Ma nữ đa tình Chương 3

Chương 3

Đêm đó, khoảng gần 8 giờ nàng đến. Lúc đó tôi ở dưới nhà sau. Đây là cái biệt thự, phòng khách chính dùng làm phòng trà, bán cà phê. Chị Yến chạy xuống ríu rít gọi tôi. Tôi theo chị lên quày tính tiền. Bà Sâm ghé tai tôi nói thầm:

- Đấy, em đấy! Bồ ra ngồi với em đi.

- Nó có cho ngồi không mà ngồi? Nó lại la làng hay đuổi đi thì quê. Có khi lại gần nó dám ếm lắm ạ!

Nói vậy nhưng tôi cũng đến bàn cô gái. Nàng ngước nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh và hết sức thờ ơ. Tôi nói:

- Tôi mới được nghe chị Yến, chị Sâm nói cô khó lắm, không ai làm quen được. Tôi muốn thử. Cô nên cho tôi làm quen vì các bà ấy treo giải ai làm quen được với cô, sẽ cho uống cà phê không phải trả tiền, bạn bè muốn mời ai cũng được, suốt năm. Tôi muốn cô không phải trả tiền kể từ đêm nay.

Cô nàng dường như có hơi nhếch mép nhưng không nói gì. Tướng nàng chẳng có vẻ gì là ghê gớm khó khăn, chỉ có nét lầm lì kênh kiệu thôi. Nhan sắc trên trung bình, theo cái nhìn đầu tiên của tôi lúc tranh tối tranh sáng. Tôi tự mình kéo ghế ngồi xuống. Bà Sâm đem ra bàn cho tôi một phin cà phê, miệng tủm tỉm cười. Tôi cũng cười, ra cái điều nó không cắn, không đuổi đi chỗ khác chơi, việc gì phải sợ? Bà Sâm khều lưng tôi ra ý khích lệ. Nàng mặc tôi ngồi đối diện, vẫn chăm chăm nhìn vào mấy điếu Salem cháy trong cái gạt tàn, coi đứa anh trai như cục đất. Tôi nói:

- Tôi không hút Salem, nên cô đốt bao nhiêu tôi cũng không thấy phí và tiếc. Nhưng cô làm cái chuyện lập dị này để làm gì cho phí tiền?

- Kệ tôi!

A, nàng cóc đã mở miệng! Có lẽ nàng nổi sùng vì hai chữ lập dị. Mắt nàng quắc lên, vừa dữ vừa đẹp. Tôi cười:

- Tất nhiên là tôi kệ cô. Cô có đốt cháy tiêu nhà người ta tôi cũng kệ cô. Cô bị đi tù tôi cũng kệ cô. Nhưng mà thôi, trêu cô cho vui chứ nhìn cô tôi biết cô là một con người nghệ sĩ, hay ít nhất cũng có dáng nét của một nghệ sĩ , tôi không lấy chi làm lạ vì tôi có nhiều bạn trong giới văn nghệ nên tôi hiểu.

Chả là bà Yến với bà Sâm có cho tôi biết em này thích dở chuyện văn chương ra nói với mấy đấng đàn anh hiệp sĩ Thiên Lôi 524 chỉ biết chuyện “ấy”, chuyện đánh đấm với vật lộn trên giường thôi nên tôi đoán các đàn anh chán quá không thích nói chuyện với em, hắt hủi em để em phải ngồi buồn chiêu niệm những cuộc tình đã qua, tạo ra hình ảnh ma quái như thế. Tôi đánh đúng target ngay trái bom đầu, tuy không là hoa tiêu khu trục. Thế là từ đó nhé, chuyện cứ gọi là liên miên như hai cụ Bá Nha, Tử Kỳ khảy đờn cho nhau nghe rất là tương đắc. Bà Sâm xí xọn thỉnh thoảng lại làm bộ ghé hỏi có uống cà phê nữa không để nghe xem chuyện chi mà cô cậu tâm đầu ý hiệp thế. Mới qua năm phút trò chuyện sơ sơ đứng đắn, ong bướm không hề lơi lả, tôi biết em này chẳng có một ly ông cụ nào gọi là ghê gớm cả. Em là nữ sinh, có lẽ mới lên đại học, có chân trong một thi văn đoàn nào đó, thích làm dáng văn chương. Mấy đàn anh đi trước đã đi vội quá, quên không nghiên cứu địch tình và mang theo bí kíp nên nản và bỏ cuộc.

Em thuộc týp nữ sinh mê văn chương Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, thích Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, khoái Nhã Ca, Thụy Vũ, Lệ Hằng cùng vài nhân vật văn chương tên tuổi khác. Em hù tôi, nói y như em quen thân với những ông bà nhà văn nhà báo nổi tiếng. Rồi em nói đến cả hội họa, trường phái này, trường phái kia líu lo. Gì chứ mớ đề tài này tôi không thiếu. Bởi ở trong làng văn làng báo trước khi vào Không quân, tôi đâu có nghèo chi tiết văn chương nghệ thuật để đem ra tán dóc? Nàng nói chuyện với tôi bằng thứ văn hoa thời thượng mà tôi nghe nhiều lúc phải nén cho khỏi phọt ra mà cười! Thí dụ như Nhiều khi Lan thấy tâm hồn trống vắng… hay Lan có những nỗi buồn không tên len lỏi trong tiềm thức hoặc Lan thường ôm giữ những mảnh hành trang còn hằn in dấu vết kỷ niệm… Tôi kiên nhẫn nghe, gật gù ra cái điều khâm phục nàng ít tuổi mà quen biết nhiều, ăn nói hay như người ta viết văn vậy.

Nàng cỡ mười mí, hai mươi là cùng, tên gì bây giờ tôi không nhớ, có lẽ là Lan, nên tôi gọi đại là Lan cho tiện. Tôi nói với nàng rằng tôi không có hân hạnh quen với những bậc tài danh nghệ sĩ đó. Tôi chỉ quen biết những nhân vật văn nghệ đầu đường xó chợ như ngài Bồ Tát Vỉa Hè Anh Hợp, thi sĩ điên Bùi Giáng, nhà văn Hít tô phe Ngọc Thứ Lang, người phóng tác truyện Bố Già bán chạy hơn điệp viên Văn Bình Z-28 của ông Nguyễn Anh Tuấn, vậy mà sống đọi, thường xin tôi tiền lẻ đi đò về Thủ Thiêm e lớ quớ vi phạm giờ giới nghiêm bị lính mã tà của ông cò Công bắt bỏ bóp. Tôi kể cho em nghe chuyện nhà văn Không quân thân mến của chúng ta, ông Nguyễn Đình Thiều (dám mặc đồ bay cam lắm) vào nằm vùng trong đám hành khất chợ Vườn Chuối để lấy chất liệu viết phóng sự Tôi Đi Ăn Mày. Anh Hai Nguyễn Đình Thiều đẹp trai có hạng, được mấy mợ ăn mày yêu kể gì, ghen nhau, giành nhau đòi lấy làm chồng, coi anh hai như Vua, năn nỉ anh hai cứ việc ở nhà (!) coi con cho em đi lạy ông đi qua, lạy bà đi lại xin tiền bá tánh về nuôi anh hai ăn nhậu suốt đời! Mấy chị ghen nhau, uýnh nhau, chửi bới om xòm, loạn cào cào khu chợ Vườn Chuối khiến anh hai sợ quá, ôm bị gậy chạy có cờ!

Tôi cũng kể cho nàng nghe những chuyện vui về ngài ký giả mô-bi-lét Chàng Phi, về ký giả Văn Đô chuyên săn tin Từ Thành Đến Tỉnh, về nhiếp ảnh gia Lỗ Vinh mỗi lần vác máy đi chụp đám biểu tình xuống đường là mỗi lần bị bạn dân vác dùi cui khện vỡ đầu. Chuyện chí sĩ Minh Vồ chủ nhiệm báo Con Ong… Tôi nói lung tung về những nhân vật truyền kỳ của đám văn chương, hội họa và cả điện ảnh nữa. Tôi cho nàng biết tôi quen với họa sĩ Hĩm, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhúm, Dương Hùng Cường hễ gặp là kêu thấy mặt mày là tao nhớ ngay đến cái hĩmụ! Giới điện ảnh có đạo diễn quốc tế Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Long, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh… Nàng nghe tôi tán phét có lúc cười rinh rích, mất tiêu đâu vẻ lãnh cảm lúc ban đầu. Nàng phục tôi y như tôi phục nàng. Chúng tôi phục nhau vung vít ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Đêm đó, đôi trẻ ngồi nói chuyện rù rì cho đến giờ giới nghiêm mới bịn rịn chia tay. Tôi đưa nàng về trên chiếc Honda 50 phân khối còn mới, chạy êm như đi trên mây.


Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t103705-ma-nu-da-tinh-chuong-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận