Nô Lệ: Câu Chuyện Có Thật Của Đời Tôi Chương 1

Chương 1
Người ta đói quá và trở nên cùng quẫn.

Khi tôi ra đời, cha tôi chọn tên đặt cho tôi là Mende. Trong ngôn ngữ của người Nuba, mende là từ chỉ con linh dương - con vật đẹp đẽ và duyên dáng nhất vùng núi Nuba. Tôi là đứa con thứ năm, cũng là con út của cha tôi, và ông luôn nghĩ tôi là cô gái xinh đẹp nhất trên đời. Làng tôi dựa lưng vào một khối đá khổng lồ, vượt hẳn trên tất cả các ngôi nhà bằng đất bên dưới. Phía trên khối đá này, dãy núi nhô cao lên bầu trời. Thực ra ngôi làng được núi bao bọc khắp mọi phía. Đi bộ ra khỏi làng chúng tôi, chỉ trong khoảng mười lăm phút, người ta đã thấy mình lạc giữa những chân núi.

Gia đình tôi sống trong một khu đất hình chữ nhật với hai ngôi nhà vách đất đối diện nhau. Khu đất đó chúng tôi gọi là “shal”. Shal được vây quanh bằng tường rào cọc gỗ bện rơm. Mỗi bên của shal có hai băng ghế dài nối nhau là nơi buổi tối chúng tôi ngồi kể chuyện vui cười bên đống lửa. Quanh shal là một khoảng sân rộng hơn, gọi là “tog.” Tường rào quanh tog được làm bằng những cành cây thẳng và chắc chắn, cao tới mái nhà. Tường rào này để ngăn thú dữ vì ban đêm chúng có thể vào làng. Tôi cho rằng shal của chúng tôi giống một ngôi nhà Tây phương, còn tog như khu vườn quanh nhà. Cừu và dê của chúng tôi sống trong khu vực tog. Chúng tôi phải cẩn thận nếu không lũ gia súc này sẽ đột nhập vào shal và ăn mất lương thực của gia đình.

Tôi sống cùng một ngôi nhà với cha mẹ tôi. Trong nhà có ba chiếc giường, mỗi người một chiếc. Giường bằng khung tre và các liếp giường bằng thừng bện từ vỏ cây bao báp. Cha tôi bao giờ cũng ngủ bên cửa ra vào để bảo vệ chúng tôi. Trong rừng và những ngọn đồi lân cận có rắn và linh cẩu, tôi sợ chúng vào bắt tôi đi. Đêm nào tôi cũng rời giường mình tới nằm cuộn tròn bên cha, nơi tôi cảm thấy mình được an toàn.

Vào mùa mưa, chúng tôi đốt một bếp lửa ở giữa nhà để giữ ấm ban đêm. Chúng tôi chất một đống lớn củi khô giữa nhà. Khi hết củi, chúng tôi phải vào rừng nhặt củi ướt. Thế rồi ngọn lửa phải ráng cháy sẽ tỏa khói mịt mù khắp nhà.Truyen8.mobi

Một trong những kỷ niệm đầu đời của tôi là khi cha cho tôi một con mèo con. Con mèo đen tuyền và bóng mượt. Tôi đặt tên nó là Uran - nghĩa là “mun.” Uran hóa ra là một tay săn chuột lợi hại. Ban đêm, khi tôi tót lên giường cha ngủ, Uran nhảy lên nằm trên người tôi. Thế là cha tôi thức giấc.

“Cha đã cho con vào giường cha rồi,” cha tôi sẽ nói với giọng ngái ngủ. “Chẳng lẽ con nghĩ cha có thể ngủ được với con mèo của con ở đây nữa sao?”

“Được, dĩ nhiên là cha ngủ được mà,” tôi vừa đáp vừa cười khúc khích. “Con ngủ với cha, và cha con mình ngủ với con mèo. Vậy đó.”

“Này,” cha tôi nói nửa đùa nửa thật. “Nếu con muốn ngủ với Uran thì về giường con mà ngủ nhé.”

Tôi luôn luôn không chịu. Thế là mẹ tôi ở phía kia sẽ gọi sang.

“Tới đây với mẹ, Mende. Giường mẹ đủ rộng cho hai mẹ con mình với con mèo.”

“Không chịu đâu,” tôi đáp lại. “Con muốn ngủ ở đây với cha cơ.”

Vậy là bắt đầu trò chơi “xoay quần”. Tôi sẽ ôm Uran qua giường mẹ, để nó ở đó rồi tôi chạy lại giường cha. Nhưng Uran lập tức nhảy ra khỏi giường mẹ để chạy theo tôi sang giường cha. Lúc này cha tôi sẽ cười lớn.

“Thôi được,” ông thở dài rất kịch. “Con sang ngủ với mẹ con và Uran ở lại đây với cha.”

“Dạ được, cha,” tôi đáp. Tôi biết kiểu đùa này sẽ kết thúc ra sao.

Tôi sẽ sang giường mẹ. Nhưng Uran lại cũng chạy theo tôi và nhảy lên giường mẹ cùng với tôi. Giờ đây cả nhà rộ lên tiếng cười.

Cha tôi sẽ nói, “Làm gì thì làm, Uran vẫn cứ muốn ngủ với con thôi.” Rồi cha tôi sẽ mang chiếc giường nhỏ của tôi từ vách bên kia sang đặt cạnh giường ông. Tôi sẽ thót lên giường mình, con Uran nhảy lên nằm trên người tôi, và cha tôi ngủ bên cạnh tôi với con mèo. Thế là mọi người đều vui vẻ.

Chị cả Shoken của tôi sống với chồng và các con ở khu bên cạnh, chị còn lại là Kunyant chẳng bao lâu nữa cũng sẽ lấy chồng. Các anh tôi, Babo và Kwandsharan, sống trong “holua,” tức nhà của đàn ông, bên ngoài khu vực gia đình. Mỗi gia đình có holua riêng để các con trai chưa vợ ăn ngủ ở đó với nhau. Vào bữa ăn, cha tôi sẽ đến holua cùng ăn với các anh tôi.

Cha tôi sẽ gọi to mời tất cả họ hàng cánh nam giới đến cùng tham dự, “Xin mời đến ăn với chúng tôi! Xin mời đến uống trà với chúng tôi!” Các cô dì chú bác của tôi đều sống gần đó trong khoảng cách có thể nghe tiếng gọi của nhau. Trong truyền thống của chúng tôi, điều rất quan trọng là người ta không nên ăn một mình. Người ta chia sẻ phần ăn của mình cho bất cứ ai ở gần vào lúc đó. Có thể đó là một thành viên trong gia đình, một người láng giềng trong làng, một người khách từ bộ lạc khác đến, hoặc thậm chí một người xa lạ. Không sao cả. Bất cứ ai ở cách đó một quãng nghe được tiếng gọi đều được hoan nghênh. Nếu họ may mắn, mẹ tôi sẽ rang lúa miến và đậu phụng rồi giã thành một thứ bánh dẻo ngon lành. Hoặc bà sẽ nấu món “kal,” một món cháo lúa miến nấu với nước và sữa, hoặc món “waj” tức món cà ri hầm thịt và rau quả.

Tôi sống trong một cộng đồng rất gắn bó với nhau. Chúng tôi chẳng có bao nhiêu điều bí mật và chẳng có mấy nhu cầu về sự riêng tư. Khi tôi còn bé, tôi cứ việc đi vệ sinh ngay phía sau khoảng sân trống. Lúc được khoảng sáu tuổi, tôi bắt đầu đi vệ sinh sau một lùm cây đặc biệt, đó là chỗ đi vệ sinh của người lớn. Tôi sẽ núp sau một bụi cây mặc cho lá cỏ quét vào mông, và tôi bứt đại một chiếc lá gần nhất để làm sạch cho mình. Nhưng nếu vào mùa mưa, những chiếc lá cây này rất dai khó bứt. Chừng đó tôi nắm theo một nắm lá cọ sợi khô. Nhưng thứ lá này thì lại có điều bất tiện khác. Lá cọ sợi có cạnh sắc, không khéo thì mình lại bị vài nhát cắt vào những chỗ khó nói.Truyen8.mobi

Hồi tôi còn rất bé, một buổi sáng tôi đi làm cái việc “giải tỏa” ngoài bụi cùng với đứa bạn là Kehko. Nó đến một bụi cây, tôi đến một bụi cây khác. Chúng tôi vừa ngồi thụp xuống thì bỗng Kehko réo gọi tôi.

“Tao nghe có tiếng cái gì chuyển động, Mende ơi. Mày nghĩ nó là cái gì?”

 “Chắc chỉ là một con chuột chớ gì,” tôi gọi lại nó.

Nhưng bỗng nhiên một con rắn thật to bò ra. Kehko thấy con rắn trước tôi, nó hét to. Rồi tôi cũng thấy con vật trườn qua bụi cây. Kehko nhảy lên và bỏ chạy trong khi nước tiểu đang chảy ròng xuống chân. Tình trạng của tôi còn thảm hơn, tôi đang ráng rặn cho xong thì con rắn trườn về phía tôi. Tôi chẳng biết làm sao. Trong một thoáng, tôi vọt ra khỏi lùm cây và cuống cuồng chạy. Tôi chạy hết tốc lực một cách không thoải mái với cái mông nhoai ra ở phía sau. (lúc còn trẻ con chúng tôi từng trần truồng gần như suốt ngày). Khi chạy được một quãng cách xa con rắn chúng tôi dừng lại thở hổn hển và gục xuống cười muốn hụt hơi. Sau vụ này Kehko và tôi quyết định sẽ không bao giờ đi tới chỗ bụi cây đó nữa.

Sau nhà chúng tôi có một khu vườn, chúng tôi trồng bắp và các thứ rau quả như đậu và bí. Vào tháng Mười, những cơn mưa sẽ đến, bắp ngô sẽ lớn phổng lên và căng mọng. Món khoái khẩu của tôi là bắp ngô tươi nướng phết loại bơ do nhà tự làm lấy. Khi tiêu thụ hết lương thực trong vườn, chúng tôi lùa đàn dê vào để chúng thu dọn nốt những thân và lá cây còn lại.

Trên một cạnh của khoảng sân là ba cái chòi cao hình chóp nón làm nơi trữ thóc, gọi là “dur”. Mỗi dur có một lối vào nhỏ ở rất cao trên vách, chỉ đủ rộng cho một người chui. Cách duy nhất để vào được là leo lên một chiếc thang rồi chui qua lỗ vào; khi chui phải vặn người, đáp xuống trong tư thế lom khom trên sàn chòi. Chòi được thiết kế như thế để tránh bị dê và chuột xâm phạm. Dur giữ thóc được khô cho chúng tôi có đủ cái ăn từ khi thu hoạch cho đến mùa sau. Khi cần lấy thóc, cha tôi sẽ chui vào trong dur. Ông sẽ xúc một quả bầu đầy thóc và chuyền xuống cho anh Babo đang bám trên thang chực sẵn ở lối vào. Tôi đứng ở dưới để chờ đón lấy bầu lúa từ tay anh.

Hàng ngày bọn con gái chúng tôi phải vào núi lấy nước và củi đun. Chúng tôi sẽ đi bộ đến hai tiếng đồng hồ trên những đường mòn nhỏ quanh co qua khu rừng. Vì các ngọn đồi có nhiều rắn và thú dữ, chúng tôi luôn phải nhờ vài đứa con trai đi theo để bảo vệ. Thỉnh thoảng khi chúng tôi mang các bình bằng đất sét của mình đến chỗ hố nước thì đã thấy các cô gái từ một làng khác cũng có mặt ở đó rồi. Thế là có một cuộc cãi vã tranh giành ai là người được lấy nước trước. Chẳng lâu sau chúng tôi đã bắt đầu chửi nhau: “Mày là đứa xấu xí! Mày là đồ biếng nhác! Mày là con dối trá!”

Thế rồi sẽ có đứa khởi sự đánh nhau. Thật ra tất cả chỉ là chuyện đùa giỡn thôi, nhưng tôi luôn luôn gọi anh Babo tới cứu. “Mende hãy tới đứng sau lưng anh,” anh bảo. “Bây giờ ai muốn đụng đến người Mende thì phải bước qua tui trước đã.”

Sau một mùa khô nóng bức kéo dài, cuối cùng mùa mưa cũng đến, tất cả bọn trẻ con chạy ào ra ngoài mưa nhảy múa vui mừng, hát bài hát mưa: “Are coucoure, are konduk ducre” - Mưa tới rồi, mưa to quá. Chúng tôi vung tay trên đầu nhảy múa trong cơn mưa ngọt ngào và mát mẻ. Đó luôn luôn là lúc mọi người cất gánh lo âu, vì mưa có nghĩa là chúng tôi sẽ có một mùa thu hoạch tốt, và trong năm sẽ không ai phải đói ăn.

Khi tôi được khoảng sáu tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi những cơn mưa không đến. Mùa vụ của chúng tôi khô héo và chết. Chúng tôi bắt đầu hết lương thực. Tuần này sang tuần khác, tình trạng ngày càng thảm hại. Người ta đói quá và trở nên cùng quẫn. Chẳng bao lâu, tất cả trẻ con đều trông ốm o ngoặt ngoẹo và một số người già bắt đầu hấp hối vì đói. Tôi nhớ trong suốt đời mình chưa bao giờ tôi biết đói đến thế.

Thế rồi một hôm tôi nhìn thấy một cảnh tượng đáng ngạc nhiên - một đám mây bụi khổng lồ dâng lên cuồn cuộn trên con đường cũ từ đáy thung lũng chạy vòng lên. Trong khi đứng nhìn, tôi thấy một đoàn xe tải màu trắng lấp loáng nhô ra từ trong đám mây bụi. Trước đó đã có một hai lần tôi nhìn thấy một chiếc xe tải cũ kỹ chạy rầm rập vào làng. Nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy cái gì giống với đoàn xe sáng ngời như vầy. Nó chạy thẳng vào chợ ở giữa làng. Tôi chạy ù tới đó và thấy hai người bước ra khỏi chiếc xe đi đầu. Trong sự sửng sốt tôi thấy hai người nọ có màu da trắng tái. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi trông thấy một “Hawaja,” một người da trắng. Tôi đứng từ xa cùng với đám trẻ con trong làng nhìn chăm chăm vào những người da trắng, không biết họ từ đâu tới. Đối với chúng tôi, họ trông như những con ma.

Họ đi dọc theo đoàn xe và bắt đầu chỉ đạo những người lái xe dỡ hàng. Các thanh niên Nuba trong làng tôi xúm đến phụ giúp họ khuân vác các bao túi lớn, các thùng dầu ăn, thuốc men, chăn mền vào một ngôi nhà trống gần đó. Mỗi gia đình được cấp phát một cái chăn đắp, một bao đậu lăng, một lon dầu ăn và một số hột giống lúa miến để gieo trồng vào năm tới. Cha tôi xếp hàng chờ đợi cùng với dân làng, trong khi lũ nhóc chúng tôi đứng trố mắt nhìn những người da trắng. Cuối cùng chúng tôi về nhà, cha tôi vác bao đậu lăng, mẹ tôi xách lon dầu ăn, và tôi ôm cái mền lớn.

 “Các Hawaja này l những người rất tốt,” khi chúng tôi đi bộ về nhà, cha tôi vừa mỉm cười vừa nói. “Họ từ rất xa tới đây - vì họ biết năm nay không có mưa và chúng ta đang bị đói. Nhưng người Ả Rập không hề giúp đỡ ta - dù họ cùng sống chung một đất nước với mình.”Truyen8.mobi

Suốt năm đó, những đoàn xe tải chạy vòng vèo trên những con đèo cao tít tắp mang thêm hàng cứu trợ đến cho chúng tôi. Hóa ra những hàng hóa này được gởi đến từ nước Mỹ - nên mọi người không ngừng bàn tán rằng cái ông Tổng thống Bush ấy (ông Bush thứ nhất, Bush cha) mới tốt làm sao khi giúp đỡ chúng tôi như vậy. Thậm chí một phụ nữ trong làng đã đặt tên cho con trai bà là “Bush.” Đứa bé được sinh ra giữa những ngày đói kém. Thế là xảy ra chuyện bắt chước nhau đặt tên vô tội vạ, đến nỗi chẳng bao lâu trong làng tôi đã có một loạt cậu bé mang tên Bush. Rồi một vài phụ nữ quyết định là họ muốn đặt tên cho con gái của họ theo tên vợ Tổng thống Bush, nhưng chẳng ai biết bà ấy tên gì cả. Một phụ nữ khác sáng tác một bài hát ca ngợi Tổng thống Bush. Bài hát nhanh chóng được rất nhiều người yêu thích, và người ta có thể nghe tất cả phụ nữ hớn hở hát bài này trong khi họ làm việc. Tôi không nhớ chính xác lời bài hát, nhưng đại khái như vầy:

Bush, Bush, Bush, Bush,

Ông Bush rất tốt bụng,

Ông giúp người Nuba,

Với đậu lăng, dầu ăn,

Nếu không có ông Bush,

Chúng ta thảy đều chết,

Bush, Bush, Bush, Bush.

Một trong những hậu quả tai hại nhất của trận hạn hán này là nhiều gia súc của chúng tôi chết. Trong vùng núi Nuba, bò rất quan trọng - chúng là dấu hiệu sự sung túc của con người. Người ta thường nghe nói, “Hừm, cha đó là một kẻ rất giàu có. Cứ trông lão có bao nhiêu con bò thì biết.” Có lẽ cha tôi có năm mươi hay sáu mươi con bò cả thảy. Vài người khác có nhiều hơn số đó, có thể đến hàng trăm con. Trong trận đói, nhiều bò nhà tôi đã chết. Cha tôi phải mất nhiều năm gây dựng lại đàn gia súc của ông.

Bình thường, anh Babo, là con trai út, có trách nhiệm chăn đàn gia súc. Nhưng khi anh Babo bắt đầu đi học, cha tôi thuê một cậu bé ở làng bên chăn đàn bò thay anh. Cậu ta khoảng mười ba tuổi, tên là Ajeka. Ajeka mang một ngọn giáo và một “ondo” - tức là thứ nhạc khí làm từ một quả bầu khô có ba sợi dây kim loại. Tất cả những gì có trên người cậu chỉ là một chuỗi hột cườm ở thắt lưng. Ajeka sẽ lùa đàn bò ra những cánh đồng hoặc vào trong rừng cho chúng gặm cỏ, rồi cậu nhởn nhơ suốt ngày, vui chơi nhẹ nhàng với cây đàn ondo. Sau mỗi năm cha tôi cho Ajeka một con bò cái. Đó là phần công xá cho cả năm làm việc của cậu.Truyen8.mobi

Đàn bò của cha tôi được nhốt trong một khu chuồng gọi là “coh,” cách nhà chúng tôi khoảng mười phút đi bộ. Chuồng làm bằng những cành cây gỗ lớn cắm xuống đất. Có một chuồng lớn nhốt bò lớn, còn những con bê được nhốt trong chuồng nhỏ hơn, gọi là “cohnih” - nghĩa là chuồng bê. Trước khi mặt trời m ọc, Ali, đứa chăn gia súc của chúng tôi, cùng với các anh tôi thức dậy đi tới chuồng bò. Họ đưa những con bê đang đói sang để mẹ chúng cho bú. Khi sữa bắt đầu chảy ra, các anh lại mang những con bê đi để tự mình vắt sữa bò mẹ. Các anh chỉ chừa lại một ít sữa cho bê con, chỗ còn lại xách về nhà cho mẹ.

Thỉnh thoảng chúng tôi uống sữa ngay tại đó - sữa ngon, tươi mới và còn ấm. Cũng có khi chúng tôi cho sữa lên bếp nấu món cháo lúa miến. Hoặc tôi được sai mang một bát sữa tươi ra ngoài sân - ở đó đã trồng sẵn một cây trụ treo một trái bầu khô. Tôi sẽ rót sữa vào trái bầu qua một lỗ nhỏ ở phía trên và nhét nút bầu lại. Tôi sẽ lắc trái bầu qua lại để trộn sữa. Tôi sẽ lắc bầu trong năm phút, rồi nghỉ, lắc rồi nghỉ, lắc rồi nghỉ, cho đến khi tôi tách riêng được phần váng sữa và sữa đông. Từ đây chúng tôi làm được bơ và sữa chua nữa.

Mọi người thường nói trông tôi rất giống mẹ. Mẹ tôi người thon thả và bà rất, rất đẹp. Nhưng tóc tôi thì lại giống tóc cha - mềm mại hơn, và dài hơn tóc mẹ. Tôi không bao giờ biết tuổi của mẹ tôi, nhưng có lẽ bà trẻ hơn cha tôi khoảng mười tuổi. Trong bộ lạc tôi, đàn ông bao giờ cũng lấy vợ ít hơn mình nhiều tuổi. Trong những kỷ niệm đầu đời của tôi, mẹ tôi thường đi lại hoàn toàn khỏa thân. Trong khoảng tám năm đầu tiên của cuộc đời tôi, làng tôi không một ai mặc y phục gì cả. Mãi sau này mẹ tôi mới bắt đầu mang một tấm vải dệt ngắn màu sắc rực rỡ quấn qua hông. Hoặc khi trời lạnh mẹ tôi có thể quàng một tấm chăn quanh vai. Tôi cho rằng mẹ tôi bắt đầu mặc quần áo phần lớn là do càng ngày người ta càng dễ có quần áo, vì thế giới bên ngoài đã bắt đầu tác động đến cuộc sống xa xôi hẻo lánh của chúng tôi.

Mẹ tôi có những vết sẹo trang trí trên khắp cơ thể. Khi mẹ tôi còn nhỏ, bà ngoại tôi đã dành nhiều thì giờ dùng những mảnh đá sắc để tạo trên làn da mẹ tôi những vết sẹo mang họa tiết hình học đẹp đẽ. Bà đã chọn cắt những hình xoáy, xoắn ốc trên vú, và những dãy dài các đường thẳng trên bụng mẹ tôi. Tôi cho rằng những vết sẹo này khiến mẹ tôi trông thật đẹp. Trong ngôn ngữ Nuba của chúng tôi, các vết sẹo là “kell” - nghĩa là những biểu hiện của nhan sắc. Cả nam giới và nữ giới đều mang nhiều vết sẹo trên người. Mẹ tôi mang vết sẹo đẹp nhất trên một bên mặt của bà - trông giống một mũi tên ba đầu. Bà ngoại tôi đã cắt trên mặt mẹ tôi cho đến khi máu chảy ròng xuống cổ.

“Mẹ thấy máu chảy nhỏ giọt xuống đất, Mende à,” mẹ tôi kể với tôi, vừa rờ ngón tay lên vết sẹo. “Nhưng chúng ta được dạy phải dũng cảm - cho nên mẹ chẳng phàn nàn gì.”

Tôi có bốn anh chị, nhưng chẳng ai được cắt sẹo. Mẹ tôi nói, cắt sẹo là một tập tục xa xưa, đã bị loại bỏ trước khi chúng tôi ra đời. Mẹ tôi có vẻ buồn về chuyện này, nhưng bà hiểu tại sao các tập quán lâu đời ấy phải chấm dứt. Tôi cũng buồn về chuyện đó, vì tôi nghĩ những vết sẹo trông rất đẹp. Tôi hiểu rõ người ta phải chịu đau đớn lắm mới có được những vết sẹo đó, nhưng tôi muốn mình cũng có vài vết sẹo để trang điểm cho thân thể tôi.

Mẹ tôi luôn mang một vòng cổ với các hột cườm đen trắng, và quanh hông bà là một dải băng rộng kết bằng các chuỗi hạt cườm trắng, đỏ, vàng, và đen. Trong nền văn hóa Nuba, những hạt cườm mà các bộ lạc mang trên người là rất riêng biệt, phân biệt bộ lạc này với bộ lạc khác. Mẹ tôi mang những hột cườm này để cho thấy bà là người thuộc bộ lạc chúng tôi, bộ lạc Karko. Nếu người lạ vào làng tôi, chỉ cần nhìn vào chuỗi hạt cườm họ đeo và các vết sẹo trên người họ, chúng tôi sẽ biết ngay họ có cùng bộ lạc với mình hay không.

Mẹ tôi luôn bện tóc thành con tít. Nhưng hiếm khi tôi được phép bện tóc cho bà, vì tôi không thạo chuyện này cho lắm. Một người bạn của mẹ tôi ở gần nhà thường làm giúp bà. Người phụ nữ đó đã bỏ ra một thời gian dài để học cách bện tóc theo truyền thống Nuba. Bà ấy giống như thợ làm tóc của cả bộ lạc chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ có ai trả tiền công cho bà. Bà chỉ làm giúp mọi người, và đó là cách chúng tôi cư xử với nhau. Nếu giúp được gì cho ai thì sẽ giúp.

Mỗi cô gái có một kiểu tóc riêng cho những dịp riêng nào đó - cho những cơn mưa đang đến, cho mùa thu hoạch, cho buổi đấu vật, hay cho buổi lễ cắt bì con trai. Mẹ tôi kể với tôi, vào thời của bà, con trai đến mười bảy hay mười tám tuổi mới cắt bao quy đầu, để đánh dấu sự chuyển tiếp sang thời kỳ đàn ông trưởng thành. Nhưng các anh tôi được cắt bì khi họ còn ít tuổi hơn nhiều, khoảng mười hay mười một tuổi. Truyền thống đang thay đổi, ngày nay người ta cho rằng sẽ an toàn hơn rất nhiều nếu cắt bao quy đầu ở độ tuổi còn nhỏ.

Cha tôi có khuôn mặt đẹp và nhân hậu. Theo vóc người Nuba ông không cao lắm, nhưng thân hình thon gọn, dẻo dai và cường tráng. Ông có diện mạo thanh tú, gần như người châu Âu, nhưng da ông thì rất đen. Toàn bộ y phục ông mang trên người chỉ là một miếng vải ngắn quấn quanh hông và một chiếc mũ trắng nhỏ trên chỏm đầu. Hai bàn tay cha tôi cứng và sần sùi. Thỉnh thoảng sau khi bện vỏ cây bao báp thành dây thừng đem ra chợ bán, tay cha lại chảy máu. Hai bàn chân ông mang những vết nứt nẻ rất sâu do bước đi chân trần trên những tảng đá bén nhọn trong vùng đồi núi. Cha để râu ngắn lởm chởm. Mái tóc rất đen của ông được cắt ngắn sát da đầu. Nhưng tóc ông mọc rất nhanh, và khi mọc dài chúng mềm mại chứ không giống như tóc nhiều người Nuba thường chắc và cứng.

Nhiều đàn ông trong làng tôi có tới vài bà vợ. Bác Jeronghir và chú Foneshir của tôi đều có hai vợ. Nhưng cha tôi chỉ có một vợ. Dù cha tôi có cưới mười bà vợ tôi vẫn yêu ông như thường. Tôi không rõ mẹ tôi có thích như thế không nhưng mẹ tôi không có tiếng nói nào trong chuyện đó. Đó là tập quán truyền thống của chúng tôi. Cha rất yêu mẹ tôi. Ông từng nói với chúng tôi, “Mẹ của các con là một người giỏi giang, bằng mười bà vợ đối với cha.”

Cuộc sống trong gia đình tôi rất êm ả. Cha mẹ tôi không bao giờ xích mích. Những chuyện cãi cọ giữa tôi với các anh chị cũng chỉ xảy ra trong khi chơi. Cha tôi luôn pha trò với những ngườ i láng giềng và mời họ sang ăn uống với chúng tôi. Trong khi cha tôi ồn ào thì mẹ tôi lại rất nhỏ nhẹ, ít nói. Ai cũng mến và nể trọng mẹ tôi. Bà chẳng hề tham gia vào những chuyện thị phi trong làng. Nhiều người nói trong khi mẹ tôi là một thiên thần thì cha tôi giống như tên quỷ sứ tinh nghịch nhưng rất đáng yêu.

Cha tôi có một cây lao đi săn to tướng với cán gỗ dài và mũi lao kim loại rất sắc. Khi đi săn trong núi, ông mang theo cây lao, một cây côn dài, một chiếc rìu và một bầu đầy nước uống. Ông cũng mang theo một cái tù và thật lớn. Thường thường, ông sẽ chỉ săn thỏ hoặc chim nhỏ giống như gà lôi, nhưng đôi khi ông cũng săn được “shukul” - tức một con hươu rừng to - hoặc thậm chí linh cẩu. Nếu săn được một con thú lớn, ông sẽ thổi tù và, âm thanh của nó vang vọng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Từ trong làng chúng tôi sẽ nghe thấy và vui mừng. Lúc đó đàn ông trong làng sẽ vào rừng giúp cha tôi mang về chiến lợi phẩm.

Khi tôi được khoảng sáu tuổi, tôi rất lo cho con mèo Uran. Nó mập quá, đến nỗi tôi nghĩ nó sắp vỡ tung ra mất. “Umi, sao con Uran mập quá vậy?” tôi hỏi mẹ tôi. “Con nghĩ chắc nó ăn nhiều chuột quá.”

“Không phải nó mập vì ăn nhiều đâu,” mẹ tôi cười nói. “Nó có chửa đấy - nó sắp đẻ con đấy.”

Tôi vô cùng sửng sốt. “Làm sao mà nó có chửa được?” tôi hỏi mẹ tôi.

“À, Uran có chửa vì nó ăn nhiều chuột quá,” mẹ tôi nói, bà mâu thuẫn ngay với chính mình. Tôi nghĩ đó là cách thuận tiện để bà khỏi phải giải thích với tôi quá sớm về những chuyện sinh đẻ.

“Umi,” tôi kèo nhèo, “Con không hiểu. Uran sắp đẻ ra những con chuột phải không mẹ? Nhưng chúng ta mua nó về để nó trừ diệt tất cả lũ chuột mà.”

Mẹ tôi ngồi xuống chiếc đôn gỗ, kéo tôi lại với bà. “Mende, con nghe này. Uran ăn chuột, nhưng nó sẽ đẻ ra mèo con - Con cứ chờ thì biết.”

Tôi vẫn không hiểu. Nhưng tôi mừng rằng Uran sẽ đẻ ra mèo con. Tôi bế con mèo lên mang tới chỗ mẹ. “Chừng nào nó đẻ hả mẹ?” tôi hỏi.

“Mẹ không biết chắc,” mẹ tôi vừa nói vừa sờ bụng Uran. “Nhưng theo cảm nhận từ bụng nó thì mẹ nghĩ không còn bao lâu nữa đâu.”

Tôi rất mừng. Một tuần sau, tôi chạy đi xem chừng Uran, thấy nó nằm cuộn tròn với bốn con mèo con nhỏ xíu tuyệt đẹp. Chúng đều có màu đen với những mảng lông trắng. Uran nằm đó giương mắt nhìn tôi, trông nó có vẻ hãnh diện lắm. Uran thực sự là bạn thân nhất của tôi. Tôi chạy ra sân, bắt một con dê, vắt sữa và mang một quả bầu đầy sữa chạy trở vào. Tôi nằm xuống đất cạnh Uran suốt ngày. Tôi bế những con mèo con và vuốt ve chúng. Sau đó, tôi chạy đi báo cho mấy đứa bạn tôi biết, chúng cũng chạy tới chơi với lũ mèo con. Lớn hơn một chút, lũ mèo con bắt đầu nhảy lên người tôi, đùa giỡn với các ngón tay và tai tôi. Chúng trở thành những bạn chơi ưa thích nhất của tôi. Tôi rất yêu chúng. Nhưng vào một buổi sáng, mẹ tôi bảo bà có chút chuyện muốn nói với tôi.Truyen8.mobi

“Một bác láng giềng nhà ta muốn xin một con mèo con,” mẹ tôi nói. “Chúng ta sẽ cho họ một con con của Uran. Như thế được không?”

Tôi không thể tin được những lời mẹ tôi vừa nói. “Mẹ muốn cho đi các con của Uran sao?” tôi khóc. “Sao mẹ làm như thế được? Nếu muốn vậy sao mẹ không đem cho các con của mẹ đi?”

“Con đừng giận mẹ,” mẹ tôi nói dịu dàng. “Nếu chúng ta giữ hết số mèo con này để nuôi thì chẳng bao lâu Uran sẽ sinh thêm năm con nữa, chừng đó chúng ta sẽ có mười con mèo. Con nghĩ xem chúng ta lấy đâu ra đủ sữa để nuôi tất cả chúng?”

“Chúng ta còn có bò và dê mà. Chúng ta có thể uống sữa bò, còn mèo có thể uống sữa dê.”

“Rồi con nghĩ chúng sẽ sống ở đâu? Chúng ta có nên làm hàng rào để riêng Uran và các con của nó ở ngoài như chúng ta nhốt bò không? Con có muốn vậy không?”

“Sao tất cả chúng ta không cùng chung sống với nhau trong nhà? Mèo nhỏ xíu mà, nhà mình còn rộng chán.”

Nhưng mẹ tôi không lay chuyển. Chúng tôi sẽ phải cho đi các con của Uran. Tôi rất buồn bực vì thấy mẹ tôi không biết cách xoay sở. Cuối cùng, mẹ tôi nói, “Mende, con nghe này. Hiện giờ thì mẹ con chúng có thể ở đây với chúng ta. Được chưa? Con nín khóc chưa?”

Tôi hết lo, chạy tới Uran nói cho nó biết tin tốt lành đó - rằng các con của nó có thể được ở lại. Nhưng dĩ nhiên mẹ đã không nói thật với tôi. Vài hôm sau, vào một buổi sáng, tôi thức dậy thấy mất tất cả mèo con. Tôi rất sợ hãi, chạy quanh nhà tìm kiếm chúng khắp nơi. Tôi chạy ra tìm chúng ngoài sân. Cuối cùng, tôi ngồi bệt xuống đất và bật khóc. “Umi,” tôi gào lên, “Con không thấy lũ mèo con đâu cả. Chúng đi đâu mất rồi?”

Mẹ tôi giả vờ tỏ ra ngạc nhiên. “Thật à?” bà nói. “Chúng có thể đi đâu được?” Bà bắt đầu cùng tôi tìm kiếm trong nhà. Nhưng chỉ sau chừng năm phút, bà thôi không kiếm nữa. “Chắc là Uran tha chúng ra vườn rồi,” mẹ tôi nói. “Con đã thử tìm ngoài đó chưa?”

Tôi sắp lao ra vườn tìm chúng, mẹ bảo tôi phải ăn sáng trước đã. Tôi nói sau khi tìm được lũ mèo con tôi sẽ ăn. Tôi đi, dắt theo Uran. Tôi rất ấm ức vì mẹ không giúp tôi. Một tiếng đồng hồ sau, trong khi tôi vẫn còn đang tìm kiếm trong sân, một đứa bạn của tôi chạy tới. Nó bảo tôi nó mừng quá - thử đoán xem chuyện gì nào? - vì nhà nó được biếu một trong số những con mèo con của Uran. Hốt nhiên tôi hiểu ra mẹ đã gạt tôi. Tôi không thể tin được mẹ tôi lại tàn nhẫn như thế.

Tôi chạy vào nhà. “Sao mẹ lại cho đi các con của Uran? Sao mẹ có thể làm vậy được?” Tôi hét lên dậm chân bành bạch hỏi mẹ. “Sao mẹ chơi xấu vậy? Mẹ nói dối con!”

Mẹ tôi đặt tôi ngồi xuống và dỗ dành rằng Uran sẽ đẻ thêm nữa, rằng lần sau mẹ sẽ không mang chúng đi cho. Nhưng tôi vẫn không nguôi. Tôi lo Uran sẽ không thể sinh con được nữa, vì nó đã ăn hết những con chuột mập mạp, chỉ còn sót lại những con chuột gầy mà thôi. Tôi buồn bã suốt mấy ngày. Nhưng khi những con mèo con y lớn lên, tôi vẫn có thể trông thấy chúng chơi đùa vui vẻ đâu đó trong làng, và tôi nhanh chóng không còn giận mẹ tôi nữa.

Vì tôi là con út trong gia đình và là đứa con gái út của cha tôi, tôi nghĩ có lẽ mình hơi được nuông chiều đôi chút. Các chị tôi, Shokan và Kunyant, lớn tuổi hơn tôi nhiều. Chị Shokan lớn hơn tôi khoảng mười ba tuổi. Tên chị có nghĩa là “không có tóc” vì khi mới sinh đầu chị hoàn toàn trọc lóc. Tôi không nghĩ chị được đi học; khi tôi sinh ra, chị đã lấy chồng và không còn ở nhà nữa. Tôi thường tới thăm chị vì đường vào rừng chạy ngang qua nhà chị và tiếp đó là ngang qua nhà chị Kunyant. Từ nhà cha mẹ tôi, tôi có thể gọi “Chị Shokan, chị ở đâu vậy?” Chị sẽ nghe thấy tôi và từ nhà chị chị có thể gọi lại, “Ở đây, Mende, chị ở đây.” Chị Kunyant hẳn phải lớn hơn tôi khoảng chín tuổi. Trái với chị Shokan, tên chị Kunyant có nghĩa là “nhiều tóc,” vì chị sinh ra đã có một lớp tóc xoăn dày. Tôi nhớ ai cũng nói chị Kunyant rất xinh đẹp, nhưng không lanh lợi. Chị có đi học nhưng không được lâu. Chị cũng lấy chồng vào năm mười ba tuổi.

Anh cả của tôi tên là Kwandsharan, có nghĩa “chú bé lùn,” vì khi mới sinh anh bé tí tẹo. Anh cười luôn miệng, hay kể chuyện tiếu lâm, và anh rất đẹp trai. Anh Kwandsharan mong muốn được đi học xa và trở thành một sĩ quan quân đội. Tôi thích anh nhưng tôi không hiểu tại sao anh lại muốn rời làng để đi lính. Người anh khác của tôi là Babo, chỉ lớn hơn tôi hai tuổi. Tên anh trong ngôn ngữ chúng tôi có nghĩa là bé con, anh là con cưng của mẹ tôi. Anh dong dỏng cao, gầy và tính hay tư lự. Anh Babo rất thông minh, ở trường anh luôn luôn đứng đầu lớp. Anh từng nói với tôi anh muốn trở thành một thương gia hoạt động trên thương trường. Trong số các anh các chị, anh là người mà tôi thích nhất. Anh ở bất cứ đâu trong làng cũng luôn có tôi bên cạnh.

Lần duy nhất anh không cho tôi đi theo là lần anh đi bắn chim trong rừng. Anh bắn chim bằng một dàn ná cao su làm từ cây cọ có thể bắn đi những viên cuội nhỏ. Hoặc đôi khi anh dùng ná gỗ. Nếu chúng tôi may mắn anh sẽ bắn được một con bồ câu thật lớn. Khi về anh sẽ trao nó cho tôi để tôi cho vào lửa thui hết lông. Rồi anh mổ ruột con chim và chúng tôi sẽ nấu nó trong một cái nồi sắt, với một ít nước, hành và muối. Đó là cả một bữa tiệc ngon lành.

Babo luôn chơi với tôi. Một trong những trò chơi ưa thích của anh em tôi gọi là “kak,” trò chơi với những viên đá. Chúng tôi sẽ kiếm tám viên đá cỡ bằng viên bi lớn. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trên mặt đất, và sắp những viên đá thành một hàng dài giữa hai đứa. Anh Babo luôn nhường tôi đi trước. Tôi tung một viên đá lên không, nhặt một viên khác trên mặt đất và bắt lấy viên đá đang rơi xuống trước khi nó chạm đất - tất cả các động tác chỉ được thực hiện bằng một bàn tay. Khi tôi bắt hết tám viên đá tôi phải bắt đầu chơi lại. Nhưng lần này tôi phải nhặt hai viên đá một lần, rồi ba viên, rồi bốn viên, vân vân. Nếu tôi bắt được tất cả các viên đá và kết thúc chuỗi động tác, tôi sẽ la lên kak! Nếu tôi đánh rơi một viên, tôi sẽ mất lượt. Anh Babo và tôi chơi trò chơi kak này liên tục giờ này sang giờ khác.

Tuy nhiên, trò chơi ưa thích nhất của tôi là “omot nwaid” - trò chơi trăng. Chúng tôi chỉ có thể chơi trò đó vào những đêm trăng tròn vành vạnh chiếu sáng khắp cả làng và quanh vùng núi. Bấy giờ, hai mươi hay ba mươi đứa trẻ sẽ tụ tập ở giữa làng. Trước tiên, chúng tôi dựng một vòng tròn lớn bằng đá. Sau đó, một đứa trong chúng tôi sẽ ném một mảnh xương bò dẹt (thường là xương sống) xoáy trong không trung và văng đi càng xa càng tốt. Tất cả chúng tôi sẽ chạy theo, la hét, cười nói và ngã đè lên nhau, hối hả để trở thành người đầu tiên tìm được mảnh xương ấy.

Nếu tôi tìm thấy mảnh xương, tôi sẽ lặng lẽ chạy về đứng vào trong vòng tròn đá không để bị ai bắt lại. Nhưng ngay khi những đứa khác thấy tôi tìm được mảnh xương, chúng sẽ la lên “Nhanh lên! Nhanh lên! Bắt Mende đi! Chặn nó lại!” Nếu tôi chạy được vào trong vòng tròn đá mà không bị bắt lại, tôi có thể nhảy múa và hô to “Eyee langaa! Eyee langaa!” - Tao về tới rồi! Tao về tới rồi! Tôi sẽ là người thắng cuộc và tôi phải ném mảnh xương. Nhưng nếu chúng bắt được tôi, thì tôi bị loại. Nếu người lớn để yên cho chúng tôi chơi, chúng tôi có thể chơi trò omot nwaid suốt đêm. Nhưng chỉ sau vài giờ, cha mẹ chúng tôi sẽ gọi cả bọn về. “Về đi, Mende ơi!” mẹ tôi sẽ kêu to. “Về nhà đi. Đến giờ đi ngủ rồi!”

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25144-no-le-cau-chuyen-co-that-cua-doi-toi-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận