Mụ Ghẻ Chương 8

Chương 8
Quảng Ninh, tháng 12 năm 1996

Du cắn đầu chiếc bút viết chán rồi lại quay sang lật tới lật lui quyển sách tập làm văn mẫu. Đề tài ‘viết về người mẹ’ quả là xa lạ với Du. Trong kí ức non trẻ, Du chẳng nhớ gì về người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau ra mình. Còn thực tại, người phụ nữ mà cả xã hội nghĩ rằng bà ấy là mẹ Du thì với khoảng cách xa vời vợi suốt gần nửa năm qua đã tạo thói quen cho Du để cô ứng xử không khác gì người lạ dù có chạm mặt nhau, có sống chung ở cùng một mái nhà, có cùng một bầu không khí để hít thở. Du cũng chẳng bận lòng.


Đắn đo hồi lâu, Du quyết định dùng quyển tập làm văn mẫu làm bệ đỡ cho mình. Ở mỗi quyển sách khác nhau, cô chép mỗi bài văn một đoạn. Sau hơn một tiếng đồng hồ ‘xào nấu văn chương’, hình ảnh người mẹ qua ngòi bút miêu tả của Du ‘đẹp đẽ đến bất thường’.




“Công việc của mẹ tôi là làm văn thư ở văn phòng, nhưng mẹ có đôi bàn tay thô sạm vì rám nắng, vì phải làm việc nặng…



Khuôn mặt mẹ khắc khổ vì công việc nặng nhọc làm theo ca ngày lẫn ca đêm, nhưng nụ cười của mẹ vẫn luôn thường trực trên môi…



Mẹ còn mặc quần áo đồng phục với chiếc mũ bảo hiểm do công ty cung cấp mỗi khi đi làm. Mẹ cũng thường trang điểm như tô son, kẻ chân mày…, và mái tóc dài thả suôn xuống ngang vai…”



{ { {


Trời đông lạnh giá cùng cơn mưa phùn bay lất phất vào tháng mười hai càng khiến Du cảm thấy cô đơn, và vẫn luôn ích kỉ để co mình biến bản thân trở thành kẻ cô độc.


Trước khi đến trường, Du nhìn chăm chăm bà Hạnh trong lúc bà là quần áo cho khổ để ông Hà chuẩn bị đi làm.


Trong một khắc, hình ảnh chân thực, đầy mẫu mực của bà Hạnh trong căn nhà này khiến Du giật mình. Đêm qua, Du đã viết về người mẹ như thế nào nhỉ?


Ôi! Du chẳng nhớ!


Bởi những những câu chữ trong tờ giấy cần nộp cho giáo viên vào ngày hôm nay chỉ là sự sao chép về hình ảnh của nhiều bà mẹ khác nhau trong nhiều quyển tập làm văn mẫu.


Du co chân và chạy thật nhanh ra khỏi căn nhà.


Du làm sao thế này? Cuộc chiến mẹ ghẻ - con chồng mà cô đã nghĩ mới chỉ bắt đầu, và đang có nguy cơ bị xóa bỏ chỉ để chấp nhận thực tại ư? Ôi! Hình tượng Du mạnh mẽ và cứng cỏi, Du lạnh lùng và thờ ơ đã được quyết tâm gây dựng vào cái đêm cuối cùng người đàn bà ấy bước vào căn nhà này, đã thực sự vỡ tan ư?


Du chạy nhanh hơn nữa trên con đường ướt nhẹp nước. Khóe môi Du vẫn cong lên, mấp máy liên hồi, “Mụ ghẻ!

Mụ ghẻ! Mụ ghẻ!


{ {
Nhìn cậu bạn kế bên, Du lúng túng với tờ giấy được viết kín hai mặt. “Mẹ cậu có nhiều điều để viết thế cơ à?”


“Không đâu’, cậu bạn trả lời, “Mẹ tớ làm giáo viên, Du biết mà. Mẹ đi dạy ban ngày, tối về lại soạn giáo án. Tớ đã miêu tả về mẹ chỉ với hai dòng như thế đấy!”


Chân mày Du nhướng lên ngỏ ý cô không hiểu và chẳng tìm được mối liên quan nào giữa câu trả lời với tờ giấy kiểm tra kín mít chữ sắp được nộp. Du ôm sát bài kiểm tra của mình trước ngực, như thể sợ cậu bạn nghịch ngợm này sẽ chộp nhanh lấy và đọc oang oang trước lớp để làm trò cười cho đám trẻ trước khi giáo viên kịp đến.


“Là mẹ tớ dạy tớ đấy. Mẹ tớ bảo cần phải viết nhiều thêm, như: mẹ làm công việc nhà, mẹ chăm sóc ông bà nội già yếu”, cậu bạn gãi đầu, “À, còn cả mẹ hay mặc áo dài khi đi dạy, khuôn mặt mẹ thế nào… Ôi! Nhiều lắm. Thế còn mẹ Du thì sao?”


Ánh mắt cậu bạn gắn chặt lấy bài kiểm tra của Du đang ôm trước ngực. Vội vàng, Du giấu nhanh nó ra sau lưng. Nhưng trò đùa dường như không muốn dừng lại, một cậu bạn khác ở bàn dưới nhanh chóng nhoài người lên và chộp lấy. Sau một tích tắc đồng hồ, bài kiểm tra của Du chỉ còn là hai mảnh giấy bị chia đôi nham nhở.


“Xin lỗi! Xin lỗi, Du ơi!” Cậu bạn bàn dưới rối rít kêu lên. “Tớ xin lỗi, Du? Tớ không cố ý đâu!”


“Ồn ào quá đấy!” Một cô bạn gắt gỏng ngay lập tức, “Sao cậu phải xin lỗi rối rít lên. Về thực tế mà nói, Du cũng làm gì có mẹ để mà miêu tả chứ! Như thế chẳng phải là bài văn kín mít hai mặt giấy kia chỉ toàn là lời lẽ giả dối thôi ư?”


Bầu không khí nhộn nhạo trong lớp học đột nhiên im phăng phắc. Cô bạn hùng hồn tuyên bố ban nãy giờ chỉ biết ngượng ngịu hỏi lại, “Tớ đã nói gì sai với sự thật ư?”


“Không! Cậu nói rất đúng đấy!” Tiếng một cậu trai lạ hoắc lạ hươ đột nhiên xuất hiện. “Nếu không có mẹ mà có thể viết được kín hai mặt giấy thì rõ ràng cô bạn đay là người không trung thực rồi!”


Cả lớp ngoái nhìn về hướng cửa chính của lớp học. “Học sinh mới à? Đẹp trai quá!”


Rồi như thể học sinh mới là dầu đốt, còn không khí náo nhiệt trong lớp là mồi lửa – họ bén lấy nhau – bỏ mặc lại Du và cậu bạn ngồi hàng ghế sau với hai mảnh giấy trên tay cùng tâm trí đang rối lên như tơ vò vì chưa đầy năm phút nữa giáo viên bộ môn sẽ đứng lớp.


“Để tớ chép lại giùm Du”, cậu bạn đề nghị và giành lấy nửa mảnh giấy trong tay Du.


Du giành lại mảnh giấy còn lại trên tay cậu, “Không cần đâu!”


“Nhưng giáo viên sắp vào lớp rồi. Chúng ta không còn thời gian đâu!”


Du gắt lên, “Tớ đã nói là không cần. Cậu có bị điếc không hả?”


Và giờ thì đến lượt cậu bạn cũng trở lên to tiếng, “Cậu hỗn láo thật đấy, Du à. Cậu dám chửi tớ là đứa bị điếc cơ đấy. Cậu muốn chết dưới tay tớ không hả?”


“Muốn! Tớ đang muốn chết đấy!” Du gào lên. Hai bàn tay Du đập mạnh xuống bàn. Bộp! Bộp! “Cậu có dám giết tớ không mà dám lên họng chứ? Cậu dám không hả? Tớ đang rất muốn chết đó!”


Đám nữ sinh đang vây quanh bắt chuyện với ‘trai đẹp’ cũng phải lặng thing và ngoảnh đầu nhìn về phía Du. Người khinh khỉnh, kẻ cười cợt, người sửng sốt, kẻ run lên.


Cậu bạn tròn mắt nhìn Du. Cậu chắc là giọng nói của mình không quá lớn, “Du ơi?”


“Sao hả?” Du vẫn gào toáng lên. Hai gò má cô ửng đỏ vì tức giận. “Cậu muốn giết tớ chứ gì? Tớ thách cậu đấy!”


“Không! Không!” Cậu bạn vội xua hai tay loạn xạ trong không khí. “Nói nhỏ thôi! Xung quanh, họ đang nhìn cả đấy. Họ sẽ tưởng tớ bắt nạt Du.”


“Đúng là một con nhỏ hỗn xược.”


Tiếng nói lạ từ đâu đó. Và Du có quen không? Du ngẩng đầu kiếm tìm kẻ đang lên án mình.


“Bạn tên Du à?”


Lại là học sinh mới đang lên tiếng.


“Phải! Thì sao nào!” Giọng Du khinh khỉnh.


“Ôi chao!” Giọng cậu học sinh mới dài hơi, “Tên gì mà xấu thế!”


Du muốn ném cặp sách của mình vào đầu kẻ dám đang hạ thấp cô, ngay lập tức.


“Đã xấu người lại còn hỗn xược. Đúng là một đứa con gái không có mẹ dạy dỗ!”


Và giờ là lúc Du muốn thực hiện ý định của mình. Cả chiếc cặp sách lớn của Du bay thẳng lên không khí, và hạ cánh an toàn xuống mái tóc dài màu nâu dẻ của kẻ trai không biết bản thân là ai mà dám há miệng để chào đón đàn kiến lửa kéo vào.


Ánh mắt Du kiên định trước sự hoảng hốt được thốt lên từ hàng chục cái miệng của học sinh trong lớp học.


Cậu học sinh mới trừng mắt, “Cậu dám… sao?”


“Tất nhiên!” Du trả lời tỉnh bơ, “Cậu nghĩ trai đẹp thì có tội cũng thành vô tội à. Xin lỗi nhé. Cậu chỉ giỏi lừa phỉnh cái đám bọn con gái đã vây quanh cậu thôi.”


Tức giận nhưng học sinh mới vẫn phải nở một nụ cười. Khóe môi cậu cong lên, “Hóa ra là lúc tôi xuất hiện trong lớp học đến giờ, Du vẫn dõi theo tôi đấy ư?”


“Sao cơ?” Du hỏi ngược lại. Nhưng rõ ràng là Du có để ý đến cậu ta. Thật xấu hổ. Nhưng Du vẫn gằn giọng, “Đừng tưởng tượng đến điều đó. Thật lố bịch.”


Đám nữ sinh ồn ào trở lại, nhưng chúng không thể bắt nạt được Du nữa khi giáo viên đã ở ngay ngưỡng cửa lớp. Toàn bộ học sinh nhốn nháo vào chỗ ngồi. Lớp học lặng thing chỉ sau mười năm giây.


Giáo viên nhìn chăm chăm học sinh mới, Du, cùng số sách vở và bút viết nằm rải rác giữa lối đi. “Chuyện gì đã xảy ra?” Giáo viên lên tiếng.


Du cảm thấy ánh mắt ai đó đang chiếu vào mình. Là giáo viên? Hay đám nữ sinh chăng?

Du cho rằng mình hoàn toàn vô tội, không cớ gì phải khép lép như kẻ gây họa. Vì thế, Du ngẩng cao đầu và kiếm tìm… ai đó?


Lại là học sinh mới. Cậu ta cao ráo trong chiếc quần tây đen, đóng thùng chiếc áo sơ mi trắng, với lớp áo gió không kéo khóa khoác bên ngoài. Vắt chéo từ vai xuống bụng là dây đeo của chiếc cặp sách nhỏ màu chấm bi nâu. Nhưng Du từ chối ánh mắt cậu ta. Hình như chúng sáng, và có… lửa.

“Cả lớp không nghe cô hỏi à?” Giáo viên nhắc lại, “Chuyện gì đã xảy ra?”


“Em xin lỗi, thưa cô!” Vẫn là học sinh mới, “Có chút hiểu lầm và em đã làm đổ cặp sách của bạn Du.”


Du cắn môi dưới. Chuyện quái gì đang xảy ra thế này. Rõ ràng, Du muốn cậu ta nhận lỗi về mình. Nhưng khi cậu ta làm thế, Du lại cảm thấy áy náy và gò má cứ nóng bừng lên.


“Du?” Tiếng của giáo viên đang gọi cô ư? “Em có thể nói rõ sự việc hơn không?”


Du có thể nói gì đây? Cô phải nói với giáo viên về nỗi đau không có mẹ hay sự xúc phạm mà đám bạn trong lớp đã gây ra cho cô ư?


“Lệ Hạ Du?” Giáo viên gọi rõ cả họ tên cô. “Sau buổi học, cả hai em cùng về văn phòng giáo viên gặp cô.”


Học sinh mới nhanh tay dọn sách vở và bút viết bỏ lại vào cặp sách. Cậu giữ khư khư bên mình thay vì phải mang nó trao trả cho chủ nhân.


“Đây là bạn Lê Nhất Thành. Học sinh từ thành phố Hạ Long mới chuyển về trường thị trấn của chúng ta. Cô hi vọng lớp sẽ đoàn kết và giúp đỡ lần nhau.”


Tiếng vỗ tay lớn từ các bạn trong lớp bùng lên như để chào đón cậu.


Thành khom người, “Chào các bạn”, nhưng ánh mắt cậu lại chuyển nhanh về phía Du cho câu nói cuối cùng, “Mong là mọi người đừng bắt nạt mình.”


Du cảm thấy nực cười hơn bao giờ hết. Cô quay mặt về hướng cửa sổ.


“Được rồi! Em có thể tự chọn chỗ ngồi cho mình ở những nơi còn trống.”


Không đợi giáo viên dứt lời, Thành nhanh chóng di chuyển về phía Du, “Chỗ này ạ, thưa cô!”

Du lừ lừ mắt. Giáo viên không kịp phản ứng. Đám học sinh nam ồ lên vui vẻ. Còn lại giới nữ sinh lại cảm thấy chuyện này thật hoang đường, không còn dám tin vào mắt mình nữa.


“Trả lại cặp sách cho tôi”, giọng Du hầm hè.


“Cậu nói ai cần trả lại cặp sách cho cậu cơ?” Thành cười tuơi.


Du tỏ ra mình đúng là kẻ hỗn xược, “Này! Đừng đùa với tôi! Tên học sinh mới này!”


“Thành! Gọi tên tôi đi?”


“Học sinh mới! Đưa cặp sách đây!”


“Không! Tên tôi là Thành!”


Du làm giọng gay gắt, “Học sinh mới?”


“Thành ơi?” Cậu bạn cười giả lả, “Thành trả lại cặp sách cho Du đi?”


“Ôi trời! Cái tên khó ưa này!” Du nổi cáu. “Thưa cô. Bạn học sinh mới…”


Nhanh như cắt, Du ngồi phịch xuống ghế theo sự lôi kéo từ Thành. Cậu ấn cặp sách vào hộc bàn còn trống, “Xong nhé! Bà chằn!”


“Có chuyện gì thế, Du?” Giáo viên ngừng tay trong lúc đang viết tựa đề trên bục giảng.


Nhưng Du không kịp trả lời vì Thành đã lên tiếng, “Dạ không có gì đâu, thưa cô!”


Du không còn gì để nói. Du bực bội, và bực bội. Cô giật mạnh cặp sách ra và bắt đầu gắn mắt mình vào quyển sách giáo khoa để ngay phía trước.


“Du?”


Vẫn là học sinh mới. Du lầm bầm nguyền rủa một ngày đen tối. Thật khó chịu. “Chuyện gì?”


“Du cho Thành xem chung sách giáo khoa với. Hôm nay là buổi học đầu tiên nên Thành không có thời khóa biểu để soạn sách.”


Du quay nửa người sang bên trái, cô tự hỏi, “Gã này là mối phiền phức đấy à?”


“Du?” Thành nhắc lại. Giọng có vẻ thành ý hơn.


Quăng luôn quyển sách giáo khoa sang bên, Du gằn giọng, “Du? Du? Tên tôi đẹp lắm hay sao mà nhắc đi nhắc lại vậy? Sách đấy! Cầm luôn đi! Cuối buổi học rồi trả tôi cũng được.” Du quay người sang cậu bạn kế bên, “An cho Du xem chung sách nhé!” Và cô nghe thấy tiếng cười rất khẽ từ phía bên tay trái của mình.


“Trước khi vào bài học, các em nộp bài văn cô đã yêu cầu làm ở nhà nhé!” Giáo viên vừa mở sổ điểm vừa nói, “Lớp trưởng gom bài và đếm số lượng giùm cô.”


Du không biết phải làm thế nào. Chỉ vì chuyện của học sinh mới mà cô đã đánh mất năm phút đầu giờ quý giá để chép lại bài văn. Và cậu bạn ở hàng ghế dưới hết gọi tên lạ lấy chiếc thước nhựa trọc vào lưng Du. Cô cáu bẳn, “Thì tớ không nộp bài kiểm tra nữa, chứ biết làm sao bây giờ?”


“Nhưng đây là điểm nhân hệ số hai đấy!” An làu bàu.


Du bặm môi. Cô nhanh tay lấy tờ giấy trắng mới, ghi lại đề bài và hai chữ ‘bài làm’ ở giữa dòng. Cô đã từng luôn là học sinh dẫn đầu lớp, nhưng nếu vì bài kiểm tra này mà tụt hạng, thì cô… sẽ càng có lí do để ghét về ‘đề tại hay nội dung liên quan đến tình mẫu tử.’


Lớp trưởng đang tiến xuống dưới, và chỉ còn một dãy bàn nữa là đến chỗ Du. Cắn môi, Dug hi nhanh, “Em không có mẹ. Em không có gì để nói về người phụ nữ ấy.”
“Lẽ ra dì Hạnh không nên đến trường của con”, Du nói, “Bởi việc này là của bố Hà, hoàn toàn không phải của dì.”

Bà Hạnh không trả lời. Ánh mắt bà buồn bã khi nhìn Du.

“Và dì nên trả lại bài kiểm tra văn cho con, được chứ?”

Bà Hạnh gật đầu và đưa tờ giấy kiểm tra văn của Du ra trước mặt. Không có điểm số từ giáo viên, mục phê bình kèm theo một lời đề nghị bằng bút mực đỏ, “Em hãy mời phụ huynh đến gặp cô.”

“Và dì đừng vào phòng của con, càng không nên lục đồ riêng của con.”

Bà Hạnh không lục đồ riêng của Du ngoài việc dọn dẹp, lau chùi trong căn phòng nhỏ đó. Trong lúc sắp xếp lại sách vở trên giá gỗ, bài kiểm tra được kẹp trong một quyển vở vô tình rơi ra. Bà đau đớn. Và bà đã chủ động đến gặp giáo viên của Dun gay trong ngày hôm đó.

Nhận lại bài kiểm tra, Du quay lưng bước về phòng riêng. Du ghét sự im lặng, ghét vẻ cam chịu, và từ chối mọi sự gần gũi mà bà Hạnh muốn mang lại cho cô.

Ngồi lặng yên trên bệ cửa sổ, Du lặng người nhìn cây bàng già trơ trụi cành khô dưới cổng nhà.
Du ngắm làn mưa bụi vẫn đang bay lất phất. Du nghĩ về những mùa đông vẫn luôn nhuộm một màu xám xịt bao trùm từng góc phố nhỏ. Du nghĩ về tương lai của mình, lớn lên trong căn phòng này, rồi đi đâu đó thật xa cùng với một chiếc máy ảnh. Du muốn được ở một mình. Và Du khao khát sự tự do trong cô độc.

Nhưng giấc mơ của Du bị bỏ ngỏ. Du nghe thấy tiếng bố Hà ở dưới nhà. Du căng tai để hi vọng có thể nghe thấy một lời lẽ đáp trả nào đó từ bà Hạnh như: con gái riêng của chồng hỗn láo, con bé chẳng coi mẹ kế ra gì…

Nhưng không, thay vì tố cáo và phàn nàn về Du, bà Hạnh quay người vào bếp để chuẩn bị bữa cơm chiều.

Dựa người vào thành cầu thang, Du đắn đo và nghĩ ngợi. Nhưng ở cái tuổi lên mười ngây thơ, ngang bướng muốn chứng tỏ mình đã lớn khôn, những gì Du hiểu từ hành động của bà Hạnh chỉ là sự nịnh bợ. Và Du muốn tự mình đối mặt với người bố đã không chấp nhận sự vắng lặng vốn có trong căn nhà mà lại cưới thêm một người đàn bà khác. Và Du muốn ông Hà thừa nhận rằng, ông đã lừa phỉnh cô về khái niệm, ‘thế nào là một người mẹ đúng nghĩa’.

Ông Hà đang ở trong bếp, “Ở nhà, chuyện gì đã xảy ra? Chắc chắn là con bé đã gây ra chuyện gì đó với em?” Du nghe tiếng bố cô nói. “Em phải kể phần nào những sự việc đã xảy ra với anh chứ? Anh là bố của con bé mà!”

Bà Hạnh chỉ lắc đầu. Đầu bà hơi cúi và tỏ ra tập trung với công việc của một người nội trợ.
Bà không quan tâm đến sự tồn tại của Du nữa? Hay bà đang cố tình giấu nhẹm nỗi xấu hổ mà sự xúc phạm ghê gớm của Du đã mang lại. Hay bà vẫn muốn là một ‘mụ ghẻ nhân từ, độ lượng’ trong suy nghĩ của bố Hà. Du bặm môi, nghĩ ngợi.

“Là con đã gây ra chuyện.” Lấy hết sự cao ngạo và bản lĩnh lì lợm, Du lên tiếng trong lúc rời khỏi những bậc thang cuối cùng. Du hơi run. Là vì thị trấn nơi cô ở vừa đón thêm một đợt gió mùa đông bấc, hay là vì… sự hối lối với người phụ nữ đang ở phía sau lưng ông Hà cũng đang run rẩy, lắc đầu và ánh mắt đau đáu như muốn Du đừng lên tiếng, mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm, hoặc chỉ là tự bà gây ra mối phiền hà cho bản thân.

Ông Hà quay lưng. Chân mày ông co lại. Ông nhìn Du, chăm chăm.

Hai chân Du khựng lại. Người Du run lên. Đôi bàn tay lạnh giá siết chặt lấy tờ giấy kiểm tra ở phía sau lưng. Du có quen người đàn ông ở trước mặt – người vốn có đôi mắt luôn nhìn cô với vô vàn sự yêu thương ẩn chứa – người luôn nở nụ cười hiền hậu mỗi khi bắt gặp Du dù rất mệt mỏi sau một ngày lao động dưới hầm than nằm sau hàng chục mét dưới lòng đất – người thường mở rộng vòng tay ôm Du vào lòng và thì thầm bảo, ‘Đông này con sẽ không bị lạnh nữa, bởi bàn tay bé nhỏ tay luôn được ủ ấm trong lòng ngực của ta’.

“Vậy con đã gây ra chuyện gì?” Ông Hà lên tiếng sau nhiều phút chờ đợi.

“Không đâu! Không đâu!” Bà Hạnh nắm lấy cánh tay ông, giọng bà van vỉ, “Con bé không có nói gì cả. Là lỗi tại em. Là do em sai.”

Những ngón tay sạm nắng sạm gió của ông ôm lấy mu bàn tay của bà. Nhưng đôi mắt ông vẫn chiếu ánh nhìn giận dữ về phía Du. “Em còn định bênh vực con bé đến bao giờ nữa. Có phải càng được nuông chiều nên càng không biết phân biệt đúng sai?”

Cả người Du run lên. Nhưng Du chắc là mình đã mặc áo quần đủ ấm. Thở dốc, Du đưa tờ giấy kiểm tra ra trước mặt ông Hà, “Chuyện là vậy, thưa bố!”

Ông nhìn Du, nhìn xuống tờ giấy và đôi mắt ông nhắm nghiền lại với hai bên thái dương đập rần rật. “Cái con bé này”, giọng ông sít lại, “Càng lớn càng hỗn hào.”

Bàn tay bà Hạnh rơi khỏi tay ông. Cơ thể ông di chuyển rát nhanh về phía góc nhà, ông túm lấy cây chổi và đi về lại căn bếp.

Du chớp mắt. Đầu gối Du khụy xuống. Tâm trí Du lộn nhào với nghĩ suy, “Bố Hà không còn yêu thương cô nữa.”

Bà Hạnh chạy nhanh tới cản đường. Hai cánh tay bà ôm lấy người ông, “Tôi xin ông. Con bé còn nhỏ. Là tôi không tốt. Là tôi đã sai.”

Ông Hà không trả lời. Mắt ông khóa lấy người Du đang co lại ở mép tường. Ông hất bàn tay bà Hạnh ra khỏi cơ thể mình. Và cũng đột ngột, ông đứng lại, cách Du một khoảng bằng cái với tay, “Con nghĩ, mình làm như vậy có đúng không?”

Nuốt nước miếng, Du trả lời hấp tấp, “Thưa bố, con không nghĩ là mình đã làm gì sai.”
Bất ngờ, cán chổi bị đưa lên không khí, sau một khắc, nó nện xuống đôi chân Du. Không kịp phản ửng, Du khụy đầu gối xuống nền nhà.

Bà Hạnh hét lên can ngăn. Nhưng những gì bà nhận được chỉ là sự từ chối của cả hai bố con Du.
Ông nói, “Là bà sai. Là bà không biết dạy con đúng không? Vậy tôi là bố con bé, tôi đang dạy nó cách làm người, tại sao bà lại ngăn cản.”

“Mong dì tránh giùm cho”, Du nói thêm, “Đây là việc của hai bố con. Hi vọng, dì đừng tỏ ra nhân từ và tốt bụng thêm nữa. Hãy cứ là một mụ ghẻ theo đúng nghĩa đen đi.”

Bà Hạnh cứng họng. Ông Hà nổi cơn giận dữ, “Con bé này. Mau đứng dậy. Nhanh.” Ông hét lên, “Đứng dậy. Nhanh.”

Vịn tay vào bức tường, Du đu người đứng lên. Cô không sợ, không khóc, vì cô đã trả lời rằng, ‘không nghĩ là mình đã làm gì sai’.

“Tại sao, con lại hành xử như vậy?”

“Vì thực tế, đó là sự thật!”

Ông hét lên, “Vậy con nghĩ, người đang chăm sóc con, giặt giũ áo quần và lo cơm nước mỗi ngày cho con là ai chứ?”

Ngẩng cao đầu, ánh mắt Du khóa lấy ánh mắt của bố Hà, “Thưa bố, là dì ghẻ!”

Bà Hạnh choáng váng.

Là mụ ghẻ.

Cơn thịnh nộ bùng nổ trong ông. Cán chổi thứ hai giáng xuống người Du, và cô lại ngã gục xuống. “Mau đứng lên cho ta. Con nhỏ hỗn láo này. Mau đứng lên!”

Dù vết thương có đau tái tê giữa cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông thì Du vẫn sẽ ngẩng cao đầu. Và côm lại lồm cồm đứng dậy.

“Con còn dám có những suy nghĩ bẩn thỉu như vậy? Tại sao?”

“Vì bố từng nói, bố sẽ mang mẹ về cho con. Nhưng mẹ của con đâu, thưa bố? Đó không phải là mẹ, mà là một mụ ghẻ!”

Những cán chổi tới tấp táp xuống cơ thể Du. Những gì Du vừa tuyên bố là những vết chém rất sâu, rất mạnh vào cả hai tâm hồn vốn đã bị tổn thương sâu sắc.

“Không những bố nói dối con, mà sau cái mùa hè tồi tệ ấy, đã một lần bố xin lỗi con vì đã đưa một người khác về nhà và yêu cầu con xưng hô một điều mẹ hai điều con? Hay cả cái mùa đông rét mướt chết tiệt này, đã một lần nào như những năm trước, bố ôm con hay cõng con lên chân đồi phía sau nhà máy than chỉ để hái nấm vào những ngày nắng lên?”

Ông Hà sững người. Mắt ông ướt nước. Ông nhanh chóng bỏ đi với nỗi đau dài.

Chỉ còn những tiếng khóc nức nở,

Của bà Hạnh,

Và của Du nữa…

{ { {

Đêm đông rét mướt, từng đợt gió lạnh căm căm lùa qua ô cửa sổ. Du co mình trên tấm nệm dày. Du khóc.
Du không nhận phần sai về mình. Du đổ lỗi tất cả là tại bố Hà. Du trách số phận đã áp đặt và rót những nỗi đau đắng đót lên mình. Du đau đớn.

Quá nửa đêm, vẫn là ô cửa sổ - nơi nương tựa suy nhất của Du, cô ngồi lên trên bệ, hà hít vị không khí lạnh lẽo có phần ẩm mốc, và đón nhận những đợt gió lạnh cắt da cắt thịt táp vào khuôn mặt mình. Du hành hạ bản thân. Du muốn mình bị thương tổn và đau đớn hơn nữa.

Và khi đã tái tê đi vì lạnh, vì gió, vì mưa, khóe mắt Du mới hé mở nhìn về phía khoảng không.

Một hình ảnh lờ mờ như vệt trắng đung đưa trước mắt Du…? Là vì Du đã hoa mắt, hay cũng là vì có ai đó đang cất giấu nỗi buồn bằng cách tự làm khó bản thân?

Du dụi dụi mắt để chắc rằng những gì mình nhìn thấy không phải ảo ảnh. Và… người đó cười với Du – một nụ cười sáng bừng trong đêm đông lạnh lẽo.

“Là học sinh mới!” Du lẩm bẩm trước sự thật không thể chối cãi này.

“Không phải! Là Lê Nhất Thành!”

Du gắt gỏng, “Tên dở hơi! Sao đêm hôm thế này mà còn ở đó dọa ma. Nhưng…? Du ngập ngừng, “Không lẽ cậu sống ở nhà bên cạnh?”

Thành gật đầu, “Nhà mới của tớ đấy! Nhưng mà chẳng biết ai dở hơi hơn ai nhé. Nửa đêm nửa hôm có đứa ra ngồi ôm cửa sổ và khóc lóc.”

Du giật mình. Không lẽ, cậu ta đã nhìn thấy hết, nghe thấy hết rồi sao? Du ngu ngốc hỏi, “Cậu theo dõi tôi?”

Thành chỉ cười giả lả.

“Cậu theo dõi tôi?” Du gắt lên, “Ôi! Cái tên học sinh mới đáng ghét này!”

“Phải! Là tôi đã theo dõi cậu đấy, thì sao nào?” Thành lên giọng thách thức, “Nhân tiện đây, tôi cho Du hay, cậu không chỉ có thêm một học sinh mới đâu, mà còn có thêm một người hàng xóm mới nữa đấy!”

Du chỉ cảm thấy chuyện này rất nực cười. Xưa nay, Du vốn chỉ thích một mình, Du chẳng bao giờ nghĩ đến khái niệm bạn bè hay hàng xóm. “Chúng ta sẽ không làm bạn đâu! Đừng có mơ tưởng nữa đi!”

Và Du thu người lại. Nhưng trước khi cánh cửa được khép, giọng nói ‘rất Hà Nội’ của Thành lại vọng qua, “Từ từ đã, rốt cuộc là có chuyện gì mà Du khóc to thế? Lại còn khóc sướt mướt hết gần buổi tối nữa!”

Nhoài hẳn người ra ngoài cửa sổ, Du đã định bụng sẽ hét lên nhưng khi nhận ra nét mặt Thanh không có gì là ghẹo trêu kiểu ‘đứa không có mẹ’, cô lại bặm môi không biết phải nói gì?

“Cậu đã nghe thấy hết mọi chuyện rồi ạ?” Du lẳng lặng hỏi nhỏ.

Thành lắc đầu, “Cũng chỉ một chút thôi. Nhưng có gì mà phải buồn bã đến mức làm khổ bản thân thế này!”

“Đến đây thì không còn chuyện của cậu nữa rồi,” Du cảnh cáo, “Và khi lên lớp, tôi mong là cậu đừng hùa theo đám bạn buôn chuyện để ba hoa về gia cảnh của người khác. Chúc ngủ ngon.”
“Khoan đã!” Thành vội kêu lên, “Du nhận lấy đi.”

Du bắt lấy chiếc máy bay giấy và trong đầu thoáng nghĩ ngay đến việc sẽ bỏ vào sọt rác. Nhưng Thành vẫn kịp dặn dò thêm câu cuối cùng, “Du phải đọc đấy! Và chúc Du ngủ ngon!”

Du nhún vai. Cô gỡ chiếc máy bay giấy một cách cẩn thận. Trong ánh điện mờ, những dòng chữ màu mực tím nghiêng nghiêng trước tầm nhìn của cô.

“Đề bài: Viết về người mẹ cùng những hi sinh to lớn mà bà đã dành cho con cái.”

“Bài làm: Thưa cô, em sống cùng với dì ghẻ. Mà dì ghẻ thì không được coi là mẹ, đúng không ạ? Vậy mong cô đồng ý cho em kết thúc bài làm của mình.”

“Lời phê bình của giáo viên: Thành – học sinh mới của lớp 5A, cô và em sẽ có buổi nói chuyện sau giờ học nhé!”

Du nhoài người ra ngoài ô cửa sổ. Cô không chắc mình cần phải nói gì, nhưng ít nhất cô muốn nhìn thấy khuôn mặt cậu ta vào lúc này.

Phía sân thượng nhà bên trống vắng người. Cánh cửa nối liền hướng ra cũng đã khép lại. Du không biết nên khóc cho số phận, hay cười thật to để giả vờ bản thân rằng mình đã có thêm đồng minh trong hoàn cảnh bất hạnh như thế.

Quỳ gối dưới sân nhà, Du khóc thút thít…

Những con chữ màu mực tím nghiêng nghiêng lại hằn lên trong tâm trí cô…

Nguồn: truyen8.mobi/t126288-mu-ghe-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận