Nô Lệ: Câu Chuyện Có Thật Của Đời Tôi Chương 5

Chương 5
Trong quá khứ hễ có chiến tranh hay đánh nhau thì đó là do bọn Dân quân dẫn xác tới. Nhưng Mende, con đừng lo. Cha con sẽ bảo vệ con.

Chúng tôi không hề man rợ chút nào cả. Chúng tôi hãnh diện về các truyền thống của mình. Trong vùng núi Nuba, đàn ông tự hào là những chiến binh. Họ khỏe mạnh và dũng cảm. Khi cánh phụ nữ chúng tôi vào rừng, chúng tôi thường mang theo mình một chiếc rìu - nhưng là để đốn cây thôi, chớ không phải để tự vệ. Ví dụ, nếu thấy một con rắn chúng tôi sẽ hét lên để báo động. Một người đàn ông nào đó sẽ chạy đến cứu giúp. Bất kể ông ta có phải là người cùng làng với chúng tôi hay không, vì mọi người Nuba đều tự hào về lòng dũng cảm. Ông ta sẽ kiếm một cái gậy, nếu đó là một con rắn nhỏ, ông ta có thể đập chết nó. Nếu đó là một con rắn lớn, ông ta sẽ kiếm một viên đá. Trong khi chúng tôi đứng nhìn từ một khoảng cách an toàn, ông ta từ từ tiến đến con rắn và nghiền chết nó. Có những con rắn vươn cao lên bằng chiều cao một người và to bằng bắp đùi người ta, cũng có nhiều rắn nhỏ hơn chạy rất nhanh. Trong mùa mưa xuất hiện nhiều rắn hơn bình thường. Nếu có gan lại gần mà xem sẽ thấy những con rắn thực sự rất đẹp.

Tôi đã thấy nhiều nạn nhân bị rắn cắn. Một người trong số đó tôi còn nhớ mãi. Khi chỉ mới lên tám, lần đầu tiên tôi trông thấy một người bị rắn cắn chết. Mẹ tôi cùng với dì Nhe đi cắt lá cọ sợi trong rừng. Sau khoảng một giờ, mẹ tôi buộc một bó lớn lá cọ sợi để mang về làng. Mẹ tôi đã hẹn gặp dì Nhe tại cây bao báp lớn. Đó là một nơi gặp gỡ lý thú, vì người ta có thể ngồi dưới những cành cây trong bóng râm mát. Mẹ tôi ngồi chờ thật lâu cho đến lúc bà cảm thấy lo lắng.

“Nhe! Nhe! Nhe!” mẹ tôi bắt đầu gọi qua ngàn cây. “Nhe! Dì ở đâu?”

Nhưng đáp lại chỉ có tiếng gọi của bà từ rừng dội trở ra. Mẹ tôi đi tìm dì Nhe, nhưng không thấy dì ấy ở đâu cả. Lúc này bầu nước của mẹ đã gần như cạn hết, mẹ tôi không còn cách nào hơn là phải trở về làng. Từ cây bao báp lớn về tới làng bình thường phải mất một tiếng đồng hồ, nhưng mẹ tôi chỉ đi trong ba mươi phút. Khi mẹ tôi thả bó lá cọ xuống sân, tôi nghe tiếng bó lá rơi bèn chạy ra gặp mẹ. Lập tức tôi thấy có điều gì không lành.

“Dì Nhe đã về chưa?” mẹ tôi hỏi tôi.

“Chưa, Umi,” tôi nói. “Con tưởng dì ấy đi với mẹ.”

“Phải, dì ấy đi với mẹ. Nhưng mẹ chờ dì ấy tại cây bao báp lớn mà không thấy dì tới. Mẹ tưởng dì ấy đã về làng rồi.”

Lúc ấy trông mẹ tôi có vẻ bồn chồn lo lắng. Tôi lấy một nắm thân cây lúa miến khô nhóm lửa pha cho mẹ tôi một cốc cà phê với chút đường. Khi cà phê pha xong, cha tôi vừa về tới.

“Chắc có chuyện nghiêm trọng xảy ra rồi,” cha tôi nói sau khi nghe mẹ tôi kể chuyện. “Dì Nhe không vào rừng một mình đâu, nhất là khi hai người đã hẹn gặp nhau ở chỗ cây bao báp. Dì ấy cũng không thể đi lạc được. Dì Nhe thông thuộc trong rừng như thuộc lòng bàn tay vậy. Có lẽ dì ấy đã bị rắn cắn rồi. Chỗ rừng đó nhiều rắn lắm.”Truyen8.mobi

Mẹ tôi nói điều gì đó tôi không hiểu. “Lẽ nào bọn Dân quân đã bắt dì ấy chăng?” Dân quân? Ai là Dân quân? Tôi lấy làm ngạc nhiên.

“Có thể lắm,” cha tôi nói và chậm rãi gật đầu. “Nhưng đã từ rất lâu rồi không ai còn thấy chúng nữa, nói chi đến việc chúng tấn công ai.” Ông đứng dậy đi lấy chiếc rìu, cây lao và một cây côn dài chắc chắn. “Tốt hơn hết là ta nên sẵn sàng cho bất cứ chuyện gì,” ông nói thêm và đi lấy cây súng cũ ông cất trong ngôi nhà của đàn ông.

“Dân quân là gì vậy, Umi?” tôi hỏi mẹ tôi.

“Dân quân? Chúng là những người rất xấu xa. Những tên tập kích vốn là người Ả Rập đến tấn công chúng ta. Cha mẹ đang lo có thể là bọn chúng đã tấn công dì Nhe. Trong quá khứ hễ có chiến tranh hay đánh nhau thì đó là do bọn Dân quân dẫn xác tới. Nhưng Mende, con đừng lo. Cha con sẽ bảo vệ con.”

Đoàn tìm kiếm đã được tập hợp, nên tôi không có thì giờ để hỏi mẹ tôi nhiều câu hỏi nữa. Khi đám đông tụ họp lại, trông họ có vẻ như một đoàn người sắp đi chiến đấu. Cha tôi mang cây súng cũ và một dây nịt đạn quanh hông. Tất cả các chú bác của tôi đều đến tham gia với ông, họ cũng đều có súng và lao.

“Dì Nhe vào rừng cắt lá cọ sợi,” cha tôi giải thích. Ông đứng trên một chiếc đôn để mọi người có thể nhìn thấy ông. “Nhưng dì ấy không trở về, vậy là dì ấy gặp điều gì không hay rồi. Có thể dì ấy bị rắn cắn, hoặc té ngã và bị thương. Nhưng cũng có khả năng là do bọn Dân quân. Cho nên các vị hãy thính tai sáng mắt và phải cực kỳ cẩn thận.”

Cha tôi cố ngăn tôi đi theo. Nhưng tôi ra sức chống lại việc bị bỏ ở nhà một mình, không được ai bảo vệ nếu bọn Dân quân tới, rốt cuộc cha tôi phải mềm lòng. Khi đến cây bao báp lớn, chúng tôi bắt đầu hú gọi: “Nhe! Nhe! Dì ở đâu?” Chúng tôi căng tai lên chờ đón câu trả lời, nhưng bặt vô âm tín.

“Mình gặp dì ấy lần cuối cùng ở chỗ nào?” cha tôi hỏi mẹ tôi.

“Tui rời dì ấy ở chỗ kia,” mẹ tôi chỉ tay nói.

Cha bảo tôi ngồi đợi tại cây bao báp, vì tôi vào rừng với họ là rất nguy hiểm. Lần này tôi biết điều hơn nên không phản đối. Một lúc sau tôi nghe mẹ tôi la lên, “Tôi tìm thấy dì ấy rồi! Dì Nhe ở đây! Dì ấy còn sống. ”

Tôi lao đến chỗ có tiếng mẹ tôi. Dì Nhe nằm ngửa trên mặt đất. Dì đang co giật dữ dội, tay chân dì vặn vẹo, đầu thì giật tới giật lui. Dì đang rên rỉ từng chập: “Erhh, erhh, erhh…”

Cha tôi quỳ xuống cạnh dì. “Có chuyện gì vậy? Hãy nói cho chúng tôi nghe xem đã xảy ra chuyện gì? Nói cho chúng tôi biết đi, Nhe!”. Nhưng hoặc là dì Nhe không còn nghe được tiếng cha tôi, hoặc dì không đáp lại được.

Tôi luôn luôn nghĩ dì Nhe là một phụ nữ rất đẹp. Nhưng lúc này khuôn mặt của dì giờ đã sưng to, như một quả bóng. Thoạt đầu tôi không nhận ra dì. Khi đứng tuyệt vọng nhìn dì, tôi bật khóc. Cha tôi đang kiểm tra khắp thân thể dì. Và rồi ông tìm thấy thứ ông đang tìm kiếm - hai lỗ thủng của một vết rắn cắn rất lớn trên cánh tay dì. Một phần chiếc răng nọc bị gãy của con rắn còn găm trong da của dì. Da dì đang sưng phồng lên thật kinh khủng và biến thành màu đen lấm tấm.

“Kung ayam!” - bị rắn cắn, cha tôi nói. “Tôi cũng đã sợ như vậy.”

Tôi thấy cha tôi cũng đang bật khóc. Dĩ nhiên ông rất cứng cỏi. Nhưng ông cũng là một người hiền lành và giàu tình cảm, và giờ đây ông sợ dì Nhe sắp chết. Ông bắt đầu lục soát trong các bụi cây quanh chúng tôi, và cuối cùng ông tìm thấy một cái lỗ lớn dưới đất. Đó là hang con rắn. Ông lấy một cây gậy lớn thọc vào hang nhưng không thấy đụng đáy hang. Ông dỡ súng ra, chọc vào hang, “Đoàng!” một tiếng nổ rất lớn phát ra từ khẩu súng. Trong hang đầy khói, và tôi có thể nghe thấy hơi cay của thuốc súng trong không khí.

Cha tôi cố gắng nhỏ vài giọt nước vào miệng dì Nhe, nhưng miệng dì đã bị khóa cứng. “Tôi không cho dì ấy uống nước được,” cha tôi vừa nói vừa tuyệt vọng nhìn chúng tôi. “Có lẽ nếu đưa dì ấy về làng, chúng ta có thể dùng thìa cho dì uống nước.”Truyen8.mobi

Cha tôi và vài người khác chạy vội về làng lấy một chiếc giường làm tạm thành cáng. Khi trở lại, họ nhẹ nhàng đặt dì Nhe lên giường. Bốn người đàn ông đỡ chiếc giường lên vai, khiêng về làng. Họ phải đổi người khiêng từng chập vì công việc này rất vất vả. Về đến nhà tôi, họ đặt dì nằm ngoài sân và cha tôi bắt đầu pha chế một ít thuốc. Ông lấy vài lá cây được cất sẵn trong nhà đem ninh nhừ. Ông bôi thuốc này lên vết rắn cắn và nơi sưng to nhất.

“Nhe! Nhe! Dì có cảm thấy tôi đang bôi thuốc không? Dì nghe tôi không?” cha tôi hỏi đi hỏi lại.

Nhưng không có tiếng trả lời. Dì Nhe vẫn rên rỉ, “Erhh, erhh, erhh…”

Mọi người trong bộ lạc tôi đều biết làm thuốc cổ truyền. Cha tôi đã bắt đầu dạy tôi các lá cây nào trong rừng sẽ chữa trị được bệnh gì. Ông cố gắng cho dì Nhe uống chút chất lỏng đó bằng một chiếc thìa, nhưng ông không cạy miệng dì được. Đến chiều, toàn thân dì Nhe bắt đầu sưng lên. Khi cha tôi chạm vào dì, những ngón tay của ông lút vào trong da thịt dì, như lút vào một miếng bọt biển. Đến tối, khuôn mặt dì Nhe phồng to đến nỗi đôi mắt dì hoàn toàn biến mất.

Khi đêm xuống, dì bắt đầu chảy máu. Trước tiên máu chảy ra từ miệng dì, rồi từ hai mắt, từ mũi, tai và từ bộ phận sinh dục. Và dì chảy máu ở cả các đầu ngón tay. Chẳng bao lâu, dì toát cả mồ hôi máu. Thật khủng khiếp quá, tôi không dám nhìn nữa. Thấy rõ là dì không còn sống được bao lâu. Đến sáng, dì ngưng rên rỉ và sự im lặng chết chóc trùm xuống. “Nhe sắp chết rồi,” từ chỗ ngồi bên cạnh dì, cha tôi ngước lên nói. Vài phút sau dì Nhe chết.

Tang lễ khởi sự. Phụ nữ bắt đầu than khóc trong khi đàn ông bắn súng lên trời. Các phụ nữ đưa thi thể dì Nhe vào nhà để tắm rửa cho dì. Xong xuôi họ quấn dì từ đầu đến chân trong một tấm vải liệm. Bốn người đàn ông khiêng dì đi, vì họ biết cha tôi đã quá kiệt sức và quá đau đớn không giúp gì được. Khi mang dì vào trong vùng đồi núi họ luôn phải đổi vai khiêng vì đường xa. Nơi họ đến là “tilling,” nơi của người quá cố. Không một phụ nữ nào được phép đi theo tới chỗ làm lễ an táng. Đưa dì Nhe tới nơi an nghỉ cuối cùng là công việc của đàn ông.

Sau lễ an táng, cả làng sẽ họp lại làm một cái lán mới với các cột gỗ và mái lợp bằng lá lúa miến tươi. Suốt ngày hôm đó đàn ông ở lại trong lán, còn phụ nữ thì làm công việc nấu nướng. Tiệc tùng đám ma này kéo dài trong ba ngày. Vào ngày thứ ba, cánh đàn ông giết vài con dê bằng cách cắt cổ chúng, và cánh phụ nữ nấu món “mulla” - món dê hầm, và món “ngera” - “bánh xèo” gạo lúa miến. Bữa ăn cuối cùng là một nghi thức lặng lẽ, ở đó mọi người cầu nguyện đấng Allah tiếp nhận dì Nhe lên thiên đàng.

Tôi sinh ra là người Hồi giáo và gần như tất cả mọi người trong làng tôi đều theo đạo Hồi. Trong nghi thức đạo Hồi, một người tốt sau khi chết sẽ được đến cùng với Allah trên thiên đàng. Tôi tin điều đó đã đến với dì Nhe. Khi tôi còn nhỏ, cha dạy tôi mỗi ngày cầu kinh năm lần, quay mặt về hướng thánh địa Mecca - nơi sinh của tiên tri Mohammed. Lần cầu kinh đầu tiên, gọi là “Subr,” diễn ra lúc rạng đông. Lần thứ nhì, “Duhur,” vào khoảng buổi trưa. Lần thứ ba, “Assur,” khoảng giữa chiều. Lần cầu nguyện thứ tư, “Mahgreb,” trước bữa ăn tối, và lần cầu nguyện cuối cùng trong ngày, “Aisha,” ngay trước khi đi ngủ.

Gia đình chúng tôi cố giữ năm lần cầu nguyện hàng ngày, ngay cả khi chúng tôi ở trong rừng hay làm lụng ngoài ruộng. Khi chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau như một gia đình, cha sẽ đứng trước mặt mẹ và tôi. Cuối buổi cầu nguyện chúng tôi sẽ cúi lạy, trán chúng tôi chạm xuống đất, cầu khấn đấng Allah. Cha bảo nếu tôi không cầu nguyện, tôi sẽ bị sa xuống hầm lửa dưới địa ngục, đó là một viễn cảnh rất ghê rợn. Đôi khi cha tôi tới nhà thờ trong làng để cầu nguyện cùng với những người đàn ông khác. Nhà thờ cũng giống như một ngôi nhà tranh vách đất bình thường, chỉ có điều nó hơi lớn hơn. Có một thầy tế của làng, hay một thầy tu Hồi giáo, làm việc bán thời gian, hướng dẫn những người đàn ông này trong việc cầu nguyện.

Thời gian ưa thích của tôi là lễ hội Eid, có phần nào giống như lễ Giáng sinh của thế giới Tây phương. Suốt m ột tháng trước ngày lễ Eid, mỗi ngày mọi người sẽ nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, và kết thúc ngày nhịn ăn bằng một đại tiệc vào buổi tối. Trong thời gian này chúng tôi đeo những xâu hạt cườm đẹp nhất và trang điểm cho mình thật đẹp. Khi tháng chay chấm dứt, sẽ có một lễ hội kéo dài suốt ngày để kỷ niệm sự hoàn tất của Eid. Lễ này được cử hành trong sân của “Kujur” - vị pháp sư hay thầy lang trong làng. Thầy tế ngồi phía trước cùng với những người ngoan đạo nhất - tức các vị bô lão. Phía sau họ, những người đàn ông trẻ tuổi hơn và các cậu bé, cùng cầu nguyện. Tiếp đến là phụ nữ và bọn con gái chúng tôi ngồi ở sau cùng.

Kujur được truyền lại từ một thời đại và một tín ngưỡng tồn tại trước khi đạo Hồi đến vùng núi Nuba. Một hôm cha tôi nói với tôi tất cả về “tín ngưỡng cũ.” Ông nói vào thời của cha của cha ông, người ta coi Kujur như một Đấng Thiêng liêng thực sự. Nếu trong làng cần có quyết định gì, người ta đều hỏi ý Kujur trước. Người ta tin Kujur là người mà qua đó các Thần linh truyền lời đến người Nuba. Vào thời đó không chỉ có một vị thần mà có rất nhiều thần thánh. Thần Đồi núi, Thần Mặt trời, Thần Mặt trăng, Thần Mưa, Thần Rừng và Thần Gió. Thế rồi đạo Hồi đến thay thế tín ngưỡng cũ, Kujur trở nên bớt quan trọng.

Nhưng trong làng tôi tín ngưỡng cũ không bị người ta quên hẳn. Một ngày nọ, sau nhiều tuần không có mưa, một bà lão đi quanh tất cả các ngôi nhà nói rằng bà sắp “nói chuyện với Kujur về các trận mưa.” Bà bảo, sáng mai mỗi phụ nữ nên chuẩn bị sẵn một nắm hạt giống để được Kujur làm phép cho. Sáng sớm hôm sau, tôi nhìn thấy tất cả các bà lão đi tới nhà của Kujur. Họ ở đó khoảng hai tiếng đồng hồ, và tôi nghe Kujur thét to rồi lầm rầm đọc các khấn nguyện và thần chú của ông. Và rồi, bỗng dưng trời bắt đầu mưa.

Người ta chạy ra khỏi nhà và kinh ngạc ngước nhìn lên trời. Cùng với những đứa trẻ khác, tôi chạy ra nhảy múa và hát bài hát mưa. Tôi nhìn thấy các bà cụ rời khỏi nhà của Kujur. Tôi không nghĩ các cụ già ấy thực sự muốn cầu khẩn với đấng Allah vị Thượng đế mới. Họ vẫn tin theo truyền thống cũ. Trông họ có vẻ hả hê khi làm cho người dân trong làng thấy rằng Kujur vẫn có thể làm ra mưa. Họ đi qua làng, ngúng nguẩy đôi mông to bự, chẳng thèm coi ai ra gì. Tôi cảm thấy hoang mang. Tôi biết mình là người Hồi giáo, và chúng tôi không tin vào vị Kujur hay vào tín ngưỡng cũ. Nhưng giờ đây tôi đã thấy vị Kujur có thể làm ra mưa. Tôi tìm cha tôi để nhờ ông giải thích.Truyen8.mobi

“Cha, có phải ông Kujur đã thực sự làm ra mưa không?”

“Phải, Kujur đã làm cho trời mưa,” cha tôi nói và mỉm cười với tôi. Rồi ông thêm, “Nhưng dĩ nhiên Kujur làm được vậy cũng là nhờ có sự trợ giúp của Allah.”

Thế nên, trong khi làng tôi trên danh nghĩa là theo đạo Hồi, nhưng thực sự cả hai tín ngưỡng cùng tồn tại bên nhau một cách hòa bình. Tôi nghĩ câu trả lời của cha tôi là rất rõ ràng. Ông chưa bao giờ đi học ở nhà trường, nhưng ông rất minh triết.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t25155-no-le-cau-chuyen-co-that-cua-doi-toi-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận