- cũng là một buổi diễn rất hay, mặc dù quy mô không được như Anh em Benzini hay Ringling, nhưng làm sao thế được? Để đạt được quy mô đó thì phải cần cả một đoàn tàu.
Tôi đang ngồi bên chiếc bàn phoocmica ở phía sau của một chiếc nhà di động được trang bị đầy ấn tượng, nhấm nháp một ly uýt ki nguyên chất ấn tượng không kém - Laphroaig, nếu tôi không nhầm - và đang hót như một chú chim hoàng yến. Tôi kể với Charlie mọi thứ: về bố mẹ tôi, chuyện tình của tôi với Marlena, cái chết của Camel và Walter. Tôi kể với ông ta về việc bò qua tàu trong đêm với một con dao kẹp trong răng và ý muốn giết người trong đầu. Tôi kể với ông ta về những người bị đèn đỏ và cuộc chạy loạn, và về vụ Bác Al thắt cổ tự tử. Và cuối cùng tôi kể cho ông ta nghe Rosie đã làm gì. Tôi thậm chí không nghĩ về điều đó. Tôi chỉ mở miệng và từ ngữ cứ thế tuôn ra.
Tôi cảm nhận được sự khuây khỏa ngay lập tức và rất rõ ràng. Câu chuyện đã bị giam chặt trong tôi những ngần ấy năm. Tôi đã nghĩ mình sẽ cảm thấy có lỗi, như thể tôi đã phản bội lại nó, nhưng những gì tôi cảm thấy - đặc biệt là nhờ vào những cái gật đầu cảm thông của Charlie - giống với sự xá tội hơn. Thậm chí còn là sự cứu rỗi.
Tôi chưa bao giờ hoàn toàn chắc chắn rằng liệu Marlena có biết hay không - có quá nhiều chuyện xảy ra trong lều thú vào lúc đó đến mức tôi không rõ nàng đã thấy gì nữa, và tôi chưa bao giờ đề cập đến điều đó. Tôi không thể, vì tôi không thể mạo hiểm thay đổi cảm nhận của nàng đối với Rosie - hoặc nói thẳng ra là cảm nhận của nàng về tôi. Có thể Rosie mới là kẻ đã giết August, nhưng tôi cũng muốn hắn chết.
Thoạt đầu, tôi giữ im lặng để bảo vệ Rosie - và rõ ràng là nó cần được bảo vệ, vào thời đó những án hành hình voi không phải là chuyện hiếm - nhưng chưa từng có bất cứ lý do nào để giấu giếm chuyện đó với Marlena. Kể cả nếu chuyện ấy có khiến nàng trở nên khắc nghiệt với Rosie, nàng cũng sẽ không bao giờ làm hại nó. Trong suốt cuộc hôn nhân của chúng tôi, đó là bí mật duy nhất tôi không cho nàng biết, và cuối cùng nó trở nên không thể sửa chữa được nữa. Với một bí mật như thế, vào một lúc nào đó chính bí mật ấy lại trở thành vô nghĩa. Việc anh giấu nó lại trở nên có nghĩa.
Nghe xong câu chuyện của tôi, Charlie chẳng tỏ chút vẻ choáng váng hay suy xét nào cả, và tôi cảm thấy nhẹ lòng đến mức khi kể với ông ta về cuộc chạy loạn xong, tôi vẫn nói tiếp. Tôi kể với ông ta những năm chúng tôi sống với Ringling và chúng tôi đã ra đi như thế nào sau khi đứa con thứ ba chào đời. Marlena đã chịu đựng quá đủ cuộc sống nay đây mai đó - tôi nhận ra đó là một dạng bản năng xây tổ ấm của những người làm mẹ - và hơn nữa, Rosie cũng ngày càng lớn tuổi rồi. May thay, nhân viên thú y ở Vườn thú Brookfield tại Chicago lại chọn mùa xuân năm đó để chết bất đắc kỳ tử, và tôi là người được cho là nhất định sẽ giành được vị trí đó - tôi không chỉ có bảy năm kinh nghiệm với những động vật ngoại lai cùng một tấm bằng cực tốt, mà tôi còn đến cùng với một con voi.
Chúng tôi mua một mảnh đất ở nông thôn đủ xa vườn thú để có thể giữ lũ ngựa nhưng cũng đủ gần để việc lái xe đi làm không phải chuyện quá cực nhọc. Lũ ngựa hầu như đã già cỗi hết rồi, mặc dù Marlena và bọn trẻ thỉnh thoảng vẫn cưỡi chúng. Chúng béo lên và rất vui vẻ - là lũ ngựa ấy, chứ không phải bọn trẻ hay Marlena. Bobo đi cùng chúng tôi, đương nhiên rồi. Năm tháng trôi qua, nó đã gây rắc rối nhiều hơn tất cả lũ trẻ gộp lại, nhưng chúng tôi vẫn yêu nó như trước đây.
Đó là thời thanh xuân tươi đẹp, những năm tháng thanh bình! Những đêm không ngủ, những đứa bé la khóc; những ngày mà trong nhà trông như thể vừa trải qua một cơn cuồng phong; những lúc mà tôi có năm đứa trẻ, một con tinh tinh, và một người vợ nằm liệt giường vì sốt. Kể cả khi cốc sữa thứ tư bị đổ chỉ trong một đêm, hay tiếng the thé rít lên khiến đầu tôi như muốn nứt ra, hay khi tôi đang đóng tiền bảo lãnh cho một thằng con nào đó - hay, trong một trường hợp đáng nhớ, cho Bobo - thoát khỏi một tình huống gay go nho nhỏ tại đồn cảnh sát, đó vẫn là những năm tháng thật tốt đẹp, những năm tháng tuyệt vời.
Nhưng tất cả đã vụt trôi qua. Mới phút trước Marlena và tôi còn ngập đến cổ với hàng đống vấn đề như thế, phút tiếp theo chúng tôi đã thấy bọn trẻ mượn ô tô và chạy biến đi học đại học. Và giờ thì tôi ở đây. Tuổi đã đầu chín và chỉ còn lại một mình.
Charlie, chao ôi, đang thật sự hứng thú với câu chuyện của tôi. Ông ta cầm cái chai lên và nhoài người về trước. Khi tôi đưa cốc của mình về phía ông ta thì có tiếng gõ cửa. Tôi vội rụt tay lại như phải bỏng.
Charlie tuột khỏi chiếc ghế băng và rướn người về phía một ô cửa sổ, kéo tấm rèm kẻ sọc vuông lại bằng hai ngón tay.
“Khốn thật,” ông ta kêu lên. “Đó là lũ cớm. Không hiểu có chuyện gì thế nhỉ?”
“Họ tới đây vì tôi đấy.”
Ông ta liếc nhìn tôi, vẻ nghiêm khắc và gay gắt. “Cái gì?”
“Họ tới đây vì tôi,” tôi nói, cố gắng giữ cho mắt ngang tầm với mắt ông ta. Việc đó thật khó - tôi bị mắc chứng giật cầu mắt, kết quả của một vụ chấn thương đầu hồi xưa. Tôi càng cố nhìn chăm chú vào ai đó thì mắt tôi càng giật lên giật xuống.
Charlie thả rèm xuống và tới bên cửa ra vào.
“Chào,” một giọng trầm phát ra từ phía cửa. “Tôi đang tìm ông Charlie O’Brien. Có người nói tôi có thể tìm thấy ông ấy ở đây.”
“Ông có thể và đã thấy rồi đấy. Tôi giúp được gì cho ông đây, ông cảnh sát?”
“Tôi cũng hy vọng ông có thể giúp được chúng tôi. Một ông già đã đi mất khỏi một viện dưỡng lão ngay dưới phố. Có vẻ như nhân viên ở đó nghĩ ông ta có thể đã tới đây.”
“Cũng chẳng lạ. Mọi lứa tuổi đều thích xem xiếc.”
“Phải. Đương nhiên rồi. Vấn đề là, ông già này đã chín mươi ba tuổi và khá yếu. Họ hy vọng ông ta sẽ tự quay về sau buổi diễn, nhưng đã hai tiếng trôi qua mà ông ta vẫn chưa xuất hiện. Họ đang hết sức lo lắng cho ông ta.”
Charlie chớp mắt thân mật với gã cớm. “Kể cả có tới đây thì tôi cũng không chắc ông ta còn quanh đây. Chúng tôi đang sửa soạn để đi thật sớm.”
“Ông có nhớ tối nay đã thấy ai khớp với miêu tả đó chưa?”
“Rồi. Nhiều ấy chứ. Đủ loại gia đình đã đưa những người già của họ đến.”
“Còn một ông già đi một mình thì sao?”
“Tôi không để ý, nhưng phải nhắc lại là chúng tôi có quá nhiều người đi qua nên sau một lúc tôi gần như là không để ý nữa.”
Tay cớm thò đầu vào trong nhà lưu động. Khi thấy tôi mắt ông ta sáng rực lên với sự quan tâm rõ rệt. “Ai kia?”
“Ai - ông ấy á?” Charlie hỏi, chỉ tay về phía tôi.
“Phải.”
“Đó là bố tôi.”
“Tôi vào một lúc có phiền ông không?”
Sau chỉ một chút ngập ngừng, Charlie bước sang bên. “Không sao, xin cứ tự nhiên.”
Tay cớm trèo vào nhà lưu động. Ông ta quá cao nên phải khom cả người xuống. Ông ta có cái cằm nhô ra và cái mũi khoằm khủng khiếp. Hai mắt ông ta sát nhau đến mức trông như mắt của đười ươi. “Cụ khỏe chứ, thưa cụ?” ông ta hỏi, tiến lại gần. Ông ta liếc tôi, dò xét kỹ lưỡng.
Charlie ném cho tôi một cái nhìn. “Bố tôi không nói được. Vài năm trước ông ấy bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng.”
“Cụ ở nhà không phải sẽ tốt hơn sao?” tên cảnh sát nói.
“Đây chính là nhà.”
Tôi há hốc mồm và để mặc nó run rẩy. Tôi đưa bàn tay run lẩy bẩy ra với lấy cốc của mình và suýt nữa thì đánh đổ. Mới chỉ là suýt, vì thật tiếc nếu phí phạm thứ rượu xcốt ngon đến thế.
“Đây, bố, để con giúp,” Charlie nói, vội nhào đến. Ông ta lướt người trên chiếc ghế băng bên cạnh tôi và với lấy chiếc cốc. Ông nâng nó lên môi tôi.
Tôi đưa lưỡi ra như một con vẹt, để nó chạm vào những cục đá đang lăn về phía mồm.
Tay cớm quan sát. Tôi không nhìn thẳng vào ông ta, nhưng tôi có thể thấy ông ta trong khóe mắt.
Charlie đặt cốc của tôi xuống và điềm tĩnh nhìn về phía ông ta.
Tay cớm quan sát chúng tôi một lúc, rồi nheo mắt nhìn lướt qua căn phòng. Khuôn mặt Charlie trống rỗng như một bức tường, và tôi cố gắng hết sức để chảy nước dãi.
Cuối cùng tay cớm cũng nhấc mũ chào. “Cám ơn các quý ông. Nếu các ông có nhìn hay nghe thấy bất cứ điều gì, xin hãy báo cho chúng tôi biết ngay. Ông già ấy không đủ sức để ở bên ngoài một mình đâu.”
“Chắc chắn tôi sẽ làm vậy,” Charlie đáp. “Xin cứ tự nhiên xem xét quanh khu đất. Tôi sẽ bảo người của mình để mắt tìm ông ta. Sẽ đáng tiếc vô cùng nếu có chuyện gì đó xảy ra với ông ta.”
“Đây là số của tôi,” tay cớm nói, đưa cho Charlie một tấm danh thiếp. “Cứ gọi cho tôi nếu ông nghe thấy điều gì đó.”
“Chắc chắn rồi.”
Tay cớm nhìn quanh một lần cuối rồi bước về phía cửa. “Chà, vậy xin chúc ngủ ngon,” ông ta nói.
“Chúc ngủ ngon,” Charlie đáp lại, đi theo ông ta ra cửa. Sau khi đóng cửa lại, Charlie quay lại bàn. Ông ngồi xuống và rót cho mỗi người chúng tôi một ly uýt ki khác. Mỗi người làm một ngụm rồi ngồi trong im lặng.
“Cụ có chắc về việc này không?” cuối cùng ông ta cũng lên tiếng.
“Có.”
“Còn sức khoẻ của cụ thì sao? Cụ có cần thuốc gì không?”
“Không. Chẳng có gì không ổn với tôi, ngoại trừ tuổi già. Và tôi cho rằng rốt cuộc tuổi già rồi cũng sẽ tự xử lý lấy nó được thôi.”
“Còn gia đình cụ thì sao?”
Tôi làm một hớp uýt ki nữa, lắc phần chất lỏng còn lại quanh đáy cốc, rồi uống cạn. “Tôi sẽ gửi bưu thiếp cho họ.”
Tôi nhìn vào mặt ông ta và nhận ra điều mình đã diễn đạt sai.
“Tôi không có ý như thế. Tôi yêu chúng và tôi biết chúng cũng yêu tôi, nhưng thật sự tôi không còn là một phần cuộc sống của chúng nữa. Tôi giống như một thứ nghĩa vụ hơn. Đó là lý do tại sao tối nay tôi phải tự tìm đường tới đây. Chúng đã quên bẵng tôi đi rồi.”
Lông mày Charlie chau lại. Trông ông ta có vẻ còn hồ nghi.
Tôi vội nói tiếp trong cơn tuyệt vọng. “Tôi đã chín mươi ba tuổi. Tôi còn gì để mất nữa đây? Tôi gần như vẫn có thể tự chăm lo cho bản thân. Tôi sẽ cần sự giúp đỡ trong một vài việc, nhưng không giống như những gì ông đang nghĩ đâu.” Tôi cảm thấy mắt mình ươn ướt và cố gắng chỉnh đốn khuôn mặt thảm hại của mình trông cho có vẻ cứng rắn hơn. Tôi không phải là kẻ yếu đuối, có Chúa chứng giám. “Hãy để tôi đi cùng, tôi có thể bán vé. Russ có thể làm bất cứ việc gì - nó còn trẻ. Hãy cho tôi công việc của nó. Tôi vẫn có thể đếm được, và tôi không ăn bớt tiền đâu. Tôi biết ông không điều hành một đoàn xiếc gian dối.”
Đôi mắt Charlie mờ đi. Tôi thề với Chúa chúng đã mờ đi.
Tôi tiếp tục nói một lèo. “Nếu họ bắt kịp tôi thì thôi. Còn nếu không thì, chậc, đến cuối mùa diễn tôi sẽ gọi cho họ và quay về. Và nếu có gì không ổn trong thời gian đó, cứ gọi và họ sẽ đến đón tôi. Làm thế thì có hại gì đâu chứ?”
Charlie nhìn tôi chằm chặp. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào trông nghiêm túc hơn thế.
Một, hai, ba, bốn, năm, sáu - ông ta sẽ không trả lời - bảy, tám, chín - ông ta sẽ đưa tôi quay lại đó, và tại sao lại không chứ, ông ta chẳng biết gì về tôi cả - mười, mười một, mười hai...
“Được,” ông nói.
“Được?”
“Được. Hãy để cụ có chuyện để kể lại với cháu của mình. Hay có khi là chắt. Hoặc chút chít gì đấy.”
Tôi khịt mũi sung sướng, phấn khích phát cuồng lên. Charlie nháy mắt và rót cho tôi một lượng uýt ki bằng ngón tay nữa. Rồi, ngẫm nghĩ một chút, ông ta lại nghiêng cái chai.
Tôi với tới tóm lấy cổ chai. “Đừng,” tôi nói. “Tôi không muốn say mèm để rồi bị gãy xương hông đâu.”
Rồi tôi phá lên cười, vì điều đó thật buồn cười, tuyệt diệu và là tất cả những gì tôi có thể làm để không chuyển thành một tràng cười khúc khích. Tôi chín mươi ba tuổi thì có sao chứ? Tôi già cỗi, gàn dở và cơ thể tôi bị tàn phế thì sao chứ? Nếu họ sẵn sàng chấp nhận tôi và lương tâm tội lỗi của tôi, thì vì lý do quái nào mà tôi lại không bỏ trốn cùng đoàn xiếc chứ?
Giống như điều Charlie đã nói với tay cớm. Với lão già này, đây chính là nhà.
**** HẾT ****
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!