Nô Lệ: Câu Chuyện Có Thật Của Đời Tôi Chương 4

Chương 4
Đôi khi tôi cảm thấy họ đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những kẻ man rợ.

Ít lâu sau khi con chị Kunyant chết, tôi bắt đầu đi học. Lúc này tôi đã vào khoảng tám tuổi. Đối với tôi, ngày đầu tiên đến trường là cả một sự kiện quan trọng. Tôi phải mặc đồng phục nhà trường: bộ quần áo màu xanh lá do một người đàn ông trong chợ làng may bằng máy may và đôi xăng đan da cha làm cho tôi. Vậy là tôi đi học, được mang đôi giày đầu tiên và mặc bộ y phục đầu tiên trong đời. Từng chạy rông trần truồng suốt tám năm đầu đời, sự kiện này khiến tôi rất phấn khởi. Vì trước đây tôi chưa từng được mặc quần áo, nên tôi rất hãnh diện với bộ áo xanh mới và đôi xăng đan.

Hôm đó cũng là ngày đầu tiên đi học của bạn tôi, Kehko. Đêm trước đó chúng tôi rất xúc động, không chợp mắt được chút nào. Chúng tôi phải đi bộ một tiếng đồng hồ đến trường, mang theo bữa ăn trưa được gói sẵn. Vào ngày đầu tiên đó tôi ăn cháo lúa miến nấu với sữa. Những ngày sau tôi ăn bắp, sữa chua và hạt quả. Năm học đầu, chúng tôi vào lớp lúc tám giờ và tan học sau mười hai giờ trưa. Thế là chúng tôi có cả buổi chiều về làng để làm các công việc thường nhật - đi lấy nước, lấy củi. Thế nhưng vào năm thứ hai, chúng tôi phải ở lại trường suốt ngày, cha tôi phải giong lừa đi lấy củi và nước. Lúc về tới nhà, tôi chỉ còn có thể quét dọn và nấu cơm chiều.

Trường học gồm sáu tòa nhà tường gạch kiên cố lợp mái tranh, bao quanh bằng một bờ rào gỗ và một viền cỏ được cắt tỉa gọn ghẽ. Đây là những tòa nhà đầu tiên mà tôi được thấy không làm bằng đất bùn. Các thầy giáo cũng có nhà gạch với các phòng riêng biệt và nhà bếp. Vùng núi Nuba không có điện, nên ban đêm người ta dùng đèn dầu hỏa. Trong tuần đầu chúng tôi được dạy giữ cho ngôi trường sạch sẽ ngăn nắp.

Các lớp học rất đơn sơ với bàn và ghế băng bằng gỗ. Thầy giáo có bảng đen và phấn, tuy nhiên các cửa sổ không có kính. Khi trời nóng, mà thường thì như vậy, thứ thông gió duy nhất là làn gió từ bên ngoài thổi vào. Chúng tôi phải dùng chung sách giáo khoa, hầu hết là rất cũ. Phía sau trường có một hố xí tạm bợ - một cái hố bên trên được che đậy bằng tấm gỗ có chừa một cái lỗ. Hố xí rất hôi thối, hầu hết nữ sinh không dùng hố xí này trừ khi quá bắt buộc. Có rất nhiều ruồi nhặng và giòi. Chúng tôi sẽ nhịn cho đến giờ ăn trưa mới chạy vào rừng để giải tỏa.Truyen8.mobi

Chúng tôi không có giáo viên người Nuba, tất cả thầy cô đều là người Ả Rập. Người phụ nữ dạy chúng tôi tiếng Ả Rập tên là Fatima. Bà ấy rất cao, bà mặc một chiếc áo dài trắng đẹp và đeo mạng che mặt. Cô giáo dạy kinh Koran tên Miriam, trông có vẻ là người gốc Ả Rập pha. Một người đàn ông Ả Rập tên Amruba dạy thể dục thẩm mỹ và thể dục ngoài sân trường. Hiệu trưởng tên là Osman. Ông thực sự quan tâm chăm sóc ngôi trường và còn cho con cái mình vào học tại đó. Một trong số các con của ông là Taysir, một bạn gái học cùng lớp với tôi.

Chúng tôi bắt đầu bằng việc học thuộc lòng tất cả hai mươi tám chữ cái Ả Rập. Sau đó chúng tôi học đếm bằng tiếng Ả Rập. Rồi chúng tôi bắt đầu đọc kinh Koran, Thánh kinh của đạo Hồi. Đó là tất cả những gì chúng tôi phải học trong năm đầu tiên. Thỉnh thoảng các giáo viên bảo chúng tôi mang một cây rìu đến trường. Sau đó chúng tôi được sai vào rừng để đốn cây. Có thể là chúng tôi phải dựng một hàng rào mới, hoặc mái trường cần được sửa chữa. Chúng tôi đều thích thú việc đó vì có được một ngày nghỉ học. Chúng tôi cũng biết rằng nếu không giữ cho hàng rào được nguyên vẹn, thú vật có thể chạy rong vào trường. Bò sẽ ăn hết cỏ trong sân trường, còn dê thì ăn hết cả sách giáo khoa. Bọn dê ăn bất cứ thứ gì.

Đây là một trường học công lập nên không phải đóng học phí. Nhưng các thầy cô giáo cứ luôn luôn đòi tiền, nói để mua bút, sách vở hay mua phấn - dù hiếm khi chúng tôi thấy bằng chứng về những sự mua sắm đó. Nếu không nộp tiền chúng tôi sẽ bị thầy cô đánh hoặc đuổi học. Đôi khi tôi phải nghỉ học một tuần hoặc lâu hơn vì họ bảo khi nào nộp tiền mới được đi học lại.

“Mấy thầy cô này lúc nào cũng đòi tiền,” cha tôi thường lắc đầu nói. “Không biết họ dùng tiền để làm chuyện gì vậy cà?” Nhưng cha tôi muốn chúng tôi học hành chu đáo. Cha tôi sẽ dành cả tuần bện dây thừng bằng vỏ cây bao báp để mang ra chợ bán. Năm này ông lột vỏ một bên cây bao báp, sang năm sau ông sẽ lột vỏ phía bên kia, như thế sẽ không làm chết cây. Ông quấn vỏ bao báp vào đùi để bện thừng đôi. Sau một tuần làm việc suôn sẻ ông sẽ bện được hai sợi dây thừng, bán được số tiền tương đương với một đô la. Thế là tôi có thể đi học trở lại và đưa cho thầy cô giáo số tiền họ đã đòi. Nếu còn thừa lại chút nào, chúng tôi sẽ mua hành, đường, dầu ăn và trà.

Cuối năm học đầu tiên chúng tôi có hai kỳ thi. Tôi ngạc nhiên thấy rằng, trong kỳ thi đầu, đứa bạn Kehko của tôi đứng nhất, tôi đứng nhì trong lớp. Tôi qua mặt luôn cả Taysir, con gái ông hiệu trưởng. Gia đình cô ta đến từ El Obeid, một thành phố lớn cách xa vùng núi Nuba. Tôi không hiểu làm sao mà một cô gái làng nhỏ bé như tôi đã có thể vượt qua được cô ấy. Tôi chỉ là con gái của một nông dân Nuba nghèo. Sau các kỳ thi, chúng tôi có một buổi hội đặc biệt toàn trường. Tôi cảm thấy hãnh diện khi bước lên nhận tấm giấy chứng nhận thi đỗ, trong đó ghi rõ tôi đạt thứ h ạng nhì năm ấy.

Khi tôi mang học bạ về nhà, cha mẹ tôi không đọc được, vì cả hai đều mù chữ. Tôi phải đọc và dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Nuba cho họ hiểu. Ở phần cuối cô giáo tôi ghi, “Em là một cô bé rất thông minh, cầu xin thánh Allah giúp em đạt được những điều em mơ ước.” Cô giáo cũng gởi thêm lời nhắn tới cha tôi: “Ông có được cô con gái rất thông minh. Ông nên cho cháu đi học và khuyến khích cháu học hành chăm chỉ.”

Nhưng tôi cũng nhanh chóng nhận ra mặt xấu xa của trường học. Trong tuần học đầu tiên tôi bị sốc khi cô giáo bảo chúng tôi: “Các em phải chấm dứt nói tiếng Nuba và phải học tiếng Ả Rập. Tiếng Nuba rất ngu xuẩn vì không ai hiểu nó cả. Tiếng Ả Rập là thứ ngôn ngữ siêu việt hơn nhiều.” Thoạt đầu chúng tôi biết rất ít tiếng Ả Rập. Nếu chúng tôi trả lời cô giáo bằng tiếng Nuba, chúng tôi sẽ bị phạt ngay lập tức. Nếu may mắn, chúng tôi chỉ bị cô giáo véo xoắn hai má hay tát vào mặt. Nhưng mỗi thầy cô giáo đều có một cành cây làm roi mà nếu bị họ quất vào mông hay quất ngang lưng thì đau vô cùng.Truyen8.mobi

Rồi các thầy cô giáo bảo chúng tôi không được dùng những cái tên Nuba nữa. Tất cả chúng tôi đều được đặt tên Ả Rập để thay thế. Tôi được đặt tên là Zainab. Bạn thân Kehko của tôi bị gọi bằng tên Fatiyah. Rồi họ bảo chúng tôi không được nói tiếng Nuba với nhau trong giờ nghỉ và lúc nào chúng tôi cũng phải gọi nhau bằng tên Ả Rập.

Các giáo viên chỉ định mỗi lớp một học sinh làm cảnh sát viên để báo cáo đứa nào không thi hành các lệnh đó. Cô giáo lớp tôi cử Mohamed làm cảnh sát viên. Cậu ta là đứa con trai giỏi nhất trong lớp, nhưng vẫn không giỏi bằng Kehko và tôi. Trong các kỳ thi chúng tôi luôn luôn đứng trên cậu ta. Cô giáo đặc biệt chú ý đến Mohamed khiến cậu ta nghĩ mình quan trọng. Từ đó trở đi tôi bắt đầu ghét cậu ta.

Kehko và tôi cùng với một cậu con trai tên là Anur họp thành một nhóm. Chúng tôi luôn bày ra những trò chơi khăm và gây náo động khi cô giáo ra khỏi lớp. Mohamed tìm cách ngăn chặn chúng tôi vui đùa và báo cáo với cô giáo khi chúng tôi nói tiếng Nuba. Ngay tức khắc chiến tranh nổ ra giữa Mohamed và tôi. Cậu ta biết tôi học giỏi hơn, và cậu ta muốn tôi giúp cậu làm bài tập lớp. Nhưng khi cậu ta hỏi tôi bất cứ điều gì, tôi chẳng thèm trả lời.

“Tớ không hiểu cậu. Đừng hỏi tớ.” Đó là tất cả những gì tôi đáp lại cậu ta.

“Tại sao cậu không thích tớ?” một hôm cậu ta hỏi tôi.

“Vì cậu là người Nuba, tớ cũng là người Nuba mà cậu lại để cho các thầy cô giáo bảo cậu rằng chúng ta không được nói tiếng Nuba, rồi khi chúng tớ nói tiếng Nuba thì cậu lại đi mách cô giáo. Cậu thật ngu xuẩn. Cậu không hiểu gì cả.”

“Nhưng các thầy cô ra lệnh cho tớ làm thế mà,” Mohamed nói với giọng đau khổ. “Tớ chẳng có cách chọn lựa nào khác. Thế sao cậu lại chơi xấu với tớ?”

“Tớ biết người ta ra lệnh cho cậu,” tôi quật lại. “Nhưng tại sao cậu không thể im lặng đi?”

“Phải, có lẽ là tớ có thể im lặng,” Mohamed đáp một cách lưỡng lự. “Nhưng nếu cậu phải nói tiếng Nuba trong lớp, thì cậu hãy nói khe khẽ thôi, và tớ sẽ không buộc phải báo cáo về cậu. Hoặc chỉ nói khi không có các thầy cô giáo thôi. Ở trong sân trường cậu cũng phải cẩn thận, vì tất cả các lớp khác đều có cảnh sát viên cả.”

Từ đấy trở đi tôi cố gắng tỏ ra tử tế hơn với Mohamed. Tôi nhận thấy cậu ta ở trong một tình thế khó khăn. Vào năm học thứ ba ở trường, tôi bắt đầu học địa lý, lịch sử, khoa học và nghệ thuật. Môn học yêu thích của tôi là khoa học, vì tôi muốn hiểu biết vẻ đẹp của tự nhiên. Buổi tối về nhà tôi kể cho cha tôi nghe tất cả những điều mới mẻ tôi vừa học được. Tôi nghĩ có lẽ cha tôi cũng đã nghe những điều đó từ trước, từ các anh chị tôi, nhưng dù vậy, cha tôi vẫn làm ra vẻ thích thú lắm.

Tôi cố học thật chăm vì tôi thật sự muốn học giỏi ở trường. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra cách các thầy cô giáo Ả Rập đối xử với chúng tôi là không đúng. Họ hành xử như thể chúng tôi không tốt bằng họ. Đôi khi tôi cảm thấy họ đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những kẻ man rợ.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t25154-no-le-cau-chuyen-co-that-cua-doi-toi-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận