một vệt đã mòn, kiên trì không nghỉ.
Reacher nhìn và chờ cho tới khi chiếc bánh xe trong khoảnh ruộng gần nhất tiến đến gần. Ông đi lại và bước dọc theo nó. Giữ nhịp với nó. Chiếc bánh xe gần như ngang thắt lưng của ông. Còn cái trụ tưới thì cao quá đầu ông nhiều. Ông giữ cho bánh xe nằm bên phải của mình và theo nó đi suốt vòng tròn dài theo chiều kim đồng hồ. Ông đang đi qua đám sương mù mịn. Lạnh. Cái trụ tưới rít lên thật lớn. Chiếc bánh xe nhẹ nhàng vươn lên rồi hạ xuống thấp. Một vòng thật dài. Cần tưới có lẽ dài đến một trăm năm mươi bộ, do đó vệt đường mòn bao quanh dài hơn ba trăm thước. Pi nhân với đường kính. Diện tích là Pi nhân với bán kính bình phương, do đó nó sẽ lớn hơn sáu nghìn ba trăm mét vuông. Có nghĩa là những góc bỏ hoang cộng lại gần một nghìn bảy trăm mét vuông. Hơn hai mươi mốt phần trăm. Hơn bốn trăm mét vuông ở mỗi góc. Như những hình dạng trong các góc của một tấm bia. Chiếc Mustang đang đậu ở một trong bốn góc, xấp xỉ cùng cỡ với một lỗ đạn.
Như một trong những lỗ đạn của Charlie, trong góc của tờ giấy.
Reacher trở lại nơi ông đã khởi đầu, hơi bị ướt, đôi giày thuyền của ông lấm bùn. Ông bước ra khỏi vòng tròn và đứng yên trên lớp sỏi, nhìn về hướng Tây. Trên chân trời đằng xa, một đám quạ đột nhiên bay lên rồi hạ xuống. Reacher trở lại xe và mở máy. Tìm được mấy cái kẹp ở thanh chắn trên đầu và chiếc nút vặn trên bảng điều khiển, ông hạ mui xuống. Ông xem đồng hồ. Ông còn hai giờ nữa mới đến cuộc hẹn ở văn phòng của Franklin. Ông ngả lưng xuống ghế và để cho nắng hong khô áo quần. Ông lấy tấm bia giấy gấp tư từ trong túi ra và ngắm nó một lúc lâu. Ông ngửi nó. Giơ nó lên ánh mặt trời và để ánh nắng chiếu xuyên qua những chiếc lỗ tròn nhẵn nhụi. Rồi ông cất nó lại vào túi. Ông nhìn lên, không thấy gì cả ngoài bầu trời. Ông nhắm mắt cho khỏi chói rồi suy nghĩ về bản ngã và động cơ, ảo tưởng và thực tại, phạm tội và vô tội, và bản chất thật sự của sự ngẫu nhiên.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!