Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên Chương 8

Chương 8
Làm một đóa sen xanh trước Phật

Có lẽ chúng ta đều biết, trong vạn vật thứ được chúng sinh coi là có Phật tính nhất, đó là sen xanh trước Phật. Làm một đóa sen xanh trước Phật, mọc lên từ giữa dòng tịnh thủy, không chỉ là mơ ước của tín đồ, mà còn là tâm nguyện của chúng sinh.

 Dường như bất cứ ai trong bất cứ lúc nào, chỉ cần là một cây sen xanh trước Phật, là có thể đem mọi loại quá khứ lưu lại trong tòa thành tên gọi là kiếp trước. Cũng bất luận đã từng nếm biết bao khói lửa nhân gian, đều có thể trở về thuần khiết chỉ trong sát na. Chúng sinh mê đắm phong cốt của hoa sen, yêu sự thanh tĩnh, mát lành độc lập

Nhiều năm trước, Phật và hoa sen đã có tình cảm thắm thiết. Thắng cảnh Linh Sơn, vạn Phật ngồi nghiêm trên đài sen, chúng sinh cúi lạy. Chư Phật ban phát yêu thương, không khước từ (những người) thấp hèn. Giảm nỗi khổ bị giày vò cho chúng sinh, tránh đi luân hồi không cần thiết. Đã từng có lúc, Phật cũng đã du lịch chốn trần ai xa thẳm của nhân gian, đã từng trải qua buồn vui tan hợp. Nhờ độ hóa cho loại sinh vật nào đó trở nên lương thiện, mới từ bỏ vọng tưởng và chấp trước, có được sự bình thản và an nhàn như ngày nay.

Làm một cây sen xanh trong nước, ở yên trong một góc trước Phật. Mỗi ngày nghe tiếng gió vi diệu, cực khẽ nơi góc thềm, nhìn ngắm bóng trăng mơ hồ thưa thớt. Cho dù ngày tháng bên ngoài lan can trôi qua chậm bao lâu, hoặc là đi nhanh bao nhiêu, sen vẫn luôn như thế. Những người từ hồng trần đến trước Phật đó, gỡ mọi trang sức của thế tục xuống, trở về với bản nguyên [1], cùng một cây sen bắt đầu cuộc đối thoại bằng tâm hồn, vừa kéo dài vừa thanh tịnh.

Sen dung sự từ bi để thanh tỉnh tự chủ, nghe quen tiếng trống chiều chuông sớm, đọc kỹ kinh kệ thi văn, sớm đã tịnh hóa thành vật thuần khiết, có linh tính. Sen trồng trong “nước Nhược ba ngàn [2]”, được một đời thanh bạch, khiến sinh linh ly tán trong nhân gian không còn âm thầm đau thương nữa. Cây sen xanh đó cũng không biết mình đã tu luyện bao nhiêu năm trước Phật, ngâm sâu trong nước, đâm thẳng lên cao, từ đây luân hồi cũng thành tươi đẹp.

Khi một người đối diện với trần thế bận rộn không cách nào thoát ra được, so với thỏa hiệp để mình ngã sâu vào bể nhuộm, chẳng thà thấu hiểu mà buông tay. Giữa bốn mùa luân chuyển, ngắm nhìn mây phiêu du bên trời, trăng treo trên ngọn cây, một cành mai xanh như có như không ngả vào sân vắng. Nếu như phàm trần thực sự có biết bao điều không nỡ từ bỏ như thế, có thể lựa chọn ở lại, chỉ cần không khăng khăng chuyện được mất. Từ đó về sau, mấy quyển kinh thư, một chén trà trong, trong tháng năm bình dị, đạm bạc, giản đơn tĩnh lặng qua ngày, không cầu gì khác.

Bắt đầu từ lúc nào, chúng sinh ngưỡng mộ sen xanh trước Phật, tuy ngâm mình giữa bùn, mà cách xa khói lửa, thanh khiết như băng như ngọc. Có lẽ trong những ngày tháng núi cao trăng nhỏ đó, sen cũng sẽ cô đơn, nhưng trước sau vẫn có thể tỉnh táo tự chủ, không kinh sợ không phiền não. Cô độc thực sự, chính là dựa vào lan can, ngắm chim én bay về nam tìm tổ cũ, hoặc quỳ trên nệm bồ đoàn, nghe Phật Đà giảng chuyện cũ bồ đề.

Bờ bên kia lửa đèn sáng rực, bờ bên này gió sớm trăng lạnh. Xưa nay hồng trần và cõi Phật đều chỉ cách nhau một bước chân, đành xem vào Phật duyên và tạo hóa của chúng sinh. Người giác ngộ, sớm đã vượt sông lên bờ, dừng lại bên hoa sen mà sống. Còn kẻ u mê, vẫn trôi nổi giữa dòng, không biết chốn về. Có người nói, đợi đến lúc đóa hoa cuối cùng rơi rụng, chén trà cuối cùng lạnh ngắt, mối tình cuối cùng đứt đoạn, là siêu thoát. Nhưng sự chờ đợi như thế, khiến tơ xanh biến thành tóc trắng. Thời gian trôi mãi trôi mãi, Phật duyên kiếp này cũng không trở lại.

Tuy nói siêu thoát càng sớm càng tốt, nhưng vạn sự trong nhân gian rốt cuộc vẫn coi trọng duyên pháp. Không phải vào trong đền miếu, là có thể tâm tĩnh vô trần, dứt bỏ lo âu. Cũng không phải rơi vào lưới trần, là vẩn đục nhiễm tục, không thể giải thoát. Chúng sinh bình đẳng, hoa sen trước Phật, hoa sen của hồng trần, không hề phân chia cao quý hay thấp hèn. Ai giác ngộ trước, là người đó có thể ra khỏi bờ bến nhân gian trước, đến cửa Niết Bàn, từ đó về sau không đến không đi, không buồn không vui.

“Hoa Nghiêm kinh” viết: “Hết thảy chúng sinh, đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước, (nên) không thể chứng ngộ”. Cùng là sen xanh, cùng nghe Phật Tổ giảng pháp, có đóa chỉ nghe một lần là giác ngộ, có đóa lại nghe ngàn vạn lần mà vẫn không hiểu. Là không chịu được sự tịch liêu lẻ bóng, hay là tham luyến khói lửa phàm trần, mọi loại tiền duyên đều tự mình gánh vác. Thiền là gương sáng, có thể soi thấu ảo tượng mơ hồ của nhân gian, khiến cho cái gì nên ở lại thì ở lại, cái gì nên đi thì sẽ đi.

Siêu thoát, không cần nhét thêm hành lý, mà là bỏ tay nải xuống, gột tẩy tâm linh, sự vật và ta cùng quên nhau. Siêu thoát là bước ra khỏi hoa rơi, không hỏi tới chuyện hồng trần, làm người đứng ngoài thế tục. Giác ngộ triệt để, là không còn mê hoặc vì thế thái, bất cứ lúc nào đều bộc lộ bản ngã chân thực. Cảnh giới của Thiền, quý giá nhất không gì h ơn tự nhiên thấu tỏ. Cho dù bất đắc dĩ không thể siêu thoát, rơi vào giữa phố chợ cũng sẽ đứng ngoài cuộc, thiền tâm như nước lặng.

Tâm như sen nở, từng lá từng hoa đều là Thiền. Mọi chúng sinh yêu hoa sen chính vì sự tự tại thản nhiên một nửa nhập trần, một nửa thoát tục của nó. Hoa sen chưa bao giờ cho chúng sinh bất cứ lời hứa nào, không định bất cứ ước hẹn nào, bởi vì tất cả chờ đợi hư vô đều là vô tội như thế. Có lẽ bởi vì hoa sen có Phật tính và sự thanh khiết đặc biệt, khiến chúng sinh vừa nhìn đã say mê. Cho nên họ cầu nguyên, đời này có thể làm một cây sen xanh trước Phật, dám cô độc đếm ngày tháng tĩnh lặng tuyệt mỹ, trăng tròn trăng khuyết.

 

Có lẽ chúng sinh không hiểu, tại sao cây sen xanh đó kinh qua biển biếc biến thành nương dâu, vẫn có thể không hẹn mà gặp ở mùa hoa, hơn nữa vĩnh viễn gió nhẹ mây nhạt như thế, không hề bận tâm. Người tu hành giống như hoa sen, rũ bỏ hết phù hoa, nhàn nhạt mà nở, nhẹ nhàng mà rụng. Ngồi trên nệm bồ đoàn, coi vạn vật sơn hà nhất loạt đều như nhau, độ cho hết thảy những người có thể độ.

Người đời Đường Lý Cao viết một bài thơ hỏi về đạo [3] rằng: “Luyện đắc thân hình tự hạc hình, thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh. Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết, vân tại thanh thiên thủy tại bình” (Luyện được thân hình như thân hạc, Dưới ngà gốc tùng hai hòm kinh. Tôi đến hỏi đạo ngài chỉ nói, Mây tại trời xanh nước tại bình. Chọn nơi yên tĩnh chốn hoang sơ, Quanh năm chẳng đón cũng chẳng đưa. Đôi khi lên thẳng đỉnh non vắng,Dưới trăng vạch mây thét một hồi) Sự tồn tại của Thiền, chính là tự nhiên như thế này, như mây trắng trên trời, như tịnh thủy trong bình, rõ ràng trong sáng, giản đơn thuần phác. Vạn vật nhân gian luôn hướng tới Thiền, người tu thiền, chẳng chia sang hèn, chẳng màng thâm sâu, chỉ cần có một trái tim thuần khiết hướng đạo.

Vầng trăng bồ đề treo ngoài cửa sổ, đoá sen diệu tâm tĩnh lặng trồng trong nuớc. Năm tháng như tuyết, đun trên lửa lò, hết thảy bi hoan đều bị bốc hơi, chừa lại nuớc tinh khiết trong vắt cho chúng sinh thuởng thức. Thiền có thể trị thương, có thể giải độc, có thể mang ngọn gió đến cho người mong ao ước sự mát lành, đem ánh nắng đến cho nguời chờ đợi sự ấm áp. Vĩnh viễn không cần thiền tâm của một người hoài nghi, cũng vĩnh viễn không cần hỏi nên tu thiền như thế nào, bởi vì thiền là nước chảy mây trôi, tự tại thiên nhiên.

 

Phật nói, cực lạc của kiếp tới ngày sau, chính là hoá sinh thành liên hoa trên Thất Bảo trì [4]. Mỗi một người là một đoá tịnh liên, nếu tư chất tốt, sẽ nở sớm một chút, nếu ngộ tính kém cỏi, sẽ nở muộn một chút. Cùng trên con đuờng tu hành, cho dù là Thiền định sóng cả chẳng kinh, hay là khổ hạnh nằm suơng giãi gió, chốn về, đều là giống nhau. Dù hoá thần vạn triệu lần, cũng chìm đắm trong Công Đức thủy [5], đợi một lần gặp duyên mà bừng nở.

“Kim Cương kinh” viết: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, kiến chư tuớng phi tướng, tắc kiến Như Lai”. (Phàm cái gì có tướng, đều là hư dối, thấy mọi thứ tướng mà lại không phải là tướng, tức là thấy Phật). Có nghĩa là cảnh giới của Thiền, cho dù quá trình như thế nào, non nuớc trùng lặp hay là ngàn vách đá vạn khe sâu, đến cuối cùng, vạn dòng đồng tôn, vạn pháp quy nhất. Cho nên, trong mỗi một ngày tu hành, không cần trèo đèo lội suối, chỉ cần hiện tại an ổn, nhìn mưa phùn gió khẽ, mây đến mây đi bên ngoài cửa sổ.

Xuyên qua rừng cây nhân sinh gai góc dầy đặc, phía truớc đã là đồng bằng thẳng cánh, trời cao bể rộng. Buông bỏ chấp ngã, tuỳ duyên tự tại. Kiếp sau nguyện hoá thành đài sen, ngồi dưới thân Di Đà nghe kinh. Dùng tâm từ bi bồ đề, độ chúng sinh như hoa sen.

[1] Tức là diện mạo, chân tướng vốn có.

[2] Có câu: Nước Nhược ba ngàn bầu, chỉ lấy một bầu để uống, dùng để chỉ sự son sắt thủy chung.

[3] Bài “Tặng Dược sơn Cao Tăng Duy Nghiễm”, bài số hai.

[4] Thất Bảo trì: Thuật ngữ Phật giáo, chỉ đầm hoa sen do bảy bảo vật tạo thành ở tịnh thổ Tây phương, những người đầu sinh nơi tịnh thổ sẽ được hóa thành hoa sen trong đầm này.

[5] Công Đức thủy: Tức Bát Công Đức thủy, Trong thế giới Tây phương cực lạc của Phật giáo, nơi nơi đều có Thất Diệu Bảo trì, Bát Công Đức thủy chảy đầy trong đó. Nước này tinh khiết, lạnh buốt, ngọt lịm, mềm dịu, trơn nhuận, an hòa, khi uống ngoài giải khát, còn có thể tăng thêm thiện lương. 

Mời các bạn theo dõi tiếp!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t75782-nam-thang-tinh-lang-kiep-nay-binh-yen-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận