Mụ Ghẻ Chương 10

Chương 10
Quảng Ninh, tháng 12 năm 1996

Trong giờ học Văn, Du không tài nào tập trung nổi. Thi thoảng, cô lại lén lút nghiêng nửa người sang bên phải nhìn cậu học sinh mới. Chần chừ, cô cũng quyết định nói chuyện riêng trong giờ học.

“Những gì trong chiếc máy bay giấy là sự thật đấy à?” Du viết.

Thành nhận lấy quyển tập viết từ Du. Cậu không có phản ứng như cau có hay cười cợt trước sự tò mò của Du. “Ừ!” Thành viết lại và đẩy về phía Du.

“Mẹ kế có tốt không mà sao cậu không có gì để viết trong bài tập làm văn thế? Vậy có lẽ là ác rồi.”

Thành cười khẽ trước cái kiểu tự hỏi tự trả lời của Du. Cậu viết lại, “Ừ!”

Du nhăn mặt, “Cậu không có gì để nói với tớ hay sao? Cậu chỉ “Ừ!” thôi hả?”

Và giờ là lúc Thành cười ra tiếng. Cậu liếc mắt nhìn Du. Du cũng giương đôi mắt tròn to, đen láy màu hạt nhãn lên nhìn cậu.

“Du ơi? Du đang chủ động bắt chuyện và cố tình lại gần tớ đấy à?” Thành viết, “Nhưng ngày hôm nay, tớ lại chẳng có hứng thú gì với Du. Xin lỗi nhé, Du à!”

Du tức tối. Cô quên luôn rằng mình đang ở trong lớp học. Tiện tay vơ lấy quyển sách giáo khoa Ngữ văn ở trước mặt, Du đánh rất mạnh vào cánh tay Thành. Và cậu hét lên, “Á”

“Ồ!” Cả lớp đồng thanh kêu lên.

Bàng hoàng nhận ra hoàn cảnh diễn ra sự việc, Du đỏ bừng mặt.

“Thành – Du? Cả hai em đứng lên cho cô!” Giáo viên bộ môn cao giọng, “Và bước ra khỏi lớp!”

Nhanh nhẹn, Thành đứng lên và bước ra khỏi hàng ghế. Cậu không quên kéo cánh tay Du đi theo mình. Nhưng Du lì lợm vẫn đứng yên ở vị trí cũ và giật mạnh tay lại.

“Lệ Hạ Du? Em có biết lớp đang trong giơ học không?”

Giọng Du lí nhí, “Thưa cô, em xin lỗi.”

“Nếu biết có lỗi thì em nên bước ra ngoài để lớp tiếp tục bài học. Em đang làm mất thời gian trong tiết học của cô đấy!”



Tự ái và cao ngạo, Giang bước ra khỏi ví trí ngồi của mình và tiến về cửa lớp.

Gió đông ập tới táp vào khuôn mặt, lạnh buốt.

Phía xa, Thành cười và vẫy tay với cô cùng những làn khói mỏng trào ra từ khuôn miệng nhỏ.

Du quay lưng bước đi theo hướng ngược lại với Thành.

Du thích ở một mình hơn. Du chọn cô đơn.

Thành buộc phải chạy theo, “Du? Du ơi? Chờ tớ với!”

Du chỉ muốn bịt miệng cậu ta lại. Thành đang cố tình làm trò cười cho học sinh mới nếu chúng nghe được, mặc cho hoàn cảnh thực tế là cả hai đã bị đuổi ra khỏi lớp.

“Nếu cậu không đứng lại, tớ sẽ gọi to hơn nữa đấy!” Thành thách thức, “Du ơi! Duuuu…?”

“Ngậm miệng lại mau!” Du thét lên, “Chuyện gì hả?”

“Chuyện máy bay giấy đấy!” Thành thở hồng hộc và gập cả người xuống. Mặt cậu đỏ bừng lên, “Du không muốn nghe nữa à?”

Du trề môi, “Nghe rồi cũng có giải quyết được việc gì đâu.”

“Nhưng vừa nãy, cậu còn tò mò mà.”

“Vậy sao khi đó, cậu không nói luôn đi, cứ ‘ừ’ suốt, để giờ cả hai bị đuổi ra ngoài, trong khi thời tiết thì lạnh buốt thế này.” Du cằn nhằn. Cô xuýt xoa trời lạnh.

“Lạnh thì làm sao?” Thành hỏi lại, “Bị lạnh mà được nói chuyện, dễ hơn, sướng hơn, nhanh hơn việc ngồi viết lại chẳng sướng hơn à?”

“Ôi trời!” Du kêu lên, “Cậu đúng là tên dở hơi.”

“Không phải dở hơi”, Thành cười trừ, “Mà tay tớ lạnh lắm, tớ không muốn viết.”

“Vậy tớ nói cho cậu hay, giáo viên môn Văn lớp mình đó, cô nổi tiếng là người viết trừng phạt học sinh, và rất có thể chúng ta sẽ phải viết giấy lại nội dung bài học ngày hôm nay, có thể là hai mươi lần, thậm chí năm mươi lần.”

Thành mở to mắt nhìn Du, “Cậu đừng đùa.”

“Vậy mới nói, cậu đúng là tên dở hơi mà,” Du khinh khỉnh nói.

“Cậu lo tìm chỗ khác chơi đi, đừng đi theo làm phiền tớ nữa.”

“Tớ thì biết chỗ nào mà tìm,” Thành rên rỉ, “Cậu đã quên, tớ là học sinh mới và ngày hôm nay mới là buổi thứ hai thôi sao.”

“Lí do lí trấu.” Cả hai tay Du đẩy mạnh người Thành về phía sau. “Thế bây giờ, tôi đi đến nhà vệ sinh nữ, cậu cũng muốn đi theo chăng?”

“Không! Ai lại thế bao giờ.” Thành cười ha hả. “Tớ chờ cậu ở ngoài.”

Giọng Du rít lên, “Trời đất! Cái tên dở hơi này!”

Thành chỉ nghĩ Du nói đùa và cố tình muốn cắt đuôi cậu. Nhưng không, Du đi như bay về phía trước tới bức tường có biển báo WC.

Thành đỏ mặt, cậu quay người đi. Nhanh chóng, Du lẻn sang lối quẹo ngang gần đó, bắt chéo qua cầu thang dẫn đến phòng thư viện.

Du nghĩ, mình đã thắng, vì cậu ta đúng là tên dở hơi mà.
Chín giờ, trống trường điểm đến giờ ra chơi giữa buổi mười năm phút. Du uể oải trả sách và đưa thẻ thư viện để cô văn thư ghi ngày-giờ-mã sách sẽ mượn.

Rời khỏi căn phòng ấm áp, Du trở ra để về lớp cho tiết học tiếp theo. Nhưng khi vừa xuống đến cầu thang, hình bóng Thành ngồi ở ghế đá chờ đợi cùng hai bàn tay đưa lên miệng liên tục hà hít hơi ấm khiến Du chột dạ.

Lững thững lại gần, Du không còn dám to tiếng nữa, “Lạnh không?” Và cô dúi chiếc khăn len quàng cổ của mình vào tay cậu.

Thành gắt lên, “Ở trong WC cũng có sách đấy à?” Cậu vứt trả lại chiếc khăn và giật mạnh cuốn sách Toán học từ tay Du, không cần biết phải cư xử nhẹ nhàng với con gái, cả cuốn sách dày cộm bị Thành nện mạnh vào cánh tay Du. “Du là kẻ lừa đảo.”

Du kêu lên vì đau. Cô cố nói thêm trong lúc Thành bỏ đi. “Ai nói, cậu thật thà đến mức dở hơi làm gì.”

Được vài bước, Thanh chạy vội lại, giật mạnh lấy chiếc khăn len. Lần này, Du chỉ biết ú ớ nhìn theo.

“Cậu vừa đưa cho tớ còn gì nữa.” Thành kêu lên, “Muốn lấy lại thì tới gần với tớ đi.”

Và cậu chạy nhanh, hòa vào đám học sinh đang nghỉ giải lao ở giữa sân trường.

{ { {
“Du đã viết được chữ gì chưa?” Thành lấy chiếc bút chỉ trỏ sau lưng Du. “Nhưng tại sao giáo viên lại yêu cậu làm lại trong khi đó đề tài vẫn là ‘viết về người mẹ’ nhỉ?”

“Làm sao mà tớ biết được?” Du gắt gỏng, “Cậu không lo làm bài đi, ở đó mà nhiều lời nữa.”

Vào đầu giờ học của buổi chiều, giáo viên môn Văn đã yêu cầu cả hai xuống văn phòng làm lại bài kiểm tra và cũng là tạo cơ hội cho học sinh đê lấy lại điểm bốn mươi năm phút.

Du đi một cách miễn cưỡng, nửa không muốn bất kể thứ gì liên quan đến từ ‘mẹ’, nửa không muốn học kì này sẽ bị xuống hạng bậc dù cô vẫn biết mình nằm trong danh sách tốp năm người có học lực giỏi nhất lớp.

Và Du đã ngồi cắn bút suốt hơn nửa tiếng đồng hồ.

“Du làm xong rồi thì đưa đây cho tớ chép.” Thành cố gắng lấy bài kiểm tra mà hai cánh tay Du khoanh tròn lại và cố giấu nhẹm đi.

Du phân trần, “Chép cái gì mà chép. Mẹ Du có giống mẹ Thành đâu?”

“Đã là mẹ kế thì bà nào chẳng giống bà nào,” Thành hỏi lại, “Chẳng lẽ không phải? Cùng dữ dằn, cùng ghét con riêng của chồng, cùng ác ý.”

Bà Hạnh có giống như những gì Thành đang nói không? Du cũng chẳng buồn nghĩ ngợi. Du ghét bà Hạnh dù bà có hiền lành và tốt bụng như cô tiên.

Vì ai bảo Chúa trời đã định sẵn số phận của bà chỉ là một mụ ghẻ!


“Mẹ kế của Thành giống…, giống những gì Thành vừa nói ư?” Du dè dặt hỏi lại.

Thành nhăn mặt, “Y chang luôn. Tớ chẳng vu khống làm gì. Lại còn được ông bố đi làm xa, cả tháng mới về nhà một lần. Buồn muốn chết.”

Đột nhiên, Du muốn đi xa, xa ở cái nơi mà một năm, hai năm, hoặc nhiều năm sau đó cũng có thể không trở lại căn nhà lớn có tán lá bàng rộng che rợp cả một góc phố. “Bố Thành làm xa, nhưng xa là ở đâu?”

“Ở Hà Nội,” Thành nói, “Thực ra cũng chẳng xa lắm, chỉ có điều bố làm việc trong cơ quan nhà nước nên không xin nghỉ tự do được.”

Du không biết Hà Nội là ở đâu. Nhưng Du biết Hà Nội có Bác Hồ. Nhất định khi trở về lớp, Du sẽ tìm quyển sách giáo khoa Địa lý và tìm kiếm địa điểm đó.

Đột nhiên, tiếng trống trường giục giã báo hiệu đã đến giờ ra chơi. Cả Thành và Du nhìn nhau không chớp mắt, “Hết giờ rồi ư?”

Du nhìn tờ giấy trắng trước mặt. Thành cũng không hơn gì cô ngoài cái tựa đề và sau hai chữ ‘bài làm’ vẫn là những khoảng trống rỗng.

“Du đưa quyển sách tập làm văn mẫu cho tớ.” Thành kéo chiếc cặp của Du ra khỏi hộc bàn và lục lọi. Sau khi tra mục lục, cậu cũng tìm được một bài văn vừa khớp tiêu đề, vừa ngắn gọn, Thành cắm đầu xuống bài kiểm tra, nhanh tay chép lấy chép để. “Còn ngồi ra đấy nữa, Du? Lại muốn điểm O à?” Thành vẫn không ngẩng đầu lên, cậu nói.

Du không muốn điểm O chút nào. Nhưng “Như Thành từng nói, nếu không có mẹ mà cũng nộp bài kiểm tra với hai mặt giấy đầy kín chữ, chẳng phải Thành cũng sẽ là người không trung thực hay sao? Và bài văn cậu đang chép là bà mẹ của một người lạ mặt, không quen biết đấy!”

Thành quắc mắt nhìn Du. Ấn tượng đầu tiên giữa mối quan hệ của họ chẳng phải là Thành đã cáo buộc Du là người giả dối, không trung thực? Và giờ, Du dùng lại những từ ngữ đó để vặn vẹo và mỉa mai cậu?

Mạnh tay, Thành quăng trả quyển sách tập làm văn mẫu lại cho Du và vo tròn bài kiểm tra đang chép dở của mình, ném mạnh vào sọt rác ở cuối phòng.

Qua ô cửa sổ, cả hai cùng nhận ra giáo viên môn Văn đang gần tới.

Du viết vội, “Mẹ là mẹ, mẹ kế là dì ghẻ. Em không có mẹ, thưa cô. Em thực sự xin lỗi vì đã không hoàn thành bài kiểm tra mà cô mong muốn.”

“Người phụ nữ trong gia đình em là mẹ kế.” Thành viết nhanh lên một tờ giấy mới ở trước mặt. “Mẹ kế của em giống hệt mẹ Cám. Mà em thiết nghĩ, mình không cần phải miêu tả mẹ Cám như thế nào nữa trên bài kiểm tra này.”
Tối đông, những cơn gió mùa lạnh lẽo tràn vào căn phòng nhỏ, ánh điện vàng ngoài khu phố đổ một màu lợt lên không gian lặng lẽ, Du co mình ngồi buồn bã bên khung cửa sổ, lặng ngắm những đám mây đen kịt đang vần vũ trên khoảng không bao la.

Mùa đông, mùa của những khoảng lặng.

Có tiếng lách cách của ô khóa cổng dưới sân nhà. Du nhoài người ra bên ngoài ô cửa sổ và dò xét bóng dáng người đàn ông qua những khung hình lớn nhỏ tạo bởi đám cành khẳng khiu của cây bàng già. Du biết, bố Hà đã đi làm về, và dì Hạnh cũng vừa đến giờ thay ca trực buổi đêm.

Ông Hà ngẩng đầu nhìn lên lầu hai của căn nhà. Ngay lập tức, cánh cửa sổ khép chặt lại trước mắt ông.

Du đang hờn dỗi với ông sau sự cố va chạm vào ngày hôm trước. Nhưng ông vẫn chưa sẵn sang để đối mặt với con bé. Bởi có Chúa mới biết, nếu ông hỏi Du muốn ông làm gì cho con bé, rất có thể Du sẽ trả lời rằng, ‘Bố con mình hãy cùng sống với nhau như trước kia và chờ ngày mẹ quay trở về.’

Không phải ông không có niềm tin mẹ Du sẽ trở lại, mà nỗi đau trong kí ức vẫn thường đội mồ trở dậy, khóc than, buồn nhớ suốt hơn mười năm qua, nhắc nhở với ông rằng, vì ông mà mẹ Du sẽ không bao giờ có thể trở về đây nữa.

Du nghĩ, ông không thương mẹ Du, nhưng con bé không bao giờ biết rằng, ngày chôn cất người phụ nữ ấy cũng là ngày ông chôn vùi luôn ở đó trái tim mình.
{ { {

‘Bố vẫn còn đang đứng đó’, qua khe cửa nhìn xuống, Du lẩm bẩm một mình. Cô vội nhấn công tác điện trong phòng, một màu đen tĩnh mịch phủ xuống. Và cô dõi theo, bố Hà đang trở vào nhà.

Ít phút sau, Du nghe thấy tiếng đổ vỡ, tiếng đập phá inh ỏi đồ đạc.

Vội vã tháo chốt cửa, Du chạy như bay xuống dưới nhà. Du đã nghĩ, bố Hà buồn phiền vì cô, bố Hà mệt mỏi vì cô, bố Hà đập phá mọi thứ trong nhà để gây sự chú ý của cô…, nhưng không, ông đang trút bỏ bộ áo quần công nhân đầy bụi than vào chiếc thau nhôm trong phòng tắm.

Hụt hơi, Du lại chạy vội về phòng khi nghe thấy tiếng hò hét, cãi vã xảy ra. Tiếp đó là tiếng đổ vỡ, tiếng bàn ghế va vào nhau.

Du áp mình vào vách tường, và cô bàng hoàng nhận ra, chuyện kinh hoàng gì đó đang xảy ra ở bên nhà cậu học sinh mới – Lê Nhất Thành. Rồi cũng đột nhiên, những tiếng động lạ đó biến mất, thay thế bằng những tiếng kêu rin rít của gió đông lùa qua khe cửa sổ. Du nhẹ nhàng mở chốt khóa và lặng lẽ đứng nhìn như cái cách cậu ta đã từng theo dõi cô vào đêm qua.

Thành nhoài người về phía trước. Hai tay cậu vịn lấy thanh lan can. Cậu ta không khóc, cậu ta càng không lẩm bẩm những lời nguyền rủa hay nguyện cầu một mình. Và Du chẳng có được thông tin gì ngoài sự thật bẽ bàng là bản thân đang nhìn trộm một người khác giới. Du sẽ không quan tâm, cậu ta cũng chỉ là một học sinh bình thường như những nam sinh khác trong lớp học mà thôi.

Du không muốn mình quan tâm, bởi hình như Du đã nghĩ đến điều gì đó rất đỗi xa vời?

Khóa chốt, Du quay lưng đi, tựa người vào những nếp xếp gỗ sắp thẳng hàng trên bệ cửa.

Du nghĩ, mình sắp chết.

Và Du sẽ không nói chuyện này với bất kì ai, kể cả là bố Hà.
Sáng sớm ngày hôm sau, Du bật người dậy trong cơn mê sảng. Máu vẫn chảy rỉ ra đến ẩm ướt mà Du đã lục lọi lấy chiếc áo cũ trong tủ để làm tấm lót. Mồ hôi chảy mướt trên khuôn mặt, nóng bừng.

Du khóc âm ỉ, ‘mình còn sống được bao nhiêu lâu nữa?’

Trở dậy từ bốn giờ sáng, Du giam mình trong phòng tắm và xối nước cọ rửa. Du phải giấu nhẹm mọi chuyện để không ai có thể phát hiện ra. Phòng riêng của Du cũng phải hạn chế để dì Hạnh không còn được tự do ra vào dọn dẹp nữa. Du sẽ mua vài ổ khóa tủ, ngăn kéo bàn để che giấu cuốn sổ nhật kí của những năm tháng cuối cùng này.

Du cảm thấy mình thật đáng thương.

6h30’, trên bàn ăn đã có hai ổ bánh mì nóng và ông Hà đang đứng bếp làm trứng.

Du hoảng loạn, cô rón rén xuống từng bậc cầu thang, đi bước lùi ra phòng khách, và lao ra ngoài sân. Nhưng đến đầu con phố nhỏ, Thành đã đang ở đó đợi sẵn từ bao giờ.

Du phớt lờ. Cô cúi đầu bước nhanh qua. Cô chẳng có gì để dây sưa với cậu học sinh mới này cả. ‘Tránh xa tôi ra’, Du lẩm bẩm.

“Du? Du?” Thành đi nhanh theo sau.

Du chạy vội đi. Và trong một khắc, cô cảm thấy máu chảy ộc ra ngoài. Khựng chân, khuôn mặt Du đỏ bừng. Lẽ nào, bệnh của Du đã chuyển sang giai đoạn rất nặng rồi ư?

“Du? Du?”

“Sao hả?”

“Cùng đi học chung đi.” Thành đề nghị.

Du gắt gỏng, “Tại sao phải đi chung?”

“Vì tớ đã chờ Du rất lâu.”

“Cậu có bị dở hơi không?” Du giễu cợt, “Tránh xa ra giùm tớ.”

Và Du lại chạy. Một lần nữa, Du lại có cảm giác máu tiếp tục ộc ra. Du khựng chân. Cô thở hổn hển. “Xin lỗi… cậu. Chúng ta đi học chung cũng được.”

Và cả hai, chẳng ai nói với ai thêm điều gì. Họ cùng lặng lẽ bước đi.

Trời vẫn vẩn đục bởi những màn mây xám ngắt đang vần vũ trên cao.

Có lẽ, đợt gió hàn trong mùa đông năm nay sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Đi được một đoạn, Thành dò xét, “Hôm nay, Du ốm à?”

“Không!” Du xua tay phản đối.

“Vậy sao, cứ một lúc Du lại đỏ bừng mặt lên?”

Du nói cộc lốc, “Cũng chẳng biết nữa.”

“Vậy chắc là được đi cạnh trai đẹp nên ngại ngùng rồi.” Thành hùa lên và cười ha ha.

Du nhăn nhó, cánh tay cô với ra định đánh vào vai Thành cảnh cáo nhưng cậu đã tránh được.
“Cái tên dở hơi này.”

“Chứ còn vì lí do nào khác nữa,” Thành trề môi, “Nếu Du chứng minh được không phải vì Thành thì tớ sẽ không nghĩ như vậy.”

Du cảm thấy xấu hổ. Hai gò má cô lại đỏ bừng lên.

“Đấy!” Thành lại cười vang, “Lại đỏ mặt kìa.”

Không thể suy nghĩ được gì, Du đổ lỗi tại căn bệnh chảy máu của mình, “Cậu ngậm miệng lại cho tớ.”

“Nhưng Du không tìm được lí do nào khác, đúng không?” Thành cười lớn, “Biết ngay mà.”

“Tớ đã bảo ngậm miệng lại.” Du trừng mắt, và sau đó bước nhanh hơn. Những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng càng khiến cô khó chịu.

“Nhưng tớ sẽ nghĩ như thế đấy nhé!” Thành không chịu thua, “Vì Thành mà Du đỏ mặt.”

‘Ôi cái tên điên này’, Du lẩm bẩm trong lúc cúi gằm đầu và bước đi. Phải nhanh đến trường, nhanh và nhanh hơn nữa.

Đến giữa sân trường, Du chạy vội về hướng dãy nhà vệ sinh. Cô đỏ mặt. Nhưng cô đau đớn. Cô tự hỏi, “Trước khi chết, con người ta thường muốn làm điều gì nhất, nhỉ?”

Nguồn: truyen8.mobi/t126291-mu-ghe-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận