Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn Chương 8

Chương 8
Tuổi của ta là tuổi của trái tim…

Tình yêu như tháng Năm

Mang gió nồng nắng lửa

Lòng anh là đầm sen

Hay là nhành cỏ úa?

Tháng Năm - XUÂN QUỲNH

 

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ. Vì sao người ta thường bỏ mất con số của năm sinh, và chỉ muốn quan tâm đến ngày tháng?

Có lẽ bởi vì nó không quan trọng. Cái gì đã trôi qua thì không quan trọng lắm. Năm, là thứ trôi qua, là thứ chúng ta chỉ đếm tới, không bao giờ lùi lại được.

Ngày và tháng thì khác. Chúng trở lại, rồi tiếp tục trở lại, như một vòng tuần hoàn. Xuân Hạ Thu Đông. Rồi lại Xuân. Như thế chẳng phải là kỳ diệu lắm sao. Cũng như những vòm phượng vĩ cháy rực ở góc đường Tháng Năm của ngày xưa đó. Khi chúng lụi tàn, chỉ còn vòm xanh hờ hững và chìm khuất. Tưởng đã lãng quên. Nhưng bây giờ chúng lại cháy rực ở góc đường kia. Để ta nhớ, tháng Năm quay lại rồi.

Ngày và tháng, chúng trở đi trở lại, để làm gì vậy? Ý nghĩa duy nhất mà tôi có thể nghĩ là chúng trở lại để cho ta thêm một cơ hội nữa. Một khởi đầu nữa nếu ta muốn thế. Bởi cuộc đời thật nhiều thiếu sót, nhiều lỗi lầm, nhiều vấp ngã, và nhiều tiếc nuối làm sao. Ngày và tháng, chúng trở lại để chỉ cho ta cái nút Restart của đời ta.

Tôi là người ưa công nghệ nhưng không rành máy móc cho lắm. Nên tôi khoái cái nút Restart của máy tính biết chừng nào. Có lắm lúc, cái máy vi tính bị treo đột ngột mà tôi chẳng thể biết là do đâu. Khi ấy, tôi nhấn nút Restart.

Cuộc đời cũng như cái máy tính vậy thôi. Đôi khi ta cũng bị “treo” như vậy… Đó là khi đầu óc ta căng cứng, không còn cảm xúc, chẳng màng buồn vui. Ta kiệt sức. Buông xuôi. Chán ngán. Hoặc tệ hơn, cuộc đời ta trở nên lộn xộn không thể tưởng được. Ta chẳng biết có còn tin được cuộc đời nữa hay không. Nó khiến những ngày trôi qua giống như một đống chỉ rối mù và ta tưởng như không biết lần đầu mối từ đâu để gỡ. Công việc, bạn bè, gia đình, ước mơ, nghĩa vụ chồng chất lên nhau… Điều tồi tệ là tình cảnh đó có thể đến với chúng ta ở bất kỳ lứa tuổi nào. Mười ba, mười chín, ba sáu hay năm mươi…

Và rồi, may mắn làm sao, ngày sinh nhật đến như một vị cứu tinh. Để ta có một ngày ngồi xuống và nghĩ về cuộc đời mình. Để ta biết rằng ngày mai, nếu ta muốn, sẽ là một ngày khác. Người ta thường tiếc vì cuộc đời không có nút Delete. Nhưng ta luôn có thể nhấn nút Restart. Một cơ hội để khởi động lại. Một cơ hội để ta sửa chữa những hư hại của trái tim. Để ta quét vài con virus phiền nhiễu ra khỏi đầu óc. Để xóa bớt những mối quan hệ nặng nề mà vô dụng… Để dọn dẹp lại cuộc đời mình. Cơ hội đó đến, ít nhất là mỗi năm một lần, vào ngày sinh nhật.

Tôi nhớ những ngày tôi hai mươi… Có một ngày sinh nhật. Tôi ngồi một mình trong quán cà phê. Chẳng ai nhớ đến. Không một ngọn nến hay lời chúc. Tôi thấy mình chìm nghỉm trong nỗi buồn. Tôi ngồi đó đến khi đêm đã xuống… và tự nhủ rằng “thế là đã hết một ngày”.

Đột nhiên có điều gì trong ý nghĩ đó đánh động tôi. Đã hết một ngày, và ngày mai là một ngày khác. Không, ngày mai, không phải “lại là”… mà “sẽ là” một ngày khác.

Thế rồi, tôi chợt nhận ra một trong những sai lầm lớn nhất của mình. Đó là tôi luôn mong đợi ai đó đến bên cạnh tôi và làm cho tôi cảm thấy vui. Tôi đã luôn dựa vào người khác để tìm kiếm niềm vui. Mong đợi một người bạn nhớ đến mình và rủ đi cà phê, chẳng hạn. Hay là mong chờ anh chị em mua một cái bánh kem và hát Happy Birthday. Nếu có tôi sẽ sung sướng, vui vẻ, tích cực, thấy cuộc đời ý nghĩa. Nếu không, tôi thất vọng và dễ dàng để mình rơi tuột xuống, chìm nghỉm như tàu Titanic. Thói quen đó tệ đến mức, thậm chí, kể cả khi cuộc đời ta trở thành đống lộn xộn thì ta cũng ngồi đó, chờ đợi ai đó đến dọn dẹp giúp mình.

Trong khi, cuộc đời này, là của chính ta. Sinh nhật. Đó là một ngày đặc biệt trước hết là cho chính ta, bởi chính ta. Trước khi chờ đợi ai đó chúc mừng sinh nhật, tự ta nên chúc mừng chính mình. Rốt cuộc thì lòng ta muốn là đầm sen, hay là nhành cỏ úa? Đầm sen hay cỏ úa, là do ta mà thôi.

Tôi luôn muốn có vài cơ hội được thấy mình quan trọng giữa những người khác. Sinh nhật là cơ hội đó. Cả đám đông chúc mừng một người. Vì ngần ngại, hay sĩ diện, đôi khi ta chờ đợi lời chúc mừng tự phát. Ta xem đó là bằng chứng của sự quan tâm. Nhưng sự thật là ta có thể khiến mình trở nên quan trọng hay được quan tâm. Hay nói một cách khác, ta hãy chủ động trao tặng những người thân thiết một cơ hội để họ thể hiện sự quan tâm. Thay vì ngồi ủ rũ vì sự vô tâm hay quên lãng (hoàn toàn có thể tha thứ được) của ai đó, ta có thể nhấc điện thoại lên và gọi: “Hôm nay/ ngày mai/ngày kia/ tuần tới là sinh nhật tôi, đi cà phê nhé, đi ăn mừng nhé, đến nhà tôi lai rai nhé, tặng tôi một món quà bất ngờ nhé…”. Mười người thì ít nhất cũng được vài người hồ hởi tham gia… Mà nếu không có ai chăng nữa, thì cũng đâu có gì bi thảm nếu ta tự chúc mừng và tự mua cho mình món quà mình thích. Dù gì, đó cũng là sinh nhật của ta kia mà.

Bây giờ là tháng Năm. Tôi biết một chú bé đang đợi quà sinh nhật. Bởi vì chú đếm từng ngày và nhắc tôi mỗi sáng, và mỗi tối. Những đứa trẻ luôn nhắc người khác nhớ rằng đã sắp tới sinh nhật chúng rồi.

Sự thật là năm vẫn trôi đi mải miết, và tuổi đời ta cứ thế mà đếm lên theo. Nhưng ngày tháng vẫn cứ trở lại hoài để nhắc rằng ta từng là đứa trẻ. Dù đây là lần sinh nhật thứ bao nhiêu của bạn đi nữa, thì cũng hãy ăn mừng một cách hân hoan và hồn nhiên như một đứa trẻ. Và hãy giữ luôn đứa trẻ ấy trong tim mình. Bởi tôi nhớ có ai đó đã nói: “Tuổi của ta là tuổi của trái tim…”

Chúc mừng sinh nhật!

 

Yêu thương từ nơi rất xa

 

… Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa

Trời cao chìm rơi xuống đời

Biết là bao sầu trên xứ người…

Thuyền viễn xưa - ý thơ HUYỀN CHI, nhạc PHẠM UY

 

Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?

Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là “tùy cảnh, tùy người”.

Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác… khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ.

Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm trường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài xanh rụng, chứ hai mươi năm ăn xoài xứ lạ mà có thấy nhung nhớ gì đâu…

“Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?”. Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà.

Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời làng quê ra thành phố học đại học, rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.

Chỉ có điều… khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ… Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở chốn xưa được nữa.

Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà.

Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả.

Đôi khi, chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. “Nhà” ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm “nhà” càng rộng. Và nỗi nhớ càng mênh mông.

Thư của K., bạn tôi viết rằng: “Từ khi qua bên này đường như K. không thấy mình lớn lên nữa. Lúc nào cũng nghĩ về Việt Nam, về tuổi thơ của mình. Và thời gian hình như đã dừng lại từ ngà rời Việt Nam rồi”.

K. nhắc không thôi những kỷ niệm ấu thơ, những cây me ở góc đường, ngôi nhà cũ, bạn xưa. Chỉ tôi biết, chẳng còn gì ở đó, trong không gian thực. Trong khi ở nơi xa kia, K. lấy vợ, sinh con, hàng ngày lái xe đi làm để nuôi dưỡng một gia đình nho nhỏ. Vậy mà thấy như thời gian đã dừng lại lâu rồi.

Bao nhiêu người trở về chốn cũ, nhìn góc phố xưa giờ lạ lẫm, nhìn người xưa như ai đó, khi ra đi lại tiếp tục nhớ thương, không phải những gì vừa gặp lại mà là những điều giờ không còn nữa.

Và như thế, tôi nhận ra rằng dường như chúng ta luôn nhớ nhà như nhớ một ảo ảnh hạnh phúc mà ta ngỡ rằng mình đã bỏ quên. Nhưng không, chúng ta không bỏ quên. Mọi thứ chỉ đơn giản là biến mất. Vạn vật đổi thay. Bất khả vãn hồi.

“Còn hạnh phúc nào hơn là được quay về nhà? Và còn gì đáng buồn hơn là khi quay về nhà, và nhận ra mình không phải là một phần của nó?”. Câu này tôi nghe được trong một bộ phim nòa đó lâu rồi…

Edgar Watson Howe cũng nói: “Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà”.

Cảm giác ấy, tôi cũng từng trải qua. Ở Sài Gòn, và tôi vẫn không nguôi thương nhớ Sài Gòn. Như một nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là một căn bệnh nan y. Giống như chứng nhức xương, nó dậy lên mỗi khi trời trở gió…

Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa, thay vì đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cay.

Cô người mẫu da đen Tyra Banks, sinh ở California sau đó chuyển đến Paris từng tâm sự: “Paris là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Chẳng may, tôi quá nhớ nhà nên không thể thưởng thức được vẻ đẹp của nó”.

Khi đọc được câu này lần đầu tiên, tôi đã mỉm cười. Thật là một cách thông minh để ca ngợi quê hương mình. Nhưng lần thứ hai đọc nó, tôi nhận ra một ý nghĩa khác: đừng để nỗi hoài nhớ của riêng mình ngăn cản ta tìm hiểu thế giới và tận hưởng hiện tại. Đừng để nó ngăn cản mình lớn lên.

Tôi biết rằng một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà, lòng ta sẽ khác. Chắc chắn như vậy, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một làng quê, một thành phố hay một đất nước…

Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại.

Bạn có thể tìm lại những cảm xúc cũ xưa sau rất nhiều năm tháng cũng có thể không. Khả năng thứ hai thường xảy ra hơn. Nhưng hãy bình tâm, bởi Helen Keller nói đúng, rằng: “Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này là không thể nhìn thấy hay chạm đến được - chúng phải được cảm nhận bằng trái tim”.

Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu thương một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ…

Một ngày nào đó, bạn sẽ ra đi. Và tôi mong rằng tất cả những người trẻ đều có dịp đi xa. Lên thành phố học đại học. Lập nghiệp ở tỉnh khác. Ra nước ngoài du học, định cư. Hay thường xuyên nhất, đi du lịch.

Khi ấy, thêm một lần nữa, hãy trả lời giùm tôi câu hỏi: “Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà?”

 

Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa

 

Này Bi ơi này Lữ ơi

hồi tụi mình còn học lớp ba

nắng chắc vàng hơn bây giờ nhỉ?

NGUYỄN HỒI THỦ

 

Tôi có một người bạn rất thân khi học cấp 2. Rồi không hiểu vì sao, do đâu và từ bao giờ, chúng tôi không gặp mặt nhau nữa, không trò chuyện với nhau. Chúng tôi mất hút nhau trong cuộc đời.

Một hôm kia, tôi chợp nhìn thấy bạn khi đang trên đường đi làm về. Tôi không kìm được mừng rỡ đến chào hỏi bạn, bắt tay bạn và nhắc lại thời ấu thơ. Nhưng bạn có vẻ ngại ngần… Và tôi, sau mấy câu xã giao bỗng dưng không còn gì để nói. Chia tay bạn ra về, tôi chợt nhận ra rằng tình bạn đã phai nhạt từ lâu lắm. Tôi vẫn yêu quý bạn như ngày cũ, vẫn nhớ về bạn dù bao năm trời không gặp. Và bạn, có lẽ không đến nỗi hững hờ. Nhưng những ngã rẻ cuộc đời đã khiến chúng tôi không còn gì chung để chia sẻ với nhau… Người ta thường nói tình bạn khởi đầu từ tuổi hoa niên luôn rất đẹp. Nhưng người ta quên nói rằng tình bạn ở tuổi hoa niên cung có thể là một bước ngoặt.

Đó là thời điểm của những đổi thay về thể xác, tâm lý, nhận thức và tình cảm… Những thay đổi đến từ từ và không theo trình tự nào, không giống nhau ở mỗi người. Đó là lúc ta nhận ra mình thay đổi, ta khám phá ra hình ảnh của mình, ngày một rõ ràng hơn. Và rồi, cả những người bạn vốn rất thân thiết của ta cũng thay đổi.

Những người bạn đồng hành cùng ta đi qua thời mới lớn chông chênh này nhiều khả năng sẽ là những người bạn thân thiết và chân thành nhất mà ta có được trong suốt cuộc đời. Đó là những người đã nhìn thấy ta trong quá trình lột xác, có khi từ xấu xí trở nên xinh đẹp, từ yếu đuối trở nên mạnh mẽ, hoặc ngược lại. Người đã chứng kiến những thay đổi lạ kỳ nhưng vẫn ở bên cạnh ta, và người đã thay đổi nhưng ta vẫn cảm thấy rất thân quen.

Có nhiều khả năng đó sẽ là một người bạn thân thiết.

Giai đoạn thơ ngây và thường vô vụ lời này là cơ hội tốt nhất để tìm được một tình bạn thân thiết. Có nhiều mối quan hệ trong đời được mệnh danh tình bạn, nhưng những người bạn thân thiết thì thật sự hiếm hoi. Vì thế, hãy cố giữ chặt lấy họ.

Nhưng nếu…

Nếu ta không thể nào giữ được tình bạn thì sao? Trong quá trình thay đổi không gì ngăn cản được ấy, có những người bạn ngày càng trở nên gắn bó, nhưng cũng có khi, ta đột nhiên nhận ra rằng có những người bạn từ thời ấu thơ bỗng trở nên xa lạ. Có thể đó là lỗi của ta, có thể là lỗi của bạn, có thể là lỗi cả hai, nhưng có thể (và cũng thường như thế) là không ai có lỗi.

Mary Tyler Moore đã nói rằng: “Đôi khi, bạn phải quen biết một người thật sự sâu sắc mới có thể nhận ra đó là một người hoàn toàn xa lạ”. Cuộc sống đang chảy về phía trước. Ta đổi thay và bạn cũng đổi thay. Sự chia xa âu cũng là lẽ thường tình của đời sống, có rồi lại mất, đến rồi lại đi. Vì thế sẽ có những tình bạn keo sơn kéo dài đến tận khi ta lìa cuộc đời với mái đầu trắng, nhưng cũng có những người chỉ gắn kết với nhau trong một đoạn đời nào đó, rồi thôi.

“Những người bạn của cuộc đời

Có người như tấm gương

Có người như cái lược

Có người như con dao

Có người như ngụm nước…”

NGUYỄN HỒI THỦ

Theo sự đưa đẩy của cuộc đời (và đôi khi của cả lòng người) lâu bền. Nhưng dường như chẳng mấy khi người ta nói cho chúng ta biết cách để tình bạn ra đi đúng lúc. Giữ được tình bạn đẹp là một nghệ thuật. Nhưng biết cách chia tay tình bạn (đã từng) đẹp cũng là một nghệ thuật. Đó là phải làm sao để dù không còn cà phê, hẹn hò hàn huyên hay quan tâm sâu sắc đến nhau nữa, thì vẫn không hề ghét bỏ nhau.

Nếu sống chân thành, bạn sẽ hiểu đôi khi phải buông tay để tình bạn ra đi - nhẹ nhàng trong luyến tiếc. Bởi thân mật một cách gượng ép - cốt để níu kéo một mối quan hệ đã nhạt nhòa - sẽ chỉ tạo nên những vết hằn xấu xí trên gương mặt hồn nhiên của kỷ niệm.

Chi bằng cứ trả tình bạn ấy về đúng chỗ của nó - trong một ngăn ký ức của ta - để mỗi lần nhớ đến ta đều thấy lòng mình rung lên bởi chút bồi hồi rất nhẹ.

“Về đâu dăm người bạn nhỏ

tựa những vì sao đêm

lấp lánh trong dòng Ngân Hà của trí nhớ”

NGUYỂN HỒI THỦ

Và điều đáng kể nhất, chính là những dư vị còn lại trong trái tim ta, làm đầy ắp tâm hồn ta. Những dư vị ngọt ngào của một tình bạn - dù đã nhạt nhòa.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t121200-neu-biet-tram-nam-la-huu-han-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận