Mụ Ghẻ Chương 9

Chương 9
Sài Gòn, tháng 6 năm 2012

Nhận được điện thoại từ Linh – một người bạn của Du đồng thời hiện đang là giáo viên chủ nhiệm của bé Giang, Du xem lướt lại một lần nữa số hình cưới hôm nay vừa chụp, rồi đóng máy và xin phép quản lý để về sớm.
Lần đầu tiên được bước vào khuôn viên trường rộng lớn với tư cách là một bậc phụ huynh khiến Du cảm thấy bỡ ngỡ vô cùng. Và trong cái cảm xúc hỗn độn của buổi chiều Sài Gòn, cô nghĩ về cuộc gặp gỡ tối nay với GiGi – con bé sẽ xù lông nhím lên – hay là tỏ lòng cảm kích với cô?

Du không thể kiểm soát được suy nghĩ non trẻ, vụng dại, hồ đồ nhưng cũng đầy sự cố chấp ích kỉ ấy, dù cho trong quá khứ, cũng đã từng có một Lệ Hạ Du tồn tại như vậy.



Phòng học nhốn nháo người, các bậc phụ huynh bàn tán dăm ba câu chuyện sôi nổi: từ chủ đề bóng đá của cánh mày râu đến chuyện giá cả thực phẩm của chị em phụ nữ.

Có ai đó đang bàn chuyện về vấn đề học tập hay kiến nghị gì với những giáo viên bộ môn không? Du muốn ngồi cạnh những người đó, không phải để tranh luận, mà cô muốn là một phụ huynh có trách nhiệm và quan tâm đến con cái, dù là ở môi trường nào, hoàn cảnh nào nào đi chăng nữa. Và Du đã tìm được một vị trí ngồi ưng ý, chỉ để lắng nghe thôi.
Giáo viên chủ nhiệm bước vào lớp với trang phục là tà áo dài màu xanh cốm. Linh mỉm cười chào mọi người, và khi nhìn thấy Du, Linh cười tươi hơn nữa. Bởi Linh đã nghĩ, Du sẽ từ chối cuộc họp này.

Linh trách Du qua điện thoại, Du đã làm mẹ rồi đấy.

Du phàn nàn, nhưng con bé có coi mình ra gì đâu, như một mụ ghẻ vậy.

Linh gợi ý, vậy Du càng phải tham gia buổi họp phụ huynh lần này, để con bé dần hiểu chuyện và chấp nhận thực tế.
Du à ừ, mình sẽ suy nghĩ thêm.

Nhưng Linh thách thức cô, nếu Du không đến, mình sẽ thất vọng lắm, vì trong suy nghĩ của mình, Du là người biết đấu tranh và thể hiện bản thân mình cơ.

Và vào giây phút này, Du cười lại với Linh, ngỏ ý, mình đã đến rồi đây, bởi vì mình là Lệ Hạ Du – một người bạn thân của cậu cơ mà.

Linh bắt đầu điểm danh phụ huynh đến tham gia buổi họp lớp theo tên của học sinh. Nhưng khi giáo viên điểm tới tên của Hồ Thanh Giang thì cả Du và một người đàn ông lạ mặt cùng lên tiếng, ‘Có’.

Linh tìm kiếm người đàn ông bên dưới đám đông. “Tôi xin phép việc này tuy hơi bất tiện, nhưng tôi có thể mời phụ huynh của em Hồ Thanh Giang đứng lên được không ạ?”

“Tôi là mẹ của cháu Giang”, Du nói.

Mẹ của cháu Giang, nghe thật tuyệt.

Người đàn ông lúng túng trong bộ quần áo màu ghi cùng khuôn mặt khắc khổ. Ông nhìn Du, nhìn giáo viên, lướt nhanh những ánh mắt xung quanh đang đổ cả vào mình. Giọng ông dần nhỏ lại, “Tôi xin lỗi. Tôi không biết là mẹ cháu Giang đây cũng tham gia buổi họp phụ huynh ngày hôm nay, nên tôi đã đến.”

Du tò mò muốn biết người đàn ông này là ai? Lục lại quá khứ những hình ảnh trong buổi tiệc cưới, người đàn ông này có thể là họ hàng với gia đình Viễn, là bác, là chú...? Nhưng chẳng phải câu hỏi này sẽ biến thành trò cười cho tất cả mọi người ư? Nếu đó là một người quen của gia đình và Du sẽ trở thành dấu hỏi nữa cho các bậc phụ huynh, cô ta có đúng là mẹ không mà lại không biết người họ hàng kia nhỉ?

“Vậy ông là ai?” Một người phụ nữ bất ngờ lên tiếng.

“Xin lỗi, tôi chỉ là người đi xe ôm ở ngoài cổng trường. Tôi được…, được cháu Giang nhờ vả thôi.”

Cả phòng họp xôn xao lời bàn tán. Du đỏ bừng mặt. Linh cũng tỏ ra ái ngại khi nhìn về phía Du.

Người phụ nữ ban nãy tiếp tục nói, “Tôi cũng nghĩ thế. Bọn trẻ vẫn thường xuyên làm việc đó. Thằng con trai của tôi cũng đã từng một lần như vậy.”

Và đâu đó trong phòng, vài tiếng cười lớn vang lên như thể thuận tình ý kiến đó vì họ cũng đã từng bị con cái lừa phỉnh ít nhất một lần.

Cùng lúc, người đàn ông đi xe ôm đội chiếc mũ cối màu xanh lá lên đầu. “Vậy tôi xin phép. Tôi đã làm mất thời gian của mọi người rồi.” Và ông nhanh chóng rời đi.

Du có cảm giác hàng vạn mũi tên vừa đâm vào tim mình. Và những giọt long lanh nước luẩn quẩn bơi lội trong vành mi, chỉ trực tràn.

{ { {

Ngồi trong khuôn viên trường với Linh, Du vẫn không đủ can đảm để khóc. Buổi họp kết thúc, Du chỉ cảm thấy xấu hổ dù Linh là người bạn thân thiết từ thời cấp ba cho đến đại học. Thậm chí, cô còn hiểu khá rõ hoàn cảnh gia đình cô. Du trầm mặc…

“Nghĩ lại, mình cũng không biết việc đề nghị cậu cần đến buổi họp phụ huynh là đúng hay sai nữa?” Linh nói và nắm lấy bàn tay lạnh toát của Du.

Du chỉ còn biết cười trừ, “Đâu phải lỗi của cậu. Cậu đã đúng. Cậu đang giúp mình đến gần hơn với trải nghiệm của một người mẹ đấy!”

Một trải nghiệm – thêm một lần xác nhận về danh phận của mụ ghẻ, Du cay đắng nghĩ ngợi.

“Nếu Du nghĩ thế thì mình cũng đỡ áy náy”, Linh cười, “À, còn việc này nữa, do đầu giờ xảy ra chuyện không hay rồi nên mình không tiện nói, mình sợ mọi người lại chú ý vào Du lần nữa, hoặc họ sẽ có thêm chủ đề để bàn tán khi về nhà trong lúc ăn cơm tối với con cái của họ về bé Giang.”

Du tập trung lại vào chủ đề họp phụ huynh, thay vì cứ lang thang kiếm tìm những tình huống tiếp theo sẽ xảy ra với mối quan hệ ‘mụ ghẻ - con chồng’.

“Khả năng bé Giang phải ở lại lớp 8 là rất cao. Môn Toán và Hóa, con bé không đủ điểm để lên lớp.” Linh thông báo, “Con bé sẽ có một cơ hội ôn tập và thi lại trong mùa hè trước khi mùa khai giảng tới vào tháng chin.”

Du lung túng. Trong một bữa ăn tối vào tháng trước, chẳng phải bé Giang đã tự tin bài thi của mình sẽ đủ điểm để lên lớp với Viễn hay sao? Không nghĩ được gì hơn, Du lẩm bẩm, “Cảm ơn cậu.” Quá khủng khiếp, Du thẫn thờ đứng dậy, “Mình phải về rồi. Mình cảm ơn Linh nhiều lắm!”

Du cứ thế bước đi, từng bước chậm chạp. Dưới ánh nắng yếu ớt ban chiều, quá khứ lảng thảng lùa về…
Cánh cổng bằng khóa mật khẩu và yêu cầu xác nhận từ bên trong. Giọng GiGi phát ra qua chiếc loa báo nhỏ gắn ở mép tưởng cao với những dây thường xuân mọc kín, “Xin cho hỏi, ai là ai đấy ạ?”

Linh tính mách bảo, Du cảm thấy có chuyện bất thường đang xảy ra ở phía trong. “Là dì đây”, cô nói nhanh, “Là dì Du.”

Giọng bé Giang vọng lại, “Thế à?” Và sau đó là tiếng nhạc được mở lớn hơn nữa cùng thông báo, “Mẹ GiGi về. Mẹ GiGi đã về. Các bạn cứ vui chơi thoải mái nhé. Tớ sẽ ra mở cửa cho mẹ vào. Ồ! Mẹ GiGi đã về rồi, các bạn ơi!”

Sau cánh cửa cổng lớn, Du đứng thần người. Đã có chuyện gì xảy ra với hệ thần kinh bất ổn của con bé rổi? Trong một khắc ngu xuẩn, Du nghĩ đến việc Giang cùng đám bạn đang dung thuốc cấm nên mới mở nhạc ầm ĩ ở trong nhà. Và Du hết nhấn chuông rồi lại đập mạnh tay vào cánh cổng, “GiGi! GiGi! Nhanh mở cửa cho dì! GiGi!”

Cánh cửa đột nhiên mở ra, cả người Du gần như đổ ập về phía trước. Cánh tay Du vươn ra vịn nhanh lấy chiếc xe đạp ở trước mặt. Và xe đạp, xe máy, đủ hình dạng, đủ màu sắc…, xếp đầy trước khoảng sân nhà. Ngẩng đầu lên, “Chuyện này là thế nào?” Du thắc mắc.

Thay vì trả lời, ánh mắt Giang sắc lẹm nhìn Du, và con bé quay lưng bước đi.

“GiGi? Chuyện gì?” Du gắt lên. Cô đã cảm thấy vô cùng khó chịu, bẽ bàng trong suốt nhiều giờ đồng hồ vừa qua. Con bé không trả lời, vẫn quay lưng lại với Du và tìm cách len qua những ô hở của đám xe vộ đặt ngổn ngang để vào trong nhà. “Chuyện gì? GiGi?”

Sự giận dữ của Du cuối cùng cũng có hiệu quả. Giang đứng yên, vài giây sau mới ngoảnh mặt lại, “Thưa dì Du, chuyện gì là chuyện gì ạ?”

“Xe cộ. Tiếng nhạc.” Du nói ngắn gọn.

“Thế dì nghĩ chuyện chết tiệt gì đang xảy ra trong nhà cơ chứ?” Giang gắt gỏng. “Và dì đừng có hét lên với con nữa. Điều đó chỉ càng chứng tỏ dì là mụ ghẻ, xem con riêng của chồng chẳng ra dì, thậm chí sự ân cần chịu khó của dì trước mặt ba Viễn chỉ toàn là dối lừa, ngụy tạo.”

Du cứng họng. Cô lặng thing nhìn con bé quay lưng bỏ đi. Vừa bước tới hiên nhà ngập tràn mùi hương hoa hồng trắng, Giang ngoảnh đầu lại, “Mời dì Du tham gia bữa tiệc cùng chúng con.”

Lời mời mọc quả là nực cười đối với Du. Nhưng Du tò mò muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở trong nhà. Du sẽ nói chuyện này với Viễn nữa – cô thề mình sẽ làm thế, dù biết việc này là không đúng với GiGi.

Không thể len lỏi vào trong sân nhà để dựng xe, Du buộc phải mang chiếc Vespa cổ sang khu công viên phía đối diện. Bác bảo vệ ái ngại nhìn cô, “Phiền cô Du xem chuyện gì đang diễn ra rồi giải tán đi. Chứ cả khu phố ồn ào suốt mấy tiếng đồng hồ rồi. Không nhanh kẻo tổ dân phố đến thì lại phải lên phường trình bày, sẽ phiền lớn.”

Du vâng dạ cáo lỗi và mong bác bảo vệ thông cảm rồi trở về nhà. Cô sẽ quát nạt bọn trẻ? Cô sẽ đuổi hết chúng đi? Cô sẽ nói gì nhỉ? Ôi không! Du ơi, Du phải chứng tỏ mình là chủ nhà chứ!
Mở cánh cửa phòng khách, trước mắt Du không khác gì cảnh cô vừa bước vào không gian của những trò tiêu khiển: hát hò, ăn uống, nằm dài thượt từ trên ghế sô pha xuống nền nhà, đánh bài phạt tiền, rồi cả lướt web đen nữa…

Du còn chưa kịp lấy lại tinh thần và sắp xếp từ ngữ thành câu ở trong đầu, bé Giang ở bên phải phóng ra từ đám đông. “Ô! Mẹ về rồi! Mẹ GiGi đã về rồi, các bạn ơi!”

Mẹ GiGi? Du cắn môi. Con bé muốn mang cô ra đùa cợt trước mặt đám bạn của nó?

“Xin trân trọng giới thiệu với các bạn trai xinh, gái đẹp của lớp 8A10,” Giang quàng tay ôm lấy vòng eo Du khiến cô gần như nhẩy lên vì không biết phải phản ứng thế nào trước hành động cứ như là trong mơ. “Đây là mẹ GiGi. Mẹ GiGi rất tốt. Mẹ từng bảo nếu bạn bè của GiGi đến chơi, mẹ sẽ làm đồ ăn, gọt trái cây cho tụi mình nữa.”

Đám trẻ hò vang lên cùng lúc nghe như bài Thánh ca trong Giáo đường.

Du đã từng nói vậy ư? Thật không dám tin vào sự trơ trái của con bé nữa.

Giang đu lấy người cô. Đôi mắt con bé chưa bao giờ trông hiền lành và trẻ thơ như bây giờ, “Phải thế không? Mẹ GiGi?”

Lại còn mẹ GiGi liên tục lặp lại nữa chứ? Nhưng Du thích điều đó. Hai từ ‘mẹ GiGi’ nghe thật ấm áp biết nhường nào. Du muốn nghe nhiều hơn, ‘mẹ GiGi, mẹ GiGi’, dù biết sau khi bừng tỉnh khỏi giấc mơ này, bên tai cô chỉ còn lại toàn những lời lẽ khó nghe như tiếng tấm kính bị vỡ leng keng, hay tiếng gạch đá ném loảng xoảng mà thôi.

Để thực hiện hóa giấc mơ, cả GiGi lẫn đám trẻ cùng ban phát cho cô hàng tá những nụ cười và lời lẽ nũng nịu mà kể từ khi Du bước vào căn nhà này chỉ là sự tĩnh lặng như thể sự sống không còn tồn tại ở nơi đây.

“Mẹ GiGi, mẹ từng nói với con như vậy, đúng không?” Bé Giang chớp chớp mắt.
Du không thể tra lởi. Phản bác nghĩa là con bé sẽ bị xấu hổ với đám bạn. Nhưng đồng tình đồng nghĩa với việc cô sẽ góp phần vào cuộc vui thú này khi chúng còn chưa đến độ tuổi để thấm nhuần những nỗi đau rất đời, rất người ấy.

Du đứng lặng người.

“Chà! Mẹ GiGi đẹp quá!” Tiếng ai đó cất lên.

“Mẹ GiGi trẻ nhỉ?” Lại mẹ GiGi nữa, “Chả bù cho mẹ mình, khó tính dữ lắm luôn nha.”

Ở phía xa, ai đó tiếp tục, “Cơ mà chiếc máy chụp hình của mẹ GiGi là của hang nào vậy? Nhìn là biết xịn chắc luôn!”

Bé Giang vòng tay tháo chiếc dây đeo để lấy máy hình. “Mẹ GiGi à! Thật đúng lúc, tụi con muốn chụp hình. Mẹ GiGi có thể cho tụi con mượn một chút, được không?”

Chân mày Du co lại. Cơn đau đầu dữ dội cùng tiếng nhạc inh ỏi càng khiến Du khó chịu hơn. Gỡ những ngón tay của bé Giang ra khỏi cánh tay mình, Du nói, “GiGi, con có thể dung máy hình, nhưng hãy giữ gìn cẩn thận. Dì rất mệt. Dì sẽ lên phòng nghỉ ngơi.”

“Nói mẹ đi”, GiGi rướn người, nói sát vào tai cô, “Dì nói to lên. Xưng hô mẹ - con ý. Bằng không, chúng nó sẽ cười vào mặt con.”

Du nhìn con bé không chớp mắt. Vì ai mà trong buổi họp phụ huynh hôm nay đã khiến cô bẽ bàng đến thế?

Đây là ‘cơ hội trả đũa’ đầu tiên của Du đối với con bé, chắc chắn rồi, làm sao có thể bỏ qua dễ dàng như thế. Nhưng Du không nỡ, “Xin lỗi các bạn, nhưng hôm nay cô rất mệt, cô sẽ về phòng riêng, các bạn cứ thoải mái nhé.”

Khuỷu tay ai đó thúc mạnh vào người Du. Ngoảnh đầu lại, bé Giang đang nhìn cô với ánh mắt chứa lửa. Du rùng mình.

“À, ý của cô là, cô sẽ vào trong bếp để nướng bánh hay làm gì đó cho mọi người nhé!” Du đau khổ nói.

Cô bị bẽ bàng thì sao? Cô là bậc phụ huynh, là mẹ của một đứa trẻ cơ mà. Còn GiGi thì không, con bé đang ở độ tuổi dậy thì, nó sẽ rất dễ bị tổn thương sâu sắc nếu như bị bạn bè cười trêu. Cô không muốn thế chút nào. Dù trong suy nghĩ của Giang, Du chỉ là một mụ ghẻ thì cô vẫn muốn là một mụ ghẻ có tình thương, biết hy sinh và cam mình chịu đựng.
Cuộc vui kết thúc vào bẩy giờ tối. Cả căn nhà lớn yên ắng trở lại như thường ngày. Du đứng giữa phòng, uể oải nhìn ‘bãi rác giữa thành phố’ mà đám trẻ để lại. Ở trên ghế sô pha, bé Giang nằm dài mệt mỏi, “Dì Du? Dì Du à?”

“Sao?” Du hỏi lại, “Sao hả? Còn muốn gì nữa đây?”

Cô bé xua tay như muốn phê phán thái độ của Du. “Con thích một dì Du của buổi chiều như hôm nay hơn.”

Một dì Du như một người giúp việc, Du nghĩ thầm, “Thế à?”

Tiến về phía ghế sô pha, gạt đám vỏ kẹo bánh và loong bia, Du chọn cho mình một chỗ ngồi đối diện với con bé, “Dậy đi. GiGi?”

“Không đâu dì. Con mệt lắm.” Giang uể oải trả lời, “Đầu con đau như muốn vỡ ra thành nhiều mảnh.”

