Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn Chương 6

Chương 6
Lắng nghe lời thì thầm của trái tim

Hầu hết mọi người là người khác. Những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn.

- OSCAR WILDE.

 

Khi đọc truyện Gasby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu: “Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay: Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu. Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau, mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kỳ quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác”.

Tôi cũng rất thích một chi tiết trong truyện Doraemon, đó là một khi Nobita và Doraemon lạc vào một thế giới khác, bất cứ thế giới nào, thì ở nơi đó cũng xuất hiện những nhân vật có nhân dáng tương tự Nobita, Xuka, Xeko, Chaien… nhưng tính cách lại rất khác. Điều đó luôn khiến tôi mỉm cười.

Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mải mê rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Cso người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau. Cũng giống như người ta có thể phản ứng rất khác nhau khi đứng trước thác Niagara(5) hùng vĩ, người này nhảy cẫng lên và ghi nhớ cảnh tượng đó suốt đời, nhưng cũng có người nhìn nó rồi nói: “Thác lớn nhỉ?” và quên nó đi ngay sau khi trở về nhà. Sao ta phải lấy làm lạ về điều đó? Sao ta phải bực mình về điều đó? Sao ta lại muốn tất cả mọi người đều phải nhảy lên khi nhìn thấy thác Niagara?

Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống… Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.

Cách đây nhiều năm, nhiều xe hơi ở Việt Nam vẫn còn là thứ vô cùng xa xỉ, người bạn của tôi sau một thời gian quyết tâm dành dụm và nay mượn đã mua được một chiếc. Chỉ là một chiếc xe cũ thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh chỉ là một nhà báo với thu nhập và phải và vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình phản đối nói anh phung phí. Đồng nghiệp xì xầm rằng anh đua đòi. Bạn bè nghi ngại cho anh là anh học làm sang. Và anh tâm sự với tôi rằng: từ hồi còn nhỏ xíu, anh đã luôn mơ mình được ngồi sau vô lăng, được tự lái xe lên rừng xuống biển. Ước mơ đó theo anh mỗi ngày. Vì vậy anh đã gom góp suốt thời gian qua, cho đến khi có thể mua được một chiếc xe cho riêng mình. Chỉ thế thôi. Rồi anh nhìn tôi hỏi: “Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình? Sao tôi phải sống theo tiêu chuẩn của người khác?”

Tôi không thể tìm ra một câu trả lời đủ thuyết phục cho câu nói đó. Bởi thế, tôi luôn mang theo câu hỏi của anh bên mình. Nó nhắc tôi rằng, rất nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những điều người khác đã nói, sẽ nói và có thể nói mà không dám sống vơi con người và ước mơ đích thực của mình.

Một người bạn khác của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện quyên góp, chia sẻ. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà rất nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó, kể cả khi hành động hoàn toàn vô vị lợi, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được định kiến lời gièm pha ác ý. Vậy sao ta không bình thản bước qua nó mà đi?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?

Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn. Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao. Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như đôi giày của mình phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ chân vào đôi giày đó và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi nếu không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay gia cảnh mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này - một cái chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

 

Khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt

 

Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả.

EDMOND BURKE

 

Đó là một bộ phim hoạt hình, một siêu nhân đang đẩy một siêu nhân khác rơi xuống vực. Con trai tôi cau mày hỏi: “Đó là siêu nhân xấu hay siêu nhân tốt?”. Tôi trả lời: “Đó là siêu nhân tốt”. Mặt bé dãn ra tỏ vẻ yên tâm. Và hài lòng. Một siêu nhân tốt đẩy một siêu nhân xấu rơi xuống vực thì không có gì là đáng buồn. Trong những bộ phim hoạt hình, cái ác chưa bao giờ chiến thắng.

Tôi ngắm nụ cười hồn nhiên và chợt băn khoăn, cậu bé của tôi đã sẵn sàng chưa, để nghe rằng cuộc sống phức tạp hơn thế? Cậu đã sẵn sàng chưa để tôi có thể nói rằng xấu và tốt không phải là hai chiếc sọt để chúng ta có thể phân loại con người. Nếu xấu và tốt là hai mặt của một bức tường, thì chúng ta, đa số đều đang bước chênh vênh trên bức tường đó. Sống là giơ tay ra để giữ thăng bằng. Vì vậy phải chú ý đến hành vi, bất kể ta là ai. Xấu và tốt là những gì xảy đến trong từng hành vi. Thậm chí, trong động cơ của từng hanh vi đó. Bởi thế đừng quá tự tin vào mình. Đừng tin rằng mình mãi mãi là người tốt.

Chúng ta là người tốt, điều đó có nghĩa ta có khuynh hướng thực hiện và tin tưởng điều tốt, nhưng không có nghĩa là ta vĩnh viễn tốt. Và ngược lại. Đó là lý do những tội phạm có thể hoàn lương. Và dó cũng chính là lý do có những người rất hiền lành bỗng dưng trở thành tội phạm. Như trong vở kịch Hamlet của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm cười, và trở thành một kẻ hung ác”.

Chúng ta là người tốt. Nhưng có lúc chúng ta cười cợt trước một người điên. Chỉ một lần thôi. Chúng ta lạnh nhạt trước một lời cầu xin giúp đỡ. Chúng ta tỏ vẻ ghê sợ một người tàn tật. Ta dửng dưng trước một số phận xa lạ nào đó. Ta lợi dụng óc thông minh của mình để đẩy phần thiệt về phía người khác. Một lần thôi. Chỉ một lần ta bỏ phiếu chống lại sự chính trực. Và ta tự nhủ chung quy mình vẫn là người tốt. Chỉ một hành vi nho nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến Thiện - Ác.

Có thật vậy không? Tôi tự hỏi.

Những tin tức trên báo nhiều khi làm ta nổi giận và đôi lúc, khiến ta bi quan. Người ta giết nhau, chà đạp nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau, người ta hành hạ những đứa trẻ, xua đuổi các cụ già, ăn chặn của kẻ nghèo khó hơn mình. Những yêu thương, chia sẻ của ta như hạt cát ném vào không trung, quá nhỏ bé trước nỗi bất hạnh của người khác.

Có người cho rằng con người đang trở nên vô cảm hơn. Nhưng tôi không muốn tin như vậy. Chúng ta chỉ dễ hoài nghi hơn. Như Mạnh Tử nói “Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã” - không có lòng trắc ẩn không phải là người vậy. Dù rằng lòng trắc ẩn không đem lại cho chúng ta niềm vui mà chỉ khiến ta cảm thấy đau nhói trong lòng, khiến ta thấy mình bất lực, thất bại. Khiến ta thấy mình như kẻ thua cuộc trước cái ác và những điều đau khổ. Nhưng không ai không có lòng trắc ẩn. Nó là một gánh nặng mà trái tim ta phải mang khi ta là một con người.

Nhưng thực tế, nhiều khi ta không bày tỏ lòng trắc ẩn bằng hành động, thậm chí, bằng những giọt nước mắt. Cả bạn, cả tôi. Vì bận rộn, vì lơ đễnh, vì ích kỉ? Có lẽ. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu vì lý do này: Chúng ta không tin rằng hành động của mình sẽ đem lại một kết quả rõ rệt. Rằng giọt nước mắt chẳng làm nên điều gì khác biệt. Rằng mọi việc ngoài tầm tay của ta.

Tôi biết, thế giới đầy những cuộc bầu cử gian lận. Ở đó, có những lá phiếu không được tính. Nếu bạn biết lá phiếu của mình là vô nghĩa, hẳn bạn không muốn đi bỏ phiếu hoặc không thực sự bỏ phiếu. Cũng như trong cuộc đời. Một bữa ăn cho trẻ lang thang và hôm sau đứa bé tiếp tục đói. Quét vài đống rác và hôm sau người ta tiếp tục xả. Nếu người ta tin rằng việc làm tốt của mình không thực sự có ý nghĩa, không thể tạo nên một thay đổi khả dĩ cho tình cảnh, người ta sẽ không muốn phí thời gian để thực hiện nó. Nếu ai đó tin cái Ác sẽ thắng, họ sẽ không muốn đấu tranh cho cái Thiện.

Nhưng may mắn thay, tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Đó là lý do khiến chúng ta phải tự hỏi mình mỗi ngày: Hôm qua ta đã bỏ phiếu cho ai? Hôm nay ta sẽ bỏ phiếu cho ai? Ta muốn ai chiến thắng?

Chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh. Chúng ta đang sống chung thời đại. Một cuộc tồn tại vĩ đại. Mỗi hành tinh nhỏ mà chúng ta tương tác với nhau đều tạo ra những lan truyền. Một đứt gãy nơi này có thể khiến nơi khác rung chuyển. Một con động đất ở nơi này có thể dẫn đến cơn sóng thần ở nơi khác. Theo cách đó, giọt nước mắt của bạn sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi bạn, và đánh thức lòng trắc ẩn nơi người khác.

Cái ác, cũng như sự chết, vẫn diễn ra rải rác khắp nơi, ngay lúc này, kể cả khi ta không nhìn thấy nó. Bạn nhìn thấy nó thường xuyên, điều đó chưa chắc có nghĩa là nó nhiều hơn. Bạn không nhìn thấy nó, cũng chưa hẳn là nó đã ít đi. Và giảm thiểu cái ác, xoa dịu tổn thương, không chỉ là nghĩa vụ của một đất nước, một thế hệ, một nền giáo dục riêng lẻ mà mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, và đồng thời của từng con người một, trong từng giây ta sống.

Có lẽ, không có cuộc “tranh cử” nào công bằng và sòng phẳng hơn cuộc đua giữa Thiện và Ác. Chúng ta không biết cuộc tranh đua sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn ở đó mỗi lá phiếu đều được tính. Giọt nước mắt và nụ cười của ta được tính. Sự phẫn nộ hay thờ ơ của ta được tính. Mỗi hành vi của ta đều được tính.

Điều ta làm hôm nay, ngay lúc này, hoàn toàn có thể trở thành lá phiếu quyết định.

 

Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời

 

Phải làm gì đây khi cô bạn gái mình đang để ý ngang nhiên “phán” rằng bạn là chàng trai “đã thành niên mà chưa trưởng thành”, trong khi cô ấy chào đời sau bạn tới… mười ba tháng? Đau quá!

Phải, tôi hiểu bạn. Đau lắm!

Đối với nam giới, được công nhận là “đã trưởng thành” chính là thành công đầu tiên cần phải đạt được, trước mọi thành công khác. Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, cũng là một nhà khoa học Việt sống tại Nhật đã viết về ngày trưởng thành của con trai mình như thế này:

“Trong ngày trưởng thành, các bạn Nhật của con đeo cà vạt, vận kimono, tập trung tại tòa thị chính, nghe ông thị trưởng giảng đạo dức. Sau đó chúng kéo nhau đi Shibuya và Harajuku, hát karaoke, rồi uống rượu say khướt. Trong ngày trưởng thành, ký túc xá của con chìm trong đêm rét buốt, tuyết dày một mét phủ ngoài sân. Con ngồi trong phòng, trước laptop, thiết kế một tòa nhà dựng trên sa mạc Sahara”.

Đối với người này, sự trưởng thành nghĩa là được phép uống rượu say khướt, còn với người khác, nó nghĩa là bắt đầu hiện thực hóa một ước mơ.

Với bạn thì trưởng thành nghĩa là gì?

Thật tiếc là chúng ta không có một lễ trưởng thành như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mười bốn tuổi, chúng ta có quyền làm chứng minh thư. Mười tám tuổi, được đi bầu cử và có đầy đủ quyền công dân. Mặc dù vậy, không có ai nghiễm nhiên được công nhận là đã trưởng thành vào tuổi mười tám. Cũng không ai làm lễ vào ngày nhận chứng minh thư hay lần đầu tiên đi bầu cử. Có phải vì không có dấu mốc rõ rệt nên chúng ta không có sự khao khát trưởng thành cũng như khao khát khẳng định sự trưởng thành của mình? Và vì thế mà có không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì. Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không. Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy. Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như trẻ con.

Để chứng tỏ sự trưởng thành, bạn có thể học cách hành xử giống như những người trưởng thành. Tuy nhiên, trưởng thành không phải là để chứng tỏ. Thật ra, trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm, mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở từng khía cạnh khác nhau vào một thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Có thể bạn trưởng thành trong chi tiêu ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Có thể bạn trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết tôn trọng người đối diện. Nhưng có thể đến năm ba mươi tuổi, bạn vẫn chưa trưởng thành về tình cảm, nếu còn tin rằng tình yêu không thể chỉ được cảm nhận mà luôn cần phải được chứng minh…

Dù sao thì việc bị gán cho cái mác “thanh niên mà chưa trưởng thành” là thất bại đáng buồn đối với bất cứ ai. Tôi không biết vì sao cô bạn kia khẳng định là bạn chưa trưởng thành và về phương diện nào. Nhưng nhìn từ một góc độ nào đó, tôi cho rằng cô ấy đã nhận xét đúng. Có nhớ hôm kia bạn kể với tôi rằng từ miền Trung vào bạn “phải tự đi xe đò vào Sài gòn, tự tìm nhà trọ, tự mua bản đồ và hỏi đường đến điểm thi, không có ai đi theo cả”. Bạn kể với sự buồn bực không hề che giấu. Bạn trách cha mẹ mình đã không như hàng triệu phụ huynh khác, lặn lội đưa con đến phòng thi, rồi ngồi vạ vật đợi con đến tận trưa ngoài cổng. Tôi lấy làm lạ. Đáng lẽ đó là điều bạn phải tự hào mới đúng, sao lại tủi thân? Mười tám tuổi và vẫn chưa muốn (hay chưa được phép?) tự đi thi một mình, lẽ nào bạn cũng là một trong những người trẻ đang tìm cách trì hoãn sự trưởng thành của mình?

Bạn có biết, cũng như tuổi già, trưởng thành là một quá tình không thể ngăn cản, trước hay sau, nhanh hay chậm chúng ta cũng buộc phải trưởng thành. Trưởng thành là kết quả của những biến cố, vấp ngã, va chạm, kiến thức và cảm nghiệm mà ta thu nhặt được trên đường đời. Nhưng cũng vì vậy mà sự trưởng thành có thể bị trì hoãn, cũng như có thể được thúc đẩy… một cách khách quan hay chủ quan.

Có người nói với tôi rằng con người chúng ta cũng như những cai cây, và có những người giống như cây bonsai vậy. Cây bonsai không phát triển về tầm vóc, nhưng nó vẫn trưởng thành.

Ở Mỹ, trẻ vị thành niên trên 14 tuổi có thể trình Thỉnh nguyện thư lên thẩm phán để xin hưởng quyền trưởng thành. Người hưởng quyền trưởng thành được hưởng một số quyền pháp lý của người lớn như ký hợp đồng, tự chọn nơi sinh sống, định đoạt tài sản riêng và tự ghi danh đi học… Tuy nhiên, người đó sẽ phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, tự mua bảo hiểm y tế, nha khoa, xe cộ, tự trả các hóa đơn của mình.

Một người bạn của tôi tâm sự rằng, khi cha anhmaats vào năm anh 13 tuổi, một phần con người anh đã chết theo ông, và phần còn lại trưởng thành gần như ngay lập tức khi anh phải đối diện và xử lý tất cả việc còn lại của gia đình, thay cha chăm sóc mẹ và hai cô em gái nhỏ. Không còn chọn lựa, vào năm 13 tuổi, anh buộc phải trưởng thành.

Bạn hỏi rằng làm sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư? Tôi sẽ nói bạn nghe điều tôi nghĩ: Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.

Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời.

Nguồn: truyen8.mobi/t121198-neu-biet-tram-nam-la-huu-han-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận