Thấy lấm tấm mồ hôi, đói bụng, Thái Dũng bèn gò cương, thả ngựa chậm bước, đưa mắt nhìn quanh.
Một vùng rừng xuân mơn mởn, trắng xoá đầy hoa bướm, núi xanh lơ vắt ngang rải rác lưng đồi ẩn hiện bóng nhà sàn thổ dân.
Chợt nhớ đã quên ong chúa trên núi, chàng bèn tiến ngựa vào một cánh đồng mướt cỏ non, cho ngựa gặm, mắt chàng đảo tìm trái cây.
Huyết Phong Câu mải gặm cỏ, đi mãi vừa khỏi cánh rừng non, bỗng nghe nhiều tiếng ngựa hý, người nói líu lo đâu đây. Thái Dũng vội ghìm cương tìm quanh, chợt thấy lố nhố dưới hàng cây lớn có khá nhiều lều vải màu chàm, bóng người qua lại tấp nập, từng bầy ngựa tháo yên đang ăn cỏ quanh đấy. Nhác hai, ba bóng áo chàm xách súng canh phòng mặt mày dữ tợn, Thái Dũng đoán chẳng phải quan binh liền nhẹ ngoắc ngựa bỏ đi hướng khác.
Được một quãng, chợt nghe tiếng cười khanh khách phía trước. Lắng tai, rõ tiếng đàn bà, cả giọng Quan Hoả lẫn giọng Kinh, thánh thót như chim oanh.
Ngạc nhiên, Dũng liền xuống ngựa, theo tiếng cười, tiến bước, đến một con suối bắc ngang, vừa vạch lá dòm, chàng trai giật nảy mình, đỏ ửng hai tai vì cảnh lạ Bồng Lai đập vào nhỡn tuyến.
Một bọn gái khỏa thân đang đùa nghịch dưới suối, vừa cười nói vừa tát nước lên mặt nhau, có nàng đứng lồ lộ trên bờ, sừng sững cả toà thiên nhiên.
Tuy đã quen phong tục tắm khoả thân trên mạn ngược, nhưng Dũng cũng hơi lấy làm lạ vì nghe giọng nói, không phải gái Thổ Mán. Bỗng một nàng từ dưới nước vọt kên thạch bàn, cầm một dải khăn dài múa tít, phát gió vù vù, cười lảnh giọng Quan Hoả:
- Coi ta cỡi khăn này!
Vụt! Nàng buông tay, dải khăn trải dài, nhấp nhô như sóng, cách mặt nước hơn thước, cô gái nhảy tót lên, khăn bay liệng vòng thúng. Trên bờ Dũng phải kính phục tài nghệ tuyệt vời của cô nàng.
- Múa khăn đã khó, còn đạp khăn lướt đi, chà! “Đạp vật phi” thượng thừa! Ghê thay gái rừng xanh!
Lúc đó, khăn vừa hạ xuống một ghềnh đá nhô giữa dòng cách xa chừng năm, sáu con sào. Cô gái cất tiếng cười khanh khách, tung vù dải khăn nhảy tót lên.
Dải khăn dập dồn bay xé gió, oái ăm thay, chuyến này vô tình lại xẹt vòng cả lên bờ, hướng thẳng về phía Thái Dũng núp. Chàng trai thất kinh lật đật thu mình, ngồi im thin thít, không dám thở. Vụt một cái dải khăn đã bay ập xế trốc đầu, cô gái co chân uốn cong dáng liễu, cất tiếng cười khanh khách, sừng sững lồ lộ cả một tuyệt phẩm hoá công, suối khe hoa cỏ sáng rực dưới trời xuân nắng ấm. Cô gái vừa cười vừa vẫy gọi các nàng ngoài suối, mắt phượng long lanh nhìn dọc bờ nước, lúc khăn xẹt qua chỗ Dũng ẩn, cô gái chợt thấy hoa đẹp, vươn luôn tay ngà bứt một cành. Thủ pháp nhanh lạ thường, cách trốc đầu chàng không đầy một thước, Dũng phát rét, ngồi chết cứng vì khóm hoa lá bị bứt mạnh, rẽ dạt làm hai. Lén trông lên, toà thiên nhiên đã đảo vòng ra ngoài suối. Chưa kịp thở phào bất thần nghe cô nàng vùng kêu lớn:
- Có người! Có người!
Thái Dũng thất kinh, dáo dác, chực phá chạy, nhưng sau lưng, bóng gái canh đã xách súng lướt tới, băng qua mặt chàng hơn sải tay.
- Gì đó... Cô nương?
Bầy gái kêu ré lên, nhao nhao, nhào xuống nước ngâm mình, ngay lúc đó, cô gái cỡi khăn ngã phăng người xuống, vớ lấy khăn đắp vội lên mình nhìn chỗ nọ, hở chỗ kia, cuống cuồng, hét lảnh:
- Súng! Súng... bay!
Vèo! Gái canh trên bờ ném luôn cây súng cối, cô gái bắt dính như nhựa, nhảy thốc lên bờ.
Thái Dũng hết hồn, nghe “đoàng” một tiếng, tiếp theo có tiếng kêu thất thanh. Trông theo, còn thoáng thấy một bóng đàn ông ngã từ trên cành cây ùm xuống nước, xế trước chỗ chàng chừng mười bước.
Chừng bị nã trúng chỗ phạm, gã đàn ông kia chỉ dẫy đành đạch mấy cái, rồi chết tươi, đầu cắm nước, chân vắt ngược trên một bụi gai.
- Chó đói dòm trộm! Đáng đời! Lật mặt nó lên coi đứa nào?
Bầy gái vơ xiêm y, cùng gái canh đổ ùa tới. Thái Dũng lạnh gáy thấy có ả chạy sát chỗ chàng núp, thừa cơ cả bọn chạy xúm bâu lấy xác chết, chàng trai vội khom lưng lê chân vịt khỏi khóm hoa, rón mông cò, chạy như ma đuổi.
Chừng ra khỏi “vùng tử địa thần tiên”, chàng mới thở hắt ra như vừa trút được cả ngọn Si Công Linh trên ngực.
- Phỉ thui! Phỉ thui! Đói bụng tìm trái cây, gặp gái! Suýt mang hoạ nhục ma mò!
Nhớ lại cảnh vừa qua, chàng tuổi trẻ càng phát sợ, lật đật lên Huyết Phong Câu, phi đại.
Chẳng ngờ vừa ra khỏi vùng suối bỗng nghe súng nổ đì đẹt, liền mấy phát đạn “chíu” bên tai, tiếp theo tiếng hô ồm ồm giật giọng:
- Đứng lại gã kia! Không nát sọ!
Giọng Quan hoả lẫn tiếng ta, Thái Dũng ngoái trông lại, thấy lố nhố sáu, bảy bóng nhân mã đuổi theo coi rất dữ. Tên đi đầu cắp súng dài, bắn lia lịa.
Chẳng rõ chuyện chi, chàng cứ giục ngựa phóng bừa.
Được non dặm, tới dãy đồi thưa chắn ngang, vừa phóng lên, bỗng thấy trên ngọn lố nhố hiện ra hàng trăm bóng nhân mã, cờ quạt xanh xanh đỏ đỏ phất phới, dàn hình cánh sẻ, lao xuống.
Chưa hiểu quân nào, Thái Dũng vội ngoắt ngựa chạy xé ngang. Không ngờ, cánh quân kia lập tức nổi hiệu kèn đồng, đuổi theo liền. Chàng phi tới một ngọn đồi, định vượt qua, lại thấy người ngựa cờ quạt nhô ra, lẫn tiếng quát dõng dạc bừng bừng.
Người ngựa tràn đồi, mấy phía đều tua tủa súng gươm, Thái Dũng túng thế đánh lộn vòng lại.
Vừa vặn gặp đám nhân mã áo chàm đuổi tới, chó sủa vang.
Đoán chắc lại cường sơn chi đó, chàng bèn ứng tiếng nói lớn:
- Coi chừng có cánh quân kéo tới! Đông lắm! Hình như quan binh!
Đẹt! Đạn sướt bên tai, ngựa đối đầu. Tên lực lưỡng đi trước mặt mày dữ tợn, lừ lừ chĩa súng:
- Sao phi chạy? Phải thám báo nhà nước không? Trói lại!
Mấy tên xô tới, may thay, ngay lúc đó có bóng thiếu nữ dẫn một toán nữ quân phi lại, vừa nhác dạng Thái Dũng, vùng kêu khẽ ngạc nhiên:
- Kìa! Công tử! Bọn bây không được hỗn! Gian tế nào đâu hở lũ ăn hại gà mờ!
Bọn áo chàm vội dạt ra, nhường lối, Thái Dũng nhìn mới hay chính cô gái áo tía, vệ nữ thần vừa tắm suối, giờ uy nghi trong tấm áo choàng màu hoa lăng.
- À... Cô nương...
Cô gái giục ngựa vằn lên, chào Dũng, sực thấy lố nhố đầy bóng kỵ sĩ lao tới theo nhịp kèn xung phong, nàng vùng rút súng, thét:
- Quan binh! Chắc Tây Quỷ Hà Giang! Nổi hiệu bố trận chặn chúng mau! Công tử nên lui về sau tìm chỗ núp!
Một gã cao lớn vừa từ sau phóng lên, che mày quan sát, nhanh giọng:
- Cô nương... Đông lắm!
- Đa Sát Thủ! Nói như quân tiểu tặc! Chú quên đang đứng bên Ngân Sơn Long Nữ Đông Quân vô địch nương tử sao? Bố trận! Cho Tây Quỷ biết oai Phi Mã một chọi trăm, nay cho hắn một trận tơi bời! Mấy tên hãy phò công tử!
Vó ngựa cuốn vòng, Thái Dũng cấp thời chẳng biết tính sao, đành giục ngựa theo bọn áo chàm phi về phía rừng sâu.
Tù và rúc vang, kèn đồng gấp gấp, ngựa hý, quân reo, súng nổ, nháy mắt, cả khu núi đồi trùng điệp đã chui vào khói thuốc khét lẹt, thiết pháo nhả đạn ầm ầm, cờ bay phất phới, tử khí ngút ngàn.
Thái Dũng cùng mấy tên áo chàm ẩn sau một ghềnh đá bên suối, nghe đạn réo trốc đầu như vãi đậu, chiếu ống nhòm coi tuyệt không thấy một bóng người chỉ thấy cành lá gẫy răng rắc. Bỗng liền mấy tiếng súng lớn nổ ầm, một viên xè xè trốc ngựa, rớt ngay lòng suối vỡ tan cả tấm thạch bàn thành đá vụn, nước cầu bắn tung toé, ướt cả áo.
Tên áo chàm nhe răng cười:
- Quân Tây bắn cả “mỏ chìa”! Cái “ní” sợ không?
Thái Dũng nhớ lời thầy khuyên, bèn trợn mắt kêu:
- Học trò không quen ngửi mùi thuốc súng! Chắc cánh dã chiến bọn chú ít người đánh lại không?
Tên giặc khách múa tay trầm trồ:
- Cái “ní” chưa biết mà! Cô nương “úa” đánh giỏi lắm, Tây làm gì được? Tam sơn tứ hải phải sợ! Cái “ní” đâu tới chưa biết Long Nữ Long Nương mà!
Tên khách đang khoe tài nữ soái, chợt thấy gã đứng cạnh lừ mắt vội im. Ngay lúc đó, bỗng cô gái áo tía dẫn một toán nữ quân phi tới gọi lớn:
- Công tử đâu?
Thái Dũng ló mặt ra, thấy tay trái nàng buộc băng trắng, vừa thấy chàng, cô nàng ngoắc dục:
- Hỏa lực Tây quỷ mạnh dữ, sắp xung phong, phải chuyển trận chỗ khác! Công tử mau theo thiếp, không kẻo nguy hiểm!
Thái Dũng thấy súng nổ quá gần, đành quất ngựa theo nàng lui tít vào rừng trong.
Cô gái quả không hổ danh “rồng cái”, đánh trận thạo, luôn luôn chuyển trận tới địa hình chọn lấy, đánh một lát, lại đi. Địch quân ỷ binh đông, súng lớn, quyết đuổi đánh, mấy lần đều rơi ổ phục, thiệt hại khá nhiều.
Cô gái bảo Thái Dũng:
- Tây Quỷ ỷ mạnh, háo thắng, đáng đời. Lối đánh này thường áp dụng bên Mễ Tây Cơ, núi rừng Đông Bắc chếch này địa hình thuận lợi quân Tây quỷ mới thích? Công tử thường đánh trận chăng?
Thái Dũng lắc đầu, lòng riêng không khỏi phục cô nàng thông binh pháp chẳng kém các danh tướng cổ kim. Vì xưa, Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân tung hoành trong thiên hạ đem kỵ binh đánh sang tận biển “Cát Biên”, hạ Đại Đế quốc Ba Tư, Nga La Tư, Ấn Độ, Đại Kim, Tây Hạ Trung Hoa... Chính đều nhờ thuật chiến thậm khôn ngoan đắc sách và cũng thật giản dị này: đánh địch trên chiến trường mình định! Cho đến các tay danh tướng Mông Cổ thừa kế thuật này, cũng đều mang chiến thắng vinh quang về cho Đại Hãn. Như tướng Độc nhỡn Tốc Bất Đại (Subotai) dẫn kỵ binh tiến về phía mặt trời lặn, đánh đâu thắng đó, quét sạch tất cả quân đoàn cường dũng của các nước trên đường tiến binh, suốt nhiều năm cho đến ngày kia đụng đầu Đế Quốc Nga La Tư. Nga Hoàng huy động cả trăm ngàn quân thiết kỵ Cô-dắc trong khi Subotai còn dưới cờ không hơn hai chục ngàn kỵ sĩ đã mỏi vó trường chinh. Trước khí thế Cô-dắc, các tướng Mông đều lắc đầu bảo chủ soái:
- Binh Cô-dắc người ngựa đều mặc giáp sắt vô địch Âu Châu. Thiết kỵ cả mười muôn ta, chỉ còn hai vạn, giờ chỉ còn cách rút về nương bóng oai Đại Hãn mới xong.
Subotai điềm nhiên bảo chủ tướng:
- Mông Cổ thường thắng địch đông gấp bội! Nay quân Nga chỉ gấp năm, giờ Đại Hãn bách thắng đang ngủ tại Kara Konrune xa xôi, nhưng nếu người có mặt tại miền băng tuyết này, trước mười muôn Cô-dắc, người sẽ làm gi? À, chắc chắn người sẽ đánh chúng “trên chiến trường người định”! Vậy ta sẽ đánh Cô-dắc trên chiến trường ta định!
Đó rồi, Subotai lên ngưa, đảo khắp miền biên địa Nga La Tư. Và xua quân xung trận. Liền mấy tháng thua chạy dài, Cô-dắc thừa thắng đuổi riết, cuối cùng rơi vào đúng chiến trường Subotai đã định, tại một vùng núi đèo băng tuyết. Hai bên dồn binh chờ sáng, quyết trận cuối cùng. Và cuối cùng hai vạn quân kỵ của Subotai đã tiêu diệt gọn mười muôn thiết kỵ Cô-dắc không còn một mống, không cả một tù binh!
Thái Dũng theo quân gái áo tía, chuyển đánh tới ba giờ chiều, quả nhiên các quân binh chết khá nhiều, phải nổi hiệu thu binh, dàn thế mới.
Gái áo tía nghe hiệu kèn, vùng cười lớn:
- Xưa soái ông Lưu Vĩnh Phúc phục binh Ô Cầu Giấy, Bá Dương còn bắt sống quan văn Henri Rivière trên lưng ngựa. Ta đây có máu soái Cờ Đen lẽ nào chịu kém? Giáp lá cà! Yểm trợ cho ta!
Dứt lời, nàng nổi tù và dẫn thủ hạ lướt luôn vào giữa trận, khí thế mạnh tợ như hùm cái xông rừng.
Thái Dũng đứng sau điểm tựa, nghe kèn thổi, tù và rúc, ngựa hý, quân reo như trời long đất lở, đạn nổ liên hồi rồi thưa dần, chỉ còn tiếng người rú lê thê. Nháy mắt đã thấy cô gái áo tía cùng toán binh nữ thủ túc bay ngựa về như gió cuốn mồm ngậm ngang một cây cờ xanh đỏ, nách cắp một viên quan Tây to lớn, ném bịch xuống chân ngựa.
- “Tây bàn” đó! Trói lại giải về núi! “Hàng sống” này phải đổi mấy thúng bạc xoè mới nghe!
Bọn giặc xông lại, trói nghiến viên quan Tây. Thái Dũng nhìn viên quan võ Đông Dương thốt kinh ngạc không ít, vì mấy năm trước từng theo cha dự một buổi dạ tiệc ở Cao Bằng, chàng từng gặp mặt trong hàng quan khách, chính là viên quan năm Giám binh De la Table vẫn khét danh là viên tướng khố xanh chuyên tiễu trừ giặc giã suốt mấy dãy biên thuỳ Hoa - Việt. Không ngờ lại bị “rồng cái” bắt sống giữa trận. “Tướng Tây Bàn” không nói nửa lời, chợt thấy Thái Dũng, viên Giám binh cứ ngó chòng chọc có vẻ ngờ ngợ, nhưng ngay lúc đó, cô gái áo tía đã cắm ngọn cờ cướp được vào yên ngựa, truyền nổi ám hiệu rút quân. Mấy phía cùng lui, đi chừng mấy dặm, đã nhập cả lại, chia ba cánh, kéo vào rừng già, rầm rập người ngựa, thú săn, lều bạt, cứ thế cuốn Thái Dũng vào giữa, xuyên sơn như gió lốc.