Ông Hương là quan chức của bộ nông nghiệp. Chuẩn bị về hưu, ông bàn với gia đình sẽ về quê ở. Quê ông cách thành phố Hà Nội có một bước chân. Lúc trẻ người ta mải làm ăn, cũng có khi nghĩ đến quê nhưng thường không quan tâm, lúc về già lại hay suy nghĩ, day dứt về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Cuối đời cũng muốn tìm nơi yên ả, thanh bình tận hưởng nốt quãng đời vốn đã mệt mỏi vì tranh đấu, vật lộn với mưu sinh nên con đường về quê cũng làm cho nhiều người lựa chọn, vừa hợp lẽ đời, vừa hợp mốt. Người lớn tuổi thường hay sống với quá khứ, nhạt dần với thực tại, chán chường những gì đang diễn ra, chạy trốn cả những nơi đô thị phồn hoa nhưng đầy bất trắc. Còn về quê, về với sự giản dị, trung thực, về với thiên nhiên cây cỏ, với bầu trời tuổi thơ nên làm ông Hương thích thú trẻ hẳn người lại. Chỉ mong về quê thôi, cũng làm cho ông hồi hộp lắm! Một thứ hồi hộp của cảm giác được an toàn, hưởng thụ một cách tự nhiên chứ không như cảm giác hồi hộp của mỗi lần tiến chức, thăng quan. Con trai ông nói với bố: “Con nghĩ điều này từ lâu nhưng không dám nói ra vì sợ bố hiểu lầm”. Ông rất hài lòng về tâm sự ấy. Con dâu thì bảo: “Cũng thích, ngày nghỉ có chỗ mà chơi”. Mọi việc đã có sự chuẩn bị chu đáo. Quê ông giờ đã thay đổi quá nhiều, nhất là những năm gần đây. Nhà mái bằng sàn sạt, nhiều hộ giàu lên nhờ nghề mộc, một cái nghề mà trước kia hợp tác xã xếp vào nghề phụ. Ông Hương thuê hẳn một anh làm nghề kiến trúc về làm quy họach tổng thể lại khu nhà cũ và gần một sào rưỡi vườn, ao. Ông xây mới thêm ngôi nhà hai tầng, ở giữa là gian thờ, gian khách, gian nghỉ kế hai bên, khu phụ xây riêng có nhà cầu dẫn ra. Một bể nước mưa hai mươi nhăm khối liền với cái sân lát gạch Hạ Long. Tất cả các cây cối trong vườn phạm vào công trình, ông không chặt đi cây nào, thuê thợ đánh cho ra chỗ khác. Trong thời gian xây dựng, ông hay về xem xét, còn mọi việc giao cho người cháu họ trông nom. Vật liệu xây dựng sang thị trấn mua, gạch xây mấy vạn viên xếp đầy ngoài vườn, còn nội thất sang trọng ông cho mua ở thành phố mang về. Thợ nề thuê ngay ở quê, có quá nửa là con cháu trong nhà, đứa nào cũng muốn tâng công, góp ý thế này, thế nọ, ông xua tay: “Thôi, cứ theo thiết kế mà làm”. Có đứa tự ái nói dỗi: “Đấy rồi xem, đừng tưởng thiết kế mà đẹp”. Công việc trôi chẩy chưa đầy hai tháng đã xong phần thô. Nhìn công trình, ông Hương thấy vui vui. Có đứa thợ xây đứng cạnh, cũng thuộc hàng con cháu trong nhà, hất hàm nói trống không: “Cái nhà này mà đem về thành phố mà đặt thì ối tiền”, chị phụ vữa đứng gần đấy mắng: “Mày nói chuyện với ai đấy, tao cho cái xẻng vào mồm bây giờ”, lúc ấy nó mới quay ra hỏi: “Ông nhỉ?”, Ông Hương cười xoà, thông cảm. Thực ra ông cũng không để ý mà chỉ để tâm vào công việc chẳng cứ gì ở quê, lũ thanh niên đường phố cũng thế, toàn ăn nói mất dạy. Anh thợ cả nhẩy từ trên giàn giáo xuống giục: “Ông xem khuôn cửa thế nào, lấy về để chèn”. Chủ nhật sau ông Hương về lấy khuôn cửa. Trước kia cả làng ông làm nghề mộc. Cánh thợ xẻ khoảng ba, bốn tốp, thợ làm nhà đông hơn, đông nhất vẫn là thợ đóng đồ. Mang tiếng làng nghề mà cả làng không có nếp nhà gỗ nào ra hồn, toàn xoan trong vườn hạ xuống, đòn tay thì tre bụi phá ra, cả những cây còng queo cũng cắt nhả đưa lên, đóng dui mè cũng toàn tre cả; thành ra nhìn nếp nhà lồi lõm, có chỗ trông tớn lên như rồng lộn. Còn thợ đóng đồ thì thảm hại hơn nhiều, đồ đạc trong nhà toàn hòm gỗ sung, vừa đựng lúa, vừa làm bàn thờ ông vải. Có nhà ông thợ mộc còn không có nổi cái hòm bằng gỗ gáo, giỗ bố mẹ phải lấy cái dần ra để bày cỗ. Câu “sống làm săng, chết bó chiếu” ở đâu không biết chứ ở cái làng thợ mộc nhà ông thì không chối cãi vào đâu được... Ngày còn nhỏ ông Hương đã biết dọc cưa, hút thuốc lào, chín tuổi đã biết đánh chắn, ù như xé vải. Thợ mộc các cánh đi làm quanh năm, ngày tư ngày tết mới về đưa cho vợ ít tiền đong lúa, còn túm lại đánh chắn, tổ tôm, xóc đĩa, cả làng là một sòng bạc. Đứa thua bạc lại về xúc lúa của vợ đổ ra bán. Quanh năm đi làm tứ xứ, hễ về nhà là rúc đầu vào cờ bạc, chỉ chết lũ đàn bà con gái quanh năm túi bụi cấy gặt, lũ đàn ông thực chẳng giúp được gì, chỉ quen có việc thợ mộc, uống rượu, đánh bạc. Nếu ông Hương mà còn ở quê, chửa chắc đã được như ngày hôm nay. Cũng nhờ ít tí nghề mộc nên khi làm nhà, riêng phần gỗ lạt không đứa nào bịp được ông. Khuôn hộc và cửa gỗ ông Hương đặt anh Huyên, chỗ hàng xóm, chỉ cách nhà ông cái vườn của nhà trước cửa. Thấy ông Hương, anh Huyên đon đả mời ông vào nhà. Chờ cho chủ nhà pha nước, ông đưa mắt nhìn quanh xưởng mộc. Những hộp gỗ lớn xếp chồng ngoài sân, dãy nhà ngang làm nhà xưởng kê máy cưa, máy bào, máy khoan đứng, xung quanh tường dựa đầy gỗ thành khí. Hơn một chục ông thợ đang làm việc, tiếng máy cưa gỗ rít lên như máy bay phản lực, tiếng máy bào gỗ “ẻn, ẻn” gầm lên như xe tăng bị sa lầy. Phoi bào bắn ra, mùn cưa bay đầy ngoài sân, rơi cả vào chén nước chè vừa mới rót ra.
- Làm thợ bây giờ nhàn quá, không như chúng tôi ngày xưa
- Vâng! Không thế thì có mà chết.
Ông Hương nhìn mấy người đàn bà đang đánh véc ni mấy chuồng cửa lim, hỏi: “Cửa ở đâu mà nhiều thế?” - “Toàn của bọn thành phố đặt”. Nói xong anh Huyên dẫn ông đi xem khuôn hộc. Nhìn những tấm khuôn cửa lim rộng 30 x 10 phân, ông Hương lè lưỡi: “Khiếp! Khuôn cửa ai mà dầy thế?” - “Cũng của bọn ấy tất” - “Thế gỗ lạt lấy ở đâu?” - “Ở bên Lào đánh về, ông ạ” - “Lim Thanh Hoá bây giờ còn không?” - “Việt Nam làm gì còn gỗ, toàn chặt bên Lào mang về thôi. Đây, khuôn cửa của ông đây”. Ông Hương lật xem rồi hỏi: “Chò gì mà màu đỏ thế?” - “Chò In Đô đấy ông ạ” - “Phải nhập à?” - “Nhập chứ! không nhập lấy gì mà làm. Riêng cái làng này mỗi năm chế biến cũng hết mấy ha rừng”. Ông Hương xem xét xong dặn: “Mai anh sang lắp khuôn cho thợ nề nó chèn”. Đang định ra về thì nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ, ông chạy về nhà mình thì thấy cánh thợ nề đang cãi nhau với anh hàng xóm. Nhà ông Hương có hai phía giáp ao. Phía trước là nhà chị Tầm goá chồng đã hai chục năm, có hai đứa con gái, chị cùng với hai đứa con rể sống bằng nghề ghi đề, nếp nhà cũ vẫn còn với cái vườn bỏ không trông sang nhà anh Huyên thợ mộc. Bên phải nhà ông Hương là cái ngõ chung. Nhà ông, đến nhà chị Tầm, nhà anh Huyên, từ đây lại giao cắt với nhiều ngách nữa phía trong. Thành ra nhà ông Hương là “nút giao thông” chính của mười mấy hộ phía trong. Ô tô, xe máy, công nông ra vào liên tục. Ở thành phố kiếm được vị trí này thì ra tiền, còn ở nhà quê thì thật là tai hoạ. Lúc ấy ông Hương không về kịp thì đánh nhau to. Cát xây đổ 2/3 ngõ làm cho cái xe chở lợn của anh Thìn làm nghề giết mổ không vào được. Anh Thìn hỏi chẳng vào ai:
- Cát của đứa nào đây? Ông hắt mẹ nó hết xuống ao bây giờ.
Một anh thợ xây thách:
- Biết còn hỏi, cát nhà ông Hương đấy, có giỏi
- Ông giời bố mày cũng hắt.
Lúc ấy đứa cháu họ đang giám sát công trình chạy ra: - “Đ. mẹ cái thằng đồ tể, mày mà không hắt, bố mày đập nát cái đầu chó của mày ra”. Thìn không nói năng gì, nhẩy phắt xuống xe rút luôn cái xẻng đang trộn vữa lao đến, đứa cháu họ ông Hương nhặt luôn hai tay hai viên gạch giơ lên định ném làm cho Thìn phải chững lại thì vừa hay ông Hương về, ông quát mắng đứa cháu, xin lỗi anh Thìn rồi sai thợ nề xúc gọn đống cát vào rệ ngõ. Lúc nổ máy, anh Thìn vừa cho xe chạy vừa đổng đảng chửi muốn vào đâu thì vào: “Chúng mày đừng cạy lắm tiền nhiều của mà muốn làm gì thì làm”.
Chiều tối ông Hương lên xe về Hà Nội, đứa cháu vừa đưa ông ra xe, vừa ấp úng:
- Ông ơi, lại mất cái bơm nước rồi.
- Cái bơm nào? Cái bơm vừa mới mua tuần trước á?
- Vâng.
- Loạn, chửa xây xong nhà đã mất ba cái bơm. Không biết từ nay đến lúc xây xong còn mất bao nhiêu cái nữa?
- Cháu đoán chỉ có anh em nhà thằng Tòng. Thợ xây đang rửa cát, thấy mất nước, chạy ra ao thì nó đã lấy mất bơm rồi.
- Có phải anh em cái thằng bị “ết” không? Đứa cháu gãi đầu: “Vâng, chính nó”. Ông Hương vừa móc túi lấy tiền đưa cho đứa cháu, vừa lắc đầu: “Anh phải trông cho nó cẩn thận vào chứ” - “Vâng ạ, nhưng một mình cháu không xoay kịp” - “Để tuần sau về tao bắt cho con chó” - “ Đừng ông ơi, nó câu ngay”. Từ lúc khởi công xây dựng cho tới bây giờ đã hơn hai tháng trời vì lâu không về quê, mà có về cũng chỉ như gió thoảng qua nên ông chả biết tình hình ở đây ra sao. Đến bây giờ ông đã lờ mờ thấy được chân dung một nẻo niềm quê. Phải, quê ông khác xa cái thời trước, đổi mới làm cho làng xóm đổi thịt thay da, ít nhất cũng được ấm no, nhiều nhà giàu có nhưng quả thật ông thấy buồn, mỗi ngày một ít, buồn chồng lên buồn. Trước khi về quê làm cho ông háo hức, hăm hở là thế, thế mà ông vẫn chưa tìm lại được một nét quê xưa, dù đói nghèo nhưng đằm đìa tình nghĩa, không bao giờ biết cắp trộm, ngủ không phải đóng cửa, hàng xóm có dẫm phải cái gai cũng cảm thấy mình đau, gặp chuyện gì nhỡ có va chạm với nhau hàng xóm cũng sang can “một câu nhịn, chín câu lành”, dù còn méo mó cũng “chín bỏ làm mười”. Bây giờ...bây giờ thật cũng không hiểu ra làm
sao nữa.
Rồi cuối cùng căn nhà cũng được xây xong. Vườn tược cây cối, lối đi rải sỏi, tường bao xung quanh, trên hàng rào sắt đã hoàn thiện xong. Ông Hương làm mấy mâm cơm mời họ mạc, hàng xóm và mấy người bạn đồng niên. Tiệc đến lưng chừng là lúc người ta xôm nhất, hay mượn rượu để nói, mà lúc bình thường vốn giấu kín, nín nhịn, nhờ rượu mới khơi khơi bày tỏ, mới đủ khí phách để dám nói thẳng thắn. Nhưng gặp tí men cay thường cốt “xả” ra cho sướng cái mồm, gặp điều sai phạm thì đổ về cho rượu. Mọi người quanh mâm hầu hết ca tụng người cho ăn cỗ, vả lại có tới quá nửa người được mời nhà nào cũng có con cháu nhờ vả ông Hương. Thành ra lời khen có phần trơ trẽn. Ông Tạn là bạn vừa đồng niên, vừa đồng ngũ cũng là một “thần rượu” ngồi nghe mọi người tán tụng xong mới nói: “Các ông nói ông Hương có công nhất cái làng này, tôi lại thấy cái tội của ông ấy”. Một ông sưng phù cái mặt lên, hỏi: “Ông Hương thì có tội gì?” - “Tội của ông Hương thì sao ông nhìn thấy được”. Lúc ấy con dâu ông Hương đang chạy đi chạy lại qua đấy tiếp thức ăn, hỏi: “Ông bảo ông cháu có tội, tội gì?” - “Tôi nói chắc chị có học sẽ hiểu, tội bỏ quê hương”. Mọi người nhao nhao phản đối: Dở, dở, đi thoát ly mà cũng có tội! Ông Tạn thấy ngồi lại chỉ tổ cãi nhau, bỏ bữa đứng dậy, cô con dâu ông Hương đưa biếu gói quà, ông không nhận, cô nói khéo “Ông nhận cho ông cháu vui”. Ông Tạn cầm lấy gói quà: “Ăn cỗ lấy phần, lề thói quê mình nó thế”. Ông Hương đang tiếp khách mâm khác nhìn thấy thế liền chạy lại mời mọc thế nào ông Tạn cũng không quay lại nữa. Đến lúc tiệc tan, cất dọn mâm bát xong, cô con dâu bảo: “Ông mời ông Tạn làm gì?” - “Ông ấy ăn nói khó nghe nhưng mà nói thật”, rồi gạt đi: “Thôi không nhắc đến chuyện đó nữa”. Rượu ngấm tây tây vẫn làm ông nhớ về mấy chục năm trước, khi mới học xong lớp bẩy đã theo nghề thợ mộc, ăn cơm thiên hạ được ba năm, đến tuổi lao động, hợp tác xã không cho đi làm, ai đi thì phạt công điểm trừ vào cân đối. Năm ấy ông có giấy gọi nhập ngũ, khi ấy hợp tác xã đã vét sạch thanh niên còn toàn những đứa vừa mới lớn lên. Ông Hương chưa đủ tuổi không đi cũng được, phần vì xã đội động viên bắt làm cái đơn tình nguyện, phần vì muốn bỏ hợp tác mà đi, ra chiến trường “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Cùng nhập ngũ đợt ấy có ông Tạn học việc cánh thợ làm nhà đang làm trên Tuyên Quang, xã đội bắt gia đình lên gọi về để đi bộ đội. Lúc tập trung ở sân kho, hợp tác xã tổ chức đưa tiễn, ông Tạn đang đứng trong hàng chạy ra, đứng dạng hai chân hô to: “Đứa nào bỏ hợp tác thì đi theo tao”. Cả làng cười ồ, xã đội trưởng quát: “Đồng chí Tạn về hàng”...câu chuyện tuổi mới lớn, chuyện của hợp tác xã cứ như những thước phim về kí ức cứ vụt qua... mấy năm đi bộ đội, đánh nhau không biết bao nhiêu trận, hai người được quay ra Bắc ăn dưỡng ở Thạch Thành, Thanh Hoá rồi có chính sách ưu tiên chuyển ngành. Ông Hương rủ bạn: “Mình chuyển ngành đi, về quê làm gì”. Ông Tạn nổi tiếng ngỗ ngược, ăn nói văng mạng, nghĩ gì nói ấy thế mà cũng trầm ngâm trước sự lựa chọn: “Về nhà thôi! Về thôi, đi đâu thì vẫn không trốn được quê hương”. Sau đó ông Tạn về, ông Hương đi... ông lặng lẽ thở dài, câu nói của ông Tạn như khoan vào lòng, càng có tuổi lỗ khoan càng sâu “đi đâu thì vẫn không trốn được quê hương”. Lúc ấy không phải ông không biết điều ấy nhưng sự chạy trốn thoát khỏi nghèo đói mạnh hơn, muốn ngẩng mặt nhìn lên, muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, thoát ly nông nghiệp, thoát khỏi câu ca ám ảnh của những người nông dân quê ông “Ai về Duy hải mà xem/ Quê hương bẩy tấn vẫn thèm khoai khô”, thoát khỏi những ngày cấy hái rét mướt, mưa dầm buồn tẻ, trốn mùa màng, gặt hái phải lội đến tận thắt lưng, đỉa cắn đỏ cả hậu môn... ký ức dội về, trôi dần từng đoạn làm ông nhớ đến nhiều nhất bài học đầu tiên với chiếc dùi đục. Vừa tốt nghiệp cấp II xong là đã khăn gói theo ông bác lên mạn ngược đóng quạt lúa. Tuổi trẻ quanh quẩn với bữa cơm no, với cưa dọc, cưa ngang, với chàng, xén, đục móng, bào con, bào thẳm... lúc nào cũng thèm ngủ, ngủ không cần mắc màn, đêm nằm mơ thấy ông Coóc - Sa - Gin bên Liên Xô và bao giờ cũng được ông bác báo thức bằng thước lim giang thẳng cánh vào mông với câu chào buổi sáng: “Dậy! Đồ lười nhác, lúc nào cũng ngủ như lợn”... nước mắt ông ựa ra. Thường buồn người ta mới khóc, đằng này ông thấy sướng lắm! Khóc để cho nó sướng! Khóc để cho nó trần truồng cả ra, để không còn hổ thẹn là những đứa con quê, đi thì nhiều mà về thì ít. Ôi, những đứa con quê dù ngực đỏ huân chương cũng chỉ đem về cho làng một xu sĩ diện! Khóc nữa đi, khóc để cho nó sướng! Để cho cái làng này lại rộn lên tiếng dùi đục, làm những nếp nhà cho người đừng quên làm cái nếp nhà cho mình...
*
Ông Hương về quê ở cũng được vài tháng, ông đi thăm hỏi hết lượt trong làng. Mừng vì cuộc sống bây giờ đầy đủ quá, cả làng không còn ai nhắc đến khoai khô, lớp thanh niên cũng chả biết khoai khô là gì, nếu có thì lại trở thành món đặc sản để lũ trẻ phô trương. Hàng ngày ô tô chở gỗ về làng, chở bàn ghế, giường tủ, khuôn hộc, cửa gỗ mang đi. Ông Hương không còn được nghe tiếng dùi đục lách cách như dệt cửi, giờ chỉ nghe tiếng máy cưa oanh tạc khắp làng, nó rít lên, siết trong màng tai, lọng óc. Cuộc sống ở nơi thôn quê giờ cũng vội vàng, gặp nhau cũng không có thời gian mở mồm chào hỏi. Cái mồm nhỡ có mở ra thì toàn nói chuyện tiền. Ồn ào quá! nhộm nhoạm quá! Từ hôm về quê, tịch không nghe tiếng gà gáy sớm, tất cả ra chợ hết! Khoảng mười giờ sáng không còn được nghe tiếng nổ mìn ùng ùng phá đá từ trong Kiện Khê vọng ra, cũng là lúc lũ trẻ gọi nhau về nấu cơm trưa. Không còn nghe tiếng chày giã gạo, tiếng xay lúa ù ù lúc sáng sớm, hay tiếng chày giã cua cành cạch lúc mặt trời đứng bóng. Tất cả ra chợ hết rồi! Một cái chợ quê mà cái gì cũng có, cũng làm chín cả, chỉ việc bỏ vào mồm là ăn ngay, ăn nhanh, ăn rồi còn ra làm cho kịp những đơn hàng để đổi lấy ti vi, tủ lạnh, đua nhau xây những căn nhà nửa như cung điện, nửa như lô cốt, rồi những ông chủ lò Phương Đông, Tài Phát, Phú Cường...bây giờ trông vừa giống những vua chúa bên Trung Hoa, lại có nét hao hao giống các vị Hầu tước, Nam tước bên Âu châu, trong nhà cũng túc mục kẻ ăn người ở, mắng chửi cả bà cô họ nghèo khó làm giúp việc như mắng chó. Ông Hương đi dọc làng, tay cầm mớ rau mua ngoài chợ, gặp đứa cháu ngoại họ đi làm về, nó chào ông rồi cầm lấy mớ rau trên tay: “Ông đưa cháu xem nào” rồi bảo : “Vứt đi, đừng ăn, để cháu về hái cho mớ khác” - “Rau non thế, sao phải vứt?” - “Ông mới về nên không biết, rau “đểu” đấy!”, rồi giảng luôn: “Ở cái làng này rau nhà ăn trồng riêng, rau bán trồng riêng toàn phun thuốc” - “Chết! Biết có hại sao vẫn đem bán?” - “Ngoài chợ đầy hàng hại mình, không biết cứ gọi là “khuất mắt trông coi”. Ông Hương nhớ hôm qua ông đi tha thẩn ngoài bờ mương, chỗ ngày xưa ông vẫn thường cắp sách đi học, thấy hai bên bờ mương đổ toàn rác
thải, ruồi bu lại như vãi đỗ, mùi thối bốc lên nồng nặc. Gặp ông Tâm từ dưới ruộng đi lên, cùng đi về vừa đi vừa nói chuyện. Ông Hương hỏi: “Làng mình sao rác đổ bừa bãi thế?”
- Ở nông thôn mình đầy đất mà chết có khi chả có chỗ mà chôn, ông bảo tại sao? Chúng tôi ở nhà quê, cả đời làm ruộng, sống chết với đồng ruộng. Thời buổi bây giờ cứ nhìn ruộng mà lo. Cây lúa ngày trước dựa vào màu đất mà sống, cây lúa bây giờ trông cả vào phân bón, cái phân vô cơ hại đất lắm ông ạ, ruộng của mình sắp thành đá ong cả rồi. Ông Tâm dang tay chỉ ra cánh đồng lúa xanh tươi, xung quanh bờ thửa là vô vàn những vỏ túi ni nông của các loại thuốc, nước dưới chân lúa trong sòng sõng, ông Tâm tiếp tục - Lúa thì xanh mà đất thì bạc. Bây giờ người ta canh tác theo kiểu bóc lột tàn nhẫn. Thương đất lắm!
Cả ngày ông Hương đi chơi tha thẩn. Về hưu, càng nhàn rỗi ông lại càng suy tư, sức khoẻ còn, tuổi cũng chưa hẳn là cao, nếu kéo dài ra thế này không khéo chưa ốm bệnh đã ốm đầu. Về quê, liệu có lầm không? Lúc đi xa thì nhớ nhớ thương thương, lúc về rồi mới thấy chán. Quê ông giờ không còn yên ả nữa, không như trước đây ông vẫn hằng tin tưởng, bây giờ nó cũng đang sùng sục sôi trong cái chảo lửa thị trường. Nó đã làm biến đổi diện mạo, thay đổi tâm tư mà nhìn ngay, thấy luôn, trắng trợn luôn, có phân có biệt rõ ràng. Có những người già tuổi ngót tám mươi vẫn xắn quần đi cấy, vẫn sẻ chia với con cháu những lúc bận rộn mùa màng. Lại có những lớp người gọi là có tuổi chứ chưa được xếp vào hàng cao, cứ chiều chiều tụ tập đến nhà chị Tầm vụng trộm đánh mấy con đề. Thực tình ông cũng không hiểu được cái gì đã làm họ biến đổi nhanh đến thế. Người ta thường nhìn về nông thôn bằng những con mắt khác, con mắt của sự cảm thông, yêu mến, trân trọng những con người chân thật, giản dị và ở đời nào cũng chịu thiệt thòi. Càng nghĩ ông Hương lại thấy nhưng nhức trong lòng, đúng lúc tiếng chuông nhà thờ Động Linh rung lên ráo riết, nó không còn như ngân nga trong một buổi chiều tà dương sắp lặn. Binh boong, binh boong...nghe sao mà thống thiết, như nuối tiếc khôn nguôi.
*
Bà Hương cũng sắp về hưu. Hôm nay bà về quê với ông. Làng đón chào vị chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ bằng một buổi tối mất điện. Ông bảo: “Thế cũng hay”. Gió nồm hây hẩy, trăng sáng đầy sân, ông Hương dọn cơm ra sân để ăn, rồi tính: “Ít nữa bà về, gà mình tự nuôi, rau trồng lấy mà ăn”. Nhìn trăng, bà Hương thích thú: “Trăng ở quê đẹp quá!”, ông cũng nói: “Cũng là ánh trăng, sao trăng quê gợi nhớ, cảm xúc đến thế!”. Xóm làng yên ắng lạ thường, không có tiếng máy cưa, không nghe tiếng loa phầm phập tức ngực, không có bụi mùn cưa, không có mùi sơn PU. Bà Hương khe khẽ tựa mái đầu điểm bạc vào vai ông lúc ông bà đi lên sân thượng. Bà thủ thỉ bên tai: “Sao giống ngày xưa quá!”. Ông Hương cũng thấy thế, trời chi chít các vì sao, sông Ngân vẫn chẩy, chòm Bắc đẩu vẫn còn đấy, trông vẫn như chiếc cờ đuổi vịt ngày xưa.
Đêm nay, từ lâu lắm ông mới cảm nhận thấy một tiếng quê. Đêm nay ông thao thức cùng quê, dằn dọc cùng quê. Phải tới ba bốn giờ sáng ông bà vẫn chưa đi ngủ thì bên kia bờ ao nhà mình, anh Thìn đồ tể đã bắt đầu một ngày mới. Đèn ắc quy được thắp lên sáng cả một góc ao. Anh Thìn và một anh nữa lôi xềnh xệch từng con lợn ra khỏi chuồng, những tiếng kêu eng éc loạn xóm. Họ quật từng con lên chiếc yên gỗ, dội nước vào cổ xong anh Thìn cầm con dao bầu đưa cho một nhát vào cổ lút đến cán, ngoáy một cái, máu ồng ộc tuôn ra xuống cái chậu nhôm phía dưới. Ở sân thượng bên này, ông Hương trông rõ mồn một. Mỗi lần quật một con lợn lên chiếc yên gỗ, xoáy một nhát dao lại làm cho bà ôm chặt lấy ông. Hai ông bà nhìn mấy người làm lông, mổ bụng, moi ruột tuồn hết phân, lông xuống dưới ao, rồi lại đem lòng xuống dưới để rửa. Giữa sân, anh Thìn đang pha thịt vứt thành đống. Một lúc sau đã nghe tiếng xe máy đi qua nhà ông Hương vào nhà anh Thìn lấy thịt đi chợ sớm. Bà Hương bảo ông: “Em chưa về quê mà đã hãi, biết thế này cứ ở thành phố” - “Ừ, anh cũng không ngờ”. Ông Hương giọng nuối tiếc.
- Nhưng lúc ấy ông đã về khảo sát kỹ lắm rồi cơ mà?
- Đúng! Sao lần về quy hoạch cái nhà này tôi lại “hấc lờ” thế nhỉ?
- Thì lúc ấy ông chỉ nghĩ đến cái nhà của ông, ông có để ý gì đến xung quanh đâu? Rồi bà lại an ủi ông - Tôi thấy nhiều người như thế cả. Bây giờ đều thế cả, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác, đều như
thế cả!
- Không! rõ ràng tôi đã nhìn thấy xưởng mộc của anh Huyên, còn sang đặt khuôn, làm cửa. Tôi cũng nhìn thấy anh Thìn mổ lợn đêm nào cũng làm hàng xóm mất ngủ. Tôi đã biết trước rồi cơ mà! Tôi đã biết hết, thế mà.. rồi ông rầu rĩ rên lên trong cuống họng: “Sao tôi lại ngu thế nhỉ? Đúng là đồ “hấc lờ!”
Ông Hương dìu bà đi xuống. Bà định nói câu gì an ủi ông. Ông liền xua tay:
- Thôi, đừng nói nữa. Bỏ quê, về phố!
Ông Hương tuyên bố.
Sáng sớm hôm sau người ta thấy một cái xe taxi đón vợ chồng ông Hương ngược Hà Nội. Căn hộ đẹp đẽ khoá lại. Thỉnh thoảng người làng thấy đứa cháu họ trông nom thời kỳ xây dựng vẫn đến để quét dọn. Người trong làng đi qua bĩu môi bảo phí tiền. Chỉ có ông Tạn mỗi lần qua đây nhìn căn nhà lạnh lẽo, lẩm bẩm một mình: “Ông sẽ không trốn mãi được đâu”.