“Nhưng chúng ta cần nói chuyện!” Du ép mình cần phải nhẹ nhàng hơn, “Nếu con muốn lên lớp chín thì ngồi dậy đi. Bằng không, con sẽ ở lại lớp thêm một năm nữa đấy!”

Giang bật người dậy như chiếc lò xo. Đôi mắt nâu của cô bé mở tròn, nổi bật trên gương mặt trắng tái với mái tóc bù xù, “Sao? Sao cơ? Dì…dì… đã đến… ư?”

Du đang nghiêm túc và bình tĩnh hơn bao giờ hết. “Sao nào? Con sẽ không có kì nghỉ hè nếu không muốn ba Viễn phải buồn phiền vì lời nói dối vào bữa ăn tối kinh hoàng trong tháng trước?”

“Tại sao dì làm thế? Tại sao dì lại đi họp lớp?” Bé Giang gào lên. Mái tóc của con bé xù tung và bay qua bay lại theo cái lắc đầu đầy giận dữ, “Dì nghĩ mình là ai cơ chứ? Là ai hả? Ôi thật là…”

“Dì sẽ không hoàn thành câu đó nếu dì là con.” Du cướp lời, “Con sẽ không thích nuốt lại những từ đó đâu?”

Giang đứng bật dậy. Con bé vòng ra lối sau và bỏ đi. “Dì nghĩ mình là ai chứ, hả, hả?”

“Dì là mẹ con”, Du nói với theo, “Mẹ GiGi đấy!”

Giang khựng chân ngay lối cầu thang và ngoảnh đầu lại. Rồi con bé cười vang như người sặc nước, “Mẹ GiGi á? Dì nghĩ, dì là mẹ GiGi thật đấy à? Chúng ta chỉ vờ như thế khi có mặt người lạ thôi. Bằng không, cả hai sẽ xấu hổ lắm, phải không ạ?”

Du đứng dậy. Cô nhìn nụ cười méo mó của Giang.

Tại sao Du lại hiền lành và cam chịu thế này? Du của cái ngày non trẻ, không bao giờ chấp nhận, và luôn đấu tranh với thực tại nếu không bằng lòng đã đi đâu mất rồi. “GiGi! Đứng lại đấy! GiGi?”

Không nhận được kết quả mong muốn. Du buộc phải chạy theo. “Giang? Giang? Con đứng lại cho dì. Ngay lập tức!”

“Vâng! Thưa dì!” Giang dừng bước. Khuôn mặt cô cau có. “Rõ ràng, con là đứa rất biết nghe lời, đúng không ạ? Chẳng qua là lỗi của dì đã không gọi đúng tên con thôi!”

Cái con bé lí sự này, Du lẩm bẩm, “Con nghĩ bản thân phải làm thế nào đây? Chuyện lên lớp chín đó!”

“Con chẳng nghĩ được gì cả khi mà cơn buồn ngủ đang kéo lên đến tận não đây này!” Hai tay Giang đưa lên ôm lấy đầu, “Và dì thì nói không ngớt, lại còn lẽo đẽo đi theo con nữa. Làm ơn, hãy tránh xa nhau ra, làm ơn đi mà!”

Giang bỏ đi ngay sau đó. Vừa đi, cô đưa ngón trỏ ra sau, “Đừng đi theo. Làm ơn. Ôi, đau đầu quá ba ơi!”

Một mình Du đứng giữa căn phòng bừa bộn trộn với mùi hôi của bia và thuốc lá. Tất cả những gì cô nghĩ được chỉ là, thật may vì cuộc đời anh luôn là những chuyến công tác dài, vì thế, cảnh tượng này sẽ không gây phiền hà đến mối quan hệ của cả ba chúng ta.


Du quét dọn, lau chùi nhà cửa đến gần một giờ sáng. Chân tay cô mỏi nhừ, cơn đau đầu tiếp tục âm ỉ cháy.

Giá như ngày còn nhỏ, Du chấp nhận dì Hạnh, Du không cư xử như bé Giang bây giờ, thì có thể cuộc đời của cô, tình yêu của cô, gia đình cùng với Viễn vào thực tại này đây đã là một cuốn tiểu thuyết với những trang viết đẹp đẽ, tuyệt vời, và đầy sống động rồi, đúng không?

{ { {

Đứng vịn tay vào lối đi cầu thang, Giang muốn phụ dì Du về công việc dọn dẹp nhà cửa mà cô và đám bạn đã cố tình bày bộn ngang dọc. Nhưng Giang sẽ không làm thế, Giang muốn người phụ nữ ấy rời khỏi căn nhà này, Giang ghét tình yêu của ba Viễn phải chia đôi khi mà suốt mười bốn năm qua, tình yêu ấy đã từng là duy-nhất-của-riêng-mình-cô.

Giang lặng lẽ trở về phòng riêng.

Và Giang đã khóc…

{ { {
“Con đã suy nghĩ suốt đêm”, Giang xuất hiện ngay trước phòng ăn trong bộ áo quần đồng phục tới trường, “Con nhất định phải lên lớp chín.”

Tắt bếp gas và tháo tạp dề, Du không lấy làm lạ về những gì con bé nghĩ. Con bé sợ ba Viễn thất vọng, sợ cả việc sẽ phải học lại một năm.

Cũng chẳng phải mười mấy năm trước, Du chấp nhận bài văn 0 điểm vì tính ương ngạnh nhưng vẫn mong sẽ được làm lại, vẫn sợ điểm kém, vẫn sợ bị tụt hạng trong danh sách tốp năm học sinh dẫn đầu lớp đấy ư?

“Nhưng kèm theo một điều kiện,” Giang nói thêm. Và Du chỉ gật đầu. “Dì sẽ cho con tiền học thêm chứ?”

“Dì đã đóng tiền học cả hai môn Toán và Hóa cho con vào chiều hôm qua.”

“Và dì sẽ không nói gì với ba Viễn?” Giang nhấn mạnh những từ ngữ cuối cùng.

“Dì đâu cần nói nếu con lên được lớp chín?” Du cũng nhấn mạnh. “Còn nếu như con vẫn không thể vượt qua hai môn thi đó, thì việc ở lại lớp tám, ba Viễn sẽ tự nhận được thông báo của nhà trường.”

Không có bất kì lời cảm ơn nào. Giang lấy máy chụp hình từ trong ba lô trả lại Du và từ chối ăn sáng. “Ngồi chung bàn, con nghĩ là cả hai đều không thoải mái. Vả lại, bữa sáng thì phải ăn giống hoàng đế. Mệt mỏi thì thật chẳng còn gì là thưởng thức điểm tâm nữa. Đúng không ạ?”

Và con bé bỏ đi nhanh chóng.

Du buồn bã lắc đầu. Cầm máy chụp hình lên, tháo khuy khóa của chiếc túi đựng, Du giận dữ khi những vết xước lớn ở phần ống kính đập thẳng vào mắt cô. Bé Giang có thể xúc phạm Du hết lần này tới lần khác, nhưng đây là ước mơ từ nhỏ của Du và cũng là niềm vui duy nhất ở thời điểm hiện tại, con bé không thể phá vỡ nó, không thể, không thể!

Chạy nhanh khỏi phòng bếp, “GiGi. Con đứng lại cho dì. GiGi?” Du hụt hơi.

Giang cười tươi khi trông thấy bộ dạng đau khổ của Du, và chiếc máy hình trên tay. “Con đi học thêm đây, thưa dì. Con muốn lên lớp chín, dì ơi. Và giờ học gần trễ rồi.”

Leo lên xe đạp điện, Giang phóng vụt đi ngay sau đó!

Nguồn: truyen8.mobi/t126289-mu-ghe-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận